Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

BẰNG CẤP VÀ NĂNG LỰC


Thu Ly

Bằng cấp và năng lực có sự tác động qua lại trong mỗi con người. Tôi tạm ví bằng cấp là “y phục” còn năng lực là “cơ thể”  để  tiện phân tích, đánh giá.
Có những bộ y phục rất vừa vặn với cơ thể,  “y phục xứng kỳ đức”,  có những bộ y phục rộng thùng thình.
Ai thuộc loại “bảy chú lùn” khoác bộ y phục ngoại cỡ? Đó là những “học giả” bằng thật, học thật kiến thức giả nhưng vẫn có bằng thật.
Họ lúc trước cũng “nghèo”, nhưng trúng mánh (do cơ hội, cơ chế hoặc cơ cấu)  nên “y phục” phải tương xứng với quyền lực. “Y phục” phải rộng vì “ghế” đã cao hơn, to hơn, không thể sắm “y phục” thứ thiệt thì phải dùng hàng rởm để che mắt thiên hạ.
Vì sao có sự đá nhau giữa “y phục” và “cơ thể” như vậy? Xin góp vui vài câu chuyện.
Ông Long là bạn ông Bình, một quan chức đầu ngành của huyện S. Thành là con trai ông Long, tốt nghiệp THPT, thi đại học không đỗ. Biết huyện S tuyển công chức với tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học chính quy, ông Long nhờ ông Bình.
Bàn đi tính lại, cuối cùng họ chọn phương án: Ông Bình phải bằng mọi giá gửi con vào một trường đại học nào đó để  được cái giấy chứng nhận đang học đại học, ông Bình sẽ trình lãnh đạo cho nợ bằng.
Kết quả Thành được tuyển dụng, còn món nợ tốt nghiệp đến bao giờ trả thì có trời mới biết, chỉ biết tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học chính quy” trong trường hợp này được hiểu “đang học coi như tốt nghiệp” 
Một chuyện khác: Ông Cầu thuộc diện cơ cấu vào một vị trí lãnh đạo nhưng ngặt nỗi chưa có bằng THPT. Kế sách: Mượn tạm bằng của một người trùng tên kẹp  vào hồ sơ, để ló ra cho mọi người thấy khi duyệt nhân sự vì  hội đồng xét duyệt đều là người nhà, chẳng qua che mắt thế gian.
Và ông đã trúng cử với đầy đủ tiêu chuẩn quy định, không phải nợ nần gì cả. Bây giờ có  quyền có chức,  có người biết chuyện nhưng chẳng ai dám vuốt râu hùm, xỉa răng cho sư tử.
Dư luận phê phán xã hội ta đang “bằng cấp hóa”, chỉ cần “y phục”  mà không chú ý đến “cơ thể”.  Thật ra cơ chế uyển chuyển, mềm mại, uốn lượn hơn nhiều.
Khi bổ nhiệm giám đốc cơ quan A, cho phép hạ thấp tiêu chuẩn bằng cấp vì “quản lý cơ quan này cần kinh nghiệm hơn bằng cấp”. Còn khi bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan B thì “phải căn cứ  bằng cấp chứ không thể dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm”.
Nghe qua rất biện chứng nhưng tìm hiểu mới biết cái “biện chứng”  đó là ý chí của lãnh đạo. Trường hợp thứ nhất cần kinh nghiệm vì cái “kinh nghiệm” là cháu ông chủ tịch UBND tỉnh, trường hợp thứ hai cần bằng cấp vì cái “bằng cấp” là  cháu ông  phó chủ tịch tỉnh.
Như vậy, chưa hẳn “bằng cấp hoá” triệt để mà tuỳ lúc, tuỳ chỗ để đánh giá  cái nào cần hơn cái nào. Cho nên nhiều trường hợp được “nợ” bằng khi bầu cử,  bổ nhiệm, một loại nợ có một không hai trên thế giới. Kể cũng lạ, trong khi bằng thật học giả, bằng giả không cần học tràn lan  mà vẫn có người “vay bằng cấp trả góp” để làm lãnh đạo.  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét