Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

TÂY NGUYÊN TRÔI



Văn Công Hùng

Trong các câu chuyện cổ của người Tây Nguyên, đặc biệt là các trường ca, rất hay nhắc đến biển. Có nhiều cách lý giải, ví dụ như đấy là khát vọng, nhưng điều này không vững vì phải thấy thì mới... khát vọng chứ. Cách nữa là do tạo sơn gì đấy nên biển hóa Cao nguyên, mà dấu tích vẫn còn trong cổ tích... vân vân... liệu có một trường hợp này xảy ra không: trăm năm nữa, trong một văn bản nào đó, người ta giải thích về Tây Nguyên: Nơi đây từng có... rừng.


Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng, thậm chí có thông tin là rừng đã kịp... hết. Cách đây hai chục năm, chỉ ra khỏi nội ô Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... ta đã lạc vào rừng. Bây giờ cả ngày đi trên đường Hồ Chí Minh chang chang nắng chỉ gặp những đoàn xe khổng lồ chở gỗ từ Lào, Campuchia về. Muốn dừng xe dưới bóng mát nghỉ mà không có cây. Rừng như chỉ còn trong cổ tích...

Sẽ ra sao nếu Tây Nguyên không còn rừng?

Cổ tích Việt nói rằng mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, năm mươi con ở lại cùng cha, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Dằng dặc thời gian, tháng năm, thăng trầm dâu bể, năm mươi người con ấy làm nên một phần đất Việt. Họ sống cùng rừng, chết cùng rừng, hòa quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một văn hóa rừng bền vững và đậm chất nhân văn, hợp quy luật và hợp lẽ sống.

Văn hóa rừng ấy giờ đang trôi về biển, trên những chuyến xe khổng lồ rùng rùng lún đất suốt ngày đêm đưa sản vật về xuôi, mà nhất là gỗ. Để trơ lại những khu rừng... không cây.

Văn hóa rừng ấy giờ đang được... thay máu. Người ta quan niệm cao su, cà phê, bạch đàn... cũng là rừng và thế là hàng chục ngàn héc ta rừng được phá để... trồng cao su, cà phê... mà người ta không biết rằng những cái cây trơ trọi kia có thể nó làm ra đồng tiền ngay trước mắt, nhưng nó không có đời sống, nó vô tri vô giác, nó không phải là nơi đất lành chim đậu, không có những tầng những vỉa, những bí ẩn tâm linh, những phập phồng thức mở để rừng là lá phổi của hành tinh và là mái nhà của con người.
Văn hóa rừng ấy còn đang bị thủy điện giết chết. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mới đây nhất, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền. Không phải ngẫu nhiên mà bà con Tây Nguyên ở nhà sàn. Nó phù hợp với tập tính và môi trường sống mà phải những ai am hiểu mới biết. Tương nhà bê tông nền xi măng vào, sự khác biệt cách sống khiến cho người ở bức bối như người ở nhờ, và nhỡn tiền là sự mất vệ sinh khi bà con vẫn có thói quen hút thuốc và nhổ, uống rượu cần giữa nhà, thậm chí đi chân đất... những thói quen ấy được giải quyết rất nhẹ nhàng khi bà con ở nhà sàn, có cầu thang như một trạm nghỉ, có bếp lửa giữa nhà và sàn bằng le, nứa... có kẽ hở, nước rượu cần, nước rửa tay, thức ăn rơi vãi... đều rơi xuống gầm sàn và sàn vẫn khô, sạch...

Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa, với cái gì cũng phong cho lễ hội như "lễ hội cồng chiêng", "lễ hội đâm trâu", "lễ hội rượu cần"... trong khi nó chỉ là một thành tố của lễ hội, người ta phục dựng những cái ấy theo ý chí của người... Kinh. Cũng như thế, người ta phong văn hóa cho đủ thứ, từ nhà rông văn hóa, làng buôn văn hóa, đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, "thập cẩm" văn hóa... mà chính người phong ấy có khi không hiểu văn hóa là gì? Các hội diễn, các lễ hội... của người Tây nguyên là do ý chí của người Kinh, do người Kinh đạo diễn, trong khi đồng bào, những chủ thể ấy lại trở thành... khách. Toàn bộ lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai năm nào là cuộc biểu dương âm nhạc Nguyễn Cường và các nghệ sĩ múa người Kinh. Các chủ nhân của chiêng, đồng bào dân tộc đến từ mấy chục tỉnh thành trên cả nước "được" vây quanh sân khấu trong bóng tối, gõ chiêng trên nền nhạc... Nguyễn Cường. Người ta đề cao "văn hóa" rượu cần bằng cách trước khi uống rượu tây, uống bia, mang rượu cần ra mời khách trước trong nhà hàng muôn muốt trắng với dao nĩa ly tách mà không biết rằng, cách ly ra khỏi làng, rượu cần chỉ còn là... nước lã. Cũng như thế, bứng cồng chiêng mang ra phố dưới ánh sáng đèn màu trên sân khấu vuông loằng ngoằng dây điện là một cách để chiêng diệt vong nhanh nhất...

Vì thế, tôi thấy Tây Nguyên đang... trôi...

Nguồn: 
Blog Văn Công Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét