Lê Văn Tích
Thiết và Tha là hai anh em ruột. Ông bà thân sinh hai anh mất sớm. Cuộc sống tự lập vất vả, thiếu thốn từ nhỏ, nên hai anh em chăm chỉ, khá tháo vát và rất thương nhau.
Tình thương của họ bộc trực, keo sơn. Có lần anh Thiết dự liên hoan, uống rượu say. Anh Tha không muốn như vậy, bèn lấy một chầu nước đổ trùm lên đầu anh trai, rồi lẳng lặng ra về.
Anh Tha cãi nhau với chị dâu, việc xét ra do lỗi của anh Tha, nhưng anh Thiết bao giờ cũng chằm chặp bênh em. Không nói ra, nhưng anh cảm thấy thằng em trai tộc ngộc, phổng phao của mình chưa quen với việc người chị dâu chen vào cuộc sống của họ.
Sau một lần va chạm với chị dâu, anh Tha bỏ đi miền Nam . Anh Thiết đi làm về, nghe chuyện đoán em trai đi vào bãi vàng tỉnh Quảng Nam (có mấy người trong làng đang tìm vận may ở đó), nên rất lo lắng.
Chả kịp báo với vợ, anh vơ vội cái áo có mấy chục nghìn vừa ứng tiền công lái xe công nông, chạy đuổi theo em. Mấy tháng trời anh làm thuê, vừa lặn lội tìm em. Hai anh em gặp nhau ở tỉnh Phú Yên, nhận đốt thuê mấy lò gạch để có tiền trở về nhà.
Năm sau, anh Tha quyết chí đi miền Nam . Lần này, hai anh em bàn bạc, có liên hoan chia tay, khách mời là bác Vân, người láng giềng gần gũi, thân thiết của họ. Bác Vân thường giúp đỡ hai anh em như một người anh.
Hơn 4 năm sau, anh Tha trở về, đem theo vợ - một phụ nữ nhanh nhẹn, dáng tháo vát. Anh Thiết quây buồng ở đầu nhà đằng kia cho vợ chồng em trai ở. Họ đào ao, vượt đất mở rộng nhà bếp, làm khu chăn nuôi.“Của cải làm ra từ nhà bếp, tiêu tốn, lãng phí từ nhà trên” - Vợ chồng anh Tha trao đổi với vợ chồng anh Thiết như vậy.
Về phần mình, anh Tha mua cái ao lấp đầu làng, mua xe công nông cho anh Thiết lái. Hai anh em hợp sức sản xuất đá dăm. Cuộc sống ngày một đổi thay. Anh Tha làm nhà hai tầng rưỡi ở đầu làng, bán bia hơi, có ba máy xay đá, hai xe ô tô.
Vợ bác Vân bị bệnh cảm hàn nhập cốt. Bác Vân phải bán rẻ cái tủ gương một dạo sang đẹp nhất làng. Anh Thiết không làm với anh Tha, mà trở lại lái xe cho người chủ cũ. Mừng con trai đầy năm, anh xây một cái cổng sắt to tướng theo mốt mới nhất làng. Cả ba nhà giận nhau đoạn tuyệt quan hệ.
Mấy năm rồi, anh Thiết chưa một lần ghé thăm, ngồi chuyện với anh Tha hoặc với bác Vân, kể cả trong các dịp lễ Tết. Nghe đâu trong dịp anh Thiết làm cổng ngõ, bác Vân buông lời chê mấy cái nan cửa… Anh Tha thường bù khú chén tạc, chén thù với mấy người xã khác mà anh nhận là anh em kết nghĩa.
Anh Thiết thậm chí không sử dụng khu chăn nuôi xây bằng tiền của vợ chồng anh Tha. Anh còn dự định lấp cái ao dạo trước được đào theo tư vấn của người em: “Nhất thả cá…”.
Người làng tôi vẫn nhớ tấm gương “cùng bọc” của anh Thiết và anh Tha. Nhớ tình láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau của mấy nhà cùng lối ngõ. Mọi người cảm thấy tiêng tiếc. Của mình rơi mà không chịu nhặt!
Bởi vậy, mỗi khi có dịp gợi nhớ, người làng tôi lại thử phân giải. Do đâu? Tại ai?… Mỗi người giải thích theo hiểu biết của mình và theo kiểu thân thiện với ai thì người đó xấu nên tốt.
Ý kiến của ông giáo Đang - một giáo viên tiểu học về hưu, người duy nhất trong làng còn biết chữ Nho, được xem là xác đáng, đạo mạo hơn cả. Ông giáo nói với người dâu trưởng của cụ: “Thói thường, người ta ghét kẻ giàu, khinh kẻ nghèo…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét