Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

THƯƠNG CẢNG THI NẠI (CHAMPA)




Do Truong Giang
National University of Singapore

Vương quốc Champa xưa trải dài từ phía nam Đèo Ngang cho đến phía nam Bình Thuận ngày nay. Trong suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ thứ 2 cho đến khi sát nhập vào lãnh thổ của Việt Nam, vương quốc Champa được biết đến như là một “vương quốc biển” điển hình của khu vực Đông Nam Á thời cổ trung đại. Chiếm giữ một vị trí quan trọng trên con đường thương mại biển kết nối giữa thế giới Trung Hoa và thế giới Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á, Champa đã dự nhập mạnh mẽ vào mạng lưới giao thương của khu vực. Trong bối cảnh đó, các thương cảng của Champa nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc kết nối Champa với thế giới bên ngoài, trở thành những trung tâm kinh tế quan trọng của vương quốc Champa. Những thương cảng nổi bật trong lịch sử phát triển của vương quốc Champa, có thể kể ra như là: thương cảng Đại Chiêm ở vùng cửa sông Thu Bồn, thương cảng Cù Lao Chàm ở vùng biển Quảng Nam, thương cảng Thi Nại ở Bình Định, thương cảng Kauthara ở Nha Trang và thương cảng Panduranga ở vùng Ninh-Bình Thuận.

Từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XV, vùng Vijaya (tương đương với vùng Bình Định ngày nay) không chỉ nắm giữ vai trò là một trong những trung tâm chính trị chính yếu và lâu dài, mà còn là một trung tâm kinh tế và tôn giáo của cả vương quốc Champa. Một hệ thống đền tháp mang tính chất tôn giáo đã được xây dựng tại khu vực này trong suốt thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV đã khẳng định vai trò của Vijaya như một trung tâm tôn giáo lớn. Cảng Thi Nại được xây dựng trở thành thương cảng chính của vùng Vijaya, và giữ vai trò quan trọng trong quá trình dự nhập vào mạng lưới hải thương khu vực của cả vương quốc.

Tiểu quốc/nagara Vijaya trong thời kỳ này dường như được phân chia ra thành ba khu vực cơ bản. Vùng thượng lưu của sông Kôn, hay là vùng cao nguyên phía Tây, là quê hương của các cộng đồng cư dân miền thượng, những người sinh sống và hoạt động trong một môi trường kinh tế trọng lâm(forest-oriented). Cộng đồng cư dân ở vùng thượng lưu ấy lấy việc khai thác các sản phẩm lâm thổ sản, các nguồn hàng trù phú của cao nguyên (như trầm hương, quế, đồi mồi, sừng tê, ngà voi…) để trao đổi với bên ngoài làm hoạt động kinh tế chính của mình. Vùng trung lưu dọc theo sông Kôn, là nơi mà chính thể trung tâm của mandala Vijaya tọa lạc, cùng với đó là các công trình thành, đền tháp… mang tính chính trị, văn hóa, tôn giáo của hoàng gia. Vùng trung du với những ngọn đồi thoai thoải là nơi tọa lạc của thành Cha, thành Đồ Bàn, cũng như hệ thống dày đặc các tháp Chăm cổ còn lưu dấu ấn đến ngày nay, chứng minh rằng vùng trung lưu chính là trung tâm chính trị, tôn giáo, văn hóa của tiểu quốc/mandala Vijaya.

Thương cảng Thi Nại tọa lạc tại vùng Hạ lưu ven biển, được xem như là trung tâm kinh tế chính của vùng Vijaya, đồng thời là địa bàn sinh sống của cộng đồng các cư dân ven biển lấy hoạt động kinh tế biển làm động lực phát triển chính. Cảng Thi Nại là cửa ngõ hướng ra biển của cả vùng cao nguyên rộng lớn. Thương cảng Thi Nại có thể được xem như là điểm kết nối giữa biển với lục địa, một trạm trung chuyển, một entrepôt trung tâm của cả mạng lưới thương cảng dọc theo bờ biển của Champa.

Dân gian vùng Bình Định cho tới ngày nay vẫn còn lưu truyền câu ca nói về hoạt động trao đổi buôn bán giữa các cư dân miền xuôi và miền ngược dọc theo dòng sông Kôn:

“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le chở xuống, mắm chuồn gửi lên”.

Trong những ngày hoàng kim của mình, thương cảng Thi Nại của Champa đã từng là điểm dừng chân lý tưởng của các thương nhân quốc tế. Các nhà du hành thế giới như Ibn Batuta, Odorio de Pordeneno, Macco Polo đã từng đến đây và tận mắt chứng kiến sự phồn vinh của cư dân Champa và các hoạt động trao đổi nhộn nhịp tại thương cảng Thi Nại. Trịnh Hòa thời nhà Minh, trong cả bảy lần xuất dương về phương Nam cũng đều dừng chân tại cảng Thi Nại. Sự ghi nhận của các thương nhân quốc tế đã chứng tỏ tầm quan trọng của thương cảng Thi Nại trong mạng lưới buôn bán trên biển của khu vực.

Sau cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, Thi Nại và vùng Vijaya được sáp nhập vào lãnh thổ của Đại Việt. Hệ quả là trong một thời gian dài, Thi Nại cũng như hệ thống cảng miền Trung đã bị mất dần đi vai trò là những trạm trung chuyển giữa thế giới Arab, ấn Độ với thị trường rộng lớn Trung Hoa. Thương cảng Thi Nại bước vào thời kỳ dài suy thoái, và chỉ được phục hưng dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong. Trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, đã diễn ra một quá trình chuyển hóa từ thương cảng của Champa trở thành thương cảng của người Việt, các thương cảng Hội An (Faifo) và Nước Mặn dần dần thay thế cho Cửa Đại Chiêm và cảng Thi Nại thời vương quốc Champa.

Cho đến ngày nay, các dấu ấn về một “kinh đô” Vijaya tại vùng Bình Định vẫn còn rất đậm nét qua những di tích đền tháp. Những dấu ấn về sự phồn vinh một thuở của thương cảng Thi Nại cũng còn được bảo lưu khá nhiều ở vùng cửa sông Kôn, vịnh Thi Nại ngày nay và bán đảo Phương Mai. Việc nghiên cứu về thương cảng Thi Nại, cả về lịch sử và khảo cổ cho đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết, và còn rất nhiều bí ẩn lý thú về vùng Vijaya, cũng như về thương cảng Thi Nại đang chờ các nhà khoa học khám phá.

 
Tác giả bài viết: Do Truong Giang
Nguồn tin: campapura / gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét