QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ ĐẠO TIN LÀNH LÊN TÂY NGUYÊN 1925 – 1954: MỘT VÀI NHẬN XÉT
Ths. Hồ Thành Tâm
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đạo Tin Lành[1] ra đời khá muộn so với các tôn giáo lớn khác trên thế giới, khởi nguồn từ châu Âu sau những cuộc vận động cải cách tôn giáo của Martin Luther và Jean Calvin hồi thế kỷ XVI[2]. Mặc dù được khai sinh tại châu Âu nhưng do sức ép dữ dội của Công giáo, rất nhiều tín đồ Tin Lành buộc phải di cư sang Bắc Mỹ lánh nạn. Với chủ trương giảm thiểu những nghi thức, luật lệ phức tạp so với Công giáo, đạo Tin Lành rất nhanh chóng đã nảy nở trong tâm hồn của những người châu Âu di cư tại Bắc Mỹ và phát triển mạnh mẽ tại Tân lục địa. Từ một tôn giáo ngoại nhập, đạo Tin Lành đã trở thành một trong những nền tảng cơ bản, “căn tính” của văn hóa Mỹ,[3] nơi chứng kiến sự phát triển bùng nổ của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX. Từ Mỹ, đạo Tin Lành được truyền bá rộng rãi trên thế giới, và đến Việt Nam vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX.
Tổ chức truyền đạo Tin Lành vào Việt Nam là C&MA (Christian and Missionary Alliance, Hội truyền giáo Phúc âm liên hiệp hay Hội Liên hiệp) do mục sư A. B. Simpson sáng lập năm 1887.[4] Một năm sau khi thành lập, một nhóm các mục sư đã được cử đến Long Châu (Trung Quốc) để thiết lập nên chi nhánh của C&MA và tìm cách truyền đạo vào Việt Nam.
Mục sư A. B. Simpson, người sáng lập nên C&MA
Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam và Đông Dương đang nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Vì nhiều nguyên nhân mà giới chức Pháp tỏ ra không mặn mà với việc đạo Tin Lành được các mục sư Mỹ truyền vào Đông Dương. Điều này cũng đồng thời tác động đến thái độ của triều Nguyễn đối với tôn giáo này. Cho nên, ngay từ những ngày đầu khởi sự, mục sư A. B. Simpson đã được một người bạn Pháp làm việc tại Đông Dương cảnh báo về những khó khăn có thể sẽ đối mặt [5]. Bị ngăn trở bởi chính quyền và sự cạnh tranh mạnh mẽ của Công giáo vốn đã xuất hiện ở Việt Nam trên dưới 4 thế kỷ, các hoạt động truyền bá đạo Tin Lành vào Việt Nam cho đến năm 1945 gặp rất nhiều khó khăn và thành tựu thu được còn hạn chế [6].Trong bối cảnh đó, việc đạt được một quyết định từ phía chính quyền thực dân cho phép các mục sư Tin Lành mở một cơ sở truyền đạo tại Tourane năm 1911 [7] là thành công quan trọng và được giới Tin Lành xem là mốc mở đầu cho việc truyền bá tôn giáo này tại Việt Nam.
Sau khi thiết lập thành công cơ sở truyền giáo đầu tiên tại Đông Dương, C&MA đã tiếp tục xúc tiến việc rao giảng giáo lý và phát triển cơ sở. Trước sự đề phòng của chính quyền Pháp và bối cảnh phức tạp tại Đông Dương do cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất gây nên, các mục sư phải tìm cách phát triển tín đồ tại những vùng xa xôi, hiểm trở, nơi bộ máy hành chính của thực dân Pháp còn tương đối lỏng lẻo. Năm 1924, lần đầu tiên các mục sư đề cập đến sự cần thiết phải tiến hành truyền đạo tại các bộ lạc miền núi như người Thái ở Lào, người Thượng ở Annam và đồng thời nhấn mạnh chủ trương tăng cường đào tạo/sử dụng các mục sư người bản xứ, giảm bớt sự tham gia của các mục sư nước ngoài [9]. Mặc dù vậy, việc xúc tiến truyền đạo Tin Lành lên Tây Nguyên lúc này vẫn còn rất sơ khởi, nhận thức của các mục sư về khu vực Tây Nguyên còn khiêm tốn.[10]
Hướng tiếp cận đầu tiên lên Tây Nguyên bắt đầu từ Tourane, trung tâm của Tin Lành tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cuối tháng 2-1925, mục sư Hoàng Trọng Thừa đã thăm dò và truyền đạo thành công cho một số người dân tộc thiểu số ở vùng phía Tây Đà Nẵng.[11] Đầu năm 1926, con đường thứ hai được mở bởi mục sư Robinson theo hướng từ Sàigòn lên Thủ Dầu Một (nay là vùng Xuân Lộc, Bình Dương) với khoảng 40 người cải đạo.[12] Có thể thấy, đến cuối những năm 1920, việc rao giảng Phúc âm cho các tộc người thiểu số Tây Nguyên vẫn đang ở bước đầu và chỉ quanh quẩn ở ngoại vi của khu vực này. Đánh giá về tình hình truyền đạo Tin Lành lên Tây Nguyên, hội nghị thường niên của C&MA tại Việt Nam năm 1926 nhận định rằng các mục sư đã chậm chân trong việc truyền đạo và không nên để chậm trễ hơn nữa; việc truyền bá Phúc âm đến Tây Nguyên được xếp vào loại công tác “đặc biệt” (special work).[13]
Với quyết tâm trên, được sự giúp đỡ của một số người bản xứ thông hiểu phong tục người Thượng, năm 1928, mục sư Hazel A. Jackson đã thuê được một ngôi nhà ở Đà Lạt và năm sau thì mua lại ngôi nhà này, biến nơi đây thành trường học dành cho con em các mục sư tại Việt Nam (The Bible School for Missionaries’s Children).[14] Mục đích ban đầu của việc mở ngôi trường này là để thu nhận con em các mục sư vào một nơi tập trung, khí hậu mát mẻ, cũng vì Đà Lạt là điểm nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều mục sư tại Việt Nam.[15] Tuy nhiên, một khi đã được xây dựng, ngôi trường này lại trở thành địa điểm thích hợp để từ đó đẩy mạnh công tác truyền đạo cho người Thượng. Mục sư Jackson đã tìm cách tiếp xúc với những người Cơho sinh sống quanh thành phố Đà Lạt. Công việc tiến triển chậm vì bất đồng ngôn ngữ và vì tâm tính nhút nhát của người Thượng. Cùng với sự kiên nhẫn học hỏi ngôn ngữ, giúp đỡ người dân, đến năm 1933 đã có 30 người Thượng thuộc 5 tộc người khác nhau xin được tin theo Phúc âm.[16]
Năm 1933, hai vợ chồng mục sư Gordon H. Smith đã dời từ Cambodia sang Buôn Ma Thuột hoạt động. Trong ba năm đầu, công việc chủ yếu của họ là ổn định đời sống và học tập ngôn ngữ bản xứ, còn việc truyền đạo không thu được kết quả nào khả quan bởi sự ngăn trở của chính quyền thực dân tại đây.[17] Tháng 7-1937, đoàn truyền giáo Tin Lành tại Buôn Ma Thuột được bổ sung thêm hai vợ chồng mục sư Phạm Xuân Tín, vốn đang là học viên tại trường Kinh thánh Tourane được cử lên hỗ trợ mục sư G. Smith.[18] Phạm Xuân Tín là một trong những mục sư Việt có công đầu trong việc truyền bá đạo Tin Lành lên Tây Nguyên từ cuối những năm 1930. Từ khu vực người Êđê, mục sư Phạm Xuân Tín đã dần mở rộng địa bàn truyền giáo đến khu vực người Jarai ở Cheoreo và Pleiku trong những năm 1937-1945. Năm 1942, ông đã soạn xong cuốn sách Tơlơi Ơi Adai (Lời Đức Chúa trời) bằng tiếng Jarai để phục vụ cho việc truyền đạo.[19]
Công cuộc rao giảng Phúc âm tại Tây Nguyên đang tiến triển chậm chạp do sức ép của chính quyền thực dân Pháp[20] thì xảy ra sự biến quân Nhật nhảy vào Đông Dương năm 1940. Tình hình có những xáo trộn lớn khi tháng 4-1943, quân Nhật ra lệnh bắt giam tất cả các mục sư Tin Lành về giam tại Mỹ Tho như đã trên trình bày.[21] Tại Tây Nguyên, công cuộc truyền đạo Tin Lành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì quân Nhật chỉ chĩa mũi nhọn vào những người có quốc tịch các nước Đồng minh đang sống tại Đông Dương mà các mục sư người Việt tránh được nạn bắt bớ trên kia. Mặc dù vậy, nằm trong bối cảnh chung của Hội thánh Tin Lành Đông Pháp, hoạt động truyền bá Tin Lành tại Tây Nguyên trong thời gian nổ ra Thế chiến 2 gần như không đáng kể[22]. Một trong những sự kiện đáng chú ý của giai đoạn này là vào năm 1942, trước khi Đại hội đồng lần thứ 19 của Hội thánh Tin Lành Việt Nam, các mục sư, truyền đạo tại khu vực Tây Nguyên, dưới sự chủ tọa của mục sư H. A. Jackson đã đi đến thành lập “Bào ngoại bố đạo đoàn”, một tổ chức tiền thân của Đoàn truyền giáo Tin Lành Việt Nam (1949) hoạt động tại Thượng hạt sau này.
Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 đi đến hồi kết, tại Việt Nam, tranh thủ thời có thuận lợi, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 8-1945, giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Tháng 9-1945, VNDCCH ra đời, không chỉ đánh dấu một thay đổi lớn lao trong toàn bộ lịch sử dân tộc của người dân Việt Nam nói chung, mà từ đây cũng đặt ra vấn đề lập trường chính trị của giới Tin Lành trong nước. Lập trường chính thống của giới Tin Lành Việt Nam vào thời điểm này vẫn là “đứng ngoài chính trị” như Mục sư Lê Văn Thái, Hội trưởng Giáo hội Tin Lành Việt Nam, đã trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9-1945.[23] Có thể, việc lựa chọn vị trí trung gian của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh quyết liệt giữa Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược trong những năm 1946-1954 đã phần nào lý giải cho tình trạng khó khăn nhiều mặt trong hoạt động của Hội thánh giai đoạn này.[24] Tuy nhiên, điều đó cũng không loại trừ việc một số tín đồ Tin Lành vẫn đi theo tiếng gọi của đất nước, bày tỏ quyết tâm đứng về phía Việt Minh đánh bại cuộc xâm lược của quân Pháp.[25]
Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) tuy không phải là địa bàn đánh lớn nhưng khó khăn đối với các mục sư vẫn chồng chất khiến công việc truyền đạo tiến triển rất chậm. Từ 1948-1951, hoạt động truyền bá đạo Tin Lành chủ yếu diễn ra tại vùng người Jarai (Pleiku và Cheoreo), 1952-1954, hoạt động của các mục sư được tăng cường tại vùng Đơn Dương, Blao, Túc Trưng nơi các tộc người Cil, Mạ sinh sống[26]. Năm 1949, tại đại hội lần thứ 2 của Bào ngoại bố đạo đoàn tại Buôn Ma Thuột, đoàn này đã đổi tên thành Đoàn truyền giáo Tin Lành Việt Nam do mục sư Phạm Xuân Tín đứng đầu[27]. Hai năm sau, 1951, Địa hạt Thượng du được thành lập (gọi tắt là Thượng hạt) thuộc C&MA. Như vậy, đến lúc này, khu vực truyền giáo Tây Nguyên đã được nâng lên ngang hàng với 3 hạt khác trong phân vùng truyền giáo của Tin Lành tại Việt Nam (ba hạt kia Bắc hạt, Trung hạt và Nam hạt).
Vì hoạt động của Hội thánh trong thời kỳ này gặp phải nhiều khó khăn cho nên các số liệu thống kê chính thức về Hội thánh và C&MA không đầy đủ như trước. Tuy nhiên, theo một số nguồn khác, đến năm 1954, Việt Nam đã có khoảng 60.000 tín đồ Tin Lành với gần 100 mục sư, 154 chi hội, riêng các tộc người thiểu số Tây Nguyên theo Tin Lành đã 6.000 người, chiếm 1/10 tổng số tín đồ tại Việt Nam lúc này.[28] Các mục sư Tin Lành cũng từng bước xây dựng các cơ sở tôn giáo và từ thiện ở Tây Nguyên như: 1947 thành lập Trường Thánh kinh Buôn Ma Thuột, 1949 mở trường Thánh kinh dành cho người Thượng tại Đà Lạt, 1950 tại Pleiku, 1951 mở trại cùi ở Buôn Ma Thuột…[29]
Điểm lại quá trình truyền bá đạo Tin Lành lên Tây Nguyên trong 3 thập niên (1925-1954), chúng tôi có một số nhận xét:
1. Đạo Tin Lành bắt đầu được truyền lên Tây Nguyên từ giữa thập niên 1920, tức khoảng một thập kỷ rưỡi sau khi đã thiết lập được trụ sở ở Tourane (1911). Như vậy, Tin Lành được du nhập lên Tây Nguyên chậm hơn so với các vùng khác thuộc Đông Dương lúc bấy giờ. Chúng ta có thể thấy, đến năm 1924 trong các bản tin hoạt động của C&MA lúc đó mới nhắc đến sự hiện diện của các bộ lạc Thổ ở Bắc kỳ và Mọi ở Trung kỳ,[30] trong khi C&MA đã đặt vấn đề truyền bá Tin Lành tại Đông Dương từ năm 1888. “Dòng chảy Tin Lành” từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bỏ qua khu vực miền núi để chạy nhanh xuống khu vực đồng bằng: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn, Rạch Giá, Cần Thơ…
2. Mặc dù du nhập muộn, nhưng một khi bắt tay vào việc, C&MA đã nhanh chóng xem truyền bá Tin Lành lên vùng các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên là công việc quan trọng. Có thể thấy rằng, vì nhiều lý do mà sự phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam đương thời rất khó khăn. Về phía chính quyền, người Pháp tại Đông Dương không hoan nghênh tôn giáo này vì lo ngại ảnh hưởng của Mỹ có thể theo đó len chân đến cạnh tranh. Thái độ này của Pháp cũng đồng thời tác động đến nhà Nguyễn, cho nên nhiều lần triều đình đã ra lệnh cấm các mục sư Tin Lành hoạt động, thậm chí còn yêu cầu trục xuất họ khỏi đất nước.[31] Về phía thần quyền, Tin Lành du nhập vào Việt Nam khá muộn cho nên không thể cạnh tranh nổi với “gã khổng lồ” Công giáo vốn đã xuất hiện tại Việt Nam sớm hơn ngót nghét bốn thế kỷ. Về phía người dân, Tin Lành tỏ ra cứng nhắc trong việc tuân thủ các giáo điều, không dung hợp với tín ngưỡng, văn hóa cổ truyền của người Việt, điều mà các giáo sĩ Công giáo thực hiện khá mềm mại sau khi đã phải trả nhiều giá đắt đỏ.[32] Cho nên, để phát triển tín đồ, các mục sư Tin Lành phải nghĩ đến việc mở rộng địa bàn truyền giáo đến những khu vực mà trước đây họ đã bỏ qua: đó là khu vực miền núi, nơi cư trú của các tộc người thiểu số. Tại đây, ba trở ngại trên kia vì nhiều lý do mà có phần được giảm bớt, trở thành mảnh đất màu mỡ để Tin Lành phát triển. Điều này có thể lý giải cho việc, đạo Tin Lành vốn là một căn tính của xã hội tư bản phát triển cao lại tìm đến và thích nghi rất nhanh nơi những tộc người thiểu số Việt Nam vốn có trình độ phát triển kinh tế-xã hội khá thấp.
3. Hướng truyền bá chính của Tin Lành tại Tây Nguyên là từ phía Nam tiến dần lên phía Bắc. Khởi đầu từ vùng núi phía Tây Tourane vào năm 1925 nhưng không lâu sau đó, hoạt động của Tin Lành đã chuyển xuống khu vực Nam Tây Nguyên, từ vùng Xuân Lộc lan dần lên Lâm Đồng, Dar Lak rồi Pleiku. Vả chăng, vì nhiều nguyên nhân như đã trình bày ở trên, sau ba thập niên hoạt động, thế và lực của Tin Lành tại Tây Nguyên vẫn còn rất nhỏ bé: 6.000 tín đồ/700.000 dân, các vùng có đạo Tin Lành giống như những bông hoa nhỏ lọt thỏm giữa rừng núi bạt ngàn. Khu vực Bắc Tây Nguyên, nơi cư trú của các bộ lạc Bahnar và Sedang, vẫn là vùng chưa thể “chiếm lĩnh”[33] bởi lẽ đây là “lãnh địa” của Công giáo, nơi Công giáo xuất hiện sớm nhất và mạnh nhất trong khu vực.
[1]Dịch từ chữ “Protestantism”, đây là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới. Sau này, khi tiến hành truyền đạo vào Việt Nam, các mục sư Tin Lành còn sử dụng từ “Good News” để chỉ đạo Tin Lành.
[3] Một cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển tôn giáo ở Hoa Kỳ xem Barbara Cohen, Tôn giáo Mỹ thế kỷ XX tạihttp://nghiencuulichsu.com/2013/06/01/ton-giao-my-the-ki-xx/
[4] Tháng 2-1887, trong tạp chí Word, Work and World, mục sư Simpson viết:“The southeastern peninsula of Asia has been much neglected. The great kingdom of Annam should be occupied for Christ. Why should it not, along with Tibet, be looked forward to as one of the earliest fields of new aggression by the people of God?” Xem E. F. Irwin (1937), With Christ in Indochina, the Story of Alliance Missions in French Indo-china and Eastern Siam, Harrisburg, Pa. Christian Publicatians, Inc, p.25.
[5] E. F. Irwin, Ibld., p.4.
[6] Chính quyền thực dân Pháp đã buộc triều Nguyễn vin vào các hiệp ước 1874 và 1884 để độc quyền “thị phần truyền giáo” Đông Dương cho Công giáo Pháp. Trước sự đấu tranh của các mục sư Tin Lành cho sự bình đẳng tôn giáo, tháng 1-1939, chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương mới ban hành sắc luật công nhận sự hiện hữu của các đoàn truyền giáo, trong đó có Tin Lành. Thế nhưng phải đến năm 1942, Tin Lành Đông Pháp (bao gồm Việt Nam, Lào và Cambodia) mới được công nhận theo sắc luật này. Khi quân Nhật nhảy vào Đông Dương, vì đề phòng quân Đồng minh, tháng 4-1943, họ đã bắt các mục sư Tin Lành giam tại Mỹ Tho cho đến năm 1945. Nguyễn Xuân Hùng (2013), Quá trình truyền giáo của đạo Tin Lành tại Việt Nam (1911-1975), tr.59-62.
[7] Năm 1911, mục sư R. A. Jaffray cùng với hai cộng sự là Paul M. Hosler và G. L. Huges đã đến Tourane và được sự giúp đỡ của một người bạn là ông Bonnet, đã vận động được Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut cho phép mở một cơ sở truyền đạo tại đây. Nguyễn Thanh Xuân (2002), Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam, nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.372. Mặc dù vậy, các mục sư chỉ được phép hoạt động tôn giáo tại một số thành phố nhất định. Xem The Call of French Indo-China, No.2, Jan-March 1923, p.12. (The Call of French Indo-Chinalà bản tin hoạt động của C&MA ở Đông Dương, ra vài tháng một số).
[8] Các tài liệu của C&MA đương thời đều dùng từ “Mọi” (Mois) để chỉ các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Đây là cách dùng đã cũ. Chúng tôi sử dụng từ “người Thượng” (Highlander, người vùng cao) để thay thế.
[9] The Call of French Indo-China, No.9, Oct-Dec 1924, pp.8-9. Các mục sư phương Tây chỉ được chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương cho phép hoạt động tại một số địa bàn nhất định. Để đối phó với tình hình này và phát triển việc đạo, các mục sư tìm cách đào tạo một số người bản địa trở thành người truyền bá đạo Tin Lành. Chính vì vậy, trong chương trình học tập tại Trường Thánh kinh Đà Nẵng (lập năm 1921), các học viên còn đi ra các vùng phụ cận như Hội An, Tam Kỳ… để truyền đạo và hoạt động tôn giáo.
[10] Năm 1925, các mục sư còn dùng chữ “cao nguyên Darlac” (Darlac Plateau) để chỉ chung toàn bộ khu vực Tây Nguyên, cũng như những tri thức ban đầu/ít ỏi của họ về các tộc người sinh sống tại đây. Xem The Call of French Indo-China, No.13, October-December 1925, pp.11-15.
[11] Mục sư Hoàng Trọng Thừa có nhắc đến một số địa danh như Nam-O, Khe-So, Vuc-Nhiêu mà hiện nay không tra cứu được, nhưng có thể là khu vực miền Tây Đà Nẵng ngày nay, nơi cư trú của các tộc người Bru, Vân Kiều, Tà ôi… Tại đây, ông đã thuyết phục và cải đạo thành công cho một Chánh Tổng Mọi tên Tuu cùng 23 người thiểu số khác và 5 người Việt. Chánh Tổng Mọi là tên một chức vụ hành chính do nhà Nguyễn đặt ra dành cho người đứng đầu một làng của người thiểu số nào đó. Xem The Call of French Indo-China, No.11, April-June 1925, pp.8-11. Mục sư Irwin ghi nhận đây là sự liên lạc đầu tiên giữa đạo Tin Lành với các tộc người Mọi ở Annam (E. F. Irwin, Ibld, pp.145-147). Kể từ đó, những người Thượng đã được cải đạo vẫn đến Tourane để dự lễ (The Call of French Indo-China, No.12, July-September 1925, p.7).
[12] The Call of French Indo-China, No.14, January-March 1926, pp.10-11; E. F. Irwin, Ibld., pp.147-148. Mặc dù vậy, mục sư Irwin cũng cho biết những khó khăn buổi đầu khi tiến hành truyền đạo lên Tây Nguyên. Vùng mục sư Robinson đến vào đầu năm 1926 vốn là một đồn điền cao su của người Pháp, ông ta không đồng ý để các mục sư truyền đạo trên vùng đất của mình. Các mục sư cầu cứu nhà đương cục thì nhận được câu trả lời rằng, đồn điền là tài sản riêng, nếu không được chủ sở hữu cho phép thì các mục sư không được hoạt động trên vùng đất của ông ta.
[13] The Call of French Indo-China and East Siam, No.29, April-June 1930, pp.51-53. (bắt đầu từ số này, bản tin của C&MA đổi tên thành The Call of French Indo-China and East Siam).
[14] Hồi ký của cố mục sư Phạm Xuân Tín cho biết ông bà H. A. Jackson đến Đà Lạt vào mùa xuân 1929 cùng hai vợ chồng mục sư Lê Văn Quế. Xem Phạm Xuân Tín (2012), Hạt giống – The Seed, nxb Phương Đông, tp Hồ Chí Minh, tr.99; The Call of French Indo-China and East Siam, No.29, April-June 1930, pp.54-56; cũng xem http://www.dalat.org/main/dalat/history/vietnam/ Cũng trong năm 1930, Tin Lành đã thu nhận được những tín đồ người Thổ đầu tiên ở Lạng Sơn.
[15] E. F. Irwin, Ibld., pp.152-153.
[16] The Call of French Indo-China and East Siam, No.38 April-Sept 1933, p.20. Mục sư Jackson có thuật lại những khó khăn khi tiếp xúc với người Thượng. Và để tạo mối thiện cảm, mục sư Jackson đôi khi phải mua hàng hóa do người Thượng bán cho nhà trường, những món hàng mà ông không biết nên dùng vào việc gì. (The Call of French Indo-China and East Siam, No.36 July-Sept 1932, pp.45-49). Chính quyền thực dân cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn có thể đến từ ngôi trường này cho nên đã ra lệnh cấm các mục sư đi vào các làng Thượng hành đạo, chỉ cho phép họ hoạt động trong phạm vi thành phố Đà Lạt. Nhưng vì Đà Lạt là trung tâm kinh tế của toàn vùng, hàng ngày nhiều người Thượng vẫn lui tới mua bán, các mục sư vẫn có dịp tiếp xúc và rao giảng Kinh thánh. C&MA Missionary Atlats 1936, p.43.
[17] E. F. Irwin, Ibld, pp.158-160.
[18] Phạm Xuân Tín, sđd, tr.29-30.
[19] Phạm Xuân Tín, sđd, tr.45.
[20] Có vẻ như Tây Nguyên là khu vực “nhạy cảm” mà người Pháp tại Đông Dương rất thống nhất trong quan điểm không được để Tin Lành đặt chân đến. Cho nên, ngay khi mục sư Phạm Xuân Tín vừa lên Buôn Ma Thuột mở lớp dạy học thì viên thanh tra Sabattier đã đến “kiểm tra hành chính” và buộc lớp học này phải giải tán. Mục sư Phạm Xuân Tín vì vậy phải dời lớp học vào trong nhà thờ Buôn Lê (nay thuộc thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lắc). Xem Phạm Xuân Tín, sđd, tr.30.
[21] Lo ngại chiến tranh sẽ khiến quân đội Nhật tại Đông Dương gây khó dễ đối với các mục sư đang hoạt động tại đây, tháng 8-1941, Hội truyền giáo Trung ương Tin Lành tại Newyork đã ra lời khuyến cáo các mục sư nên trở về nước hoặc lánh nạn sang Philippin. Tuy nhiên, có đến 68/74 gia đình mục sư đang ở Đông Dương quyết định ở lại và số này đều bị bắt giam ở Mỹ Tho. Chỉ còn lại duy nhất một mục sư mang quốc tịch Pháp Jean Fúne là không bị quản thúc. Xemhttp://www.tinlanhparis.com/DT/DT2011/DT104/dt104_b10.html
[22] Năm 1940, các mục sư Tin Lành bắt đầu truyền bá tại vùng người Bru với trung tâm Khe Sanh. (mục sư Nguyễn Văn Bình lại cho là vào năm 1935 và người khởi sự là mục sư Ngô Văn Lái. Xemhttp://www.tinlanhparis.com/DT/DT2011/DT104/dt104_b10.html). Tuy nhiên trong thời gian 9 năm chiến tranh (1946-1954), những cơ sở của Tin Lành tại vùng này đã bị phá hủy và các tín đồ tản mác đi nơi khác cả. Jungle Frontier, No.11, Summer 1960, p.6.
[23] Sự kiện ngày 8-9-1945, Ms Lê Văn Thái cùng Ms Trần Văn Đệ và Bùi Hoành Thử được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp kiến ở Bắc Bộ phủ ngay sau khi nước VNDCCH ra đời. Ms Thái đã từ chối đề nghị của Hồ Chí Minh về việc lập “Tin Lành cứu quốc”, thành viên của Mặt trận Việt Minh và xem đó như một tuyên ngôn chính trị của Hội thánh.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin_tong_quat
[24] Trong những năm 1945-1948, Hội thánh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Trường Thánh kinh Đà Nẵng buộc phải đóng cửa vì chiến sự; một số mục sư hoạt động “lạc giáo” phao tin ngày Chúa giáng lâm khiến nhiền tín đồ thất vọng. Tài liệu của Hội thánh còn cho biết, năm 1953, tại miền Nam chỉ còn 61 nhà thờ hoạt động, 12 trong số đó không thể tự túc và phải đóng thuế cho cả hai phe, tức Việt Minh lẫn Pháp. Các nhà lãnh đạo giáo hội gọi đây là thời kỳ “thoái lui và tan lạc”. Xem http://hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/1528-100-nam-tin-lanh-usa.html
[25] Chúng tôi đã công bố bức thư của Hội Tin Lành kháng chiến Nam Bộ gửi Hồ Chủ Tịch ngày 8/5/1948, thể hiện thái độ đứng về kháng chiến của họ. Xem trong Đỗ Quang Hưng (2009), Nghiên cứu tôn giáo: Nhân vật và sự kiện, nxb Tp HCM, tr.283.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin_tong_quat
[26] Phạm Xuân Tín, sđd, tr.62-81.
[27] Nguyễn Thanh Xuân, sđd, tr.421-424.
[30] The Call of French Indo-China, No.9, Oct-Dec 1924, pp.5-8.
[31] Các chỉ dụ năm 1928, 1929. Xem The Call of French Indo-China, No.21, January-March 1928, p.6; No.24 October-December 1928, p.10; No.25, January-March 1929, p.7.
[32] Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của Đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO tại Việt Nam xuất bản, Hà Nội, tr.110-111.
[33] Tin Lành dùng chữ “occupy” để chỉ một vùng nào đó đã cải theo đạo Tin Lành, “dâng lên Chúa”.
(Nguồn bài viết : http://cehitam.wordpress.com/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét