Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Sử thi ở Kon Tum



 
Sử thi, một loại hình văn hóa dân gian độc đáo tưởng chừng chỉ có ở Nam Tây Nguyên, nhưng không phải vậy. Từ khi triển khai thực hiện Dự án Quốc gia điều tra sưu tầm về Sử thi các dân tộc thiểu số năm 2000-2001, đã phát hiện ra hệ thống sử thi liên hoàn rất quí hiếm của dân tộc Ba Na và dân tộc Xê Đăng ở Kon Tum. Từ năm 2002 đến năm 2004, các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với địa phương đã hoàn thiện công tác sưu tầm, biên dịch và tiến hành xuất bản phát hành các tác phẩm Sử thi dân tộc Ba Na và Xê Đăng Tơđrá ở Kon Tum trong năm 2005 và 2006 phục vụ công tác nghiên cứu và giới thiệu về bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum được sáng tạo ra từ bao đời nay.
 
 Hát kể Sử thi ở nhà Rông - Ảnh: Nguyễn Đang.
 
Sử thi là di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trước đây thường hay gọi là Trường ca, anh hùng ca - một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của đồng bào và thường được diễn xướng trong các hoạt động cộng đồng.
 
Bằng thể loại văn vần xen lẫn văn xuôi dài hàng ngàn câu, với những tuyến nhân vật đan xen nhau thể hiện những giai đoạn lịch sử tiêu biểu của từng dân tộc thiểu số. Có vùng thì chỉ hát kể, có vùng thì vừa hát kể vừa kèm theo diễn xuất rất linh hoạt và thu hút. Thông qua đó người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tâm linh tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục tập quán, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội…được trình diễn một cách rất hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, có chương có đoạn, có mở có kết rất tài tình. Là sự thể hiện về khát vọng của đồng bào về một xã hội tươi đẹp, một cuộc sống đủ đầy, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác…
 
 
 
Sử thi dân tộc Xê Đăng nhóm Tơđrá:
 
Người Xê Đăng nhóm Tơđrá sinh sống chủ yếu ở các xã Ngọc Vang, Ngọc Réo…của huyện Đăk Hà, xã Đăk Ruồng huyện Kon Rẫy. Ở các vùng này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa quí giá, hệ thống Sử thi của dân tộc Xê Đăng nhóm Tơđrá ở đây được đồng bào gọi là hơ mon.
 
Hơ mon là hình thức hát kể, khi nghe qua giọng điệu hát kể của nghệ nhân, nhiều âm thanh được diễn tả khá cụ thể như là tiếng vó ngựa, lục lạc, tiếng gió thổi, tiếng suối reo, tiếng chim hót ca, âm thanh của nhạc cụ, của giông bão, khói lửa…Khi nghe hơ mon ta cũng cảm nhận được nhiều cung bậc tình cảm, lúc nhẹ nhàng, êm đềm, lúc mạnh mẽ, dồn dập…Tuy vậy, khi hơ mon nghệ nhân chỉ hát kể bằng giọng của mình chứ không hề có loại nhạc cụ nào để phụ họa. Tư thế khi hơ mon, các nghệ nhân Xê Đăng Tơđrá thường là ngồi tựa vào vách hoặc cột nhà. Không gian hát kể và diễn xướng khá đa dạng, có khi ngoài rẫy, khi ở nhà mình hoặc là nhà rông…Khi nghe hơ mon, người nghe thả hồn vào không khí tĩnh lặng, chìm đắm vào nội dung của câu chuyện, nhập thân vào không khí xa xưa hào hùng hoặc bi tráng của câu chuyện. Nghệ thuậthơ mon đã chắp cánh cho con người bay vào cõi mênh mông của những hồi tưởng, ước mơ, huyền ảo, là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc, sự cộng cảm trong quan hệ cộng đồng đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Xê Đăng Tơđrá.
 
Sử thi của người Xê Đăng Tơđrá rất đồ sộ, với hàng chục tác phẩm liên hoàn, mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện đã có độ dài hàng ngàn câu kể, in thành sách mỗi tác phẩm có tới trên dưới 300 trang. Là một hệ thống sử thi liên hoàn có mối liên kết tương đối chặt chẽ với nhau, trong đó Dăm Duông là nhân vật chính xuyên suốt các tác phẩm, các câu chuyện : Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, Dăm Duông cứu nàng Bar Mã, Dăm Duồng hóa cọp, Dăm Duông trong lốt ông già (tên các tác phẩm sử thi Xê Đăng)... Hình ảnh chàng Dăm Duôngđược khắc họa một cách rõ nét với đầy đủ hình dáng, diện mạo và tính cách điển hình của một tráng sỹ khỏe đẹp, có tâm hồn cao thượng và lòng nhân hậu, biết thương yêu, hy sinh vì sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Sử thi Xê Đăng Tơđrá là những áng văn đẹp về nghĩa tình, về tình yêu đôi lứa, tình cảm trong mối quan hệ gia đình, cha con, anh em, chồng vợ; mối quan hệ giữa con người với con người, cá nhân với cộng đồng; giữa con người với thiên nhiên, môi trường; mối quan hệ giữa con người với lực lượng siêu nhiên (Yàng, thần). Các mối quan hệ phong phú và đa chiều đó được thiết lập một cách chặt chẽ và thân thiện. Con người với con người, con người với muông thú, con người với thần linh coi nhau như bạn bè, anh em, con cháu, là một xã hội đoàn kết cộng đồng. Có rất nhiều phong tục, tập quán của đồng bào được phản ánh trong các câu chuyện của sử thi Xê Đăng Tơđrá, có thể nói cả một thế giới nghi lễ, phong tục gắn với mọi hoạt động của con người được sử thi miêu tả cụ thể phác họa lên bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội của người Xê Đăng hết sức sinh động và chân thực với đầy đủ cung bậc của cuộc sống, tình yêu thương hướng đến con người, đến cái thiện, cái đẹp, phê phán cái xấu, cái ác.
 
 
Sử thi dân tộc Ba Na:
 
Hơ mon của người Ba Na ở Kon Tum cũng giống như của người Xê Đăng, cũng bao gồm một hệ thống các tác phẩm liên hoàn với nhau, tập trung kể về những chiến công của người anh hùng có tên gọi là Giông. Nhân vật trung tâm là Giông. Đó là chàng trai dũng cảm, có sức mạnh và tài năng xuất chúng. Mỗi câu chuyện trong hệ thống sử thi liên hoàn này của người Ba Na kể về một chiến công nổi bật của người anh hùng Giông và bạn bè, anh em của chàng. Do đó, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm có tính độc lập tương đối, có thể tồn tại như những tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn, chẳng hạn như các tác phẩm : Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ, Giông đánh hạ nguồn cứu xứ sở, Giông cưới nàng Khỉ, Giông làm nhà mồ, Giông cứu đói dân làng mọi nơi… Đặt trong chuỗi sử thi-hơ mon liên hoàn, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm trở thành một mắt xích, một “hạt” trong toàn bộ hệ thống và có quan hệ với nhau về mặt trình tự cũng như nội dung ý nghĩa. Giá trị của Hơ mon Ba Na nằm ở tính hệ thống, tính đồ sộ của nó - hệ thống sử thi liên hoàn, một thành tựu vĩ đại của dân tộc Ba Na trong quá trình phát triển, xây dựng và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
 
Hình thức hát kể hơ mon của người Ba Na được diễn xướng rất thoải mái, tự nhiên trong những sinh hoạt thường ngày. Các tác phẩm hơ mon được kể bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn hát kể bằng văn vần với phong cách ngôn từ hồn nhiên, chất phác.
 
Nghệ thuật hát kể Sử thi thu hút rất đông người nghe, đặc biệt trong dịp nông nhàn, lễ hội, mùa mưa… trong không gian nhà rông hoặc nhà sàn, bên cạnh bếp lửa lung linh, huyền ảo và kỳ bí, Sử thi được thể hiện một cách đầy sống động và lôi cuốn người nghe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hát kể được Sử thi. Cả hai dân tộc bản địa có Sử thi là Ba Na và Xê Đăng nhóm Tơđrá của tỉnh Kon Tum hiện chỉ có khoảng trên 20 người có thể hát kể được từng phần của sử thi dân tộc mình. Chỉ có 5 nghệ nhân có khả năng thể hiện nghệ thuật hát kể một cách khá đầy đủ loại hình di sản quí hiếm này và đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, nhưng cả 5 nghệ nhân này cũng đều đã ở lứa tuổi “Xưa nay hiếm”. Trong 5 Nghệ nhân ấy, có 2 người được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá là rất hiếm ! Đó là Nghệ nhân A Ar dân tộc Xê Đăng nhóm Tơ đrá ở làng Kon Gu, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, năm nay đã gần 80 tuổi, ông là người được cho là thuộc nhiều sử thi Xê Đăng nhất, đã hát kể hàng chục tác phẩm sử thi để ghi âm, biên dịch và xuất bản giới thiệu về sử thi Xê Đăng ở Kon Tum. Người thứ hai là Nghệ nhân A Lưu dân tộc Ba Na ở làng Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, nay cũng đã trên 70 tuổi. Ông là người “có thể hát kể sử thi cả ngày lẫn đêm với hàng chục tiếng đồng hồ” – ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Đây là 2 Nghệ nhân dân gian tiêu biểu nhất về nghệ thuật hát kể hơ mon-sử thi của 2 dân tộc Ba Na và Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum.
 
Hơ mon – Sử thi Xê Đăng và Ba Na ở Kon Tum nói riêng và Sử thi Tây Nguyên nói chung là những di sản vô giá, có giá trị văn hóa và tư tưởng to lớn được đồng bào các dân tộc bản địa sáng tạo từ ngàn đời nay. Thực sự là những kho tàng văn hóa dân gian truyền thống, niềm tự hào của các dân tộc bản địa cần phải được nhận thức đúng mức để bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách thiết thực trong đời sống cộng đồng.
 
Trần Vĩnh
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét