VietCatholic Network3/8/2013
Kính thưa quý vị và anh chị em
Trong phiên khoáng đại lần thứ 9 diễn ra từ 17h đến 19h chiều thứ Sáu 8 tháng Ba, Hồng y đoàn đã bỏ phiếu quyết định khai mạc Cơ Mật Viện vào ngày thứ Ba 12 tháng 3 để bầu Tân Giáo Hoàng.
Sáng thứ Ba các vị Hồng Y sẽ dâng thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu cho việc bầu Giáo Hoàng và ban chiều các ngài sẽ bắt đầu cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất tại Nhà Nguyện Sistina.
Sau khi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005, Hồng Y Đoàn đã nhóm 12 phiên họp trước khi bắt đầu Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Phiên nhóm cuối cùng diễn ra ngày 16 tháng 4 năm 2005 và Cơ Mật Viện bắt đầu sáng ngày 18 tháng 4 năm 2005 với thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Ban chiều cùng ngày các Hồng y cử tri đã tề tựu tại dinh Tông Tòa trước khi tiến vào nhà nguyện Sistina bỏ phiếu.
Chỉ một ngày sau là chiều ngày 19 tháng 4 năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đắc cử trong lần bỏ phiếu thứ Tư và trở thành vị Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội.
Thông thường Cơ Mật Viện chỉ diễn ra từ một đến ba ngày là bầu được Đức Tân Giáo Hoàng. Trong thế kỷ 20 đã có 8 Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng và chỉ có ba lần kéo dài hơn 3 ngày. Thực tế là vào năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 được bầu trong lần bỏ phiếu thứ Tư.
Cơ Mật Viện năm 1939 được kể là nhanh nhất vì sau 3 lần bỏ phiếu đã bầu được Đức Giáo Hoàng Piô thứ XII.
Lần bỏ phiếu lâu hơn 5 ngày đã diễn ra lâu lắm rồi, vào năm 1831. Lần đó, phải mất 54 ngày mới bầu được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ XVI. Tuy nhiên, với Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh) đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 Tháng Hai năm 1996, Cơ Mật Viện không thể nào kéo dài lâu quá 12 ngày.
Thực vậy, lần bỏ phiếu đầu tiên có thể được tổ chức vào buổi chiều của ngày đầu tiên họp Cơ Mật Viện. Nhưng nếu chưa bầu được Đức Tân Giáo Hoàng hoặc việc bỏ phiếu không được tổ chức, thì mỗi ngày sau đó sẽ có bốn lần bỏ phiếu: 2 lần ban sáng và 2 lần ban chiều. Nếu sau ba ngày vẫn chưa bầu được Giáo Hoàng thì một ngày cầu nguyện sẽ được tổ chức và Đức Hồng Y trưởng đẳng Phó Tế sẽ trình bày một bài suy niệm. Tiếp theo là bảy lần phiếu nữa. Nếu vẫn không có kết quả, một ngày cầu nguyện sẽ được tổ chức và Đức Hồng Y trưởng đẳng linh mục sẽ trình bày một bài suy niệm. Nếu không có kết quả sau bảy lần phiếu nữa, thì Đức Hồng y trưởng đẳng Giám Mục sẽ trình bày một bài suy niệm trong một ngày cầu nguyện. Nếu sau 7 lần bỏ phiếu nữa mà vẫn không bầu được một vị Giáo Hoàng, thì sẽ có một ngày cầu nguyện, tiếp theo là chỉ bỏ cho hai vị đã nhận được số phiếu cao nhất trong lần bỏ phiếu cuối cùng.
Kính thưa quý vị và anh chị em
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em thấy đây là quang cảnh buổi sáng thứ Sáu 8 tháng Ba. Một điều rất rõ ràng là một số đông đảo các Hồng Y đã dùng xe hơi đến Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục để tham dự phiên họp khoáng đại lúc 9h30; thay vì đi bộ như những ngày trước đó.
Điều này cho thấy là các vị Hồng Y đã tỏ ra rất dè dặt tránh sự tiếp xúc với giới báo chí đang đứng đông nghẹt trên các con đường dẫn về Vatican.
Trong mấy ngày qua, báo chí Ý, dẫn đầu là tờ La Stampa đã đăng tải một vài bài phát biểu trong các phiên họp khoáng đại của các Hồng Y và đã dẫn đến sự phản đối của các Hồng Y dự họp.
Như Lan Vy đã tường trình trước đây là các Hồng Y Hoa Kỳ đã có sáng kiến tổ chức các cuộc họp báo tại trường Đại Học Bắc Mỹ và đã được giới ký giả hoan nghênh nhiệt liệt. Trong các cuộc họp báo, các vị đã không đề cập gì đến các phiên họp đang diễn ra tại Vatican nhưng nhấn mạnh vào những vấn đề mà Giáo Hội đang phải đương đầu. Tuy nhiên, trước sự kiện là tờ La Stampa biết một số nội dung được các Hồng Y đưa ra thảo luận, các Hồng Y đã thống nhất hạn chế tiếp xúc với báo giới.
Sơ Mary Ann Walsh điều hợp viên báo chí của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, là người tổ chức các cuộc họp báo này tại Rôma cho biết để cho minh bạch, các vị Hồng Y Hoa Kỳ đã quyết định hủy bỏ các cuộc họp báo này chứ không phải vì áp lực nào.
Trong khi đó thì Hiến Binh Vatican đã làm việc không mệt mỏi cả ngày và đêm. Hôm qua, thứ Năm 7 tháng Ba, các máy phá sóng đã được cài đặt để chống nghe trộm từ bên ngoài.
Nơi cư trú của các vị Hồng Y, Domus Santa Marta, được đặc biệt lưu ý. Các cửa sổ được đóng kín. Hiến binh đã kiểm tra từng phòng một để chống các thiết bị nghe trộm.
115 vị Hồng Y cử tri đã tề tựu đông đủ từ cuộc ban chiều ngày thứ Năm, trong đó có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của tổng giáo phận Sàigòn. Các vị sẽ cư trú tại Domus Santa Marta và mỗi ngày đi bộ đến nhà nguyện Sistina.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy Hiến Binh Vatican đang theo dõi quang cảnh của Vatican vào ngày hôm qua thứ Năm 7 tháng Ba. Mọi góc cạnh đều không thể lọt qua camera của Hiến Binh Vatican.
Trong cuộc họp báo hôm qua, cha Federico Lombadi đã cho các phóng viên biết một chi tiết về Domus Santa Marta, tiếng Việt có thể tạm dịch là nhà trọ Thánh Mátta, nơi các Hồng Y cử tri cư ngụ trong thời gian Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng.
Được xây dựng vào năm 1996, nhà trọ Thánh Mátta có 106 phòng đôi và 22 phòng đơn trải rộng trên 5 tầng lầu. Tòa nhà này được xây dựng trên nền một bệnh viện, được xây dựng năm 1891 để chữa trị cho các nạn nhân của một trận dịch tả. Trong Thế chiến thứ Hai, tòa nhà này đã là nơi trú ẩn của những người bị Đức Quốc Xã lùng bắt trong đó đông nhất là người Do Thái.
Trong tấm không ảnh chụp từ vệ tinh này, quý vị có thể thấy vị trí chúng tôi đánh số 1 là quảng trường Thánh Phêrô, số 2 là Đền Thờ Thánh Phêrô, số 3 là Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, số 4 là cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng. Đó là ba địa điểm quý vị nghe thấy chúng tôi đề cập hàng tuần trong chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican.
Những vị trí được đề cập ít hơn là số 5, nhà nguyện Sisitina và số 6 là nhà trọ Thánh Mátta.
Trong thời gian Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, nhà trọ Thánh Mátta là nơi chỉ có các vị Hồng Y và một đội ngũ nhân viên hỗ trợ nhỏ, bao gồm vị thư ký của Hồng Y Đoàn, vị trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha, các linh mục giải tội, bác sĩ, đầu bếp, và các nhân viên dọn dẹp. Hầu hết các Hồng Y sẽ đi bộ hàng ngày từ nơi cư trú đến nhà nguyện Sistina, nhưng một chiếc xe buýt nhỏ cũng được dành cho những vị Hồng Y gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Hiện nay, các vị Hồng Y vẫn còn ở bên ngoài. Các vị chỉ di chuyển vào nhà trọ Thánh Mátta vào đêm trước của Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Việc phân chia ai ở phòng nào sẽ diễn ra theo thể thức ngẫu nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét