Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), một thoáng suy tư về người phụ nữ bỗng dồn dập dội về. Trong thoáng suy tư ấy mình nghĩ rất nhiều về thân phận người phụ nữ, với biết bao sự trắc trở, biết bao sự quyến rũ và cả với biết bao sự phức tạp ở chính nơi con người được mệnh danh là “liễu yếu đào tơ” này.
Chủ đề bài viết, mình viết thay cho món quà, "một món quà tinh thần” để tặng riêng các chị em phụ nữ nhân dịp ngày 8/3. Cũng trong bài viết này mình muốn nhắn nhủ giới đàn ông chúng mình nói chung và bản thân mình nói riêng, có một cái nhìn ý thức hơn, để thông cảm, để chia sẻ và để yêu thương phái nữ nhiều hơn; cho dù người nữ nào… ấy, đang biểu hiện và đối xử với mình, trong đời mình bằng hình ảnh hay cá tính của bất cứ tạo vật nào.
I. BÀ EVA, NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA CỰU ƯỚC
1. Chuyện vui nhà đạo
Thấy Ađam cô đơn trong vườn địa đàng, Thiên Chúa làm cho chàng ngủ say rồi rút một cái xương sườn của chàng để tạo ra một người nữ tên gọi là Eva. Khi tỉnh dậy, thấy người phụ nữ ấy, Ađam kinh ngạc và mừng rỡ kêu lên rằng: “Ô nàng! Đây chính là xương là thịt của tôi” (St 18,21-24).
Chúng ta thấy Ađam đã không bình luận gì về nhan sắc của Eva, dù chỉ là một câu thông thường như: “Em đẹp quá!”. Có lẽ, ý niệm đẹp-xấu chỉ có thể hình thành khi bên cạnh Ađam có ít nhất thêm một người phụ nữ thứ hai để so sánh.
Giả sử, Thiên Chúa nắn ra một nàng Eva xấu xí, dị dạng, thì chàng Ađam cũng sẽ phấn khởi đón nhận mà chẳng phàn nàn gì. May thay, Thiên Chúa đã không làm như thế. Ngược lại, tác phẩm của Ngài thật hoàn hảo, vừa nhìn thấy ông đã mê liền và hô lên “Ô nàng!”. Đúng như nghệ nhân Robin nhà điêu khắc lớn của Pháp đã nhận định rằng: “Trong thiên nhiên, không có đường nét nào đẹp bằng những đường nét trên thân thể người phụ nữ!”.
Lại nói tiếp chuyện Ađam và Eva trong vườn địa đàng. Một hôm Eva rủ Ađam nếm thử trái táo cấm mà Thiên Chúa đã căn dặn chớ có ăn vào, và Ađam đã cả nể vợ mình nên mới dại dột nghe lời (x. St 3,6). Trái táo cấm ấy vẫn có ở đó, chẳng khi nào Ađam dám đụng đến. Nhưng từ khi có Eva… Phải, từ khi có phụ nữ, đàn ông dám làm đủ mọi chuyện, từ chuyện cao cả nhất đến chuyện hạ lưu nhất, tồi tệ nhất… Giả sử không có phụ nữ, đàn ông chẳng có gì thú vị hay thăng trần trong cuộc sống?...
Sau khi phạm tội, tội không phải vì trái táo nhỏ nọn kia, nhưng là tội “bất tuân phục” Thiên Chúa. Ađam và Eva bị Thiên Chúa trừng phạt, đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bắt đầu nếm trải những đau khổ của trần thế. Điều đau khổ đầu tiên là sự e thẹn.
Trong bức danh họa “Sự cám dỗ của Eva” tranh dệt thảm của họa sĩ Van Orley, ta thấy nàng Eva đang lấy một chiếc lá nho che lên thân thể trần truồng của mình. Và ở bức tượng “Eva xuất thế” của Paul Dubois hiện đang trưng bày ở viện bảo tàng Louvre, chúng ta bắt gặp một Eva khỏa thân trong tư thế khép nép, một tay đưa lên che ngực…
E thẹn, chỉ là trong những nỗi đau khổ và cũng là dấu hiệu đầu tiên của cái đẹp sâu kín trong tâm hồn, xuất hiện đằng sau cái đẹp trần truồng nhưng mỹ miều, kiều diễm của thân thể. Có thể nói: trần truồng và e thẹn là một cặp phạm trù mang vẻ đẹp sơ khai của nữ tính. Tuy nhiên cả cái đẹp thể xác và cái đẹp tâm hồn đều là cái đẹp tự thân, mà mỗi người không bao giờ có thể tự mình nhìn thấy hết được. Một giai nhân sắc đẹp tuyệt diệu dầu có soi mình trước gương cũng không thể hiểu mình đẹp như thế nào. Muốn hiểu được cái đẹp, cần phải có những hệ thống tín hiệu của nghệ thuật để mô tả và phẩm bình. Người nào sử dụng thành công những tín hiệu này thì trở thành nghệ sĩ. Bởi vậy nếu không có giai nhân thì e rằng trên đời này cũng không có những kẻ sĩ: như Thi sĩ, Họa sĩ, Nhạc sĩ…
2. Chuyện vui thần thoại, vừa có tính tôn giáo, vừa có tính tâm lý xã hội kể rằng:
Một hôm Thiền sư già kia, nói với đệ tử của mình rằng: “Này anh bạn, ta có một điều tệ nhất là: ta không hiểu biết gì về người phụ nữ cả. Hãy nói cho ta biết phụ nữ là gì đi?”
Người học trò mỉm cười nói rằng: “Thuở mới sinh ra trái đất, ông thợ Tạo Hóa chỉ dựng nên có một mình ông Ađam, ông lang thang một mình trong vườn địa đàng mênh mông rộng lớn, trong khi các loài vật khác đều có cặp có đôi quấn quýt bên nhau. Thấy ông cô đơn hiu quạnh, thơ thẩn đi vào đi ra. Tạo Hóa thấy thế mà thương, bèn nghĩ rằng: mình phải tạo dựng cho Ađam một người bạn đường thôi, để nó sống một mình cũng không tốt. Lúc ấy Tạo Hóa mới nhớ ra rằng: lúc trước mình tạo dựng muôn vật từ hư vô, nay mọi sự đã trở nên hiện hữu, sao mình không lấy chính cái hiện hữu để tạo thêm một vật nữa nhỉ?
Trong lúc nan giải, Tạo Hóa suy nghĩ một hồi lâu, rồi quyết định rằng sẽ tập trung tất cả vạn vật lại lấy mỗi thứ một tí để chế tạo ra người phụ nữ. Và Tạo Hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng tròn 16, đường cong của các loại dây leo, dáng run rẩy của hoa cỏ, nét mảnh khảnh của lau sậy, màu sắc rực rở trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của chiếc lá, sự tinh tế ở đầu vòi voi, cái nhìn ngây thơ của nai tơ, cái xúm xít của đàn ong mật, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, nét xa xăm của tầng mây, sự lay động của làn gió, sự lộng lẫy kiêu sa của chim công, chất cứng rắn của kim cương, vị ngọt ngào của trái chín, lòng tàn nhẫn của hùm beo, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng kêu khắc khoải của chim quyên, tính nết dối trá của cò vạc…v.v., nói chung, tất cả mọi thứ, mỗi thứ một tí.
Tạo Hóa đem hết thảy những thứ đó, nhào nặn với khúc xương sườn của Ađam để tạo thành người phụ nữ (người phụ nữ phức tạp, với đầy đủ mọi sắc thái, mọi tinh chất của vũ trụ; nên không thiếu một thứ gì mà không có trong con người phụ nữ ấy) rồi tặng cho Ađam”.
Người học trò vừa kể đến đây, chưa kịp đưa ra câu kết, thì ông thầy già liền vội vàng ngăn lại “Đừng nói gì thêm nữa… điều tệ nhất của ta đã hết hạn!”
Vâng, người phụ nữ với đầy đủ mọi sắc thái, cá tính, không thiếu một tính chất gì của vũ trụ như thế; nên đã làm cho biết bao nhiêu người trong giới đàn ông, không biết phải đối xử thế nào cho phải, hay suốt đời đàn ông cứ phải chiều phụ nữ ăn đi ăn lại quả trái cấm… Mình nói như thế không biết có quá đáng không nhỉ ???
3. Thử hỏi ý kiến các danh nhân nổi tiếng xem họ nghĩ gì về phụ nữ:
- J.Barbey d’ Aurevilly: “Đẹp và được yêu, đó mới chỉ là một người phụ nữ. Xấu mà biết làm cho người ta yêu được, đó mới là một nàng công chúa”.
- Goethe: “Cảm rồi yêu, đau khổ rồi hy sinh… Đó là những đề tài trong suốt cuộc đời người phụ nữ”.
- Ménandre: “Người phụ nữ cần trang điểm đức hạnh hơn trang điểm những vòng vàng đắt giá”.
- Alphonse Karr: “Đồ trang sức đẹp nhất của phụ nữ là nết khiêm nhường”.
- Aristote: “Trời đất sinh ra không biết bao nhiêu là thú dữ, nhưng người phụ nữ mới thật là con thú dữ đáng ghê sợ nhất”.
- Napoléon I: “Ra đời trăm trận trăm thắng, về nhà không thắng nổi phụ nữ”.
- Jean Paul Toulet: “Sắc đẹp của người nữ là lời hứa hẹn hạnh phúc, chứ bản thân sắc đẹp đó không đảm bảo được hạnh phúc gia đình”.
- Ngạn ngữ Đức: “Phụ nữ đẹp ví như thành trì yếu, dễ chiếm mà khó giữ”.
- A. Shopenhauer: “Con sư tử có móng vuốt, con heo rừng có răng nanh, con mực có mực để khuấy đục nước quanh nó; và tạo hóa cho người phụ nữ có cái lưỡi làm được tất cả”.
- Chilon: “Người ta dùng lửa để thử vàng, lấy vàng để thử phụ nữ và dùng phụ nữ để thử đàn ông”.
- Armand Salacrou: “Các linh mục, khi nghe các bà xưng tội họ tự thấy an ủi rằng, họ không có vợ là một hạnh phúc lớn”.
Tóm lại: Có lẽ nên dừng câu chuyện của người phụ nữ đại diện cho thời Cựu Ước ở đây, để cho bạn đọc suy nghĩ thêm.
II. ĐỨC MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA TÂN ƯỚC
1. Đức Maria trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu
Trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. Xin được nói đến Đức Maria là người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ, như lời Kinh Thánh nói: Bà Isave khen ngợi rằng em mình rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42). Vâng, có thể nói, Đức Maria là vị cứu tinh của mọi người phụ nữ trên trần thế này. Ngài là Mẹ của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chính lúc Chúa Giêsu khi hấp hối trên thập tự giá, đã công khai tuyên bố với Gioan đại diện cho loài người: “Này là Mẹ con”, và với Đức Maria: “Này là con Mẹ”. Trong tương quan này, Chúa Giêsu muốn ràng buộc chúng ta với Mẹ, để Mẹ yêu mến ta vô hạn, thương xót ta vô biên và luôn luôn cầu bầu cho ta trước tòa Thiên Chúa. Và đối với chúng ta, đây là sợi dây thắt chặt sự đoàn kết giữa con người với nhau và sự gắn bó giữa các Kitô hữu với nhau trong Giáo Hội.
Song song với việc thờ phượng Thiên Chúa, Giáo Hội vẫn luôn luôn động viên lòng sùng kính Đức Mẹ, và đã có những bằng chứng từ xưa đến nay như: lập ảnh tượng, cầu kinh, các bài hát, sách báo về Đức Mẹ phù hợp với giáo lý Phúc Âm.
Lý do ta tôn sùng Đức Mẹ, vì Mẹ là Đấng Thánh như các Thánh khác, hơn thế nữa Mẹ lại được tặng danh hiệu “Nữ Vương các Thánh” và lý do đặc biệt hơn hết vì Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế và là Mẹ chúng ta. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ có quyền thế khiến ta phải tôn kính. Là Mẹ loài người, vì Ngài có lòng khoan nhân khiến ta phải mến, phải yêu.
Sự tôn sùng Đức Mẹ đem đến cho chúng ta nhiều ơn ích phần hồn và phần xác. Vì Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, là Đấng cộng tác hàng đầu vào công cuộc cứu rỗi loài người. Vì thế Giáo Hội ca tụng Mẹ là Đấng thông ơn Thiên Chúa, là máng chuyển ơn thiêng xuống cho nhân loại.
Hàng năm trong toàn thể Giáo Hội có đến 17 lễ kính riêng về Đức Mẹ, ngoài ra còn có 02 tháng dành riêng cho Đức Mẹ là tháng 05 (Tháng Hoa), tháng 10 (Tháng Mân Côi), và hàng tuần vẫn có ngày dành riêng cho Đức Mẹ là ngày Thứ Bảy nữa. Thiển nghĩ, sẽ thiếu sót nếu không nhớ đến Mẹ Maria trong ngày 8/3.
Trong các kinh kính Đức Mẹ, chẳng có kinh nào vừa phổ thông mà ý vị, đơn sơ và thâm thúy cho bằng Kinh Kính Mừng; Kinh này phát xuất từ Phúc Âm, như là một quyển Phúc Âm tóm tắt vậy. Ý nghĩa có hai phần: một phần là tán dương, một phần là cầu nguyện.
Việc lập đền đài hay trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ là điều ám thị – ám hạp với nhu cầu của loài người, vì cần có sự hữu hình để tưởng nhớ sự vô hình. Vậy việc trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ là điều tốt, đáng được khích lệ.
2. Đức Mẹ với những đặc ân
Đặc ân Mẹ Vô Nhiễm: Ngay từ khi mới dựng thai trong lòng mẹ (là bà Anna) Đức Mẹ đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông và được đầy tràn thánh sủng. Đó là ơn vô nhiễm thai, một tín điều đã được Đức Cố Giáo Hoàng Piô IX công bố ngày 08-12-1854. Với nguyên tắc chung là: Chúa đặt ai lên chức vụ nào thì cũng ban đủ ân sủng cần thiết xứng hợp chức vụ ấy.
Đặc ân Mẹ Đồng Trinh: Với đặc ân vô nhiễm, chẳng những Đức Mẹ được giữ gìn khỏi tội tổ tông truyền ngay từ khi mới dựng thai, đồng thời Mẹ còn được đầy ơn phúc, nghĩa là đầy thánh sủng và đoàn tùy tùng các ân sủng cùng các nhân đức giúp Đức Mẹ càng tăng thánh sủng đã được từ ban đầu.
- Thánh Tôma tiến sĩ đã gọi Mẹ là: “Đấng ơn thánh sung mãn tràn trề” Vì thế Mẹ là Đấng Đồng Trinh Vẹn Toàn.
- Theo lời giải thích của các sách giáo phụ thì: Đức Mẹ khi đến tuổi khôn, song thân của Mẹ đã đem Mẹ vào đền thánh để dâng hiến. Hơn nữa Mẹ là người có một ý thức rất cao về việc hiến dâng, vì thế trong dịp này, Mẹ đã khấn đức đồng trinh để chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, khi Mẹ đã thấy rõ nhân đức ấy cao trọng là nhường nào. Cùng với lời khấn đồng trinh là hai nhân đức thanh bần và vâng phục lại nổi bật nơi Mẹ. Đây cũng chính là mẫu gương cho các bậc tu trì.
- Trong các nhân đức của Đức Mẹ, nổi hơn hết là đức đồng trinh. Chả thế mà ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, người ta đã tặng Ngài danh hiệu “Thánh Nữ Đồng Trinh” vì thế mà trong khi truyền tin, khi nghe Sứ Thần đề nghị Mẹ nhận việc thụ thai con Thiên Chúa, trinh nữ Maria đã áy náy hỏi lại “Việc đó xảy ra làm sao được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34).
Đặc ân Mẹ Thiên Chúa: Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa là Đấng siêu việt trên hết các loài thụ tạo. Từ trước vô cùng, trong thánh trí của Thiên Chúa đã dành cho Mẹ một địa vị cao trọng bậc nhất ngay sau Chúa cứu thế, trong chương trình khai sáng vũ trụ với ý định cho Ngôi Hai Giáng Thế cứu chuộc nhân loại. Các nhà thần học gọi đó là ơn tiền định Thiên Chúa dành cho Mẹ. Một khi đã hiểu rõ ơn tiền định về Đức Mẹ, ta sẽ dễ hiểu các ơn phúc lạ lùng Chúa đã ban cho Mẹ ngay từ lúc đầu thai và quyền cao phép cả Ngài đang được thưởng trên Thiên Quốc một lần cả hồn xác trước chúng ta.
- Vì được dự bị làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài mới được vô nhiễm đầu thai đầy tràn thánh sủng, trinh khiết tuyệt trần.
- Vì là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài mới được đồng công cứu thế, quản lý ơn thiêng, phục hoàn mông triệu thăng thiên.
Đặc ân Nữ Vương hồn xác Lên Trời: Theo sử tích, Đức Mẹ lìa thế thọ 72 tuổi tại Giêrusalem cách êm ái như ngủ vậy. Không mắc tội tổ tông truyền, không vương vấn tội trần, Ngài không mang án tử, nhưng Ngài lãnh cái chết để nên giống con Ngài và nêu gương cho nhân loại. Vì tất cả mọi chúng sinh, đều phải trải qua một lần sinh và một lần tử.
Ngày 01-11-1950 Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã quyết định và long trọng lấy quyền Thánh Phêrô – Phaolô và quyền Giáo Hoàng mà tuyên bố tín điều: (Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời và buộc mọi tín hữu phải tin).
3. Phúc Âm nói gì về Mẹ ?
Phúc Âm viết rất ít về Đức Mẹ. Vì vậy, nếu bỏ qua các biến cố liên quan đến công cuộc cứu độ, thì Đức Mẹ chỉ được nói đến vỏn vẹn có 07 lần:
02 lần lúc truyền tin: + “Việc ấy xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34) + “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38)
02 lần khi thăm viếng: + “Chào hỏi bà Ê-li-sa-bét” (Lc 1,40) + “Bài ca ngợi khen Magnificat” (Lc 1,46-55)
01 lần khi lạc con: + “Con ơi sao con lại xử với cha mẹ như vậy, con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48)
02 lần trong tiệc cưới Cana: + “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) + “Người bảo gì anh em cứ việc làm theo” (Ga 2,5)
THAY LỜI KẾT
Đức Maria, Mẹ của chúng ta, Ngài xứng đáng mang danh hiệu người nữ tuyệt vời, là gương mẫu của mọi người phụ nữ, nét đẹp từ trong tâm hồn, lời nói và đời sống của Mẹ đã cứu vãn tình thế tội lụy của con người và làm cho giới phụ nữ trở nên ngày một vẻ vang.
Tuy mỗi lần Mẹ chỉ nói một đôi câu, lại có câu thật ngắn, chỉ vỏn vẹn có mấy tiếng như “Họ hết rượu rồi”. Vâng, Mẹ đã thầm lặng sống đời “xin vâng”, luôn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa bằng cả cuộc đời dấn thân cho công cuộc cứu độ nhân loại và vì công cuộc cứu độ của Con Ngài. Trăm ngàn lần Mẹ thật xứng đáng trước thánh nhan Thiên Chúa.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có Phúc hơn mọi người phụ nữ, Mẹ là Nữ Hoàng của mọi người phụ nữ… Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, biết sống noi gương mẹ, sống nhiệt thành với sứ mệnh của mình trên con đường lữ thứ trần gian này, để mai sau cùng đoàn tụ với Thiên Chúa, với Mẹ và với hết thảy mọi người thiện tâm.
(Theo nhuygialai.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét