P. Linh
Từ phổ thông lên đại học có bao điều khác lạ. Giảng đường thì rộng mênh mông, thầy có soi cũng khó thấu đến ngõ ngách. Thêm nữa, có chỗ cũng chẳng mấy khi điểm danh, dò bài. Là sinh viên mọi thứ bỗng trở nên lỏng lẻo… thành ra thiếu nghiêm túc.
Buổi học đã trôi qua quá nửa giờ vẫn có người đến lớp. Đi trễ là bệnh kinh niên của sinh viên. Lý do nhà trọ ở xa, bận làm thêm, học khuya, nhậu khuya… Thầy cũng chẳng tra hỏi làm gì. “Các bạn lớn rồi, phải tự chịu trách nhiệm”.
Nhưng sinh viên nhiều khi rất “hồn nhiên”. Không ít bữa thầy phải ngồi chống cằm đợi trò. Phòng học thì cửa sau cửa trước ra vô lúc nào mà chẳng được.
Thầy đang giảng bài lại có đôi ba người lê guốc cồm cộp bước vào. Tiếng guốc hùng hồn và khí thế lắm! Thầy bảo: “Các bạn rất dân chủ nhưng khi học, tôi cho các bạn làm chủ thì không thấy ai muốn làm chủ cả”…
Tính thụ động, ngại phát biểu ý kiến là hệ quả từ việc “lấy thầy làm trung tâm” và kiểu dạy học “đọc- chép” truyền thống. Cũng một phần do sinh viên không có thói quen nghiên cứu, tìm tòi. Thư viện trường chỉ có hơn 200m2 so với sĩ số cả ngàn người nhưng nhiều khi trống trải… đến buồn ngủ.
Là sinh viên, nghĩ lại hồi còn đi học phổ thông… Phải xếp hàng, tập thể dục, trực nhật, nhận phiếu liên lạc… Thật trẻ con. Nhưng nhìn qua giảng đường thì thấy sinh viên cũng không người lớn tí nào!
Trên bàn cũng viết vẽ lung tung, từ trái tim rỉ máu đến những định nghĩa chưa thuộc vào giờ kiểm tra. Trong hộc bàn thì nào là giấy vụn, nào là hộp sữa, gói xôi, ổ bánh mì ăn dở. Đến nỗi trường phải đóng cửa phòng không cho sinh viên nghỉ trưa vì lí do vệ sinh. Bức tường mới sơn vài hôm đã thấy dấu tay của kẻ ngứa tay trên đó.
Trong lớp, thường thích ngồi phía sau, càng xa thầy càng tốt. Vượt ra ngoài tầm kiểm soát là bắt đầu buôn chuyện rầm rộ. Còn quần áo, đầu tóc thì đủ kiểu. Áo hai dây, áo sát nách, đầu vàng, đầu đỏ…
Thầy mà nhắc nhở lại cho là thầy khắt khe. “Bọn Tây qua nước mình, nó còn vận quần đùi nữa là…”. Trong khi hầu hết các sinh viên đó đều học qua môn Cơ sở văn hóa Việt Nam …
Tất nhiên không thể quản sinh viên theo kiểu học trò cấp tiểu học nữa. Nhưng xem ra sinh viên tự quản còn kém! Bước vào một môi trường mới, lẽ ra điều đầu tiên không phải là sự vui mừng thoát khỏi “vòng kìm kẹp” mà cái nên nghĩ tới là: Từ hôm nay mình đã bắt đầu lớn hơn ngày hôm qua…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét