Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

HỒI ỨC KON TUM 4: TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG / QUI EST "QUI"?





Và đây là một tự sự nữa của một người con của Kon Tum: giáo sư Trần Duy Nhiên (đã qua đời năm 2009). Mời bạn đọc bài này, có phần là hồi ức tâm linh, và vui lòng đọc tiếp phần sau để biết A-ki Trần Duy Nhiên là ai, bạn bè trang lứa ở Kon Tum như thế nào! Xin mời...



TÔI: NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG


Tôi bước vào đời với một giấy thế vì khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi fils de parents inconnus, ‘con của cha mẹ vô danh’. Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki. Đến bây giờ tôi không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên hỏi là ‘À Qui’?

Tôi tôi lớn lên trong vòng tay của các Nữ Tử Bác Ái và các cha thừa sai dòng thánh Vincent de Paul. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu ‘bình thường’ nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường. Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự đi ngược lại với tất cả mong ước của quí vị. Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng tứ cố vô thân.
Tôi thi vào Đại Học Sư Phạm Pháp Văn vì đó là nơi để tôi trốn lính, được hưởng học bổng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở một trường trung học công lập Pháp ở DL. Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha ‘toàn năng và yêu thương vô cùng’ lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người.
Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức Thiên Chúa. Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào. May ra là điều răn thứ năm: chớ giết người. Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi… Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một lỗ trống ghê rợn. Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần có một người bên cạnh.
Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng. Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến bí tích hôn nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi. Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác. Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình vào một ngục tù ngộp thở hơn. Vì lớn lên cạnh những người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến hy sinh. Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự… Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì. Rồi tôi ra trường và chọn về CT, trong khi vợ tôi vẫn còn ở DL. Thỉnh thoảng cô xuống với tôi vài tháng. Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà… Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị. Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình.
Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được ‘tư cách’. Tôi tuyên bố mình là người công giáo và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên công giáo. Vị tuyên úy sinh viên công giáo CT; lúc bấy giờ là cha ADH. Vào thời ấy, cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân kinh thánh ở nước ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc. Cha đến CT với dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức công giáo tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Câu lạc bộ Phục Hưng,44 Thévénet (Tú Xương hiện nay) Sàigon, vào thập niên 50.
Đi với bụt thì mặc áo cà sa. Đi với sinh viên công giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi ‘lành mạnh’ tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm. Tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội… Chúa đối với tôi là một trò đùa… Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bấc trong cuộc đời và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi ngộp thở từng giây từng phút. Không ít lần tôi đã nghĩ đến một phương thức tự tử êm ái.
Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giêsu… Khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con”, tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Đêm cô đơn ở Giêtsêmani, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh… tất cả. Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.
Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca về giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.
Tôi đến trao đổi với cha ADH. Cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Luca: đoạn ‘Người con hoang đàng’. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội vì không biết phải xưng thế nào… tội tôi nhiều quá. Cha bảo: Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ. Rồi Cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu thánh giá. Bầu trời như sụp đổ. Không còn một linh mục khuyên nhủ đứa ‘con hoang đàng’ mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quì xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi. Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: “Lạy Cha xin Cha tha tội cho con.. ”. Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng… Nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con.. ” và tôi oà lên khóc… Kể từ ngày có trí khôn không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít…
Và quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha trên trời, Đấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi. Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng đã trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi…
Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa.
Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy không phải vì cuộc đời tôi có gì đáng nghe hơn một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.
Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây: Bạn từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi người, để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng… Sai rồi! Đấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn! Nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về. Người vẫn theo sát bạn, quì dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra cho tâm hồn mình.
Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa quì dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin bạn hãy thương xót Người. Bạn nỡ lòng nào…
A-Ki – Trần Duy Nhiên



Mời đọc tiếp...

QUI EST "QUI" ?



Đọc bài viết hay "TÔI:NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG" đăng trên web ĐHKT (tác giả là người bạn của tôi đã qua đời), tôi cảm thấy hình như thiếu mất một cái gì không thể thiếu. Có thể vì tôi quá chủ quan chăng. Nhưng thật ra không phải ai cũng biết "A-KI" là ai, nên tôi xin được phép ghi vài hàng về tác giả..."À QUI" là dân Kontum đó.(Phải chăng đây là “cái thiếu không thể thiếu” mà tôi cảm nhận được ?). Cho dù Kontum chưa phải là “địa linh nhân kiệt” nhưng Kontum cũng có nhiều người “biết đọc biết viết” và “biết làm những việc đáng làm”… Thói thường “tốt thì khoe còn xấu thì che” nên mỗi khi có dịp tôi đều khoe những cái hay cái đẹp của xứ núi miền cao từ tình người đến cảnh vật… (Độc giả của web đhkt ngày nay không chỉ đóng khung trong khuôn khổ đồng hương đồng khói Kontum mà bao gồm cả những “người ngoài” và các diễn đàn khác nữa. Vài cây viết Đồng Hương KT đã hợp tác với báo chi, diễn đàn bạn. Và “người ngoài” cũng đã đóng góp cho Kontum mình những bài sáng giá).


Trở lại chuyện “A-KI” tự “À QUI” tức TRẦN DUY NHIÊN.
Từ trái qua : Thay, Nhi, Đạm, Sự, A-Ki, Vẹn
(Trước Hang Đá Đức Mẹ Phương Nghĩa Kontum 1960)
***
Hồi còn nhỏ A-Ki, Vẹn và tôi học cùng lớp tại Trường Cố Đạo Saint Michel Kontum. A-Ki rất giỏi tiếng Pháp,cho nên các Linh Mục người Pháp như Cố Nhì, Cố Lãng v.v.. thích nó lắm. A-Ki còn đặc biệt kèm riêng tiếng Tây cho tôi để tôi có đủ bản lãnh nói chuyện mà không cà lăm với con đầm nhí Agnès, con gái của Ông “Sứ Tây” tỉnh Kontum. (Mời bà con đọc lại “Chuyện Tuổi Thơ” của Pierre Sự đã đăng trên trang mạng này). A-Ki thuộc loại đẹp trai nhưng hơi nhỏ con, tánh tình rất hiền. Cái tên A-KI là do phiên âm từ tiếng Pháp “À QUI”. Chúng tôi cũng biết tên Giao Chỉ của nó là Trần Duy Nhiên, một tên đẹp và có chiều sâu nhưng bọn tôi chỉ thích gọi nó là A-KI nghe dễ thương và thân mật hơn. Chỉ vậy thôi chớ tuyệt nhiên không hề có ý gì khác. Trong khi đó cũng có những đứa thích kêu tên A-KI ra đề châm biếm đùa cợt, có khi còn kêu “KI-KI” rồi búng tay như tróc chó để cười. Thậm chí có thằng đến trước mặt gằn từng tiếng hỏi : “À qui…hả mày?”. Gặp trường hợp như vậy thằng Trung Xì Mầm em tôi liếc mắt nhìn tôi, tôi bậm môi gật nhẹ, nhanh như chớp thằng Trung tấn công tên đó tới tấp bằng những thứ gì sẵn có trên tay cho đến khi tên này đầu hàng. Nếu như thằng Trung kém thế thì còn có Triều Già Rô, Phong Xi Cà Lú, Tín Bà Sành, Cu Vẹn, Cao Thay, Bluh Ma Lai, thằng Xít Kèo (có dịp tôi sẽ viết về nó vì cũng là nhân vật độc đáo) và Sự Cà Lí Lơn “bao sau”. Còn thằng Thiệt Bụt thì có trách nhiệm giữ sách vở ở “hậu phương” và quan sát báo cáo kịp thời khi thấy viện binh “phe địch” xuất hiện. Khi dẹp xong “phiến loạn”, tôi mới từ tốn nói lớn :”Tụi bay thấy chưa, đứa nào muốn giống như thằng đó thì cứ chọc ghẹo thằng A-KI nữa đi. Vài lần như vậy thì A-KI được tạm yên. Chúng tôi còn gài “ăn teng” để tìm những thằng tụm năm, tụm ba nói xấu sau lưng để khóa miệng tụi nó bằng nhiều cách. Việc này phải kéo dài nhiều tháng mới có kết quả. Có lần Cố Lãng gọi tụi tôi lên hỏi vì sao lại đánh lộn. Thằng A-KI nói tiếng Pháp :”Merci mon Père” rồi quay lại phía tụi tôi rưng rưng nước mắt :”Merci mes amis” mà không giải thích thêm gì cả.
Học xong Tiểu Học chúng tôi chia tay, A-Ki lên ĐàLạt tiếp tục bậc Trung Học Trường Tây rồi thời gian sau về Sàigòn vào Đại Học Sư Phạm, Cu Vẹn, tôi và sau đó là Trung Xì Mầm gia nhập TSQ…
***
Thêm một điểm son nữa của A-KI là rất trọng tình bạn bè và tình đồng hương. Hầu như kỳ nghỉ hè nào chúng tôi cũng về gặp nhau tại Kontum (hình trên và nhiều hình khác nữa). Năm 1960 trong đám tụi tôi đứa nào cũng mới 16 tuổi, chỉ có Lão Thay là “già chát”. Lúc đó tụi này chưa biết hút thuốc, chưa biết uống bia, chỉ uống xá xị con cọp, ăn mì Quảng Châu rồi đi chụp hình kỷ niệm. Còn “người đẹp” là vật thiêng liêng chỉ để chiêm ngưỡng và tôn thờ! Như vậy không biết A-KI “hoang đàng” từ lúc nào.Nói đến mì thì thằng Vẹn chuyên trị mì, ở bất cứ tỉnh nào mà Cu Vẹn ở, nó đều biết mì tiệm nào ngon nhất. Đặc biệt thằng này không biết ăn nước mắm cũng như cá, cho đến bây giờ nó vẫn vậy.
Ngoài việc dạy học, A-KI còn tích cực hoạt động cho ”phong trào Công Giáo”. Chuyến công du nào mà có ghé Mỹ nó đều về Texas tìm thăm tụi tôi .
Lần thứ nhất qua Mỹ (11/2007), A-Ki lên Brenham thăm Vẹn, Long và tôi. Già Thay được tin cũng lái xe mất gần 2 tiếng từ Houston lên gặp mặt. Đến đêm tôi phải đi làm ca “nghĩa địa”, còn lại 4 đứa cưa hết 1 chai Remi Martin và một két bia 24 lon.
Lần thứ hai qua Mỹ (8/2008), A-KI cũng lên nơi “khỉ ho cò gáy” này thăm bạn bè nữa ( thành phố nhỏ cổ xưa bao quanh bằng những hãng xưởng và nông trại, dân cư chỉ có khoảng 14 ngàn người, nếu cộng thêm ngựa bò nữa thì may ra con số lên tới trăm ngàn). Nói rõ như thế để thấy được tình bạn lớn cỡ nào trong A-KI.
Trước khi về lại Việt Nam, A-KI có hứa là năm tới tao qua sẽ đem theo rượu cần cho tụi mày, tao đã có cách. Nhưng “cái năm tới” đó của A-KI không bao giờ tới nữa vì nó đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại tất cả…
Cho đến nay đã được 3 năm. Và từ đó tên A-KI của nó không thiếu trong những lời nguyện hằng đêm của tôi.



NGUYỄN VẠN SỰ



(Nguồn: donghuongkontum)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét