Phan Thùy Linh
TP - Là học trò thì rành hơn ai hết cái cách đối phó với thầy cô. Nếu chưa kịp làm bài thì mượn vở của bạn để chép. Thậm chí, đến khi kiểm tra còn phân công lao động theo kiểu mỗi đứa làm một câu.
“Chuyên môn hóa” như vậy sẽ làm bài nhanh hơn nhưng hiểu thì chắc… chậm. Đến khi thầy hỏi không khác gì “gà mắc tóc”.
Nhà trường thì rất thành thạo trong khoản đối phó với các cuộc thi theo kiểu phong trào. Lệnh trên vừa ban ra là y như “công nghệ sao chép” phát triển rầm rộ.
Kết quả là đạt chỉ tiêu 100%, giấy khen tá lả. Chỉ có điều bài nào cũng na ná như nhau. Có người chép xong cũng chẳng biết mình thi gì. Thậm chí câu cuối cùng, cho biết suy nghĩ, cũng chỉ: Cuộc thi này rất bổ ích, nó mang lại cho tôi nhiều kiến thức quý báu... Có thật vậy không? Hay chỉ làm mỏi tay?
Cấp dưới đối phó với cấp trên cũng rất giỏi. Nghe có sếp về kiểm tra là rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Hơn bao giờ hết cần phải vận dụng câu thành ngữ “tốt khoe, xấu che”.
Cả con đuờng cũng sạch sẽ hơn mọi ngày. Chưa kể các bản báo cáo thì đầy thành tích. Sếp đi rồi, đâu lại vào đấy. Kiểu này phải “vi hành” thì may ra mới biết tình hình thực tế!
Dân mình cũng không dở trong việc đối phó. Ví dụ như việc chấp hành luật lệ giao thông. Chỗ nào có cảnh sát thì đố ai dám vi phạm, còn không thì y như rằng mạnh ai nấy chạy.
Cứ xem việc đội mũ bảo hiểm thì càng rõ. Nghe “động” là bà con vội quay ngoắt xe lại. Người nào có mũ thì lôi ra (bấy giờ mới chịu đội). Người không có thì phải thuê, đến khi khuất bóng CSGT lại trả.
Vậy nên đội ngũ cho mướn mũ bảo hiểm luôn “đồng hành” sau xe những người thích đối phó. Điều này gây nên sự lộn xộn thường thấy trên các xa lộ. Không hiểu đội mũ là để đảm bảo an toàn cho ai? Chắc là chỉ để an toàn cho cái hầu bao (vì không bị phạt).
Còn kiểu “đầy tớ” đối phó với “chủ” nữa. Trước hết là cứ hứa. Hứa đại đi sau không làm được lại xin tự kiểm điểm. 8 giờ vàng ngọc thì vẫn có mặt đầy đủ. Có ai dám bảo là đánh cắp thời gian của Nhà nước. Nhưng chơi game, buôn chuyện trong giờ hành chính cũng thật rộn ràng!
Bởi vì sợ. Bởi vì chuộng hình thức. Bởi ít nghĩ đến cái lâu dài… nên mới đối phó. Đối phó để cho qua chuyện. Nhưng chuyện qua đi hậu quả còn ở lại. Học trò thì mất kiến thức. Nhà trường thì chạy theo thành tích. Cấp trên thì không biết rõ cấp dưới. Mọi người thì sinh ra xem thường pháp luật…
Tóm lại, đối phó cũng đáng phê phán như nói dối. Có thể ngăn được bằng cách đừng tạo cơ hội cho người ta. Ví như cấp trên đi kiểm tra cấp dưới mà không báo trước… thì đố mà đối phó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét