Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CHƯA THẬT THÀ


Cấn Thị Phương


Tiến sĩ dùng bằng THPT giả, kỹ sư giả...  gọi chung là “học giả”, sinh viên không học bài, đến khi kiểm tra chỉ lo quay cóp, nhờ người thi hộ, mua điểm... “Làm láo, báo cáo hay”, thực tế này ai cũng thấy nhưng khó trị.

Từ chuyện buôn bán

“Mua giùm em đi anh! Em bán vốn, mở hàng mà!”. “Bao nhiêu vậy cô?” – 150 ngàn!” – “Sao đắt quá vậy? Bốn chục!” – “Thêm chút đỉnh đi chứ bán vậy sao lời?” – “...” – “Thôi kệ, bán cho anh mở hàng cũng được!”. 150 ngàn, trả 40 ngàn, bán luôn!
Nó gần như là một cái “tật” và đang dần hình thành một “đại dịch” trong chúng ta, khiến những người mua hàng trước chỉ biết cảnh báo người sau: “Coi chừng hớ!”.
Dần dà, người mua cảnh giác kẻ bán còn kẻ bán lại luôn tìm cách lừa người mua bằng những câu nói ngọt: “Mua giùm đi, đâu cũng vậy hết...” hoặc: “Bán giá vốn đó!”... Nhưng họ không lường hết hậu quả để lại.
Đi mua nhãn, thấy giá ghi 10 ngàn một ký nhưng 6 ngàn cũng bán! Vậy làm cách nào họ bán với giá như vậy vẫn có lời? Cân gian, một ký còn 6 lạng! Ai từng “dính” vụ này thì tốt nhất đừng nên quay lại tìm người bán mà mất thời giờ, có quay lại chắc gì đã tìm ra họ? Mà có ra thì đã sao? Nếu nói nặng có thể bị ghép vào tội “vu khống” hoặc “bán 6 ngàn/ký lấy gì ăn cha?”. Thôi đành chứ cứ đôi co ắt sinh chuyện chẳng lành...

Chuyện học hành

Tiến sĩ dùng bằng THPT giả, kỹ sư giả...  gọi chung là “học giả”, bởi họ không học nhưng có tấm bằng trong tay múa ngang dọc. Xem ta đây là người trí thức, trong thâm tâm luôn nơm nớp lo sợ, sợ có ngày người khác phát hiện ra mình thì cái công danh kia trôi đi mất nên họ cố tình che đậy! Sinh viên không học bài, đến khi kiểm tra chỉ lo quay cóp, nhờ người thi hộ, mua điểm...
Hiệu trưởng một trường tiểu học rất được mọi người kính nể nhưng đùng một cái người ta phát hiện cô sử dụng bằng giả. Một thầy giáo dạy văn ở trường THPT, sử dụng bằng giả dạy học qua mấy nơi mà chẳng ai phát hiện. Người ta chỉ hết hồn khi công an công bố thầy có liên quan đến vụ làm giả giấy tờ bảo hiểm và thế là cái bằng giả của thầy lòi ra.
Ra tòa, ông luật sư bào chữa: “Nếu một đứa nhỏ được mẹ nó khoe với hàng xóm là con tôi học giỏi lắm, nó sẽ im lặng nhận lấy cái danh hiệu giỏi đó cho đến khi nào nó bị hàng xóm phát hiện ra thì mới thôi. Ở đây thân chủ tôi cũng vậy!” (Tức có tấm bằng mà không ai phát hiện thì cứ đem ra sử dụng!).
Ông bào chữa hay lắm nhưng tiếc là ông thầy kia đã hơn 40 tuổi, không phải đứa trẻ được mẹ khen thế nên tòa vẫn “tặng” cho thân chủ ông vài cuốn lịch ngồi bóc chơi! Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện nói về cái không thật của người Việt ta.

Đến chuyện làm

“Làm láo, báo cáo hay”, thực tế này ai cũng thấy nhưng khó trị mà thôi. Báo cáo tổng kết cuối năm của tỉnh nọ, hầu như huyện nào cũng: Thu nhập bình quân tăng cao, đã xóa được đói giảm được nghèo nhưng khi có một dự án tài trợ cho huyện nghèo thì huyện nào cũng... nghèo! Quan tỉnh ra chỉ tiêu phải đạt được cho quan huyện, quan huyện tiếp tục giao cho quan xã...
Buôn bán, học hành, công việc... tất cả đều phải xuất phát từ cái thật, chỉ có sự thật mới tồn tại vĩnh cửu. Làm được điều này mọi người mới có sự tin tưởng vào nhau, cùng nhau phát triển. Cái thật sẽ tạo cho mọi người một chỗ đứng trong xã hội, đừng vì một chữ lợi nhỏ mà quên đi cái mất kéo dài mãi tận sau này...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét