Đại thần VÕ CHUẨN
(1896 - ?)
Quản Đạo Kontum
1933 – 1938
Đại thần VÕ CHUẨN sống vào cuối triều Nguyễn, cựu Tổng
đốc tỉnh Quảng Nam, sinh năm Bính Thân (1896) tại thành phố Huế,
tỉnh Thừa Thiên - Huế, không rõ năm mất.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình vọng tộc,
con trai Đông các Đại học sĩ Xuân Hoà hầu VÕ LIÊM, nguyên thượng thư Bộ Lễ
triều Bảo Đại.
Từng học Trường Hậu bổ (Huế), Trường Thuộc địa
(Paris), tốt nghiệp về nước làm việc ở Toà khâm sứ Trung kỳ, sau đó được thăng
tham tá Toà khâm (1923-1930).
Năm 1930, ông được biệt phái sang làm việc với Nam triều, năm
1933 được bổ Quản đạo tỉnh Kontum, 1938 làm Tuần vũ tỉnh Quảng
Bình.
Năm 1939, ông chuyển về làm Tuần vũ tỉnh Quảng
Ngãi. Năm 1940, ông được thăng Tổng đốc tỉnh Quảng Nam rồi về trí sĩ.
Ông mất ở Huế trong những năm chiến tranh Việt - Pháp.
Hai con gái ông là Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh đều
là nhà văn.
"...Trong năm 1933, ở thành phố Kontum, những người làng ngoại cũng xin phép lập một cái chùa, thờ Phật và qui y các vong linh những người chết mà thân thuộc không thể đem thi hài về xứ được. Chùa ấy tên là Chùa Linh Sơn. Công việc chia thành nhiều năm mới thành toàn cuộc, song năm 1933 này, hết tháng Octobre xong được một cái nhà, sẽ làm lễ lạc thành. (Xem bài văn tế âm hồn đính theo sau này)."
(Trích "Kontum tỉnh chí", Võ Chuẩn 10/1933 - Nam Phong Tạp chí, số 193, trang 140).
____________________________
VĂN TẾ ÂM HỒN Ở KONTUM
Hỡi ôi !
Số kiếp dở dang ;
Căn duyên trắc trở !
Hiu hiu gió thổi nấm đất vàng lắm nỗi đắng cay ;
Nghi ngút hương bay lễ đạm bạc mấy lời than thở.
Số kiếp dở dang ;
Căn duyên trắc trở !
Hiu hiu gió thổi nấm đất vàng lắm nỗi đắng cay ;
Nghi ngút hương bay lễ đạm bạc mấy lời than thở.
Các vong xưa :
Trú ngụ Kontum ;
Vốn người dưới chợ.
Trước cũng nghĩ ruộng nhiều đất tốt, băng non xanh mong lúa lẫm tiền kho ;
Nào ngờ đâu nước độc ma thiêng, chốn đất đỏ vốn dễ ăn khó ở.
Trước cũng nghĩ xa quê ngái cảnh, ít người càng đùm bọc lấy nhau;
Nào ngờ đâu rừng rậm non cao, lắm bệnh chướng vương mang khó gỡ.
Cũng có kẻ áo xiêm ràng buộc, mong đền bồi nợ nước ơn vua ;
Cũng có người quần vận áo mang, lo toan tính của chồng công vợ.
Cũng có kẻ theo đường thương mại, phải đeo mang buôn Mọi bán Lào ;
Cũng có người kiếm kế sanh nhai, lên lăn lóc làm thầy làm thợ.
Cũng có kẻ thiên phương bách kế, nghịch đạo nhà trốn tránh ẩn thân ;
Cũng có người một lỗi hai lầm, trái luật nước đọa đày cấm cố.
Nhớ đến kẻ tay bùn chân lấm, sống không nhà thác lại không mồ ;
Nghĩ lại mình máu đỏ đầu đen, nín cũng hổ nói ra cũng hổ.
Phạm hai chữ bước cao bước thấp, gánh ra đi biếng nổi chân đi ;
Chiếu nửa manh thiếu trước thiếu sau, quàn xuống lỗ ra ngoài miệng lỗ.
Tủi cho kẻ mới đi mới chạy, kiếp ba sinh ước những trăm năm ;
Thương cho ai đạn lạc tên bay, bỗng một phút ra người thiên cổ.
Thảm những lúc trăng mờ bóng xế, gội nắng mưa lạc nấm xiêu mồ ;
Thương mấy khi thỏ lặn ác tà, ai nhớ tới ngày đơm tháng giỗ.
Âm thầm tủi đất không che xác, nghiêng ngửa kia xương cốt còn phơi ;
Ngậm ngùi thương cây chẳng tránh mồ, lăn lóc đó thây hài bộc lộ.
Thảm cho kẻ bỏ thì thương vương thì nặng, non thề biển hẹn mối chung tình
đành gửi lại giang sơn ;
Tủi cho ai nằm bên lạnh tránh bên khô, mang nặng đẻ đau núm gan ruột
cũng liều cùng thủy thổ.
Thấy nay được lầu son gác tía xe qua ngựa lại, việc ăn làm
trăm sự dễ dàng ;
Nhớ xưa còn nước biếc non xanh vượn hú chim kêu, công khai phá
ngàn điều khốn khổ.
Ôi thôi nay :
Con cháu chăm nom, nước nhà chiếu cố.
Trong rừng rú kẻ có công người có của,
phát bờ phát bụi khi khói hương rằm lớn vía to ;
Giữa thanh không giàu làm kép hẹp làm đơn,
lập miếu lập chùa lúc thăm viếng thanh minh tảo mộ.
Xin nhớ chữ tử sinh hữu mệnh, sống thác đều máy tạo xoay vần ;
Xin nhớ câu họa phúc vô môn, nhục vinh cũng tại trong căn số.
Kiếp gió bụi ba sinh vốn nợ, đừng nghĩ chi núi thẳm rừng sâu ;
Chí anh hùng bốn bể là nhà, đâu thôi cũng quê cha đất tổ.
Thuyền bát nhã câu kinh giải thoát, tỉnh phồn hoa giã chốn âm ti ;
Bóng bồ đề giọt nước nghành dương,
hết oan trái về nơi tỉnh thổ.
Giữa trời đất hương chong đèn rạng, xin chứng cho lễ bạc lòng thành ;
Dưới suối vàng sống khôn thác thiêng, phải gắng lấy phù trì ủng hộ.
(Văn tế này đọc ngày 27.10.1933, trong lễ chẩn tế, về dịp lễ lạc
thành chùa Linh sơn tự 3 ngày ; Trích từ "Kontum tỉnh chí", Võ Chuẩn 10/1933 - Nam Phong Tạp chí, số 193, trang 141).
Mình ước mong các nhà hữu trách chính quyền Kontum có cái nhìn bao quát và nhân văn hơn, can đảm chỉnh sửa quy hoạch Công Viên Nước đường Phan Chu Trinh (dời Công Viên vui chơi đi chỗ khác). Trả lại khung cảnh cho Chùa Bác Ái, mở lại một con đường nối Cổng tam quan của Chùa thẳng ra đường Phan Chu Trinh, hai bên trồng cây xanh, tạo cho quần thể Chùa bác Ái được tôn nghiêm. Mình thấy Công Viên Nước chẳng có ai vào vui chơi gì, thật lãng phí và xâm phạm không gian của Chùa. Chùa Bác Ái là chùa cổ ở Kontum, là một trong những di sản như chính quyền tôn phong và quảng cáo du lịch, nhưng vì chính quyền đã quyết định tạo ra Công Viên để lên đô thị loại III) nên làm hỏng Tp Kontum. Đề nghị trả lại con đường trước Chùa (nối ra đường Phan Chu Trinh). Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, can đảm sửa đổi quy hoạch vì Tp Kontum thân yêu của tất cả chúng ta!
Mình ước mong các nhà hữu trách chính quyền Kontum có cái nhìn bao quát và nhân văn hơn, can đảm chỉnh sửa quy hoạch Công Viên Nước đường Phan Chu Trinh (dời Công Viên vui chơi đi chỗ khác). Trả lại khung cảnh cho Chùa Bác Ái, mở lại một con đường nối Cổng tam quan của Chùa thẳng ra đường Phan Chu Trinh, hai bên trồng cây xanh, tạo cho quần thể Chùa bác Ái được tôn nghiêm. Mình thấy Công Viên Nước chẳng có ai vào vui chơi gì, thật lãng phí và xâm phạm không gian của Chùa. Chùa Bác Ái là chùa cổ ở Kontum, là một trong những di sản như chính quyền tôn phong và quảng cáo du lịch, nhưng vì chính quyền đã quyết định tạo ra Công Viên để lên đô thị loại III) nên làm hỏng Tp Kontum. Đề nghị trả lại con đường trước Chùa (nối ra đường Phan Chu Trinh). Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, can đảm sửa đổi quy hoạch vì Tp Kontum thân yêu của tất cả chúng ta!
Chùa Bác Ái Kontum
Đình Võ Lâm, Kontum
Bàn thờ Quan Quản Đạo Võ Chuẩn (1896- ?), tại Đình Võ Lâm
Ảnh : Minh Sơn
(Minh Sơn tìm hiểu theo các tài liệu tại
đình Võ
Lâm, Kontum và các nguồn khác)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét