Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

CHỮ QUỐC NGỮ VÀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT








































































                              


                                                                                            LẠI NGUYÊN ÂN

Trong đề xuất mà ông Nguyễn Lân Bình đã làm thành một hồ sơ gửi tới các cơ quan hữu trách trong và ngoài nước có hai nội dung gắn liền với nhau, – đó là: 1/ cần xác lập ngày kỷ niệm chữ Quốc Ngữ với tư cách chữ viết quốc gia của Việt Nam và của cộng đồng người Việt, và, 2/ cần minh định lại trên những bất công và bất minh đã từng có (và tồn tại dai dẳng) trong những thái độ, những dư luận và sự đối xử đối với nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động văn hóa xã hội Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), đồng thời cần tôn vinh ông như một nhân vật văn hóa lỗi lạc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, người đã góp công sức vào loại sớm nhất và lớn nhất trong việc xây dựng những thiết chế văn hóa xã hội như báo chí, xuất bản, vốn dựa căn bản trên chất liệu chữ Quốc Ngữ đồng thời thông qua đó làm cho xã hội hiện đại của người Việt càng gắn bó hữu cơ với chữ Quốc Ngữ trong sự tồn tại và phát triển của mình.Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất của ông Nguyễn Lân Bình về việc đất nước Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam cần có một ngày kỷ niệm chữ viết quốc gia của mình dành cho chữ Quốc Ngữ.
Đồng tình hoàn toàn với đề xuất nói trên, sau đây tôi xin nói về vai trò và vị trí của chữ Quốc Ngữ.
Có thể nói một cách bao quát, chữ Quốc Ngữ là điểm đến của những nỗ lực, những quá trình tìm tòi nhằm xác lập chữ viết riêng cho cộng đồng người Việt  với tư cách một dân-tộc-quốc-gia (nation).
Những nghiên cứu sử học hoặc khảo sát điền dã cho tới gần đây đã nêu ra những dấu hiệu về sự hiện hữu một thứ chữ viết nào đó (“khoa đẩu”) đã từng manh nha hoặc tồn tại trong những bộ phận cư dân của cộng đồng Việt cách nay trên dưới 2000 năm (?), tức là từ trước khi xảy ra các cuộc xâm lược mảnh đất này của các vương triều quân chủ chuyên chế phương Bắc; tuy nhiên những dấu hiệu tập hợp được dù sao cũng vẫn hãy còn quá ít ỏi, yếu ớt, chỉ mới có ý nghĩa đặt vấn đề, chứ chưa đủ khả năng minh chứng về một hệ thống văn tự đã từng tồn tại với một hệ thống ký hiệu và chức năng hoạt động của nó.
Người ta biết rằng trong quá trình tiến hóa lịch sử của mình, sự xuất hiện và hoàn thiện ngôn ngữ, – một quan năng vừa sinh học vừa xã hội của con người – là một trong những nhân tố căn bản giúp con người gắn kết liên hệ với nhau, biến con người từ chỗ là sinh vật tự nhiên trở thành sinh vật vừa tự nhiên vừa xã hội, chuyển hóa đời sống bầy đàn thành đời sống cộng đồng; ở các cộng đồng cư dân đều hình thành một ngôn ngữ chung làm công cụ giao tiếp và công cụ tư duy. Các ngôn ngữ vốn là điều phân biệt cộng đồng người với các cộng đồng sinh vật khác (ở đây xin tạm bỏ qua những tìm tòi về “ngôn ngữ” các loài vật), tuy vậy, phần lớn các ngôn ngữ thường chỉ tồn tại ở dạng lời nói miệng, cũng tức là dạng thuần ngữ âm; không phải ở cộng đồng dân tộc nào cũng có, cũng tạo được hoặc tìm được một thứ chữ viết tương ứng với ngôn ngữ dân tộc của mình.
Nếu cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn rằng đã từng có một thứ chữ viết được tạo ra cho tiếng Việt trước khi xảy ra các cuộc xâm lược từ các đế chế phương Bắc đối với đất đai sinh tụ ngàn đời này của các thế hệ cư dân Việt, thì điều đã được biết khá rõ lại là: chính trong thời gian các cuộc xâm lược và chiếm đóng kéo dài cả ngàn năm ấy, trong nỗ lực vừa thích nghi vừa cưỡng lại áp lực đồng hóa về văn hóa của thế lực ngoại xâm, những đại diện nhất định trong cộng đồng người Việt đã tạo ra một thứ chữ viết (không rõ có phải là thứ chữ đầu tiên hay chỉ là thứ hai?) ghi lại tiếng Việt – thứ chữ này, được gọi là chữ Nôm – chế tác trên căn bản dựa vào chữ Hán.
Chữ Hán là thứ văn tự đã đến đất Việt cùng với thế lực xâm lược và hiển nhiên đã được sử dụng như một trong những công cụ đồng hóa về văn hóa đối với cư dân Việt. Trên thực tế, chính thứ văn tự được lực lượng xâm lược đem đến đã trở thành văn tự chính thức đầu tiên ở xứ sở này chẳng những trong thời kỳ bị đô hộ (thời Bắc thuộc) mà còn cả trong thời kỳ tiếp theo, khi đất nước giành lại được nền độc lập, được đặt dưới sự cai quản của các vương triều tự chủ của người Việt. Suốt chiều dài lịch sử của nền quân chủ Việt Nam, thứ chữ được dùng chính thức trong hệ thống văn bản nhà nước, trong biên chép sử sách của vua quan và giới trứ thuật là chữ Hán. Tính theo niên đại, chữ Hán có vị trí chính thức trong xã hội Việt Nam từ năm 207 trước công lịch (thời điểm Triệu Đà diệt vương triều Âu Lạc và sáp nhập đất Lạc Việt vào nước Nam Việt của ông ta) đến tận đầu thế kỷ XX (tính đến 1919, khi chế độ khoa cử Hán học bị bãi bỏ hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam). Người Việt, nói đúng hơn, những người Việt biết chữ Hán (số biết dùng chữ Hán, tính ra chỉ chiếm một vài phần trăm dân số trong cộng đồng Việt), để thể hiện mối cảm kích của mình đối với những người đã đưa chữ Hán vào xứ mình, và tạm gác lại một bên sự ngờ vực hữu lý về động cơ của hoạt động phổ cập đó, đã vinh danh cho một trong số những viên quan đứng đầu bộ máy chính quyền ngoại xâm được xem như tiêu biểu cho nỗ lực đó – Sĩ Nhiếp (137-226) – là “Nam giao học tổ”.    
Chữ Nôm, theo những nghiên cứu đã biết, có thể đã xuất hiện từ thế kỷ IX hoặc X, phát triển mạnh vào thời đại Lý-Trần (thế kỷ XI – XV), đạt tới cực thịnh vào thời từ Hậu Lê đến đầu Nguyễn (thế kỷ XVII – XIX) mà biểu hiện tập trung nhất là thành tựu rực rỡ của nền văn học cổ điển tiếng Việt, được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, với những kiệt tác của hàng loạt tác gia như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Đoàn Thị Điểm (1705-48), Nguyễn Gia Thiều (1741-98), Nguyễn Huy Tự (1743-90), Nguyễn Du (1765-1820), Hồ Xuân Hương (th.k. XVIII-XIX), Phạm Thái (1777-1813), Bà Huyện Thanh Quan (th.k. XIX), Lý Văn Phức (1785-1849), Nguyễn Đình Chiểu (1822-88), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Trần Tế Xương (1870-1907), v.v…. 
Chữ Nôm được chế tác theo những phương thức nhất định, thường là những phương thức vốn có của chữ Hán (người ta gọi tên các phép “hội ý”, “hài thanh”, “hình thanh”, “giả tá”, “chuyển chú”, …) nhưng mục đích là để ghi âm các từ của tiếng Việt. Có bao nhiêu “chữ” Nôm đã được tạo ra suốt trong quá trình trên dưới 10 thế kỷ? Cuốn “Bảng tra chữ Nôm” (Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1976) cho thấy có 8.187 chữ, trong đó tất nhiên bao gồm cả những chữ Hán nguyên trạng (không thay đổi gì) được dùng làm chữ Nôm. Tài liệu về kho chữ Hán Nôm mã hóa (http://nomfoundation.org) cho biết: Ðến tháng 11/1995, “IRG [= Nhóm báo cáo viên chữ biểu ý /Ideographic Rapporteur Group/ trực thuộc tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO] đã xem xét tổng cộng 21.252 chữ biểu ý CJKV do Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Việt Nam đệ trình…” Riêng về chữ Nôm, theo Viện trưởng Viện Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh: “Hiện nay tổng số chữ Nôm Việt đã đưa vào kho chữ chung quốc tế là 9.299 chữ, trong đó số chữ Nôm không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4.200 chữ. Còn hơn 2.000 chữ mới (gồm chữ Nôm Việt và chữ Nôm Tày) đang được xem xét tiếp tục đưa vào bảng mã chuẩn quốc tế.” (Trịnh Khắc Mạnh: Chữ Nôm và kho chữ Hán Nôm mã hóa, theo: http://nomfoundation.org).
Hoạt động mã hóa văn tự là yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin hiện nay; điều này mang ý nghĩa thiết cốt đối với các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, những nơi mà hệ thống chữ biểu ý vẫn đang tiếp tục được sử dụng, tức là chúng vẫn đang sống đời sống hiện tại của chúng. Riêng đối với Việt Nam, hoạt động này dường như chỉ còn là việc riêng của giới nghiên cứu Hán Nôm, bởi vì thứ văn tự này đã không còn gắn với các sinh hoạt xã hội của con người hiện tại. Mặt khác, có thể dự đoán rằng trong công việc này (công việc xác nhận, mô tả để đưa thêm các chữ Nôm vào dạng chuẩn hóa để mã hóa chúng, cũng đồng thời là quốc tế hóa chúng), giới Hán Nôm học đã và sẽ còn vấp phải những khó khăn và sự phức tạp vốn có ở chữ Nôm ngay từ trong “hồ sơ lịch sử” của nó: ấy là việc nó hầu như chưa hề được chuẩn hóa.
Như ta biết, chữ Nôm đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ, nhất là được dùng để thực hiện những sáng tác văn học bằng tiếng Việt. Không chỉ nho sĩ mà cả quan chức, thậm chí vua chúa, cũng đã có người sáng tác bằng chữ Nôm, song chữ Nôm hầu như chưa bao giờ có được vị trí chữ viết chính thức. Trong lịch sử một vài triều đại, ví dụ dưới thời Hồ Quý Ly (1400-1401), thời Quang Trung (1788-1792) hay rộng hơn là cả thời Tây Sơn (1788-1802), đôi lúc đã có sự đề xuất việc dùng chữ Nôm vào giấy tờ giao dịch, song thời gian và phạm vi áp dụng của những đề xuất đó rất ngắn ngủi, rất hạn hẹp, tựa như một thứ chủ trương được tuyên ngôn hơn là một thực tiễn hoạt động.
Chẳng những chưa hề được dùng làm ngôn ngữ chính thức, chữ Nôm thậm chí cũng chưa hề được các triều đại can dự vào việc điều tiết, hiệu chỉnh. Một vài sắc chỉ răn đe cấm đoán việc phổ biến một số loại tác phẩm Nôm, do một vài vương triều đưa ra, chỉ xuất phát từ lo ngại về sự vi phạm luân lý Khổng Mạnh, tức là từ sự lo lắng cho các chuẩn mực của ý thức hệ toàn trị, tuy là hành vi tiêu cực đối với sự lưu hành chữ Nôm, nhưng chưa phải là sự điều chỉnh đích thực đối với các chuẩn văn tự Nôm. Ta biết, hoạt động chuẩn hóa trong lĩnh vực ngôn ngữ văn tự, ở một phương diện nhất định, để tạo được hiệu quả thực sự thì rất cần có sự tham dự, sự chế định bằng quyền lực nhà nước. Thiếu điều này, một lĩnh vực đa dạng và năng động do gắn với nhu cầu sử dụng hàng ngày như ngôn ngữ văn tự sẽ mãi mãi dẫm chân trong vòng những dị biệt và tranh cãi giữa các phương án đề xuất bởi những người và những nhóm chủ trương khác nhau, – những dị biệt và tranh cãi kéo dài suốt hàng trăm năm đó, đến một chừng nào đấy, nếu vẫn thiếu một phân xử lựa chọn và quyết đoán, nhân danh quyền lực quản lý thống nhất mang tính quốc gia, sẽ gánh chịu cơ nguy bị đào sâu hơn là có cơ may sáp lại gần nhau, do vậy càng khó tạo dựng được dạng ổn định, chuẩn mực.
Quá coi trọng chữ Hán, quá xem thường chữ Nôm, đến mức thả nổi thay vì can dự vào việc chuẩn hóa chữ Nôm – đây là một thứ lỗi rất căn bản trong chính sách ngôn ngữ của các triều đại quân chủ Việt Nam, cho thấy giới hạn của tinh thần tự chủ quốc gia ở họ trên phương diện văn hóa tinh thần, – khác hẳn tinh thần độc lập tự chủ ở phương diện chính trị của hầu hết các triều đại quân chủ Việt Nam. Trong các văn kiện được xem là có ý nghĩa “tuyên ngôn độc lập” của quốc gia, chẳng hạn bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” (980) hay “Bình Ngô đại cáo” (1428), những yếu tố về nền độc lập được nêu lên hàng đầu là sự độc lập về “non sông”, “bờ cõi”, độc lập về nền chính trị “hùng cứ một phương” (song song với các triều đại Trung Hoa), tiếp đó đôi khi có nói đến độc lập về “phong tục”, về một “văn hiến” không thua kém ai, v.v… Tuy vậy, trong tư duy chính trị của các nền quân chủ trung đại Việt Nam, chưa bao giờ sự khác biệt về ngôn ngữ của cư dân mình lại được ý thức như một yếu tố của độc lập dân tộc, độc lập quốc gia! Đây là điều không khó hiểu khi đặt tư duy chính trị này trong không gian thời Trung đại và ở khu vực Đông Á vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ Hán và văn hóa Hán.
Nếu chữ Nôm đã không đứng vững được trong đời sống cộng đồng người Việt, đã không chịu đựng nổi sự đào thải lịch sử qua các đổi thay mang tính thời đại về lịch sử, văn hóa và kỹ nghệ, thì – trong số rất nhiều nguyên nhân, phải nói một phần trách nhiệm đáng kể là thuộc về các nhà nước quân chủ trung đại Việt Nam, do chỗ đã không can dự đúng mức vào việc mở mang và chế định chữ Nôm ngay ở thời đại có thể nói là hoàng kim của nó, đã không cấp cho nó một mức độ nào đó của tính chuẩn mực và tính chính thống, đặng, giúp cho nó có thể bám chắc ăn sâu vào đời sống cư dân Việt đến mức, một khi có những tiền đề đổi thay, thì sự thay thế nó sẽ trở nên quá khó khăn, đến nỗi người ta sẽ không dám bỏ nó đi để thay bằng cái khác, – như tình hình đã xảy ra với chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn cùng ở vùng Đông Á hồi cuối thế kỷ XIX.
Người ta biết, vào thời đại thực dân châu Âu lan tỏa và bành trướng bằng thương mại và truyền giáo sang các châu lục Á, Phi, Mỹ, Úc (thế kỷ XVI – XIX), các ngôn ngữ của vùng Đông Á đều được các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ châu Âu – có sự cộng tác của người bản địa – tiếp cận và xử lý tương tự như đã làm đối với tiếng Việt, tức là áp dụng quy tắc ký âm để tạo ra những bộ chữ La-tinh cho mỗi thứ tiếng đó. Thế nhưng, trên thực tế, các dự án La-tinh hóa ấy vẫn mãi mãi nằm trên giấy, là vì người Trung Hoa ở đại lục và Đài Loan vẫn dùng chữ Hán, người Nhật vẫn dùng chữ Nhật; chỉ có người Việt là dứt bỏ hệ chữ biểu ý Hán Nôm để chuyển sang dùng chữ Việt phiên âm La-tinh (chữ Quốc Ngữ).
Nói về chữ Nôm, học giả Đào Duy Anh nhận xét: “Chữ Nôm của ta không có tự mẫu và những âm vận do tự mẫu cấu thành. Nó chỉ dùng chữ Hán đọc theo âm Hán Việt để làm phù hiệu ghi âm. Vì hệ thống âm của tiếng Trung Quốc vốn nghèo hơn hệ thống âm của tiếng Việt Nam cho nên so với tiếng Việt Nam thì hệ thống âm Hán Việt cũng nghèo hơn. Bởi thế cho nên dùng chữ Hán Việt làm nguyên tố thì không thể tạo nên một thứ chữ ghi âm lý tưởng, nghĩa là biểu hiện ngữ âm hoàn toàn đúng. Cụ thể là thường gặp trường hợp một chữ có thể đọc theo nhiều cách khác nhau và có những từ trải qua các đời cách viết lại thay đổi, do đó mà người ta cho chữ Nôm là một thứ chữ khó đọc.” (Đào Duy Anh: Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, H.:  Nxb. KHXH., 1975, tr. 60).
Như vậy, bên cạnh tình trạng khiếm khuyết các chế định chuẩn hóa mang tính quốc gia, chữ Nôm còn mang theo những nhược điểm khác. Chữ Nôm ghi tiếng Việt nhưng để đọc được dùng được nó thì người ta (đây là nói người Việt thông thạo tiếng Việt) còn phải thông thạo chữ Hán đã! Từ đây, có thể thấy thật tuyệt vọng nếu tính đến khả năng phổ cập rộng rãi loại văn tự này. Ngoài ra – và điều này là rất căn bản xét về quá trình tiến triển của chữ viết nói chung – chữ Nôm cũng như chữ Hán và loại hình chữ biểu ý nói chung, đã dừng lại ở bước thứ hai (theo giới nghiên cứu – bước 1: tượng hình, bước 2: biểu ý) mà không tiến hóa được sang bước thứ ba (bước 3: ký âm). Về mặt này, chữ Nôm bị chữ Quốc Ngữ thay thế, chủ yếu là do thua sút hẳn về lợi thế từ tiến bộ kỹ thuật.       
Bây giờ xin trở lại câu chuyện về chữ Quốc Ngữ.
Như đã biết, chữ Quốc Ngữ được chế tác từ thế kỷ XVI. Đây là loại hình văn tự thứ hai ghi tiếng Việt, sau chữ Nôm, và là loại văn tự thứ ba được dùng trong cộng đồng cư dân Việt (sau chữ Hán và chữ Nôm).
Chữ Quốc Ngữ là một trong những sản phẩm của sự tiếp xúc giữa văn hoá Âu Tây và văn hoá Việt Nam. Lịch sử hình thành của nó gắn với công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa (Christianisme) vào Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVI của các giáo sĩ từ các nước Tây Âu, hoạt động trong các tổ chức tôn giáo ở châu Âu như Dòng Tên (Ordre des Jésuites, lập từ 1534) hoặc Hội truyền giáo ngoại quốc (Société des Missions étrangères, cũng được dịch là “Hội thừa sai”, lập ra ở Paris từ 1663). Để truyền đạo, họ phải dùng tiếng Việt và những loại văn tự mà người Việt thường dùng như chữ Nôm, chữ Hán (hiện còn thấy những tác phẩm truyền giáo in bằng chữ Nôm, đôi khi thêm những phần chữ Hán). Có thể vì thấy chữ Nôm vừa khó học cho số đông cư dân Việt vừa thiếu tính chuẩn mực nên họ đã dùng các chữ cái La-tinh (abc…) để ghi tiếng Việt, tạo ra hệ thống văn tự La-tinh cho tiếng Việt, tương tự như các việc trước đó họ đã dùng bộ chữ cái La-tinh phiên âm tiếng Nhật, tạo ra chữ “Romanji” (chữ Nhật phiên âm La-tinh) dùng trong việc soạn từ điển song ngữ và soạn kinh sách (có sách in vào các năm 1548, 1591-96, 1632…); hoặc dùng bộ chữ cái La-tinh phiên âm chữ Hán, soạn từ điển và soạn sách giáo lý (có sách in vào các năm 1588, 1598-1606, 1626). Về sau, khi thứ chữ La-tinh ghi tiếng Việt này được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong xã hội người Việt, nó được người Việt gọi là chữ Quốc Ngữ (tên gọi này chỉ ra đời vào đầu thế kỷ XX).
 Việc chế tác chữ Quốc Ngữ là kết quả nỗ lực chung của nhiều giáo sĩ (họ là những người thuộc nhiều dân tộc và quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Hà Lan, v.v… trong đó khá nổi bật là vai trò của các giáo sĩ người Bồ Đào Nha: Francisco de Pina, Gaspar d’ Amaral, Antonio Barbosa) với sự công tác tích cực của nhiều người Việt, trước hết là các thầy giảng giúp việc các linh mục người Âu mà nay chưa rõ tên tuổi. Tuy nhiên, về sự ra đời thứ chữ này, người mà tên tuổi thường được lập tức nhắc đến lại là linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660), có lẽ do việc ông đã tổ chức thành công việc in sách bằng văn tự mới này. Trước A. de Rhodes, trong giới giáo sĩ Dòng Tên ở Việt Nam có lẽ đã khá phổ biến các tài liệu chữ Quốc Ngữ viết tay (mà nay đã mất) như các cuốn từ điển của Amaral, Barbosa, các sách học chữ Quốc Ngữ và dạy giáo lý của Francisco de Pina, Onophre Borges; và có lẽ Fransisco de Pina là một trong những người đầu tiên đem chữ La-tinh ghi tiếng Việt và cũng là thầy dạy tiếng Việt cho A. de Rhodes. Cuốn từ điển về tiếng Việt do A. de Rhodes soạn (nhan đề trong nguyên văn: Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum, tức làTừ điển An Nam, Bồ Đào Nha và La tinh) được in ở Roma (Italia) năm 1651 tại nhà in của Giáo hội La Mã, nơi đầu tiên đúc chữ quốc ngữ. Cũng năm ấy, A. de Rhodes cho in cuốn sách giảng đạo của ông nhan đề Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức chúa Trời, cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ.
Thời điểm 1651 với cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes dánh dấu giai đoạn thứ nhất của việc định hình chữ Quốc Ngữ. Tiếp đó, cần phải kể đến giai đoạn thứ hai, ở thế kỷ XVIII, với việc chữ Quốc Ngữ được sửa đổi và hoàn chỉnh bởi cố Bá Đa Lộc (tên thật: Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, 1741-99, được phong giám mục từ 1770, là người giúp việc đắc lực chúa Nguyễn Ánh trong công cuộc xây dựng vương triều Nguyễn); chính ông đã khởi soạn Tự vị An Nam-Latinh (1772-73, chưa hoàn tất) và công việc này đã được kế tục bởi cố Jean-Baptiste Louis Taberd (1794-1840), soạn giả của Nam Việt Dương Hiệp tự vị (Dictionarium Annamitico-Latinum) in năm 1838 ở Serampore (Bengale, Ấn Độ), trong cuốn từ điển này chữ quốc ngữ có dạng thức ổn định như ngày nay.
Ở đoạn trên tôi có nói, chữ Nôm bị thay thế bởi chữ Quốc Ngữ, chủ yếu là do thua sút nhau về lợi thế tiến bộ kỹ thuật. Xin nói rõ hơn về điều này.
Trong cuốn từ điển in năm 1651 kể trên, Alexandre de Rhodes có viết một thiên “Báo cáo vắn tắt về tiếng An-nam hay Đông Kinh”; có thể coi đây là sự tổng thuật những kết quả nghiên cứu của các giáo sĩ châu Âu về tiếng Việt và giải pháp La-tinh hóa nó của họ. Thiên “báo cáo” này cho thấy giới giáo sĩ đã tiếp cận phân tích tiếng Việt ở các mặt ngữ âm (xác định các nguyên âm, phụ âm và hệ thống các thanh điệu), từ vựng (danh từ, đại từ, động từ…), và cú pháp, tức là đã tiếp cận từ cơ sở các tri thức lý thuyết ngôn ngữ học Âu châu đương thời. Trong giải pháp ghi âm, họ áp dụng quy tắc mỗi âm (nguyên âm, phụ âm) ghi bằng một ký hiệu, tổng số các ký hiệu hợp thành bộ chữ (chữ cái) tiếng Việt. Đặc biệt, hệ thống thanh điệu (6 thanh) tiếng Việt được khảo sát kỹ, được coi trọng không kém so với các phụ âm, nguyên âm và tìm được cách hiển thị bằng các dấu hiệu xác định, theo tôi, đã mang lại thành công chắc chắn cho toàn bộ giải pháp. Alexandre de Rhodes nói rõ ông đã mượn các dấu sắchuyềnngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt. Tuy Alexandre de Rhodes là người Pháp song việc ký âm chữ Quốc Ngữ trong cuốn từ điển in năm 1651 lại cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của cách viết tiếng Bồ Đào Nha, bên cạnh đó cũng có ảnh hưởng nhất định của cách viết tiếng Ý và tiếng Pháp.
Sang thế kỷ XVIII, sự cải tiến của Bá Đa Lộc khiến cho ảnh hưởng của cách viết tiếng Bồ Đào Nha nhạt đi, chữ Quốc Ngữ mang đậm thêm những ảnh hưởng của cách viết tiếng Pháp, và điều chủ yếu là đã khắc phục được một số nhược điểm trong phương án chữ Quốc Ngữ thời A. de Rhodes. Chẳng hạn, thu gọn 2 chữ cái phụ âm B vào một (trong bảng chữ mã hóa trên máy điện toán hiện nay không có chữ cái này – một vài học giả ghi tạm bằng ƀ – nó vốn diễn tả một phụ âm đứng giữa B và V mà về sau hầu hết đã chuyển thành V, điều này có lẽ còn do có sự tiến hóa ngữ âm ở tiếng Việt); tương tự như vậy, các phụ âm kép BL, ML, PL, SL, TL được bỏ đi, được thay bằng TR, NH, L, S; hoặc, sự sửa đổi cũng đáng kể, theo tôi, là thay phụ âm cuối NG vào các vần cuối ONG, ÔNG, UNG, mà trong phương án Chữ Quốc Ngữ thời A. de Rhodes thường thể hiện bằng dấu ngã (~) đặt trên các chữ cái U, – một cách xử lý dễ gây phức tạp và lẫn lộn với các dấu thanh trong cùng một âm tiết (chẳng hạn từ mà thời Bá Đa Lộc viết là NÔNG, thì ở thời A. de Rhodes vốn viết là NÔŨ /trong đó ũ = ng/, do vậy một từ sẽ mang hai dấu hiệu phụ nếu âm tiết ấy không ở thanh không mà mang một trong 5 thanh điệu còn lại). Tiếc rằng phương án Bá Đa Lộc vẫn chưa xử lý thật tốt một vài điểm khác nữa, ví dụ điều mà chữ Quốc Ngữ thời A. de Rhodes cho là trong tiếng Việt có 2 phụ âm D và đã đưa ra dùng hai chữ cái D và Đ, trong đó dạng D vốn ghi phụ âm D trong các tiếng La-tinh lại được dùng để ghi phụ âm Z hoặc J của tiếng Việt, còn chữ cái chế tác bằng cách thêm nét ngang vào ký tự D (thành Đ) mới dùng để ghi phụ âm D; và hậu quả của điều này vẫn còn lại đến tận thời chúng ta. Chữ Quốc Ngữ vẫn còn lại tới 7 ký tự ngoại lệ so với bộ chữ Latinh gốc (Basis Latin): đó là chữ cái phụ âm Đ, và 6 chữ cái nguyên âm Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư; những ký tự mang yếu tố ngoại lệ này đương nhiên sẽ gây thêm khó khăn cho việc sử dụng, ví dụ ở thời đại của máy in hoạt bản với các con chữ đúc chì, hoặc ngay ở thời đại công nghệ thông tin ngày nay với yêu cầu mã hóa, cũng vậy.  
Trên đây chỉ là vài điều bàn luận xung quanh phương diện cơ cấu của chữ Quốc Ngữ (đây là bài thuyết trình của một người không phải là chuyên gia ngữ học, dễ có những điều không chuẩn xác, xin được lượng thứ).
Như ta biết, từ khi được chế tác (tạm ước lệ lấy mốc 1651 với Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes) và hoàn thiện (1838, với việc in “Nam Việt dương hiệp tự vị” của Taberd), tương tự thân phận các dự án La-tinh hóa của giới giáo sĩ Tây Âu dành cho các thứ tiếng khác của vùng Đông Á, thứ chữ La-tinh hóa tiếng Việt này chỉ được dùng một cách hạn hẹp trong giới tu sĩ và con chiên đạo Thiên Chúa, để dịch kinh bổn, soạn sách đạo; số tu sĩ và tín đồ đông thêm thì số người biết loại chữ này cũng có tăng thêm, và cũng đã có những người dùng thứ chữ mới này rộng ra ngoài việc đạo, tức là dùng vào sáng tác và trứ thuật, chẳng hạn Phan Văn Minh (1815-53) với “Phi Năng thi tập”, tập thơ bằng chữ Quốc Ngữ có lẽ sớm nhất (theo kết quả các nhà nghiên cứu văn học Công giáo); và nhất là Philiphê Bỉnh (1759-1832), vị tu sĩ trong ba chục năm sống lưu vong ở thủ đô Bồ Đào Nha (từ 1796) đã chép tay lại nhiều cuốn từ điển và viết mới hàng chục cuốn sách, trong số này bên cạnh sách đạo có những cuốn về lịch sử, văn hóa, như “Truyện An-nam Đàng Ngoài” (1822), “Truyện An-nam Đàng Trong” (1822), “Sách sổ sang chép các việc” (1822), v.v…; di sản hàng ngàn trang viết tay này, tiếc là cho đến nay hầu như vẫn chưa được giới học giả Việt Nam khai thác. Tuy không tham dự trực tiếp vào việc chế định chữ Quốc Ngữ, song, với hàng ngàn trang viết tay của chính mình để lại, Philiphê Bỉnh lại cung cấp bằng chứng về một thực tiễn sử dụng cách viết tiếng Việt ở thời kỳ sau “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651), với những xử lý đáng chú ý, trước khi có những đề xuất xử lý của Bá Đa Lộc, được Taberd thể hiện trong “Nam Việt dương hiệp tự vị” (1838).
Như vừa nói, từ sau khi được chế tác, thứ văn tự La-tinh hóa này phần nhiều vẫn chỉ là một phương án nằm trên giấy, dù nó rất tiện lợi cho việc ghi tiếng Việt. Trong khi ấy thì ở xã hội người Việt vẫn đang thịnh hành chữ Hán – ở địa vị văn tự chính thống – được dùng cho việc học việc thi, nhằm “tiến vi quan đạt vi sư”, cho hoạt động quản trị của quan chức, cho trước thư lập ngôn của sĩ phu; song song với thứ chữ vốn là ngoại nhập ấy, một dòng văn học bằng tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, cũng phát triển mạnh mẽ.
Lợi thế ghi tiếng Việt của thứ chữ La-tinh hóa chưa có dịp để tự chứng tỏ; cũng vậy, cái bất lợi bất cập của cách dựa chữ Hán để ghi tiếng Việt trong chữ Nôm cũng chưa bị đem ra thử thách.
Cho đến tận khi bàn chân thực dân Tây Âu đặt lên mảnh đất này. 
Như đã biết, sự bành trướng của các đế quốc Tây Âu ra khắp các vùng còn lại của thế giới là cả một thời đại của lịch sử nhân loại. Một quốc gia-dân tộc lãnh thổ tương đối nhỏ lại chậm phát triển như Việt Nam không thể không bị cuốn vào cơn lốc lịch sử ấy. Có điều là, ở thời hậu lai nhìn lại quá khứ, chúng ta nên thoát khỏi những định kiến do tâm lý kẻ bị trị gây ra ở các bậc tiền bối, để có thể nhận chân các nhân tố lịch sử.    
Tiếng súng của xâm lược Pháp nổ ra tại Cửa Hàn (Đà Nẵng) năm 1858, về một mặt nào đó, cũng là tín hiệu khai mào cho quá trình xã hội người Việt chia tay với quá khứ Trung Cổ Đông Á dài dằng dặc, một sự chia tay nửa như cưỡng bức nửa như tự nguyện, diễn ra chậm chạp, nhọc nhằn, nhiều khúc quanh co, nhiều sự lầm lạc, ngộ nhận, nhiều cái mới thực sự được tiếp nhận rồi lại bị dỡ bỏ, nhiều cái cũ đã vứt bỏ rồi lại được dựng dậy, và, vẫn như trước kia, trong những chuyển đổi lớn của cộng đồng người Việt dường như bao giờ cũng có sự can dự của thế lực bên ngoài, nếu không phải là “thế lực cứng”, dưới dạng lực lượng con người, vũ khí vật chất cụ thể, thì cũng là các nhân tố tư tưởng, văn hóa, – những “thế lực mềm”, theo cách nói của thời chúng ta. Phương án ký âm La-tinh đối với tiếng nói, hay những tư tưởng về dân quyền, nhân quyền, tư tưởng về kinh tế thị trường, về nhà nước cộng hòa, v.v… kể cả chủ nghĩa Mác (marxisme) mà có thời được khá đông người xem như thiên kinh địa nghĩa – thiết nghĩ, tất cả đều là những sản phẩm từ phương Tây can dự vào xã hội người Việt ở vùng Đông Nam châu Á này.
Năm 1867, Nam Kỳ bị đặt dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền thực dân Pháp; ngày 22 /02 /1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn. Ngày 01 /01/ 1879 có lệnh đòi các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc Ngữ; cũng trong năm đó chính quyền Pháp đưa chữ Quốc Ngữ vào ngành giáo dục, ở các thôn xã Nam Kỳ bắt đầu phải mở trường dạy thứ chữ này. Trong lúc đó ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vẫn duy trì nền học và thi cử chữ Hán; tuy nhiên, tình trạng đó không thể kéo dài. Năm 1906 chính quyền ở Bắc Kỳ lập Hội đồng cải cách học vụ, sửa lại chương trình và bắt đầu đưa chữ Quốc Ngữ làm một môn phụ; năm 1908 triều đình Huế lập bộ Học để sửa đổi việc học và cũng đưa chữ Quốc Ngữ thêm vào chương trình học và thi. Tiếp đó, khoa cử Hán học bị bãi bỏ năm 1915 ở Bắc Kỳ, năm 1919 ở Trung Kỳ, nền học Pháp-Việt trở nên thông dụng khắp cả nước.
Như vậy, về mặt sự kiện, chữ Quốc Ngữ giành được vị trí văn tự chính thức trên lãnh thổ Việt Nam là do quyết định của chính quyền thực dân Pháp. Đây là kết quả chính sách ngôn ngữ của họ. Các nhà cai trị thực dân ban đầu muốn áp đặt tiếng Pháp cho dân bản xứ, nhưng đó là một ý đồ bất cập; họ đã chuyển sang phương án dùng chữ Quốc Ngữ, tồn tại song song với việc sử dụng tiếng Pháp và chữ Hán. Trên một loại giấy tờ dân sự, ví dụ giấy khai sinh, sử dụng cho đến tháng 9/1945, người ta thấy sự có mặt đồng thời của cả ba thứ văn tự Pháp-Việt-Hán.  
Bên cạnh nhân tố mệnh lệnh hành chính kể trên, còn có một loạt nhân tố khác khiến chữ Quốc Ngữ ngày càng được phổ cập, ấy là sự xuất hiện và phát triển của báo chí và xuất bản, sự du nhập nghề in hoạt bản, du nhập điện thoại, điện báo… Nói rộng ra, trong việc xây dựng và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam  các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì chữ Quốc Ngữ càng chứng tỏ sự thuận tiện và phù hợp với cộng đồng người Việt.
Trong các thời kỳ thịnh hành chữ Hán và văn Nôm, ở xã hội Việt Nam chỉ có nghề in sách thủ công với kỹ thuật khắc ván; chưa có hoạt động báo chí; công văn của nhà vua và các quan được vận chuyển theo những trạm dịch do Ty bưu chính các tỉnh điều khiển. Với sự cai trị của người Pháp, kỹ thuật in với máy in kiểu Tây và chữ in bằng kim loại đúc rời bắt đầu được nhập vào Việt Nam, tạo cơ sở công nghệ mới cho nghề in sách in và in báo; hoạt động bưu điện được tổ chức mới theo kiểu phương Tây, đầu tiên là ở Sài Gòn: ngày 27/3/1862 khánh thành con đường dây thép đầu tiên nối Sài Gòn với Biên Hòa; hệ thống đường dây thép nối liền Sài Gòn-Hà Nội, dài 2000 km, qua Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế và Vinh, khởi sự năm 1884, hoàn thành năm 1888; nhà Bưu điện chính Sài Gòn khánh thành hệ thống điện thoại vào ngày 1/7/1894; và đường hàng không Sài Gòn – Paris được lập vào đầu năm 1929; đường sắt xuyên Đông Dương (nối Sài Gòn – Hà Nội, dài 1729 km) khánh thành ngày 02/10/1936; …
Tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Nam Kỳ (và Việt Nam) là tờ báo chữ Pháp “Le Bulletin officiel de l’ Expédition de la Cochinchine” (= Nam Kỳ Viễn chinh Công báo) của Đô đốc Bonnard, ra số đầu tiên ngày 29/9/1861; tờ thứ hai “Le Bulletin des communes” (= Xã thôn công báo) in bằng chữ Hán (nhằm thông tin đến người dân những quyết định của chính quyền mới); tờ thứ ba cũng là chữ Pháp “Le courrier de Saigon” (= Sài Gòn thư tín); nhưng được đánh giá cao, coi như một dấu mốc lịch sử, là tờ báo chữ Việt đầu tiên, “Gia Định báo”, ra số 1 vào ngày 15/4/1865. Ở Bắc Kỳ, báo chí xuất hiện muộn hơn khoảng 20 năm; tại đây nơi chữ Hán ngự trị nhiều thế kỷ, đã ra mắt tờ báo chữ Hán đầu tiên (tờ “Bảo hộ Nam dân”, ra tại Hải Phòng – Hải Dương, số 1 ngày 8/7/1888; sau đó là “Đại Nam đồng văn nhật báo”, ra tại Hà Nội, 1892, tồn tại đến 1907); nhưng quan trong nhất vẫn là báo chí Quốc Ngữ, ở Bắc Kỳ, từ “Đăng cổ tùng báo” (1907-?), “Đông Dương tạp chí” (1913-18), “Trung Bắc tân văn” (1913-41), v.v…
Như ông Nguyễn Lân Bình đã trình bày, người Việt Nam có công lớn nhất đối với việc xây dựng nền báo chí Quốc Ngữ ở miền Bắc chính là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).
Đáp ứng sự du nhập điện thoại, điện báo, chữ Quốc Ngữ càng tỏ rõ sự tiện dụng của nó; ở lĩnh vực này thật khó hình dung nếu người Việt phải dùng chữ Hán hay chữ Nôm. Tuy nhiên, hệ thống dấu thanh vốn được xử lý khá ổn từ thế kỷ XVII-XVIII, tuy có gây ra đôi chút phức tạp đối với công nghệ in hoạt bản từ thế kỷ XIX, đã thật sự là trở ngại cho công nghệ điện báo thế kỷ XIX-XX. Về mặt này, giải pháp Télétype để gõ tiếng Việt do Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất đã thực sự là giải pháp có ý nghĩa lâu dài, chẳng những cho điện tín, mà còn được áp dụng trong máy đánh chữ trước kia cũng như bảng gõ chữ Việt trên máy điện toán ngày nay.
Đứng trước chủ trương phổ cập chữ Quốc Ngữ của chính quyền thực dân, thái độ của một bộ phận đông đảo dân cư Việt Nam do giới nho sĩ đại diện – là chống đối, cự tuyệt; thái độ này của một bộ phận cư dân Nam Kỳ cũng được tiếp tục trong bộ phận nho sĩ Bắc Kỳ, cho tới tận thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy vậy, dần dà, chính bộ phận tai mắt này của dân chúng đã thay đổi thái độ, do nhận ra lợi ích của chữ Quốc Ngữ, đối với họ, trước hết trong việc tuyên truyền vận động dân chúng chống lại thế lực ngoại xâm. Trường Đông Kinh nghĩa thục (1907) ở Hà Nội biểu thị xu hướng này. Giới cai trị thực dân nhận ra điều đó, đã thẳng tay đàn áp. Vậy là, tuy hành động cùng một hướng phổ cập chữ Quốc Ngữ, thế lực ngoại xâm và những người yêu nước lại xung đột nhau, chủ yếu là ở ý nghĩa mà mỗi phía ngụ vào công việc ấy. Trên thực tế, lợi khí chữ Quốc Ngữ vẫn được mỗi phía khai thác đến cùng theo ý đồ của mình.
Nhà trường Pháp-Việt cung cấp cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX một vài thế hệ tác gia của một nền văn học kiểu mới, viết bằng tiếng mẹ đẻ, gần gũi các nền văn học của thế giới hiện đại (mà cơ cấu thể loại hàng đầu gồm tiểu thuyết, kịch nói, thơ mới, phê bình); ở mức thấp hơn, cung cấp cho sinh hoạt xã hội Việt Nam một lực lượng viên chức đảm bảo quản lý mọi mặt cuộc sống; ở mức cao và với số lượng ít hơn hẳn, cung cấp cho xã hội Việt Nam thế kỷ XX những nhân tài sẽ tiếp tục tự đào luyện và được đào tạo thành những nhà khoa học có trình độ tương đương với giới đồng nghiệp đương thời.         
Sau ngày ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (02/ 9/ 1945), chữ Quốc Ngữ được dùng như văn tự chính thống của Việt Nam cả trong hoạt động của nhà nước lẫn trong mọi sinh hoạt dân sự; đây là sự thừa kế những kết quả tiến triển lịch sử về mặt ngôn ngữ văn tự mà ngoài nó thật ra khó có giải pháp khác. Ngày nay, số đông người Việt và hầu hết người nước ngoài biết đến Việt Nam thường biết thứ chữ Quốc Ngữ này dưới tên gọi chữ Việt, chữ của tiếng Việt.
Do vậy, như đã nói từ đầu, có thể xem chữ Quốc Ngữ là điểm đến của những nỗ lực, những quá trình tìm tòi nhằm xác lập chữ viết riêng cho cộng đồng người Việt với tư cách một dân-tộc-quốc-gia (nation). Việc xác định một ngày kỷ niệm chữ Quốc ngữ như là Ngày Chữ Viết Quốc Gia, thiết tưởng, là một ý tưởng hay, cần được thực hiện.

(Nguồn: Blog nhathonguyentrongtao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét