Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Về Kon Brap Ju để nghe thì thầm từ ngàn xưa



Với mái nhà rông uy nghi kiêu dũng cùng những ngôi nhà sàn đơn sơ mộc mạc quây quần đầm ấm bên nhau trong một thung lũng yên bình, làng Kon Brap Ju được du khách biết đến không chỉ vì phong cảnh nên thơ, bên núi bên sông hữu tình mà nơi đây còn khiến du khách bồi hồi, xúc động, cảm giác như đang lạc vào chỗn hồng hoang và nghe như đâu đó có tiếng thì thầm của ngàn xưa vọng lại…khi một lần được đắm mình trong không gian văn hóa đặc trưng, riêng có ở nơi này...

Những nét văn hóa đặc trưng từ ngàn xưa được
người làng Kon Brap Ju gìn giữ nguyên vẹn đến hôm nay
 
Đoàn chúng tôi xuất phát từ thành phố Kon Tum, theo Quốc lộ 24 khoảng 40 km là đến làng Kon Brap Ju (hay còn gọi là Kon Du) - dân tộc Ba Na Ji Lâng, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Do được một người bạn giới thiệu trước nên chúng tôi dễ dàng nhận ra con đường mòn nhỏ dẫn đến cầu treo bắt qua dòng sông trong vắt, đây có lẽ là con đường dẫn đến làng một cách nhanh và thú vị nhất.
 
Điều đầu tiên khiến chúng tôi thích thú, đó chính là được đặt chân trên cây cầu treo đang vắt mình qua dòng sông rộng chừng trên 100 mét. Cảm giác choáng ngợp bởi độ cao, và thót tim vì cảm tưởng như mình sắp văng ra khỏi "chiếc võng khổng lồ" này bất cứ lúc nào, bởi mỗi khi có ai đó vô tình bước mạnh chân hay cơn gió thổi liên hồi làm chiếc cầu chao nghiêng, đung đưa liên tục giữa không trung...mãi đến lúc qua đến được bờ bên kia, tôi mới thấy nhẹ nhõm kèm theo đó là niềm vui khó tả, có lẽ chúng tôi vừa khám phá ra nhiều điều thú vị về cây cầu treo mà bao đời nay gắng bó mật thiết với người dân nơi này…
 
Vừa được vài bước chân, thật ngạc nhiên khi trước mắt chúng tôi là những tua rua dài - biểu tượng của bông lúa làm bằng tre, nứa được người dân cẩn thận cắm ở ngay lối vào làng, cứ vài bước lại thấy một cây như thế. Chúng tôi đoán có lẽ làng vừa tổ chức một lễ hội lớn trong năm…Chỉ thêm vài chục mét nữa, thoáng từ xa chúng tôi thoáng thấy ngôi nhà rông to, cao, sừng sững, uy nghi tọa lạc ngay giữa khuôn viên rộng, và xung quanh là những ngôi nhà sàn mới, cũ đan xen. Tất cả như được tôn lên bởi màu xanh của lúa, sắn và cà fê được canh tác bởi người dân cần cù, chất phác nơi đây.
  
Nhà rông làng Kon Brap Ju
 
Chúng tôi khá may mắn vì người đầu tiên gặp ngay lối cầu thang lên nhà rông lại chính là Già làng A Jin Đeng (Già làng Kon Brap Ju). Với vốn tiếng kinh rất chuẩn, lại am tường về đời sống văn hóa của dân tộc mình. Già A Jin Đeng đã vui vẻ tiếp chuyện và giải thích cho chúng tôi về những lễ hội đặc trưng và những phong tục tập quán của dân tộc mình.
 
Tự hào khi kể cho chúng tôi về lịch sử của làng, ông A Jin Đeng liền đưa tay chỉ về phía bên kia ngọn núi, cho biết: người Ba Na Ji lâng (hay còn gọi là Ba Na Jơ Lưng) ở vùng Kon rẫy này, trước đây định cư ở tận vùng An Khê (Gia Lai), sau nhiều lần theo tập quán du canh, du cư bởi canh tác, hỏa hoạn, chiến tranh, bệnh dịch, làng phải thay đổi nơi ở liên tục…rồi đến trước năm khi giải phóng, làng mới định cư làm ăn, sinh sống ở đây cho đến ngày nay.
 
Giải thích về kiến trúc của nhà rông ở đây là mái thấp và nhà dài chứ hơn có cao và to như các nhà rông truyền thống của người Ba Na ở thành phố, Già A Jin Đeng giải thích: "sở dĩ mái nhà thấp vì vùng này cao hơn so với vùng trũng thành phố Kon Tum nên nếu xây dựng quá làm cao sẽ dễ bị hư hỏng khi gặp gió lớn,…còn nhà dài vì trước khi làm các già đã tính toán kỹ, bố trí làm sao mỗi hộ dân, ai cũng đều có một chỗ đặt ghè rượu cúng Yàng tại khu vực thiêng mỗi khi làng có dịp lễ hội ".  
  
Hàng cột ở giữa nhà rông là nơi dành cho các hộ dân
đặt ghè rượu thiêng để cúng thần linh
 
 
Và như để chứng minh cho câu giải thích của mình, Già A Jin Đeng mời chúng tôi vào bên trong nhà rông để quan sát. Thật thú vị khi trông thấy ở giữa nhà rông là một tấm phên ngăn để mỗi khi có lễ hội lớn, mỗi hộ dân trong làng sẽ mang một ghè rượu đến, họ cẩn thận lấy dây mây buộc chặt rượu vào một đoạn cây nhỏ để tránh trường hợp nếu vô ý đụng vào sẽ dễ bị đổ, vỡ và theo quan niệm của dân làng đó là điềm báo hiệu không may mắn cho gia chủ trong năm đó…
 
Ấn tượng kèm theo cảm giác phấn kích khi chúng tôi trông thấy vết tích của tục hiến sinh vật thiêng có từ xa xưa, đó là sừng, đầu trâu, xương hàm, cung tên, ...tất cả buộc cẩn thận trên một cây trụ lớn trong nhà rông, mà theo Già Đeng thì đó là bàn thờ, nơi trú ngụ của đấng tối cao, là vị Thần có quyền uy tối thượng chi phối mọi hoạt động trong đời sống tâm linh của làng. Bên cạnh đó còn có các ly rượu bằng ống lồ ô, mặc nạ bằng gỗ…được giắt lên mái nhà rông, là những vật dụng dùng trong lễ hội. Xương, răng hàm và đầu trâu, heo, dê, biểu tượng cung tên để xua đuổi những điều xấu,… sau mỗi lần tổ chức lễ hội cũng được cài lên mái nhà rông như minh chứng với tổ tiên rằng con cháu luôn nhớ đến họ, luôn giữ gìn tập tục của ông bà từ ngàn xưa để lại, và sẽ lưu truyền từ đời này đến đời khác không bao giờ quên văn hóa của dân tộc mình. 
 
Biểu tượng cung tên nhằm xua đi những điều xấu
được dân làng cẩn thận giắt lên mái nhà rông sau lễ
 
Qua quan sát chúng tôi phát hiện ở đây có đến ba bếp lửa trong nhà rông, thay vì một như các nhà rông khác. Già Đeng cho biết, ở đây ban đêm thời tiết khá lạnh, bếp là dùng để sưởi ấm cho mọi người trong những đêm cần tập trung để bàn bạc về công việc liên quan đến cộng đồng, và bếp lửa cũng là nơi minh chứng cho những lần hẹn hò của các đôi trai gái trước khi nên vợ nên chồng… Làng vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán xưa kia, như con trai đến tuổi trường thành thì thay phiên nhau lên ngủ nhà rông để giữ làng và để học hỏi kinh nghiệm săn bắn, trồng trọt...Điều khiến tôi không khỏi lạ lẫm khi trông thấy nhiều tấm gì to như cái nia, được làm căng lên bởi các sợi dây mây rắn chắc, thì ra đó chính là những tấm da trâu, bò được người dân cẩn thận căng lên để làm mặt trống…
 
Không những trông thấy những tín ngưỡng tô tem độc đáo ở nhà rông, mà thú vị hơn khi chúng tôi đi thăm một vài nhà dân và phát hiện nhà nào cũng có một góc thiêng dành cho các vị thần bảo hộ và ông bà tổ tiên của mình. Ngoài những vật như tua tre, cung tên, cỏ tranh, một số hộ còn nặn đất sét thành hình người, trâu, cá, chim, một vài nhà còn nặn những vật dụng như cuốc, rìu, dao quắm…Đặc biệt là ở góc thiêng nào cũng có một ghè rượu như sẵn sàng làm "thỏa mãn" đấng tâm linh bất của lúc nào.
 
Và sau mấy giờ đồng hồ chìm đắm trong không gian văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo ở làng Kon Brap Ju, và nghe giọng già A Jin Đeng đều đều kể về những phong tục tập quán đặc trưng của dân tộc mình mà tựa như một lần được quay về quá khứ, đến với thế giới người xưa…Đến hôm nay, ấn tượng đó vẫn còn in đậm mãi trong tôi./.
 
Bài, ảnhTường Lam
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét