Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Bức thư luân lưu cảm động của Đức Cha Isidore Colombert Mỹ (1838-1894)


(Nguồn: giaohatphuyen)


Khi thấy những thảm hoạ bất ngờ đổ xuống tại Đông Đàng Trong, Đức Cha Isidore Colombert Mỹ (1838-1894), Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Trong (địa phận Đàng Trong được phân chia thành Đông Đàng Trong và Tây Đàng Trong vào năm 1844) đã rất lo lắng về cảnh khốn cùng của những giáo dân cực kỳ khốn khổ may mắn thoát khỏi cuộc thảm sát và viết bức thư luân lưu cảm động này để kêu gọi sự đóng góp của giáo dân trong địa phận mình. BTTGPQN xin giới thiệu bức thư này trích dịch từ “Les Missions Catholiques”, ngày 9 tháng Mười năm 1885.

Sàigòn, ngày 29 tháng Tám 1885
Anh chị em đã biết câu trả lời của người Annam trước sự việc Pháp chiếm đóng Huế. Miền truyền giáo Đông Đàng Trong, yên bình và thịnh vượng chỉ cách đây hai tháng, giờ này đã bị san bằng. Có đến 24.000 giáo dân bị giết cách thảm khốc trong các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Những người sống sót trong ba tỉnh này mà con số lên đến 8.000 người đang tị nạn tại Toà Trú Sứ Pháp tại Qui Nhơn, họ sống không nơi trú ẩn, trên bãi cát. Hàng nghìn người trong số họ đã đến được Sàigòn nhờ tàu hơi nước Marie, nhưng điều không thể tránh khỏi là cần phải chuyển hết mọi người đi. Họ không còn chút mảy may hy vọng nào được trở về làng mạc của mình và đến cuối tháng Chín thì mùa mưa sẽ ào ào kéo đến và tàn phá hết thảy.
Đàng khác, tàu hơi nước Gerda do miền truyền giáo Qui Nhơn thuê mướn đã cứu vớt được 700 giáo dân tỉnh Khánh Hoà, nơi cuộc thảm sát vẫn chưa bắt đầu, và đã cập bến Sàigòn ngày hôm qua. Cách đây ba ngày, tàu Gerda đã khẩn cấp đi Khánh Hoà để vớt khoảng 2.000 giáo dân trong tỉnh này khỏi một cuộc sát hại sắp xảy ra. Cùng ngày, tàu vận tải hàng hải Aréthuse cũng đã đi Bình Thuận để thu góp 2.000 giáo dân trên bờ biển Bình Thuận.
Không một tàu Nhà Nước nào sẵn sàng, sự cần thiết phải cứu vớt những con người bất hạnh này đều do miền truyền giáo gánh chịu. Dầu cho có sự giảm giá đáng kể được thoả thuận với các tàu vận tải và các tàu hơi nước chỉ lấy một số tiền ít ỏi, tuy nhiên trong thời hạn ngắn phải tìm cho ra 14.000 đến 15.000 đồng bạc (tương đương 70 đến 75.000 quan Pháp) để trả cho việc di chuyển hết số người bất hạnh này.
Miền truyền giáo Đông Đàng Trong bị tàn phá hoàn toàn. Không còn một cơ sở nào! 260 nhà thờ, các nhà xứ, trường học, cô nhi viện, tất cả đều thành đống tro tàn. Những thành quả từ 250 năm nay giờ đây phải bắt đầu lại. Không một nhà giáo dân nào còn đứng vững.
Khi phải gấp rút chạy trốn, giáo dân đã bỏ lại tất cả, và nhiều người dân Sàigòn có thể nhìn thấy sự khốn cùng thê thảm của những hành khách trên tàu Marie.
Với sự trợ giúp 1.400 đồng bạc của Chính Quyền và những hỗ trợ khác cho đến hiện nay, tôi đã có thể mua được 6.000 đồng bạc gạo và cung cấp cho những người tị nạn ở Qui Nhơn những nhu cầu thiết yếu cho đến cuối tháng Chín.
Hiện giờ phải tìm nguồn tài trợ cần thiết để chi phí cho cuộc di tản.
Tôi biết rằng cũng vừa mới đưa ra lời kêu gọi cầu xin lòng bác ái của mọi người, tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết của những giáo dân bất hạnh này, tôi mạnh dạn đưa ra lời kêu gọi mới và khẩn cấp này đến với các đồng bào của tôi cũng như tất cả mọi người, xin giúp đỡ những nạn nhân vô tội này, những người mà kẻ thù không cáo buộc một tội danh nào khác hơn là bạn của nước Pháp. Với lời hiệu triệu như thế này: “Hãy giết sạch người Pháp bên trong, sau đó mới tính đến người Pháp bên ngoài”. Họ chỉ thành công vượt bậc ở phần đầu của chương trình hành động ghê gớm này.
Nếu giáo dân Đông Đàng Trong đã phải chứng kiến cảnh tàn sát anh em mình và nhà cửa mình bị đốt phá, nếu họ phải chịu đói khát và cái nắng ban ngày trên bãi cát khô cằn, nếu hiện nay họ phải chịu đựng cảnh lưu đày xa quê quán và mồ mả ông bà tổ tiên, thì đấy cũng chỉ vì lòng thù hận thâm căn cố đế của nhóm văn thân đối với nước Pháp. Chỉ bấy nhiêu lý do ấy thôi thì chẳng phải là mọi người Pháp cũng như những tấm lòng quảng đại đã mắc nợ họ điều gì đó sao?
Chính vì lòng bác ái Kitô giáo, nhân danh tình người, tôi mạnh dạn chìa tay ra và xin mọi người quảng đại hy sinh để cứu sống họ. Date et dabitur vobis (Hãy cho thì các con sẽ được cho lại).
30 tháng Tám 1885
N. B. Tàu Aréthuse đã trở về, thất bại hoàn toàn. Người ta chỉ có thể đón được 7 giáo dân. Những người khác, cùng với thừa sai Villaume, đã trốn từ bốn ngày nay trong rừng sâu nước độc. Số phận họ sẽ ra sao đây?
chuyển ngữ và chú thích
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét