Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

VỢ TÔI


Chuyện xảy ra tại một trường đại học.
Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên: "Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào?". 
Một nam sinh bước lên.
Giáo sư nói: "Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể rời bỏ".
Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân...
Giáo sư nói: "Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất!"
Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm.
Giáo sư lại nói: "Em hãy xoá thêm một người nữa!". 
Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp.
Giáo sư nói tiếp: "Em xoá thêm tên một người nữa đi. Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời”. Chàng trai lại xoá tiếp...
Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên: bố mẹ, vợ, và con. 
Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi!
Giáo sư bình tĩnh nói tiếp: "Em hãy xóa thêm một tên nữa!". Chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn....Anh đưa viên phấn lên...và gạch đi tên của bố mẹ! 
"Hãy gạch một cái tên nữa đi!", tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai.
Chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai...Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cũng đau khổ.
Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: "Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó rời xa nhất?"
Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời. 
Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:"Theo thời gian, cha mẹ sẽ rời bỏ tôi mà đi, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi!

                                                               (Sưu tầm từ Internet)


Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

"GHÉT GIÀU, KHINH NGHÈO"


Lê Văn Tích

Thiết và Tha là hai anh em ruột. Ông bà thân sinh hai anh mất sớm. Cuộc sống tự lập vất vả, thiếu thốn từ nhỏ, nên hai anh em chăm chỉ, khá tháo vát và rất thương nhau.
Tình thương của họ bộc trực, keo sơn. Có lần anh Thiết dự liên hoan, uống rượu say. Anh Tha không muốn như vậy, bèn lấy một chầu nước đổ trùm lên đầu anh trai, rồi lẳng lặng ra về.
Anh Tha cãi nhau với chị dâu,  việc xét ra do lỗi của anh Tha, nhưng anh Thiết bao giờ cũng chằm chặp bênh em. Không nói ra, nhưng anh cảm thấy thằng em trai tộc ngộc, phổng phao của mình chưa quen với  việc người chị dâu chen vào cuộc sống của họ.
Sau một lần va chạm với chị dâu, anh Tha bỏ đi miền Nam. Anh Thiết đi làm về, nghe chuyện đoán em trai đi vào bãi vàng tỉnh Quảng Nam (có mấy người trong làng đang tìm vận may ở đó), nên rất lo lắng.
Chả kịp báo với vợ, anh vơ vội cái áo có mấy chục nghìn vừa ứng tiền công lái xe công nông, chạy đuổi theo em. Mấy tháng trời anh làm thuê, vừa lặn lội tìm em. Hai anh em gặp nhau ở tỉnh Phú Yên, nhận đốt thuê mấy lò gạch để có tiền trở về nhà.
Năm sau, anh Tha quyết chí đi miền Nam. Lần này, hai anh em bàn bạc, có liên hoan chia tay, khách mời  là bác Vân, người láng giềng gần gũi, thân thiết của họ. Bác Vân thường giúp đỡ hai anh em như một người anh.
Hơn 4 năm sau, anh Tha trở về, đem theo vợ - một phụ nữ nhanh nhẹn, dáng tháo vát. Anh Thiết quây buồng ở đầu nhà đằng kia cho vợ chồng em trai ở. Họ đào ao, vượt đất mở rộng nhà bếp, làm khu chăn nuôi.“Của cải làm ra từ nhà bếp, tiêu tốn, lãng phí từ nhà trên” - Vợ chồng anh Tha trao đổi với vợ chồng anh Thiết như vậy.
Về phần mình, anh Tha mua cái ao lấp đầu làng, mua xe công nông cho anh Thiết lái. Hai anh em hợp sức sản xuất đá dăm. Cuộc sống ngày một đổi thay. Anh Tha làm nhà hai tầng rưỡi ở đầu làng, bán bia hơi, có ba máy xay đá, hai xe ô tô.
Vợ bác Vân bị bệnh cảm hàn nhập cốt. Bác Vân phải bán rẻ cái tủ gương một dạo sang đẹp nhất làng. Anh Thiết không làm với anh Tha, mà trở lại lái xe cho người chủ cũ. Mừng con trai đầy năm, anh xây một cái cổng sắt to tướng theo mốt mới nhất làng. Cả ba nhà giận nhau đoạn tuyệt quan hệ.
Mấy năm rồi, anh Thiết chưa một lần ghé thăm, ngồi chuyện với anh Tha hoặc với bác Vân, kể cả trong các dịp lễ Tết. Nghe đâu trong dịp anh Thiết làm cổng ngõ, bác Vân buông lời chê mấy cái nan cửa… Anh Tha thường bù khú chén tạc, chén thù với mấy người xã khác mà anh nhận là anh em kết nghĩa.
Anh Thiết thậm chí không sử dụng khu chăn nuôi xây bằng tiền của vợ chồng anh Tha. Anh còn dự định lấp cái ao dạo trước được đào theo tư vấn của người em: “Nhất thả cá…”.
Người làng tôi vẫn nhớ tấm gương “cùng bọc” của anh Thiết và anh Tha. Nhớ tình láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau của mấy nhà cùng lối ngõ. Mọi người cảm thấy tiêng tiếc. Của mình rơi mà không chịu nhặt!
Bởi vậy, mỗi khi có dịp gợi nhớ, người làng tôi lại thử phân giải. Do đâu? Tại ai?… Mỗi người giải thích theo hiểu biết của mình và theo kiểu thân thiện với ai thì người đó xấu nên tốt.
Ý kiến của ông giáo Đang - một giáo viên tiểu học về hưu, người duy nhất trong làng còn biết chữ Nho, được xem là xác đáng, đạo mạo hơn cả. Ông giáo nói với người dâu trưởng của cụ: “Thói thường, người ta ghét kẻ giàu, khinh kẻ nghèo…”.     
     

CHỊU THƯƠNG CHỊU KHÓ


P.L

Tôi không dám kết luận, chỉ xin tự hỏi: Ở nơi đâu trên thế giới này có những con người chịu thương, chịu khó đến vậy? Những người Việt Nam cần cù, không ngại khó ngại khổ… đi suốt cuộc hành trình của dân tộc mình.
Từ trong những năm tháng khói lửa triền miên là những chàng trai, cô gái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”;  là những bà mẹ cả một đời chờ chồng chờ con; là những em bé đã sớm biết gánh lấy một phần đau thương của cuộc chiến…
Bước vào thời bình - Đó là những công nhân làm việc ngày đêm trong những nhà máy, công xưởng; những nông dân “một nắng hai sương” trên đồng ruộng, là những ngư dân sinh tồn cùng sóng gió biển cả…
Không cần nhiều lời. Chỉ mấy dòng thơ của Nguyễn Duy, chỉ một hình tượng cây tre Việt Nam đã nói rất đủ cái phẩm chất cao quý ấy:
“Rễ siêng không ngại đất nghèo.
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu.
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”
Phải chăng một nền văn minh nông nghiệp phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết đã cho tổ tiên một “đôi chân cứng” mà đá cũng phải mềm?
Phải chăng cái đất nước “hết thù trong lại đến giặc ngoài” đã cho ta một sức chịu đựng bền bỉ? Phải chăng bao khó khăn gian khổ đã làm giàu thêm đức hy sinh của mỗi con người?
Để đến hôm nay, ta không lấy làm ngạc nhiên khi một ông bố nhặt rác nuôi một lúc mấy con vào đại học, một cô bé bán khoai trở thành sinh viên y khoa, một bà mẹ hy sinh tất cả để giành lấy sự sống cho đứa con bị nhiễm chất độc da cam…
Hàng ngày, hàng ngày, ta đọc được trên báo rất nhiều những câu chuyện như thế! Những con người mà cuộc đời họ như từ trong cổ tích bước ra…
Để đến hôm nay, phẩm chất ấy lại được phát huy. Bạn bè thế giới khi ngắm nhìn những bức tranh thêu XQ, tranh cát Ý Lan hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác đều không khỏi thán phục, trầm trồ tài nghệ, tính khéo léo, sự chịu khó đến lạ của người Việt Nam
Ta thấy lòng mình rất vui! Nhưng ngẫm cũng thật xót xa khi hạt gạo đựơc làm bằng tất cả mồ hôi công sức vẫn có giá quá nhỏ so với một con chip điện tử!

THIẾU TỰ TIN


Thúy Trần

Thiếu tự tin là nguyên nhân của hầu hết mọi thất bại. Trong không ít người có nhiều biểu hiện của thiếu tự tin.
Trong giao tiếp, người Việt ít khi bắt chuyện, hoặc không thích trò chuyện với người lạ, do vậy mà bỏ qua nhiều cơ hội làm quen, kết bạn. Thiếu tự tin khiến người ta khó cởi mở, tự nhiên trong trò chuyện, do vậy làm giảm hiệu quả giao tiếp.
Một cô bạn học tiếng Anh năm cuối ở Huế, 4 năm liền đứng trong top học giỏi của lớp, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với người nước ngoài, cùng lắm là chỉ đường cho họ.
Cô bạn kể, có lần nói chuyện với người nước ngoài nhưng không tự tin về vốn ngoại ngữ của mình nên cô đã nói lúng búng và làm người đó hiểu nhầm tai hại. Thế là cô lại càng ngại nói chuyện với người nước ngoài.
Trong công việc, người Việt chúng ta lại ít thể hiện bản lĩnh. Ví dụ như đi phỏng vấn xin việc, người Việt thường không dám thể hiện cá tính của mình, khiến người tuyển dụng thiếu tin tưởng, dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội xin việc.
Người Việt Nam được đánh giá là giàu tính sáng tạo nhưng do thiếu tự tin nên thường đi theo những lối mòn mà không dám ứng dụng những sáng tạo mới mẻ có khả năng đem lại hiệu quả công việc cao. Người Việt thường không dám đề nghị tăng lương, trong khi mình hoàn toàn xứng đáng.
Trong học hành, thi cử, học sinh- sinh viên Việt Nam rất ngại phát biểu hoặc đứng nói trước đám đông. Đa số họ thiếu định hướng nghề nghiệp tương lai: Khi  được hỏi sẽ làm gì, ở đâu khi ra trường, hầu hết đều trả lời là “chưa nghĩ đến”. Trong thi cử, kiến thức là quan trọng nhất, nhưng tự tin là điều quyết định.
Thiếu tự tin dẫn đến thiếu quyết đoán, nhút nhát, không dám đưa ra các quyết định cần thiết và đúng đắn của đời mình, không có chính kiến, không dám đưa ra quan điểm.
Đây cũng là nguyên nhân làm một bộ phận người Việt có tư tưởng sống chung với cái xấu, không dám lên án, bác bỏ cái xấu, không dám đứng về cái đúng, bênh vực kẻ yếu.
“Khi đã đánh mất niềm tin vào bản thân, thì sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (danh ngôn). Nếu tin là mình làm được thì chắc chắn sẽ làm được và phải quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu đó.
Sức lực, khả năng của mỗi người là có hạn, nhưng nghị lực thì vô hạn. Có niềm tin vào bản thân là đã đi được hơn một nửa đoạn đường thành công.

ĐỐI PHÓ


 Phan Thùy Linh 

TP - Là học trò thì rành hơn ai hết cái cách đối phó với thầy cô. Nếu chưa kịp làm bài thì mượn vở của bạn để chép. Thậm chí, đến khi kiểm tra còn phân công lao động theo kiểu mỗi đứa làm một câu.
“Chuyên môn hóa” như vậy sẽ làm bài nhanh hơn nhưng hiểu thì chắc… chậm. Đến khi thầy hỏi không khác gì “gà mắc tóc”.
Nhà trường thì rất thành thạo trong khoản đối phó với các cuộc thi theo kiểu phong trào. Lệnh trên vừa ban ra là y như “công nghệ sao chép” phát triển rầm rộ.
Kết quả là đạt chỉ tiêu 100%, giấy khen tá lả. Chỉ có điều bài nào cũng na ná như nhau. Có người chép xong cũng chẳng biết mình thi gì. Thậm chí câu cuối cùng, cho biết suy nghĩ, cũng chỉ: Cuộc thi này rất bổ ích, nó mang lại cho tôi nhiều kiến thức quý báu... Có thật vậy không? Hay chỉ làm mỏi tay?
Cấp dưới đối phó với cấp trên cũng rất giỏi. Nghe có sếp về kiểm tra là rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Hơn bao giờ hết cần phải vận dụng câu thành ngữ “tốt khoe, xấu che”.
Cả con đuờng cũng sạch sẽ hơn mọi ngày. Chưa kể các bản báo cáo thì đầy thành tích. Sếp đi rồi, đâu lại vào đấy. Kiểu này phải “vi hành” thì may ra mới biết tình hình thực tế!
Dân mình cũng không dở trong việc đối phó. Ví dụ như việc chấp hành luật lệ giao thông. Chỗ nào có cảnh sát thì đố ai dám vi phạm, còn không thì y như rằng mạnh ai nấy chạy.
Cứ xem việc đội mũ bảo hiểm thì càng rõ. Nghe “động” là bà con vội quay ngoắt xe lại. Người nào có mũ thì lôi ra (bấy giờ mới chịu đội). Người không có thì phải thuê, đến khi khuất bóng CSGT lại trả.
Vậy nên đội ngũ cho mướn mũ bảo hiểm luôn “đồng hành” sau xe những người thích đối phó. Điều này gây nên sự lộn xộn thường thấy trên các xa lộ. Không hiểu đội mũ là để đảm bảo an toàn cho ai? Chắc là chỉ để an toàn cho cái hầu bao (vì không bị phạt).
Còn kiểu “đầy tớ” đối phó với “chủ” nữa. Trước hết là cứ hứa. Hứa đại đi sau không làm được lại xin tự kiểm điểm. 8 giờ vàng ngọc thì vẫn có mặt đầy đủ. Có ai dám bảo là đánh cắp thời gian của Nhà nước. Nhưng chơi game, buôn chuyện  trong giờ hành chính cũng thật rộn ràng!
Bởi vì sợ. Bởi vì chuộng hình thức. Bởi  ít nghĩ đến cái lâu dài… nên mới đối phó. Đối phó để cho qua chuyện. Nhưng chuyện qua đi hậu quả còn ở lại.  Học trò thì mất kiến thức. Nhà trường thì chạy theo thành tích. Cấp trên thì không biết rõ cấp dưới. Mọi người thì sinh ra xem thường pháp luật…
Tóm lại, đối phó cũng đáng phê phán như nói dối. Có thể ngăn được bằng cách đừng tạo cơ hội cho người ta. Ví như cấp trên đi kiểm tra cấp dưới mà không báo trước… thì đố mà đối phó!

TỐT KHOE, XẤU CŨNG KHOE?


 Hương Linh

Tâm lý  “Tốt khoe, xấu che” của người Việt  có tính hai mặt, tích cực hay  tiêu cực tuỳ thuộc hoàn cảnh và liều lượng sử dụng. Có người đề nghị “tốt khoe ra, xấu xa dọn cho sạch” chứ không đậy lại, “ngửi” không được.
Tuy nhiên có lúc, có chỗ biết che bớt cái xấu lại là người khôn ngoan, còn bao nhiêu cái tốt khoe ra hết chưa hẳn là tốt. “Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”; cha ông ta đã nói rất chí lý.
Trước hết bàn về “tốt khoe”. Những phẩm chất tốt, việc làm tốt cần được biểu dương, ca ngợi, phổ biến, nhân rộng.
Tuy nhiên nếu quá liều lượng, không phù hợp hoàn cảnh sẽ trở nên lố bịch. Tiếc thay cuộc sống không thiếu những hành vi tốt khoe kiểu này. Một cán bộ bằng cấp lôm côm, kiến thức vay mượn linh tinh nhưng các danh thiếp ghi đầy rẫy học vị này, chức vụ nọ bằng tiếng Tây lẫn tiếng tàu, loại người  này thuộc tuýp  “thùng rỗng kêu to”.
Thế hệ trẻ đang có “mốt” khoe những gì có thể khoe được từ rốn, mông, ngực đến cả “nội y” ra giữa chốn thanh thiên bạch nhật ở những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, đình miếu mà họ cứ váy “ngắn không thể ngắn hơn”, khoe cả “phụ tùng” ra trước thần linh.
Ở nông thôn,  xây dựng nhà cửa chỉ chú trọng hình thức mà ít chú ý công năng sử dụng. Người ta thi nhau tô đá rửa, đá mài, sơn vẽ rồng phượng mặt tiền để ngắm cho sướng mắt, làm oai với thiên hạ còn nhà bếp và công trình vệ sinh, nơi giải quyết nhu cầu “đầu vào” và “đầu ra”  bị coi là công trình phụ vì khách đến nhà không ai vào bếp, nhà vệ sinh để khen “chúng nó” đẹp cả.
Cái thực chất, cái hiện hữu nếu khoe khoang lố quá cũng không tốt huống chi khoe cái giả, cái ảo thì càng tệ. Bệnh thành tích trong ngành giáo dục chính là một kiểu “khoe ảo” v.v...
Còn “xấu che” cơ bản là có hại, thậm chí không “ngửi được”.  Tuy nhiên “xấu che” trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể nào đó lại có lợi, làm đẹp cho cuộc đời, chẳng hạn nó là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật giao tiếp. Chẳng cô gái nào ngây thơ đến mức khoe cặp giò đầy sẹo bằng cách diện váy ngắn đi dạo phố.
“Xấu khoe”  cũng không thiếu chuyện vui. Chị Kim ở một mình thì thôi, hễ gặp bạn bè không “phát” không chịu được. Hết chuyện hay đến chuyện dở. Chị ta bô bô về chồng mình, nào là “ba ngày mới tắm một lần, nếu không lôi lão vào nhà tắm, đóng cửa lại thì lão không chịu tắm”, nào là “đôi tất lão ta bỏ dưới gậm giường, tớ tưởng  có con cóc chết “, vui nhất vẫn là “chuyện ấy, lão ta to xác thế mà chưa đi chợ đã hết tiền”.
Không có gì ở yên trong bụng chị Kim  được vài giờ, hình như không cho  ra được nó ngây ngất,  nôn nao thế nào ấy. Anh Ký là người có số “đào hoa”, mới 34 tuổi nhưng không biết bao cô gái đã qua tay anh ta. Đó là do anh ta tự “báo cáo thành tích” chứ thời buổi kinh tế thị trường này, ai nấy lo làm ăn chứ hơi sức đâu mà để ý ba chuyện đó. Hễ tối hôm trước anh săn được con “nai tơ” nào thì sáng hôm sau, trong “chương trình thời sự” bên quán cà phê thế nào anh ta cũng “phát”.
Loại người như anh Ký hiện nay không hiếm. Người ta say sưa truyền cho nhau kinh nghiệm moi tiền, chạy chức, đưa hối lộ, rút ruột công trình như một nghệ thuật làm giàu, như một kinh nghiệm “gia truyền”...
Tôi kể thêm một chuyện “xấu khoe” có một không hai” sau đây. Ông Q. là sếp một cơ quan lớn. Do tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra, đôn đốc để họ lợi dụng ăn cắp tiền cơ quan nên ông bị kỷ luật. Ông đem  quyết định  lồng khung kính treo chỗ trang trọng nhất trong phòng khách. Bà vợ tưởng ông bị “ấm đầu” lấy cất đi nhưng ông không chịu.
Bà than thở: “Người ta treo huân chương, bằng khen chứ chẳng ai khoe như ông”. Mấy anh trợ lý quân sư quạt mo trước hay đến nhà ông tham mưu, cố vấn,  nay thấy vậy chuồn mất. Con ông đang học phổ thông rất buồn vì bố. Nó nghĩ chẳng nhờ cậy được gì  ở bố nữa  nên quyết chí tự lo cho bản thân. Kết quả  năm đó cậu đỗ đại học, ông được xóa án kỷ luật vì đã rút được bài học về sử dụng cán bộ.
Cái xấu khoe ra không phải lúc nào cũng có hại, nếu ta  dũng cảm và quyết tâm đối mặt với  nó thì  cái xấu sẽ không có đất sống.

NÓI NĂNG


 Thùy Linh

Trước hết là nói thánh nói tướng. Cả người có học lẫn người không học, hễ mang chút máu khoác lác là mắc tật này. Ngôn ngữ thì trên trời dưới đất, thoạt nghe ai cũng tin say tin sưa.
Nhưng “nói thì như bê tông, làm thì như cọng lông”... Thứ đến là nói khích nói bác. Cái này cộng thêm tính sĩ diện của người mình thành ra rất tệ hại.
Trong bàn nhậu, anh nào mà bỏ về sớm, bạn nhậu sẽ châm một câu: “Về nấu cơm cho vợ à?”. Vậy là nhậu tới bến luôn...
Đúng là “giương đông mà kích tây”. Kiểu như: “Mày vậy mà để nó qua mặt à?”, “Yếu vậy”... Đó là những từ ngữ rất bình thường nhưng mục đích không bình thường. Nó thích phá vỡ hơn là xây đắp...
Còn có những cách nói được biểu hiện qua những ngôn từ rất “bẩn”. Đó là nói tục nói tĩu. Gần nhà tôi có một gia đình đông con. Mỗi lần họ tụ tập lại bàn chuyện thì ôi thôi… đúng là một “nồi lẩu ngôn ngữ”. Chẳng trách gì thằng cháu nội mới 3 tuổi đầu mở miệng ra là “xì xì xẹt xẹt”. Ông bố có lần điên lên mới mắng cho: “Đ.M, mày mà văng tục nữa tao vả cho sứt mồm”.
Những từ đệm không êm ái ấy chẳng nhằm tới ai cả nhưng không nói không chịu được. Đó là do thói quen. Thói quen xấu nhiễm từ người lớn sang trẻ em làm nhem nhuốc cả tiếng Việt. Một bộ phận khác là những bạn trẻ thích tỏ mình là đàn anh đàn chị nên dùng toàn ngôn ngữ “đại bác”.
Dạo qua mấy quán Internet, nghe mà cứ tưởng mình đang lọt vào thế giới của xã hội đen. Đó tất nhiên không phải là thói quen nữa. Nó là mặt trái của việc tiếp cận với một thế giới mở.
Một thế giới mở mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để giao lưu. Không thể phủ nhận vị trí của tiếng Anh. Sự tấn công của nó vào tiếng mẹ đẻ đã thấy rõ. Rất nhiều người mở miệng ra là OK, yes, no matter… (Thậm chí: “OK- được rồi!”, dù OK là được rồi). Đó là hội chứng nói Tây nói Ta.
Có phần là do thói quen, do môi trường làm việc, có phần là do thích sành điệu, hợp thời. Cũng khó mà trách được. Ngay cả các phương tiện truyền thông nhiều khi cũng vậy.
Chúng ta thường tiếp thu ồ ạt  mà thiếu chọn lọc. Dù sao ngôn ngữ cũng là lớp vỏ của tư duy- Chỉ việc chúng ta nói, dù cố ý hay không cố ý, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh, ảnh hưởng đến cả tiếng mẹ đẻ. Cho nên mỗi người nên chú ý một tí.
Và còn rất nhiều kiểu nói nữa không nên nói tí nào, mong bạn đọc nói giùm...

THIẾU NGHIÊM TÚC NƠI GIẢNG ĐƯỜNG


P. Linh

Từ phổ thông lên đại học có bao điều khác lạ.  Giảng đường thì rộng mênh mông, thầy có soi cũng khó thấu đến ngõ ngách. Thêm nữa, có chỗ cũng chẳng mấy khi điểm danh, dò bài. Là sinh viên mọi thứ bỗng trở nên lỏng lẻo… thành ra thiếu nghiêm túc.
Buổi học đã trôi qua quá nửa giờ vẫn có người đến lớp. Đi trễ là bệnh kinh niên của sinh viên. Lý do nhà trọ ở xa, bận làm thêm, học khuya, nhậu khuya… Thầy cũng chẳng tra hỏi làm gì. “Các bạn lớn rồi, phải tự chịu trách nhiệm”.
Nhưng sinh viên nhiều khi rất “hồn nhiên”. Không ít bữa thầy phải ngồi chống cằm đợi trò. Phòng học thì cửa sau cửa trước ra vô lúc nào mà chẳng được.
Thầy đang giảng bài lại có đôi ba người lê guốc cồm cộp bước vào. Tiếng guốc hùng hồn và khí thế lắm! Thầy bảo: “Các bạn rất dân chủ nhưng khi học, tôi cho các bạn làm chủ thì không thấy ai muốn làm chủ cả”…
Tính thụ động, ngại phát biểu ý kiến là hệ quả từ việc “lấy thầy làm trung tâm” và kiểu dạy học “đọc- chép” truyền thống. Cũng một phần do sinh viên không có thói quen nghiên cứu, tìm tòi. Thư viện trường chỉ có hơn 200m2 so với sĩ số cả ngàn người nhưng nhiều khi trống trải… đến buồn ngủ.
Là sinh viên, nghĩ lại hồi còn đi học phổ thông… Phải xếp hàng, tập thể dục, trực nhật, nhận phiếu liên lạc… Thật trẻ con. Nhưng nhìn qua giảng đường thì thấy sinh viên cũng không người lớn tí nào!
Trên bàn cũng viết vẽ lung tung, từ trái tim rỉ máu đến những định nghĩa chưa thuộc vào giờ kiểm tra. Trong hộc bàn thì nào là giấy vụn, nào là hộp sữa, gói xôi, ổ bánh mì ăn dở. Đến nỗi trường phải đóng cửa phòng không cho sinh viên nghỉ trưa vì lí do vệ sinh. Bức tường mới sơn vài hôm đã thấy dấu tay của kẻ ngứa tay trên đó.
Trong lớp, thường thích ngồi phía sau, càng xa thầy càng tốt. Vượt ra ngoài tầm kiểm soát là bắt đầu buôn chuyện rầm rộ. Còn quần áo, đầu tóc thì đủ kiểu. Áo hai dây, áo sát nách, đầu vàng, đầu đỏ…
Thầy mà nhắc nhở lại cho là thầy khắt khe. “Bọn Tây qua nước mình, nó còn vận quần đùi nữa là…”. Trong khi hầu hết các sinh viên đó đều học qua môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Tất nhiên không thể quản sinh viên theo kiểu học trò cấp tiểu học nữa. Nhưng xem ra sinh viên tự quản còn kém! Bước vào một môi trường mới, lẽ ra điều đầu tiên không phải là sự vui mừng thoát khỏi “vòng kìm kẹp” mà cái nên nghĩ tới là: Từ hôm nay mình đã bắt đầu lớn hơn ngày hôm qua…

BẰNG CẤP VÀ NĂNG LỰC


Thu Ly

Bằng cấp và năng lực có sự tác động qua lại trong mỗi con người. Tôi tạm ví bằng cấp là “y phục” còn năng lực là “cơ thể”  để  tiện phân tích, đánh giá.
Có những bộ y phục rất vừa vặn với cơ thể,  “y phục xứng kỳ đức”,  có những bộ y phục rộng thùng thình.
Ai thuộc loại “bảy chú lùn” khoác bộ y phục ngoại cỡ? Đó là những “học giả” bằng thật, học thật kiến thức giả nhưng vẫn có bằng thật.
Họ lúc trước cũng “nghèo”, nhưng trúng mánh (do cơ hội, cơ chế hoặc cơ cấu)  nên “y phục” phải tương xứng với quyền lực. “Y phục” phải rộng vì “ghế” đã cao hơn, to hơn, không thể sắm “y phục” thứ thiệt thì phải dùng hàng rởm để che mắt thiên hạ.
Vì sao có sự đá nhau giữa “y phục” và “cơ thể” như vậy? Xin góp vui vài câu chuyện.
Ông Long là bạn ông Bình, một quan chức đầu ngành của huyện S. Thành là con trai ông Long, tốt nghiệp THPT, thi đại học không đỗ. Biết huyện S tuyển công chức với tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học chính quy, ông Long nhờ ông Bình.
Bàn đi tính lại, cuối cùng họ chọn phương án: Ông Bình phải bằng mọi giá gửi con vào một trường đại học nào đó để  được cái giấy chứng nhận đang học đại học, ông Bình sẽ trình lãnh đạo cho nợ bằng.
Kết quả Thành được tuyển dụng, còn món nợ tốt nghiệp đến bao giờ trả thì có trời mới biết, chỉ biết tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học chính quy” trong trường hợp này được hiểu “đang học coi như tốt nghiệp” 
Một chuyện khác: Ông Cầu thuộc diện cơ cấu vào một vị trí lãnh đạo nhưng ngặt nỗi chưa có bằng THPT. Kế sách: Mượn tạm bằng của một người trùng tên kẹp  vào hồ sơ, để ló ra cho mọi người thấy khi duyệt nhân sự vì  hội đồng xét duyệt đều là người nhà, chẳng qua che mắt thế gian.
Và ông đã trúng cử với đầy đủ tiêu chuẩn quy định, không phải nợ nần gì cả. Bây giờ có  quyền có chức,  có người biết chuyện nhưng chẳng ai dám vuốt râu hùm, xỉa răng cho sư tử.
Dư luận phê phán xã hội ta đang “bằng cấp hóa”, chỉ cần “y phục”  mà không chú ý đến “cơ thể”.  Thật ra cơ chế uyển chuyển, mềm mại, uốn lượn hơn nhiều.
Khi bổ nhiệm giám đốc cơ quan A, cho phép hạ thấp tiêu chuẩn bằng cấp vì “quản lý cơ quan này cần kinh nghiệm hơn bằng cấp”. Còn khi bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan B thì “phải căn cứ  bằng cấp chứ không thể dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm”.
Nghe qua rất biện chứng nhưng tìm hiểu mới biết cái “biện chứng”  đó là ý chí của lãnh đạo. Trường hợp thứ nhất cần kinh nghiệm vì cái “kinh nghiệm” là cháu ông chủ tịch UBND tỉnh, trường hợp thứ hai cần bằng cấp vì cái “bằng cấp” là  cháu ông  phó chủ tịch tỉnh.
Như vậy, chưa hẳn “bằng cấp hoá” triệt để mà tuỳ lúc, tuỳ chỗ để đánh giá  cái nào cần hơn cái nào. Cho nên nhiều trường hợp được “nợ” bằng khi bầu cử,  bổ nhiệm, một loại nợ có một không hai trên thế giới. Kể cũng lạ, trong khi bằng thật học giả, bằng giả không cần học tràn lan  mà vẫn có người “vay bằng cấp trả góp” để làm lãnh đạo.  
  

CHƯA THẬT THÀ


Cấn Thị Phương


Tiến sĩ dùng bằng THPT giả, kỹ sư giả...  gọi chung là “học giả”, sinh viên không học bài, đến khi kiểm tra chỉ lo quay cóp, nhờ người thi hộ, mua điểm... “Làm láo, báo cáo hay”, thực tế này ai cũng thấy nhưng khó trị.

Từ chuyện buôn bán

“Mua giùm em đi anh! Em bán vốn, mở hàng mà!”. “Bao nhiêu vậy cô?” – 150 ngàn!” – “Sao đắt quá vậy? Bốn chục!” – “Thêm chút đỉnh đi chứ bán vậy sao lời?” – “...” – “Thôi kệ, bán cho anh mở hàng cũng được!”. 150 ngàn, trả 40 ngàn, bán luôn!
Nó gần như là một cái “tật” và đang dần hình thành một “đại dịch” trong chúng ta, khiến những người mua hàng trước chỉ biết cảnh báo người sau: “Coi chừng hớ!”.
Dần dà, người mua cảnh giác kẻ bán còn kẻ bán lại luôn tìm cách lừa người mua bằng những câu nói ngọt: “Mua giùm đi, đâu cũng vậy hết...” hoặc: “Bán giá vốn đó!”... Nhưng họ không lường hết hậu quả để lại.
Đi mua nhãn, thấy giá ghi 10 ngàn một ký nhưng 6 ngàn cũng bán! Vậy làm cách nào họ bán với giá như vậy vẫn có lời? Cân gian, một ký còn 6 lạng! Ai từng “dính” vụ này thì tốt nhất đừng nên quay lại tìm người bán mà mất thời giờ, có quay lại chắc gì đã tìm ra họ? Mà có ra thì đã sao? Nếu nói nặng có thể bị ghép vào tội “vu khống” hoặc “bán 6 ngàn/ký lấy gì ăn cha?”. Thôi đành chứ cứ đôi co ắt sinh chuyện chẳng lành...

Chuyện học hành

Tiến sĩ dùng bằng THPT giả, kỹ sư giả...  gọi chung là “học giả”, bởi họ không học nhưng có tấm bằng trong tay múa ngang dọc. Xem ta đây là người trí thức, trong thâm tâm luôn nơm nớp lo sợ, sợ có ngày người khác phát hiện ra mình thì cái công danh kia trôi đi mất nên họ cố tình che đậy! Sinh viên không học bài, đến khi kiểm tra chỉ lo quay cóp, nhờ người thi hộ, mua điểm...
Hiệu trưởng một trường tiểu học rất được mọi người kính nể nhưng đùng một cái người ta phát hiện cô sử dụng bằng giả. Một thầy giáo dạy văn ở trường THPT, sử dụng bằng giả dạy học qua mấy nơi mà chẳng ai phát hiện. Người ta chỉ hết hồn khi công an công bố thầy có liên quan đến vụ làm giả giấy tờ bảo hiểm và thế là cái bằng giả của thầy lòi ra.
Ra tòa, ông luật sư bào chữa: “Nếu một đứa nhỏ được mẹ nó khoe với hàng xóm là con tôi học giỏi lắm, nó sẽ im lặng nhận lấy cái danh hiệu giỏi đó cho đến khi nào nó bị hàng xóm phát hiện ra thì mới thôi. Ở đây thân chủ tôi cũng vậy!” (Tức có tấm bằng mà không ai phát hiện thì cứ đem ra sử dụng!).
Ông bào chữa hay lắm nhưng tiếc là ông thầy kia đã hơn 40 tuổi, không phải đứa trẻ được mẹ khen thế nên tòa vẫn “tặng” cho thân chủ ông vài cuốn lịch ngồi bóc chơi! Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện nói về cái không thật của người Việt ta.

Đến chuyện làm

“Làm láo, báo cáo hay”, thực tế này ai cũng thấy nhưng khó trị mà thôi. Báo cáo tổng kết cuối năm của tỉnh nọ, hầu như huyện nào cũng: Thu nhập bình quân tăng cao, đã xóa được đói giảm được nghèo nhưng khi có một dự án tài trợ cho huyện nghèo thì huyện nào cũng... nghèo! Quan tỉnh ra chỉ tiêu phải đạt được cho quan huyện, quan huyện tiếp tục giao cho quan xã...
Buôn bán, học hành, công việc... tất cả đều phải xuất phát từ cái thật, chỉ có sự thật mới tồn tại vĩnh cửu. Làm được điều này mọi người mới có sự tin tưởng vào nhau, cùng nhau phát triển. Cái thật sẽ tạo cho mọi người một chỗ đứng trong xã hội, đừng vì một chữ lợi nhỏ mà quên đi cái mất kéo dài mãi tận sau này...


A DUA THEO TIN ĐỒN


Thu Ly

TP - Tôi có chị bạn trước đây công tác tại cơ quan X. Chị thường xuyên kêu ca, nói xấu thủ trưởng và đồng nghiệp; chị chê họ dốt, bảo thủ, hay trù dập nên giỏi như chị mà mười mấy năm nay vẫn là nhân viên quèn, không lên nổi chức tổ phó.

Ngược lại chị hết lời ca ngợi cơ quan Y, nơi bạn chị công tác, nào là “thủ trưởng người ta sao mà giỏi thế, biết tập hợp toàn nhân viên giỏi”, nào là “đối xử công bằng, dân chủ, bình đẳng, trọng dụng nhân tài”…

Chị chỉ nghe qua lời kể của bạn chứ chưa tiếp xúc với cơ quan Y bao giờ nhưng vẫn quyết tâm xin chuyển sang cơ quan đó.

Gặp lại sau gần nửa năm, tôi hỏi: “Sang bên ấy chắc làm ăn khá lắm?” chị thở dài thườn thượt: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, sang đó tưởng ngon lành ai ngờ cũng một giuộc, trong chăn mới biết chăn lắm rận; số tôi sao long đong lận đận thế, sao người tốt hiếm thế?”.

Thực ra loại người “đứng núi này, trông núi nọ” như chị có chuyển đi bao nhiêu cơ quan cũng không thể ưng ý vì tính chỉ biết mình không biết người, coi mình là trung tâm của vũ trụ…

Cạnh nhà tôi có ông, trình độ văn hóa lớp 5, chưa một lần đi ra khỏi luỹ tre làng. Ông học lỏm được nghề bốc thuốc nam của một người bán dạo, bèn treo bảng lương y, hành nghề.

Ông thường khoe với những người ở xa đến rằng thuốc của ông là thuốc gia truyền chữa bách bệnh. Người trong làng gọi ông là “lang băm” và chẳng ai hốt thuốc của ông cả.

Thế nhưng ngày nào dân tứ phương cũng kéo đến nườm nượp. Ông phải tổ chức phát số, gọi tên như bệnh viện, có người chầu chực cả ngày mới đến lượt.

Trong một lần đi công tác sang huyện H, vào quán bên đường uống nước tôi nghe mấy người bàn tán về một thầy thuốc nào đó.Có người bảo thầy từng tu nghiệp và theo sư phụ bên Tàu mười mấy năm, nay về quê hành nghề để cứu nhân độ thế chứ tiền bạc thầy không thiếu; người khác góp chuyện nghe đâu thầy đã chữa khỏi mấy ca ung thư giai đoạn cuối bị bệnh viện trả về.

Hóa ra họ nói về “thầy” K quê tôi. Một đồn mười, mười đồn trăm, mỗi người thêu dệt một tý đã biến một “lang băm” thành đại danh y. Có lẽ do tâm lý “có bệnh vái tứ phương” và  “phước chủ may thầy” nên chỉ cần nghe đồn đại có thầy giỏi là người bệnh tìm đến mà không cần biết nguồn gốc, lai lịch.

Có người thế chấp nhà đang ở để mua cổ phiếu, có thể họ giàu lên nếu gặp vận may nhưng khả năng trắng tay sau một đêm thức dậy cũng không phải là nhỏ. Họ đang chơi trò may rủi.

Nhiều thí sinh chọn trường, chọn ngành không phải bằng năng lực, sở trường mà bằng sự rủ rê của bạn bè, bằng những thông tin vỉa hè “thi vào trường đó dễ đỗ, ra trường dễ tìm việc làm”…

Hậu quả là ngành nghề không phù hợp dẫn đến không có hứng thú trong học tập, không phát huy được năng lực sở trường và suốt đời phải làm công việc không yêu thích.

Để khắc phục hiện tượng trên có lẽ nên suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét một cách toàn diện và biện chứng trước khi quyết định một vấn đề nào đó, không nên a dua theo số đông khi mình chưa thực sự hiểu biết và nắm chắc thông tin.


30 PHÚT VÀ 30 GIÂY


Nguyễn Đặng Hạnh Phúc 
(Lớp Báo chí K29 - ĐHKH Huế)

Đừng nói gì cao siêu, mà hãy nhớ lại : Có thể vào một ngày đẹp trời nào đó ta dành 30 phút hoặc thậm chí cả một buổi sáng để uống cà phê, để tán gẫu với bạn bè mà ta không thể đợi được 30 giây khi đèn đỏ, cố rú ga thật mạnh để vượt...

Người Việt ta từ xưa đến nay vốn rất biết quý trọng và sử dụng thời gian sao cho hợp lý. Bởi ông bà ta xưa vốn làm nông, lúc ấy làm gì có đồng hồ hay một vật dụng gì khác để tính thời gian nhưng có bao giờ sai thời vụ, sai giai đoạn phát triển và thu hoạch mùa màng. Thế nhưng ngày nay, việc sử dụng thời gian của một số người trong xã hội ta thật khó hiểu.

Có lúc nào chúng ta ngồi ngẫm nghĩ về những việc ta đã làm trong một ngày đã hợp lý? Có lúc nào ta nghĩ có thể trong một ngày ta có thể làm được nhiều hơn nếu ta biết sắp xếp? Có bao giờ ta nhìn thẳng vào vấn đề để hiểu rằng mình là kẻ sử dụng thời gian một cách vô tội vạ...

Đừng nói gì cao siêu, mà hãy nhớ lại : Có thể vào một ngày đẹp trời nào đó ta dành 30 phút hoặc thậm chí cả một buổi sáng để uống cà phê, để tán gẫu với bạn bè mà ta không thể đợi được 30 giây khi đèn đỏ, cố rú ga thật mạnh để vượt...

Còn với giới trẻ, như sinh viên chúng tôi chẳng hạn, không ít người sẵn sàng chơi suốt gần hết cả một học kỳ để rồi đến khi thi thì cắm đầu cắm cổ vào để học.

Nào sách, nào vở được lật tung lên để kiếm tìm những kiến thức mà cả một thời gian dài đã bị lãng quên một cách nhẹ nhàng. Ấy vậy một số người còn tung hô cho cách học ấu trĩ ấy là “tài tử”, “học như thế mới là siêu”!

Và cách nghĩ chung vẫn thường trực trong nhiều người chúng ta chính là còn trông chờ ỷ lại vào người khác.Thời gian là của mình nhưng sử dụng nó như thế nào đôi khi cũng còn... chờ cái đã, vô tình tạo cho mình thói quen “giờ cao su”- đặc trưng cho nền văn minh nông nghiệp cũ kỹ.

Xin dẫn ra đây câu chuyện về buổi họp của lớp tôi. Giấy mời phát đi: “đúng 9 giờ...”, thế mà trong đầu ai cũng nghĩ “đợi cho chúng nó đến đông đủ rồi mình đến cũng được, lo gì”. Cuối cùng lớp cũng đã đông đủ, nhưng lúc ấy đã là... 11 giờ. Người này trách kẻ kia để rồi nhận được những câu trả lời dạng: “Tớ cứ tưởng...”.

Đôi khi, tôi vẫn có suy nghĩ rằng, xã hội ta phần đa đều như thế cả, nên chăng mình cũng sẽ là họ, bão hoà giữa số đông sẽ chẳng ai trách mình được.

Câu hỏi to tướng lúc này sẽ là: “Đến bao giờ nước ta sẽ là một nước công nghiệp năng động và trong đó sẽ có những con người mang tác phong công nghiệp thực sự - nhanh nhạy và đón đường tương lai?”.

Và ngay bây giờ ta sẽ cố gắng sửa sai và lập một kế hoạch, một thời gian biểu cho riêng mình, hay là còn... chờ cái đã?                          


BỆNH "DỊ ỨNG" TRI THỨC


                                                                                                                         Nguyễn Mạnh

“Nếu một ngày mà không đọc được vài chục trang sách hay 2, 3 tờ báo thì anh chị có thể đã mắc bệnh “dị ứng tri thức””- thầy giáo dạy môn Bình luận Báo chí của chúng tôi đưa ra một lời phê bình rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Lần đầu tiên xuất hiện trước lớp, thầy giáo môn Bình luận Báo chí của chúng tôi đặt câu hỏi: “Kể tên các triều đại trong lịch sử phong kiến VN?”. Cả lớp im phăng phắc, những gương mặt sáng sủa cúi gằm, bó tay trước một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản. 
Thầy thở dài: “Vậy là sinh viên ta chưa thuộc sử ta”. Rồi thầy làm một phiếu điều tra ngay tại lớp để kiểm tra “tình hình đọc sách” của tất cả các thành viên trong lớp.
Tỉ lệ những người dành riêng quỹ thời gian đọc sách hàng ngày như một thói quen chỉ chiếm 10%.
“Nếu một ngày mà không đọc được vài chục trang sách hay 2, 3 tờ báo thì anh chị có thể đã mắc bệnh “dị ứng tri thức”- thầy đưa ra một lời phê bình rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía.
Rồi thầy kể câu chuyện về một SV người Đức sang VN thực tập trong balô lúc nào cũng có vài ba cuốn sách và một chiếc đèn của thợ mỏ.
Anh chàng người Đức ấy phải tự đi làm thêm trong suốt một năm trời để có tiền sang VN thực tập. Sách luôn là vật bất ly thân của anh vì thế cây đèn của thợ mỏ luôn có trong hành trang để anh ta có thể đọc sách được ở cả những nơi không có đủ ánh sáng.
Lần khác, tôi có dịp đến thăm một người bạn Hàn Quốc đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại VN mới thấy sức đọc và niềm đam mê sách của những người trẻ nước ngoài thật ghê gớm.
Cô gái người Hàn Quốc cho biết thường xuyên thức đến 1 - 2 giờ sáng để đọc sách. Có lẽ chính vì “mọt sách” như vậy nên dù mới sang VN được gần 1 năm nhưng khả năng tiếng Việt của cô luôn khiến cho nhiều người ngỡ rằng cô đã sống ở VN nhiều năm.
Ngồi soi lại vốn kiến thức tích lũy được sau mấy năm ngồi trên giảng đường mà giật mình, hổ thẹn và lo lắng. Phải chăng căn bệnh “dị ứng tri thức” này đang lây lan trên diện rộng trong những người trẻ. Nếu thế thì thật là nguy.

SỨC Ỳ


                                                                                       Mạnh Duy

Nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam nhận xét: Sức ỳ của một bộ phận người trẻ Việt Nam còn quá lớn. Ở nhiều nước (kể cả các nước đang phát triển) học luôn đi đôi với hành, sinh viên khi đang ngồi trên ghế  nhà trường tự đi làm để kiếm thêm thu nhập gần như là chuyện tất yếu.

Còn nếu nhìn vào giới sinh viên của ta hiện nay, đặc điểm chung dễ nhận thấy là kiểu người “ngoan ngoan, hiền hiền, học kha khá”. Đối với nhiều người dường như thế đã là quá đủ.

Đó gần như một thứ công thức chung -  một thứ công thức rất dễ “ru ngủ” những người trẻ. Nó tạo ra những người chỉ biết “phấn đấu cầm chừng” và một sức ỳ rất lớn cản trở những suy nghĩ sáng tạo, bứt phá, tạo ra những con người sống một cách “tròn vo” không cá tính, không khát vọng, không hành động quyết liệt để thực hiện ước mơ.

Theo tôi, mẫu người hành động mới là mẫu người mà thanh niên chúng ta phải phấn đấu, rèn luyện. Nhưng đa phần chúng ta mới chỉ dừng lại ở lý thuyết chứ chưa phải là hành động! Muốn phấn đấu bứt ra khỏi cái “công thức” kia cần phải có bản lĩnh và xác định được điều gì cần cho mình.

Liệu những “khái niệm”, “vai trò”, “tầm quan trọng” mà các môn học hầu như chỉ mang tính lý thuyết đưa ra có giúp chúng ta ứng phó được với cuộc sống thiên biến vạn hoá của thời đại hội nhập hay không? Đó là những cái cần nhưng chưa đủ nếu chỉ có lý thuyết mà thiếu thực hành.

Bạn bè tôi có nhiều người không học đại học nhưng xem ra cuộc sống vẫn dạy cho họ cách cầu tiến bằng việc phải bươn chải, lăn lộn để kiếm sống, mưu sinh.

Tôi chỉ lo rằng mình cũng không thoát khỏi được cái công thức kia. Rồi đến cả khi ra trường đi làm vẫn sống kiểu “bình bình”, “tròn vo” như thế. Liệu thời đại này, thế giới này có dung nạp những người “bình bình” như chúng tôi?


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH VIẾNG THĂM GIÁO PHẬN KON TUM


          Tiếp sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện Toà Thánh đến các Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Miền Bắc, tháng 9/2011 này, ngài tiếp tục thăm các Giáo Phận thuộc Giáo tỉnh Miền Trung. Cụ thể, Đức TGM sẽ thăm Giáo Phận Qui Nhơn trong 2 ngày 7-8/9/2011, và lên thăm Giáo Phận Kon Tum bắt đầu từ ngày 9/9/2011. Theo thông tin được biết,  trong khoảng thời gian ở Kon Tum, Đức TGM đại diện Toà Thánh cùng phái đoàn sẽ đến viếng Đức Mẹ Măng Đen (Kon Plong), dâng thánh lễ tại Nhà Thờ Kon Xơmluh…[Chương trình cụ thể chuyến viếng thăm do Toà Giám Mục Kon Tum, xin vui lòng chờ xem chính xác].
         
Nhân dịp trọng đại này, chúng tôi xin giới thiệu đôi dòng Tiểu sử Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam:
 
 - Ngày 13/03/1953: Sinh tại Predore, giáo phận Bergamo, miền Bắc Italia
- Ngày 17/06/1978: Thụ phong Linh mục
- 1984-1987: Học tại Học viện Ngoại giao Tòa Thánh
- 1987-1991: Tham vụ tại Tòa Sứ thần ở Cameroon
- 1991-1993: Cố vấn Tòa Sứ thần tại New Zealand
- 1993-2001: Chuyên viên bộ Ngoại giao Tòa Thánh
- 2001-2006: Cố vấn Tòa Sứ thần tại Washington, Mỹ
- Ngày 13/04/2006: Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia
- Ngày 17/06/2006: Thụ phong giám mục, làm Tổng Giám mục hiệu toà Capreae
- Ngày 10/10/2006: Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor
- Ngày 13/01/2011: Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, Đại diện Toà Thánh tại Malaysia  và Brunei, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

-------------------------------------