Sau
khi bài “Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh, phá bỏ chứng tích 100 năm tuổi” (http://krongblah.blogspot.com/2012/10/ky-niem-100-thanh-lap-tinh-pha-bo-chung.html) được
chia sẻ, đã có rất nhiều bạn đọc phản hồi biểu lộ cảm xúc, cả những bức xúc (xem thêm: http://www.nhuygialai.com/2012/11/kon-tum-ky-niem-100-nam-thanh-lap-pha.html )…Đa
phần đều lấy làm đáng tiếc khi hai cây Giông (vông) 100 năm tuổi ở đầu ngõ vào
thành phố Kon Tum bị đốn hạ. Nhiều trang web/blog đăng tải lại cũng nhận được
những phản hồi tương tự. Tuy nhiên, cũng có một vài vị cảm thấy “không hài lòng”,
có lẽ họ “khó chịu” vì những lời nhận xét nhiều khi khá gay gắt của bạn đọc. Chính
vì vậy trên nhiều trang đã chủ động gỡ bỏ đi phần nhận xét của khách thăm. Mới
hôm qua lại có người dọ hỏi : Liệu những cây Giông ấy có đến trăm tuổi chưa? Một
câu hỏi thiệt hay! Dù sao ít ra đây cũng là dịp để cùng nhau tìm hiểu về lịch sử
quê hương Kon Tum mình.
Đọc
lại tài liệu cũ, hình ảnh hàng cây Giông cứ tự nhiên hiện ra, nơi đầu bến sông ngõ
vào thành phố, từ gần trăm năm trước…
Ấy
là trong “Nam Phong Tạp Chí”, số 74, tháng 8/1923, phần Phụ trương Pháp văn có
đăng một bài viết “Lược khảo về tỉnh Kontum”, ký giả đề tên là T.D.N [1]. Một
bài lược khảo khá sớm về tỉnh Kon Tum, với đầy đủ các phần lịch sử, địa dư, con
người, phong tục.v.v. Đóng vai một khách du lịch, tác giả làm cuộc hành trình từ
đồng bằng lên Kon Tum với niềm hứng khởi :
“…Qua
khỏi đèo Bình-khê, đến An-khê. Nếu ở Bình-định đương mùa hè mà ra đi, đến
An-khê thấy khí hậu đổi ngay hẳn. Lúc ở dưới còn thiệt nóng, lên đến An-khê có
chăn dầy khá mới ngủ khỏi lạnh được. Từ An-khê sắp lên, chỉ đi quanh- queo mãi
trong rừng, hai bên đường không hàng-quán, cửa-nhà, ruộng-nương gì cả. Thỉnh
thoảng, hoặc một cái túp Mọi bên sườn núi, hoặc một đoàn xe-bò ở trên về, hoặc
năm ba tên lính trạm thấy bóng người chạy ra ngó, chỉ có thế là thú giải-trí
cho lộ-khách, mà lộ-khách trong những lúc ấy hồi-tỉnh lại mới biết rằng làm con người đứng trong vũ trụ không có đồng-thanh
đồng-khí thời thiệt khó chịu lắm vậy. Nhưng đi quanh-queo mãi rồi cũng phải đến
Kontum. Còn đường xa, lộ khách đã
trông thấy mấy cái nóc nhà quan. Gần lại đôi ba dẫy cây-vông hiện ra làm cho lộ-khách
tưởng sắp đến một nơi đô-hội lớn. Lộ-khách qua khỏi đò sông Bla, thế là đến Kontum vậy” (Sđd, trang 20).
Qua
đây có thể thấy, ngày xưa hàng vông (giông) không chỉ mang ý nghĩa đem lại bóng
mát, có sức sống dẻo dai, nhưng còn có ý nghĩa: khi đến một nơi mà nhìn thấy có
hàng vông thì dấu chỉ đó là đến nơi thị xã, nơi sầm uất có đông dân cư, có công
sở, đánh dấu sự phát triển của vùng đất. Tiếp đến, tính từ thời điểm 1923 (năm
xuất bản bài viết) đến nay cũng đã 90 năm (1923-2013), nhưng theo tác giả T.D.N,
lúc ấy đã trông thấy “đôi ba dẫy cây-vông hiện ra”, nghĩa là những cây vông đã
khá lớn. Như vậy tuổi cây vông tính đến nay dễ chừng cũng 100 năm hoặc hơn nữa!
Điều an ủi là
hiện nay vẫn còn một cây Giông cổ thụ, đầu cầu trước khách sạn Dak Bla. Đây là
cây Giông duy nhất còn sót lại, thân cây và tàn lá khá đẹp.
Thành phố Kon
Tum đang phấn đấu để đạt tiêu chuẩn đô thị loại II tới năm 2020. Liệu có ai còn
nhớ đến “nơi đô-hội” Kon Tum thuở xưa với đôi ba hàng vông dẫn vào thị xã…?
Lịch sử, quả
thật đâu có khô khan như thuở học trò chúng mình hay ta thán! Lịch sử sống động,
chan chứa tình cảm, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, mỗi bóng cây, bến nước
đều mang đậm chất nhân văn, thắm đượm tình người.
Minh
Sơn
16.03.2013
Bản thân tôi từ nhỏ, thường xuyên đi qua lại chỗ mấy hàng cây này, từ thời cầu Đak Bla còn chưa được bê tông hóa, cảm thấy nó như một phần ký ức đẹp đẽ. Nay bị đốn hạ bởi những chủ trương không thích hợp như thế này thì thật là đáng buồn và đáng trách!
Trả lờiXóa