Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng
Báo Giáo Dục Việt Nam - Thứ hai 06/02/2012 14:23
(GDVN) - Buổi GLTT diễn ra với sự tham gia của các khách mời: Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường và Luật sư Phan Thanh Bình.
- Quyết định của huyện Tiên Lãng từng bị đề nghị tạm đình chỉ
- Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng "chê" GS Đặng Hùng Võ
- Vụ Tiên Lãng: Sẽ tiếp tục cưỡng chế nhiều hộ dân
- Vụ Tiên Lãng: HP khẳng định đúng, MTTQ nói không minh bạch
- Những phát ngôn "nóng" vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng - Hải Phòng
- Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vụ thu hồi đất Tiên Lãng
- Tin mới vụ hủy hoại tài sản sau cưỡng chế tại Tiên Lãng - Hải Phòng:
- Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng – Hải Phòng: Bộ Công an vào cuộc
- Lãnh đạo Tiên Lãng lý giải sự "kháng cự quyết liệt của ông Vươn"
- Chủ tịch Hải Phòng:“Tuần tới sẽ có kết quả vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng"
- Vụ cưỡng chế ở HP: Lãnh đạo huyện Tiên Lãng phàn nàn về báo chí
- Vụ cưỡng chế: Lập đoàn thanh tra, kiểm tra đất đai ở Tiên Lãng
- Gia đình Đoàn Văn Vươn chuẩn bị khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng
- MTTQ Việt Nam sẽ lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng
- 5 "mâu thuẫn" trong vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng
- Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng: Tướng Thệ, tướng Hương đồng loạt lên tiếng
- Cty Luật Hồng Bách vào cuộc bảo vệ nông dân vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng
- Chỉ đạo của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng
- Vụ 6 CA, bộ đội bị bắn: Huyện Tiên Lãng giao đất tùy tiện
- Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng:Có thể khiếu nại lên TAND tối cao
Vì lý do sức khỏe, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc tại nhà riêng của ông. Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng từ chối tham gia giao lưu do không thu xếp được thời gian.
Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế Tiên Lãng, Hải Phòng được tổ chức vào 14h, 6/2/2012 trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
Đã tròn 1 tháng kể từ ngày xảy ra vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng gây chấn động dư luận khi những người nông dân dùng súng bắn bị thương 6 công an, bộ đội.
Dư luận đang tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi về việc giao và quản lý đất đai, cũng như cách xử lý của những người làm lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác cưỡng chế đất. Mặt khác, hàng loạt những nhân vật nổi tiếng trong quân đội, những nhà quản lý như Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, GS. Đặng Hùng Võ,…đã đứng ra bày tỏ sự bất bình của mình về cách quản lý và xử lý của chính quyền nơi đây…Đồng thời, Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc cùng nhiều Bộ, Ban, Ngành liên quan đã vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ đã đích thân chỉ đạo làm rõ những sai phạm xung quanh vụ việc.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Trong bối cảnh đó, vào lúc 14h ngày 6/2/2012, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến nhằm giải đáp phần nào những thắc mắc của độc giả những vấn đề liên quan tới vụ cưỡng chế. Với sự tham gia của những khách mời: Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường và Luật sư Phạm Thanh Bình - Phó giám đốc Công ty luật Hồng Hà.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Cuộc Giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 16h45. Sau đây là nội dung buổi giao lưu.
Có thông tin chon rằng vụ Đoàn Văn Vươn có liên quan tới chuyện các "quan" biết chuẩn bị có dự án đường cao tốc đi Thái Bình, mà khu vực đầm của ông Vươn nằm trọn trong dự án đó nên sẽ được hưởng số tiền đền bù khá lớn. Các bác có biết thông tin này không? Và, liệu đây có phải nguồn gốc gây ra sự việc gây bất bình dư luận thời gian qua?
- GS. Đặng Hùng Võ: Có rất nhiều thông tin, có thông tin đúng, có thông tin sai. Đối với những thông tin chưa rõ ràng thì chúng ta cần phải chờ các cơ quan chức năng thẩm tra và kết luận.
Có bất cứ điều luật nào khi thu hồi đất mà Nhà nước không phải đền bù bất cứ chi phí nào cho dân như trường hợp huyện Tiên Lãng áp dụng đối với hộ ông Vươn không, thưa GS. Đặng Hùng Võ?
GS. Đặng Hùng Võ: Luật đất đai có quy định 1 số trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù về đất và không đền bù về tài sản gắn liền với đất. Pháp luật không có quy định về trường hợp thu hồi đất như đất do anh Vươn đang sử dụng, nên không có quy định về cơ chế bồi thường tương ứng. Khi thu hồi đất đã sai thì không cần tới chuyện bồi thường hay không bồi thường.
Tôi đọc báo thấy các cấp chính quyền huyện Tiên Lãng trả lời là: Căn cứ theo luật đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi luật đất đai mới ra đời ( các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không. (Bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với luật đất đai năm 1987). Giáo sư Đặng Hùng Võ có ý kiến gì về việc này?
GS. Đặng Hùng Võ: Việc giao đất ở Tiên Lãng sai so với cả luật đất đai năm 1987. Luật đất đai 1987 cũng không cho phép cấp huyện được tự quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất. Việc huyện Tiên Lãng tự có quy định riêng ban hành 6/10/1993 về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất là hoàn toàn trái pháp luật. Các quyết định giao đất và thu hồi đất căn cứ vào quy định riêng của huyện cũng trái pháp luật. Hơn nữa, quy định riêng của Tiên Lãng được ban hành sau khi văn bản luật đất đai 1993 đã được Quốc hội thông qua và trước khi luật này có hiệu lực thi hành 10 ngày để nói rằng được phép áp dụng theo luật đất đai 1987 là cách làm hoàn toàn sai trái. Huyện muốn tự mình tạo một “kẽ hở” pháp luật để lạm quyền.
Theo ông, lý do để nhiều quan chức Hải Phòng bênh nhau chằm chặp và phản bác báo chí suốt một thời gian dài như vừa qua, là gì? Tâm lý và hành động này báo hiệu điều gì?
Ông Vũ Mão: Phản ứng của những người trong cuộc như vừa qua là điều dễ hiểu. Bởi vì tâm lý của mọi người thích những tiếng khen nhiều hơn những lời chê trách, những lời phê phán. Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 4, đây là một cơ hội tốt để thử thách lòng trung thành của mỗi Đảng viên với Đảng, với Nhà nước. Và đương nhiên họ phải rất tỉnh táo trong hành động của mình, không thể tùy tiện bao che cho nhau được.
Theo ông, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Ông Vũ Mão: Lý do quan trọng nhất là sự nghiệp đổi mới của ta đang có những bước tiến mới. Nếu không có một tư duy mới của Đảng ta, thì làm sao vụ việc này có thể công khai, minh bạch và được thông tin rộng rãi trên dư luận?
Độc giả Việt Thanh (Hà Nội) hỏi: Do thái độ bào chữa cho nhau với những lý lẽ rất "quanh co" và "kỳ cục" của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, và xã Vinh Quang cộng với hiện tượng có xã hội đen tham gia việc phá hại tài sản nhà anh Vươn, nên trên mạng có người đã bình luận là hệ thống tổ chức Đảng ở Hải Phòng đã bị lũng đoạn và suy thoái.
Nếu đúng vậy thì Nghị quyết TU 4 vừa qua chỉ nhấn mạnh việc chống suy thoái ở các cán bộ đảng viên là chưa đầy đủ, cần bổ sung giải pháp chống suy thoái ở các tổ chức Đảng.
Ông Vũ Mão: Nghị quyết TW 4 vừa qua rất toàn diện, không chỉ nói về giải pháp chống suy thoái ở cán bộ, Đảng viên mà còn nói tới trách nhiệm của các tổ chức Đảng. Như vậy, việc nói nội dung đề cập trong Nghị quyết không thiếu, mà quan trọng là tổ chức thực hiện cho có hiệu quả.
Nghị quyết 4 cũng chỉ rõ, các tổ chức Đảng của chúng ta còn nhiều tồn tại, tính chiến đấu chưa cao, tinh thần phê và tự phê còn yếu.
Dịp này, vừa có Nghị quyết TW 4, lại vừa xảy ra vụ việc ở Hải Phòng, theo tôi, đây là thời điểm tốt để các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng nhìn nhận và xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện về công tác Đảng ở địa phương.
Thưa các vị khách mời, các ông có kỳ vọng vào sự vào cuộc kiên quyết của thủ tướng, vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi xin chuyển câu trả lời này cho Thủ tướng trực tiếp trả lời với dân.
Ông Vũ Mão: Tôi có niềm tin, bởi mấy lẽ: Thứ nhất, đây là một trong những vụ đầu tiên mà Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Thứ hai, dư luận đòi hỏi và rất ủng hộ việc giải quyết đúng đắn việc này. Thứ ba, nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thứ tư, nếu xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc, đầy đủ thì sẽ thấy được những khiếm khuyết của vi mô và vĩ mô để từ đấy có những giải pháp rõ ràng. Thứ năm, Thủ tướng là Đại biểu Quốc hội của Hải Phòng và của khu vực bầu cử, trong đó có huyện Tiên Lãng mà được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc Thủ tướng giải quyết giải quyết vụ việc này.
Ông Đặng Hùng Võ: Mong Thủ tướng Chính phủ xử lý theo hướng thượng tôn pháp luật, đúng sai phân minh, ai sai xử sai.
Cuộc Giao lưu trực tuyến thu hút rất đông sự tham gia của nhiều phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau tới theo dõi, tường thuật. |
Xin hỏi tướng Thước, ông từng nói vụ việc này gây tổn hại to lớn về chính trị, vậy mong ông nêu lên các việc cần làm ngay để tránh tổn hại thêm, sửa chữa sai lầm và ngày càng khẳng định lòng tin của nhân dân vào chính quyền.
Tôi nghĩ vụ việc này không dừng lại ở việc giải quyết mấy chục ha đất mà từ việc xử sự của chính quyền địa phương đã đẩy 1 vụ việc về kinh tế thành 1 vụ việc về chính trị, việc cần làm ngay là xử lí 1 cách kiên quyết triệt để những sai phạm của chính quyền đã gây ra không chỉ để lại lòng tin cho người dân mà còn là một sự đột phá để xây dựng chính quyền cơ sở tại địa phương hợp với lòng dân của cả nước như nghị quyết Trung ương IV gần đây về những vấn đề cần làm ngay để làm trong sạch Đảng và chính quyền cơ sở. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của dân.
Nguyễn Anh Dũng (Nam Định): Với tất cả sự kính trọng và tin tưởng vào các vị lão thành cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ta. Với niềm tin vào sự cương trực, thẳng thắn của những người lính, cháu mong Đại tướng Lê Đức Anh giải đáp câu hỏi của cháu. Đại tướng đã phát biểu rằng, nếu xử lý không nghiêm những cán bộ làm sai trong vụ cưỡng chế đất với Đoàn Văn Vươn thì sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân. Vậy xin Bác Đại tướng chia sẻ: Dưới góc nhìn của Bác thì lòng tin của nhân dân có ý nghĩa thế nào với đất nước? Lòng tin của nhân dân bị suy giảm sẽ dẫn tới hệ lụy gì?
Đại tướng Lê Đức Anh: Như tôi vừa chia sẻ ở trên, đất nước ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trải qua nhiều năm tháng như vậy, niềm tin của nhân dân có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ gìn độc lập, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Nếu lòng tin của nhân dân bị suy giảm thì không thể lường hết được chuyện gì xảy ra.
Đối với vụ việc này, tôi được biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý. Uy tín của Thủ tướng đã được nâng cao đối với nhân dân, vì phản ứng sớm trước vụ việc này. Tôi cũng đang chờ xem Thủ tướng sẽ xử lý vụ việc này thế nào?
Đại tướng Lê Đức Anh trả lời câu hỏi độc giả báo Giáo dục Việt Nam |
Kính thưa trung tướng Nguyễn Quốc Thước, là người tâm huyết với dân với nước, ông có cho rằng vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong số rất nhiều sự việc liên quan đến đất đai mà người dân đang phải gánh chịu? Và nếu giải quyết được một vụ Đoàn Văn Vươn này đi nữa thì vẫn còn rất nhiều vụ "Đoàn Văn Vươn" khác nữa. Theo trung tướng, cái mà chúng ta cần làm cụ thể để không xảy ra thêm một vụ nào như thế nữa là gì? Và, có một cách nào đó để những người dân khác (không được học hành, ít kiến thức như ông Vươn) dám đứng lên tố cáo những sai trái của chính quyền?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vụ việc Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Vươn. Vụ việc này nếu giải quyết 1 cách triệt để tận gốc là 1 bài học đắt giá để giải quyết những mâu thuẫn về đất đai trên cả nước mà nguồn gốc mà chính quyền nơi đó vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm gây ra. Cũng qua những vụ việc này chúng ta sẽ làm trongn sạch thêm 1 bước chính quyền các cấp theo nghị quyết trung ương IV khóa XI. Rất tiếc vụ việc Tiên Lãng nghiêm trọng đến mức như vậy mà đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đại diện cho người dân cả nước và trực tiếp là nhân dân Hải Phòng lại không lên tiếng. Để bảo vệ quyền lợi của mình nhân dân các địa phương cần phải “gõ đầu” các đại biểu đó để các vị đó vượt qua mọi rào cản trở lại đúng vị trí của mình đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
BTL (Hải Dương): Thưa Bác Đại tướng Lê Đức Anh, giả sử ở vào vị trí của lãnh đạo TP Hải Phòng hoặc lãnh đạo huyện Tiên Lãng, thì Bác Đại tướng sẽ xử lý vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn thế nào. Cháu xin hỏi rõ 2 trường hợp: Thứ nhất là khi vụ việc cưỡng chế chưa xảy ra? Thứ hai là khi đa xảy ra thì xử lý thế nào? Xin Bác Đại tướng cho biết cụ thể?
Đại tướng Lê Đức Anh: Tôi không tin một người có chí làm ăn cho gia đình và cho xã hội, chưa từng vi phạm pháp luật, mà lại đi chống đối chính quyền Nhà nước. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?
Đất của nông dân thu hồi làm gì thì phải rõ ràng, phải thông báo trước nhân dân ít nhất một năm, phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân, nếu lấy đất ở khu vực đó.
Trong việc này, Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Tài nguyên đất đai rất quý và hiếm, sử dụng phải đúng mục đích, không được phung phí. Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này – một thành phố quan trọng với đất nước cũng sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn.
Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam tặng hoa Đại tướng Lê Đức Anh trước buổi GLTT |
thuy nguyen noithat.thuytin@gmail.com: Thưa Giáo sư Đặng Hùng Võ: Cho đến thời điểm hiện tại, UBND, Huyện Ủy Huyện Tiên Lãng và Tp Hải Phòng vẫn không thừa nhận trong việc làm thủ tục giao đất và thu hồi đất cho gia đình anh Vươn là sai pháp luật.
Xin Giáo sư phân tích rõ sự sai trái của chính quyền Huyện Tiên Lãng và Thành phố Hải Phòng trong việc giao đất và thu hồi đất cho gia đình anh Vươn :
1. Đất giao không phải là đất nông nghiệp?
2. Giao đất trước thời điểm luật đất đai năm 1993 có hiệu lực ( 10 ngày ). Chính quyền áp dụng luật năm 1987 trong văn bản . Nhưng sau này không điều chỉnh cập nhật theo luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003, và các nghị định của Thủ tướng chính phủ như Nghị định 181... ?
Dẫn đến việc thu hồi đất theo luật riêng của Tiên Lăng - Hải Phòng chứ không căn cứ theo Luật đất đai của nước CHXHCN Việt Nam.
Xin cám ơn Giáo sư.
GS. Đặng Hùng Võ: Về những vấn đề điều trên, tôi đã viết và trả lời phỏng vấn khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong buổi giao lưu trực tuyến hôm nay. Điều tôi rất buồn là tại sao Hải Phòng không dám nhìn thẳng vào sự thật mà tự xử lý những sai phạm của cấp dưới đỡ ồn ào về dư luận và “làm phiền” tới các cơ quan trung ương. Tất nhiên, việc đúng – sai cụ thể ra sao sẽ có những quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta cùng chờ đợi!
Mr.Trang trang@quoichi.vn: Cho tôi đặt câu hỏi với ông Vũ Mão. Nếu như sau này có kết luận, UBND huyện Tiên Lãng là sai, việc huy động lực lượng an ninh cưỡng chế đầm của Anh Vươn là sai thì anh Vươn có bị khép vào tội chống người thi hành công vụ nữa không? Nếu khép vào thì sao tại sao người dân không có quyền tự vệ chính đáng của mình?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, đây là một vụ việc rất phức tạp, không thể nói ngay một cách đơn giản được. Chẳng hạn, trong kết luận cuối cùng một cách khách quan nhất rằng anh Vươn có khuyết điểm của mình thì anh Vươn cũng như những đương sự khác đều bình đẳng trước pháp luật. Tất nhiên tôi hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của anh Vươn trong lúc sự việc xảy ra. Khi đó, cơ quan pháp luật sẽ xem xét tất cả mọi tình tiết để kết luận hợp lý, hợp tình nhất. Tôi tin, với vụ việc quan trọng mà dư luận, toàn xã hội quan tâm thì Tòa án sẽ xem xét, xử lý một cách đúng đắn, tuân thủ pháp luật.
Nguyễn Sỹ Nam (Tam Nông, Phú Thọ): Thưa Bác Đại tướng Lê Đức Anh, có quan điểm cho rằng, việc chính quyền huy động hàng trăm cảnh sát, bộ đội vào việc cưỡng chế ngay trước dịp Tết nhâm thin là một hành động không chỉ trái về luật mà còn trái đạo lý. Xin Bác Đại tướng cho biết: Bác nghĩ sao về việc làm này của chính quyền địa phương?
Đại tướng Lê Đức Anh: Cách đây ít ngày, Bác cũng đã có trả lời trên Báo Giáo dục Việt Nam: “Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được”. Căn nhà đó của gia đình người ta không nằm trong khu đất thu hồi mà bị đập phá như vậy là phải nghiêm cấm, ai làm sai thì phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trong sự việc này, Bác cũng mong rằng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Chính phủ sẽ vào cuộc công tâm, ai sai và sai đến đâu phải xử lý nghiêm minh. Cán bộ là công bộc của dân, nhân dân bầu ra cán bộ để lo lắng cho dân, chứ không phải đè đầu cưỡi cổ, không phải để làm những việc bất lợi cho dân.
Bác luôn quan tâm và thông cảm với nỗi vất vả của bà con nông dân. Qua rất nhiều năm chiến đấu ở hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, bác thấy rằng bà con ta thật tốt, hết lòng tin tưởng vào Đảng vào Chính phủ. Mà đất nước ta lại là của dân, do dân và vì dân, thế nên mọi hành động của những người thực thi nhiệm vụ ở chính quyền địa phương phải hướng về nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Bác Hồ đã từng dạy rằng: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Lời dạy của Người, lớp lớp con cháu chúng ta không bao giờ được phép quên. Phải nhớ rằng: Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.
Gửi bác GS. Đặng Hùng Võ, trước hết, cháu kính chúc bác năm mới thật mạnh khỏe và hạnh phúc! Theo báo chí cháu được biết các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn là trái luật, và việc huy động quân đội vào cưỡng chế có dấu hiệu vi hiến... Việc cưỡng chế này có dấu hiệu tư lợi, như vậy có thể hiểu những người tham gia vụ cưỡng chế ngày 5/1 đó là "công vụ" được không? Nếu không thì có thể coi hành vi chống lại lệnh cưỡng chế của anh em gia đình nhà ông Vươn có thể xem là "chống thi hành công vụ" được không?
- GS. Đặng Hùng Võ: Đây là một câu chuyện phức tạp. Tôi chỉ có đủ thông tin để bình luận có trách nhiệm về việc thực hiện pháp luật đất đai ở huyện Tiên Lãng. Điều đúng và điều sai, tôi đã nói rất rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc xem xét tiếp tính chất “công vụ” của đội cưỡng chế, trình tự và thủ tục trong quá trình thực hiện cưỡng chế, hủy hoại tài sản khi cưỡng chế,… còn phải thêm nhiều thông tin khác nữa mới có thể nói chính xác được. Trong số thông tin cần thiết có các thông tin phải nhờ cơ quan cảnh sát điều tra làm giúp.
Thưa tướng Thước, ông có nghĩ nếu ông Vươn không nổ súng thì liệu vụ việc có nổi lên như bây giờ và một số vấn đề về đất đai mới được đề cập đến? Liệu đó có phải là “nước bài cuối cùng” của ông Vươn?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vì ai nên nỗi mà ông Vươn, 1 cựu chiến binh, 1 người nông dân chân chất đã hi sinh cả tài sản và sức lực của mình để tạo ra 1 tài sản Quốc gia từ 1 vùng bãi bồi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà đến mức độ phẫn uất không chịu nổi sự bất công đến cao độ nên đã mất phương hướng để xảy ra tai họa này. Việc này phải để chính quyền địa phương trả lời trước công luận, vì một con người như vậy, nếu chính quyền địa phương xử sự một cách có tình có lí thì chắc không xảy ra.
Bạn đọc Đỗ Thắng (Mr.Trang trang@quoichi.vn): Thưa quý Báo Giáo Dục Việt Nam, tôi có một câu hỏi đối với cấp nhà Quản lý Nhà nước. Việc giao đất, thuê đất hiện nay của chúng ta đang có sự bất cập và dễ dãi ở mức độ cấp Huyện, Quận, Thị xã. Nếu ta quy định lại? chỉ có cấp Thành phố, Tỉnh có chức năng đại diện nhà nước giao và cho thuê đất có thời hạn ( Nông nghiệp, công nghiệp…) sẽ thuận hơn về hành chính cũng như xử lý!
- GS. Đặng Hùng Võ: Việc phân cấp quản lý đất đai cho cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là hợp lý đối với đất nông nghiệp, có thể chưa hợp lý đối với đất phi nông nghiệp. Đối với vùng nông thôn miền núi đi lại rất khó khăn, nếu chỉ phân cấp quản lý đất đai cho cấp tỉnh thì người dân sẽ rất khó khăn khi phải đi lại thường xuyên lên tỉnh lỵ để giải quyết các thủ tục về đất đai. Đối với trường hợp đô thị thì việc tập trung quản lý đất đai ở cấp tỉnh, thành phố là phù hợp. Chắc chắn việc này sẽ được xem xét kỹ khi Quốc hội thông qua luật đất đai trong thời gian tới.
Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ CA Hải Phòng trả lời truyền hình rằng: Nhà ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá và cái chính là xây dựng trái phép, chính vì vậy việc phá hay không phá không quan trọng. Các vị khách mời nghĩ thế nào về tuyên bố này?
GS. Đặng Hùng Võ: Nghị định 181/2004/NĐ-CP có quy định: đối với những trang trại nông nghiệp, người sử dụng đất có quyền làm nhà tạm để phục vụ sản xuất. Như vậy, nhà tạm của ông Vươn làm là phù hợp pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng không có quy định thu hồi đất là phải phá tài sản. Tài sản của ai cũng đều là tài sản của xã hội và chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ.
Căn cứ theo luật đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi luật đất đai mới ra đời ( các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không. ( Bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với luật đất đai năm 1987
LS Phạm Thanh Bình: Luật đất đai 1988 không quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất. Việc UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho hộ Đoàn Văn Vươn theo quy định của luật đất đai 1988 là không sai. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 67 Luật đất đai 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993. Như vậy, thời hạn thuê đất của hộ Đoàn Văn Vươn được tính từ ngày 15/10/1993 và kéo dài đến 20 năm tính từ thời điểm 15/10/1993. Giả sử quyết định cho thuê đất của UBND huyện Tiên Lãng có ghi thời hạn ngắn hơn thời hạn 20 năm nói trên thì vẫn phải áp dụng thời hạn mới.
Ông Vươn, ông Quý bị bắt và vợ con các ông ấy đang phải tá túc trong túp lều. Chính quyền Tiên Lãng nên làm gì và phải làm gì đối với vợ con ông Vươn, ông Quý trong thời điểm khó khăn này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu là 1 nạn nhân vì thiên tai thì chính quyền địa phương cũng đã phải nhanh chóng giúp đỡ khắc phục hậu quả huống gì đây là 1 vụ không đáng để chính quyền gây ra mức độ như thế này thì không có cách nào khác phải nhanh chóng giải quyết hậu quả để trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình, không chờ đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cấp trên kết luận sự việc. Nếu không như thế, đây thực sự là 1 sự vô cảm không còn là một cấp chính quyền của dân nữa.
N.V.T (Hải Phòng): Thưa Bác Đại tướng Lê Đức Anh, tổng kết của các đoàn đại biểu cho thấy có tới 70% các vụ khiếu nại liên quan tới đất đai. Cháu xin được hỏi: Bác Đại tướng suy nghĩ thế nào về con số này?
Đại tướng Lê Đức Anh: Đây là điều mà các lãnh đạo từ trung ương tới địa phương phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời xem lại các biện pháp quản lý, thực thi pháp luật của ta đã phù hợp chưa, có điều gì đã lỗi thời và không phù hợp thì cũng phải nhanh chóng thay đổi.
Ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam chúc Tết Đại tướng Lê Đức Anh |
Tôi chưa biết cụ thể về con số khiếu nại là bao nhiêu phần trăm, nhưng số vụ khiếu nại về đất đai quá nhiều trên cả nước thì đúng là một việc không bình thường, nó cho thấy hai vấn đề lớn: Thứ nhất, việc quản lý của chính quyền địa phương các cấp quá yếu, bên cạnh đó là vai trò của tổ chức Đảng, các cơ quan đoàn thể khác cũng chưa có sự phối hợp tốt. Thứ hai, chính quyền địa phương làm những việc khuất tất khiến người dân không đồng tình. Người dân bây giờ đã được tiếp cận với các phương tiện thông tin hiện đại, hiểu luật và nhân dân chắc chắn không bao giờ đồng tình với những việc làm có dấu hiệu khuất tất.
Thưa bác Vũ Mão, xin bác phân tích vụ việc ở Tiên Lãng dưới hai góc nhìn: 1 nhà lập pháp và 1 người đại diện cho nhân dân.
Ông Vũ Mão: Tôi từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, tôi hiểu rất sâu sắc về vai trò là người đại diện cho nhân dân. Tôi thường xuyên sâu xát ở các cơ sở mà tôi ứng của là Đại biểu Quốc hội. Và tôi đã lắng nghe tất cả những ý kiến của cử chi phản ánh. Với cương vị của tôi, lúc đó, tôi đã giải thích khoảng 30% những kiến nghị của bà con để họ có đầy đủ thông tin và chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của Nhà nước. Còn 70% những kiến nghị của cử chi là hợp lý thì tôi đã kịp thời phản ánh với lãnh đạo tỉnh, để họ giải quyết những phần việc trong phần việc mà họ phụ trách. Đồng thời phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước TW và tôi theo đến cùng những nội dung kiến nghị đó, yêu cầu các cơ quan liên quan phải giải quyết và trả lời. Cho nên, tôi được cử chi ở khu vực bầu cử luôn tín nhiệm cao qua 4 khóa làm Đại biểu Quốc hội.
Dưới góc nhìn của một nhà lập pháp, tôi đã nghiên cứu kỹ ở 2 khía cạnh. Một là, những vấn đề tồn tại của cơ sở như đã trình bày ở trên. Hai là, những vấn đề thuộc về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ở TW. Cụ thể là, trong Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất là 20 năm là chưa hợp lý. Tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này nhưng không được chấp nhận. Một vấn đề quan trong khác là những quy định về pháp luật trong Luật Đất đai không phù hợp với trong Hiến pháp. Đây là vấn đề quan trọng, một phần tạo nên những nguyên nhân gây bất ổn trong việc thi hành Luật Đất đai.
Tôi có nguyện vọng tha thiết rằng, việc sửa đổi hiến pháp trong thời gian tới cũng như việc sửa đổi Luật Đất đai sau đó, các nhà lập pháp phải có trách nhiệm rất cao để xử lý hài hòa mối quan hệ này. Đồng thời, tôi mong muốn Đảng ta lắng nghe đầy đủ và thực sự cầu thị để xử lý vấn đề rất quan trọng này.
Theo bác Vũ Mão, các đại biểu quốc hội ở Hải Phòng cần phản ứng như nào trước sự việc này để đúng vai trò chức năng của mình?
Ông Vũ Mão: Tôi trả lời ý thứ 2 trước. Tôi cho rằng, vai trò của từng đại biểu Quốc hội và của Đoàn Đại biểu quốc hội ở Hải Phòng là rất quan trọng. Hiến pháp quy định Đại biểu quốc hội là đại diện cho tâm tư, nguyên vọng của cử chi, lắng nghe đầy đủ ý kiến của cử chi và có trách nhiệm phản ánh với Quốc hội. Tôi hiểu rằng, các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng như tất cả Đại biểu của các tỉnh thành trên cả nước đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những chức năng của mình.
Nhưng là người công tác lâu năm ở Quốc hội, tham gia nhiều trong việc tổng kết những nhiệm kỳ ở Quốc hội thì thấy rằng, hoạt động của các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội còn nhiều điểm yếu. Cụ thể trong sự việc này, tôi hiểu rằng, Đoàn Đại biểu đã từng được nghe phản ánh và khiếu nại. Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, chắc hẳn là chưa đầy đủ. Dẫn đến không vào cuộc quyết liệt trong việc giám sát và kiến nghị cho địa phương phải giải quyết đúng pháp luật. Mặt khác, nếu có vấn đề gì nảy sinh ở cơ sở, địa phương cần phải phản ánh kịp thời tới Quốc hội.
Hoàng Trần Bình (Hà Nội): Lời đầu tiên, cháu xin gửi tới Bác Đại tướng và gia đình lời chúc sức khỏe. Cháu và gia đình rất xúc động khi đọc bài trả lời của Đại tướng trên báo Giáo dục Việt Nam. Nói gì thì nói, suy cho cùng việc Đoàn Văn Vươn chống đối, bắn vào lực lượng chức năng là không đúng. Nhưng Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Bí thư Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã nêu quan điểm rằng, phải làm rõ lý do vì sao một người có học, rất hiểu cái giá phải trả lại hành động như vậy? Bác Đại tướng có nghĩ rằng phía sau vụ việc này có uẩn khúc gì, liệu có khả năng chính quyền địa phương o ép người dân quá hay không? Quan điểm của Bác Đại tướng thế nào?
Đại tướng Lê Đức Anh: Chào cháu! Bác vẫn luôn quan tâm theo dõi các tin tức xung quanh vụ việc này và cũng đã hai lần trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam. Bác đã nêu vấn đề cần phải làm rõ: Chính quyền thu hồi khu đất đó nhằm mục đích gì? Cũng cần phải làm rõ, việc thu hồi của chính quyền huyện Tiên Lãng có làm đúng pháp luật không? Quyền lợi của người dân có được đảm bảo không, nếu việc thu hồi là đúng? Có chuyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc riêng không?
Muốn làm trong sạch bộ máy của Đảng, của chính quyền các cấp, chúng ta phải quan tâm tới từng việc nhỏ, xử lý mọi việc chi tiết, không thể vì bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào mà xuê xoa. Đoàn Văn Vươn là một người làm công việc của nông dân, nhưng anh ta có học hành, có hiểu biết về pháp luật và trước hành động phản ứng của anh ta với lực lượng cưỡng chế thì rõ ràng đàng có điều không bình thường. Thứ nhất, nếu chính quyền đúng là Đoàn Văn Vươn sai thì cũng phải xử lý Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật. Thứ hai, nếu chính quyền làm sai, nhất là cố ý làm sai, vì một động cơ cá nhân nào đó thì rất nguy hiểm.
Ít ngày trước, Bác đã trả lời trên Báo Giáo dục Việt Nam rằng: Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân
Theo các vị khách mời, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà đây là sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm 1 cách quá nghiêm trọng của các nhà chức trách. Người ta cảm nhận là một cấp chính quyền cường quyền đối với 1 sự việc không quá phức tạp nhưng nhà chức trách đã vi phạm đến các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách mang tính cách cường hào nên đã gây phẫn uất trong nhân cả nước cần phải được xử lí một cách nghiêm túc.
Tôi nghe nói vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng có dấu hiệu sai phạm, vậy nếu thực sự cơ quan chức năng có dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị xử lý ra sao?
LS Phạm Thanh Bình: Pháp luật Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự hoặc hành chính của cơ quan tổ chức do đó trong trường hợp xác định được vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng có dấu hiệu sai phạm thì các cá nhân liên quan đến sai phạm đó sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
Theo GS Đặng Hùng Võ, để những người dân thuê đất hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ đối với mảnh đất mà họ thuê, có cần thiết một cách nào đó để chuyển đến họ những thông tin cần thiết? Và nếu có thì giải pháp là gì? saudautim9@yahoo.com.vn
GS. Đặng Hùng Võ: Đây chính là nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã. Khi xem xét việc xin giao đất, thuê đất của dân thì cần phải phổ biến ngay về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhất là đối với đất sẽ được thuê, được giao.
Thưa GS. Đặng Hùng Võ, ông có suy nghĩ gì về việc rất nhiều người dân đã và đang phải chịu cảnh mất đất, mất mồ hôi, nước mắt như trường hợp của ông Vươn nhưng họ lại không nhiều kiến thức và hiểu biết về luật pháp như ông Vươn?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cũng biết về tình trạng bất cập đối với thực thi pháp luật đất đai ở cấp huyện và cấp xã. Nhiều trường hợp cũng làm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân khi rơi vào cảnh bị thu hồi đất. Theo tôi, hiện nay pháp luật của ta cũng cho phép người dân có khiếu kiện hành chính có thể thuê luật sư đại diện cho mình. Tất nhiên dân ta còn nghèo nên thuê luật sư cũng khó. Cách tốt nhất là chính quyền của nhân dân phải thực sự là người giúp đỡ nhân dân mới giải quyết tốt được tình trạng này.
Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ CA Hải Phòng trả lời truyền hình rằng: Nhà ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá và cái chính là xây dựng trái phép, chính vì vậy việc phá hay không phá không quan trọng. Các vị khách mời nghĩ thế nào về tuyên bố này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo hình ảnh trên báo chí thì đây là một căn nhà khá kiên cố (có hình ảnh, bên cạnh lại có máy xúc). Một “cái chòi” như vậy thì việc gì phải huy động cả 1 chiếc xe xúc như vậy? Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn thuộc về bản chất như Bác Hồ đã dạy: “Không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”, thế thì nếu chỉ là một “cái chòi” thì cũng là vi phạm đến bản chất của quân đội, công an. Tôi không hiểu đồng chí GĐ CA trả lời như vậy đúng hay sai? Xin để công luận và ngành công an trả lời.
Tôi có câu hỏi dưới đây muốn hỏi Giáo sư Đặng Hùng Võ. Thưa giáo sư, tôi là người theo dõi vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng từ đầu đến giờ. Rất nhiều cán bộ, lãnh đạo đã về hưu hay còn đương chức, trong đó có giáo sư, đều cho rằng quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Làng là trái với pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng, đã phản bác lại ý kiến này và cho rằng “một số các cán bộ về hưu đã nhầm lẫn vụ Tiên Lãng” với lý do là đây là đất cho thuê chứ không phải là đất giao để sản xuất nông nghiệp. Trong đó ông này nêu rõ giáo sư phát ngôn không đúng “Thế mà ngày hôm qua, ông Đặng Hùng Võ lại vẫn còn từ Hà Nội không xuống dưới đây xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn như thế”. Giáo sư nói gì về ý kiến này của ông Vũ Hồng Chuân?Duc Tran(ductran67@gmail.com)
GS. Đặng Hùng Võ: Đất mà ông Vũ Hồng Chuân nói ở trên là đất được giao theo 2 quyết định giao đất của Chủ tịch UBND huyện, chưa có văn bản nào nói rằng đất này là đất thuê. Như vậy ở đây huyện Tiên Lãng có một sai kép về pháp luật đất đai.
Một là, đáng nhẽ phải chuyển một phần lớn diện tích sang thuê đất từ năm 1999 nhưng huyện không làm. Hai là, đến nay lại đương nhiên nói rằng đất thuê để thu hồi. Hơn nữa, nếu hiện nay có là đất thuê thì cũng không thể bị thu hồi được mà cũng phải thực hiện theo quy định của Nghị định 181 và Nghị định 69. Xin lưu ý là chính sách đất đai nông nghiệp khác hoàn toàn với chính sách đất đai phi nông nghiệp.
Thưa Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông có nghĩ, chính phủ đã vào cuộc muộn trong vụ việc này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tuy có muộn nhưng tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính Phủ đã nghe ý kiến của dân, phản ánh của báo chí, nhiều kiến nghị của các cán bộ lãi thành, của các giới trên cả nước là một quyết định đúng đắn. Nhưng sự việc này lại hết sức nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà nếu không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của đất nước.
Bởi lẽ, trên 70% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, sự việc nấu không giải quyết tới tận gốc mà theo tôi trước hết là sai phạm của chính quyền địa phương gây ra hậu quả nghiêm trọng trên các mặt. Giải quyết tốt sẽ gây lại niềm tin của nhân dân và ngược lại mong rằng Thủ tướng sẽ lắng nghe một cách toàn diện trên các khía cạnh, các ý kiến phản biện để có 1 quyết định chính xác được toàn dân hoan nghênh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
-Theo bác Vũ Mão, các đại biểu quốc hội ở Hải Phòng cần phản ứng như nào trước sự việc này để đúng vai trò chức năng của mình?
-Ông Vũ Mão: Tôi trả lời ý thứ 2 trước. Tôi cho rằng, vai trò của từng đại biểu Quốc hội và của Đoàn Đại biểu quốc hội ở Hải Phòng là rất quan trọng. Hiến pháp quy định Đại biểu quốc hội là đại diện cho tâm tư, nguyên vọng của cử chi, lắng nghe đầy đủ ý kiến của cử chi và có trách nhiệm phản ánh với Quốc hội. Tôi hiểu rằng, các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng như tất cả Đại biểu của các tỉnh thành trên cả nước đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những chức năng của mình.
Nhưng là người công tác lâu năm ở Quốc hội, tham gia nhiều trong việc tổng kết những nhiệm kỳ ở Quốc hội thì thấy rằng, hoạt động của các Đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội còn nhiều điểm yếu. Cụ thể trong sự việc này, tôi hiểu rằng, Đoàn Đại biểu đã từng được nghe phản ánh và khiếu nại. Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, chắc hẳn là chưa đầy đủ.
Dẫn đến không vào cuộc quyết liệt trong việc giám sát và kiến nghị cho địa phương phải giải quyết đúng pháp luật. Mặt khác, nếu có vấn đề gì nảy sinh ở cơ sở, địa phương cần phải phản ánh kịp thời tới Quốc hội.
Thưa tướng Thước, ông đánh giá như thế nào về sự khác nhau “chan chát” trong những phát biểu của chủ tịch Xã, UBND huyện Tiên Lãng và lãnh đạo TP. Hải Phòng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi đọc thông tin trên mạng không hiểu các cán bộ xã, huyện và TP lại trả lời 1 cách bất nhất như thế này. Thậm chí có những ý kiến còn “mạt sát” việc làm của những con người lao động đã vượt bao khó khăn để tạo ra của cải cho mình và cho đất nước không khác gì người thường gọi là “ăn cháo đái bát”. Việc làm sao rành rành lại đổ lỗi cho dân, không thấy được sai phạm nghiêm trọng của mình lại phê phán cả giới báo chí khi phản ảnh tình hình 1 cách vô trách nhiệm, thiếu trung thực.
Rõ ràng, ở đây có 1 sự ngụy biện để tránh né trách nhiệm của mình, Tôi nghĩ rằng, những người dân chân chính tại địa phương sẽ giúp chúng ta làm rõ sự việc 1 cách khách quan và ai sai phạm cần phải nghiêm trị để giữ vững kỉ cương, phép nước, đồng thời lấy lại lòng tin của nhân dân.
Thưa ông Đặng Hùng Võ, với cương vị là một người từng công tác trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, vậy theo ông, khu vực đất bị thu hồi của Đoàn Văn Vươn được coi là đất gì? Từ đó, theo ông việc tiến hành thu hồi đất này của huyện Tiên Lãng đã đúng luật hay chưa? (Nguyễn Sỹ Tá – Gia Lai)
GS. Đặng Hùng Võ: Trong 2 quyết định giao đất của UBND huyện cho ông Đoàn Văn Vươn đều ghi rõ là giao đất để nuôi trồng thủy sản. Như vậy, sau khi giao, đất đó là đất đã đưa vào sử dụng và thuộc loại đất nuôi trồng thủy sản, thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành luật đất đai, việc thu hồi đất nông nghiệp chỉ được thực hiện trong 5 trường hợp: (1) Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch (thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP); (2) Thu hồi khi không có người thừa kế; (3) Thu hồi khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại; (4) Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất; (5) Người sử dụng đất không đưa đất vào sử dụng ngay sau từ 12 cho tới 24 tháng tùy theo từng loại đất; không có trường hợp thu hồi đất nông nghiệp khi hết thời hạn.
Như vậy, việc thu hồi đất ở Tiên Lãng chắc chắn là sai pháp luật.
Bộ đội Việt Nam trong lòng người dân luôn là hình ảnh đẹp của “ảnh bộ đội cụ Hồ”. Ông có nghĩ: sự xuất hiện của bộ đội trong lực lượng cưỡng chế đã vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp kia?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chức năng của Quân đội được Đảng, Nhà nước giao là để đáp trả bất cứ một kẻ thù nào để bảo vệ tổ quốc và nhân dân, đâu có phải đưa bộ đội ra để làm hại đến lợi ích của nhân dân. Việc Tiên Lãng đưa hàng chục bộ đội và công an, nói là để cưỡng chế nhưng với vẻn vẹn chỉ có mấy người dân thì đây rõ ràng là một vụ trấn áp không thể chấp nhận được. Người đưa bộ đội ra trong trường hợp này để gây hậu quả cho dân là phi pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong mắt người dân.
Câu hỏi dành cho GS. Đặng Hùng Võ: Là một chuyên gia xử lý các vấn đề đất đai, theo ông vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn sẽ được xử lý thế nào về mặt đất đai?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng: Thứ nhất, phải làm rõ những sai phạm pháp luật trong các quy định, quyết định hành chính do UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Đây là điều chúng ta phải làm thật rõ vì từ đó mới có thể tiếp tục xem xét những vấn đề tiếp theo.
Thứ hai, cần tiếp tục xem xét việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn có những vi phạm pháp luật nào. Sau khi làm rõ 2 việc này, có thể kết luận được việc thực thi pháp luật đất đai của chính quyền địa phương và của người sử dụng đất.
Từ những rà soát việc thực thi pháp luật đất đai ở trên, có thể kết luận được mức độ sai phạm pháp luật đất đai của các bên.
Một bạn đọc tại TP Hồ Chí Minh hỏi các vị khách mời: Giữa hai luồng thông tin: gia đình ông Vươn cho rằng mình bị mất trộm tôm cá với giá trị tài sản khoảng 1 tỷ đồng và phía chính quyền cho rằng gia đình ông Vươn đã đánh bắt cá trước khi cưỡng chế, ông tin ai hơn?
Ông Vũ Mão: Vấn đề này không thể nói ngay là tin ai hơn được mà cần phải có quy trình làm việc công phu. Tổ chức nhóm công tác gồm những người công tâm, khách quan và có trách nhiệm xuống địa bàn để gặp gỡ nhân dân, nghe đầy đủ những tiếng nói khác nhau, với những chứng cứ rành mạch thì mới có thể kết luận được.
(Nguyen Le Tu nguyen.letu@ymail.com): Kính thưa các vị! xin cho độc giả đươc biêt:(Nếu) quyết đinh thu hồi đat ở đầm nhà ông VƯƠN là trái luật,thì hành vi cuả anh em nhà ông VƯƠN có bị coi là chống người thi hành công vụ không? Nếu một số lãnh đạo TP.Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh quang vi pham phap luât, thì cơ quan nào sẽ khởi tố và ra lệnh bắt các bị can trong vụ án? Xin chân thành cám ơn quý vị!
LS Phạm Thanh Bình: Nếu quá trình điều tra xác định được quyết đinh thu hồi đất ở đầm nhà ông Vươn là trái luật,thì hành vi chống người thi hành công vụ của anh em ông Vươn sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt được quy định tại điểm b khoản 1 điêu 46 BLHS là “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”. Đây không phải là tình tiết để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị can.
Nếu quá trình điều tra xác định được hành vi vi phạm pháp luật của một số 1 số lãnh đạo TP.Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, xã Vinh quang thì tùy từng trường hợp cụ thể, những người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS); tội lợi dụng chức vu, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS)… theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan CSĐT TP. Hải Phòng có thẩm quyền và trách nhiệm tiến hành khởi tố điều tra hành vi phạm tội của các cá nhân có liên quan đến vụ cưỡng chế.
Theo ông Đặng Hùng Võ, số diện tích mà ông Đoàn Văn Vươn được huyện Tiên Lãng giao có đúng luật không? Và phần đất giao thêm ấy, ông PCT Hải Phòng nói là giao bao lâu do chính quyền và người dân thỏa thuận, theo ông là đúng hay sai? Nếu là sai thì sai như thế nào?
GS. Đặng Hùng Võ: Tổng số diện tích đất nuôi trồng thủy sản được chủ tịch huyện Tiên Lãng giao cho ông Đoàn Văn Vươn là hơn 40 ha (Năm 1993 giao hơn 23ha, năm 1997 giao hơn 19 ha). Như vậy, tổng diện tích được giao vượt quá hạn mức diện tích đất bãi bồi, ven sông, ven biển theo quy định tại Quyết định 773-TTg tháng 12/1994 của Thủ tướng Chính phủ (Hạn mức cho phép từ 3-10ha đối với hộ gia đình cá nhân). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 có quy định khi vượt hạn mức diện tích thì phải chuyển sang thuê đất nhưng huyện Tiên Lãng không làm việc này ngay từ năm 1999.
Pháp luật của Việt Nam không hề quy định về cơ chế chính quyền với người dân thỏa thuận khi giao đất. Đất bãi bồi ven biển được giao ở Tiên Lãng là phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện. Vậy thì việc giao đất đó phải giao ổn định cho dân với hạn mức diện tích do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 773 nói trên.
Cách giải thích của PCT Hải Phòng là không có căn cứ pháp lý, không có quy định nào của luật pháp tương tự như vậy.
- Độc giả Phương Thảo (Bắc Giang) hỏi: Ông có nghĩ đây là một “bài học đắt” trong công tác cưỡng chế đất đai không chỉ trong huyện Tiên Lãng mà còn trong cả nước không?
Ông Vũ Mão: Đương nhiên đây là bài học rất đắt giá mà tất cả chúng ta đều phải nghiêm túc để tìm ra bản chất, nguyên nhân của nó. Theo tôi, ở đây có mấy nguyên nhân cơ bản. Một là, vai trò quản lý đúng đắn của chính quyền. Hai là, vai trò của Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất, nhưng từ khi xảy ra vụ việc này, tôi chưa thấy rõ vai trò của Bí thư huyện ủy và của tập thể cấp ủy ở đâu.
Thứ ba là, chúng ta có một hệ thống chính trị nhưng từng thành viên trong hệ thống chính trị đó không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình và sự phối hợp với nhau là rất kém. Thứ tư là tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình rất yếu, tình trạng nể nang, né tránh là phổ biến. Thứ năm, những vụ việc cưỡng chế này không chỉ là trách nhiệm của cơ sở mà cần làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan cấp trên, kể cả các cơ quan của TW.
Kính thưa Giáo sư Đặng Hùng Võ: Xin giáo sư cho biết qua báo chí và các phương tiện thông tin việc cưỡng chế và phá tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là không đúng pháp luật đến nay các cơ quan chức năng vẫn không điều tra ra kẻ nào sai mà cứ đùn đẩy nhau. Cụ thể ngôi nhà cũng không biết ai phá thật là một chuyện vô lý không thể chập nhận được mong ông trả lời giúp. (Phước Trần truongphatqn@gmail.com)
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi cũng thấy vô lý giống hệt như vậy! (Cười). Nhưng chắc chắn để giải quyết việc này phải có sự tham gia của cảnh sát điều tra. Hành vi phá hoại tài sản gắn liền với đất khi cưỡng chế thuộc khung pháp luật hình sự. Chúng ta quyết tâm làm thì chắc chắn sẽ tìm được ai ra lệnh phá và ai thực hiện việc phá. Tôi cho việc này cũng không khó vì lúc cưỡng chế, cũng có rất nhiều người dân chứng kiến.
Thưa Trung tướng Thước, ông từng nhiều năm giữ cương vị Tư lệnh quân khu, đã khi nào ông phải huy động quân đội tham gia cưỡng chế hoặc trấn áp các hành vi bạo động, vi phạm pháp luật? Biện pháp trấn áp của ông là gì? (Hải Phong, Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong những năm đầu của thập kỉ 90, lúc tôi là Tư lệnh quân khu IV cũng đã xảy ra nhiều việc tranh chấp đất đai có vụ việc cấp ủy với chính quyền 2 xã đã tổ chức lực lượng dân quân dàn thành thế trận, xây dựng trận địa, hầm hào, chướng ngại để tranh chấp 1 vùng đất mà 2 bên đều nói là của địa phương mình. Sự việc xảy ra kéo dài nhưng chính quyền cấp trên không cương quyết xử lí nên từ tranh chấp đã biến thành cuộc đấu súng giữa 2 bên gây ách tắc đường Quốc lộ 1.
Trung ương chỉ thỉ cho tỉnh phải nhanh chóng giải tỏa để thông suốt đường giao thông Bắc-Nam và không để xảy ra tình trạng nổ súng gây mất trật tự tình hình. Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Quân khu cho lực lượng thiết giáp ra để đẹp loạn. Tôi hỏi: Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút sau tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, thế thì Tư lệnh quân khu ra lệnh “Quân ta đánh quân mình” hay sao?
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy hỏi: Thế thì nên giải quyết thế nào? Tôi trả lời: Phải tìm cách làm hạ nhiệt 2 bên, không được đổ thêm giàu vào lửa. Nếu không sẽ không còn là vấn đề tranh chấp đất đai nữa mà sẽ trở thành vấn đề chính trị hết sức phức tạp. Lúc này không phải là lúc đưa quân đội vào để giải quyết. Tôi liền chỉ thị cho đồng chí Đại tá, Tham mưu trưởng quân khu và 2 đồng chí bảo vệ và 1 chiếc loa cầm tay không mang theo vũ khí vào tiếp cận 2 trận địa để giải thích rõ và tổ chức giải giáp. Vì việc này trước đó nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện 1 số vào thì bị giữ lại, 1 số lại không tiếp cận được. Đồng chí tham mưu trưởng vốn là một đồng chí đã từng chiến đầu dày dặn trên chiến trường nhưng trước tình hình đó vẫn băn khoăn hỏi tôi: Nếu tôi vào mà họ bắt thì thế nào?
Tôi trả lời: Nếu là địch bắt thì tôi phải suy nghĩ lại nhưng đây là đồng chí vào với dân việc gì phải sợ. Nếu họ có bắt thì tôi cũng chả lo. Thậm chí họ còn cho đồng chí ăn no nữa nếu đồng chí giải quyết có tình có lí. Vì vậy đồng chí đó mới yên tâm vào tiếp cận trận địa, lúc đầu một số hùng hổ ra đòi bắt, đồng chí trả lời: Tôi theo lệnh Tư lệnh quân khu vào kiểm tra tình hình vì sao lại có việc hai bên bắn nhau để tìm cách giải quyết để không xảy ra đổ máu.
Lúc vào kiểm tra, nhiều chiến sĩ dân quân đã nhận ra đồng chí là người chỉ huy trước đây của mình. Đồng chí liền hỏi: Tôi dạy các anh để đi đánh giặc, sao bây giờ các anh lại đi đánh nhau? Chiến sĩ nhận ra cười trừ và nói: Bên kia bắn chúng tôi thì chúng tôi bắn lại. Đồng chí liền nói: Tất cả thụ súng trở về nhà. Anh em còn thắc mắc: Bên kia còn bắn thì chúng tôi xử lí thế nào?
Đồng chí liền trả lời: Tôi sẽ thu súng cả 2 phía sau đó chính quyền sẽ xử lí ai đã để xảy ra sự việc này. Sau khi tháo xong ngòi nổ, chính quyền vào điều tra, kết luận thấy rõ, cấp ủy và chính quyền 2 bên vì mục đích lợi dụng cá nhân đã kích động nhân dân gây ra vụ việc này. Những cán bộ lãnh đạo và chính quyền vi phạm đều phải xử lí, có người phải đưa ra pháp luật. Số đầu xỏ chống đối cũng bị xử lí và từ đó chính quyền cơ sở được củng cố, tình hình trở lại bình thường. Hiện nay vùng đó đã trở thành 1 điểm sáng trên địa bàn quân khu.
Từ vụ việc nghiêm trọng này nếu hành xử như Tiên Lãng thì chắc tôi không còn ngồi ở đây để trả lời báo chí nữa.
Tôi băn khoăn cho số phân gia đình ông Vươn; Không biết ông Vươn sẽ vị xử lý trong khung hình phạt nào của Bộ Luật hình sự về tội giết người?(phambinhphambinh1966hp _ 40)LS Phạm Thanh Bình: Nếu quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án có tình tiết “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, tình tiết “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”… thì họ sẽ bị truy tố về tội giết người theo khoản 1 điều 93 BLHS với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể cho các bị cáo còn tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thậm chí cả các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, khi quá trình điều tra còn đang được tiến hành thì chưa có cơ sở để xác định mức hình phạt cụ thể cho mỗi bị cáo.
Luật sư Phạm Thanh Bình tại buổi GLTT |
Độc giả Duy Minh (Hải Phòng) hỏi: Với khoảng 20 hộ dân còn lại cùng trong diện phải thu hồi đất đầm như ông Vươn, chính quyền huyện Tiên Lãng nên xử lý như thế nào trong thời gian tới đây?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, thứ nhất là phải đánh giá lại toàn bộ sự kiện đã xảy ra thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm. Và đương nhiên không thể để lặp lại những việc làm tương tự đối với 20 hộ dân còn lại. Thứ hai, lãnh đạo nên gặp dân để nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của họ.Thứ ba là phải căn cứ vào pháp luật để vận dụng, xử lý có lý, có tình. Thứ tư, việc xử lý tiếp theo cần xin ý kiến của thành phố và TW trước để có phương án thực thi có hiệu quả nhất, có lợi cho dân và có lợi cho sự phát triển của địa phương.
Độc giả Quốc Hưng, Hà Nội hỏi: Bản chất là một vụ cưỡng chế như bao vụ khác, theo ông yếu tố nào trong vụ việc này đã “xé toang” dư luận khi 2 anh em ông Vươn dùng vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế?
Ông Vũ Mão: Về cụm từ “xé toang” dư luận, theo tôi cũng chưa rõ ý lắm. Tôi có thể hiểu là vụ việc này sau khi xảy ra thì được các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải rộng rãi, do đó được dư luận xã hội rất quan tâm. Nếu như vậy, tôi cảm thấy là điều rất tốt. Bởi vì, thứ nhất là công tác báo chí của chúng ta thể hiện tinh thần dân chủ cao hơn, cởi mở hơn. Thứ hai là, trình độ dân trí của nhân dân ta ngày càng cao hơn. Thú ba, trách nhiệm công dân của mọi người với trách nhiệm đất nước ngày càng thể hiện đầy đủ hơn. Đó là lòng yêu nước, đó là “Bầu ơi, thương lấy bí cùng.”
Ông Vũ Mão |
Cho dến giờ này rất nhiều các ý kiến và dư luận đều đưa ra đề nghị cần phải khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Nhưng Hải Phòng vẫn chưa có động thái gì cho việc này, Ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào? Và xin hỏi nếu Hải Phòng không làm thì cấp cao hơn có thể điều tra va khởi tố vụ án này hay không? Xin trân trọng cám ơn Luật Sư. (Phạm Thanh Tùng – TPHCM)
LS Phạm Thanh Bình: Chúng tôi cho rằng đã có đủ cơ sở để kết luận việc phá hủy tài sản trên đất của hộ Đoàn Văn Vươn cũng như hộ Đoàn Văn Quý là trái pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP. Hải Phòng vẫn chưa khởi tố vụ án để điều tra là việc làm chậm trễ, vi phạm các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự về trách nhiệm khởi tố điều tra vụ án. Giả sử vì một lý do nào đó mà công an TP. Hải Phòng không khởi tố vụ án này thì những người bị hại trong vụ án này có quyền khiếu nại đến VKSND TP. Hải Phòng hoặc cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an để yêu cầu khởi tố vụ án.
Một người dân gọi điện thoại đề nghị giấu tên gọi điện thoại tới tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam xin đặt câu hỏi, tôi chứng kiến bà Thương (vợ Vươn) và bà Hiền (vợ Qúy) chỉ đứng trên đê chứng kiến vụ cưỡng chế, (có buông lời chửi bới lực lượng cưỡng chế), tại sao lại bị khởi tố vì tội chống người thi hành công vụ? Xin luật sư trả lời giúp: việc khởi tố này đã đủ căn cứ chưa?
LS Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại điều 257 BLHS, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”. Nếu bà Thương (vợ Vươn) và bà Hiền (vợ Qúy) chỉ đứng trên đê chứng kiến vụ cưỡng chế và chỉ có buông lời chửi bới lực lượng cưỡng chế thì hành vi đó không đủ dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ
Thưa ông Vũ Mão, nếu ông ở vào vị trí của ông Đoàn Văn Vươn, ông sẽ cư xử như thế nào? (Một bạn đọc tại Tiên Lãng, Hải Phòng)
Ông Vũ Mão: Nếu tôi là ông Đoàn Văn Vươn, tôi cũng khó tránh khỏi những tâm tư, bức xúc, thậm chí uất ức giống như ông Đoàn Văn Vươn. May ra, khi đó, tôi có thể tỉnh táo hơn 1 chút, thì sẽ không dẫn đến những hành động manh động như ông này. Và có lẽ sẽ không có câu chuyện như chúng ta đang bàn.
Tất nhiên, câu chuyện này sẽ tiếp tục âm ỷ và không có gì là hay ho cả.
Theo ông, ông Đoàn Văn Vươn bị bắt trên đường đi nộp đơn, tại sao lại bị khởi tố vì tội danh giết người (Phạm Hoàng Lan Linh, Hà Nội)?
LS Phạm Thanh Bình: Nếu ông Đoàn Văn Vươn bị bắt trên đường đi nộp đơn, mà lại bị khởi tố về tội danh giết người thì có nhiều khả năng cơ quan điều tra đã thu thập được những chứng cứ chứng minh ông Vươn tham gia vào vụ việc với vai trò đồng phạm. (Ví dụ: bàn bạc kế hoạch chống đối, chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ…)
Trong quá khứ, ông có thấy vụ việc nào cưỡng chế đất đai của người dân, lấy lý do làm công trình nhà nước, sau đó chuyển sang mục đích khác của tư nhân không? Nếu có xin ông cho thí dụ cụ thể và ông có bình luận gì về những vụ việc như vậy?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những vụ việc mà có một số cấp chính quyền đã lợi dụng nhân danh thu hồi đất của dân để làm việc công nhưng sau đó lại chia chác với nhau đã gây phẫn uất cho nhân dân ở nhiều địa phương. Lúc tôi là Đại biểu Quốc hội Khóa IX, vụ việc một gia đình cựu chiến binh tại Bình Định bị chính quyền cấp huyện thu hồi đất nói là phục vụ công trình công cộng nhưng sau đó thì các vị đó lại chia chác với nhau xây dựng nhà riêng. Gia đình cựu chiến binh đó đấu tranh nhưng ở cấp huyện và tỉnh không giải quyết nên đã mang đơn đi khiếu kiện tại Trung ương, tại 12 kì họp của Quốc hội, tôi là người nhận được đơn thấy sự việc hoàn toàn bất công nên đã kiên quyết lên tiếng yêu cầu Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi của người dân.
Trước bức xúc của người dân và Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã quyết định tỉnh Bình Định phải trả lại quyền lợi cho người dân. Quyết định rồi nhưng chính quyền địa phương vẫn chần chừ không chấp hành. Mãi đến khóa X, lúc Chính phủ tổ chức thanh tra chính quyền mới trả lại quyền lợi cho gia đình đó.
Qua việc này mới thấy rằng, một số cấp chính quyền cơ sở vừa xâm phạm đến lợi ích của nhân dân lại vừa không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cấp trên. Tình trạng đó nếu không cương quyết xử lý cũng như vụ Tiên Lãng hiện nay thì lòng dân sẽ không yên. Lòng tin của dân đối với Nhà nước sẽ bị xúc phạm và đó là mầm mống của những việc mất ổn định.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Bạn đọc Quang Minh (Thái Nguyên) gửi câu hỏi tới GS Đặng Hùng Võ: Thưa ông tôi được biết ông là một trong những người có đóng góp rất lớn vào hệ thống luật đất đai, bất động sản của Việt Nam, mới đây, nhiều tớ báo có đăng tải phát biểu của ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng có nói rằng “ông Đặng Hùng Võ không biết cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn” – ý nói ông ở Hà Nội không xuống Tiên Lãng xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn? Ông có thể cho biết ý kiến của mình về lời nói của ông Vũ Hồng Chuân?
GS.Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, tôi phát biểu sau khi các nhà báo đưa cho tôi toàn bộ các tài liệu về các quyết định, các văn bản do Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Thứ hai, tình hình sử dụng các loại đất, tôi đều nắm được trong thời gian 5 năm được giao nhiệm vụ phụ trách về đất đai của cả nước.
Ở đây, cái sai phạm đầu tiên về pháp luật đất đai là Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã tự ban hành vào ngày 6/10/1993 một văn bản quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất trên địa bàn huyện. Trong hệ thống pháp luật đất đai của ta từ năm 1987 đến nay chưa bao giờ cho phép UBND cấp huyện được làm việc này.
Như vậy, quy định trên là vô hiệu. Lãnh đạo của huyện Tiên Lãng đã căn cứ vào một văn bản trái pháp luật của mình để chứng minh các quyết định tiếp theo là đúng pháp luật. Điều này không cần xuống Tiên Lãng cũng biết. Như vậy, vụ việc này sai từ gốc của vấn đề áp dụng pháp luật đất đai.
Tất nhiên, lời nói của ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng là không phù hợp.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường |
Ông chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đã giải thích rằng: Theo quy định luật đất đai năm 2003 thì khu đầm nuôi tôm của ông Vươn bị thu hồi lại rồi cho thuê. Lý giải của ông Chánh văn phòng này có đúng không, thưa ông?
GS.Đặng Hùng Võ: Lý giải này hoàn toàn không đúng, vì pháp luật đất đai không có quy định về việc thu hồi đất rồi mới chuyển sang cho thuê. Việc chuyển từ đất được giao sang đất thuê chỉ cần làm thủ tục mà không được thực hiện thu hồi đất. Việc chuyển từ đất được giao sang đất thuê hoàn toàn là những thủ tục địa chính thông thường. Như vậy, cách giải thích của chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng hoàn toàn mang tính bao biện và không đúng pháp luật.
Vụ việc cưỡng chế đất đai với Đoàn Văn Vươn xảy ra, cho tới nay, có một số quan điểm cho rằng, nếu chính quyền hành xử vừa không đúng luật lại vừa không có tình, khi đập nát nhà người dân ngay trước dịp Tết. Ông bình luận gì? (phamhoangnam@...com)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có thể nói rằng vụ Tiên Lãng không chỉ riêng tôi, mà còn hàng triệu người dân đều quan tấm đến vụ này vì một lẽ, cấp ủy chính quyền vừa vi phạm luật đất đai, hành động đó vừa vi phạm đến quan điểm đường lối của Đảng, cấp chính quyền mang tính cường quyền, áp đặt đối với dân. Cho nên có thể nói rằng việc này đã gây bức xúc căm phẫn trong nhân dân, khi xâm phạm đến quyền lợi của nhân dân, đập phá nhà của người ta.
Tôi thực sự kì lạ là đã trên 20 năm đổi mới của Đảng mà vẫn có một chính quyền cấp huyện hành động nhụ vậy thì không thể chấp nhận được. Nếu cả nước mà nhiều vụ như thế này thì tình hình chính trị đất nước sẽ như thể nào, lòng dân sẽ ra sao? Và kẻ địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc bản chất của chế độ ta. Mong các cấp chính quyền hãy ra tay giải quyết một cách triệt để, lấy lại lòng tin của nhân nhân.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Thưa ông Vũ Mão, nếu ông là chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông sẽ cư xử như thế nào ngay sau vụ cưỡng chế? (Sỹ Long, phường Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng)
Ông Vũ Mão: Tôi đã từng là Bí thư huyện ủy của một huyện biên giới, miền núi, trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, cho nên tôi hiểu được và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt là như thế nào. Rõ ràng trong trường hợp này, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là người không đủ trình độ lãnh đạo, do đó đã đưa ra những chủ trương sai lầm. Điều đáng nói hơn nữa, sau khi sự việc đã xảy ra rồi, thì đã không đủ độ mẫn cảm để xử lý một cách có lý, có tình sự việc.
Đó là chưa nói tới đằng sau đó, họ có động cơ cá nhân gì không? Có lợi ích cá nhân gì không? Từ sự việc này giúp chúng ta cách nhìn nhận, cách đánh giá cán bộ. Và từ đó có thể xem xét tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra của Đảng ta.
Nếu tôi là chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, tôi sẽ không xử lý như ông chủ tịch hiện tại.
Kính gửi tòa soạn báo giáo dục Việt Nam, nhân buổi giao lưu trực tuyến về vụ việc Cưỡng chế ở Tiên lãng, tôi kính mong tòa soạn cho tôi gửi một câu hỏi tới Luật sư Phạm Thanh Bình như sau: Thưa luật sư, với kịnh nghiệm của một luật sư dày dạn kinh nghiệm như ông thì liệu trong vụ việc cưỡng chế ở Tiên lãng có dấu hiệu của TƯ THÙ CÁ NHÂN hay không? Tôi hỏi câu này vì tôi thấy hiếm khi nhà chức trách lại “nhiệt tình” và “quyết liệt” hơn mức cần thiết như thường lệ. Cám ơn tòa soạn và Luật sư. (Nguyễn Minh Ý, Cần Thơ)
LS Phạm Thanh Bình: Theo các thông tin đã được công bố, chúng tôi thấy trong vụ cưỡng chế này có nhiều dấu hiệu của động cơ tư lợi, còn việc có dấu hiệu tư thù cá nhân hay không còn phải phụ thuộc vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng.
Thưa ông Vũ Mão, ông có nhận xét, đánh giá gì về những phát ngôn không đồng nhất, cố tình né tránh của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng như lãnh đạo huyện Tiên Lãng? Việc phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại “đổ” cho dân phá nhà ông Vươn? (Phạm Anh Hải, TP. Thái Nguyên)
Ông Vũ Mão: Theo tôi, đây là bài học cho những cán bộ vừa làm những việc ấy. Bài học ở đây là, thứ nhất phải nắm vững sự việc và chỉ phát ngôn khi mình đã nắm chắc sự việc đó. Còn khi chưa có đầy đủ thông tin, thì phải rất cẩn trọng và khiêm tốn, nói rõ ràng rằng : “Tôi chưa nắm được, tôi sẽ tìm hiểu đúng thực chất vấn đề và trả lời sau.” Rõ ràng những hành động của những cán bộ trên là thiếu chín chắn, thậm chí thiếu trung thực, có phần vô trách nhiệm. Và họ không có quan điểm đúng đắn “Lấy dân làm gốc.”
Không thể chấp nhận loại cán bộ đứng trên dân và đổ lỗi cho dân.
- Hùng Dũng – Lai Châu Gửi Luật sư Phạm Thanh Bình: Thưa luật sư Bình, tôi là người không am hiểu rõ về luật pháp và muốn được biết rằng trong trường hợp xét xử ông Đoàn Văn Vươn, ngoài các tội danh như chống người thi hành công vụ, tàng trữ vũ khí, giết người chắc chắn thì ông Vươn có được xét đến tình tiết giảm nhẹ nào không, nếu như có kết luận chính thức khẳng định việc cưỡng chế nhà ông Vươn là việc làm của chính quyền địa phương là sai luật?
+ Theo luật đất đai, đất nông nghiệp sẽ được giao 20 năm. Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng lại chỉ giao 14 năm. Điều này liệu có đúng luật?
Luật sư Phạm Thanh Bình: Luật đất đai 1988 không quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất. Đến luật đất đai 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được quy định rõ tại điều 67. Điều luật này đã quy định rõ thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15/10/1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Như vậy, theo quy định nói trên thì việc UBND huyện Tiên Lãng chỉ giao đất 14 năm với lý do áp dụng luật đất đai 1988 là không đúng pháp luật.
+ Ông có nghĩ, hành vi phá căn nhà (vẫn bị coi là chòi cá) của gia đình công Quý cần phải bị khởi tố?
LS Phạm Thanh Bình: Quyết định cưỡng chế thu hồi đất không đồng nghĩa với việc phá hủy các tài sản trên đất. Việc đoàn cưỡng chế hoặc những cá nhân khác phá hủy tài sản trên đất của hộ Đoàn Văn Vươn hoặc căn nhà của ông Đoàn Văn Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo quy định tại điều 143 BLHS thì người có hành vi hủy hoại tài sản nói trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân (nếu tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên)
Thưa GS. Đặng Hùng Võ, theo ông, qua vụ cưỡng chế Tiên Lãng, Hải Phòng, Luật đất đai của ta cần sửa điều gì cho chặt chẽ hơn không? (Bình Nguyên, Thái Bình)
GS.Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Theo quy định của Nghị định 181, không có việc thu hồi đất nông nghiệp đã được giao mà hết thời hạn sử dụng.
Nhưng một mặt khác, nhìn tổng quát hơn thì hiện nay, pháp luật đất đai của chúng ta đang cho phép các cơ quan Nhà nước có quyền quá lớn về việc thu hồi đất. Đây là một cơ chế hành chính thu hồi đất của người này và lại giao cho người khác, nếu áp dụng không đúng sẽ dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền và dễ gắn với tư lợi. Tôi cho rằng trong luật đất đai sắp tới được Quốc hội thông qua sẽ có những đổi mới hơn nữa đối với các quy định về cơ chế nhà nước thu hồi đất và việc thực hiện cơ chế đó trên thực tế.
Thưa luật sư Phạm Thanh Bình, tôi là người không am hiểu rõ về luật pháp và muốn được biết rằng trong trường hợp xét xử ông Đoàn Văn Vươn, ngoài các tội danh như chống người thi hành công vụ, tàng trữ vũ khí, giết người chắc chắn thì ông Vươn có được xét đến tình tiết giảm nhẹ nào không, nếu như có kết luận chính thức khẳng định việc cưỡng chế nhà ông Vươn là việc làm của chính quyền địa phương là sai luật? (Hùng Dũng – Lai Châu)
LS Phạm Thanh Bình: Nếu như có kết luận chính thức khẳng định việc cưỡng chế nhà ông Vươn là việc làm sai luật thì ngoài tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại do người khác gây ra” có thể các bị can trong vụ án còn được hưởng những tình tiết giảm nhẹ khác như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; nhân thân chưa có tiền án tiền sự; người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất…
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Luật sư Phạm Thanh Bình |
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trao đổi với ông Vũ Mão |
LS Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại điều 46 bộ luật hình sự, tình tiết phạm tội “ phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” được coi là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.
Nếu quá trình điều tra chứng minh được việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật dẫn đến việc các bị can trong vụ án bị kích động về tinh thần mà phạm tội thì tòa án sẽ cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ này khi quyết định hình phạt.
Mức án cao nhất mà các bị can có thể phải gánh chịu tùy thuộc vào các tội danh đã bị truy tố cũng như các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ khác do các cơ quan tiến hành tố tụng xác định trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên có thể thấy rằng các bị can chỉ có thể phải chịu mức án phạt tù có thời hạn.
Thưa GS.Đặng Hùng Võ, ông đã từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, xin ông cho biết dưới góc nhìn của ông thì Bộ này sẽ vào tham gia làm rõ những khía cạnh nào trong vụ cưỡng chế Tiên Lãng? (Nguyễn Hải Bình, Petrolilmex, Hà Nội)
GS.Đặng Hùng Võ: Bộ TN – MT có chức năng quản lý đất đai, vì vậy, trách nhiệm đầu tiên là xem xét tính pháp lý của các quyết định về giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất do UBND huyện Tiên Lãng ban hành. Và đây chính là các áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp tới vụ việc vừa xảy ra tại huyện Tiên Lãng.
MỜI ĐỘC GIẢ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐẶT CÂU HỎI
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH TAN TÁC ĐẦM NHÀ ANH ĐOÀN VĂN VƯƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét