Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

“DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS”, NXB. Hồng-Kông 1889, của Linh mục DOURISBOURE (MEP)




Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu đề tài nghiên cứu "HÌNH THÀNH CHỮ VIẾT  TIẾNG BAHNAR ĐẶC BIỆT QUA “TỰ ĐIỂN“ ẤN PHẨM CỔ CỦA CHA DOURISBOURE năm 1889" của Lm Nguyễn Hoàng Sơn, Gp Kontum, do Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum đăng tải trên trang Blog của Giáo phận : gpkontum.wordpress.com ngày 8.3.2013. 
Trước đây, vào năm 2001, Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN đã tóm lược nội dung quyển Từ điển quý hiếm này. Hôm nay, như trong lời giới thiệu : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là con đường “ĐẠO HIẾU NGHĨA” của người tín hữu công giáo Giáo phận Kontum và cũng là của dân tộc Việt nam nói chung, nên nhân dịp Mừng 165 năm khai sáng vùng Truyền giáo Tây nguyên (1848 – 2013),  Kỷ niệm 100 năm xây dụng Nhà thờ Chính Tòa Kontum (1913 – 2013), và một số kỷ niệm đáng ghi nhớ khác trong Giáo phận, Ban Truyền thông xin giới thiệu quyển Tự Điển “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS” là gia sản văn hóa độc đáo, trong phương hướng phát triển bền vững của vùng dân tộc Bahnar Tây nguyênqua phần điểm sách của Linh Mục NGUYỄN HOÀNG SƠN  sau đây .

XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
  -------------------------

Dictionnaire Bahnar-Français / à sa grandeur Monseigneur Van  Camelbeke / Dourisboure, P.X. / Dictionnaire Bahnar-Français / références bibliographiques / Dourisboure, P.X. /   




Dictionnaire Bahnar-Français / notions de grammaire. partie I: 5.5.affirmations et négations / Dourisboure, P.X. / Dictionnaire Bahnar-Français / alphabet bahnar / Dourisboure, P.X. /        



 HÌNH THÀNH CHỮ VIẾT  TIẾNG BAHNAR
ĐẶC BIỆT QUA “TỰ ĐIỂN“
ẤN PHẨM CỔ
CỦA CHA DOURISBOURE
 Năm 1889

    LỜI NÓI ĐẦU :
       Chúng tôi xin ghi lại đây như lời giới thiệu về một số điểm được Linh Mục thừa sai  DOURISBOURE ÂN  (MEP ) đã dày công nghiêm cứu và hình thành trong quyển tự điển cổ trên 110 năm (1889-2001)  :
 “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS”, Hồng-Kông 1889.
      Chúng tôi cố gắng ghi nguyên dạng chữ viết của tác giả được in ấn trong quyển tự điển, dù ngày nay có một số cách viết khác biệt. Chúng tôi cũng xin trình trước về khả năng giới hạn nhiều mặt của chúng tôi, như kỷ thuật ghi chép của chúng tôi chưa chuẩn, dù muốn ghi lại nguyên dạng từ ngữ viết tiếng Bahnar trong quyển tự điển nầy mà chưa được, vì có những dấu hiệu viết như dấu gạch ngang (-) trên các nguyên âm được tác giả phân định cách đọc khác biệt của các từ ngữ, thì chúng tôi chưa làm được. Thay vì dấu ngạch ngang ( – ) trên nguyên âm, chúng tôi xin tạm  dùng dấu ngã  (~).
     Với những hạn chế đó, chúng tôi mong quý đọc giả nghiên cứu trực tiếp ngay trên ấn phẩm cổ “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS” này, một đóng góp cực kỳ quan trọng trong công trình hội nhập văn hoá của những người đi trước và để rút ra những kho tàng quý báu, làm lợi cho thế  hệ  con cháu tương lai.

KONTUM, tháng 10 năm 2001
Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN 

HÌNH THÀNH CHỮ VIẾT TIẾNG BAHNAR
ĐẶC BIỆT QUA “TỰ ĐIỂN “ ẤN PHẨM CỔ
CỦA CHA DOURISBOURE

Truyền thống “cần biết việc, biết người, biết ngôn ngữ, tôn trọng văn hóa bản xứ“ được Công Đồng địa phương tại JUTHIA (Thái-Lan) vào năm 1664 định hướng rõ nét trong ‘MONITA’ như nguyên tắc truyền giáo cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris[1]. Nên trên bước đường truyền giáo Tây Nguyên, vừa đặt chân lên vùng đất anh em dân tộc Bahnar tại KON KƠLANG (năm 1851) các vị thừa sai bắt đầu học tiếng dân tộc. Ý định đầu  tiên của Đức Cha CUENOT THỂ, Giám Mục Giám Quản Địa phận Đông Đàng Trong gởi các  nhóm linh mục truyền giáo lên rao giảng Tin Mừng cho cả một vùng rộng lớn bao trùm các dân tộc Tây nguyên, đất nước Lào và bắc Campuchia. Đức Cha đã gởi cho các Ngài sách học tiếng Xiêm-La (Thái) vì gần giống tiếng Lào. Chương trình nầy không thể thực hiện được vì  thực tế  các nhóm truyền giáo chỉ truyền giáo cho  các dân tộc vùng Tây nguyên nầy cũng đã làm cho các Ngài phải kiệt sức rồi[2]. Khi đến KON-KƠXÂM và dần dần được dân làng tin tưởng mộ mến, nhất là được ông HMUR, chủ làng tận tình giúp đỡ, các Ngài bắt đầu học tiếng Bahnar. Cha Dourisboure ghi lại những khó nhọc vất vả để khởi đầu việc học tiếng Bahnar như sau :
Trên đời nầy, ít có cái gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có tự điển, không có thông ngôn; và nhất là khi những người nói thổ âm là  những anh em thượng khốn khổ, biết ít hiểu chậm. Người Thượng sẽ nói cho chúng ta cái kia cái nọ tiếng thượng gọi là gì, nếu chúng ta chỉ tay vào đồ vật đó mà hỏi, nhưng  nếu là những cái trừu tượng thuộc về lãnh vực trí tuệ hay luân lý, tất cả những gì mà giác quan không tiếp xúc được thì chúng ta cố một mình tự đoán lấy mà thôi, (…). Để giải thích một từ ngữ, họ chỉ biết lặp lại thôi. Ví dụ : ta hỏi họ : ‘TIN’ là gì ?. Họ sẽ trả lời ‘TIN’ là ‘TIN’ – Thôi được , nhưng nầy giải thích  một cách khác đi , ‘TIN’ có nghĩa như thế nào ?”. – “ Kìa”, tôi nói chắc chắn với ông : ‘TIN’ có nghĩa là ‘TIN’. Nói thêm nữa vô ích!.  Họ sẽ ngạc nhiên rằng chúng ta không hiểu nổi “TIN” có nghĩa là “TIN”, chấm hết ! (…).
“Tôi trở lại câu chuyện. Các cha COMBES, FONTAINE và tôi, chúng tôi đến ở nhà ông HMUR. Sáng sớm và chiều tối, thời gian duy nhất trong ngày mà anh em thượng rảnh rang ở nhà, chúng tôi đến nhà rông học hỏi năm ba tự. Mỗi người cầm tay khúc bút chì và một mảnh giấy và vừa khi mà mình tưởng đã nắm được ý nghĩa của một tiếng liền vội vã ghi vào. Đến lúc anh em thượng đã đi rãy hoặc đi ngủ, thì ba chúng tôi tụ hợp lại, so sánh những điều đã ghi chú, và đúc kết lại những điều chúng tôi đã học được hoặc tưởng là đã học được. Chúng tôi thường hay hỏi ông HMUR nhiều nhất, ông thường thức với chúng tôi rất khuya “ [3].
Các vị thừa sai trong lúc học tiếng Bahnar đã bắt đầu phiên âm tiếng nói qua chữ viết bằng  tự  latinh. Hình thành chữ viết là cả một quá trình lâu dài của tập thể các vị thừa sai. Nói như thế không có nghĩa mỗi vị không có đường hướng riêng. Từ trước đến ngày nay, suốt hơn 150 năm qua, có nhiều bản thảo và tự điển viết tay hoặc đã cho ấn loát. Quyển tự điển đầu tiên của tiếng Bahnar được ấn bản tiên khởi, và đã phát hành là của cha DOURISBOURE có tựa đề “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS”, Hồng-Kông 1889. Sau đó có nhiều quyển tự điển nhỏ ấn hành  như của hai tác giả là Ong GUILLEMINET và linh mục thừa sai ALBETRY, có tựa “LEXIQUE FRANÇAIS-BAHNAR et BAHNAR-FRANÇAIS“, nhà in Hànội, 1940. Có một số sách dạy tiếng Bahnar như của linh mục thừa sai ALBETRY và ông J. PICHARDIE,”Manuel de conversation Français-Bahnar “, in lần thứ nhất, Sàigòn năm 1944. Năm 1959, nhà in trường CUENOT của địa phận cho ra quyển “Hlabar tơblơ Nơr Bahnar-Juơn-Phalang”.  Suốt thời gian nầy, nhiều linh mục thừa sai cũng như bản xứ như cha HUTINET NHÌ, Cha CURIEN KIM, linh mục người dân tộc Antôn DEN (cha Học) hiệu chính lại cách viết tiếng Bahnar cho chuẩn. Chữ viết bằng tiếng Bahnar đã ứng dụng trong cuộc sống giao tế, nhất là trong đời sống tôn giáo đã có từ lâu, đặc biệt là những bài giáo lý hoặc đã xử dụng rộng rãi được in ấn trong nguyệt san  HLABAR TƠBANG từ đầu năm 1911.
Ngoài những quyển tự điển Pháp-Bahnar hoặc Bahnar-Pháp, các linh mục thừa sai tạo chữ viết cho dân tộc Sơđang như linh mục thừa sai DOURISBOURE hoặc như  linh mục CRÉTIN XUÂN san định lại sau nầy [4] . Linh mục thừa sai J. KEMLIN cũng dùng một số câu viết phiên âm tiếng nói JRAI trong sách nghiên cứu về phong tục của các cư dân, trong  số đó có những chữ viết  của người JRAI, SƠDANG và RƠNGAO…[5]. Linh mục JACQUES DOURNES ĐỨC hoàn thành quyển “ Ébauche de dictionnaire de la langue Jơrai“ từ 1955-1964[6] sau khi nghiên cứu những cách viết tiếng Jrai đang hiện phổ biến lúc đó của các  nhóm  khác.

Chúng tôi xin trình bày đề tài nầy theo các đề mục :
I – Tiếng nói và chữ viết nói chung.
II- Chữ Bahnar trong việc hình thành.
III- Phân tích khái quát các nguyên tắc tạo chữ viết – nói đúng hơn là cách phiên-âm – theo quyển tự điển BAHNAR-FRANÇAIS của linh mục DOURISBOURE ÂN, Hồng-Kông, 1889.
Sau cùng là một vài cảm nghĩ.

I -TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT.
Tiếng nói và chữ viết gắn liền với nhau  – dù không phải khi nào cũng đồng hành với nhau – tạo nên phương thế sinh tồn và tiến bộ con người. Nên trước khi tìm hiểu chữ viết BAHNAR , chúng tôi xin trình bày tiếng nói và chữ viết nói chung.
1- TƯƠNG QUAN.
Tiếng nói của con người là công cụ quí báu để giao tiếp, bảo tồn  các mối quan hệ khắng khít xã hội. Nó giúp con người trao đổi tâm tình, ý hướng, phổ bién ngoại cảnh, thông tri cho nhau kiến thức …. Nhờ tiếng nói, con người hiện sinh như một “chủ thể mở, tự do, thông giao“ với những  chủ thể khác. Nó gắn liền với bản năng sinh tồn và tiến bộ. Không có tiếng nói, không có văn minh, không có mối tương quan dân tộc.
Tiếng nói phát ra bằng âm thanh, bị giới hạn trong không gian và thời gian. Trong khi đó chữ viết là một trong những phương thế được  con người sáng tạo để ghi lại nội dung của  tiếng nói hầu giảm thiểu những giới hạn về  mặt  không gian và thời gian của nó. Tiếng nói – thứ-ngôn-ngữ-phát-âm có từ xa xưa, có thể nói  nó có đồng thời với  con người xã hội. Còn ngôn-ngữ-viết mới được xử dụng muộn hơn. Ngôn ngữ viết dựa vào các loại hình “dấu-hiệu-thấy” để họa lại “ngôn-ngữ-tiếng (hay nói)”. Nên ngôn-ngữ-nói được họa lại bằng nhiều loại dấu-hiệu-thấy, nghĩa là trong đó có chữ viết. Ví dụ : tiếng Việt-nam (tiếng phô thông) có thể được dùng bằng chữ “nôm” hoặc theo lối phiên âm theo mẫu-tự-latinh. Do đó, ngôn ngữ viết mang tính cách đa dạng, tự do, tiến hóa theo thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh.

2- TẠI SAO CÓ CHỮ VIẾT.
Tiếng nói gắn liền với bản năng sinh tồn, với tính xã hội con người. Nhưng tiếng nói luôn kèm theo những loại hình dấu-hiệu-thấy khác như điệu bộ để diễn tả tâm tình, ý hướng làm cho tròn đầy ý nghĩa hơn. Do đó, thông tin giữa những người đứng ngoài tầm tiếng nói, người ta dùng điệu bộ chân tay, cây que, lửa … Người ta còn dùng cách khắc dấu hiệu trên thân cây, đất đá, sò hến, thắt nút… để ghi biến cố, bảo tồn cho lâu bền hơn. Người ta còn có nhu cầu giao dịch, buôn bán, nên dần dần tạo dấu hiệu viết như dân vùng Phénicien. Nói cách khác, để khắc phục sự hạn chế bỡi không gian và thời gian của ngôn ngữ nói, người ta tìm nhiều phương thế khác nhau, trong đó ngôn-ngữ-viết đã xuất hiện cách đây 4-5 ngàn năm. Ngày nay người ta dùng phương pháp kỷ thuật ghi âm, phát thanh, phát hình, vi tính, tin học … cũng do nhu cầu cơ bản đó.

3- CÁC LOẠI  CHỮ VIẾT.
Nhiều loại hình viết khác nhau xuất hiện theo từng vùng văn hóa như vùng Lưỡng Hà Địa, La-Hy, An Độ, Trung Hoa… Trong cùng loại hình, chữ  viết cũng mang tính tiến hóa theo thời gian như các loại “chữ tượng hình” của người Trung Hoa dần dần vào đời nhà Đường biến hóa thành “chữ hình thanh”.
Ngoài ra, còn loại chữ viết theo phiên âm, đó là những dấu hiệu hình vẽ để ấn định cách phát âm theo từng “âm vị” và loại chữ nầy  cũng có nhiều thứ khác nhau. Chữ Việt nam phổ thông  ngày nay được  phát khởi từ thế kỷ XVI và được xử dụng trong ngôn ngữ công giáo  sôi động vào tiền  thế kỷ XVII  do các cha Dòng Tên[7] và chữ dân tộc Tây nguyên ngày nay được các linh mục thừa sai đặt nền tảng, lấy mẫu tự latinh, với sự thích ứng theo tính chất đặc thù của từng thứ  giọng  phát âm riêng.

II VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ  BAHNAR
Chữ viết của người Bahnar ngày nay cũng như một số chữ viết của cư dân Tây nguyên có lịch sử của nó, gắn liềnvới công cuộc truyền giáo. Sau đây chúng tôi xin trình bày lịch sử dùng mẫu tự latinh   tạo chữ  viết tiếng Bahnar

1 . CHỮ VIẾT VỚI NHU CẦU – TRUYỀN GIÁO.
Sứ mạng chính yếu của các vị thừa sai là rao giảng Lời Chúa, nền luân lý công giáo. Do đó, các vị thừa sai cần thấu hiểu ngôn ngữ nói và tạo ra ngôn ngữ viết như phương thế tối cần thiết cho sứ vụ của mình. Cha Dourisboure xác định điều đó như sau:
“ Thế mà rao giảng Đạo, để giải thích tín lý cao siêu trong một thổ âm nghèo nàn thì phải biết tường tận thổ ngữ đó. Cho nên một trong những phận sự thiết yếu của người thừa sai là học cho rành ngôn ngữ mà ông phải dùng để giảng dạy, ban phép giải tội, hành xử nhiệm vụ thừa tác” [8].
Với cố gắng vượt mức trong thời gian ngắn, các Ngài đã đủ để nghe để nói, để giảng dạy. Đồng thời các ngài ổn cố lại được lối phiên âm cho tiếng nói dựa trên một số nguyên tắc ngữ học, hoặc trên thực dụng âm sắc của tiếng nói. Các Ngài vừa học vừa nghiên cứu cách phiên âm ra chữ viết tiếng Bahnar.
Khi linh mục Dourisboure lên ở KONTRANG một mình vào năm 1852 giữa những anh em dân tộc, với thổ ngữ xa lạ, Ngài cảm thấy một nỗi buồn da diết. Lúc đó Ngài bắt đầu học tiếng Sơđang rất cần cho giao dịch và dạy giáo lý. Tạm trú tại nhà ông LAM, được sự giúp đỡ tận tình của ông, con cái, và  người nhà, Ngài biết vừa đủ thổ ngữ, lúc đó:
“Cha COMBES thì đã soạn xong một tập giáo lý bằng tiếng Bahnar và đã dịch xong sách bổn bên kinh mà người giáo hữu nào cũng phải biết và phải đọc. Tôi – Ngài nói – đã dịch tất cả công trình  của Người từ tiếng Bahnar sang tiếng Sơđang” [9].
2- DẠY ĐỌC VÀ DẠY VIẾT CHO NGƯỜI DÂN TỘC.
Sau một thời gian ở vùng Sơđang-Rơngao, cha Doursiboure trở lại vùng Bahnar. Ngài có dịp nghiên cứu tiếng Bahnar với mục đích phiên âm tiếng Bahnar cho chuẩn như chữ phổ thông cho cả vùng truyền giáo. Ngài cố gắng trong thời gian dài để hoàn thành một quyển TỰ ĐIỂN BAHNAR – FRANÇAIS dựa trên  những nguyên tắc ngữ học rất khoa học. Trong khi đó cha Bề Trên COMBES cũng tạo chữ viết cho tiếng Bahnar theo một hướng khác : phiên âm tiếng nói  theo cách  phát âm nói.
“Người ta thấy cách thế khác nhau mà  hai Vị thừa sai dùng để viết các tiếng dân tộc. Linh mục Combes muốn thể hiện hết sức có thể lối phiên âm thực tế tên các làng, còn chính linh mục Dourisboure trái lại viết tên các làng theo hệ thống chữ viết đã được người Bắc và người Trung xử dụng từ hơn hai thế kỷ nay, khi chuyển qua ngôn ngữ viết tiếng Việt theo kiểu Âu châu”[10].
Các vị thừa sai trước cuối thế kỷ XIX nghiên cứu các thành quả của bậc đàn anh đi trước để soạn sách dạy chữ cho các thanh niên nam nữ người dân tộc. Thập niên 90 của thế kỷ XIX, cha Bề trên VIALLETON TRUYỀN quan tâm đặc biệt san định chữ viết  tiếng Bahnar, soạn bài dạy cho thanh niên nam nữ dân tộc học đọc học viết [11]. Ngay cả cha Guerlach đến vùng Jơlơng (phía Đông Kontum) xa xôi hẻo lánh tại cư dân  SEUNGLOK cũng cố gắng dạy cho một số thanh niên nam nữ học đọc học viết tiếng Bahnar. Ngài viết :
“Được lão luyện từ lúc trẻ tuổi trong mọi thao tác chân tay. họ (cư dân Seunglok) rất nhanh nhẹ là thường leo treo nhu  các “chú khỉ con”. Trái lại họ tỏ ra rất cực nhọc, khó chịu với những  thao tác trí tuệ. Tôi muốn chọn 2 hoặc 3 anh thanh niên thông minh nhất và dạy cho họ đọc viết. Câu trả lời của họ không có cảm kích tí nào. Để khuyên dụ họ, tôi đã  kể cho  họ  những gương của người dân tộc làng RƠHAI và KONTUM đã biết đọc và biết viết. Các cộng đoàn KONTUM cũng bắt  đầu làm các trường học , các nơi mà “ học sinh ngày càng đông và cần mẫn học hỏi” [12] .
Vào những năm 1906 (khởi công xây dựng) và năm 1908 (khánh thành), vùng truyền giáo Tây nguyên thiết lập trường CUENOT đào tạo giáo phu – giảng viên giáo lý người dân tộc – Mục đích là dạy giáo lý, đồng thời phụ trách dạy văn hóa cho người dân tộc. Trong trường  đã có một nguyệt san bằng tiếng Bahnar, tên là HLABAR TƠBANG, số  1 ra mắt đọc giả  năm 1911 in bằng bảng đá; số 2 đến số 12 in bằng rônêô; đến số 13 năm 1912 in bằng máy in ấn. Từ khi có  phương tiện ấn loát của địa phận, một số sách bằng tiếng Bahnar về những phần KINH THÁNH, giáo lý, bài hát, những sách giáo khoa văn hóa được phổ biến rộng rãi, chẳng những cho người Bahnar mà cho cả người Sơđang, Jrai như tiếng phổ thông trên vùng Tây nguyên nầy.
Vào những năm 1927-1928, nhu cầu học văn hóa lên cao trong giới thanh niên nam nữ người dân tộc :
“Trong mùa khô, từ tháng 11 đến tháng  giêng, các cha sở mở lớp dạy học trong các họ đạo,  từ  ít lâu đã có trẻ em thượng trai cũng như gái đến học đọc và học viết. Các lớp nầy ngày càng đông và giới thanh niên bắt đầu đòi hỏi trong địa sở chưa kịp tổ chức các lớp đó “ [13] .
3- THỐNG NHẤT PHƯƠNG THỨC PHIÊN ÂM cho các tiếng dân tộc trên vùng Tây nguyên.
Như đã trình bày trên, việc hình thành cách viết các tiếng nói của người dân tộc trên vùng Tây nguyên nầy thường đi liền với công tác truyền giáo, nên có tính  rời rạc tùy nơi  được truyền giáo và cũng còn lệ thuộc nhận thức các nguyên tắc  xây dựng chữ viết. Do đó, vào giữa thập niên  30 thế kỷ XX,  một Ủy Ban đặc biệt gồm 9 thành viên trong đó có linh mục J.B. DÉCROUILLE TÔN, thừa sai KONTUM và thừa sai CASSAIGNE thuộc Hội thừa sai tại Sàigòn đã họp tại ĐÀLẠT bàn thảo về các chữ cái, nguyên tắc xây dựng chữ viết như thế nào để thống nhất cách phiên âm các tiếng bản địa [14] . Nhờ những nguyên tắc và phương pháp đã được Hội nghị nầy thảo, Quan Toàn quyền Đông Dương ấn dịnh các chữ cái, phương thức ký hiệu … vào ngày 2-12-1935, nên chữ viết của  các dân tộc trên toàn vùng có phần thống nhất. Với quá trình hình thành  chữ viết, nhất là tiếng Bahnar được tiếp tục san định lại, qua những tự điển của linh mục thừa sai Alberty cùg với ông Guillemunet (như đã trưng dẫn) hoặc “Conversation Francaise – Bahnar“ của cha Alberty và ông Pichardie, Sàigòn 1944, v.v…. chữ viết tiếng Bahnar tạm ổn định cho việc dạy văn hóa và phổ biến  sách  giáo lý…. Hiện nay cũng có những công trình nghiên cứu chữ viết tiếng dân tộc nói chung, chữ Bahnar nói riêng như từ năm 1996 đến 2000 một đội ngũ của giáo phận  đã tiến hành công việc vừa san định vừa tổng hợp các tự điển của cha Dourisboure, các cha Alberty và những từ điển có sẵn thành một tự  điển đầy đủ và có tính khoa học,  nhưng chưa có dịp xuất bản.
Chúng tôi vừa lược thoáng các tiến trình hình thành chữ viết qua những giai đoạn chính để chúng ta có cái nhìn tổng quát, đặt đúng vai trò và thời gian của quyển TỰ ĐIỂN tiếng BAHNAR- FRANÇAIS  cổ của  linh mục thừa sai  DOURISBOURE. Đây là quyển TỰ ĐIỂN đã in ấn lâu đời nhất trên 110 năm. Hình thành và chào đời của  TỰ ĐIỂN nầy cũng có những  khổ công, nhất là một sự an bài đặc biệt thoát “NẠN” cách “ LẠ LÙNG”  và  còn  “MAY” tồn tại đến ngày được lên khuôn trong bản  ấn phẩm vào năm 1889 (Hồng Kông). Ngoài  “cái may” hiếm có đó, điều hữu ích của quyển TỰ ĐIỂN là phần đầu bàn về âm vị, cách thức phát âm, văn phạm … Sau  đây, chúng tôi xin trình bày NỘI DUNG TỰ ĐIỂN với vài nhận định khái quát trong phần  III sau đây.

III- PHÂN TÍCH KHÁI QUÁT CÁC NGUYÊN TẮC
                            TẠO CHỮ VIẾT.
             – NÓI ĐÚNG HƠN LÀ PHIÊN ÂM -
THEO QUYỂN TỪ  ĐIỂN BAHNAR -FRANÇAIS  CỔ.
A- Trước khi đi đến phần phân tích cụ thể quyển Từ Điển  cổ nầy, thiết nghĩ chúng ta cần có một vài nhận định sơ khởi như sau:
1- Linh mục DOURISBOURE là thừa sai Pháp, như vậy Ngài lấy mẫu tự latinh để xây dựng chữ viết cho tiếng nói Bahnar là việc đương nhiên vì  tiện lợi in ấn, giảng dạy và đồng bộ với  chữ  viết  của tiếng Việt nam; đồng thời cách phát âm giọng Pháp có ảnh hưởng trong việc phiên âm ra chữ Bahnar, điều nầy không có chi lạ cả. Nhưng nếu so sánh  khía  cạnh thời gian  từ  khi  hình thành đến hoàn chỉnh chữ Bahnar với chữ  tiếng Việt, thì chữ Bahnar nhanh hơn nhiều, nhờ đã có những tiến bộ về khoa ngữ học và có  sự  tham dự  tích cực của các linh mục bản xứ trong đó có cha DO, cha BẢO, cha NGUYÊN …
2- Quyển Từ Điển nầy được hình thành chính yếu do công sức của Ngài, nhất là do Ngài định hướng dựa trên những nguyên tắc rõ ràng và vững chắc sau đây:
a/ Theo hệ thống âm vị, điệu âm của tiếng Việt hết sức có thể.
b/ Tự điển nầy nhằm mục đích cho những người có vốn tiếng tiếng Pháp xử dụng, nên  phần đầu của quyển Tự Điển có những dẫn giải về “âm-vị-học” (để xét tính chất ngữ âm, cách phân bổ các âm vị trong tiếng Bahnar ), cũng như ngữ-thái-học (để xét hình thù và cách xếp đặt những tiếp đầu ngữ, vĩ ngữ, chữ ghép trong các tiếng…)
c/ Các mẫu tự chính, phụ, tổ hợp âm vị … được dựa trên phương tiện ấn loát hiện hành, trừ một số âm sắc đặc thù của tiếng Bahnar.

B - Ấn phẩm nầy dựa trên  bản thảo nào ?.
           Cũng như bố cục như thế nào ?.
1- DỰA TRÊN BẢN THẢO NÀO ?.
Chúng tôi xin nói ngay rằng bản thảo viết tay của linh mục DOURISBOURE bị mất trong vụ  đánh phá năm 1885 tại chủng viện NƯỚC NHỈ (Giáo phận Quinhơn). Câu chuyện như thế nầy: khi linh mục GUERLACH mới qua Việt nam, đang học tiếng Việt tại GIA-HỰU với linh mục GEFFROY may gặp được  Cha DOURISBOURE tại đây (1881), đã “vụng trộm “ sao lại toàn bộ thủ  bản TỰ ĐIỂN nầy. Khi Cha Guerlach biết bản thảo viết tay của cha Dourisboure bị mất, đã gởi cho Người bản sao viết tay của Ngài. Cha DOURISBOURE dùng bản sao viết tay nầy và có điều chỉnh thêm bớt của Cha Dourisboure để in cuốn TỰ ĐIỂN BAHNAR-FRANÇAIS hiện tại. Quyển Tự điển được cưu mang như chúng tôi đã  nói GẶP  MAY THOÁT NẠN LẠ LÙNG là thế đó. Quyển  TỰ ĐIỂN được in ấn và phát hành tại Hồng-Kông 1889 khi cha DOURISBOURE trên đường về Pháp nghỉ dưởng sức [15].

2- BỐ CỤC NỘI DUNG CỦA TỪ ĐIỂN.
Quyển  TỰ ĐIỂN được chia ra hai phần chính :
PHẦN NHẤT :từ trang I đến XLV : Am – vị, cách phát âm, văn phạm.
PHẦN HAI : từ trang 1 đến 363 : phần từ  (phần Tự Điển đúng nghĩa).
Ngoài ra, nhà in cho đóng xen kẽ những tờ  giấy trắng dễ dễ ghi chú bổ túc sau nầy. Điều đó nói lên tác giả vẫn cho rằng phần đóng góp của TỰ ĐIỂN vẫn còn giới hạn cần bổ túc thêm. Tự Điển  khổ 18cm x 12cm. Chúng tôi  xin đi vào  NỘI DUNG từng phần.

P H Ầ N    N H Ấ T
Sau những lời ghi kính nhớ Đức Giám Mục CHÂN PHƯỚC – nay là HIỂN THÁNH – STÊPHANÔ CUENOT THỂ, tác giả đề lời  kính dâng lên Đức Cha VAN CAMELBECKE, Giám mục HIÉROCÉSARÉE, Giám Quản Tông Tòa địa phận Đông Đàng Trong. Quyển Từ Điển, một công  trình biên soạn mất bao công sức của  tác giả.  Sau đó, tác giả trình bày các mẫu tự,  âm vị, cách phát âm và ngữ pháp.
Chúng ta có thể chia PHẦN NHẤT nầy thành hai đề mục sau:
ĐỀ MỤC MỘT : các mẫu tự, cách phát âm.
ĐỀ MỤC HAI : Ngữ pháp  gồm các tự loại và những chữ gốc – chữ ghép.

A-  ĐỀ MỤC MỘT :  CÁC MẪU TỰ – CÁCH PHÁT ÂM.

1 – CÁC MẪU TỰ : các âm vị của tiếng  Bahnar  có những  chữ cái sau đây :
A, B, D, E, G, H, I,Y, J, K, L, M, N, O, Ơ, P, R, T,U, Ư, X.
Người ta còn dùng những phụ âm kép sau đây :
Ch, kh, nh, th, bl, hl, ml, hm, hn, tx, br, dr, gr, kr, mr, pr, tr.
Sau cùng có những tổ hợp 3 phụ âm kết tiếp:
Hng, Hnh, Ngl.
Trong tiếng  Bahnar người ta không xử dụng những chữ  C  (đơn giản), F, S, V và Z. Chữ  ‘C (cứng), q và k có cùng một dấu  ‘ (dấu sắc), người ta chỉ giữ lại chữ  K .
Còn những chữ C (mềm), F, V, Z, vì âm sắc của chúng không có trong tiếng Bahnar, nên lẽ đương nhiên chúng không tồn  tại trong chữ viết.

2- Cách phát âm.
CÁC TỪ : a, b, d, e, h, i, k, l, m, n, o, p, r, t, cũng như các phụ âm kép :bl, br, dr, gl, gr, kl, kr, pl, pr, tr, phát  âm giống tiếng latinh hoặc tiếng Pháp. Riêng chữ : h  luôn được phát âm đọc, trừ khi nó đi trước chữ   n.
CÁC VẦN : ha, he, hi, ho, hu , được phát âm như âm những tiếng Pháp sau đây : halle; héros, hideux.
CÁC CHỮ :  g, h, y, i, ơ, ư, x.
Chữ   g   luôn phát âm cứng, dù theo sau nó là bất cứ nguyên âm nào.
Chữ   h  có 2 trường hợp không gặp trong tiếng Pháp  và latinh :
1/  khi nó được đặt ở sau, Ví dụ:  Mah (đủ) ;  Mih (ông cậu).
2/  Khi nó đi trước một phụ âm khác : Hma (quen); Hnam (cái nhà). Kể cả các trường hợp nầy,  h   cũng được phát âm nhẹ.
Sau đó, tác giả chỉ dẫn cách phát âm từng chữ : y,  i, ơ, ư, x  cách tỉ mỉ.
CÁC CHỮ : ch, kh, nh, ph, th.
Chữ :  ch    của tiếng Bahnar được phát âm  hoàn toàn giống  “ch”  trong tiếng Việt (hoàn toàn khác với tiếng Pháp).
Chữ  : kh    phát âm (thanh hầu) bằng cách thở mạnh giống  X của Hylạp.
Chữ   : nh    phát âm giống   gna, gne … của tiếng Pháp.
Chữ :  ph   phát âm gần giống  : philosophie, nhưng phát âm từ  p  cứng hơn nhiều.
Chữ :  th   luôn phát âm có  khí âm tương đương chữ  “thêta” của tiếng Hylạp.
Các “tập hợp phụ âm”  không có trong tiếng Pháp, nhưng có trong tiếng Bahnar : ml, mr, tx,  ng, ngl, hng : phát âm theo kiểu viết.

CÁC DẤU :
Tiếng Bahnar không có thanh điệu trầm bổng như tiếng Việt-nam hay tiếng Trung Hoa. Vậy, nó không có ký hiệu thanh để chỉ giọng trầm bổng, nhưng chỉ đơn thuần những nguyên âm dài ngắn mạnh nhẹ. Người ta có thể phân biệt chúng nhờ những dấu hiệu quen thuộc ghi trên các nguyên âm như sau:
ă,  e ,   i ,  o ,  u ,  ơ ,  ư .
a , e ,  i ,  o ,  u ,  ơ ,  ư  (tác giả thêm gạch – phía trên các từ  nầy)
Bị chú: Trong bài nghiên cứu nầy, chúng tôi xin viết  bằng dấu (~) trên nguyên âm thay cho  dấu  ngang ( – )
Các  nguyên  âm  :  o ,  a  ,  không kể một trong 2 dấu  nói trên, cũng thường có thêm dấu  mũ nữa  :    ô ,  â , ô ,  o ,  â  â (có ngạch ngang trên dấu   â )
CHỮ : ô  được đọc như tiếng  Pháp : Pô (bạn).
CHỮ : â đọc trầm giống như  ơ  ;
người  ta viết không có khác nhau  kikiâ hay  kikiơ .
Chúng tôi vừa lược dịch  MỤC MỘT  về các ÂM VỊ; nguyên âm, phụ âm, cách dùng tổ hợp hai hay ba từ ghép lại để tập hợp các phụ âm cũng như về cách dùng  các  dấu  phụ để ghi trên các nguyên âm. Tác giả  tôn  trọng bản sắc tiếng, nên còn dùng  hai dấu  hiệu phụ trên mỗi một nguyên âm v.v… Hiện nay, chúng tôi cũng thiếu ký tự để ghi chính xác cách viết của tác giả như trong quyển từ điển “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS của Linh mục Dourisboure.! Điều đó, chúng ta muốn nói lên  rằng tác giả nghiên cứu nghiêm túc, có tính khoa học ngữ  học để phiên âm chuẩn xác tiếng Bahnar theo cách phát âm và ghi  nhận âm của tác giả là người Âu châu.  Và để có thể in được từ đặc thù nầy, Ngài đã cho đúc một số chữ riêng  thích hợp để  in ấn.  Cho nên Tự điển cổ nầy là một ấn phẩm đầy công phu và tâm huyết .

B-  ĐỀ  MỤC  HAI :  NGỮ PHÁP (VĂN PHẠM).

Tác giả phân tích tiếng Bahnar theo hình thái xếp đặt  của câu nói… Trong ĐỀ MỤC HAI nầy, chúng tôi xin trình bày hai  tiết .

   TIẾT  MỘT:
CÁC  TỰ  LOẠI của VĂN  TỪ
Tác giả phân tích có hệ thống và trình bày ngôn ngữ nói của người Bahnar thành những  TỰ LOẠI khác nhau theo phạm trù  Pháp văn. Ngài chia ra  TÁM TỰ LOAI văn từ.
/  DANH TỪ:
1 - Các  loại danh từ:
Tiếng Bahnar  cũng như các thứ tiếng khác có danh từ riêng, danh từ chung : Deh Juơn : Việt Nam ; de Petro : Phêrô ; rơmo : con bò .
Đối với những danh từ trừu tượng, người Bahnar hoàn toàn không có. Có cách thế bổ túc :
1/ Người ta thêm chữ  “tơdrong” (việc, sự) vào trước một động từ hoặc tỉnh từ.
Ví dụ : Manãt (thương xót) : tơdrong manãt : sự thương xót.
Alah (lười biếng)  : tơdrong alah  : sự  lười  biếng .
2/  Người ta dùng động từ, tỉnh từ,  trạng từ như danh từ.
Ví dụ : Inh bôh tơdam xơ : tôi đã thấy  tuổi trẻ của nó
    Dịch từng chữ : tôi đã thấy  (con người) thanh niên của nó.
3/  Các động từ và tỉnh từ được dùng một mình có thể coi  như là danh từ.
Ví du  :  Iu  kikiâ kơ harah ? : Tại sao sợ sự đói kém?
    Dịch theo từng chữ : tại sao  sợ đói ?.
BỊ CHÚ  :    Có  một số danh từ chung được dùng nghĩa bóng, cũng có thể được xem như  những danh từ trừu tượng.
Ví dụ :  Don, jơhngâm, bơnôh …
2 – Giống :
Để  chỉ người : giống đực, cần thêm vào tiếng  đó các chữ : kơdrăng hay dranglo ; chỉ giống cái , thêm chữ : kơdri hay drăkăn, akăn ; vật đực : tơnõ, tonõ ; con vật cái : akăn : ơkeh tơnõ : con ngựa đực ; ơkeh akăn : ngựa cái ; chỉ các loài  chim  đực thêm :  tơmông ; con vật cái thêm akăn : Vd : Ir tơmông : gà trống ; Ir akăn : gà mái.
3/  Các  biến cách .
Tiếng Bahnar không có biến cách, nhưng chủ từ  thường để trước động từ. Tác giả phân tích tỉ mỉ các nhiệm vụ của các tiếng trong câu. Các nhiệm vụ, vị trí của các “TỪ” trong câu thường tương đương nhiệm vụ, vị trí như “TỪ” trong tiếng Việt.
Bă Iăng ji pơjing plenh teh : Thiên Chúa dựng nên trời và đất.
II/  TĨNH TỪ:
Tác giả phân ra  hai loại  TĨNH TỪ : hình dung từ và tỉnh từ chỉ số lượng.
1 – Hình dung từ :
Hình dung từ được đặt ngay sau danh từ mà nó bổ túc.
Ví dụ   :    Bơngai rơgey : con người quảng đại, tốt.
Hình dung từ so sánh : có thêm chữ “ Loi “ sau tỉnh từ.
Ví dụ  : Lơng : tốt ; lơng loi : tốt hơn.
Tối thượng cấp: người ta thường dùng từ “tơpă, jăt, ngây, iong“.
Ví dụ  : Kơni jăt : xấu hết sức.
Ví dụ  : alah iong: làm biếng hết sức.

2 - Tinh từ chỉ số lượng : số đếm
Khi số  “ MỘT”  không có chữ nào đi theo nó, người  dân tộc dùng “ MÔNH”; khi có  chữ nào theo nó, thì dùng “MING”.
Ví dụ  : ming jit  mônh : mười một.
+ Mônh , ming : một   + Ming jit               : mười .
+ bar               : hai         + Ming jit mônh  : mười  một.
+ peng             : ba         +  Bar jit                 : hai mươi.
+ puơn             : bốn       + Ming hơrieng     : một trăm.
+ pơdam          : năm    + Ming hơrieng ming jit   110
+ rơdrou           : sáu       + Ming rơbâu         : một ngàn.
+ Tơpơh           : bảy      + Ming hơrieng rơbâu : 110.000
+ Tơhngam      : tám      + Hơrieng rơbâu         : rất nhiều.
+Tơxin             : chín      + Hơrieng harai   : vô số, vô kể.
3 – Tỉnh từ chỉ số thứ tự.
Người ta thêm  chữ  “ mă “ trước số đếm.
Ví dụ : mônh : một ; mă mônh : thứ nhất; mă bar : thứ hai.
4 – Tỉnh từ chỉ số  phân bổ.
Để  có tỉnh từ chỉ số phân bổ (từng…. một..), người ta thêm tiếp đầu ngữ  “ Tơ” và lặp lại số đó  hai lần.
Ví dụ  : Iem mut tơming nu hoặc tơming nu tơming nu:
chúng tôi vào từng người một.

III/    ĐẠI DANH TỪ.

Tiếng Bahnar có 3 loại đại danh từ :
1 – Đại danh từ : nhân vật đại danh từ :
a/ Ngôi thứ nhất số ít : Inh (tôi) . Ví dụ : Inh lui : tôi tin.
Ngôi thứ  nhất số nhiều : Bơn, Nhon.
b/ Ngôi thứ hai số  ít : E  (anh, mầy, chị…)
Ngôi thứ hai số nhiều : Iem (các anh, các chị ….).
c/ Ngôi thứ ba số  ít : Xơ, hăp, gar, ger (nó, gã, hắn…).
Chỉ người có địa vị : Di : Ngài, Đấng
Ngôi thứ ba số nhiều :Kan xơ, Kan hăp, de xơ. de hăp …(chúng nó…)
2 – Đại danh từ  song đối  (cả…)
a/  Ngôi thứ  nhất “bar” : cả hai chúng ta ‘anh và tôi’.
Ví dụ : Ba uih tơ hnam ba, nhong : hai chúng ta về nhà , cả anh và tôi.
“Nhi” (cả hai,  nó và tôi).
b/ Ngôi thứ hai : Mih , măt mih (cả hai anh).
c/ Ngôi thứ ba : Măn xơ , măn hâp, bre, bre  xơ, bre hâp (cả hai chúng nó, cả hai người đó…)
Tác giả  cũng lưu ý vài khía cạnh dùng từ  Bre vì nó có vài khía cạnh khá lạ: Nó có thể được dùng môt mình không cần có từ xơ. Và khi dùng cho thú vật, chỉ dùng từ bre chỉ cả hai, không dùng từ khác kèm theo : Bre rơmõ : cả hai con bò; bre unh bre dãk : cả lửa và nước.
3- Sở hữu đại từ.
Tiếng Bahnar  không có những chữ chỉ sở hữu đại từ như tiếng Pháp, nhưng chỉ dùng nhân vật  đại từ để sau danh từ được bổ túc.
Ví dụ : pơngol inh : hồn của tôi (hồn tôi); akâu ẽ : thân thể mày.
            Me nhi : Mẹ chúng tôi (cả nó và cả tôi).
            Pơley mih : làng của cả hai anh.
Người ta  cũng có thể dùng “tơngla”  để sau danh  từ cho sở hữu đại từ.
Ví dụ  :  De xara gõ mir tơngla : mỗi người lo cái chàm, cái rẫy của mình.
Hoặc dùng “dơ” trước  danh từ để bổ túc.
Vídụ: Bu pơm me ji băt dơ kon : mọi người mẹ đều thương con của mình.

4- Chỉ định đại danh từ.
Ô : cái nầy ; mă ô : người nầy ; nar ô : ngày hôm nay; Dang ô : bây giờ. dơning dang ô : ngày mai vào giờ nầy.
No ; mă no, mơno :cái kia.
Tõ , mă tõ, mơtõ : cái kia kìa, cái xa kia.
Ví dụ: Ia mơno: người đàn bà nầy; bok mono: ông nầy, vật nầy.
Tác giả  ghi nhiều chỉ định đại danh từ khác cũng như các loại đại từ khác:
Liên đại từ, bất định đại từ ……(xem trang XV)
5 – Chỉ liên từ đại từ : dùng từ : mă.
Ví dụ: Bok mă lơet drou : người chết hôm nay.
6 – Đại từ bất định:
môt người nào đó, những người nào đó: de, de bu,  bu bu,
Ví dụ : De bat : người ta thương mến.
             Uh  kơ bu mă khan le : Không ai nói điều đó.
 IV/   ĐỘNG TỪ.
Tác giả dựa vào phạm trù các thể động từ theo văn phạm Pháp văn để tìm hiểu thể loại động từ trong tiếng Bahnar.
Tiếng Bahnar không có biến cách động từ như Pháp ngữ hay La-ngữ. Nó luôn bất biến, nhưng nhờ những  từ “ chỉ thời gian “ được  thêm vào để ấn định thì hiện tại, quá khứ hoặc  vị lai.
+ Thì  hiện tại :chỉ dùng động từ mà thôi.
+ Thì quá khứ : cần tiềng “kơmlung” (trong lúc); lơm (khi) ; bơt: lúc.
+ Thì quá khứ đã qua xa : thêm những chữ : ji, klaih  đi trước động từ.
Ví dụ  :  inh ji  xong ; inh klaih xong : tôi đã ăn cơm rồi .
Dùng chữ  “boih” đi sau động từ : inh  ji xong boih: tôi ăn cơm rồi.
Còn nhiều từ khác nữa, nhưng ít dùng, để trước đông từ : bloh, xăng . . .
+ Thì  vị lai : dùng các chữ  “ gô”, như
Ví dụ :  Inh gô an kơ  e long apah ming  pôm ge:  tôi sẽ cho anh  một cái ghè để thưởng công.
Hoặc thêm dơning, dơmonh : mai, môt :
Ví dụ: Inh gô nam dơning, dơmonh : tôi sẽ đi vào ngày mai môt.
+ Thì chỉ điều kiện : thêm chữ  “tơbo, tơng mơn, xơbro“.
Ví dụ  : Tơbo inh oă gum e, chong bă inh uh kơ lơh :
              tôi muốn giúp anh, nhưng cha tôi không cho phép.
+ Thì thể mong ước: thêm chữ “thôi” trước  động từ
              hoặc chữ “le , lẽ le “
Ví dụ : Thôi Bă Iăng manãt kơ inh : Xin Chúa thương xót tôi.
+ Động từ thể thụ động.
Tiếng Bahnar không có động từ thể thụ động. Thường khi dùng thể thụ động, cần đổi qua thể tác động. Thay vì tôi được Chúa thương xót, thì đôi:
Bă Iăng manãt kơ inh : Thiên Chúa thương xót
Trong trường hợp muốn dùng thể thụ động, người ta bắt đầu câu bằng một động từ và đặt chủ từ sau đó.
Ví dụ:  Lôet kơ inh, de kon inh gơmring kơ bu ? : Sau  sự chết của tôi (sau khi tôi bị chết : (kiểu nói ablatif absolu của Latinh), con tôi  tìm được ai bảo trợ cho chúng..
+ Túc từ  cho động từ.
     Túc từ để ngay sau động từ.
Trong trường hợp động từ diễn  tả tình cảm, sự lo sợ … thì người ta thêm chữ  “kơ” ở giữa động từ và túc từ.
Ví dụ :  Bat kơ Bă Iăng dăp bơnôh : tôi yêu mến Chúa  hết linh hồn mình; rơhing kơ dãk : khát nước.
Trừ trường hợp : có chữ  “dơ”  thì không dùng “kơ”.
Ví dụ :  bă  bat dơ  kon.
Trong trường hợp bỏ “dơ” thì theo luật chung có “kơ”.
Ví dụ :  bat kơ kon tơngla : thương con mình.
Cùng một động  từ có lúc phải dùng “kơ”, có lúc bỏ.
Tác giả phân tích và trình bày nhiều trường hợp cần quan tâm.

V/  TRANG TỪ. (x. trang XXI)
Để đổi một tỉnh từ sang trạng từ, cần đặt chữ  “mă” trước tỉnh từ đó: Bônh :dễ ; đổi ra trạng từ : mă bônh : cách dễ dàng.
Cách so sánh : làm  như  trên và thêm  “loi”.
Ví dụ  : Mă bônh loi: cách dễ dàng hơn.
Cách tối thượng cấp  : thêm các từ : tơpă, jăt, ngây, iong v.v…
Ví dụ : Bơ mă hơi jăt :  làm việc cách lơ là nhất (hơn cả).
Các trạng từ chỉ nơi chốn:
UBI  (ở nơi nào?)
Hô (từ  rút gọn của hơo) : ở đây . Ví dụ : Oây hô : hãy ở đây.
Hơno : chỗ  kia .
Ví dụ  :  Nhon bich hơno : chúng tôi ngủ ở kia.
Hơtõ : chổ nọ.
Ví dụ  :  Inh bôh xơ hơtõ : Tôi thấy hắn  ở chỗ nọ (xa kia).
QUO  (đi đến đâu)
Tơ, tơô , tơu : đây.  Nam tô, tôu, tơô : Các anh đến đây.
Tơno  : kia.  Nam truh tơno.
Tơtõ  : Đó, xa kia . Ví dụ: Nam truh tơtõ : Đi đến đó.
Tơây , tơey , tơei: (có hoặc không có di chuyển)
UNDE  (Từ chô)
Dơng hô, dơng ô : từ đây
Dơng No : từ chô kia;
Dơng tõ : từ  chô xa kia kìa.
QUA  (đi đến đâu )
Tiâ ô : qua chỗ nầy. Vi dụ : Drơng tiă ô : đi qua chô nầy.
Tiâ no : qua chỗ kia. Brok tiă no : đi qua chô kia
Tiâ tõ : qua chỗ xa kia.
Jâp, jâp jã :  qua mọi nơi.
Tơnai  : qua chỗ khác.
Các trạng từ chỉ nơi chốn, thể nghi  vấn :
Hajơ, haiơ : ở đâu ?. Xơ oây hajơ :: Nó ở đâu ?.
Tajơ, tơiơ : Ở đâu ?. Xơ brok tajơ : nó đi đâu ?
Dơng jơ , dơng iơ ? Từ dâu ?.
Tiajơ,  tiâiơ ? : Qua đâu ?.
Các trạng từ chỉ thời gian.
Drou , nar ô, iơng ô : hôm nay.
Iong bri :hôm qua;  Iong txơ : hôm kia.
Dơning : ngày mai ; Dơmônh : ngày mốt.
Harey : bây giờ. Ling lang : luôn luôn
Tác giả còn liệt  kê nhiều trạng từ chỉ thời gian khác nữa.
Các từ thể khẳng định và phủ định.
O : phải, được, bằng lòng.
    Ví dụ : E hâm gô uih drou ?   -    O :
    Mầy có đến hôm nay không ?  -  Có
Hâm : phải (chỉ dùng trong trường hợp trả lời).
Iôm : không nghi ngờ, hẳn thật.
Ji tơpăt : đúng  vậy.
Uh kơ , ưh kơ : không (nếu có một chữ đi sau chữ  “ưh”…)
Câu hỏi .
Hâm : (để trả lời bằng lòng, có ; cũng dùng trong câu hỏi, thể hỏi, nghi vấn, (đi trước động từ).
Ví dụ:   Hâm bôh me inh  ? : Anh  có thấy mẹ tôi không ?
Lajơ : khi nào ?
Tajơ : ở đâu ?.
Dômjơ ; Dôm iơ : bao nhiêu ?.
Dang iơ : lúc nào ? Xa bao nhiêu ? số lượng bao nhiêu ?.
Tam : (dùng trong câu trả lời) : không, chưa.
Các thành ngữ trạng từ .
Iung, hơjung hơjing : thẳng . Ví dụ : Oây hơjing hơjung : đứng thẳng .
Kuy, kơkuy kơkuy:
Ngir : đối diện : oây hơngir hơngir : đứng, ở đối diện (trước  mặt).
Rong : phía sau

VI/  CÁC GIỚI TỪ.  (x. trang XXVI)
Bớt : tại, ở : Bơt tơm  long : ở gốc cây.
Dal, truh : cho đến chỗ : dơng teh truh plenh : từ đất tới trời.
Dơng : từ. Ví dụ: Dơng ham : từ nhà.
Dơngir : trước mặt . Ví dụ : Dơngir Bă Iăng : trước  mặt Thiên Chúa.
Tác giả liệt kê rất nhiều trạng từ (giới từ) tùy theo cách dùng.

VI/  CÁC LIÊN TỪ.
Dùng “bre”  để nói cả hai người , hai vật.
Ví dụ :   Bre Petro bre Jean : cả Phêrô và Phaolô.
Để  chỉ một số đông  người, vật, người ta dùng “de” được lập lại cho mỗi danh từ .
Ví dụ :  De bă, de me, de nhong, de oh : cả cha, mẹ anh và em.
Có  thể hiểu ngầm liên từ:
Ví dụ  : Nhon ji peng nu : inh, nhong, bă inh : chúng tôi 3 người  tôi, anh tôi, cha tôi.
Người ta dùng  “pang” (với).
Pơley nhon pang pơley iem ji gơnăm : làng của chúng tôi và làng của các anh  thù  địch nhau.
Còn nhiều trạng từ khác.

VIII/  TÁN THÁN TỪ.  ( x. trang  XXVIII)
Tác giả liệt kê  gần 10 từ chỉ tản thán  dùng như sau:
Ahơih, chơgat, he, kơtah , le, lẽ le,  mem le, ơ, răm…
Ví dụ: Răm kơ inh : tội nghiệp cho tôi !.

CHỈ SỐ  LƯỢNG.
Cũng như tiếng Việt, tiếng Bahnar  có một số từ  để chỉ số lượng.
Nu : chỉ số lượng dành cho người, các thiên thần, trừ Thiên Chúa.
Ví  dụ  : Bar nu anjele : hai thiên thần.
Đối với Thiên Chúa  dùng pôm :
Ví dụ:   Ming pôm Bă Iăng : Một Thiên Chúa duy nhất.
Nhưng nói về  ngôi vị thi  dùng   nu
Ví dụ :”Peng nu ming pôm Bă Iang : Ba Ngôi Một Chúa.”
Pôm :  chỉ mọi vật số ít.
To :  chỉ con vật và đồ vật số nhiều : Bar to ơxeh : hai con ngựa.
Apõm : chỉ  đồ vật có hình dáng tròn, vòng.
Ví dụ : Kroi bar apõm : hai quả cam
Ger : chỉ hạt, đồ ăn, cá . Ví dụ ; peng gar ka : ba con cá.
Klăk : chỉ đố vật hình dẹp ( có bề dài và rộng).
Ví dụ: Bar klăk nhik : hai cái cuốc nhỏ.!
Kơl : chỉ người nô lệ và con voi.



CHÚ  Ý  :
  1/ các từ chỉ số lượng phải đi trước danh từ được bổ túc, hay từ “dôm” (bao nhiêu). Người ta không nói : nu bơngai ming, phải nói : ming nu bơngai.
2/ Luôn luôn đặt từ  chỉ số lượng (nu, pôm, to …)  giữa số lượng  (bar, peng, …) và danh từ.
Ví dụ   : (người ta không nói) : Peng hnam hoặc bar bơngai ( hai người);
(phải nói) : Peng to hnam.
Tác giả  cho chúng  ta một số ứng dụng khác nữa.




TIẾT  HAI.

CÁC TỪ GỐC – CHỮ GHÉP     (x. trang XXXI tt)

Các  CHỮ  GỐC hay các tiếng nguyên thủy của người Bahnar nói chung là đơn tiết. Ngay cả những tiếng  có vẻ như đa tiết cũng cần phát âm theo các độc âm nầy dựa trên âm kia. Đối với những  tiếng đa tiết, nói chung đó là chữ ghép. Người ta có thể phân chúng ra hai loại sau đây:
1/ Trong tổ hợp âm-vị, có chen một  từ  hay môt cụm từ mới.
2/ Những tiếng có tiếp đầu ngữ.

I/  CHEN  MỘT VẦN MỚI.

Trong nhiều tiếng gốc bắt đầu bằng  một trong các phụ âm sau: b, d, g, j, k, p, t, x. Hoặc phụ âm đôi như : ch. Người ta sẽ có một chữ ghép bằng cách cho chen  vào một vần “Ơn” giữa phụ âm nầy và phần khác  của tổ hợp âm vị.
Ví dụ : Bơt  : đắp dập, ngăn cản ; Bơnot: việc đắp đập, đắp đê…
Dol:  chông đỡ; Dơnol :  cây chông, cái  đế.
LƯU Ý :
1/  Trong những chữ gốc  mà bắt đầu bằng những phụ âm kép : dr, kr, pr, tr,  người ta thay vần “Ơn” bằng vần “ Ơd”.
Ví dụ : Brăng : đen; Bơdrang : mồ hống, lọ nồi.
Trek   : mọc ; Tơdrek  : mầm, chồi cây.
Trong nhiều tiếng bắt đầu bằng những  vần “Bl” thay vì “Ơn” thì thêm “Ơng”. ( hoặc Ong).
Ví dụ  : Klep : bịt lỗ; Krơglep : nút đậy.

Cũng có trường hợp ngoại lệ.
2/ Nói chung,  tiếng gốc là một động từ và tiếng được phát sinh là danh từ; tuy nhiên người ta thường thấy những danh từ do các danh từ khác, tỉnh từ do tỉnh từ khác mà có. Lúc ấy, các tiếng ghép có một nghĩa khác với tiếng gốc, hay ít ra chúng cũng không đồng nghĩa hoàn toàn.
Ví dụ : Gơr : một nạm ; Gơnơr : nhân vật chính , người vui tính.
Kon : người con ; Kơnon : sinh , số lần sinh nở.
Kơl  : cái đầu ; Kơnơl : cái tai.
3/ Sau cùng, đôi khi, -nhưng rất ít- chữ được tạo ra và chữ gốc cùng một  ý nghĩa.
Ví dụ :  chong, chơnong : nhưng.
Jul , jơnul         : chùm.
Tẽn , tơnẽn      : yên tĩnh.

II/  TIẾP ĐẦU NGỮ        (tr. XXXIIItt)
Rất nhiều tiếng bắt đầu bằng một tiếp đầu ngữ . Những  tiếp đầu ngữ chính là : Pơ, Tơ, Kơ, Bơ.
1 – Tiếp đầu ngữ : PƠ .
Chữ nầy  chỉ là rút ngắn của động từ PƠM : làm. Nó có thể nối với những loại tự : động  từ, tỉnh từ, trạng từ hoặc danh từ. Những tiếng ghép  luôn  trở thành là ĐỘNG TỪ.
1/ PƠ : có nghĩa là làm cho ra, sản sinh …
Ví dụ  :  Dây : có ; Pơdây : làm  cho có, sinh sản.
Et    : uống  ; pơet  : dâng, tặng cho uống.
Lui  : tin ; pơlui  : làm cho tin, đánh lừa.
2/  PƠ  có nghĩa là “ LÀM”.
Ví dụ  :  Gut : xếp, gấp lại ; Pơgut ( cùng nghĩa)
Khin : can đảm ; pơkhin làm  cho can đảm.
LƯU Ý  : Trong loại tự ghép nầy, chữ gốc và chữ ghép thường cùng nghĩa . Tuy nhiên, có những nghĩa đặc thù.
Ví dụ   : Dăr : vòng , vây quanh ; Pơdăr : vây quanh, đánh lừa, nói dối.
3/ Nghĩa đôi của tiếp đầu ngữ : PƠ.
Trong một động từ ghép từ, cụm từ tiếp đầu ngữ  PƠ  có thể có hai nghĩa : làm cho ra ( chỉ tình trạng), làm thành và làm (chỉ tác động) : tùy  trường hợp câu đó đòi hỏi.
Ví dụ   : Ajăt : quân thù ; pơjăt : đặt trong tình trạng bảo vệ, vũ trang hoặc bạo động, chiến đấu.
Dek  ; nhanh ; Pơdek : vội lên hoặc thúc bách.
Dunh : lâu; Pơdunh : trì hoãn.
Tác giả  cũng phân tích  và cho những ví dụ cụ thể các tiếp đầu ngữ khác : Tơ, Nơ, Kơ, Bơ một cách khoa học và có tính nguyên tắc. (x. trang  XXXVI -XXXIX)

P H Ụ  L Ụ C.

CÂN LƯỜNG  – ĐO ĐẠT – TIỀN TỆ.

Tác giả  trình bày về khía cạnh cân lường, đo đạt và tiền nong của người Bahnar. Ngài nói : người Bahnar  không bao giờ dùng cân lường trong việc buôn bán, trao đổi. Ngay tiếng “CÂN” cũng không có trong tiếng nói của họ.
1- Cách đo đạt.
Người Bahnar thường dùng là độ dài trong thiên nhiên hoặc trong thân thể của con người.
Pleh uẽ : chiều cao  của con người  đứng thẳng tay giơ lên và bàn tay xòe thẳng đứng.
Plaih     : một sãi tay theo đường ngang.
Ming pah akâu  : một nửa sải (dịch từng chữ : một bên thân thể).
Còn nhiều đơn vị đo khác nữa như : Hlõh, Hăgăt, xăgăt, Hơdã, xoodã, Mă, Hơbôl, xơbôl  . . . .
2- Dung tích
Khi người ta đông gạo, bắp hay các thứ hạt : muối. bông … người ta đo lường gọi là  Tong ; việc đo  đông gọi là Tơnong.
Jong : là đơn vị như cái gùi, hoàn toàn tùy tiện ấn định chứ không có một tiêu chuẩn qui định nhất  định.
Tác giả còn trình bày cặn kẽ lối đông lường trao đổi của người dân tộc.
3- Tính thời  gian và khoảng cách.
Tính thời gian.
Người Bahnar  không biết  tính giờ hay đại loại như vậy. Họ cũng không biết dặm, cây số hay đơn vị đo lường nào cả. Họ có những cách nói khá mơ hồ để diễn tả thời gian và  khoãng cách xa gần. Tác giả cũng ghi lại một số từ nói đến thời gian : Ming diung, ming anglo (một đời người, ngay cả chỉ một thế kỷ); ming xơnăm, ming hanam : một năm. Khey : môt con trăng lên, một tháng (tính theo trăng lên)  (các tháng của người Bahnar kế tiếp nhau tính cuối  mùa đến lần trồng trọt kế tiếp);  ming mang : môt đêm, Ming pơgẽ: môt buôi sáng, ming kơxơ : môt buôi chiều; Ir o  gôgôl : gà gáy lần nhất… Khá nhiều từ để chỉ thời gian trong cuôc sông của người Bahnar (x. trang XLII – XLIII)
Các tiếng chỉ quãng cách :
Ataih dang ô dang pơley N .  quãng cách từ đây đến làng N.
Brok xơroih truh kơxơ : một  ngày  đàng.
Brơk uih truh minh nar : quãng cách người ta phải đi mất  một ngày đàng (không có ngủ nghỉ).
Và còn nhiều tiếng khác nữa.
4- Tiền tệ.
Cũng như cân lường, người Bahnar không biết về  tiền tệ.
Drăm  là đơn vị  đếm có giá trị nhỏ nhất.
+  10 drăm hay 10 mat thành một Muk, tương đương 10 cái cuốc  hay một tấm vải trắng (khăn bơlăng…).
+  2 muk thành một Xong.
+  4, 5, 6, hoặc 7 tên nô  lệ tương đương  một con voi : ming kơl ruih.

TÓM LẠI :

+ một con voi tương đương  4, 5, 6, hoặc 7 người nô lệ.
+ một nô lệ bằng  4, 5, hoặc 6 cái nồi ( 7 gang tay).
+ một nồi bảy  bằng 6, 7 chiếc ghè.
+ một cái  ghè bằng 40 cái cuốc.
+ một cái cuốc bằng một bát muối.
Tác giả ghi khá chi tiết đơn vị tiền (x. trang XLIV tt)

P H Ầ N   HAI
Sau phần trình bày : mẫu tự, cách phát âm, văn phạm và phụ chương như vừa trình bày ở trên, linh mục Dourisboure đến phần CHÍNH : ngữ vựng . PHẦN HAI  nầy gồm  363 trang (từ trang 1  đến trang 363).
Tiếng Bahnar  được giải nghĩa bằng tiếng Pháp, có những nghĩa chính, nghĩa phụ, nhất là những  ví dụ, thỉnh thoảng giải nghĩa phong tục  tập quán và tâm thức tôn giáo của người Bahnar, đặc biệt tác giả  có ghi những câu mang tính cách thần học, luân lý công giáo. Chúng tôi xin  liệt kê một vài khía cạnh trên như phần giới thiệu điểm sách.

1- TẠO CHỮ.
1 - Tạo thêm chữ:
Như phần trước đã trình bày, tiếng Bahnar đơn tiết. Tuy nhiên có những tiếng đa tiết, đó là chữ ghép. Trong Tự Điển, tác giả  làm sáng tỏ  và cụ thể cách ghép chữ.
+ Đặt: chữ  a  vào đầu  tiếng động từ và tạo được danh từ (x. trang 1)
Ví dụ : tõi : vác trên vai; thêm a sẽ thành atõi : môt cái gánh trên vai;
Đôi khi  thêm từ  a vào trước danh từ, những nghĩa không thay đôi : như từ   par : bay; thêm a vào trước thành apar : bay .
+ Tạo chữ bằng cách thêm từ  d vào giữa  như:
Ví dụ:: Jơrãm (xem Jơdram  – thêm ƠD). (x, trang 144)
2-  Tác giả dùng  hai cách  phiên âm khác nhau cùng tiếng.
Ví dụ  : Atok       (x. Tok )      tr. 20
Xalang : rửa   (x. Halang)  tr. 333.
3- Tác giả cũng giải thích một số cách xử dụng về đo lường, tính năm tháng của người Bahnar .
Ví dụ  : Khey (tr. 152):  đối với người dân tộc Bahnar, các tháng của họ bắt đầu tính cuối mùa đến đầu mùa sau.
4-  Tự điển nầy có công dụng trước nhất giúp cho các linh mục: Linh mục Dourisboure không quên mục đích thiết thực của quyển Từ Điển nầy là giúp cho các vị thừa sai truyền giáo, dạy  giáo lý hoặc người bản xứ học hỏi tiếng để phục vụ Lời Chúa. Do đó tác giả lấy những thành ngữ có tính cách tôn giáo để làm ví dụ.
Ví dụ:   Peng nu lơm Bă Iăng (tr.222) :
       Một Chúa Ba Ngôi.
Hoặc:   Mă de adre inh, Bă Iăng du uh kơ andre :
      Ngay cả khi mọi người  bỏ tôi, Thiên Chúa không bỏ tôi.
Hoặc khía cạnh luân lý:
Ví dụ : Bu pơm bă, athai bơtho dơ kon (tr. 22).
      Ai làm cha, phải dạy con.
5- Ngoài ra,  tác giả cũng phân tích những ý niệm ( đúng hơn là cách hiểu) khác biệt  giữa người Bahnar với niềm tin của người công giáo.
Ví dụ :  như hồn vía, thần, chết …
Ví dụ :  PƠHNGÕL : hồn con người : (Những người công giáo không dùng theo  nghĩa  của người bên lương)  tr. 251.
AI : sức sống , may rủi, phúc họa (tr. 6) : từ  nầy luôn có ý  nghĩa mê  tín và định mệnh thuyết, rất hay xử dụng, nhưng mơ hồ.
Như chúng tôi trình bày, Tác giả quyển từ điển không  chỉ thuần tuý ghi chép và phiên âm tiếng nói thành dấu hiệu viết. nhưng còn sáng tạo cách đôc đáo và làm giàu cho ngôn ngữ Bahnar, bằng cách định rõ  được cấu trúc câu cú từ  để  có thể tạo chữ mới cũng như làm nôi bật được ngữ pháp rõ ràng trong ngôn từ nói và  từ ngữ viết của  tiếng Bahnar.

M Ộ T   V À I   N H Ậ N   Đ Ị N H
Công cuộc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên nói chung, tại  Giáo phận Kontum nói riêng đã đầu tư nhiều công sức phục vụ cho người dân tộc bằng cách nâng cao và làm giàu văn hóa dân tộc. Trong chiều hướng đó, việc hình thành chữ viết – nói  đúng hơn – công trình phiên âm cho chuẩn xác, để ĐỊNH ÂM TIẾNG NÓI bằng ký-hiệu-nhìn theo mẫu tự  Latinh đặc biệt tiếng Bahnar không thể thiếu được. Nhờ có chữ viết, người dân tộc đã tiếp cận được nền văn minh của thế giới đang chuyển biến từ cuối thế  kỷ XIX sang thế  kỷ XX. Trong cố gắng đó, còn cần thời gian và công sức của nhiều thế hệ. Thế hệ đầu tiên của chữ viết Bahnar phải kể đến các vị thừa sai âm thầm làm việc, đặc biệt linh mục DOURISBOURE đã dày công nghiên cứu và cho ấn hành TỰ ĐIỂN BAHNAR – FRANÇAIS cách đây trên 110 năm (1889) với những nguyên tắc và phân tích  có tính khoa ngữ học, đưa ra những ví dụ cụ thể. Tuy nhiên, dù khởi công đặt nền tảng cho chữ viết kỹ lưỡng, chu đáo cũng không thể nào tránh khỏi  qui luật thời gian do tiến  hóa của ngôn-ngữ-nói, kéo theo biến hóa ngôn-ngữ-viết  và do kỷ thuật in ấn ngày càng tinh xảo, kéo theo cách thức ghi ký hiệu tiến bô hơn. Việc bổ túc và cần thay đổi với thời gian là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, sau những năm tháng bổ sung, thay đổi cách viết tiếng Bahnar của nhiều học giả vùng Tây Nguyên từ trước đến nay, thì  nguyên tắc chủ đạo  hình thành  cũng như  lối phiên  âm của  các  từ  ngữ  trong  cuốn TỰ ĐIỂN nầy không  mấy cách biệt. Thiển ý chúng tôi, tác giả đã thành công soạn thảo được phần VĂN PHẠM của tiếng Bahnar, nhất là tìm đưa ra được cơ cấu căn bản tiếng Bahnar là từ-đơn-tiết và tìm được “công-thức-ghép”  để tạo  chữ  mới, cũng như ý nghĩa  phong thú của nó, đó chính là đóng góp vào ngữ học và văn hóa Tây Nguyên. Hiện nay nhiều học giả soạn thảo từ điển tiếng dân tộc nói chung ít quan tâm hoặc khó lòng vượt qua tầm nhìn và đào sâu như sọan giả quyển từ điển  cổ của Linh mục Dourisboure.
Chúng tôi cũng không quên những cố gắng của  tác giả trong vai trò  người  truyền giáo đã  đưa vào TỰ ĐIỂN cuộc sống tôn giáo và luân lý Kitô giáo, phát huy khía cạnh xử dụng tiếng dân tộc trong  lãnh vực thần học, luân lý, những khái niệm trừu tượng, cũng đặt một tiền  lệ và khẳng định rằng dù ngôn ngữ nào cũng có thể  biến hóa và xử dụng trong mọi lãnh vực kể cả khoa học kỷ thuật, triết học….
Nhờ  có chữ viết tiếng Bahnar, nhiều tác phẩm văn học tôn giáo công giáo có giá trị được phổ biến, cũng như  những kiến thức phổ thông được đại chúng hóa cách dễ dàng. Chữ viết tiếng Bahnar đã đi vào lịch sử văn học Tây Nguyên và đã trở nên  nền tảng cuộc sống tiến  bộ và văn minh cho anh em dân tộc Bahnar nói riêng và  cho các dân tộc trong giáo phận KONTUM  nói chung vậy.



            
PHẦN TRÍCH DẪN
[1]     J. Guennou , “ Les Missions Etrangères “, Paris 1963 tr. 113-115.
[2]     Dourisboure , “ Les Sauvages Bahnars “, Paris 1929 tr. 55.
[3]     Dourisboure, id. tr. 76-77.
[4]      Linh mục Crétin Xuân lên vùng Rơngao-Sơdang ( Làng Dak-Mot) năm 1924. Tự điển quay Ronêô tại 216 Hai Bà Trưng, Sàigòn (Trước 1975) 2 tập , cỡ 16cm x 24 cm , gồm 1064 trang…
[5]     X. Kemlin, “ Les Songes et leur tinterpretation chez Reungao “, Hànội 1910, tr. 2.    
[6]     Tự điển Jrai nầy dày 1111 trang  cỡ 14cm x 21cm, quay bằng rônêô.
[7]     Võ  Long Tê, “Lịch sử Văn học công giáo Việt nam” ,  cuốn  I, nxb. Tư Duy, Sàigòn 1965, chương II từ tr. 102tt.
[8]     Dourisboure , id.  tr. 76.
[9]     Ibidem tr. 131-132.
[10]    Xem  Ibidem . tr. 307 ( phần phụ trương).
      Linh mục Combes viết :                      Linh mục Dourisboure  viết
                  BANNAR                                                   BAHNAR.
                  CÉDANS                                                     SEDANG
                  REUNGAO                                                 RƠNGAO
                       GIAIRAI                                                JARAI.
                       BEIAOU                                                 BƠJAOU ….
[11]    J.B. Guerlach , “ L’ Oeuvre néfaste “, Sàigòn 1906 (về phần linh mục Vialleton, Đại Diện Tòa Quyền Hạ Lào).
[12]    Annales MEP. năm 1904 tr. 235. Linh mục Guerlach lên ở vùng Kon-Mahar (tại làng PƠKEI) vào những năm 1893-1896.
[13]    Dourisboure, id. tr. 334.
[14]    Xem Bulletin nam 1935 MEP tr. 672.
Quyển “Lexique Français – Bahnar et Bahnar – Français“, Hànội  in lần thứ nhất năm 1940 cùa linh mục Alberty và ông Guilleminet theo mẫu tự được Quan Toàn  Quyền  Đông Dương ấn định ngày 2 tháng 12 năm 1935 (x. J.O.I.O năm 1935 tr. 4008 và Bulletin  général de l’ Instruction publique  février 1936 ). Lời tựa của  quyển tự điển nầy cũng nói rõ.
[15]    Xem Annales năm 1912  MEP tr. 288:
“Thực tế, bản viết quí giá mà Vị Cha Già giữ như thể ‘con ngươi’ của Ngài bị nạn trong lần bị cướp ,hỏa hoạn trong chủng viện Nước Nhỉ 1885. .Sung sướng biết bao cho tác giả khi tôi gởi cho ngài nản chép tay hoàn hảo của tôi.Người đã cho in tại NAZARET ở HỒNG-KÔNG (1889), thú nhận với tôi trong tinh thần thân thiết : TUỔI TRẺ ĐÔI KHI  CÓ Ý KIẾN HAY” (viết chữ HOA là do người soạn bài nầy thấy cảm kích lời nhận xét  của Vị Cha Già tốt lành ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét