Trong những sản phẩm đan lát của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng, gùi (tiếng Ba Na gọi là H’ká) là dụng cụ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày, ngoài chức năng là vật dụng thuần túy, gùi còn thể hiện về thẩm mỹ, như một minh chứng cho sự tài năng khéo léo của người làm ra nó. Từ xa xưa, các buôn làng ở Kon Tum, con người đã được học cách đan lát các dụng cụ để sử dụng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt như một điều tất yếu. Công việc đan lát được coi là hết sức quan trọng trong cuộc sống như đan vách, sàn cho nhà rông, đan dụng cụ làm lúa, mâm ăn cơm, đan chiếu, dụng cụ tuốt lúa rồi đến những đồ vật sinh hoạt rất nhỏ như giỏ đựng cá, túi đựng ớt....Gùi là vật phổ biến và đặc trưng nhất được đan bằng tre, mây hoặc cây sâm lũ...Người đan khéo léo nhất chính là các già làng, những người được cho là biết tất cả. Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những công việc khác nhau, hoa văn cũng rất đa dạng thể hiện nét độc đáo của mỗi dân tộc bản địa. Trước tiên phải kể đến chiếc gùi đựng vải và thóc gạo, loại gùi này có hình trụ đứng độ cao trung bình từ 60 - 95cm, độ lớn miệng tùy thuộc vào việc sử dụng trong nhà, đế gùi vững chắc và tùy thuộc vào mỗi loại gùi, đế có thể bằng gỗ có độ cao khoảng 20cm, khoảng cách vuông từ 30 - 40cm hoặc làm bằng cật cây mây được uốn vuông góc cao chỉ 5cm, chủ yếu để giữ thăng bằng và chịu được lực nhưng cũng phải đảm bảo được độ nhẹ để dễ cho việc di chuyển. Trông thì rất đơn giản nhưng người nghệ nhân làm ra nó phải mất cả một thời gian dài, công việc đầu tiên là chọn vật liệu, vật liệu là mây hoặc tre già được ngâm nước trong một thời gian nhất định để tạo độ dẻo. Công đoạn tiếp theo là chẻ lạt, lạt cũng cần phải trơn nhẵn, đều đặn để có độ kín và tạo hoa văn trên thân gùi, công đoạn này rất quan trọng nó thể hiện tài năng khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Những sợi lạt tạo hoa văn được để riêng, chúng được vót trước khi bắt tay vào làm gùi, loại lạt này tạo màu bằng cách sát lá rừng lên từng sợi, người BaNa gọi là lá Hla’tang, cây thuộc họ dây leo, lá tròn, có nhựa dính đem về giã nát rồi bôi lên những sợi lạt, sau đó đem đi ngâm dưới bùn khoảng 3 ngày sợi lạt sẽ có màu đen bóng rất đẹp. Đặc biệt nếu muốn tạo thêm màu khác chỉ cần quét chất liệu này lên và để trên gác bếp một thời gian sẽ thành ra màu nâu đậm, màu đậm nhạt tùy thuộc vào việc sát nhiều hay ít, thường thì họ không làm lạt màu này mà chỉ bôi mặt ngoài sau khi đã làm xong gùi, chiếc gùi được bôi lá Hla’tangsẽ có màu rất đặc trưng, lá này cũng được dùng trong việc làm đen bóng trái bầu nước của người dân bản địa. Tiếp theo là việc tạo dáng và phân loại cho gùi, có loại miệng được làm bành ra, phía dưới thon nhỏ lại, có gùi trên dưới đều nhau, gùi lớn (H’ká), gùi đựng cơm, thức ăn thì nhỏ hơn gọi là J’rung, mỗi chiếc gùi thể hiện rất nhiều ý nghĩa và tâm ý của người làm ra nó. Điều rất đặc biệt là gùi này có hai lớp, phía bên trong cũng được đan như lớp ngoài nhưng phải vót nan thật mỏng, nhỏ hơn nan bên ngoài và không có hoa văn, ở giữa được phủ một lớp lá rừng gọi là Hla’kơpang. Loại lá này rất dai có bản rộng, người Kinh thường hay dùng để gói cá, đã được đem về để trên giàn bếp từ rất lâu, lá được vuốt phẳng mịn và xếp đều đặn quanh thân gùi từ trên xuống dưới không để cho cong vênh, mục đích chính của lớp này là chống ẩm làm cho không khí ổn định bên trong tạo thành một sự ngăn cách với nhau rất độc đáo, hai lớp này ép sát gần như là một, mới nhìn vào khó có thể phát hiện ra. Công việc tiếp theo, người nghệ nhân lựa chọn 4 cây mây hoặc tre thẳng đều rồi vót cho suôn mượt, lấy dây mây quấn kín từ trên xuống dưới ép vào bốn góc gùi rất chắc chắn, đầu trên nhỏ còn đầu dưới to ra có tác dụng giữ thăng bằng cho toàn bộ thân gùi. Phần đế được ghép 4 mảnh ván đẽo bằng tay, loại gỗ này mềm nhưng phải thật dai, vật liệu thường dùng là gỗ cây gạo, cây cóc rừng (C’holat) rất đặc biệt, nhìn vào nó như một hộp gỗ vuông vắn tạo thành một giá đỡ rất bắt mắt và vững chãi cũng là để cách ly khỏi mặt đất tránh côn trùng xâm nhập. Xong phần đế, người nghệ nhân bắt tay vào làm miệng và nắp gùi, việc này mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một chiếc gùi, đầu tiên phải đan một tấm cao 10cm sau đó cuộn tròn vừa khít mặt trong của thân trên, ghép lại với nhau tạo thành một vòng nhỏ hơn thân gùi có tác dụng để úp nắp gùi lên. Việc làm nắp gùi đòi hỏi cũng phải tinh xảo như đan thân gùi vậy, họ để nguyên đoạn mắt của cây tre đã ngâm nước làm chóp nắp gùi, vừa thẩm mỹ, chắc chắn lại tiện cho việc cầm đóng mở nắp, đoạn còn lại dùng dao nhỏ vót nan thật đều sau đó đan kết lại tạo thành như hình chóp nón cho đến khi vừa bằng miệng gùi thì dùng dây mây quấn đều một vòng, từ đây đan tiếp theo chiều thẳng đứng xuống hơn 10cm nữa cho ôm khớp với miệng gùi, tiếp tục quấn thêm một đợt dây mây và kết thúc mặt ngoài của nắp gùi, bên trong nắp ép một lớp lá (Hla’kơpang)để giữ độ kín. Loại gùi có nắp hình chóp là của người Xê Đăng, gùi của người Jẻ Triêng nắp đẹp không có chóp, đoạn trên uốn lượn vào một chút, gùi của người BaNa cũng có chóp nhưng là chóp tròn, một số ít có chóp nhọn đan liền không dùng đoạn mắt tre...Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, việc này cũng quan trọng không kém, chúng dùng để đeo, cõng trên lưng mục đích là giải phóng đôi tay tiện cho việc di chuyển. Hai quai làm bằng dây mây, cũng có thể bện bằng vỏ cây rừng hoặc loại dây leo mọc trong rừng (sirấc), sống bám sát đất rất khỏe, có sợi dài trên 200m, (loại dây này người dân thường dùng làm hàng rào có độ dai rất tốt). Dây gùi được quấn chéo nhau quanh thân như người mẹ đang ôm đứa con vào lòng, phía dưới khoét lỗ hai bên tấm gỗ và luồn sợi dây qua tạo thành dây đỡ từ dưới lên rất chắc chắn, riêng gùi đựng những vật dụng nhẹ hơn thì hai sợi dây đeo được đan ghép với thân gần phía trên miệng gùi, hai đầu còn lại được buộc chặt vào đế, dây phải đảm bảo phần trên bè ra để không làm tổn thương bờ vai, đoạn dưới bện tròn lại thật chắc để có thể chịu được lực nặng. Những chiếc gùi đế hộp kiểu này có nhiều trong làng của người Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum, cũng là nét đặc trưng của người Xê Đăng, ngoài ra các dân tộc khác như Ê đê, Ba Na cũng có đế như vậy nhưng độ rộng và độ nghiêng khác hơn một chút, độ cao của thân gùi thấp và riêng kiểu dáng thì hoàn toàn khác biệt, loại đế bằng cật mây chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Gùi của các dân tộc thiểu số Kon Tum rất đa dạng về mẫu mã và được dùng vào những công việc khác nhau, loại gùi một lớp cũng có trình tự đan như trên nhưng nắp và miệng gùi luôn có sự khác nhau, loại thường xuyên dùng như gùi đựng gạo ăn hàng ngày thì trên miệng được làm bằng gỗ mỏng uốn tròn gắn liền với thân gùi, nắp loại gùi này có hình dáng như cái mẹt sảy lúa vừa làm nắp đậy cũng vừa để đong gạo, đồng bào thường có thói quen lấy nắp ra suối vo gạo nên rất nhiều loại gùi này hiện nay không còn nắp vì bị hư hỏng. Rất nhiều kiểu khác như gùi cõng nước, gùi dùng để lấy măng rừng, gùi cõng lúa thì trên miệng lại không phải bằng gỗ mà chỉ đan bình thường như những gùi khác, riêng gùi cõng củi, loại này thì khá đơn giản, chỉ đan như đan lưới, các sợi mây, tre được bện vào nhau tạo thành từng ô khoảng cách các ô với nhau chừng 5 - 10cm, loại này được dùng rộng rãi và thường xuyên khi lao động. Tỉnh Kon Tum có nhiều dân tộc khác nhau, những họa tiết và kiểu dáng gùi cũng có điểm khác biệt, giống như trên vải thổ cẩm của họ. Gùi của người Xê Đăng thường có hoa văn gần như hình thoi dạng ca rô, thông suốt từ trên xuống dưới. Gùi Ba Na có họa tiết chỉ là vài đường kẻ quanh thân gùi nhưng đặc biệt lại tập trung hoa văn trên nắp. Gùi người Jẻ Triêng đơn giản hơn có vài vòng đen chạy quanh thân khoảng cách xa nhau, đa số rất ít hoa văn phần lớn là chỉ treo trên giàn bếp cho thật đen. Gùi của người H’rê và Cadong thì gần như giống nhau, có nét họa tiết chạy ngang thân gùi nhưng cũng có ít hình ca rô như người Xê Đăng. Riêng gùi của dân tộc Brâu thì hoa văn phong phú hơn cả, có sọc ngang xít nhau và rất nhiều họa tiết cầu kỳ phản ánh được cuộc sống, phong tục, bản sắc văn hóa của họ. Lại nói về phân loại gùi trong cộng đồng người dân tộc thiểu số thì chiếc gùi có hình dạng trụ đứng còn gọi là gùi nữ (người sử dụng phần lớn là phụ nữ), xét về yếu tố tâm linh thì gùi nữ có hình dáng tròn như thân thể người con gái, khi gùi trong nhà đựng đầy thóc gạo chiếc gùi căng lên thể hiện sự no ấm, giống như người con gái đã có chồng và sẽ sinh con, gia đình nào có nhiều gùi là khẳng định được sự đầy đủ và hạnh phúc của họ. Một loại gùi nữa dành riêng cho nam giới, gùi dạng hình cánh dơi, có hai quai như chiếc ba lô có tên gọi làK’lek, gùi này sử dụng trong việc đựng dao, nỏ, mũi tên và những dụng cụ khác khi lên rừng săn bắn. Kiểu dáng loại này dẹp, bè ra hai bên vuông vắn như bờ vai của người đàn ông, gùi chia thành 3 ngăn, một ngăn dài ở giữa và có 2 ngăn ngắn hơn nằm hai bên, phía trên hai ngăn nhỏ đan liền hai sợi dây nối với miệng của ngăn giữa dùng để đeo ôm sát vào lưng, giữa các ngăn và hai bên ngoài có gắn các cây gỗ hoặc mây đã được vuốt nhẵn và to ra ở phần dưới có tác dụng giữ cho gùi không cong gãy cũng như dùng làm đế đỡ cho toàn bộ chiếc gùi. Đáy gùi có gắn các cật của cây mây theo từng hàng song song với nhau rất chắc chắn nhằm giữ cho các ngăn luôn có độ rộng. K’lek thường có chiều cao từ 60 - 70cm, chiều ngang từ 40 - 55cm, độ rộng mỗi ngăn chỉ khoảng 10 - 15cm, tùy theo cơ thể của từng người mà đan có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Vật liệu chính để đan Klek là mây và cây sâm lũ (loại cây họ mây nhưng dai hơn và có gai, người đồng bào thường dùng nó để làm dây nỏ (ná)), công việc đan Klek cũng rất công phu như đan gùi nữ, riêng loại gùi này có sự khác biệt rất lớn đó là một mặt phẳng nằm áp sát lưng, mặt kia lồi ra thành 3 ngăn rất rõ rệt. Nhìn qua gùi Klek ta có thể đoán được trình độ của người làm ra nó dựa vào những đường quấn thắt của dây mây xung quanh gùi và ở những thanh gỗ gắn liền vào thân, nếu là người ít kinh nghiệm thì những điểm quấn này rất thưa thớt, có những chiếc gùi đạt đến độ tinh xảo gần như tuyệt đối, ngay cả những nét quấn dây đều đặn đến từng milimet, hai bên như một, chúng ta không thấy được điểm cuối cũng như điểm nối của những sợi dây mây trên thân gùi, một số loại còn có thêm gùi nhỏ gắn vào phía sau Klek làm ngăn thứ tư trông rất đẹp mắt và tiện dụng. Loại gùi nữa cũng là gùi nam giới nhưng nhỏ hơn, chỉ có một ngăn, gọi là gùi Lep, chiều cao chỉ từ 50 - 60cm, bề ngang 30 - 35cm, rộng 20 - 25cm, gùi này dùng để đựng các dụng cụ khi đi rừng hay bỏ thức ăn khi đi xa hoặc những đồ giá trị khác, gùi được đan vuông vắn, phần miệng nằm áp sát vào lưng người đeo, phía bên ngoài được đan kín tạo một mái che để bảo vệ cho đồ vật bên trong. Nói về phong tục, tín ngưỡng văn hóa dân gian liên quan đến chiếc gùi thì phải kể đến những loại gùi chuyên dùng đi kèm với nhiều dụng cụ khác như cồng chiêng, bộ gõ bằng lồ ô, trống...để thờ cúng vào các dịp lễ hội. Loại gùi này gắn liền với thời gian, tên tuổi của một nhân vật cao quý trong làng, họ chỉ sử dụng duy nhất vào những dịp lễ mừng nhà rông, lễ ăn mừng lúa mới và các lễ hội quan trọng khác trong năm, điều đặc biệt là chỉ có già làng mới được lưu giữ và khi mất đi, công việc quản lý sẽ truyền lại cho người kế tiếp, phong tục này chỉ có ở làng người Xê Đăng. Còn một loại gùi nữa, người nghệ nhân làm ra không dùng trong việc lao động hàng ngày mà làm để tặng người thân trong gia đình (gùi J’rung), đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tài sản của họ không có gì nhiều ngoài việc quanh năm làm ra những dụng cụ lao động, nên khi có đứa con đầu lòng, đứa cháu cưng trong gia đình ra đời, họ muốn có một vật để tặng kỷ niệm vào những dịp như đầy tháng, lễ thổi lỗ tai (pleđom)..... gùi J'rung có hình thức nhỏ nhắn và chỉ đan bằng những vật dụng đẹp nhất, bền nhất và công việc làm cũng rất công phu, người nghệ nhân đã dồn cả tình cảm của mình vào chiếc gùi và thời gian làm ra nó có khi mất cả năm trời, có thể nói chiếc gùi này cũng được ấp ủ 9 tháng 10 ngày như đứa trẻ. Chiếc gùi chỉ cao 40cm, đường kính miệng khoảng 18cm, dây đeo bè ra 3cm và chỉ có thể đựng được một chai nước khoáng (loại 1,5lít). Loại gùi này đặc biệt ở chỗ vô cùng sắc sảo, mỗi chi tiết từ cách đan, cách quấn từng sợi mây cho đến việc làm dây đeo như chứa đựng cả một tình cảm bao la của người đan, mỗi sợi lạt nhỏ nhắn chỉ lớn hơn chiếc tăm xỉa răng một chút nhưng dài và được tẩm lá rừng, tạo màu đen rất cẩn thận, sau đó được hun khói cho đến khi bóng mịn. Ngoài việc làm quà ra, người nghệ nhân còn ẩn chứa một kỳ vọng rất lớn, quan niệm của họ là mong muốn thế hệ sau tiếp nối truyền thống, cần cù siêng năng như người đi trước, người nhận được món quà này sẽ được no ấm và chiếc gùi là vật luôn luôn bên cạnh bảo vệ họ chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Một điểm rất chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số là có thói quen hay để những vật dụng trên giàn bếp mỗi khi sử dụng xong, trong mỗi gia đình luôn có một bếp lửa đặt giữa nhà, phía trên có làm một cái giàn để đựng đồ vật, chiếc gùi khi đã hoàn thành họ hun khói cho thật khô, tác dụng khác là giữ không bị mối mọt, vì thế gùi có tuổi thọ rất cao. Cho đến ngày nay, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ được nét bản sắc văn hóa truyền thống của mình, nghề đan lát luôn đi kèm với sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt, tuy số ít bị mai một đôi chút nhưng vẫn còn rất nhiều người, nhiều gia đình vẫn gìn giữ nét văn hóa này. Thế Phiệt (Nguồn: CTTĐTKT) |
Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012
Chiếc Gùi trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét