Hôm nay Thứ Tư, ngày 24 tháng 7 năm 2013 là ngày Giỗ 2 năm (24/7/2011-24/7/2013) của Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên, nguyên linh mục Tổng Đại Diện Giáo Phận Kontum.
Sáng nay, Đức Cha Micae đã chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha cố Giuse vào lúc 5 giờ 30, cùng đồng tế với Đức Cha có một số linh mục hạt Kontum.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THÁNH LỄ GIỖ SÁNG 24/7/2013
_____________________________________
CÒN MỘT CHÚT… ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG
LINH MỤC GIUSE NGUYỄN THANH LIÊN
NGƯỜI BẠN CÙNG LỚP.
( 1943-2011)
Ngày thứ ba 26 tháng 7 năm 2011 vừa qua vì phải lo Đại lễ giỗ lần thứ 367 Á Thánh Anrê Phú Yên nếu không tôi phải có mặt tại Kon Tum để tiên đưa linh mục cùng lớp, khóa 6 Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, cha Giuse Nguyễn Thanh Liên.
Tôi lên mạng giáo phận Kontum và đọc và nghe những lời sau:
“ Trong niềm xót thương tiễn đưa cha Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên về Nước Chúa, Quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em giáo dân Kinh Thượng tỏ lòng tiếc thương vô vàn và thành kính phân ưu đến gia đình cha Tổng Giuse. Lòng mến thương đối với cha Tổng Giuse, tất cả không thể hiện hết qua những lời ngắn ngủi này, nhưng sự luyến tiếc ấy sẽ biến thành những Thánh Lễ và lời cầu nguyện nối dài để dâng lên Thiên Chúa linh hồn của cha Giuse.
Cha Tổng Đại Diện Giáo phận Kontum đã ra đi, trở về cùng Chúa, nhưng sự sống mãnh liệt của ngài mãi còn chan chứa nơi lòng tin của anh em người Thượng cũng như Kinh. Suốt một đời tín trung phụng sự Chúa và phục vụ anh em người thượng, suốt một đời chỉ biết yêu mến Chúa và yêu thương người nghèo, suốt một đời theo gương thầy Chí Thánh Giêsu sống khiêm hạ khó nghèo, để rồi ra đi trong cái trọn nghĩa tín trung với Chúa và trải lòng trong cơn khắc khoải cho người nghèo nơi vùng truyền giáo Tây Nguyên.
Cha Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên mãi còn ở lại nơi mỗi người chúng con.”
Và tiểu sử của ngài:
Sinh ngày 11.02.1943, tại Quế Võ, Bắc Ninh.
thuộc Gx. Xuân Hòa, Gp. Bắc Ninh.
- 1956 – 1958: Học Tiểu CV Thừa Sai Kontum.
- 1959 – 1963: Học Tiểu CV Pi-ô XII, thuộc địa phận Hà Nội (tại Sàigòn, tọa lạc đường Nguyễn Tri Phương )
- 1963 – 1967: Học Phân Khoa Triết học tại Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, Đà Lạt.
-1967 – 1968: Đi thực tế tại trường Hưng Đức, BanMêThuột.
- 1968 – 1971: Học Phân Khoa Thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, Đà Lạt.
- 18.12.1971 : Thụ phong linh mục, tại An Bình, Bàu Cá, Thống Nhất, Đồng Nai.
- 1972 – 1975: Dạy học tại Chủng Viện Kontum, tại cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.
- 1975 – 1978: Phụ trách trường Cuenot, Kontum.
- 1978 – 15.04.2004: Chánh xứ Chính Tòa, kiêm nhiệm các xứ họ Hà Đông, Hà Tây, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei.
- 1997 -1998: Bồi dưỡng Thần Học tại Institut Catholique, Paris.
- 11.11.2003: Được bổ nhiệm làm Tổng Đại Diện Giáo phận Kontum.
- 01.06.2006: Chánh xứ Đăk Mót, cùng các xứ họ Dân tộc và Kinh thuộc huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei, Kontum.
Sau thời gian bệnh nặng, đã an nghỉ trong Chúa
lúc 7 giờ 15, Chúa Nhật 24 tháng 07 năm 2011.
Hưởng thọ 68 tuổi, với 40 năm linh mục.
- Linh cửu Cha Giu-se được quàn tại Tòa Giám Mục Kontum,
146 Trần Hưng Đạo, Tp. Kontum, tỉnh Kontum.
- Tẩm liệm vào lúc 07 giờ 00, ngày 25.7.2011, tại Tòa Giám Mục.
- Thánh lễ An táng vào lúc 06 giờ 00, thứ Ba 26.07.2011,
tại Nhà thờ Chính Tòa Kontum
An táng tại Nghĩa Trang Giáo xứ Phương Quý.
R.I.P.
Và trong tang lễ ngày 26 tháng 7 năm 2011, tôi nghe qua băng đĩa những lời ca tụng của linh mục đại diện và Đức cha Kontum về vị linh mục sống một đời
“cho người nghèo và anh chị em dân tộc Tây nguyên”, “ ai cũng thừa nhận ngài rất chân thành, không gian dối..không làm mất lòng ai…gần gủi mọi người” “ Mọi người là anh chị em, là con Chúa”, “ phục vụ với lòng tôn trọng”, “ có mặt khắp mọi nơi”, “ tính đơn sơ vui vẻ”, khi đau yếu “ ít nghe tiếng rên rĩ, lên la”, “ chịu đau rất giỏi” vì “ có Chúa bên ngài…đau thay cho ngài”, “ hy sinh phục vụ…dấu chân khắp các buôn làng”, “ cổ thụ rơp bóng mát của các chú giáo phu”, “ các chú giáo phu tin tưởng mến yêu”, “ không bao giờ than vản trách móc ai”.
Tôi nghe như là tiểu sử một vị thánh và hãnh diện có một người anh em cùng lớp như vậy. Đối với ai chứ đối với anh thì những lời trên không bao giờ là ngôn ngữ ngoại giao hay sáo ngữ. Anh Giuse Thanh Liên quả là như thế.
Tôi không dám nhận là bạn thân của anh vì chúng tôi sống rất xa nhau và cũng rất ít tiếp xúc qua thư tín hoặc điện thoại.
Thế nhưng giữa chúng tôi lại có “ duyên” với nhau khi cùng chung sống dưới một mái trường dù ở hai địa điểm khác nhau. Niên khóa 1962- 1963, do không đủ giáo sư để dạy lớp đệ nhất, chuẩn bị đi thi tú tài toàn phần, giáo phận Qui Nhơn đã gửi chúng tôi vào học ở Chủng viện Piô 12, Hà Nội nhưng lại ở Ngã Sáu Sài Gòn. Giáo phận Kontum cũng cùng hoàn cảnh đã đưa chủng sinh về đây nên chúng tôi có dịp gặp gở nhau. Lớp chúng tôi khá đông như độc giả thấy trong bức ảnh kỷ niệm ngày xa rời mái trường thân yêu.
Niên khóa 1963-1964, tôi được đổi chữ “ chú” thành “ thầy” và được gởi lên Giáo Hòang Học viện Piô 10 Đà Lạt. Tại đây tôi lại gặp anh Liên cũng được giáo phận Kontum gửi đến. Tay bắt mặt mừng và chúng tôi, ngoại trừ một năm “ đi giảng”, thử sức giữa đời, chung nhau mài ghế gổ thông tám năm.
THANH LIÊN Ở MÔ MÀ KHÔNG THẤY ẢNH HÈ!
Tám năm trong khói lửa chiến tranh, bao bạn bè nằm xuống vĩnh viển khắp các chiến trường, còn chúng tôi lại sống rất vô tư và hạnh phúc bên nhau dưới mái ấm chủng viện…đầu óc ở trên mây, vì bận suy nghĩ những chuyện.. triết, thần . Vào năm thần học I, lớp đông hẳn lên với 10 vị Phan Sinh nhập bọn. Dòng triều hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ.
HAI THẦY GIUSE THANH LIÊN VÀ INHAXIÔ NGỌC TƯỚC. YÊU RIÊNG NHÉ!
MỸ, LIÊN, KHẨU, CHÍNH ( SỢ), THĂNG. ĐẦU DÒNG…ĐT ‘ TRIỀU!
Tôi với anh Liên “ duyên số” thế nào mà cứ “ cặp đôi” với nhau vào các dịp tiến chức. Hãy xem tấm ảnh chịu “ các chức nhỏ” năm 1969, tôi và anh quỳ bên nhau trước …Đức cha Simon Hòa Hiền. Các giai đoạn tiếp theo cũng thế , có thể vì chúng tôi “ xứng đôi vừa lứa” cũng như cặp Sơn, Chính cùng cỡ luôn đi dẫn đầu lớp. Chính xác là “ Chính Sợ” để phân biệt với “ Chính Siêu”. Cả Siêu lẫn Sợ hiện nay đều sống bên xứ Cờ Hoa.
PICNIC…ZUI GHÊ! TRẦN ĐỊNH, XUÂN ĐÍNH ĐÃ CHẦU CHÚA!
Cái anh chàng gốc Bắc Ninh nầy có lẻ bị viêm xoang mũi kinh niên nên luôn “ khịt khịt” nhưng lại hay cười và không bao giờ thấy anh to tiếng, cải vã “hăng tiết vịt”, “ đỏ mặt tía tai” như anh chàng gốc Quảng Nam là tôi.
Năm nay chúng tôi dự định sắp xếp công việc để lại hội ngộ vào cuối tháng 8 nầy tại Đà Lạt. “ Quý cha” mừng bốn mươi năm linh mục cọng thêm 30 năm tuổi đời trước đó, và sắp bước vào tuổi “ xưa nay hiếm”. Mà hiếm thật hoặc sắp hiếm. Anh Vincêntê Fêrê Đoàn Xuân Hãn giáo phận Long Xuyên, anh Phêrô Nguyễn Xuân Đính giáo phận Sài Gòn, anh Đôminicô Lê văn Thanh giáo phận Vĩnh Long … đã về “ chầu Chúa” , nhạc sĩ Trần Định giáo phận Long Xuyên và Bordeaux với các bản nhạc để đời cũng đã “tròn mơ” (Bài Con tiền dâng , lạy Chúa) rồi. Dù lớp trưởng Balaam ( Giuse Phạm Bá Lãm, Hòa Hưng) ra sức động viên anh Giuse Thanh Liên…cố lên, thế mà anh cũng gục ngã trước đích đến 40. Có vị kia làm giám mục mà không hiểu “ điên cha gì” bị họ đập “ bề hội đồng” tơi bời! Phần còn lại tất nhiên không huyết áp cũng tiểu đường, không gan nhiễm mỡ cũng phong thấp, nhức mỏi, chưa kể mấy tên “ chập mạch”… “đang vui bỏ về” không rõ lý do. Còn bệnh “ đau tim” phần hồn , phần xác, chưa kể ra.
LỚP TA CÓ THÊM MƯỜI VỊ ” Ô. ÉP EM” OFM PHAN SINH!
BALAAM NÓI: CỐ LÊN! CỐ LÊN
THANH LIÊN PHÁN: HẾT SỨC RỒI!
Phần “ các cha”, tức bố đời nay nhiều vị đã lên “ đức ông”…nghe nói có vị làm “ mục sư”, còn đa số đành phải vâng lời “ nữ bề trên”! Mong các anh đến hẹn lại lên…Đà Lạt, lôi theo cả đám “ rờ moọc” nữa, càng vui!
Đời “ nà” thế!
Tuy có sứt mẽ què liệt, linh mục chúng tôi vẫn vui vẻ tiếp tục công việc “cho đến hết hơi cho đên trọn đời” vì đã vượt qua “ the point of no return” ( điểm không thể quay lại nữa ) của các chuyến bay vượt đại dương.
Dù có “ đí gì đi nữa” thì chúng tôi vẫn rất hạnh phúc trên con đường dấn thân yêu Chúa, yêu con người, phục vụ Chúa , Giáo hội và nhân loại như “ định hướng “ của thế hệ chúng tôi…thế hệ Vatican 2!
ĐỐ AI CÓ QUAN TÀI..NGỘ NHƯ MÌNH!
Nếu nằm xuống mà được như cha Liên có cái quan tài độc đáo Tây nguyên là tuyệt rồi. Ngoài ra ngài lại được đánh giá cao: “Cha Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên mãi còn ở lại nơi mỗi người chúng con.”, nghe cũng vui. Nhưng tôi không tin lắm. Tôi từng nghe một bài điếu văn về một Đức Tổng giám mục “ nước mắt chúng con như…nước biển cả” mà không thấy ai khóc hết!
Cho nên chúng tôi “ bắt hồ nghi” cái kiểu nói “ sống mãi” nầy, quên sớm không chừng, nhưng Chúa không quên là “ ngon rồi”, phải không anh Liên!
Hội An, ngày 31 tháng 7 năm 2011.
Nhớ thánh Inhaxiô, ông tổ Dòng Tên và con cháu Dòng nầy!
Lm An tôn Nguyễn Trường Thăng.
ALMA MATER DALAT.
GỞ RỐI TƠ LÒNG :
Nhiều vị thắc mắc anh Liên học Triết với lớp nào, chính linh mục Antôn cũng không hiểu vì sao anh Liên không có mặt trong lớp Triết 3 khóa 6.
Nay anh Để cho biết như sau:
Có chút chưa đúng trong tiểu sử của Cha Liên
1963-1967: Học Triết cùng với Khóa 7 (4 năm triết)
1967-1971: Học Thần Học cùng với khóa 6 (4 năm thần học)
(không giúp xứ 1967-1968 nhưng thần học năm thứ
nhất, Cha Liên giúp xứ trước khi học 4 năm triết rồi)
1967-1971: Học Thần Học cùng với khóa 6 (4 năm thần học)
(không giúp xứ 1967-1968 nhưng thần học năm thứ
nhất, Cha Liên giúp xứ trước khi học 4 năm triết rồi)
Mình là Dominic Nguyễn ngọc Đễ K7,
học 4 năm triết cùng với Nguyễn Thanh Liên (63-67)
sau đó 1967-1968 mình đi giúp xứ, thì NTLiên lên học thần học năm I.
Minh giúp xứ tại Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt. NTLiênI hay ghé qua thăm)
học 4 năm triết cùng với Nguyễn Thanh Liên (63-67)
sau đó 1967-1968 mình đi giúp xứ, thì NTLiên lên học thần học năm I.
Minh giúp xứ tại Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt. NTLiênI hay ghé qua thăm)
Theo Mình nghĩ là như vậy.
Dominic Nguyễn Ngọc Đễ (Khóa 7)
À ra thế. Anh Liên đã giúp xứ nên trong khóa 6 “đi thử” về, anh nhập bọn luôn. Như vậy mà nghĩ ngợi hoài!
Cám ơn anh Để “nhều nhều”.
HUẾ, 3-2013
ANTON TRƯỜNG THĂNG.
________________________________________
XEM LẠI MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ AN TÁNG NGÀY 26/7/2011
khung cảnh ngoài nhà thờ gỗ
nơi an nghỉ của cha tổng đại diện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét