Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

HỒI ỨC KON TUM 5: BÁC BIỆN NHỊ


Kon Tum vào hội - Ảnh: Minh Đức
Ảnh: Minh Đức

BÁC BIỆN NHỊ
                                                                                                                                 hồ - ngọc 
Bảo tôi là con dân Kontum chính gốc sinh trưởng tại Kontum, chôn nhau cắt rún tại Kontum là không đúng vì nhau và rốn của tôi đã bị cắt và chôn tận miền sông Hương núi Ngự rồi kia mà. Bảo tôi là rể Kontum cũng không đúng nốt, vì có cô con gái nào ở Kontum, kinh cũng như thượng, trẻ cũng như sồn sồn chịu ký hợp đồng dài hạn với tôi để kết duyên tơ tóc làm chồng đâu. Còn bảo tôi làm dâu Kontum cũng nghe không được, nó quá chướng tai, vì rằng  tôi là con trai, mà có người con trai nào lại ngu ngơ khờ khạo đi cưới tôi bao giờ. Mà lỡ có muốn cưới cũng nào được. Trời đất ơi, đâu có tâm đầu ý hợp, cưới về rồi làm sao mà ... làm ăn, làm sao mà ăn nằm, nằm cùng giường mà không cùng mộng là chết cả hai, trăn lại trở qua khó ngủ lắm chứ bộ. Đấy là chưa kể, nẫu mà biết được à nghen, nẫu đồn từ làng trên xuống xóm dưới, nẫu cười, nẫu chế nhạo cho mà thúi đầu luôn. Sẵn nói thêm, giả dụ có lúc nào đó, cha mẹ tôi có tên trong nhóm người cùng khỗ, cùng cực,  chắc hai ổng bả cũng không nỡ nào đem bán gả đợ con theo kiểu này đâu. Tiêu tùng, đứt chến  một đời trai trẻ chứ không phải chơi a.
Theo sử sách, cha Do, lúc còn là thầy Sáu, có đem theo một số thường dân của hai tỉnh Bình định và Quảng ngãi lên Kontum lập nghiệp. Cơ quan hành chánh của Pháp sau đó cũng bắt đầu thành hình. Họ tuyển mộ một số công chức tình nguyện từ các tỉnh lân cận như Huế, Đàlạt lên Kontum để lập ra các ty, sở tương tự. Ty Canh nông trồng trọt lúc đó do ông Conti làm Trưởng ty, từ Huế vào đem theo ba ngừơi Kinh : ba tôi, thư ký, chú Thọ bếp chính và chú Ký phụ bếp. Tôi còn nhớ rõ thư ba tôi viết cho mạ tôi lúc đó còn ở Huế – nhờ cậu Tín đưa gia đình đi bằng xe lửa từ Huế đến Quinhơn. Xe lửa đậu ở ga Diêu trì, xuống tàu, rồi tìm xe về Kontum qua Ankhê, Pleiku, khoảng 1943, hay 44 gì đó. Tôi sinh 1937, lúc đó còn nhỏ, lần đầu được đi bằng xe lửa, đến ga Diêu trì trời đã tối. Ngồi chờ xe lên Kontum tôi nghe quanh đó, có tiếng rì rào rên rỉ khác lạ, ban đầu nhè nhẹ, rồi mạnh, mạnh dần, đến đoạn mạnh nhất thì ngừng, xong thở dài một cái, rồi từ mạnh nhất, xuống mạnh vừa, đến nhẹ, nhẹ vừa,  nghỉ khoẻ một lúc, rồi lại bắt đầu, cái chu kỳ đó lại tiếp tục. Tôi hỏi cậu tôi – cậu ơi, cái tiếng gì mà trong đêm tối  nó cứ kêu rào rào rên than đều đặn như vậy, hà cậu? Ờ, cậu trà lời, đó là tiếng sóng biển vỗ vào bờ đó con. Nghe thì nghe vậy, chứ nhỏ lớn giờ,  nào có biết cái sóng biển nó vỗ vào bờ như thế nào đâu.
Xe đến Kontum được ba tôi đi đón và đưa cả gia đình về ở nhà ông Quản Dung, lúc đó phía trước làm văn phòng, và phiá sau là nhà ở cho nhân viên ty sở. Vài năm sau, ba tôi đi khai khẩn đất đai ở tận cùng làng Phương nghĩa, đường đi Konbraih, Kon somluh. Mỗi người dân được 10m. bề ngang và độ 20m. bề sâu. Không hiểu đất của ba tôi lúc đó sao lại rộng và sâu hơn nhiều. Người dân ở đó thường làm nhả gần đường cái, riêng ba tôi lại làm nhà sâu hẳn vào phiá trong xa. Xung quanh vườn dân thường trồng những cây mì, hay chặt nghững cây sầm cột lại, chôn xuống đất làm hàng rào – riêng ba tôi có lẽ sẵn nhân công đang làm vườn ươn và trồng cam cách đó khoảng 5 cây số nên có thêm chân tay để phụ làm rào. Hàng rào thì chặt cây rừng, đường kính trên 10 cm. cao quá đầu người, rồi đào mương chôn xuống đất, trồng đầy bốn phiá, trông thẳng hàng rất đẹp. Những cây này lúc còn tươi được chôn sát vào nhau, đến khi khô thì teo lại, có thề lấy vỏ ra đốt thay củi. Khi nạy vỏ ra như thế, bên trong thường hay có bò cạp ở. Bò cạp trắng cắn ít đau và không hành nhức như bò cạp đen. Mà gà lại thích ăn bò cạp, đặc biệt gà trống đá, ăn nhiều vào xong ôm đi cáp độ, gà đá hăng lắm. Khi mà nạy vỏ như thế này, dưới chân thường có bầy gà đi theo tìm mồi, tìm bò cạp hay tìm mối con để ăn. Khi vô ý bị bò cạp cắn, chụp ngay con gà, đưa ngón tay trỏ  móc ra một ít nhớt trong miệng gà rồi thoa lên chỗ bị cắn thì đở đau ngay. Trường hợp bị rít cắn cũng làm như thế. Đấy cũng là một môn thuốc gia truyền.
Ớ đó tôi phải đi học xa hơn 4 cây số, tận Tân hương, tại trường Thánh Mi ca e của các Cha, Cố thành lập. Ba tôi đi làm về, tôi phải chờ mỗi chiều đến rước, chở tôi bằng xe đạp về lại Phương nghĩa. Thấy xa và không tiện, ba tôi đã lo cho tôi ở trọ ăn cơm tháng tại nhà bác Biện Nhị, nhà cách 4, 5 căn gần trường, nên đi học rất tiện, và mỗi chiều thứ bảy hay chủ nhật tôi lại trở về Phương nghĩa. Gia đình bác biện là công giáo, gia đình tôi Phật giáo. Nhị không phải là tên của bác mà là tên người con gái đầu lòng, chị Nhị, sau này kết hôn với chú Trửu, các chú của cố Kim ở Pleiku thì phải. Lúc tôi ở đó, nhà bác biện có ba người con tất cà đều  gái : chị Nhị, chị Hoà, và cô Tròn. Chị Nhị lớn hơn tôi nhiều tuổi, chị Hoà vài ba tuổi, riêng Tròn thì còn nhỏ. Vì bác Nhị không có con trai, hai bác thường chỉ tôi và nói : “Cầu xin bề trên cho gia đình mình có đứa con trai, bụ bẩm như thằng Cảnh là được rồi” |lúc nhó, khá bụ bẩm, càng ngày càng lớn, mắt càng lộ, miệng càng hô; tôi đi hát ô 8, mà về thăm mấy cháu kêu tôi bằng cậu ở Kontum, chúng cứ nhạo tôi, là cở cậu phài xếp loại là hát ô hô mười mấy mới đúng nghĩa.| Vì thiếu con trai trong nhà, hai bác Nhị thương tôi như con ruột. Gia đình rất là sùng đạo, trước khi ăn cơm, đọc kinh, trước khi ngủ cũng đọc kinh. Mỗi thứ bảy, chủ nhật là phải đi nhà thờ, xưng tội và rước lễ. Con cái trong nhà mà không xưng tội hay lên rước lễ vào ngày chủ nhật  là bị kiềm tra hạch sách đủ điều. Đặc biệt trước khi đi ngù đọc kinh rất lâu, lúc đầu tôi không thuộc, sau cứ đọc theo, vài tháng sau, kinh Kính mừng, kinh lạy Cha, kinh Sáng danh là tôi thuộc như cháo. Còn nữa, lâu lâu lại có học về giáo lý, và nhà thờ thường xuyên có tổ chức thi giáo lý. Tôi thuộc lòng những câu hỏi đáp : - Hỏi, có mấy đàng lên Thiên đàng? – Thưa, có một đàng rất chính, rất thật là của đạo đức Chúa Trời. – Hỏi, đức Chúa Trời là ai? – Thưa, là Đấng dựng nên trời đất muôn vật. – Hỏi, dựng nên trời đất muôn vật nghĩa là làm sao? ... Trong lúc mọi người trong gia đình đọc kinh, tôi phải đọc kinh; trong lúc mọi người học giáo lý, tôi phài học giáo lý. |chứ chẳng lẻ ngồi không sao?| Và cứ thế tôi vô tình và tự động trở thành một con chiên ngoại đạo. Ấy là chưa kể khi đi học tại trường thánh Mi ca e có nhiều buổi phải qua nhà thờ đọc kinh. Có lần đang đọc kinh, quỳ trên ghế |nửa bàn nửa ghế trong nhà thờ|, miệng vừa đọc kinh, tay vừa lấy viết khắc tên họ trên bàn, mới ngoe nguẩy nắn nót khắc chữ HO thì thình lình, một cái “cốc” giáng trên đầu thật mạnh. Trái  đất bình yên thinh không sao lại nỗi cơn thịnh nộ, quay cuồng, tự nhiên, tối mặt, tôi thấy đầy sao rơi. Cây thánh giá bằng gỗ lim bấy lâu đứng im phăng phắc trong nhà thờ, hôm nay cũng biết giật mình run rẫy. Đau wá mà. Một cái cốc gõ lén từ phiá trên cú xuống, từ phía sau ký tới, có tài nghệ nghe được tiếng gió siêu đến  mấy cũng không biết đường đâu mà đỡ, mà gạt. Nhìn lại phiá sau, và ngẫng mặt lên, tôi bắt gặp ngay gương mặt bác Trùm, nỗi tiếng hung thần chuyên trị con nít làm ồn trong nhà thờ, đang hầm hầm sát khí : “đọc kinh không lo đọc, quỳ đó mà viết bậy hà?” Ổng la vừa đủ nghe, nhưng cái cốc  ký xuống “đột xuất” quá nhanh và quá mạnh trên đầu đã gây ra một tiếng khô khan bay qua hai bên tường nhà thờ rồi  dội trở lại khiến những người đang đọc kinh dù không có tính hiếu kỳ cũng cùng quay mặt lại nhìn. Sau phần  đọc kinh xong, cúi mặt, bẻn lẻn, tôi theo lớp học tuần tự đi ra. Ngoảnh nhìn lại thấy mấy người đi sau khom xuống bàn tò mò xem tôi đã viết cái gì mới khiến ra nông nỗi – có nhiều người khéo tưởng tượng và đoán mò – à ra nó định viết chữ Hoà, chưa xong, mới hát o HO ,liền bị lãnh cái cốp nên  còn thiếu “a huyền” tên người con gái thứ của bác biện Nhị. Đây là nỗi oan không biết phân tỏ cùng ai trong cái tuổi thơ, thời còn đi học. Thú thật, lúc đó tôi chưa biết trọn nghiã hai chữ “yêu đương” là gì – và tôi cũng đã biết chị Hoà có tình có ý với anh Hạnh, con bác ... ở sát nhà bên cạnh. Sau này chị Hoà cũng đã lập gia đình với anh ấy.
     Bác biện Nhị trai làm nghề giết heo, bò ở abattoir Kontum. Tôi thấy bác có cái gói gì nho nhỏ, khi đi làm về, bác thường để trên đầu tủ. Tôi hỏi bác gái đó là cái gói gì vậy thì bác trà lời cho biết :”đó là cái nồi cơm của bác trai”. Nồi cơm tại sao lại nhỏ thế, mà lại để trên đầu tủ? Tôi tò mò, lựa lúc không có ai, lén mở ra xem. Đó là cái búa nhỏ dùng để gõ đầu con bò cho nó ngã xuống trước khi thọc huyết. Khi ba tôi gửi tôi đến ở trong nhà bác biện là mẹ tôi đã cho sưu tra lý lịch, dọ hỏi hàng xóm. Khi biết bác trai làm nghề giết heo bò là mẹ tôi phản đối ngay. Nào là : “hết chỗ cho con nó ăn ở hay sao mà đi chọn nhà hai ông bà ấy”; còn không thì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, nó ăn ở đó có ngày nó cũng bắt chước đâm heo, có ngày nó cũng tập thuốc chó cho mà xem”. Ba tôi không nói không rằng, mà chỉ cười. Những người bạn của mẹ tôi lại có dịp đoán già, đoán non nói với mẹ tôi rằng “ba tôi là người thực tế, muốn gửi tôi tại đó, vì nhà bác làm bò làm heo mỗi ngày nên trong nhà luôn luôn có thịt để ăn, khỏi phải thường xuyên ăn rau, ăn mắm”. Gia đình hai bác luôn đối xử với tôi như con ruột trong nhà, có lẽ tôi vừa hiền, vừa chăm chỉ học hành, vừa lễ phép, lại vừa bụ bẩm |?|. Mỗi thứ năm, nhà trường thừơng tổ chức đi cắm trại do Cố Nhì hướng dẫn, đi cắm trại sâu vào rừng, lội suối cạn, tìm bắt cá con, hay nhặt những hòn đá long lanh dưới giòng suối, hoặc đi chặt mai rừng v..v.. Mấy lần đi cắm trại như thế bác gái đều lo cơm đùm cơm nắm cho tôi đầy đủ.
 Lớp tôi học hồi đó có chừng trên 10 người, tôi không nhớ hết tên, chỉ nhớ mấy đứa học giỏi mà tôi phải tranh đua, như Đặng trần Kha, con ông bà Tham Lưu, người Bắc, có 2, 3 người chị, cứ mỗi chiều hai tay cầm hai cây đan và một cuộn chỉ len, vừa đan, vừa đi đi lại lại phía trước nhà, gần nhà cô câm. Hoặc Nguyển hữu An, con bác Lụt, học rất khá. Có những tư tưởng cách mạng lúc còn nhỏ, ưa vẽ hình vua Hàm Nghi, hoặc Quang Trung đại đế v..v.. Sau này An là một kiến trúc sư, động viên khóa 14 Thủ đức sau tôi một khóa.
Nhắc đến tên Quang Trung, lớp tôi học có người cùng tên, người hơi đen, trông rất mạnh khỏe, cao lớn và cứng cáp hơn tôi. Học trò trong lớp thường hay cáp độ và xúi tôi đánh lộn với Q. Trung. So găng và so cựa thì Trung 10, tôi mới 8. Tôi hơi ngán đòn, nhưng vì bạn bè đốc xúi và nói khích tôi hoài nên tôi cũng ráng ráng phiêu lưu chơi thử. Vờn qua, lượn lại, bất thần Trung sấn vào tôi, ôm tôi quật ngã. Trung đè tôi đánh túi bụi, lúc đó tôi mới biết thế nào là ăn đòn cùi chỏ, thưởng thức trọn vẹn mấy ngón lên gối mà đối phương không biết nễ tình bạn học cùng trường cùng lớp mà chỉ có biết chơi nhau cạn tàu ráo máng, đã xữ dụng tối đa sức mạnh có sẵn để đục vào người tôi. Trung sau này làm gì không rõ, tôi chỉ nhớ mang máng là nhà Trung, từ trường học qua nhà bác biện và qua vài đoạn đường nữa.
Về chuyện đánh lộn, tôi còn nhớ một người, đó là Sự – Sự con bác xã Mùi, nghiêm trang, đạo mạo. Nếu mà so găng lên đài thì Sự và tôi ngang ngửa, bên chín lạng, bên nửa cân, tôi có vẻ nhanh hơn nhưng hơi nhỏ con tí xíu, Sự tròn trịa, nhưng lại hiền. Tôi cũng thích đụng với Sự hơn là đụng với Trung. Sự luôn luôn từ chối nhưng nể theo lời yêu cầu của toàn thề học sinh trong lớp nên hai đứa chúng tôi đồng ý cổi áo để thử tài cao thấp, ai ngon hơn ai. Nhờ rút được kinh nghiệm lần đấu trước với Trung, tôi thấy có phần tự tin. Trận đánh ấy xảy ra bên cạnh lớp học, tại sân đá banh, trong giờ ra chơi, thật là hấp dẫn và hào hứng. Hai phe, Sự trong lớp ngồi một bên, tôi ngồi khác bên, nên được gọi là Nam Bắc phân tranh, và có sự ủng hộ cổ võ đều đặn từ hai phía. Có lúc Sự vật tôi ngã, đè lên mình tôi, tôi quật lại được, một phần nhờ anh em kéo Sự xuống cho tôi đánh. Lúc này là lúc thuận tiện nhất để ra đòn bèn áp dụng ngay những cú đấm và cùi chỏ vào mặt mũi đối phương. Nhưng không được bao lâu thì bị quật trở lại, và ăn miếng trả miếng, những gì tôi đã ban phát ra, bây giờ thu nhận vào và lãnh đủ. Tôi cũng không ngờ, gương mặt hiền từ thư sinh như thế mà thụi cú nào cú nấy thiếu đường muốn bể cái màng tang. Kết quả hai bên hoà 1-1, hoà mà hoá ra thua vì đứa nào đứa nấy cũng trầy da tróc vảy. Những người thắng là những đứa đã xúi hai chúng tôi xáp lá cà để chúng có một trận cười thích thú mà khỏi chi trả tiền mua vé vào cửa xem trận đấm đá. Khi vào lớp không biết có phải mặt mũi đứa nào cũng đỏ kè hay có đứa nào tâu báo nên thầy cũng kêu lên bục gỗ tặng thêm phần đòn bổ túc mà tôi linh cảm như bị quất nhiều roi mây và bị quất nặng hơn, lý do dể hiểu là đã tích cực tham gia chiến đấu đánh lộn những hai lần. Nhận ơn Bề trên kêu gọi, Sự  sớm được thụ phong linh mục, tôi bận việc áo cơm đây đó nên cũng ít gặp. Giả dụ lúc hai bên đến tưổi trưởng thành, nếu Sự có lời yêu cầu đo găng lần nữa, chắc chắn tôi sẽ không từ chối. Nhưng mà từ độ đó cho đến nay, từ cái thuở mà trời đất nỗi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, qua mấy cuốn lịch ra khám vào tù, sức khỏe hao mòn thấy rõ, nhất là sau này, bia, rượu, thịt, cholestrol cao, bụng phệ, đít teo, nếu Cha Sự có thách thức, con không hỗ thẹn để xin chào thua trước.
Nhắc lại lúc ở nhà bác Nhị – phiá trước nhà bác ở là nhà bác Phó tổng Ngọc, có hai con trai, Hấn anh, Suy em. Anh Hấn hình như cũng muốn trở thành linh mục nên được giáo dục chăm sóc từ nhỏ, rất đạo mạo, cốt cách. Mỗi chiều thường mặc bộ đồ trắng tinh, tay cầm cuốn kinh bià đen gáy đỏ, đứng trước sân nhà, liếc qua nhà bác biện, có phải muốn ngắm trộm chị Hoà hay không, tôi không rõ. Nhà bác Phó tổng thuộc loại nhà cao cẳng, nhà sàn. Kế bên là nhà bác xã Hướng, có người con tên anh Hướng và ai đó nữa, sau là Thành, có học chung mấy niên khoá. Nhà của bác Hướng đặc biệt xây lưng ra đường, cũng không rõ tại sao. Từ đây đi lên nhà thờ Phương nghĩa, tôi còn nhớ đi qua một gốc cây trâm, ở đó có nhiều ma, người ta thường phao tin như thế. Qua đó là nhà bác Chánh tổng Hoàng, ba của chị Aí, sau kết hôn với thầy Miên, và chị Nhiệm, Nguyễn hồng Nhiệm, chắc nhỏ thua tôi vài tuổi, học Couvent des Oiseaux Đàlạt, đậu đại học sư phạm, ban Pháp. Sau này qua Mỹ lấy Ph.D và dạy tại Đại học Massachusetts. Tôi nhớ có lần nghe ai kể chị Nhiệm hiện là giáo sư giỏi tại trường, người ấy đang có tấm ảnh của chị chụp chung với các giáo sư, ai nấy áo mũ cân đai chỉnh tề , cao trên 1m.8, riêng chị chỉ đứng tới ngực tới vai các GS bạn. Tuy khổ người chị không cao, nhưng trình độ học vấn chị cao, rất xứng đáng vinh danh là một con dân Kontum, gốc Tân hương, tài cao học rộng của thế hệ chúng tôi nơi xứ người. Tiếp tục lên xa hơn tí nữa, nghe nói có chị Trinh trắng đẹp, đẹp lắm thì phải. Mỗi khi có nỗi buồn vô cớ vu vơ xâm nhập vào hồn, tôi hay có thói quen  đi bộ lêu lổng lang thang trên con đường cán đá Nguyễn Huệ, lượm những hòn đá xe hủ lô cán không kỹ rơi vãi hai bên lộ rồi ném chúng xuống mương để bà con đi bộ khỏi vấp cẳng; hoặc bửa nào trời  xanh trong, vào những ngày mùa hạ không gió thổi bay những vần mây trắng, vừa lon ton đi vừa ngó nhìn lơ đãng bốn hướng tám phương trời , vô tình  nhìn xuyên qua khe trống của hàng rào bông giấy đỏ tôi cũng được may mắn bắt gặp được hình ành của tiểu thư thiên thần từ trên cao xuống nô đùa chạy nhảy với những mục đồng nhi nhí trong sân vườn nhà sau. Về phiá trái nhà chị Trinh, có chị Monique, vừa trắng trẻo, vừa cao ráo, trông rất đầm, tôi nghe mấy lớp đàn anh kể như vậy thì tôi nói theo chứ lúc đó tôi còn đang thuộc dạng ... nhi đồng. Hình như anh Tế, anh Lễ cũng ở gần đâu đây. Hai anh này mạnh lắm. Muốn ăn dừa, khỏi cần phải trèo hái, kiếm cho anh vài thanh củi bằng cán rựa, anh “phang” một vài lần là có dừa ăn.
Tôi còn nhớ, gần chỗ này có một nhân vật quan trọng. Ai ở Kontum lâu vào thời trước 1950 chắc còn nhớ, đó là Thầy Cúc. Thoạt nhìn thấy thầy Cúc, tự nhiên tôi cảm thấy một cái gì đó vui vui tếu tếu mà tôi không diển tả ra được. Thầy đi chiếc xe đạp có  cái tay cầm “vễnh” lên, một cặp vỏ xe thật lớn đủ sức gánh chịu một thân chủ thiếu bề cao mà dư bề ngang. Thầy mặc bộ đồ trắng,  giông giống bộ đồ bà ba, và giả như thầy ốm bớt chừng phân nửa và khi mặc bộ đồ này, người ta cứ ngỡ đó là ông thánh Gandhi hay là Thủ tướng Nehru của xứ Ấn độ được đức Quốc trưởng Bảo Đại mời lên thăm xứ Hoàng triều cương thổ. Thầy Cúc đội cái nón có cái chụp trên đầu nhỏ mà lại rộng vành che khuất gần hết  gương mặt bầu bỉnh, điểm thêm cái kính mát đen to quá khồ. Từ xa nhìn tới, tôi chỉ thấy một bóng trắng cùng với chiếc xe đạp mà cái yên xe đã được hạ xuống chỗ thấp nhất để chân người đạp có thể đạp xe, thầy ngồi trên xe, đạp từ từ với cái lưng thẳng đứng. Đặc biệt xe cúa thầy có một cái chuông, ôi cái chuông xe đạp của thầy sao mà đẹp thế. Nó được làm bằng kim khí, lớn bằng trái cam, phần dưới là cái đế chuông gấn dính vào ghi đông, phần trên là nắp, có một kẻ hở, và một cái chốt như là trái tai dùng để tạo ra tiếng chuông kêu. Khi muốn có tiếng chuông kêu, dùng ngón tay cái đẩy trái tai ấy về phiá trước, chuông sẽ phát ra một tiếng “kiing”, xong thả ngón cái ra, lò xo bật trở lại, phát tiếp tiếng ...”koong”. Kiing ... koong, kiing ... koong. Chuông rung nhanh hay chậm tùy theo nhịp đẩy của ngón tay, chứ không leng keng...keng, leng keng ...keng đều đặn phát ra mỗi sáng thứ bảy hay chủ nhật  tự nóc nhà thờ Tân hương thúc giục những giáo dân lớn tuổi trong vùng đi đọc kinh hay rước lễ sớm. Nó cũng khác tiếng chuông chùa Bác ái ở Võ lâm – boo..ong, cốc cốc cốc, boo..ong, tiếng chuông hoà với tiếng mõ ngân nhẹ và ngân dài vào không gian theo tiếng kinh kệ sáng chiều, hay ngày rằm, mồng một.
Khi tôi thấy thầy Cúc từ đàng xa đạp xe lại, dù không phải xử dụng con đường ấy, tôi vẫn thích quẹo vào, vừa để đụng đầu với thầy, vừa để nghe tiếng chuông của xe thầy kêu kiing.. koong cho vui. Không hiểu tại sao tôi lại  thích nghe tiếng kiing ... koong ấy quá. Hình như nó có chất ... thuốc phiện?
Thấy bóng dáng khách bộ hành trước mặt mình, dù còn đang ở xa, thầy đã cẩn thận bóp chuông : kiing koong, kiing koong. Khách bộ hành làm như không để ý đến tiếng chuông mà cứ cắm đầu đi lủi thẳng tới, lại đi về phiá trái, thì trên xe liền phát ra một hồi chuông vội vã, dồn dập, khẩn cấp : kiing.. koong, kiing ... koong. Tiếng chuông ban đầu khoan thai, chầm chậm, sau vồn vã, dồn dập, gấp rút, khách bộ hành cứ ngỡ thầy đang dạo bản le beau danube bleu. Thấy khoái quá, khách bộ hành cứ tiếp tục sấn tới trước mặt thầy, zoom lần, zoom lần. Thầy thắng xe. Xe ngừng. Tiếng chuông ráng gióng lên thêm một tiếng nữa, khô khan, như muốn hạnh hoẹ : “bộ đàng ấy điếc hay sao mà hổng nghe được tiếng chuông?”. Vẫn ngồi luôn trên xe để chân chống đất, thầy muốn nhìn cho rõ xem con cái nhà ai mà dám ngang nhiên cản trở lối đi của một trưởng thượng ở khu xóm này đây. Thầy nhìn thẳng vào tôi, một cái nhìn chầm chậm không giận không hờn từ đầu xuống đến chân. Khách bộ hành cũng đâu chịu lép, cũng nhìn thầy, nhìn chăm chú từ chân trở lên bụng thầy, vai thầy và mặt thầy, không quên liếc nhanh nhìn cái chuông, ôi thật tuyệt, cái chuông sao mà ngộ thế nhỉ. Ước chi thầy hiểu lòng mình, cho mình rờ rẩm, vuốt ve nựng nịu cái chuông một chút xíu thôi là tôi toại nguyện lắm, là con không dám chận đường thầy nữa đâu. Tôi đảo mắt trở lại nhìn thầy một lần nữa. Bốn con mắt nhìn nhau, không ai nói một câu. Nhận biết thân phận mình nhỏ bé, khách bộ hành liền khoanh hai tay lại, hai chân chập sát vào nhau, cúi khom mình xuống thật thấp xong lễ phép thưa : “con xin chào Thầy”. Nói xong khách bộ hành vội lách về phiá tay mặt nhường lối cho thầy đi. Thầy lên xe, từ từ đạp xe theo hướng cũ của thầy. Bánh xe chưa lăn được tròn vòng, thầy lại bóp chuông, dù rằng không có ai phía trước mặt. Kiing koong xong, thầy ngoảnh gấp mặt lại, thấy tôi  đứng đơ ra đó nhìn như còn  luyến  lưu phút đợi chờ giờ chia tay giả từ tạm biệt. Thầy cười, - một nụ cười hiền từ và đẹp chi lạ - và  tôi cũng kính trọng cười đáp lễ. Hai nụ cười tinh nghịch của hai thế hệ đã tìm gặp  và quyện lấy nhau.
     Trở lại đường đi, lần lên nữa, đó là nhà trường Cuénot, nhà thờ Phương nghĩa, một nhà thờ được xây toàn bằng gỗ, lên tí là nữ tu viện Bác ái. Ở đây đã nẩy nở một chuyện tình rất đẹp. Vừa quá tuổi 18, nàng  hiện thân là một nữ tu đã khấn nguyện hiến dâng trọn đời cho Thiên Chúa. Chàng, anh Bay – tôi chỉ nghe tên chứ không biết nhiều về anh – anh đá banh rất hay và có cú sút banh rất mạnh, có thể sút banh từ chỗ phạt đền bên này sân đến gần trụ gôn phía bên kia. Anh và chị quen nhau, có một sự cản trở nào đó khiến không lấy được nhau, và chị quyết định dứt khoát vào dòng đi tu. Anh leo tường, mỗi đêm nhảy rào vào trong tu viện để tìm chị năn nỉ, tỏ tình, tâm sự. Trời cũng biết chiều người và không nỡ phụ những kẻ cố công leo rào nhiều đêm, nhiều tháng, hay là tại bởi những lời quyốn rũ dịu ngọt của người con trai  làm  người con gái xiêu lòng đành  trả lại áo, trả mũ, trả luôn cái lúp đội đầu, trả hết những lời khấn nguyện, mở cửa rào tu viện đi ra ngoài đời, theo lời  mời gọi của yêu đương. Tôi chỉ nghe kể mang máng, không biết có thi vị hoá câu chuyện tình  ân ái hay không, vì lúc đó hể đứng xớ rớ là bị la ngay : “đồ con nít đi chỗ khác chơi, đừng tò mò nghe chuyện người lớn”.
     Từ nhà thờ Tân hương qua nhà thờ Phương nghĩa đã quá xa, xin phép cho tôi được u turn để ghé lại nhà bác biện Nhị, ở đây, nhiều khi buồn không biết đi đâu, làm gì, bài vở thì đã học xong xuôi, trong nhà chỉ có toàn con gái, họ thường rũ tôi chơi đánh nẻ cho vui, mà con trai con gái chơi với nhau kỳ quá, nên bác biện gái mới bảo gọi Suy, em Hấn ở phiá trước mặt nhà qua chơi bắn bi với tôi. Suy gọi hai bác biện bằng “bỏ” chứ không gọi bằng bác như tôi. Khi chơi bi, người thua phải trả cho người ăn một hoặc hai bi, tùy theo giao ước. Thể lệ chơi cũng đơn giản. Người chơi đứng từ vạch khởi điểm, tìm cách đưa bi  càng gần lỗ càng tốt. Một lỗ nhỏ, bằng đồng xu, cách vạch khởi điểm khoảng 3, 4 mét, tùy ý. Ai có bi gần lỗ sẽ đi trước. Cố gắng làm sao cho bi càng vào lỗ sớm càng tốt, vì như thế, bắn trúng ai người ấy thua. Theo lối chơi của người Bắc, họ để bi vào mấy ngón tay, gần ngón trỏ và dùng ngón tay cái đẩy bi đi. Theo lối của người Nam, nếu người chơi bắn bi tay trái thì tay mặt nắm hòn bi, ngón cái của tay trái cắm ngay chỗ bi đang đứng, dùng ngón trỏ hay ngón giữa của tay trái để đưa bi đi. Khi chưa vào lỗ, mình bắn trúng ai, có quyền bắn tiếp, hoặc kè bi đến khi bi vào lỗ thì bắn trúng ai người ấy chết |thua|.
Suy và tôi hai đứa chơi bi và Suy thua khỉa 4, 5 bàn liền, mỗi bàn giao cho tôi một bi. Thấy thua riết, Suy bèn tính cách ăn gian, hoặc giả nghi tôi đã ăn gian nên đã ăn gian trở lại chăng? Và cuộc cá độ đã tăng, trước phải chung 1, nay tăng thành hai. Ăn gian trong biệc chơi bi, cũng có thể kiểm tra được. Ví dụ, ngón tay cái thay vì cắm ngay chỗ hòn bi đang đứng, tùy nghi nhích lên hay nhích xuống miễn sao có lợi cho mình. Nhờ chơi kiểu đó, Suy đã lấy lại của tôi hai bi, và một lần nữa hai bi. Tôi bắt đầu nóng mặt, và cảnh cáo ; “không được ăn gian nữa nghen, tao nói rồi đó, hay mày muốn oánh lộn, chơi liền a”. Và Suy thắng tiếp cũng cái mửng đó, nghĩa là không cắm ngón tay ngay chỗ hòn bi. Bắn trúng bi tôi, Suy cười thích thú, nhảy tưng tưng và đòi tôi giao bi.
-          Tao không đưa. Đ. mẹ mày, đồ ăn gian.
Ngạc nhiên vì nghe tôi chưỡi thề như vậy, Suy càng nhảy tưng tưng, chạy vào báo cáo với hai bác biện đang nằm đu đưa trên võng treo giữa hai cột nhà : - Bỏ ơi, bỏ à, thằng Cảnh nó chưỡi đ..mẹ con đó bỏ à. Bốn bàn chân của hai người nằm trên võng vội vàng chống xuống đất để thắng gấp không cho võng đu đưa. Bốn con mắt ấy nhìn tôi chòng chọc như nhìn một tội phạm. Suy lại còn chạy ra phiá sau thông báo cho ba người con gái cùng biết. Họ bỏ chơi, chạy ra cửa, người chống nạnh, người lườm tôi. Bác biện trai kêu Suy lại và bắt kể đầu đuôi câu chuyện. Tôi đứng lặng thinh. Sau khi nghe Suy kể xong, bác trai mới bảo Suy hãy về nhà để đó bỏ tính.
     Không khí im lặng suốt cả buổi chiều. Đến bửa ăn đã dọn sẵn, theo thường lệ tôi vào ngồi trước trên bộ ngựa nhà sau và chờ cả nhà xuống ăn cơm. Không ai xuống ăn cả. Một hồi lâu thấy khó chịu thì ở nhà trên cử đặc phái viên Thị Tròn xuống thông báo : “Ăn một mình đi, bác trai bảo không ai ngồi ăn cơm với anh nữa đâu”. Ừa, bảo tôi ăn một mình thì tôi ăn, đang đói mà. Hành hạ tôi kiểu này thì đến thứ bảy ba tôi lại rước, tôi sẽ đòi ổng cho đi ăn cơm tháng nhà khác, lo gì. Đến tối đọc kinh, thường lệ khi đọc kinh Kính mừng, bên phía nam –bác trai và tôi- đọc một đoạn, xong bên phía nữ –bác gái và ba cô- đọc đoạn tiếp. Đêm nay, sau khi phía nam đã đoc xong một đoạn, đến phiên phía nữ, tôi không ngưng mà phụ họa đọc luôn. Một giọng nam tồ tồ hoà lẫn với bốn giọng nữ thanh thanh, nghe như một bản hợp ca có đủ âm giai trầm bổng. Tôi nghĩ khi tôi đọc như thế là tôi muốn báo cáo cho Đức Mẹ biết rằng ; “Đức Mẹ ơi, nó ăn gian con đó, hổng ai biết hết. Vậy chứ Đức Mẹ có biết cho con không?”  Buổi đọc kinh tối chấm dứt. Mọi người đi ngủ. Ngày mai đi học về, ăn cơm trưa, cũng cái mửng đó, không ai ngồi ăn chung với tôi cả, và cũng đặc phái viên Tròn như cũ xuống thông báo  một câu cũng cũ như hôm qua. Tôi ngồi đừ ra đó một hồi lâu, nửa muốn không ăn, nửa quá đói bụng, nên vội vã lua vài miếng để rồi còn đi học. Trước khi đi học, như thường lệ, tôi vẫn khoanh tay thưa hai bác, con đi học. Và đến bửa cơm chiều. À, cũng lại cái mửng đó nữa. Sao lai có chuyện kỳ cục vậy nè, thắc mắc chưa kịp giải  mã thì cũng đặc phái viên Thị Tròn lửng thửng đi xuống thông báo một câu nói y hệt như câu nói đã nói hôm qua và cũng không khác câu nói đã nói trưa nay. Tôi tự hỏi  “sao lại kỳ như thế này?”. Và tôi quyết định không ăn, cứ ngồi lỳ ở đó. Ngồi lâu quá buồn, tôi chạy lên nhà trên lấy cuốn giáo lý để gần bàn thờ Đức Mẹ xuống ngồi đọc. Những câu trong cuốn giáo lý phần sau ít đọc nên ít nhớ, riêng mấy câu ở những trang trước là tôi thuộc nằm lòng. Vừa đọc, vừa suy nghĩ, vừa muốn ghi thêm vào sách những câu hỏi chưa được giải đáp  như là : Hỏi, tại sao phải ăn cơm một mình? – Thưa, là bác trai sai Tròn xuống bảo hãy ăn cơm một mình đi. – Hỏi, ăn một mình đi nghĩa là làm sao? – Thưa, là vì không ai chịu ngồi ăn cơm với anh nữa đâu. – Hỏi, tại sao không ai muốn cùng ăn cơm với anh nữa? – Thưa, tôi cũng chẳng biết tại sao. – Hỏi, chẳng biết tại sao nghĩa là làm sao???. Đến đây lại đi vào ngõ bí. Tôi cũng chẳng biết phải làm gì và làm sao. Ngồi lâu quá và sắp đến giờ đọc kinh tối, bác trai ở nhà trên xuống hỏi :
-          Sao con không ăn cơm đi để rồi còn đọc kinh tối?
-          Mấy hổm rày con ăn cơm với gia đình, tại sao hôm nay con phải ăn một mình, con cũng không biết. Mà con cũng đâu có bệnh tật gì dể lây lan mà phải ăn một mình?
-    Ở xóm này, và ngay trong nhà bác, không ai biết chưởi thề, không ai ăn nói tục tỉu. Con đã chưởi thề nên cả nhà không muốn ngồi ăn chung với con.
-    Thằng Suy nó méc với bác hôm qua phải không, tôi hỏi. Bác trai gật đầu. Tôi cứng đầu lý lẽ      -    Vậy chớ nó có méc bác là nó đã chơi ăn gian con không?
-    Bác nghĩ chắc nó có ăn gian nên con mới giận. Nếu nó ăn gian là nó có tội. Con chưởi thề, nói tục là tội của con nặng hơn.
-    Nó không ăn gian, làm sao con chưởi nó. Con biết mà, tại nó kêu bác bằng bó, nên hai bác binh nó, và tại con không gọi bác bằng “bỏ” nên bác không binh con. Có đúng như vậy không, hở Bỏ?
Hơn năm trời ở nhà bác, ngày nào cũng đều gọi hai bác bằng từ “bác”, hôm nay  dù trong thâm tâm vẫn còn đang  ấm ức tức tưởi, bất thình lình tôi xướng  tiếng “ Bỏ” lần đầu tiên, nhẹ nhàng , êm ái, ngọt dịu với bác trai một cách đột ngột, bất thần khiến bác cám động, bác lại không có con trai nên tôi đoán biết bác thương tôi nhiều. Bác ôm tôi vào lòng, hơi ấm trong người bác lan tỏa qua thân thể tôi khơi thông mạch suối nước mắt đã tích tụ đâu đó sẵn mà tuồn ra ào ạt tự do, “khóc nhiều như chưa được khóc lần nào” làm ướt thấm cả vạt áo bác. Không chờ cho nước mắt tuôn chảy  đả đời ngưng trớn, tôi thò tay vào túi quần sau móc ra một nạm bi, lựa qua lựa lại  chọn một hòn và bỏ vào túi áo bác , xe xe hòn bi , vân vê nó hồi lâu  xong, chầm chậm và nhỏ nhẹ, vừa nói vừa rên, vừa tiên tiếc : “bỏ cất đi rồi trả cho thằng Suy giùm con, nói với nó con chooo..o nó luôn đó, con hổng cần, con cũng hổng có thèm giữ làm chi cái hòn bi ăn gian ba đàng thua mạt ấy nữa đâu”. Bác trai xoa đầu tôi xong gọi cả nhà xuống ăn cơm chung, và bắt tôi hứa với bác từ nay không bao giờ chưởi thề như vậy nữa. Lấy cổ tay quẹt cho khô nước mắt, từ từ tôi  xin lỗi : “Con xin lỗi bỏ trai, con xin lỗi bỏ gái. Con hứa từ nay không bao giờ chưởi thề nữa”. Cả nhà vui vẻ ăn cơm để kịp đọc kinh tối. Trước khi đọc kinh, bỏ trai có khấn nguyện xin ơn trên luôn phù hộ cho tôi luôn sáng suốt, đừng bao giờ chưởi thề hay văng tục như đã hứa. Buổi kinh hôm đó lâu hơn thường lệ nhờ có giúp cho tôi thêm nhiều kinh.
    
     Từ độ đó cho đến nay, qua bao cuộc thăng trầm trôi nỗi của cuộc đời, hơn 60 năm qua, nhiều lúc quá nóng nãy , giận bầm gan, tím mặt, muốn phát ngôn vài câu cho nó hạ hỏa, cho nó nguôi ngoai, vậy mà, khi mới bắt đầu ú ớ đê, đờ hay đi là tôi kịp câm miệng ngay. Đến bây giờ tôi mới thấy cái thâm ý của Ba tôi tại sao ổng lại biết chọn nhà hai BÁC BIỆN NHỊ để cho tôi ở ăn cơm tháng trọ học.
     Người Mỹ thường có thói quen ưa vỗ ngực tự hào là proud to be an American. Xin phép con dân chính gốc Kontum, những dâu, những rể Kontum, những ai ai có cảm tình sâu đậm với sông nước ngược dòng Dakbla, với rừng xanh  âm u bạt ngàn hồn thiêng  núi non  Ngoklinh hùng vĩ, nhín nhường cho tôi chút xíu hãnh diện đề được thốt  lên : PROUD TO BE A KONTUMAN.-
                                                                                                                                      h ồ – n g ọ c
+ hình như tôi còn nợ Suy một lời xin lỗi, hy vọng tuổi đá dế thường hay mau quên và dể tha thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét