Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Nơi dòng sông chảy ngược


Nơi dòng sông chảy ngược
(Một chút với lãng khách cao nguyên Kon Tum)

      Các nền văn minh trên thế giới hầu như đều hình thành bên dòng sông: nền văn minh Ai Cập bên dòng sông Nile, nền văn minh Bách Việt bên dòng Dương Tử, nền văn minh Ấn Độ bên dòng sông Hằng, nền văn minh châu Âu xanh màu sông Volga và Danube, nền văn minh Nam Mỹ vỗ về lưu vực sông Amazon và nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Lam trên 5000 năm khi con dân Lạc Việt từ núi Thái sông Nguồn lui về cộng cư với dân Việt bản địa tại Bắc Trung bộ và vùng trung du Bắc bộ Việt thân thương.

Bình minh trên sông Đăk Bla, đoạn Kon Mơ Nây Sơ Lam. 
Ảnh: Đào Duy An.
      Mọi con sông đều hoà biển cả. Sông nước Việt vồn vã về biển Đông. Trong tôi đang chảy một dòng sông cũng về biển Đông nhưng ”ngược” lối; và, một nền văn hóa đang thành hình bên một dòng sông ấy: nền văn hóa bản địa Kon Tum ôm ấp dòng Đăk Bla mà tên gốc là Krong Blah.

      Chế Lan Viên bảo: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Với tôi miền đất này đã là máu, là thịt ngay từ ngày dấu chân con in lối rừng thuở 1979 và trăng đại ngàn của Tây Trường Sơn đã chiếu rọi tâm hồn từ đó. Đất đã là linh hồn từ thuở ban đầu ấy rồi!

Kroong Pô kô, đoạn cầu Kroong cũ. Ảnh: Đào Duy An.
      Ngày phổ thông trung học tôi miên man mỗi chiều trên bãi cát Đăk Bla phía xứ Phương Hòa. Tôi chờ trăng lên để uống những giọt vàng sóng sánh để nghe ma Hời rên rỉ đâu đó bởi đây đã từng là vùng đệm chiến tranh của hai nước Champa và Chân Lạp từ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII sau công nguyên và sau đó 300 năm Kon Tum thuộc về Champa.

      Tôi thân quen với những địa danh trìu mến nghe ngọt lịm từ tiếng gọi đầu như Tân Hương (có từ năm 1874), Phương Nghĩa (có từ năm 1882), Phương Quý (có từ năm 1887), Phương Hòa (có từ năm 1892), Trung Lương (có từ năm 1914), Lương Khế (có từ năm 1927)...; tình cảm ấy giống thứ tình năm 1999 tôi dành cho Huế-nơi tôi sống đậu hơn hai năm- nào An Cựu, nào An Hòa, nào Nông, nào Truồi. Tôi bảo với bạn tôi: "Địa danh Kon Tum tình tứ thật!".

      Tự thuở hồng hoang vùng đất này đã chuộng hòa bình. Chuyện kể rằng hai người con trai Bahnar là Jơ Rông và Uông chán cảnh dân làng đánh nhau với các làng bên đã bỏ làng cũ, đến vùng đất trũng cạnh hồ nước dựng nhà ở. Đất lành chim đậu, dần dà nơi này nên Kon Tum mà tiếng Bahnar nghĩa là Làng Hồ từ những năm 1800. 

Hợp lưu Đăk Bla và Kroong Pô kô
      Kon Tum chân chất lắm! Đất yên ả giữa núi vòng thấp thoáng, độ cao Kon Tum so với mặt nước biển là khoảng 525 mét, nắng mưa hai mùa rõ rệt, phần lớn diện tích nằm phía Tây Trường Sơn và nằm trọn trong cao nguyên Kon Tum cho nên sông chảy xuôi mà tưởng chừng như ngược. Hai quốc lộ trườn mãi mới về đến xuôi ở hướng đông-bắc và bắc-nam. Sông hiền hòa, len lỏi và ôm hông thị xã như thể vòng tay cô gái ôm ngang người mình yêu thương dạo chiều khắp phố. Đăk Bla vốn có hợp lưu là sông Đăk Po Kei, Đăk Pơ Ne đi một mình chỉ khoảng hơn một trăm ki lô mét thôi từ huyện Kon Plong phía đông bắc tỉnh Kon Tum xuôi về thị xã lượn lờ sang tây-nam hợp với con sông Kroong Pô Kô từ hướng bắc đổ xuống thành dòng Sê San tạo nên thủy điện Ya Ly sau đó sang Cam Pu Chia "làm dâu" rồi mới hòa với dòng Mê Kông để về lại biển Đông.

      Bờ bắc là thị xã êm đềm, thấp thoáng làng người bản địa Bahnar và Rơngao (hợp huyết của hai dân tộc Jrai và Bahnar-hai trong sáu sắc tộc bản địa của tỉnh Kon Tum) như làng Kon Mơ Nây Kon Tu, Kon Mơ Nây Sơ Lam, Kon Klor, Kon Tum Kơpâng, Kon Tum Kơnâm, Kon Hra Chót, Plei Tơ Ngia, Kon Rơ Bàng. Bờ nam xanh rì bãi mía, chấp chới phía sau màu hy vọng ấy là làng thắm Phương Hòa của người Kinh và làng Đăk Rơ Wa, Plei Groi của người Bahnar. Các làng người bản địa đều nằm dọc sông Đăk Bla. Tôi bảo với những người bạn Huế: ”Kon Tum có thế đất và nếp sống na ná cố đô. Đất thần kinh có dòng Hương thơ mộng và man mác thì Kon Tum có dòng Đăk Bla mộc mạc và trầm tư”. Khi bạn tôi lên Kon Tum, họ cười và dường như hiểu nỗi lòng tôi với miền đất trũng.      

Nhà xưa trên đường Nguyễn Huệ, Kon Tum.
Ảnh: Đào Duy An.
      Giọng Kon Tum khá đặc trưng. Đó không phải là chất giọng xứ Quảng ngang bè, giọng Bình Định mềm đục (đây là hai vùng quê gốc của người Kinh Kon Tum), giọng Huế trĩu tình mà là giọng trong vắt và mượt như dòng Đăk Bla. Với tôi, chỉ nghe em cũng đã nhận ra chất Kon Tum ngàn năm kiến tạo. Ôi! Sự hợp hoan của đất, của nước, của trời và của bao miền hội tụ nơi đây để nên giọng em mới ngọt ngào làm sao. Không biết những cuộc di dân xưa ảnh hưởng sao đến khí chất người Kon Tum, nhất là người con gái. Em mặn mà, em nhỏ nhẹ, em nhẫn nại như dòng sông chảy ngược. Em con dòng tổ nào trong những dòng người âm thầm xé rừng lên Kon Tum để yêu vùng đất trũng. Tôi như nghe những bước chân xưa của ba đợt xé rừng lịch sử; đó là những năm đời vua Thiệu Trị vì lánh nạn bài Thiên Chúa giáo mà các giáo dân theo nhà truyền đạo đặt dấu chân Kinh đầu tiên tại Kon Tum rồi cuộc di dân khổ sai thời Pháp thuộc và sau đó mười lăm năm là cuộc di dân cưỡng cư từ Bắc vào những năm một chín năm tư. Thuở 1883 Kon Tum chỉ có 1500 dân với một tổng Tân Hương (tên gọi tiền thân của thị xã Kon Tum) và các làng người Bahnar, Rơngao phụ cận. Năm 2005 thị xã Kon Tum có khoảng 120.000 người (gồm 20 tộc người) với chừng 35.000 người Kinh có đạo Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Dẫu em con dòng tổ nào tôi cũng biết ơn bởi dòng máu chảy trong em hiền hòa và nhẫn nại để lòng tôi mát khi nghe bạn mình bảo: ”Các cô nàng xứ núi hớp hồn ta!”.

Đôi bạn Rơ Ngao bên sông Đăk Bla đoạn Kon K’Tu.
Ảnh: Đào Duy An.
     Trong tôi, mọi dòng sông luôn tuôn chảy. Giã từ nắng tuổi thơ bên dòng Trà thi ca, tôi đi qua con sông Ba trong chuyện cổ ‘’Gươm ông Tú’’ ở huyện An Khê tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ, vượt "cổng trời" Mang Yang để đến ngâm mình trong dòng Ya Xia ở Vùng Kinh tế mới Sa Thầy. Tôi thẫn thờ trước vẻ đẹp mặn mà của con sông Cầu tình tứ vòng ôm thành phố Thái Nguyên. Tôi về tận bến Bính ở Hải Phòng của Nguyên Hồng để so màu son mùa nước lũ sông Bạch Đằng với sông Hồng. Tôi trầm tư dòng Hương man mác ở Huế, thả hồn theo mây mơ về bà mụ thiên giúp chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn thế muôn đời để mở mang bờ cõi Việt. Tôi xuôi dòng Thu Bồn ở Quảng Nam trầm ngâm với lịch sử và phế tích Champa. Tôi nếm vị mằn mặn con sông Cái Nha Trang. Tôi đi ngang dòng Đồng Nai, nhìn thấp thoáng những lựng bèo trôi dạt, thương nhớ chú bé An trong "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Mỗi con sông của Việt Nam đều e ấp hồn thơ nhưng vẫn chảy âm thầm trong tôi dòng Đăk Bla "ngược" lối. Sông cũng giống như người: tôi liên tưởng dòng Đăk Bla chảy ngược sang tỉnh Ratanakiri và Stung Treng của Campuchia với công chúa Huyền Trân đời nhà Trần phải giã từ người yêu là tướng Trần Khắc Chung vâng lệnh vua cha xuôi Champa để lấy Chế Mân và đem về cho nước Việt hai châu Ô và châu Rí. Thế Đăk Bla đem về gì cho Kon Tum cho nước Việt khi sang "làm dâu" xứ người; có lẽ đó là mối bang giao: tình người chung một dòng sông.

      Ôi! Đăk Bla của em và của tôi!
      Nơi ấy, em tắm tuổi thơ!
      Nơi ấy, mẹ gội cho từng đứa!

Một góc Kon Tum, chụp từ sân thượng khách sạn Đông Dương 2007. Ảnh: Đào Duy An.
     Em giã biệt con sông Côn thét gào mùa lũ, tôi xa dòng Trà khát vọng trăng non.
     Ta nắm tay nhau lội dọc bãi bồi dòng chảy ngược, ta hẹn trăng ngàn bên cầu treo Kon Klor.

     Cảm ơn em!
     Cảm ơn miền đất trũng!

     Mai này dẫu biệt Đăk Bla và trăng đại ngàn vẫn sáng trong tôi màu trời cũ, nơi ấy vẫn còn người kể chuyện cổ ’’Kinh và Bahnar là anh em’’ của tự ngày xưa; và, da diết hơn, nơi ấy có em nhẫn nại như người đi mở cõi hôm nao và dịu hiền như dòng sông chảy ngược. Dẫu dòng ngược nhưng sông vẫn chảy; nền văn hóa bản địa có lẽ bắt đầu từ đây.

     Tôi hy vọng không lâu nữa có một cụm từ mới trong Từ điển Nhân văn học Việt Nam, cụm từ: “Tính cách người Kon Tum”.  
  
Võ Lâm 11/2005- Cây Quéo 11/2012- Đào Duy An
(Nguồn : www.nhuygialai.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét