Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Nghệ thuật tạc tượng dân gian ở Kon Tum


Có thể nói, hệ thống tượng gỗ của các dân tộc bản địa ở tỉnh Kon Tum nói riêng, và Tây Nguyên nói chung là một công trình nghệ thuật quý giá, là hiện thân tiêu biểu, nổi bật nhất của truyền thống điêu khắc gỗ dân gian, tuy với dáng vẻ nguyên sơ nhưng độc đáo, đặc sắc, cuốn hút lạ thường. Tuy nhiên, nghệ thuật trên đang đứng trước nguy cơ mai một với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau...Nhận thức rõ vấn đề trên nên việc bảo tồn nghệ thuật tạc tượng dân gian đang được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện thông qua lễ hội để bù đắp lại tình trạng thiếu nghệ nhân nắm giữ các bí quyết được trao truyền qua nhiều thế hệ…

Các Nghệ nhân người J’rai tham gia trình diễn
nghệ thuật tạc tượng dân gian trước công chúng.

Tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, hơn 30 nghệ nhân dân gian 6 dân tộc bản địa: Xê Đăng, Ba Na, J’rai, Giẻ-Triêng, Brâu và Rơ Mâm ở Kon Tum cùng hội tụ để giới thiệu về nghệ thuật tạc tượng độc đáo của dân tộc mình. Đây là một hoạt động đặc sắc nằm trong chương trình Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm bảo tồn nghệ thuật tạc tượng dân gian.

Già A Lo bên tác phẩm của mình
 
Đang say sưa với từng đường nét trên bức tượng của mình, Già A Lo người dân tộc Rơ Mâm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy ngừng tay vui vẻ trao đổi với chúng tôi: “Người Rơ Mâm mình không thể thiếu tượng trong lễ bỏ mả người thân. Nhưng tượng bây giờ ngày càng nhỏ đi vì cây trong rừng không còn như xưa nữa. Để tạc được một bức tượng đẹp, nhanh thì một tuần, chậm mất cả tháng. Trong làng có 5, 7 người làm được tượng, nhưng ưng được cái bụng của mọi người thì chỉ có già thôi”. Theo dòng suy tưởng, già A Lo cho biết thêm: “Hồi xưa chỉ làm bằng rựa và rìu thôi, không có làm bằng đục như bây giờ. Người làng trước đây thường chọn những cây gỗ trắc, hương hay cà te để làm vì có thể để mấy chục năm hay trăm năm trong nhà mồ mà không hư hỏng gì, nên lớp trẻ như già lớn lên vẫn trông thấy nhiều tượng và bây giờ vẫn nhớ những hình ảnh đó… ”.
 
Điều làm nên sự độc đáo trong nghệ thuật tạc tượng dân gian của các dân tộc bản địa ở Kon Tum chính là không khuôn mẫu và trùng lặp. Toàn bộ kiến thức được truyền từ đời trước sang đời sau qua hình thức truyền khẩu và lưu giữ trong đầu từng nghệ nhân. Những người may mắn được trao truyền bằng tình cảm của riêng mình lại tiếp tục sáng tạo thêm. Vì thế mỗi bức tượng là mỗi cảm xúc, mỗi dáng vẻ và không có cái thứ hai trùng lặp. Tuy nhiên, chính điều này lại là một trong những nguyên nhân khiến nghệ thuật tạc tượng dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi lớp nghệ nhân già nắm giữ các bí quyết ngày càng ít đi thì thế hệ trẻ lại chưa sẵn sàng tiếp nhận.
 
Bởi vậy, với việc tổ chức các hoạt động như liên hoan, giao lưu văn hóa, nghệ nhân các dân tộc được giới thiệu, tôn vinh, từ đó nhân thêm lòng tự hào về truyền thống của dân tộc mình, có ý thức hơn trong việc trao truyền cho các thế hệ kế tiếp. Nghệ nhân A Pưng, dân tộc Ba Na, làng Kon Tum K’pâng, thành phố Kon Tum cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, mình hay xem Ba mình tạc tượng mỗi khi làng cần trang trí nhà rông hay chuẩn bị làm lễ bỏ mả. Bây giờ Ba mình mất rồi mình thay ông làm tượng. Mình mong sau này con mình cũng làm được… ”.
 
Tác phẩm của Nghệ nhân A Pưng đang dần
hình thành
 
Tuy tượng gỗ chỉ phản ánh về thế giới tự nhiên và sinh hoạt của con người Tây Nguyên nhưng lại mang nhiều yếu tố tâm linh, huyền bí. Vì thế, nếu không có sự động viên của cán bộ ngành văn hóa, các nghệ nhân tạc tượng dân gian không dễ rời xa buôn làng, chứ chưa nói là trình diễn trước công chúng. Sự “hội ngộ” lần đầu tiên của nghệ thuật tạc tượng dân gian các dân tộc bản địa ở Kon Tum phát đi một thông điệp vui, và mở ra một hướng bảo tồn mới đối với vốn văn hóa truyền thống này.  
 
Sau một ngày miệt mài với những khối gỗ vô tri, các nghệ nhân đã giới thiệu đến người xem về nhóm tượng nhà mồ của người Rơ Mâm, sự cách điệu tinh tế của cặp ngà voi, biểu tượng sức mạnh núi rừng, với gương mặt trầm buồn ly biệt; nhóm tượng dùng để trang trí Nhà rông của dân tộc Ba Na, nổi bật với hình ảnh người phụ nữ ngực trần mang bầu ẩn sau vẻ phồn thực, là thể hiện mong muốn sinh sôi, nảy nở của cả cộng đồng làng… Các nghệ nhân điêu khắc dân gian đã tập trung vào tác phẩm của mình bằng cách diễn tả tâm trạng qua nét mặt, không diễn đạt cá tính nhân vật tượng. Vì vậy, với tượng người, khuôn mặt đều tư lự, đăm chiêu. Ngôn ngữ tạo hình gửi gắm chủ yếu ở những mảng khối và đường nét do những nét rìu, dao tạo nên…
 
Không thiết kế, không bản vẽ, và cũng chỉ sử dụng những công cụ thô sơ, song dưới bàn tay khéo léo và sức tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ tưởng như vô tri thành tượng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Và những cảm xúc ấy hi vọng sẽ từ những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa trở lại cuộc sống đời thường, tiếp tục được nối dài ngay trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc bản địa ở nơi đây.
 
Tường Lam
(Theo CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét