Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

CHIA SẺ VỀ ĐỨC CỐ HỒNG Y P.X NGUYỄN VĂN THUẬN




LM. Joseph Trần Năng Thể 3/26/2012
(Theo vietcatholic)

ĐHY P.X Nguyễn Văn Thuận

Tôi không quen gọi Ngài là Đức Hồng Y, nhưng thân thương « Đức Tổng » mỗi khi gặp Ngài từ dạo được biết Ngài. Không là con cái, ấm tử, cũng chưa một lần ghé Huế, Nha Trang là quê quán, giáo phận cũ của Đức Tổng, tôi chỉ gặp Ngài trong những ngày Ngài lang thang ở Âu Châu: không Tòa, không ngôi, không địa phận, không chức vụ, không văn phòng, không chỗ ở chính xác, không địa chỉ để liên lạc, những ngày đen tối vừa rời khỏi Việt nam tối đen, những ngày mờ mịt trước tương lai về lại Sàigòn ngày càng mịt mờ, những ngày Rôma còn nghe ngóng, thăm dò, những ngày Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thinh lặng, e dè, tránh né vấn đề « Đức Cha Thuận ».

Anh dược sĩ Thản cùng tôi đi đón Ngài từ phi trường Charles de Gaulle về nghỉ đêm ở trung tâm Saint Grégoire, nơi tôi phụ trách.; rồi suốt hai tuần liền, tôi làm tài xế đưa Ngài đi thăm các Đấng Bậc ở Pháp và Đức. Xe chỉ có hai người, nên cha con thoải mái tâm sự và tôi được biết, được học nhiều điều nhiều sự từ Ngài.

Hôm nay thì Ngài không còn nữa và khắp nơi đang thu thập chứng từ cho hồ sơ xin phong chân phước cho Ngài. Tôi vui lắm niềm vui của Giáo Hội, tôi mừng lắm nỗi mừng của dân tộc, tôi hạnh phúc lắm niềm tự hào của người công giáo Việt Nam và tôi xúc động thật nhiều khi được viết những giòng tâm sự về Ngài.

Tôi nhớ Ngài nhiều những ngày Ngài « mang tiếng » là Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Sàigòn mà lang thang như giám mục không tòa, ăn ngủ không nơi cố định, sống qua ngày kiểu « tùy cơ ứng biến », di chuyển đó đây hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt và thời giờ của người khác, đa số là những người « vô danh ». Tuy được chào là Tổng Giám Mục, nhưng ai cũng biết: ngày về Tòa của Ngài rất xa, xa như sẽ chẳng có bao giờ, vì chính phủ Việt Nam đã lừa được Ngài ra khỏi nước có bao giờ dại dột cho Ngài trở lại. Đức Tổng phó của giáo phận Sàigòn vẫn cứ bộ áo mầu xám đen đi métro, nhẩy xe buýt trong Paris khi hầu hết các giám mục Việt nam nếu được hỏi ý kiến đều phủi tay khoán trắng « việc Đức Cha Thuận » cho Rôma để tránh phiền phức cho mình và cho tình hình mục vụ chung. Địa phương không thuận cho « ông Thuận » về thì trung ương làm sao dám thuận cho « Tổng Thuận » lên đường nhận Tòa để rồi nhiều năm lê thê, bên này thăm dò bên kia, bên kia nghe ngóng bên này nhưng chẳng bên nào đã quyết tâm giải quyết vấn đề, để rồi « bên này, bên kia » cứ thảnh thơi, thong thả với thời gian và « khôn ngoan nhà đạo» nghe ngóng, thăm dò, hội ý mà chẳng nghĩ gì đến nạn nhân ngày càng mệt mỏi, thiếu thốn, vật vờ.

Đã có lúc, tôi thấy áng mây thất vọng thoáng trên đôi mắt Ngài, nhưng rất nhanh, Ngài đưa tôi về: « Việc của Chúa, Chúa muốn làm thế nào cũng được ».

Thời gian dài, không trách nhiệm mục vụ, Ngài quanh quẩn với những người quen biết và chia sẻ kinh nghiệm tu đức, nhất là những kinh nghiệm sống niềm Hy Vọng trong tù suốt hơn mười ba năm. Ngài được mời giảng trong những khoá huấn luyện Cursillos, gặp gỡ giới trẻ, sinh viên, Ngài nâng đỡ những sáng kiến tông đồ của giáo dân như trường hợp của Hội Marcel Van với chương trình nâng đỡ Ơn Gọi tại Việt Nam do bà Anne de Blaÿe khởi xướng. Những quan hệ và việc làm của Ngài lúc này hoàn toàn mang tính cách cá nhân trong khi đợi chờ một sắp xếp của Tòa Thánh. Và thời gian cứ lững lờ trôi rất chậm cho tâm hồn người tông đồ ngày càng nặng trĩu bâng khuâng.

Tôi không gặp Ngài nhiều, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm Ngài từ khi Ngài về Rôma với nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng khi tôi bị tai nạn xe hơi, Ngài có ghé Paris thăm và nhắc nhở tôi đừng phí sức khỏe, vì « đường còn dài và còn nhiều việc phải làm ». Trước khi Ngài nhận mũ Hồng Y, tôi được gặp Ngài lần chót tại Paris. Hôm ấy, tôi than với Ngài về căn bệnh nhức đầu của tôi từ sau ngày bị xe đụng. Ngài bảo phải đi bác sĩ. Tôi thưa: « Con đi nhiều bác sĩ, nhưng ông nào cũng bảo chẳng thấy gì trên phim chụp, nhưng con đau lắm. Mỗi cơn đau kéo dài cả nửa ngày và cứ khoảng hai tuần con lại bị một tăng như vậy » và tôi xin Ngài cầu nguyện. Ngài nhìn tôi và bảo: « Để Cha nói với Đức Chúa Giêsu chữa cho ».

Ngày Ngài qua đời - 16/9/2002, anh Nguyễn Đăng Trúc từ Strasbourg gọi báo tin, nhưng tôi không qua Rôma dự lễ an táng được, vì việc làm không thể bỏ cho ai. Ở Paris, tôi thiết tha cầu nguyện và nhắc Ngài « nói với Đức Chúa Giêsu chữa cho con». Tự nhiên, tôi hết đau đầu từ ngày đó, ngay sau ngày Đức Tổng về Trời và tôi tin Ngài đã nói với « Đức Chúa Giêsu » chữa cho tôi như Ngài hứa với tôi khi còn sống, ngay phút đầu tiên Ngài được « diện đối diện » với Chúa Giêsu, Đấng Ngài đã suốt đời yêu mến phụng thờ và tuyệt đối tín thác.

Chờ đúng một năm sau, khi không còn thấy bệnh đau đầu trở lại, tôi đã viết thư cho Thánh Bộ phong thánh ở Rôma và kể lại « phép lạ » Đức Tổng Thuận đã làm cho tôi. Vài tuần sau, tôi nhận thư của Toà Khâm Sứ tại Paris cho biết Thánh Bộ đã nhận thư với lời chứng của tôi. Kể lại ơn lạ nhận được do lòng tốt của Đức Tổng cho một cha Việt NamParis, tôi đã trao bức thư trả lời của Toà Khâm Sứ cho ngài giữ.

Viết lại kỷ niệm thiêng liêng với Đức Tổng Thuận, tôi không tìm kiếm gì, ngoài ao ước được nói lên tâm tình kính yêu, biết ơn đối với Ngài và chia sẻ với mọi người những đức tính của một mục tử như lòng Chúa mong ước.

1. Đức Tổng Thuận rất ít nói về gia đình mình và về mình. Hay kể chuyện đi tù là vì nhà tù không ngờ đã trở thành tòa giám mục và giáo phận, nơi Ngài làm việc mục vụ lâu nhất. Nhiều người cho Ngài đã quá tô vẽ đời tù của mình. Có người đã nói: « Đức cha Thuận đi đâu cũng nói chuyện tù, cứ làm như có một mình ngài phải ở tù. Ở tù như ngài chưa chắc đã khổ hơn chúng tôi ở ngoài phải lo toan đủ việc, chống chọi đủ thứ ». Nghe phê bình, Ngài chỉ cười và hiền lành bảo: « Cha chỉ kể kinh nghiệm sống với Đức Chúa Giêsu thôi mà, cha có nói thêm gì đâu ».

2. Đức Tổng không nói xấu bất cứ ai. Đây là điểm đặc biệt của Ngài. Ngài biết rất nhiều và rất rõ những phê phán bất công, bất lợi cho Ngài, nhưng không bao giờ lên tiếng cải chính hay hạch hỏi. Thái độ khiêm nhường chịu đựng giúp Ngài luôn bình an và hồn nhiên, vui vẻ.

3. Đức Tổng bình dân, thân thiện, lịch thiệp và hoà nhã với tất cả mọi người. Ai cũng là người quan trọng với Ngài và Ngài kiên nhẫn ân cần, chia sẻ, lắng nghe từng người. Nhìn Ngài nghiêng đầu, cúi mình nghe người này, rồi mỉm cười đứng thẳng chụp hình với người kia mà cảm phục tình mục tử của Ngài dành cho đàn chiên. Có óc quan sát và trí nhớ sắc bén, nên ít quên tên người đã gặp, Ngài càng làm cho người khác yêu mến Ngài hơn.

4. Đức Tổng Thuận rất vâng lời, trọng kỷ luật, nề nếp, nhưng lại rất cởi mở, phóng khoáng, liều lĩnh. Nghe Ngài kể chuyện mới biết Ngài « chịu chơi » và dám làm, dám quyết định những việc mà nhiều Đấng Bậc khác đã không dám. Nhiều trưòng hợp khó khăn của nhiều người trong những năm tháng khó khăn ở Việt Nam, cũng như một số trường hợp nan giải của linh mục, tu sĩ, chủng sinh bên nước ngoài đã được Ngài giải quyết nhẹ nhàng, kín đáo, khôn ngoan trong tình thương của chủ chăn nhân lành.

5. Đức Tổng rất yêu mến Hội Thánh và luôn có những sáng kiến mục vụ độc đáo, đặc biệt Ngài ủng hộ các phong trào tông đồ giáo dân và mục vụ giới trẻ. Ở đâu có giáo dân và giới trẻ, nếu được mời, Ngài đến ngay.

6. Đức Tổng là người dung hoà, nối kết được nhiều người, nhiều phe nhóm đối kháng nhau. Tôi thấy ai Ngài cũng gần gũi được, dù họ bảo thủ hay cấp tiến, cực hữu hay thiên tả, cộng sản hay quốc gia. Có người cho Ngài mị dân, thiếu lập trường, nhưng tôi biết: Ngài muốn trở nên nhịp cầu nối kết để đem bình an của Chuá cho mọi người như Ngài đã có lần nói với tôi.

Thấm thoát đã gần mười năm Ngài về với Chúa, nhiều người biết Ngài qua đời sống thánh thiện, gương sống mục tử khiêm tốn phục vụ. Đi đến đâu cũng có người hỏi về Ngài, ca ngợi Ngài, nhắc đến Ngài, nhớ thương Ngài. Riêng tôi, mãi mãi mang ơn Ngài vì Ngài đã « nói với Đức Chúa Giêsu chữa cho» khỏi bệnh nhức đầu và ngày ngày tôi vẫn cầu xin với Ngài đừng quên tôi, nhưng tiếp tục « nói với Đức Chúa Giêsu » cho tôi được thuận thảo với Thiên Chúa và thuận hoà với anh em theo gương sống của Ngài, Đức cố Hồng Y kính yêu: Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

LM Jos. Trần Năng Thể

Paris, Muà Chay 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét