Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

NGHE NGÂM THƠ: Bài Hành Phương Nam _ Nguyễn Bính

Bài Hành Phương Nam
Nguyễn Bính

Hai ta lưu lạc phương Nam này
Đã mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay !
Lòng đắng xá chi muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say !
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu chưa ai may !
Ngươi giam chi khí vòng cơm áo
Ta trói thân vào lụy nước mây
Ai biết thương nhau từ buổi trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám ăn tiêu cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi sẽ hay
Ngày mai, có nghĩa gì đâu nhỉ?
Cốt nhất cười vui trọn tối nay
Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay .

Hỡi ơi ! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây ?
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay ?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi ! Ngươi ơi ! Hề ngươi ơi !
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi !
Đa Kao 1943
Gửi Văn Viễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét