P.L
Tôi không dám kết luận, chỉ xin tự hỏi: Ở nơi đâu trên thế giới này có những con người chịu thương, chịu khó đến vậy? Những người Việt Nam cần cù, không ngại khó ngại khổ… đi suốt cuộc hành trình của dân tộc mình.
Từ trong những năm tháng khói lửa triền miên là những chàng trai, cô gái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; là những bà mẹ cả một đời chờ chồng chờ con; là những em bé đã sớm biết gánh lấy một phần đau thương của cuộc chiến…
Bước vào thời bình - Đó là những công nhân làm việc ngày đêm trong những nhà máy, công xưởng; những nông dân “một nắng hai sương” trên đồng ruộng, là những ngư dân sinh tồn cùng sóng gió biển cả…
Không cần nhiều lời. Chỉ mấy dòng thơ của Nguyễn Duy, chỉ một hình tượng cây tre Việt Nam đã nói rất đủ cái phẩm chất cao quý ấy:
“Rễ siêng không ngại đất nghèo.
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu.
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”
Phải chăng một nền văn minh nông nghiệp phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết đã cho tổ tiên một “đôi chân cứng” mà đá cũng phải mềm?
Phải chăng cái đất nước “hết thù trong lại đến giặc ngoài” đã cho ta một sức chịu đựng bền bỉ? Phải chăng bao khó khăn gian khổ đã làm giàu thêm đức hy sinh của mỗi con người?
Để đến hôm nay, ta không lấy làm ngạc nhiên khi một ông bố nhặt rác nuôi một lúc mấy con vào đại học, một cô bé bán khoai trở thành sinh viên y khoa, một bà mẹ hy sinh tất cả để giành lấy sự sống cho đứa con bị nhiễm chất độc da cam…
Hàng ngày, hàng ngày, ta đọc được trên báo rất nhiều những câu chuyện như thế! Những con người mà cuộc đời họ như từ trong cổ tích bước ra…
Để đến hôm nay, phẩm chất ấy lại được phát huy. Bạn bè thế giới khi ngắm nhìn những bức tranh thêu XQ, tranh cát Ý Lan hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác đều không khỏi thán phục, trầm trồ tài nghệ, tính khéo léo, sự chịu khó đến lạ của người Việt Nam …
Ta thấy lòng mình rất vui! Nhưng ngẫm cũng thật xót xa khi hạt gạo đựơc làm bằng tất cả mồ hôi công sức vẫn có giá quá nhỏ so với một con chip điện tử!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét