Bạn thân mến,
Nhân dịp chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 - 9.2.2013), tôi xin post lên một số hồi ức về Kon Tum, do các bô lão từng là những nhân chứng sống trên mảnh đất Kon Tum yêu dấu kể lại. Những hồi ức được kể lại trước đây, hay mới đây, hoặc sắp tới đây.v.v., sẽ góp phần soi sáng quá khứ, giúp kẻ hậu sinh hiểu biết thêm về quê hương đất nước, để thêm yêu Kon Tum quê mình. Chỉ đơn giản thôi, một dòng sông ĐăkBla uốn mình có cù lao ở giữa; ngôi trường tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, nếu không kể lại chắc chẳng ai còn biết nó từng có mặt trên đời... Xin các bậc cao niên từng sống ở Kon Tum có những hồi ức về quê hương xứ sở, hãy kể lại để con cháu am tường, để mà được tự hào, được vui sướng vì đã trót sinh ra làm người...Kon Tum.
Tiếp theo hồi ức của chú NGUYỄN LÀI (bài trước), bây giờ mời bạn cùng đọc hồi ức của ông NGUYỄN VĂN NHO, về ngôi trường Saint Michel (có ai biết ngôi trường này ở Kon Tum không nhỉ?. Xin cám ơn và kính chúc ông NGUYỄN VĂN NHO mạnh khỏe, trường thọ.
ECOLE SAINT MICHEL
Ngôi trường tiểu học đầu tiên của làng Tân Hương
(Hồi ký của một cựu học sinh
trường St Michel)
Vào thời Cha Jules Alberty (cố Hiền, theo cách gọi các linh mục người nước ngoài thời bấy giờ), linh mục thừa sai người Pháp, quản xứ Tân Hương từ năm 1913 đến năm 1948, Cha là người quan tâm đặc biệt về giáo dục con em trong Họ cả về mặt Đạo và Đời. Ngôi trường Saint Michel được tạo lập từ đó (vào giữa thập niên 30 của thế kỷ 20). Vị trí của trường toạ lạc phía sau bên phải nhà thờ, bây giờ thuộc phạm vi trường Trung học cấp 3 Kon Tum. Cũng bên phải nhà thờ, phía trước là trường nữ sinh Têrêxa do các nữ tu Mến Thánh Giá phụ trách, về sau giao lại cho các Xơ Bác ái Vinh Sơn (1945), cuối cùng là trường Trung Tiểu học tư thục Têrêxa do cộng đoàn nữ tu thánh Phaolô đảm trách từ năm 1958 cho đến năm 1975.
Thiếu nhi nam từ 6-7 tuổi trong toàn Tỉnh được thu nhận vào học, không kể người lương hay giáo, Việt, Pháp...Đồng thời trường Têrêxa dành cho nữ sinh. Cả 2 trường đều do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị được mời lên đảm trách dạy học. Về sau, học sinh ngày càng đông, cha xứ Alberty đã mời thêm các thầy giáo người lương vào dạy như thầy Tư Tường, thầy Phượng và các thầy tu xuất như thầy Hoàng, Thầy Thanh, Thầy Nhàn, thầy Hoá.v.v. Vào đầu thế kỷ 20, cả tỉnh Kon Tum chỉ có một trường công lập (gọi là trường nhà nước), nhưng con em người lương vẫn xin vào học trường Cố Hiền, vì có tiếng dạy, học tốt hơn. Tôi còn nhớ rõ vào những năm 1943-1945, chính cha Alberty đích thân dạy học lớp Nhất (cours supérieure), và lúc ấy chỉ có vỏn vẹn 5 anh em chúng tôi và 2 học sinh người Pháp, mà cha mẹ là những sĩ quan và quan chức làm việc tại Kon Tum.
Một giai thoại về học sinh Ecole St Michel rất là buồn cười mà có người ngày nay vẫn còn nhớ: Vào giờ ra chơi, học sinh nam rất là tinh nghịch. Leo trèo, đuổi bắt, đánh đu và nhiều trò nghịch ngợm khác nữa...Người ta nói không sai: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!”. Một hôm, cậu Tr. lẻn vào nhà bếp đùa nghịch làm sao chạm phải dây điện giật ngã lăn ra bất tỉnh. Anh em hết hồn, vội khiêng cậu ta ra phía sau nhà bếp, nơi có chuồng heo, đạt cậu ta nằm sấp trên bãi đất ướt nhão nhoẹt, cho cậu ta hít hơi đất cấp cứu. Hơi đất ướt lẫn chất thải của heo bốc lên nồng nặc, làm cậu ta hắt hơi liên tục 3 cái và tỉnh lại ngay. Thật là...thần dược đời xưa (!) có khác!
Học sinh thời đó nghỉ ngày thứ Năm, thứ Bảy, và Chủ nhật hàng tuần. Mỗi ngày thứ Năm nghỉ học, cha xứ Alberty tổ chức đưa chúng tôi đi dạo dã ngoại cả ngày, khi thì đi vào vùng quê ngắm cảnh đồng ruộng, khi thì leo núi, băng rừng. Vừa đi chơi vừa học hỏi. Ngài dạy chúng tôi về khoa học tự nhiên: cỏ cây, sông núi, chim muông cầm thú mọi loài. Chạy nhảy mệt mỏi rồi, Ngài tập trung chúng tôi lại thành vòng tròn tập hát những bản nhạc thiếu nhi Thanh-Sinh-Công, hướng đạo, vui tươi lành mạnh rất hữu ích cho tuổi trẻ, dĩ nhiên là toàn nhạc tiếng Pháp, vì lúc ấy hiếm có một bài hát tiếng Việt nào, đạo cũng như đời...Đến chiều về, tất cả đều mệt mỏi rã rời, nhưng trí óc sảng khoái, tâm hồn nhẹ lâng lâng.
Có một lần đi qua bên kia sông Dak Bla, leo núi lên vùng núi Dak Lái, tới nơi học sinh được vui chơi tự do thoải mái. Ai cũng thi nhau nhảy xuống suối, bơi lội đùa nghịch dưới nước. Lần ấy có anh bạn tên Xuân (Lê Thành Xuân), bơi lội vào vùng nước khá sâu, vướng phải một cành tre nhọn đâm vào đùi, xuyên qua lớp da gần 10 phân. Anh bạn la thét lên quằn quại dưới nước. Chúng tôi phải xúm lại khiêng lên bờ. Mũi tre nhọn đâm vào đùi, gãy một đoạn gần một gang tay nằm sâu trong bắp đùi. Lập tức, cha Alberty xoắn tay áo dòng, lấy dao con (canif) trong túi ra, rạch một đường khá dài mới lấy cọng tre ra được. Sau khi sát trùng, băng bó lại cẩn thận, anh em chúng tôi phải làm cáng khiêng nạn nhân về đến nhà. Cha Hiền, vốn rất cẩn thận và phòng xa, luôn luôn mang theo dụng cụ y tế, cứu thương mỗi khi đi dạo ngày.
Cha cố Hiền là cha sở Tân hương lâu đời nhất (từ năm 1913 đến năm 1948: 35 năm). Ngài có công tu sửa và xây tháp nhà thờ như ta thấy hiện nay, thành lập các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành như Nghĩa Binh Thánh Thể, Ca đoàn, phong trào Hướng đạo (Scout), Sói con (louveteau).v.v.Bậc tiểu học thời đó còn học theo chương trình Pháp, nên học sinh phải học cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Nhiều người cao tuổi chắc hẳn còn nhớ học sinh chỉ học sử nước Pháp và bắt đầu như sau: Nos ancêtres sont les Gaulois (Tổ tiên chúng ta là người Gô loa)...và mỗi sáng thứ Hai, học sinh tập trung xếp hàng trước sân trường để chào cờ và hát bài Quốc ca Pháp “Maréchal, nous voilà devant toi...” của thời Thống chế Pétain.
Chuyện thời niên thiếu còn ngồi trên ghế nhà trường như chuyện “1001 đêm”, kể mãi không bao giờ dứt, chỉ xin tóm lược vài nét về ngôi trường thân thương và người cha xứ đáng kính Alberty của giáo xứ chúng ta, mà bây giờ nhắc lại nhiều người vẫn luôn luôn ghi nhớ công ơn.
(N.V.N, sinh 1933 tại làng Tân Hương,
Kon Tum)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét