Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

AN KHÊ – NƠI GHI DẤU NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA CÁC VỊ THỪA SAI



Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu chuyên đề “LOAN BÁO TIN MỪNG” vùng Tây Nguyên, có tựa đề “AN KHÊ, NƠI GHI DẤU NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA CÁC VỊ THỪA SAI” của Ban mục vụ Truyền thông giáo phận Kontum. Chuyên đề này đã được đăng trên Trang Blog và trên trang Web của Giáo phận Kontum trước đây dưới dạng PDFNay (22.03.2013) được đăng lại dưới dạng Word (DOC)để dễ xử dụng hơn. 
Đề tài này rất hữu ích cho những người muốn đào sâu hơn về tuyến đầu trong công cuộc truyền giáo Tây nguyên (1848). Như trong lời giới thiệu của Ban Truyền thông:
"Thật vậy, từ khi Thầy Sáu Do được gởi đến ở VÙNG ĐẤT AN SƠN THƯỢNG (AN KHÊ NGÀY NAY) đến nay đã 165 năm (1848-2013). Thầy đã dày công hy sinh tìm đường đưa lối cho các VỊ THỪA SAI LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI ANH EM DÂN TỘC ÍT NGƯỜI NẰM SÂU PHÍA TÂY TRONG DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN. Thật ra, đề tài “AN KHÊ, NƠI GHI DẤU NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN CỦA CÁC VỊ THỪA SAI“ này chỉ là phát họa và còn giới hạn trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong đóng góp phần nào để ANH EM TÍN HỮU HÂN HOAN ĐÓN MỪNG 100 NĂM, KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP TỈNH KONTUM (1913-2013). HƠN AI HẾT, ĐỐI VỚI CHÚNG TA LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO XÁC TÍN SÂU SẮC CÓ NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC VỊ THỪA SAI BẢN XỨ CŨNG NHƯ NGOẠI QUỐC ĐÃ ĐỔ NHIỀU CÔNG SỨC HY SINH CHO THÀNH QUẢ NÀY" .
Xin chân thành cám ơn Lm Goakim Nguyễn Hoàng Sơn và Ban Truyền thông Gp Kontum.
_________o0o_________

AN KHÊ – NƠI GHI DẤU NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN

CỦA CÁC VỊ THỪA SAI



An Khe 01

Nhà thờ Giáo xứ An Khê, thị xã An Khê – tỉnh Gialai 

 - Giáo phận Kontum -

 thánh hiến ngày 01.05.2012


HAT AN KHE 02

An Khê là vùng địa đầu trong công cuộc truyền giáo cho người dân tộc thiểu số. Đây là vùng đất mà thầy sáu Do đã đặt chân lên đầu tiên và từ đó hướng dẫn các vị thừa sai lên Kon Tum vào năm 1848. An Khê lúc bấy giờ được gọi là Tây Sơn Thượng. Ngày nay, vùng này bắt đầu từ đèo Mang Yang (phía Tây) đến hết đèo An-Khê phía đông gồm ba huyện: huyện Dak Pơ ( mới thành lập vào năm 2004), huyện K’ Bang (phía Bắc, vùng đất các thừa sai tiên khởi lên vùng Kontum) và huyện Kon Chro (phía nam, có đường đến Cheoreo, nay là thị xã Ayunpa) và thị xã An Khê (xưa được gọi là An Sơn).
Vùng An Khê đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử: khi thì bị bách hại dữ dội  như những vụ chém giết đốt phá tại Chợ Đồn, khi thì gặp lúc bình yên và thuận lợi – đó là lúc phong trào di dân lên Tây Nguyên lập nghiệp tạo nên một sức sống mới cho vùng này. Tất cả đều do sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa và Ngài đã nâng đỡ giữ gìn để đến nay vùng đất này đã trở thành một giáo hạt thuộc giáo phận Kon Tum[1].
Vì vậy, trong hành trình tìm về cội nguồn của giáo phận Kon Tum, chúng tôi sẽ trình bày vùng này dưới bốn khía cạnh: trước hết chúng tôi sẽ đề cập đến lịch sử của vùng đất này, phần tiếp theo được dành để nói về địa lý của vùng, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ nêu lên hành trình mang Tin Mừng đến vùng Tây Nguyên thông qua vùng đất này và phần cuối được dành để nói về quá khứ-hiện tại  và tương lai của các xứ đạo trong vùng.

1.Lịch sử một vùng đất
An Khê xưa kia thuộc về Bình Định, xứ này nguyên xưa là đất Việt Thường Thị[2]. Tục truyền rằng: Năm 2353 trước công nguyên, xứ Việt Thường Thị đem dâng rùa thần sang Trung Quốc, sau hai lần thông dịch mới hiểu nhau. Rùa thần sống nghìn năm, vuông hơn ba thước, lưng có chữ khoa đẩu (giống hình con nòng nọc) ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là lịch rùa.[3]
Đến đời nhà Tần, xứ này là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận; đời nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam; đời Hậu Hán (năm 137) người trong quận làm chức quan nhỏ tên là Khu Liên nổi lên giết quan huyện, tự xưng là vua Lâm Ấp. Năm 605, lấy lại Lâm Ấp đặt làm Xung Châu rồi quận Lâm Ấp. Đời Đường, năm 627, đổi tên là Lâm Châu coi ba huyện Lâm Ấp, Kim Long, Hải Giới. Năm 803, nhà Đường bỏ đất này, dân chúng dựng nước Chiêm Thành, chiếm đất này làm thành Đồ Bàn (sau là thành phố Qui Nhơn) và Thị Nại (sau là thành phố Qui Nhơn)[4].
Vào năm 1470, Vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu là Hồng Đức đã tiến đánh Chiêm Thành. Năm sau, vua đã giành được chiến thắng bắt sống được Trà Toàn và đem quân về; đồng thời bờ cõi đất nước cũng được mở đến Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên).[5] Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung (Phan Rang ngày nay), giữ lấy đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần tiến cống. Vua phong cho làm vương. Vua lại phong vương cho Hoa Anh và Nam Bàn, làm ba nước để ràng buộc[6]. Nước Nam Bàn là miền Buôn Ma Thuột và Gia Lai-Kontum ngày nay. Điều này đã được Lê Qúy Đôn xác nhận: “Vua Lê Thánh Tôn phong cho vua nước Nam Bàn ở về phía tây phủ Phú Yên… Lại từ đây, người ta đưa tiền hay của cải thuê người man, nhờ dẫn đường theo sơn lộ đi mười bốn ngày nữa đến nơi có hai vị Thủy Xá và Hỏa Xá của nước Nam Bàn[7]. Mặt khác, Lê Qúy Đôn đã mô tả đường phía tây đi tới nước Nam Bàn khá minh bạch: “Cựu cai đội Văn Thế Nghị có nói ông đã từng quản lãnh ba đội Nội phủ sơn trường, Thám sơn thủ hương, Tân Am sơn. Ba đội này từng đi vào các sơn đầu để tìm kiếm kỳ nam hương. Từ suối Yên Lạc lên đến các thôn Hà Nghiêu, Bất Cày, qua núi La Hai giáp giới với địa phận phủ Phú Yên, rồi đến con đường đi qua các xứ Lôi Sông, Nước Nóng, Thượng Như đến suối Hà Trôi là có dân các sách thuộc người Đê và người Man phai đi đến ba ngày. Lại từ đây, người ta đưa tiền hay của cải thuê người Man, nhờ dẫn đường theo sơn lộ đi 14 ngày nữa thì đến nơi có hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương[8] nước Nam Bàn. Nước này có hơn 50 thôn lệ thuộc[9]. Như vậy, vào triều Lê, vua Lê Thánh Tôn đã thiết lập một vương quốc trên vùng Tây Nguyên này.
Từ cuối thế kỉ XVII, người Việt đã có mặt khai phá vùng đất này. Sách Hoàng Lê nhất thống chí ghi: “Ấp Tây Sơn thuộc địa phần xứ Quảng Nam… Khoảng năm Thịnh Đức (1653-1657) quân nhà Nguyễn ra đánh Nghệ An, chiến được 7 huyện phía nam sông Cả rồi dồn bắt tất cả những cư dân đưa về Nam cho sống ở vùng Tây Sơn[10]. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 30 cho biết “Ấp Tây Sơn có hai ấp Nhất và Nhì nay là 2 thôn An Khê, Cửu An, đất Quy Ninh (nay là Hoài Nhơn)[11]
Ấp Tây Sơn Nhất tức thôn An Khê đã được Nguyễn Quang Ngọc xác định là thôn An Lũy xã Cư An thị xã An Khê ngày nay[12]. Còn ấp Tây Sơn Nhì tức Cửu An cách An Lũy 12km về phía Bắc.
Tiếp theo lớp người Việt đầu tiên này, những người Việt từ đồng bằng ven biển miền Trung lên khai phá đất đai và lập nghiệp ngay càng đông. Những thôn xóm của người việt mọc lên bên cạnh những ngôi làng của người Bahnar. Tuy nhiên, việc khai hoang lập ấp chỉ được đẩy mạnh từ thời Tây Sơn Tây Sơn lên khởi nghĩa trở về sau, trong khi đó dân cư chủ yếu là người Bahnar[13].
Trong quá trình xây dựng căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã xây dựng ở An Khê một địa bàn vững chắc dựa trên cơ sở khai phá đất hoang để lập nên những cánh đồng lúa nước mà dấu tích còn lại đến ngày nay như “Cánh đồng Cô Hầu”, nay thuộc địa phận xã Nghĩa An huyện K’bang, “Vườn Mít” ở xã Nghĩa An. Như vậy, đến cuối thế kỷ XVIII, dấu ấn của người Việt đã lan rộng trên khắp vùng An Khê.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1802), nhà Nguyễn đã cho thiết lập ở vùng Thượng đạo những nguồn sở để thu thuế như Cầu Bông, Phương Kiệu. Đại Nam nhất thống chí có chép: “ở chỗ thôn An Khê, huyện Bình Khê là chỗ nha kinh lý cũ, xứ Chợ Đồn, nguyên trước là ấp An Sơn, tên là sở nguồn Cầu Bông, nơi đây có nhiều lam chướng nên năm Minh Mạng thư 10 (1829) dời qua chỗ này (thôn An Khê) và đổi tên thành Phương Kiệu…[14]
Đến năm 1877, bố chánh tỉnh Bình Định là Phan Văn Điển dâng sớ xin khẩn điền, vua cho nên đặt nha kinh lý tại thôn An Khê, đặt quan lại cư trú, sớm mộ dân canh khẩn hai bên bờ sông Ba[15]. Cùng với Phan Văn Điển có ông Trần Văn Thiều cũng góp công sức rất lớn vào việc khai khẩn vùng đất này và đã lập được 28 thôn[16]. Vậy việc khai khẩn vùng đất An Khê là do ông Phan Văn Điển và Trần Văn Thiều tiến hành. Năm 1888, cải đặt làm huyện Bình Khê, thuộc phủ An Nhơn[17].
Năm 1910, tỉnh Bình Định khi ấy có khoảng 557.876 người chia ra: 550.000 người Kinh, 7000 người Thượng, 750 người Hoa, 120 người Pháp, sáu người Ấn gồm ba phủ: phủ An Nhơn, phủ Hoài Nhơn, phủ Tuy Phước; bốn huyện: huyện Tuy Phước, huyện Phù Mỹ, huyện Hoài Ân, huyện Bình Khê, và huyện Phù Cát. Trong đó, tổng An Khê thuộc về huyện Bình Khê. Tổng này gồm có 11 xã thôn với 4792 người.[18]

image002
Đến thời Pháp thuộc, An Khê thuộc tỉnh Gia Lai gọi là huyện Haut Dakpa, sau đổi là huyện An Khê.
Ngày 13 tháng 3 năm 1959 An Khê thành huyện An Túc, tỉnh Bình Định.
Từ năm 1975-1991 lấy lại tên cũ là huyện An Khê, trực thuộc tỉnh Gia Lai-Kontum
Tháng 10 năm 1991, tách tỉnh Kon Tum ra khỏi tỉnh Gia Lai và huyện An Khê thuộc về tỉnh Gia Lai.
Ngày 09 tháng 12 năm 2003, huyện An Khê đổi thành huyện Dakpơ và trị trấn An Khê được nâng lên thành thị xã.
Như vậy, lịch sử hình thành và phát triển của vùng An Khê đã trải qua một quá trình rất lâu dài và phức tạp bắt nguồn từ thời thượng cổ và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Lịch sử và địa lý luôn gắn liền với nhau. Vì vậy, để có một cái nhìn tổng quát hơn về vùng đất này, vấn đề địa lý của vùng đất vào thế kỉ XVIII và XIX là một phần cần làm sáng tỏ để có thể hiểu được hành trình truyền giáo của các vị thừa sai.

2. Địa lý
An Khê vào thế kỉ XVIII được gọi là Tây Sơn Thượng[19] còn vùng Tây Sơn trung từ chân đèo An Khê đến vùng Hữu Giang, Tả Giang (Tây Sơn) và vùng Tây Sơn hạ thuộc các xã phía đông huyện Tây Sơn đến giáp giới huyện An Nhơn.
Vào thế kỉ XIX, khi các vị thừa sai đặt chân đến vùng đất này thì dân cư rất thưa thớt và chỉ có núi rừng trùng trùng điệp điệp với nhiều nhánh của dãy Trường Sơn. Dòng sông Côn chảy len lỏi giữa những dãy núi và đổ ra biển qua cửa Thị Nại. Có thể nói đây là vùng núi sông hùng vĩ vì có nhiều ngọn núi cao và đồ sộ. Trước khi có đèo An Khê, người Kinh và người Ba Na giao thương, trao đổi phẩm vật thường dùng đèo Vạn Tuế qua ngã Vĩnh Thạnh và Cửu An, cách đó chừng 10 km về phía bắc.
Đèo An Khê[20] xưa gọi là đèo Vĩnh Viễn, cao 740 m và dài trên 10 cây số chạy từ tây xuống đông. Trước kia, khi quốc lộ 19 chưa mở, đèo chỉ là con đường nhỏ, có nhiều dốc ngược quanh co, lởm chởm đá, có khúc phải dạng hai chân mà leo mới khỏi té, nên gọi là dốc Chàng Hảng.

image004

Từ chân đèo An Khê trở xuống Tây Sơn trung cũng có nhiều ngọn núi trông hùng vĩ. Trong đó, có núi Ông Bình tuy không cao lắm nhưng cây cối rậm rạp và đầy vẻ bí hiểm. Mới nhìn tưởng không có đường vào, nhưng thực ra có nhiều nẻo vào ra thông thương với các ngọn núi xung quanh: “Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê[21].Đối diện hòn Ông Bình có hòn Ông Nhạc khí thế cũng rất hùng hiểm. Từ hai ngọn núi này núi chạy từng từng, lớp lớp vào hướng nam và đông nam với các núi Màn Lăng, Bà Phù, còn gọi là hòn Nhật, hòn Nguyệt. Từ Tây Sơn Trung xuôi xuống Tây Sơn Hạ gặp dãy Hoành Sơn chắn ngang.
Tây Sơn Hạ núi không còn liền dãy nữa, chỉ có hòn Trưng Sơn (Phú Lạc) cao nhất vùng trông rất khôi hùng. Nhìn gần giống con bò đực sung sức, nên người dân trong vùng quen gọi Hòn Sung, ở xa trông giống như ngọn bút, cùng với Hòn Nghiên bên kia sông Côn tạo thành niềm cảm hứng cho thơ ca[22].
An Khê lúc bấy giờ là vùng núi non hiểm trở. Vì vậy, hành trình đưa Tin Mừng lên Tây Nguyên của các nhà thừa sai đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và ơn Chúa.
3. Hành trình đưa Tin Mừng lên miền đất Tây Nguyên
Ngay khi đặt chân đến Nam Kỳ vào năm 1829, linh mục Étienne Cuénot đã nhận ra lợi ích của công việc truyền giáo, ngài đã tiến hành thám hiểm các đồng bằng sông Cửu Long và các con sông nhánh của nó là sông Bla, sông Pôkô và các đồng bằng thuộc nước Lào. Dân cư tập trung rất đông đúc ở bên bờ những con sông này và theo lời của lái buôn, cũng có những người theo đạo sống dọc các bờ sông đó[23].
image002
image003
Vào giữa những năm 30-34 của thế kỷ XIX, trong khi đảm nhận trách nhiệm mục tử, Giám Mục phó đại diện Tông Tòa địa phận Đàng Trong (1835), Đức Cha Cuenot (nay được phong lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo) đã quan tâm đặc biệt đến việc truyền giáo cho vùng dân tộc ít người phía tây[24]. Thêm vào đó, trong tình thế tôn giáo bị cấm cách bắt bớ dưới ba triều vua họ Nguyễn (vua Minh Mạng, Thiệu Trị vả Tự Đức), Đức Cha quyết  định cho người tìm đường lên Tây Nguyên để truyền giáo, đồng thời làm nơi ẩn trú cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân và đào tạo linh mục tương lai chuẩn bị cho việc mục vụ sau này. Ngài cho người tìm đường lên vùng cao theo ngã Quảng Nam, Quãng Ngãi (1839), theo hướng tây Phú Yên (năm 1842) đến vùng người Jrai (vùng  Krong Pa và Ayunpa ngày nay), nhưng đều thất bại. Sau khi Vua Tự Đức lên  làm vua được sáu tháng, nhà vua đã ra sắc chỉ cấm đạo, vùng truyền giáo địa phận Đông Đàng Trong (được chia 1844) sống trong tình trạng cực kỳ khó khăn và nguy hiểm bị tiêu diệt, nên Đức Cha một lần nữa quyết định sai Thầy Sáu Do tìm cách lên vùng Tây nguyên theo ngã An Sơn (An Khê ngày nay).
 3.1. Hoàn cảnh An Sơn
An Sơn là nơi buôn bán giữa người kinh và người dân tộc. Lái buôn người kinh cũng từ đó rảo khắp các buôn làng của dân tộc để buôn bán hàng hóa.
Vả lại, An Sơn là một điểm trong con đường thượng đạo của các ngưòi dân tộc di chuyển từ Nghệ An đến vùng Bình Định; An Sơn cũng là con đường thượng đạo dẫn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku), từ đó hoặc lên Kontum, Đaktô; từ đó đi sâu vào Hạ Lào, hoặc tiến vào phía nam đến các cư dân Jrai, Rađê, M’nong… rồi đến  vùng Gia Định. Cũng có những con đường thượng đạo Tây Trường Sơn, từ Thượng Lào đến Hạ Lào tiến đến Bắc Campuchia, rồi tiến thẳng đến thành Gia Định, hoặc qua Thái Lan. Có thể nói đường thượng đạo Tây Trường Sơn là con đường nhân chủng đã hình thành rất xa xưa của cư dân cổ, thời đá cũ, ít nhất thời đá mới, vì nay người ta đã gặp rất nhiều rìu đá có rải rác khắp vùng Tây Nguyên và Hạ Lào.
Nhưng từ khi An Sơn là cứ điểm của 3 anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, Triều đình Huế nghi kỵ và nghiêm cấm những người sống trên vùng này và người Thượng vượt quá An Sơn. Trong thời kỳ cấm đạo, việc canh phòng cẩn mật, chặn bắt các linh mục thừa sai và bản xứ càng triệt để hơn.
Vua Minh Mạng ra tất cả 6 sắc chỉ cấm đạo. Một sắc chỉ cuối cùng của ông vào tháng 6/1839 truy lùng các giáo sĩ và điều tra tình hình giáo dân. Vua Thiệu Trị tháng 5/1847 ra chiếu chỉ cấm đạo nhân vụ tàu Pháp bắn phá cửa Đà Nẵng. Vua Tự Đức vừa lên ngôi, tháng 8/1848, ông liền ra chiếu chỉ lùng bắt hết các giáo sĩ cách dữ dội. Trong lúc đó, tại Bình Định, ông Quan Tổng đốc chống đạo đặt quân lính canh gác vùng An Sơn (An Khê) cẩn mật để bắt các linh mục đang tìm cách trốn lên vùng Bahnar. Đức Giám mục Cuénot Thể phải trốn tránh, nay ẩn chỗ này, mai phải đi nơi khác và đau lòng khi thấy các tín hữu, linh mục bị tù đày. Là chủ chăn, Đức cha quyết định cho người tìm đường lên vùng dân tộc xây dựng nơi an toàn cho đoàn chiên của mình.
            3.2. Thầy Sáu Do trở thành đầy tớ để mở đường lên Tây Nguyên qua ngả An Sơn
   Trong thời bắt đạo, một thừa sai Tây Phương không thể đi đến An Sơn mà không gặp hiểm nguy. Đức cha cần một người kinh để đi khám phá và mở đường. May mắn thay, lúc đó địa phận Đông Đàng Trong xuất hiện chủng sinh Nguyễn Do vừa từ Chủng viện Pinăng trở về, sau khi ở đó chín năm: bảy năm học và hai năm phụ giáo. Ban giáo sư chủng viện đã hết lời khen ngợi Thầy qua các báo cáo gởi về cho Giám Mục của Thầy. Đức tính nổi bật của thầy là lòng can trường, hăng say, đời sống phó thác. Vì thế, Đức cha đánh giá cao Thầy và quết định trao cho thầy trách nhiệm đi mở đường để đưa Tin Mừng lên Tây Nguyên.. Đức cha đặt thẳng vấn đề với Thầy:
Thầy phải mở qua ngả An Sơn một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc thượng. Thầy sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?
“Con sẽ làm lái buôn – thầy đáp lời – và trong khi giả làm người buôn bán, con sẽ tiến sâu vào bên kia ranh giới mà các lái buôn chưa từng vượt qua. Một khi khảo sát địa hình xong, con sẽ trở về và đưa một vị thừa sai đến vùng đó”.
“Quá tốt – Đức cha nói. Ta mong đợi nhiều nơi thầy. Nhưng để thực hiện một việc quan trong như vậy, thầy cần đủ can đảm, ta ban cho thầy qua việc phong chức Phó tế. Thầy hãy dọn mình trong  việc tĩnh tâm và cầu nguyện để đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa sắp ban cho thầy[25].
Thầy sốt sắng tĩnh tâm, cầu nguyện và lãnh nhận chức thánh phó tế để ra đi chu toàn trách nhiệm đầy gian nguy đang chờ đón thầy.
 Thầy dự định làm lái buôn, nhưng nghĩ lại vì không có môn bài do quan cấp, nên thầy thay đổi kế hoạch, thay vì làm chủ thì làm đầy tớ. Tám ngày sau khi lãnh nhận chức phó tế, thầy Sáu Do vượt qua những dãy núi nằm giữa Bình Định và An Sơn[26] với bộ quần áo rách rưới tả tơi. Thầy đến xin giúp việc cho một ông lái buôn tên Quyền tại An Sơn[27]. Thầy được chủ giao việc nuôi heo, gà trong gia đình chủ. Thời gian sau, ông chủ thấy người đầy tớ mới tới cần cù, thông minh và siêng năng nên đã nâng cấp “người chăn gia súc” lên làm đầu bếp mang nồi niêu, chén bát lếch thếch tháp tùng theo ông chủ lái buôn từ làng này đến làng nọ. Thầy có dịp tiếp xúc và theo dự định riêng của mình.
image005
image006
Thầy quan sát địa hình, cố gắng học tiếng dân tộc. Sau sáu tháng nay đây mai đó nơi các buôn làng dân tộc trong sứ mệnh được giao phó, thầy học tạm đủ thổ ngữ và biết được đường đi lối về để thực hiện sứ mệnh tạo lập cơ sở tại vùng Tây Nguyên. Thầy về báo cáo cho Đức cha là thầy muốn thử làm người lái buôn vượt qua những bộ lạc Thượng mà các con buôn người Kinh khác chưa bao giờ đi đến… Đức cha bằng lòng dự kiến đó và cho bốn chủng sinh cùng đi theo thầy.
Đức cha còn tiên liệu cơ sở giao liên giữa vùng cao với vùng Trung Châu cho các chuyến đi khai mở  lên vùng Tây Nguyên sau này. Hiểu rằng cần phải có một cơ sở có giáo dân cư ngụ làm điểm giao liên, Đức cha nhờ ông Cả An[28] thuộc họ Mương Lỡ  (họ Gò Mục, thuộc địa sở Nhà Đá sau này) đem một số ít tín hữu đạo đức đến xây dựng và sống với người lương tại Trạm Gò (gần Cửu An, An Khê ngày nay) để làm nơi trú chân cho các vị truyền giáo khi lên xuống vùng dân tộc Bahnar.
Trạm Gò nằm một nơi hẻo lánh về phía tây bắc An Sơn (cách thị trấn An Khê ngày nay khoảng trên 10 cây số) là làng người Kinh cuối cùng theo hướng này. Đây cũng là cơ sở dự trữ lương thực, và là nơi tập luyện quân lính của anh em Nguyễn Nhạc trước kia.
Để đến Trạm Gò, cần đi theo một con đường khó khăn nhưng người Kinh cũng có thể dùng đến, miễn là từ Bến[29] (hữu ngạn sông Côn  đối diện Vĩnh Thạnh) vượt qua Dóc Ván thẳng đứng giữa hai đỉnh núi: núi ông Bình và núi ông Nhạc. Bến (sau này có họ đạo Định Quang) được Đức cha cho một số tín hữu đạo đức đến lập nghiệp và là nơi dừng chân tiếp đoàn truyền giáo lên xuống vùng Tây Nguyên qua ngả Trạm Gò, không qua An Sơn.
Trong khi xây dựng các sở này, thầy Sáu Do vận động mua một môn bài buôn bán tại các buôn làng dân tộc lân cận ranh giới Trung Châu trên đường dẫn đến xứ người Bahnar.
            3.3. Thầy sáu Do trở thành lái buôn tìm kiến con đường khác
Đoàn thương buôn giả danh này những ngày đầu di chuyển an toàn từ Gò Thị qua An Sơn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku) theo trục quốc lộ 19 ngày nay. Một số người dân tộc vùng Hơdrung tưởng đã gặp được đoàn con buôn giàu có, nên định bắt người cướp của. Giữa đêm khuya, thầy cùng các bạn đồng hành bỏ tất cả hàng hoá lại để tẩu tán thoát thân về Gò Thị, phải chịu đói nhịn khát vì không có gì đổi lấy miếng cơm cho đỡ đói.
Dầu thất bại lần này, thầy Sáu Nguyễn Do cũng thu lượm được nhiều kết quả quan trọng đã làm chuyển hướng việc truyền giáo sau này: biết thêm tiếng thổ dân và khám phá ra một con đường khác, tuy khó khăn hơn, nhưng an toàn hơn, theo hướng bắc, sau đó đi về hướng tây nam. Đức Cha chọn con đường này.

image007
image009
Trong thời gian Thầy Sáu Do làm người giúp việc cho ông Quyền, cũng như sau đó đóng vai người buôn. Đức Cha cũng cho thành lập một số điểm giao liên tiện đường lên xuống như tại Bến, Trạm Gò và An Sơn[30] để làm chỗ dừng chân, ẩn núp của các vị truyền giáo.
3.4. Thầy sáu Do hướng dẫn thành công đoàn truyền giáo lên miền Tây Nguyên
3.4.1. Thất bại trong lần đầu tiên
Chuyến đi lần này có cha Combes (Cha Bê đã đến Việt nam vào năm 1849) cùng ba hay bốn thầy khác nữa được thầy Sáu Do dẫn đường. Đoàn thám hiểm có đổi hướng di chuyển so với chuyến đi lần trước, đi từ Gò Thị đến Trạm Gò mất 3 ngày: 2 ngày đi đường sông bằng ghe, ngược dòng sông Côn đến địa điểm Bến và từ đó mất một ngày đường leo núi qua Dốc Ván mới tới Trạm Gò. Chuyến đi này chẳng may đoàn truyền giáo bị đàn voi rượt tại đèo Mang Giang, mọi người cố thoát thân, một thầy bị trọng thương. Sau cảnh trốn thoát đàn voi, đoàn truyền giáo lại đương đầu với cơn mưa như trút, khe suối đầy nước chảy cuồn cuộn, không sao tiến lên phía trước được. Cuối cùng, đoàn người bụng đói, lạnh buốt đến xương tuỷ, quần áo tả tơi cũng đã lần mò về được Gò Thị để trình kết quả tội nghiệp cho Đức cha. Khi nghĩ lại, Cha Combes cũng ớn lạnh, nhưng tính vui vẻ, cha thường bảo: “Đó là cuộc viễn du của bọn thỏ đế[31].
Đức cha lạnh nhạt tiếp đón và nói với họ:
“Vì thời tiết xấu còn kéo dài, tôi cho các vị mười lăm ngày để nghỉ ngơi; sau thời gian này, các vị sẽ lại lên đường. Và lần này, đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa![32].
Đức cha lại cho Cha Fontaine (tên Kinh là Hoàng, tên dân tộc là Bok Phẩm) sửa soạn hành trang tháp tùng Cha Combes lên đường.
            3.4.2. Đặt chân đến Trạm Gò để tiến vào vùng đất Tây Nguyên.
image010
 NHỮNG NƠI CÁC VỊ THỪA SAI ĐÃ ĐI QUA ĐỂ ĐẾN KONTUM
Chuyến viễn du lần này, đoàn truyền giáo gồm 2 linh mục thừa sai: Cha Phêrô Combes và Cha Fontaine cùng với 7 thầy: thầy Bảo (thầy tư), thầy Tài, thầy Chính, thầy Biểu, thầy Bường, thầy Tiến và thầy Phiên dưới sự hướng đạo sáng tạo đầy táo bạo của Thầy Sáu Do[33]. Thầy vạch ra một kế hoạch thay vì di chuyển ban đêm sẽ đi ban ngày. Nhưng để che bớt làn da trắng có thể làm nguy hại bại lộ, mặt mày chân tay 2 vị thừa sai được bôi một lớp màu sậm, giống như màu da người Kinh. Nhờ vậy, đoàn vượt qua an toà ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN. Từ đây, đoàn từ Gò Thị đến Trạm Gò bằng con đường đã đi lần trước. Như vậy, đoàn truyền giáo đã đặt chân được đến vùng đất Tây Nguyên. Từ đây, đoàn sẽ tiếp tục đi sâu vào vùng này để mang Tin Mừng đến cho anh em người dân tộc.

image012
image014

 4. Lược sử các xứ đạo tại vùng An Khê và tương lai ngày mai
4.1. Giáo xứ An Khê
4.1.1. Giai đoạn khai sáng
Năm 1956, cha Lãng (Landrade) nguyên cha xứ Chợ-Đồn được Tòa Giám Mục cử về làm cha sở Chợ Đồn thay cha Anrê Phan Thanh Văn. Thời đó, Cha Lãng coi sóc cả khu vực An Khê, An Phong, An Qúy, An Lũy và Đồng Găng. Nhận thấy tại An Khê từ phía Đồng Găng xuống đến đèo An-Khê đã có khá nhiều giáo dân, nên ngài tình nguyên tới đó xây dựng cộng đoàn.
Năm 1959, họ đạo An Khê được thành lập với gần 100 gia đình công giáo do cha Lãng chánh xứ Chợ Đồn kiêm nhiệm. Vì chưa có nhà thờ nên cha Lãng đã mượn ngôi nhà của ông Antôn Bùi Thế Viện làm nhà nguyện (hiện này là nhà sô 128/1 đường Đỗ Trạc, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nhưng chưa được bao lâu, ngài bị bệnh và trở về Pháp nghỉ.
4.1.2. Giai đoạn phát triển
 Năm 1960, cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc từ Song Mao được đổi về thay thế cha Lãng. Cha Ngọc đã qui tụ một số giáo dân ở rải rác tụ hợp lại với nhau và thành lập một họ đạo nhỏ tại Song An (nay là xã Song An, thị xã An Khê). Họ này trước gọi là Gò Định, sau đổi thành Ngọc An, có khoảng 40-50 gia đình. Cha Ngọc lập một nhà nguyện cách quốc lộ 19 khoảng 3km, nhưng do an ninh không thuận lợi, cha đưa số giáo dân tại họ đạo Song An về gần An Khê. Ngài hăng hái thăm hỏi các bổn đạo và mở rộng việc loan báo Tin Mừng. Ngài vẫn tiếp tục mượn nhà ông Antôn Bùi Thế Viện làm nhà nguyện, cử hành thánh lễ và ban các bí tích.
Cũng trong khoảng từ năm 1960-1961, Cha Ngọc thành lập họ Cửu An (nay thuộc xã Tú An, thị xã An Khê). Họ Cửu An ,trước kia là Trạm Gò, còn một vài địa danh như giếng Xóm Đạo, cách nền nhà thờ Cửu An do Cha Ngọc xây năm 1960-1961, khoảng  vài cây số về hướng đông bắc. Ông Thái Trường Sanh và ông Nguyễn Mầu trong Ban chức Việc năm 1960. Họ nầy vào thời gian trên có khoãng 30  hộ công  giáo, và đã di tản vào năm 1963. Nay còn nền nhà thờ của Cha Ngọc xây dựng và vài gia đình công giáo. Ngoài ra Cha Ngọc còn quy tụ các gia đình công giáo và lập họ Thủ Thủy và sau cuộc di tản 1963 chỉ còn vài gia đình (họ Thủ Thủy nay thuộc xã Cửu Tú, phía bắc thị xã An-Khê).
An Khê lúc bấy giờ là trung tâm điểm nên cha Ngọc đã trình lên Đức Giám Mục để xin thành lập giáo xứ. Đức Giám Mục chấp thuận và An Khê chính thức là giáo xứ năm 1962.
Đến năm 1963, nhà thờ và xứ được hoàn tất sau hai năm xây dựng. Cha Ngọc và ban chức việc đã lấy tước hiệu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng (hiện tượng Đức Mẹ vẫn còn lưu giữ tại nhà xứ), nhưng vì ở khu vực An Khê đã có nhà thờ An Sơn lấy tước hiệu này, nên để việc chầu lượt ở các giáo xứ của giáo phận được đều khắp nên Cha Ngọc và ban chức việc đã chọn tước hiệu Chúa Kitô vua làm bổn mạng. Trải qua biết bao bom đạn của chiến tranh, ngôi nhà thờ vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngài thành lập hội đồng giáo xứ vào năm 1965, tổ chức các hội đoàn đi vào quy củ với những sinh hoạt nề nếp và quy củ. Ngoài ra các họ đạo An Lũy, Song An, Cửu An đều có các chức việc trông coi, kinh nguyện.
Với tình hình chiến cuộc sôi động, cuối năm 1965 và đầu năm 1966 số giáo dân từ miền xuôi lên lập nghiệp ở An Khê khá đông, họ từ Mỹ Thạch, Vĩnh Thạnh, Đồng Phó, Kim Châu, Trường Cửu, Sông Cạn, Kiên Ngãi, Phú Phong, Gò Bồi (tỉnh Bình Định) lên làm ăn sinh sống và định cư nhiều nhất tại An Lũy. Giáo dân đã lập riêng một nhà thờ tại đây dưới sự giúp đỡ của cha Ngọc. Nay là nhà thờ họ đạo An lũy, phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Đến năm 1968, ngài xây ngôi trường tư thục Mai Liên (nay là trường Trung học phổ thông bán công An Khê) và một nhà ba tầng trù tính sẽ làm nhà thương. Năm 1970, Ngài đã mời được các nữ tu Phaolô thuộc tỉnh Dòng Đà Nẵng lên giúp họ đạo và ngôi nhà đó đã trở thành  tu viện luôn. Ngày 16 tháng 07 năm 1970, cha đã trao chìa khóa ngôi nhà này cho các soeurs dòng Phaolô, đánh dấu sự hiện diện của hội dòng tại vùng đất An Khê.
Năm 1971, cha lại cho xây thêm một dãy nhà dài trong khuôn viên nhà xứ. Đây là nhà nuôi trẻ mồ côi đầu tiên của An Khê quy tụ được trên 50 em cả trai lẫn gái sống tập thể chan hòa yêu thương. Ngài cũng xây một viện Dục Anh để chăm sóc trẻ em nghèo và tạo điều kiện cho các em ăn học. Viện Dục Anh ngày ấy đã trở thành một tập thể yêu thương dưới tên gọi “gia đình Nazareth”. Ngày nay, mỗi người một gia cảnh nhưng mối giây thân tình vẫn còn được gìn giữ và cứ đến ngày giỗ cha Ngọc 22 tháng 12 là họ lại quy tụ về để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Trước biến cố mùa xuân năm 1975, giáo xứ An Khê có 1136 người với 227 gia đình công giáo.

image002

VIỆN DỤC ANH  HIỆN NAY LÀ NHÀ DÂN.
Sau năm 1975, Viện Dục Anh bị giải thể vì không có kinh phí để hoạt động.
Ngôi nhà đã được bán đi và được một số tiền trong đó một phần chia cho các em
để các em tự mưu sinh, một phần dùng vào việc nới rộng nhà thờ
4.1.3. Thời đại mới con người mới
Sau  ngày thống nhất đất nước, cuộc sống bao cấp với những khó khăn phức tạp, giáo xứ bước vào một giai đoạn mới với việc sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
Ngày 22 tháng 12 năm 1977, trong dịp áp Lễ Giáng Sinh, cha Nguyển Đức Ngọc qua đời vì tai biến mạch máu trong khi ngồi giải tội. Giáo xứ vắng bóng linh mục, bơ vơ lạc lõng. Sau đó Đức Giám Mục đã cử cha sở An Sơn Giuse Nguyễn Hữu Quyền kiêm nhiệm trông coi giáo xứ An Khê.
Ngày 12 tháng 08 năm 1982, Đức Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc đã cử cha Giuse Đoàn Đức Thiệp về quản xứ. Trong thời gian này, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ngài đã tu sửa và mở rộng nhà thờ để đáp ứng cho số tín hữu ngày càng đông của giáo xứ. Ngày 06 tháng 01 năm 1985, ngài đã qua đời. Thêm một lần nữa giáo xứ vắng bóng cha sở.
Trong thời gian thiếu vắng này, Đức Giám Mục đã cửa cha Antôn Vương Đình Tài từ trung tâm truyền giáo Pleichuet xuống giúp đỡ và cử hành thánh lễ mỗi ngày chúa nhật cho An Khê và Chợ Đồn.
Đến ngày 10 tháng 10 năm 1988, cha Antôn Trần Ứng Tường đã được Đức Giám Mục bổ nhiệm về làm chánh xứ An Khê, Chợ Đồn. Ngài củng cố và trẻ hóa ban chức việc và bầu lại ban chức việc mới. Trong thời gian này, ban chức việc, trưởng các hội đoàn và các soeurs Mai Liên đã tổ chức các hoạt động trong xứ, đặc biệt là các hoạt động liên xứ An Khê, Chợ Đồn, An Sơn, Đồng Sơn và tham dự các hoạt động trong hạt Pleiku cũng như giáo phận như giáo lý, ca đoàn, lớp ơn gọi, tham dự tập huấn về thánh nhạc và ca trưởng để tạo sự giao lưu học hỏi và thắt chặt mối dây thân ái. Lúc này, giáo xứ An Khê có 250 hộ với hơn 2000 giáo dân sinh sống trên tại thị trấn An Khê,  các xã: Phú An, An Phong, An Lũy, Tân Lập, Song An, Cửu An, Cửu Định, An Thượng thuộc huyện An Khê, các xã: Bầu Dồn, Kanat, Kongbla thuộc huyện K’Bang và một số gia đình thuộc huyện Konchro.
Năm 1996, ngài đã tu sửa lại hội quán và các phòng học giáo lý và năm 1997, đã xây dựng ngôi nhà xứ mới và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Giáo xứ đang từng bước đi lên thì cha Tường bị bệnh nặng và rời giáo xứ.
Không để giáo dân phải trông ngóng chờ đợi và khao khát các bí tích, Đức Giám Mục đã cử cha sở An Sơn là Phêrô Phaolô Hoàng Văn Qui coi sóc giáo xư, lúc này một mình ngài đảm nhiệm bốn xứ vùng An Khê ( An Khê, An Sơn, Chợ Đồn, Đồng Sơn) với năm nhà thờ (kể cả An Lũy) trên một địa bàn liên huyện rộng lớn (An Khê, K’Bang, Konchro). Số giáo dân lúc này là 2327 (kể cả 180 tín hữu ở huyện K’Bang). Vì những nỗ lực điều hành và duy trì các sinh hoạt của bốn giáo xứ nên Cha đã lâm bệnh nặng và được Chúa gọi về ngày 08 tháng 05 năm 2003.
Với địa bàn rộng lớn, An Khê là cửa ngõ Đông Gia Lai vào Tây Nguyên và là cái nôi truyền giáo ban đầu của giáo phận, không thể thiếu vắng Linh Mục quá lâu nên trong thời gian cha Quy bị bệnh, Đức Giám Mục đã bổ nhiệm cha Tôma Vũ Khắc Minh về quan nhiệm giáo xứ An Khê và Chợ Đồn kể từ ngày 10 tháng 06 năm 2001. Vừa về nhậm chức, cha đã chỉnh đốn các hoạt động của giáo xứ, phân công phân nhiệm người phụ trách các hội đoàn. Tháng 05 năm 2005, ngài đã tổ chức bầu lại ban chức việc mới.
Với nhu cầu mục vụ và những hoạt động loan báo Tin Mừng của các linh mục trong địa phận, một số linh mục đã được Đức Giám Mục hoán đổi để nhận lãnh sứ vụ mới trong đó có xứ An Khê. Ngày 06 tháng 02 năm 2009 tại nhà thờ An Khê, thánh lễ nhậm chức của linh mục tân chánh xứ đã được tiến hành. Cha Giuse Phạm Minh Công từ giáo xứ Phú Thọ về nhận trách nhiệm chánh xứ An Khê thay cha Tôma Vũ Khắc Minh về quản xứ Trà Đa. Một khởi đầu mới bắt đầu từ ngày này.
Ngày 18 tháng 11 năm 2010, giáo xứ đã đặt viển đá đầu tiên để xây dựng ngôi thánh đường mới.
4.1.4. Giáo xứ An Khê hiện nay
Giáo xứ An Khê hiện nay có diện tích là 199,12 km2 trải dài từ cầu Sông Ba tới đỉnh đèo An Khê. Phía bắc giáp huyện K’Bang, phía Nam giáp huyện Kông Chro, phía Tây giáp giáo xứ Chợ Đồn, phía đông  giáp tỉnh Bình Định.
Giáo xứ được chia thành 12 xóm giáo và một họ lẻ là họ An Lũy cách nhà thờ khoảng 3km. Trong các xóm giáo người Kitô hữu và người lương chung sống với nhau. Điều này đòi hỏi người Kitô hữu phải không ngừng sống tốt hơn để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa môi trường sống của mình.
Đời sống đạo của giáo dân chưa được cao, chỉ mới tham dự thánh lễ ngày chúa nhật còn ngày thường thì hầu như rất ít. Tuy nhiên, các gia đình công giáo trong giáo xứ đã tích cực sống mến Chúa yêu người để trở thành chứng tá Tin Mừng.
Việc giáo dục đức tin cho con em trong giáo xứ được chú trọng. Các lớp giáo lý được chia làm 4 khối: khai tâm, thánh thể, thêm sức, vào đời. Lớp giáo lý dự tòng (1 lớp/năm) và giáo lý hôn nhân (2 lớp năm) được tổ chức chung cho toàn giáo hạt.
Sinh hoạt của các hội đoàn trong giáo xứ tương đối ổn định. Các hội đoàn hiện diện trong xứ gồm: Légio, Lòng thương xót, Các bà mẹ, gia đình ơn gọi[34], gia đình Phanxicô Xaviê và hội Caritas.
4.1.5. Hướng về tương lai
Qua bao thăng trầm của lịch sử, giáo xứ An Khê tuy có thay đổi nhiều nhưng đó là một quy luật tất yếu nhưng vẫn nằm trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử. Giáo xứ vẫn một thăng tiến và đi lên, đồng thời hướng đi trong tương lai của giáo xứ là kín múc sức mạnh từ Bí Tích Thánh Thể để ra đi loan báo Tin Mừng cho số anh em chưa được nghe Tin Mừng tình yêu của Chúa tại thị xã An Khê và huyện K’Bang.
  
image004
 NHÀ THỜ AN KHÊ HIỆN NAY
image006
ĐÀI ĐỨC MẸ
image008
NHÀ X MỚI
image010
NHÀ XỨ HIỆN NAY
image012
KHU NHÀ GIÁO LÝ
image014
NHÀ THỜ MỚI ĐANG XÂY DỰNG
image016
ĐỒI HY VỌNG
4.2. Giáo xứ Chợ Đồn
     4.2.1. Khai sinh trong âm thầm
Năm 1879, Đức Cha Gallibert là Giám Mục Giám Quản Tông Tòa địa phận Đông Đàng Trong (nay là địa phận Qui Nhơn), đặt cha Bossard (1879-1880)[35]  và một vị linh mục bản xứ cùng một số thầy giảng tại An Sơn để thiết lập họ đạo công giáo (tiền thân của giáo xứ Chợ Đồn ngày nay)[36]. Những công việc của các ngài làm, cũng như những vất vả các ngài gặp phải trong công việc xây dựng họ Chợ Đồn qua bản báo cáo 1880 trang 62-63 như  sau:
“ Bahnar- nhiệm sở này cách xa đất Annam nhiều ngày đàng, cho đến nay cực kỳ khó khăn để nói lên lời .Vậy, chúng tôi nghĩ: hữu ích thiết  lập nhiều trạm trung gian như những đoạn nối vùng người Bahnar với Trung Tâm truyền giáo. Dự án nầy bắt đầu được thực hiện.
Từ sáu tháng nay, Cha Bossard cùng với một linh mục bản xứ và nhiều thầy giảng đến An Khê trên bờ sông Ba, con sông làm ranh giới giữa Việt Nam và miền thượng du. Vị linh mục đồng hương của chúng tôi nhờ kinh nghiệm: biết người, biết việc đã vượt qua bao khó khăn mà ngài đã gặp phải. Các quan lại luôn gây khó khăn nơi cư trú của chúng tôi, khích động rất nhiều để cản trở; nhưng với tài tháo vát luôn am hạp đường lối với chúng tôi, cha Bossard đã đi hàng đầu bẻ gãy bằng cách thay đổi được các trở ngại, theo sự khôn ngoan dẫn dắt ngài. Ngài đã mua được một  đám đất rộng và ngài dựng lên một ngôi nhà lớn ở giữa mảnh đất nầy. Trong khi chờ đợi một ngôi nhà khác rộng rãi hơn, ngôi nhà này được dùng làm nhà thờ và nhà xứ.
Dù bận rộn mọi vấn đề vật chất, cha Bossard cũng đã có thể lo lắng cho anh em bên lương ở quanh Ngài và nhìn chung, họ sẵn sàng nghe lời giảng dạy đạo giáo chúng ta. Bằng cách đó, trong khi ngài hoàn thành ngôi nhà thờ của  Ngài, ngài được an ủi rửa tội khoảng 40 người dự tòng. Niềm hy vọng đối với tương lai thật tốt dẹp và nếu người ta không quá can thiệp vào công việc của vị thừa sai, thì An Khê đã trở nên một cộng đoàn giáo xứ to lớn tính đến hàng ngàn tín hữu rồi”[37] .
4.2.2 Lớn lên trong thử thách
Tháng 8 năm 1885, Văn Thân tàn sát các tín hữu miền Trung Châu, nên một số tín hữu chạy lên Chợ Đồn[38]. Trong thời gian nầy, số giáo dân ở đây tăng nhanh, ước tính 7500 người[39]. Nhưng sau đó việc đốt phá chém giết nổi lên tại Chợ Đồn: một số tín hữu bị giết, chôn tập thể trong những cái giếng, số khác sợ chạy lên Kon Tum theo ngã Kon Từng gặp cha Guerlach Cảnh đón, dẫn họ về  sở của Ngài là Kon-Trang Mơnei[40] .
Cha Cảnh  khi nghe tin về cuộc tàn sát  giáo dân tại Chợ Đồn đã qui tụ những người gan dạ để đi đón đường, vì sợ nhóm Văn Thân đến vùng Bahnar nầy, nhưng  ngài đi mà  không  gặp vì họ không dám đến nữa. Nhưng ngài gặp rất nhiều người công giáo kinh từ Trung Châu bị Văn Thân tìm bắt giết, chạy trốn lên Tây  Nguyên. Ngài đón tiếp họ, cho họ  tá túc nhà ngài và săn sóc nuôi nấng họ mạnh khỏe, tìm quần áo cho họ mặc. Mười bảy tháng trôi qua  không có ai dám về Trung châu, vì họ còn sợ bị Văn Thân bắt giết, nên Ngài  phân phối đồ dùng và lo lắng  đời sống Đạo cho họ (…) [41] .

 image018
 Những giếng tả đạo đã nằm trên vùng đất này, nay đã bị lấp đi để trồng mía
Sau một thời gian bị nhóm Văn Thân bắt hại và tàn sát, vùng Chợ Đồn không còn linh mục trực tiếp đảm trách, nhưng do cha sở Đồng Phó kiêm nhiệm. Với đức tin sâu sắc và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, một số giáo dân trở về Chợ Đồn, rồi họ xây dựng lại nhà thờ (cách nhà thờ bây giờ về hướng đông khoảng 300 mét). Vào những năm 1910, nhà thờ Chợ Đồn thuộc làng Tân An, tổng Tân Phong, huyện Tây An , đạo Gia Lai.
4.2.3. Phát triển trong gian nan
Năm 1923, Đức Cha  địa phận gởi cha Demeure Ngự về xây dựng lại họ đạo Chợ Đồn và coi luôn họ Ayound (vùng Mang-Giang, gần cầu Ayun  gia đình thầy Hiền, một thầy đã  giúp  xây dựng họ Ban-mê-thuột vào thập niên 20 và vùng Châu Khê, Plei Bông Mor ). Cha Demeure Ngự đã mua một số ruộng đất tại Chợ Đồn, An-Lợi (nay là Tân Lương), Đồng Găng (nay là vùng dười nhà thờ An-Khê một  ít. Tại vùng nầy còn có địa danh Ao Ông Cố) và An-Tập (nay là vùng An Quí, đi bộ vào độ 4 cây số). Ngài củng cố họ đạo, tu sửa nhà thờ. Ngài lâm bệnh nặng. Cộng đoàn báo tin cho  cha Bề Trên Kemlin Văn và Đức Cha Grangeon gởi lên An-Khê cha Labiausse, cha Cha Demeure được chuyển về Tòa Giám Mục (Quinhơn). Ngài qua đời đêm 20 tháng 12 năm 1928, chôn cất tại Làng Sông[42] .
Họ Chợ Đồn một lần nữa không có cha sở. Mười năm sau, ngày 28 tháng 10 năm 1938, Cha Nguyễn Đắc Cẩn được chính thức bổ nhiệm làm chánh xứ, đã đến họ Chợ Đồn trong niềm phần khởi hân hoan của cả đoàn chiên[43]. Cha sở đã xây thêm một trường học cho con em giáo dân[44]. Trong thời gian này ông câu Phêrô Văn Cửu và ông biện Nicôla Đoàn Dưỡng phục vụ họ đạo cách đắc lực.
Năm 1941, Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn đổi đi nhiệm sở khác; họ đạo lại côi cút, thiếu vắng linh mục, cha sở  Phú Thọ là cha Phêrô  Ban kiêm nhiệm.
Năm 1944, cha Marty Tý được gởi về làm cha sở. Ngài đã xây dựng một nhà xứ (chỗ này cách nhà thờ hiện tại chừng 400 mét). Nhưng chiến tranh Pháp-Nhật bùng nổ, cha Tý phải trở về Pháp. Trong suốt thời gian này, giáo dân đã xây cất tạm một ngôi nhà thờ bằng tranh (ở chỗ ngôi nhà thờ hiện tại). Mãi đến năm 1951, cha JB. Trần Khánh  Lê mới được đổi về làm cha sở. Năm 1952, cha xây lại nhà thờ và làm một trường học ngay bên cạnh nhà thờ. Nhưng đến năm 1954 trong khi cha sở vắng mặt, và chiến tranh lại bùng nổ, cha Bửu (Dujon) đến giúp họ đạo đưa giáo dân vào Nha Trang. Sau năm 1954, giáo dân lại dần  trở về và năm 1955, cha Anrê Phan Thanh Văn được đổi đến. Ngài đã xây thêm một nhà xứ (hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay).
Năm 1956, cha Văn đổi đi nơi khác và cha Lãng (Landrade) được đổi đến. Trong thời gian này, ngài đã tổ chức mạnh mẽ công cuộc truyền giáo, đem lời Chúa đến với lương dân ở vùng lân cận như An Khê, An Qúy, An Phong và Đồng Găng. Ít lâu sau, nhận thấy tại An Khê (vùng nhà thờ An Khê ngày nay) giáo dân đã bắt đầu đông, ngài xin  một linh mục khác đến ở Chợ Đồn, còn ngài đi An-Khê.
Năm 1958, Cha Bắc (Demourioux) về làm cha sở, được ít lâu bị bệnh, ngài xin về Pháp chữa bệnh và cha Đôminicô Nguyễn Ngọc Thung đến thay thế Ngài trong thời gian nói trên. Sau một năm cha Bắc trở về, ngài đã mở rộng ngôi thánh đường với hình dáng ngày nay. Đồng thời ngài cũng cho xây dựng ngôi trường học với sáu lớp học được đặt tên là Trường tiểu học tư thục công giáo.
Năm 1975, thống nhất đất nước cha Bắc về Pháp và cha Giuse Nguyễn Hữu Quyền, cha sở An-Sơn kiêm nhiệm Chợ Đồn. Đồng thời. có ba nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartre (tình Dòng Đànẵng) lên ở Chợ-Đồn và phục vụ đến nay.
Năm 1982, cha Giuse Đoàn Đức Thiệp được đổi về làm cha sở An Khê và Chợ Đồn. Trông coi giáo xứ được ba năm, ngài lâm bệnh nặng và qua đời tại An Khê. Sau ba năm trông coi giáo xứ, cha Thiệp  qua đời, họ đạo lại vắng bóng chủ chăn và trong thời gian  đó, cha Antôn Vương Đình Tài Dòng Chúa Cứu Thế  ở Trung tâm truyền giáo Plei Chuet  xuống để giúp đỡ giáo dân. Trong thời gian vắng bóng cha chánh xứ, nhờ sự cộng tác nhiệt tình của soeur Thảo và sự trợ giúp của Đức Cha Alesis Phạm Văn Lộc, giáo xứ đã trùng tu lại ngôi thánh đường.
 Tháng 9 năm 1987, cha Antôn Trần Ưng Tường được về làm cha sở An-Khê, Chợ Đồn. Ngài củng cố lại ban chức việc và gây được ý thức tinh thần thần trách nhiệm của mỗi giáo dân. Năm 1998, cha Tường bị bệnh và ngài rời bỏ giáo xứ. Lúc bấy giờ, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đã ủy nhiệm cha Phêrô Hoàng Văn Quy chánh xứ An Sơn coi sóc thêm giáo xứ Chợ Đồn. Năm 2001, ngài lâm bệnh và qua đời năm 2003 tại Pleiku. Trong thời gian cha Quy lâm bệnh, hai cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Phêrô Nguyễn Vân Đông đã đến dâng thánh lễ và ban các bí tích cho giáo xứ.
Năm 2001, Đức cha Phêrô đã bổ nhiệm cha Tôma Vũ Khắc Minh về làm chánh xứ An Khê và Chợ Đồn. Đầu năm 2004, cha đã kêu gọi giáo dân ủng hộ tinh thần và vật chất để sửa lại ngôi nhà thờ đồng thời nhận được sự giúp đỡ của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh nên công việc tu sửa đã được tiến hành nhanh chóng và được hoàn thành vào dịp lễ Chúa Ba Ngôi năm 2004. Trong dịp này, cộng đoàn tín hữu đã dâng thánh lễ tạ ơn mừng giáo xứ tròn 125 tuổi. Năm 2006, Giáo xứ đã tu sửa lại đài Đức Mẹ nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân và cộng đoàn giáo xứ.
Ngày 05 tháng 02 năm 2009, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh đã bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Minh Công về quản hai xứ An Khê và Chợ Đồn. Ngài đã kiện toàn mọi hoạt động của giáo xứ từ mục vụ, ban chức việc và đưa vào nề nếp sinh hoạt ổn định và cùng với cộng đoàn tín hữu sống chứng nhân giữa lòng thế giới và ra đi loan báo Tin Mừng cho những anh em trong vùng.
Đến ngày 25 tháng 08 năm 2009, cha sở về làm lễ và nhận thấy nhà xứ còn thiếu phần chuẩn bị cho việc có cha sở ở lại nên cha cho ban chức việc rút tiền tiết kiệm về lo trùng tu lại cho đầy đủ, sửa lại công trình phụ và đã hoàn tất vào ngày 13 tháng 09 năm 2009.
Giáo xứ tiếp tục xây dựng tường rào để ngăn cách giữa nhà thờ, trường học và nhà giáo dân; đồng thời giáo xứ cũng xây dựng nhà giáo lý để có nơi cho các em học nhất là vào mùa mưa.
            Ngày 01 tháng 07 vừa qua, cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm coi sóc giáo xứ Chợ Đồn thay linh mục Giuse Phạm Minh Công.
            4.2.4. Hướng về tương lai
            Vì sống chung với anh em lương dân, nên có nhiều đôi vợ chồng sống trong tình trạng “rối”. Do đó, khi cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm về coi sóc giáo xứ thì một trong những dự phóng đầu tiên của ngài là giải quyết các đôi hôn nhân rối này.
            Đời sống đức tin của giáo dân trong giáo xứ hiện nay xuống rất thấp vì thế ngài đã sắp xếp lại giờ lễ (7h tối) để giáo dân trong xứ có thể dễ dàng tham dự từ đó múc lấy nguồn ơn thánh từ Chúa Giêsu Thánh Thể.
            Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cũng được cha Giuse hướng đến sau khi đã củng cố vững chắc đời sống đức tin của giáo xứ.
image002
 NHÀ THỜ GIÁO XỨ CHỢ ĐỒN
image004
Đài Đức Mẹ giáo xứ Chợ Đồn
4.2.4.Hướng về tương lai
4.3. Giáo xứ An Sơn
4.3.1. Giai đoạn khai phá
Vào tháng 8 năm 1956, linh mục Giuse Nguyễn Hữu Quyền cùng sáu người lên Tây Nguyên tìm đất. Đó là các ông: Nguyễn Văn Đông, Trần Ngọc Thịnh, Lăng Văn Tùy, ông Tuất, ông Thảo và ông Qủa.
Sau khi xem xét vài nơi như Chí Công, Đồng Găng, Đồng Chè, cha Giuse đã chọn vùng đất thuộc xã Tân Lai, tổng Tân Phong, huyện Tân An, tỉnh Pleiku làm nơi định cư. Ngài đặt tên giáo xứ là An Sơn được kết hợp từ các địa danh An Khê và Lạng Sơn và nhận tước hiệu Đức Mẹ hồn xác lên trời làm bổn mạng Giáo xứ.
Ngày 03 tháng 09 năm 1956, cha Giuse đã đưa 46 gia đình lên định cư tại An Sơn (trước đó tạm cư tại xưởng dệt “nhà chín gian” nơi đường camp, chợ Chiều, Chợ Đồn hiện nay). Ngài cũng chọn vùng đất để xây dựng nhà thờ và nhà xứ như hiện nay. Ngôi nhà thờ bằng gỗ ván được hoàn tất vào tháng 12 cùng năm.
Trong năm 1957, một số gia đình gốc Lạng Sơn, Bùi Chu, Hải Phòng, Quảng Bình nhập An Sơn. Đến cuối năm, ngài nhận thấy số giáo dân tăng cao nên đã lập họ đạo Đồng Sơn (giáo xứ Đồng Sơn sau này).
4.3.2. Giai đoạn xây dựng và phát triển
Năm 1958, cha Giuse cho xây dựng trường học, hội trường đồng thời ngài cũng cho lập ca đoàn, đội bóng đá, văn nghệ…
Vì lòng sùng kính Đức Mẹ của giáo dân trong giáo xứ hơn nữa bổn mạng giáo xứ là Đức Mẹ hồn xác lên trời nên vào năm 1961 ngài đã cho xây dựng hang đá Đức Mẹ.
Năm 1964, giáo xứ tu sửa nhà thờ với việc xây thêm hai gian để làm cung thánh và phòng thánh và ngài cũng xây dựng thêm tầng lầu của khu nhà xứ. Ngày 07 tháng 01 năm 1965 các công trình được hoàn thành. Lúc này, số giáo dân là 600.
Năm 1970, một số hội đoàn bắt đầu sinh hoạt trong giáo xứ: Hùng Tâm Dũng Chí, Đạo Binh Đức Mẹ, Anna-Maria, Phêrô-Phaolô, Giuse. Năm 1971, các nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartre từ An Khê lên phục vụ giáo xứ.
4.3.3. Tiến bước giữa lòng dân tộc
Năm 1975, nhiều gia đình trở về nhập giáo xứ nhưng sau đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn, một số gia đình lại ra đi. Số giáo dân lúc này khoảng 1000.
Cha Giuse và giáo xứ đã chuẩn bị để xây dựng nhà thờ mới vào năm 1971 nhưng không thành. Đến năm 1985, vì nhà thờ cũ đã xuống cấp nên cha và giáo xứ đã quyết định tu sửa nhà thờ. Số giáo dân lúc này khoảng 1200..
Năm 1987, toàn thể giáo xứ mừng lễ kim khánh linh mục của cha Giuse. Buổi lễ diễn ra đơn sơ nhưng đậm tình cha con.
Ngày 1 tháng 4 năm 1988 đúng ngày thứ  sáu  Tuần thánh, ngài đã về nhà Cha lúc 15 giờ. Sau đó, Đức Cha đã bổ nhiệm cha Antôn Trần ứng Tường kiêm nhiệm họ An-Sơn.  Cha Antôn đổi danh xưng “Ban hành giáo” thành “Ban phục vụ”. Cha đẩy mạnh phong trào học hỏi Lời Chúa, thúc đẩy giáo dân tham dự tích cực vào các cử hành phụng vụ. Giáo xứ có những bước phát triển rất mạnh mẽ.
 Đến năm 1994, cha Phêrô Hoàng Văn Qui về đảm nhiệm An-Sơn và Đồng Sơn, địa bàn các xã Hà Tam, An Thành thuộc huyện Dak Pơ và huyện Kon Chro. Cha chánh xứ mới với đời sống nội tâm đã canh tân họ đạo bằng cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, củng cố Ban hành giáo và các giới, nhất là nhấn mạnh đến vai trò các bà trong gia đình. Ngài cũng lo lắng cơ sở để sinh hoạt, dù đơn giản nhưng tạm ổn cho nhu cầu của họ đạo. Đến năm 2000, ngài lâm bệnh và đi điều trị. Số giáo dân lúc này vào khoảng 1600. Trong thời gian vắng cha sở, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đã cử cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Phêrô Nguyễn Vân Đông luân phiên xuống dâng thánh lễ và ban các bí tích cho giáo xứ An Sơn và Đồng Sơn. Tháng 6 năm 2002 đến tháng 06 năm 2003, cha Tôma Vũ Khắc Minh, cha sở An Khê kiêm nhiệm An Sơn. Ngày 08 tháng 05 năm 2003, cha Phêrô Hoàng Văn Qui về với Chúa và an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm.
Ngày 13 tháng 06 năm 2003, cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh về nhận nhiệm sở gồm giáo xứ An Sơn, giáo xứ Đồng Sơn cùng với các giáo điểm thuộc huyện Dak Pơ và Kon Chro. Số giáo dân lúc này là 3614 người trong đó giáo xứ An Sơn có 1639 người, giáo xứ Đồng Sơn 1450 người, năm giáo điểm kinh tế mới 450 người và làng dân tộc Bahnar 75 người.
Năm 2006, cha Giuse Đặng Quang Thắng (OP) lên nhập tịch giáo xứ. Ngài giúp cha xứ trong việc mục vụ . Đồng thời , cha xứ đã cho lập Legio Marie (junior) của giáo xứ. Ngày 15 tháng 8 giáo xứ mừng lễ bổn mạng lần thứ 50 trong tâm tình tạ ơn Chúa cũng như để tri ân công ơn của các Đức Giám Mục, các cha sở, các linh mục, tu sĩ, quý chức việc, quý ân nhân và toàn thể cộng đồng giáo xứ đã góp công sức, tài lực để xây dựng giáo xứ An Sơn trong 50 năm qua. Số giáo dân lúc này là 1733 người.

image005
   Lm Antôn Đinh Bạt Huỳnh
(2003-2006) 
+ 24-05-2007
   
image008

Hang đá Đức Mẹ giáo xứ An Sơn

image010

Nhà thờ An Sơn

4.3.4. Hướng về tương lai
Ngày 11 tháng 11 năm 2009, cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm làm cha sở An Sơn và Đồng Sơn. Với sự năng động của một linh mục trẻ, ngài đã giúp giáo xứ đi lên về mọi mặt như giúp giáo dân tham dự các cử hành phụng vụ một cách tích cực hơn, củng cố các hội đoàn và việc truyền giáo cho anh em lương dân.
4.4. Giáo xứ Đồng Sơn
4.4.1. Giai đoạn hình thành
Trong năm 1957, một số gia đình gốc Lạng Sơn, Bùi Chu, Hải Phòng, Quảng Bình nhập An Sơn. Đến cuối năm, ngài nhận thấy số giáo dân tăng cao nên đã lập họ đạo Đồng Sơn trực thuộc An Sơn và đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng. Lúc này, số giáo dân vào khoảng 400. Ngay sau đó, cha xứ đã cho xây một ngôi thánh đường bằng mái tranh vách đất tại đó.
Năm 1960, vì điều kiện sinh sống khó khăn nên nhiều gia đình đã bỏ đi nơi khác và số giáo dân chỉ còn khoảng 130 người.
4.4.2. Giai đoạn phát triển
 Năm 1988, cha sở qua đời, cha Trần Ứng Tường về kiêm  nhiệm An Sơn vào Đồng Sơn và thấy số giáo dân tại Đồng Sơn đông, ngài cho tách Đồng Sơn ra khỏi An-Sơn và xin Đức Giám Mục cho thành lập giáo xứ mới.
Ngày 25 tháng 4 năm 1994, nhà thờ được xây dựng lại như hiện này dài 20m và rộng 6m.. Ngày 05 tháng 12 năm 1994, cha Phêrô Hoàng Văn Quy về phụ trách giáo xứ An Sơn và Đồng Sơn. Trong thời gian này, giáo xứ đã xây dựng được một hội trường để học giáo lý với sự giúp đỡ của Đức cha Alesis Phạm Văn Lộc. Vào năm 1996, giáo xứ lập tượng đài Đức Mẹ. Đến năm 2000, ngài lâm bệnh và đi điều trị và trong thời gian này Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đã cử cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Phêrô Nguyễn Vân Đông cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo xứ. Ngày 08 tháng 05 năm 2003, cha Phêrô Hoàng Văn Quy qua đời và an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm.
Sau khi cha Phêrô qua đời, Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung đã bổ nhiệm cha Antôn Đinh Bạt Huỳnh về làm cha sở An Sơn và Đồng Sơn. Đầu năm 2006, cha Antôn lâm bệnh và cha Giuse Đặng Quang Thắng (OP) đã được gởi đến để phục vụ giáo xứ.
Cha Antôn qua đời vào ngày 24 tháng 05 năm 2007 và an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm. Sau đó, cha quản hạt Phêrô Nguyễn Vân Đông quản nhiệm giáo xứ Đồng Sơn cộng với sự trợ giúp của cha Giuse Đặng Quang Thắng.
Ngày 06 tháng 02 năm 2009, cha Giuse Phạm Minh Công được bổ nhiệm về làm chánh xứ An Khê kiêm nhiệm giáo xứ An Sơn và Đồng Sơn. Ngày 11 tháng 11 năm 2009, cha Giuse Nguyễn Duy Tài được bổ nhiệm chính thức là cha sở An Sơn và Đồng Sơn cho đến nay.
  
image012
       Nhà thờ Đồng Sơn
                          
Các xứ đạo đầu tuyến vùng Truyền giáo Tây nguyên dù thăng trầm qua cuộc sống, nhưng vẫn vững bước và trở nên chứng từ cho “Tình yêu Thiên Chúa”. Dấu chân đầu tiên của các thừa sai tiên khởi đă in rõ nét tại vùng đất An-Sơn (An-Khê ngày nay) như Trạm Gò. An-Khê  chính là dấu chứng và hồng ân Thiên Chúa ban phúc lành cho mảnh đất cửa ngõ tiến vào tây nguyên đại ngàn đang khát khao lắng nghe Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, nơi cưu mang những mơ ước và những âu lo ấp yêu  dự định  lên vùng truyền giáo của thầy sáu Do, cũng như  chứng kiến những thăng trầm và được Thiên Chúa an bài. An Khê  mang trong mình  sức sống và nghị lực chan chứa của các thừa sai. Đây là trách nhiệm  đồng thời là niềm hy vọng  của những con người mang được dấu ấn của công cuộc  truyền giáo ấy.
Kontum, tháng 08 năm 2011
Linh mục Gioakim NGUYỄN HOÀNG SƠN



[1]       Giáo hạt An Khê được tách ra từ giáo hạt Pleiku ngày 20 tháng 11 năm 2009
[2]       Quốc sử quán, Đại nam nhất thống chí (ghi tắt NTC). Tỉnh Bình Định. Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa BQGGD. Sài Gòn, 164. Trang 10
[3]       Theo NTC, sđd, trang 10
[4]       Theo NTC, sđd, trang 10
[5]       Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói rất rõ về sự thắng trận như sau: “Ngày 27, vua thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại (nay là Qui Nhơn). Ngày 28 vua tiến vây thành Chà Bàn. Ngày 29, vây sát thành mấy vòng. Tháng 3 ngày mồng 1 (năm Tân Mão, 1471), hạ được thành Chà Bàn, bắt sống được Trà Toàn rồi đem quân về”… (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (SKTT), bốn tập. Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. Nxb KHXH, Hà Nội 1971-1972 (in lần thứ 2). Tập III, tr.237
[6]       SKTT, sđd, Tập III. tr.237
[7]       SKTT,sđd. Tập III, chú giải số 147 tr.357
[8]       Nơi đóng đô của Thủy Xá và Hỏa Xá là ở thượng nguồn sông Đà Rằng
[9]       Lê Qúy Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, 1972. Hai tập. Tập I, tr.216-217
[10]     Hoàng Lê nhất thống chí, tập 1, NXB Văn học, 1984, tr.99
[11]     Nguyễn Quang Ngọc, Ấp Tây Sơn trong Tư liệu về Tây Sơn – Nguyễn Huệ, tập 1, Trên đất Nghĩa Bình, Sở VHTT Nghĩa Bình, tr.13
[12]     Ibid, tr.15
[13]     Vũ Minh Giang, Tây Sơn Thượng đạo căn cứ địa buổi đầu của cuộc khởi nghĩa trong Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn – Nguyễn Huệ, sở VHTT Nghĩa Bình, tr23.25
[14]     Nguyễn Quang Ngọc, sđd, tr.19
[15]     Theo NTC, sđd, trang 5.
Theo sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thúy Lâm, Nxb Tp.HCM in năm 1993, tr. 320 chép vắn tắt về ông Phan Văn Điển như sau:Phan Văn Điển người xã An Thổ huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Làm quan tới chức bố chánh Bình Định kiêm chức doanh điền chánh sứ tại nhà kinh lý An Khê
[16]     Trong giao phả họ Trần do cháu xa của ông Thiều là ông Trần Mạnh Sanh chấp bút, phần viết về ông Trần Văn Thiều như sau: Ông Trần Văn Thiều tự Ngô Âm, sinh ngày 06 tháng 12 năm 1817 tại Hà Nội, đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) tại Huế (…). Năm 1877, ông phụng chỉ vua Tự Đức, giữ chức kinh lý tại nha kinh lý An Khê cùng với ông Phan Văn Điển, bố chánh tỉnh Bình Định, thực hiện công tác khẩn hoang tại cao nguyên An Khê. Ông dốc toàn lực, bất kể rừng thiêng nước độc, chiêu dân khẩn hoang, lập được 28 thôn bên bờ sông Ba tức là toàn địa phận huyện An Khê ngày nay. Sau bốn năm trấn nhậm, khai phá và xây dựng, biến vùng rừng núi hoang vu đầu chướng khí thành một vùng trù phú, dân cư đông đúc, nông lâm sản dồi dào, ông lâm bệnh rồi từ trần ngày 2 tháng 11 năm 188, thọ 65 tuổi. Dân địa phương thương tiếc vô cùng và tôn ông làm thành hoàng hạt An Khê.
[17]     Nguyễn Đình Đầu, sđd, tr.78
[18]     Nguyễn Đình Đầu, sđd, tr.130
[19]    Vùng này được gọi là Tây Sơn vì đây là nơi mà ba anh em nhà Tây Sơn đã sinh ra và phất cờ khởi nghĩa.
[20]     Người Bahnar gọi đèo này là đèo Mang có nghĩa là cửa ngõ. Đây là một trong những cửa ngõ tiến vào Tây Nguyên
[21]     Quách Tấn, Non nước Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53
[22]     Quách Tấn, sđd, tr 40-53
[23]       Jean Thiébaud, Thánh Giám Mục Thể, Paris, 1988, tr.90-91
[24]       X.Camille Tissot, Vie du Bienheureux Etienne- Théodore Cuénot,  Paris  tr. 98.
[25]       P.Dourisboure, Dân làng hồ, Nxb Đà Nẵng, 2010, tr.15
[26]       Con đường từ Bình Định đến An Sơn
[27]       Tờ nguyệt san địa phận Kon Tum “Hlabar Tơbang”, 1915, tr.12
[28]       P.Ban và S. Thiệt, Mở đạo Kon Tum, Imprimerie de Qui Nhơn, 1933, tr.15
[29]       Làng Bến là làng gần  bền sông, ở hữu ngạn sông Côn, đối  diện với Vĩnh Thạnh, nay thuộc Định Quang, xã Bình Quang, huyện Tây Sơn (Bình Định) nằm thượng nguồn cách Đồng Phó khoảng 15 cây số. Vào những thập niên 20-30, họ Đinh Quang được hình thành trực thuộc họ Đồng Phó; Ông Trịnh Công  làm biện trông coi cơ sở nầy, họ đạo bị phân tán vào những năm 1945-1948. Nay còn một số hộ công  giáo (Lời thuật của ông Trịnh Cẩn nguyên quán ở Định Quang, là con của ông Trịnh Cống). Trong tài liệu Pháp việt thay vì “ Bến” viết “Ben”.
[30]       Ngày nay tại phía bắc nhà thờ Chợ Đồn khoảng vài cây số còn địa danh “nền nhà thờ”, nằm trên trục đường Trạm Gò, Thủ Thủy đến Hơdrung (Pleiku ngày nay). Rất có thể địa danh nầy có cơ sở An Sơn xưa kia, bị tàn phá năm 1884 với hai cơ sở trên.
[31]       P.Dourisboure, Sđd, tr.23
[32]     P.Dourisboure, Sđd, tr.24
[33]     x. Hlabar Tơbang, năm 1915, tr. 23.
[34]       Gia đình ơn gọi gồm 80 em, Hàng tuần, gia đình sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một nữ tu Dòng Phaolô nhằm giáo dục các em về mặt thiêng liêng và nhân bản
[35]       Có chỗ viết Beausard.
[36]       Trong bản viết tay ghi trong Compte rendu năm 1880, được  lưu trữ tại TGM. Kontum, chúng tôi gặp được tên linh mục bản xứ và thày giảng như sau: cha Vinh, thầy Năm Cẩm, thầy  Tư Đoan, thầy Nhứt. So chiếu lịch sử họ Đồng Hâu, thầy Đoan bị giết vào năm 1885  trong vụ Văn Thân. Có phải cùng một thầy không ?
[37]       “Giếng tả đạo” hiện nay nằm ở xã Cửu An, thị xã An Khê
[38]       Về địa danh Chợ Đồn, trong  Văn Hóa Toàn Thư, về  “ Đại Nam Nhất  Thống Chí” tỉnh Bình Bình, Nhà Văn Hóa, Bộ  Quốc Gia Giáo Dục  xb. xuất bản , nam 1964 tr. 86 có ghi về Chợ Tân An, tục danh chợ Đồn, ở huyện Bình Khê. Ngày 16-10-1893, Khâm Sứ Trung Kỳ là Boullloche đề nghị  lên Cơ mật viện nhiều  điểm, trong đó có  xin để cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại vùng Thượng. Từ đó  Pháp lập nhiều đồn lính trên Tây  Nguyên trong đó có  đồn tại An Khê, (vào năm 1904 ). Năm 1905, chế độ Sơn Phòng bị chính thức bãi bỏ (xem Cửu Long Giang Toan Anh, “Việt nam Chí lược , Miền Thượng Cao nguyên”,  XB. 1974, tr. 132.
[39]       Xem  Nguyệt  san “Chức việc Thư tín” của địa phận Kotum số 47, tháng 3 năm  1937, tr.597.
[40]       Kon Từng là thị trấn của huyện Mang Yang.  Từ thành phố Pleiku, đến Kon Từng ( Kon-Tong), rồi tới đèo Mang Giang, đến An-Khê. Theo Compte rendu nắm 1880 tr. 63 có ghi lại: “Một ngày đàng cách An-Khê có một làng lớn người dân tộc được gọi là Kon-Tong, ở đó các vị thừa sai đã được mọi người quen biết và quí trọng. Cha Dourisboure và cha Vialleton đã thực hiện bước đầu việc truyền giáo để gởi một linh mục đến làng nầy. Những vận động nầy đã thành đạt cách dễ dàng.Các cư dân vui sướng đón nhận vị thừa sai và theo phong tục địa phương mỗi người tự do tòng giáo như lòng  họ mong ước. Trong một vài tháng khi các linhmục mới đến trong năm nầy đủ hiểu biết tiếng Việt, tôi ( Đức Cha Gallibet) cho đến vùng dân tộc và khi đó cha Soubeyre sẽ đến ở với những người trong làng Kon-Tong”.
[41]       X. Hlabar  Tơbang 1912 tr. 14-15.
[42]       x. Compte rendu 1929 tr. 276
[43]       “Chức dịch thư tín”, số 69 tháng 1 năm 1939 tr. 945-946.
[44]       Ngôi trường nầy hiện là  nhà ông biện Lai về hưu ở.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét