Chữ nhàn là chữ làm sao! Nguyễn Công Trứ đã kêu lên như vậy, từ mấy trăm năm trước. Kêu chứ không phải hỏi. Bởi vì trước đó ông đã giải thích rõ ràng rồi: Thị tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn. Chợ ở cửa trước thì “náo”, còn trăng vào cửa sau thì “nhàn”. Thế thôi! Không biết ai là người đầu tiên đã nghĩ ra một định nghĩa đơn giản mà thâm thúy đến vậy qua cách viết tượng hình của chữ Hán: giữa chữ môn mà có chữ thị thì thành náo, còn giữa chữ môn mà có chữ nguyệt thì thành nhàn. Thời buổi “thị trường” toàn cầu hóa như chúng ta đang sống hiện nay thì chợ ở tứ phía, ở ngay trong nhà cũng có chợ chen vào, cho nên không dễ mà tìm một chút ánh trăng qua cửa sổ! Ở các nước Âu Mỹ, workmania là một thứ bệnh “điên vì mê làm việc” đến nỗi tình trạng tâm thần, tự tử, tim mạch… ngày càng tăng. Ở Châu Á, bệnh karoshi chẳng hạn, một thứ bệnh dịch do làm việc quá nhiều, quá sức, làm như điên, đến nỗi sinh nhiều biến chứng và gây cả tử vong như chúng ta từng nghe thấy ở một số doanh nhân Nhật và đang lan ra nhiều nước. Liên Hiệp Quốc đưa “quyền nhàn tản” vào trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền để khuyến khích người ta nghỉ ngơi mà chả ai thèm nghe! Nghe sao được, nhàn hay không là ở mỗi người chứ. Bắt người ta làm việc, cưỡng bức lao động thì dễ chớ ai nỡ bắt người ta nhàn, khi người ta muốn được “bận rộn”!
Thực ra nhàn cũng có nhiều cách: có cách nhàn nhã, có cách nhàn hùng hục. Nhàn nào cũng tốt, miễn là đừng quá. Nguyễn Công Trứ ưa kiểu nhàn “Gót tiên đeo đủng đỉnh một đôi dì. Bụt cũng nực cười ông ngất ngưỡng.” Một đôi dì “đeo” thì sợ khó mà đủng đỉnh, khó mà ngất ngưỡng. Rồi ông còn ganh tị với Tô Đông Pha, đời Tống, hơn ngàn năm trước: “Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất. Để ông Tô riêng một thú thanh tao!” Chẳng qua là ông Tô đi chơi thuyền trên sông, ngắm trăng với vài người bạn, đánh cờ, làm thơ xướng họa, dĩ nhiên là cũng có vài… người mẫu đi theo mài mực, rót trà! Ta bây giờ thỉnh thoảng cũng đi thuyền rồng trên sông Hương, có đàn có sáo…, có tiếng ca tiếng hát náo nhiệt, thuyền ngược thuyền xuôi tấp nập đó thôi. Nhưng cài nhàn của ta là nhàn ồn, không phải nhàn nhã! Sau một ngày vất vả, “người bận rộn” nào cũng sẵn sàng xách vợt ra sân làm vài ván tennis. Cởi veston cà vạt ra, mặc áo pull quần short vào, chạy ngược chạy xuôi hùng hục, toát mồ hôi hột, chẳng phải cũng là nhàn ư? Nhưng cái đó là nhàn… hùng hục. Nhàn nhã là phải có “nguyệt lai môn hạ” kìa. Vì thế mà Trịnh Công Sơn mới có bài Nguyệt ca rất dễ thương: “Từ khi trăng là nguyệt cho tôi bóng mát thật là”. “Thật là” sao thì anh không nói rõ nhưng chắc chắn anh đã có được sự nhàn nhã “thật là”, chẳng thua gì ông Tô ngày xưa. Nhưng sau đó anh thật thà thú thiệt: “Từ khi trăng là nguyệt, tôi như từng cánh diều vui. Từ khi em là nguyệt, trong tôi có những mặt trời!” Thì ra cũng tại em thôi. Tại em là nguyệt mà trăng của tôi đã biến thành những mặt trời nóng bức, nhễ nhại, vất vả, bận rộn đó thôi. Lúc đó hẳn nhạc sĩ cũng đã kêu lên: chữ nhàn là chữ làm sao!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
(Trích trong tập : "Thư gởi người bận rộn")
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét