Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

NÓI NĂNG


 Thùy Linh

Trước hết là nói thánh nói tướng. Cả người có học lẫn người không học, hễ mang chút máu khoác lác là mắc tật này. Ngôn ngữ thì trên trời dưới đất, thoạt nghe ai cũng tin say tin sưa.
Nhưng “nói thì như bê tông, làm thì như cọng lông”... Thứ đến là nói khích nói bác. Cái này cộng thêm tính sĩ diện của người mình thành ra rất tệ hại.
Trong bàn nhậu, anh nào mà bỏ về sớm, bạn nhậu sẽ châm một câu: “Về nấu cơm cho vợ à?”. Vậy là nhậu tới bến luôn...
Đúng là “giương đông mà kích tây”. Kiểu như: “Mày vậy mà để nó qua mặt à?”, “Yếu vậy”... Đó là những từ ngữ rất bình thường nhưng mục đích không bình thường. Nó thích phá vỡ hơn là xây đắp...
Còn có những cách nói được biểu hiện qua những ngôn từ rất “bẩn”. Đó là nói tục nói tĩu. Gần nhà tôi có một gia đình đông con. Mỗi lần họ tụ tập lại bàn chuyện thì ôi thôi… đúng là một “nồi lẩu ngôn ngữ”. Chẳng trách gì thằng cháu nội mới 3 tuổi đầu mở miệng ra là “xì xì xẹt xẹt”. Ông bố có lần điên lên mới mắng cho: “Đ.M, mày mà văng tục nữa tao vả cho sứt mồm”.
Những từ đệm không êm ái ấy chẳng nhằm tới ai cả nhưng không nói không chịu được. Đó là do thói quen. Thói quen xấu nhiễm từ người lớn sang trẻ em làm nhem nhuốc cả tiếng Việt. Một bộ phận khác là những bạn trẻ thích tỏ mình là đàn anh đàn chị nên dùng toàn ngôn ngữ “đại bác”.
Dạo qua mấy quán Internet, nghe mà cứ tưởng mình đang lọt vào thế giới của xã hội đen. Đó tất nhiên không phải là thói quen nữa. Nó là mặt trái của việc tiếp cận với một thế giới mở.
Một thế giới mở mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để giao lưu. Không thể phủ nhận vị trí của tiếng Anh. Sự tấn công của nó vào tiếng mẹ đẻ đã thấy rõ. Rất nhiều người mở miệng ra là OK, yes, no matter… (Thậm chí: “OK- được rồi!”, dù OK là được rồi). Đó là hội chứng nói Tây nói Ta.
Có phần là do thói quen, do môi trường làm việc, có phần là do thích sành điệu, hợp thời. Cũng khó mà trách được. Ngay cả các phương tiện truyền thông nhiều khi cũng vậy.
Chúng ta thường tiếp thu ồ ạt  mà thiếu chọn lọc. Dù sao ngôn ngữ cũng là lớp vỏ của tư duy- Chỉ việc chúng ta nói, dù cố ý hay không cố ý, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh, ảnh hưởng đến cả tiếng mẹ đẻ. Cho nên mỗi người nên chú ý một tí.
Và còn rất nhiều kiểu nói nữa không nên nói tí nào, mong bạn đọc nói giùm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét