Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TỐT KHOE, XẤU CŨNG KHOE?


 Hương Linh

Tâm lý  “Tốt khoe, xấu che” của người Việt  có tính hai mặt, tích cực hay  tiêu cực tuỳ thuộc hoàn cảnh và liều lượng sử dụng. Có người đề nghị “tốt khoe ra, xấu xa dọn cho sạch” chứ không đậy lại, “ngửi” không được.
Tuy nhiên có lúc, có chỗ biết che bớt cái xấu lại là người khôn ngoan, còn bao nhiêu cái tốt khoe ra hết chưa hẳn là tốt. “Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”; cha ông ta đã nói rất chí lý.
Trước hết bàn về “tốt khoe”. Những phẩm chất tốt, việc làm tốt cần được biểu dương, ca ngợi, phổ biến, nhân rộng.
Tuy nhiên nếu quá liều lượng, không phù hợp hoàn cảnh sẽ trở nên lố bịch. Tiếc thay cuộc sống không thiếu những hành vi tốt khoe kiểu này. Một cán bộ bằng cấp lôm côm, kiến thức vay mượn linh tinh nhưng các danh thiếp ghi đầy rẫy học vị này, chức vụ nọ bằng tiếng Tây lẫn tiếng tàu, loại người  này thuộc tuýp  “thùng rỗng kêu to”.
Thế hệ trẻ đang có “mốt” khoe những gì có thể khoe được từ rốn, mông, ngực đến cả “nội y” ra giữa chốn thanh thiên bạch nhật ở những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, đình miếu mà họ cứ váy “ngắn không thể ngắn hơn”, khoe cả “phụ tùng” ra trước thần linh.
Ở nông thôn,  xây dựng nhà cửa chỉ chú trọng hình thức mà ít chú ý công năng sử dụng. Người ta thi nhau tô đá rửa, đá mài, sơn vẽ rồng phượng mặt tiền để ngắm cho sướng mắt, làm oai với thiên hạ còn nhà bếp và công trình vệ sinh, nơi giải quyết nhu cầu “đầu vào” và “đầu ra”  bị coi là công trình phụ vì khách đến nhà không ai vào bếp, nhà vệ sinh để khen “chúng nó” đẹp cả.
Cái thực chất, cái hiện hữu nếu khoe khoang lố quá cũng không tốt huống chi khoe cái giả, cái ảo thì càng tệ. Bệnh thành tích trong ngành giáo dục chính là một kiểu “khoe ảo” v.v...
Còn “xấu che” cơ bản là có hại, thậm chí không “ngửi được”.  Tuy nhiên “xấu che” trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể nào đó lại có lợi, làm đẹp cho cuộc đời, chẳng hạn nó là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật giao tiếp. Chẳng cô gái nào ngây thơ đến mức khoe cặp giò đầy sẹo bằng cách diện váy ngắn đi dạo phố.
“Xấu khoe”  cũng không thiếu chuyện vui. Chị Kim ở một mình thì thôi, hễ gặp bạn bè không “phát” không chịu được. Hết chuyện hay đến chuyện dở. Chị ta bô bô về chồng mình, nào là “ba ngày mới tắm một lần, nếu không lôi lão vào nhà tắm, đóng cửa lại thì lão không chịu tắm”, nào là “đôi tất lão ta bỏ dưới gậm giường, tớ tưởng  có con cóc chết “, vui nhất vẫn là “chuyện ấy, lão ta to xác thế mà chưa đi chợ đã hết tiền”.
Không có gì ở yên trong bụng chị Kim  được vài giờ, hình như không cho  ra được nó ngây ngất,  nôn nao thế nào ấy. Anh Ký là người có số “đào hoa”, mới 34 tuổi nhưng không biết bao cô gái đã qua tay anh ta. Đó là do anh ta tự “báo cáo thành tích” chứ thời buổi kinh tế thị trường này, ai nấy lo làm ăn chứ hơi sức đâu mà để ý ba chuyện đó. Hễ tối hôm trước anh săn được con “nai tơ” nào thì sáng hôm sau, trong “chương trình thời sự” bên quán cà phê thế nào anh ta cũng “phát”.
Loại người như anh Ký hiện nay không hiếm. Người ta say sưa truyền cho nhau kinh nghiệm moi tiền, chạy chức, đưa hối lộ, rút ruột công trình như một nghệ thuật làm giàu, như một kinh nghiệm “gia truyền”...
Tôi kể thêm một chuyện “xấu khoe” có một không hai” sau đây. Ông Q. là sếp một cơ quan lớn. Do tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra, đôn đốc để họ lợi dụng ăn cắp tiền cơ quan nên ông bị kỷ luật. Ông đem  quyết định  lồng khung kính treo chỗ trang trọng nhất trong phòng khách. Bà vợ tưởng ông bị “ấm đầu” lấy cất đi nhưng ông không chịu.
Bà than thở: “Người ta treo huân chương, bằng khen chứ chẳng ai khoe như ông”. Mấy anh trợ lý quân sư quạt mo trước hay đến nhà ông tham mưu, cố vấn,  nay thấy vậy chuồn mất. Con ông đang học phổ thông rất buồn vì bố. Nó nghĩ chẳng nhờ cậy được gì  ở bố nữa  nên quyết chí tự lo cho bản thân. Kết quả  năm đó cậu đỗ đại học, ông được xóa án kỷ luật vì đã rút được bài học về sử dụng cán bộ.
Cái xấu khoe ra không phải lúc nào cũng có hại, nếu ta  dũng cảm và quyết tâm đối mặt với  nó thì  cái xấu sẽ không có đất sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét