Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

MẸ MARIA QUA CÁC TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ LÊ PHỔ (1907-2001)



TÁC PHẨM SAO CHÉP. KỶ THUẬT TRANH LỤA XẾP BA CHIỀU
THẬP NIÊN 1960. SÀI GÒN.
Ngày còn là  chủng sinh trẻ, không rõ vào năm nào, trên hình bìa của báo Missi, có đăng một bức tranh màu vẽ Mẹ Maria và Chúa Giêsu theo phong cách Việt Nam. Chúa Giêsu tóc trái đào, còn Mẹ Maria gương mặt trầm buồn. Quá quen với thuộc với hình ảnh Mẹ Maria Tây phương tóc vàng, da trắng hồng, mắt xanh … phản ứng đầu tiên là “ không thích” và cho là Đức Mẹ “vẽ xấu quá”. Tôi có biết đâu rằng tác giả bức tranh đó là một họa sĩ, họa sư danh tiếng. Đúng là cái ý nghĩ nông nổi, cạn suy của một cậu bé mới lớn. Đã dốt nát mà tỏ ra ta đây! Cả gan chê bai mọi người!
Rồi một ngày sang Pháp, tôi thấy bức ảnh xưa được bày bán, lúc nầy tôi lại hăm hở mua nhiều bức gữi tặng cho bạn bè.  Người họa sĩ danh tiếng đó đã nằm xuống cách đây 10 năm tại Pháp quốc, đó là Lê Phổ.
Ngày nay với xa lộ  Internet, chúng ta dễ dàng nắm bắt nhiều thông tin về vị họa sư nầy cũng như được chiêm ngắm những tác phẩm của ông trên màn hình vi tính.
Xin phép các tác giả  cho phép trích đoạn một số thông tin.
Sau đây là tiểu sử của họa sĩ.
Lê Phổ sinh ngày 2-8-1907 tại Hà Ðông. Cha ông là Lê Hoan, Kinh lược sứ (Vice Roi) Bắc kỳ. Nhập học khóa đầu tiên trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1930. 
. 1928: Triển lãm chung với các họa sĩ Vũ Cao Ðàm và Mai Thứ tại Hà Nội. 
. 1931: Ðược cử làm phụ tá giáo sư Tardieu dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris. 
. 1932: Ông được học bổng vào trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris. Từ Pháp đi khắp Âu Châu. Triển lãm tranh tại Roma. 
. 1933: Lê Phổ trở về Hà Nội làm giáo sư tại trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật và triển lãm tranh tại Hà Nội. 
. 1934: Sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Trung Quốc. 
. 1935: Vẽ chân dung Bảo Ðại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung. 
. 1937: Tham dự triển lãm quốc tế ở Paris với tư cách giám đốc nghệ thuật khu Ðông Dương và ở hẳn lại Pháp. 
. 1938: Triển lãm lần đầu tại Paris, và từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh ở khắp nơi trên thế giới. 
. 6-1947: Thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life. Có hai con trai: Lê Kim – nhiếp ảnh gia và Lê Tân – họa hình. 
. 1950-1954: Lê Phổ làm Cố vấn mỹ thuật cho Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp. 
. 1957 và 1958: Triển lãm chung với Foujita ở Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux. 
. Họa phẩm của Lê Phổ được trưng bày ở Musée d’Art Moderne ở Paris, Musée d’Oklahoma (USA) và trong nhiều sưu tập nghệ thuật tư nhân, phần lớn ở Hoa Kỳ. 
. Họa sĩ Lê Phổ mất tại Paris, quận 15, tháng 12 năm 2001.
http://nguoivietutah.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=243
“ Lê Phổ sinh ngày 2-8-1907 tại Hà Đông trong một gia đình thế tộc (cha là Lê Hoan từng làm kinh lược sứ Bắc kỳ); nhưng Lê Phổ lại chọn con đường nghệ thuật và thi vào khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thuộc về một nhóm sinh viên “tinh hoa” của khóa, Lê Phổ được hiệu trưởng Victor Tardieu và giáo sư Joseph Inguimberty trực tiếp hướng dẫn trong suốt năm năm học. Chính Victor Tardieu, với phương châm “Bảo tồn tính dân tộc” trong giảng dạy hội họa, đã khuyến khích các học trò Việt Nam của ông vẽ tranh với các chất liệu truyền thống là lụa và sơn mài. Do vậy, trong thời kỳ đầu sáng tác, Lê Phổ chỉ thuần vẽ tranh lụa.
Năm 1933, Lê Phổ trở về nước, giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng năm sau lại du hành sang Trung Quốc để tìm hiểu, học hỏi thấu đáo về hội họa cổ điển Trung Hoa. Đến năm 1935, ông trở thành họa sĩ vẽ chân dung Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung của Hoàng thành Huế.
Nhưng dù có sử dụng chất liệu gì, chịu ảnh hưởng trào lưu hội họa phương Tây hay quốc họa Trung Hoa, vẫn có thể thấy khá xuyên suốt trong gia tài nghệ thuật khổng lồ của Lê Phổ cái hồn vía Việt Nam, cho dù ông gần như suốt đời sáng tác ở xa quê.
Trong tranh Lê Phổ, dù vẽ lụa hay sơn dầu, đều có hình bóng những phụ nữ Việt – cho dù ông chung sống với bà Paulette Vaux, một nhà báo làm việc cho tờ Time và tờ Life. Đó là người thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái giặt giũ và phơi áo, những mỹ nhân tươi thắm bên hoa, những người đẹp say sưa bên trang sách, những tiểu thư khuê các đang điểm trang dung nhan… và rất nhiều những mẹ và con – tình mẫu tử đặc trưng Á Đông, đặc trưng Việt Nam. Và dù xem mãi những tranh ấy, người ta vẫn không cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt bởi cái đẹp cứ lung linh, ảo diệu, mơ hồ mà lại quấn quýt, gắn bó, gần gũi lạ lùng…Tranh Lê Phổ còn được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Paris, một thánh đường của những người yêu mến nghệ thuật khắp nơi trên thế giới.
Theo DIÊN VỸ (DNSGCT)
Không đi sâu phân tích  những vấn đề chuyên môn của hội họa, nhưng qua các thông tin đọc được, chúng ta thấy ông xử dụng kỷ thuật Tây Phương hoặc Trung Hoa, Nhật Bản nhưng lại tổng hợp các tinh hoa để tạo ra một dấu ấn Việt Nam.
“ Cuộc hành hương này đã mở đường cho một tiến trình hơn nửa thế kỷ hội họa, có thể phân chia làm hai giai đoạn: Thời kỳ cổ điển (tranh lụa),Thời kỳ lãng mạn (Tranh sơn dầu):
. 1. Thời kỳ cổ điển (tranh lụa): Từ 1934 đến 1944, 45. Những bức Người Thiếu Phụ Ngồi (1934) và Chim Ngói (1937), ảnh hưởng hội họa đời Tống. Ðường nét thanh thoát, uyển chuyển, mềm mại. Không gian phẳng, màu lì (aplat), từng mảng đồng màu đồng sắc, nét bút tinh vi. Tác phẩm vừa quyến rũ vì những mong manh tế nhị trong nét bút, vừa lạnh lùng vì dùng độc sắc (camaieu), tạo không khí thuần khiết, chay tịnh, ơ hờ; vừa mang dung sắc nghiêm phong của xã hội Việt Nam còn nhuần nhuyễn đạo lý Khổng Mạnh, đầu thế kỷ.
Vài năm sau, Lê Phổ đổi hướng: Những bức Mẹ Con (1938), Thiếu Nữ Và Hoa Lan (1938), Thiếu Nữ Và Hoa Hồng (1941), Tử Vì Ðạo (1941), Chải Ðầu (1942)… thuộc thời kỳ Thánh giáo, dung hòa nghệ thuật Trung Hoa và hội họa Ý: nét bút tế nhị, thanh tao. Không gian hai chiều, người phụ nữ trong tranh trang nghiêm tôn giáo, dáng dấp thiên thần Botticelli, mặt trái xoan, tóc đen, cổ Modigliani, u buồn và huyền bí. Dù nấp dưới bóng Ðức Mẹ đồng trinh hay hiện hình khỏa thân gợi cảm, những người đàn bà trong tranh Lê Phổ luôn luôn phảng phất vẻ trầm tư, tĩnh lự của một Quan Thế Âm Bồ Tát trong tư thế tham thiền nhập định.
Thời kỳ tranh lụa, tất cả nghiêng trong không gian cổ điển. Lê Phổ dùng sắc đạm, màu thiền, màu lạnh và phân chia rõ ràng biên giới: đen – trắng, thiên đàng và địa ngục. Ðây có thể gọi là thời kỳ “thủy mạc” của họa sĩ: Hương thiền, hương đạo thấm vào bút lông, biến người phụ nữ trong tranh dù có khỏa thân, cũng khỏa thân “vô tội”, “khỏa thân bên cạnh Ngọc Hoàng” -như lời hát Phạm Duy- một thứ thánh nữ đồng trinh. Bất khả xâm, bơ vơ trong vườn địa đàng, u buồn mà vẫn hướng thượng. Những đạm thanh, tinh khiết ấy làm tăng vẻ não nùng tâm trạng “nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình” của một tần phi đã bị bỏ quên trong vách quế, ngập gió vàng với mảnh vũ y lạnh ngắt.
. 2. Thời kỳ lãng mạn (Tranh sơn dầu): Nếu có dịp hỏi các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Ðàm: Tại sao đang vẽ tranh lụa lại đổi sang sơn dầu thì cả hai đều trả lời: Vì tranh lụa có những giới hạn về khuôn khổ, màu sắc và thể lượng, khó diễn tả được hết những điều muốn vẽ. Vậy những điều muốn vẽ, muốn diễn tả của Lê Phổ, sau thời kỳ tranh lụa là gì? Họa sĩ muốn bước ra khỏi vòng đạo lý: người phụ nữ trong thời kỳ này dần dần trút bỏ lớp áo “tiết hạnh khả phong” để đi vào thế giới lãng mạn của tình yêu, và tranh cũng từ vùng âm u bước ra ánh sáng.
Dù Lê Phổ đã gặp gỡ hội họa Ấn Tượng ngay từ lúc vào trường Mỹ Thuật, nhưng chỉ đến những năm 40, Lê Phổ mới thực sự rời bỏ nghiêm lệnh chính xác của trường phái cổ điển để bước vào thế giới phiếm định phôi pha của vũ trụ thiều quang màu nhòe. Trong kỷ nguyên Ấn Tượng, Cézanne đã mở thế giới mới về thể (volume), Monet kiến tạo chân trời ngũ sắc và ánh sáng. Lê Phổ đã bỏ rơi cả thể, lẫn màu và ánh sáng trong suốt đoạn đường mười năm tranh lụa cổ điển, mười năm tìm lại “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”.
. .. Hiện diện trong không gian hai chiều, dưới hình thức trang trí, dù tĩnh vật, thiên nhiên hay con người, trong bối cảnh nào, họa phẩm Lê Phổ cũng ngỏ cửa vào một thiên đường viễn mơ, phiếm định.”  
Thụy Khuê
http://htx.dongtak.net/spip.php?article2610
Một vài nhận xét của những nhà chuyên môn giúp chúng ta hiểu thêm về con đường nghệ thuật của Lê Phổ.
Ở đây tôi không dám đi sâu vào rừng tác phẩm hội họa của Lê Phổ mà chỉ muốn dừng lại ở những tranh cóp nhặt được trên mạng để  tri ân việc đóng góp của ông cho công việc Việt hóa Ki tô giáo tại Việt Nam.
Tác giả Thi Vũ trong bài “ Nhớ một ngày xuân  Họa  sư Lê Phổ đến thăm”  cho chúng ta nhiều thông tin đặc biệt về họa sư nhất là đoạn so sánh Lê Phổ với  Giotto ( Giotto di Bondone 7/1266 – 1/1337) về đề tài “ Hạ xác Chúa xuống khỏi cây Thánh Giá” mà ông phiên dịch theo tiếng Pháp là “ Xuống cây Thánh giá”.
http://caonienbachhac.blogspot.com/2010/08/hoa-su-le-pho.html
HẠ XÁC XUỐNG KHỎI CÂY THÁNH GIÁ.
TRỜI SẦU ĐẤT THẢM CỦA GIOTTO, THẾ KỶ 14.
“ Qua cuộc cách mạng nghệ thuật thời Phục Hưng, từ Giotto đến Michelangelo, Leonard da Vinci…, các nghệ sĩ Ý thành công giải phóng con người khỏi sự nô lệ thần quyền và quý tộc. Đồng thời tạo điều kiện cho khoa học nẩy sinh. 
Lê Phổ, con người đến từ phương Đông, hẳn phải ngạc nhiên, chấn động trước sự phong phú, mỹ miều và mới lạ khi tiếp cận với các danh sư thời Quatrocento. Đó là thời kỳ anh vẽ nhiều tranh tôn giáo : Giáng sinh (1941), Xuống cây thánh giá (1941)… Ta thử nhìn bức Xuống cây thánh giá (Descente de la croix) của Lê Phổ tất sẽ nhận ra nét tài hoa của người họa sĩ Đông phương. 
Một người Việt Nam đứng bên cạnh một người ngoại quốc, không thấy gì kém yếu mà còn bày ra nét đặc thù phong phú. Một người đẹp da vàng cạnh người đẹp da trắng, đời phới thêm kiều lệ. Cũng thế, để bức tranh Việt cạnh tranh các danh họa quốc tế, mà không thấy nó hổ ngươi thì biết ngay chân tài họa sĩ nước ta. 
Khỏi tìm đâu xa. Hãy đặt bức Xuống cây thánh giá của Lê Phổ vẽ năm 1941 cạnh bức Xuống cây thánh giá Giotto vẽ vào thế kỷ XV. Hẳn ta biết Giotto là bực thầy của nền hội họa Phục Hưng. Ta thấy gì ? Đây không còn là sự cóp chép, đạo họa (plagiat). 
…. Nhưng nay nhìn Lê Phổ và Giotto qua cùng thể tài, ta không hổ thẹn, không mặc cảm. Ta hãnh diện. Cùng thể tài Đức Mẹ đỡ Chúa Ky tô xuống cây thánh giá, nhưng hai lối nhìn, hai cung cách thể hiện, hai suy tư, hai tinh thần Đông Tây khác lạ. 
Tranh Giotto là sự nổ bùng cá thể trước mệnh đời. Con người phá toang biên cương giới thể và khổ đau. Nhưng bị đức tin và và tư tưởng độc thần hãm lại. Nên đành nương vào sự cứu rỗi của Thượng đế tối cao đầy thi vị và trữ tình. Khổ đau ở đây được chiêm ngưỡng, thay vì giải quyết hay diệt trừ  – nói từ phạm vi nhân sinh. Khổ đau thành thánh ca. Chúa Ky tô nhắm mắt, hoàn thành một nhiệm vụ, khép lại một đời người. Không nói gì thêm. Tất cả cùng nhất tâm chấp nhận, thác sinh ra thông điệp hy vọng của tin lành. Đức Mẹ không khóc lóc. Bà xuất hồn vào đứa con mình mà cũng là Trời mình. Đứa con trọng hệ như niềm tin quyết, nhưng hoan lạc, hết nghi hoặc : vòng đôi tay nâng một cánh hoa, không phải xác người. Mắt mẹ nhìn vào đứa con : một cá thể muốn vẹn toàn cá thể. Cũng là đôi mắt người đàn bà nhìn vào chốn linh : một cá thể bốc bay về nguồn nương tựa, một tình yêu áo bọc điều trân quý. 
Người mẹ thần thoại ấy nào ai khác những phụ nữ bình dân Ý đang bị bọn quý tộc giày xéo thời phong kiến, bị lao động nhọc nhằn trên đồng áng, bị đàn ông xài xạc dù đó là chồng, con mình. Giới phụ nữ bị hy sinh, bị quên lãng, bị biến thành công cụ, nay nhờ tiếng nói của hội họa mà đứng lên, thét đòi quyền sống, quyền hiện hữu. Hình như những người đàn bà ấy nói : Chúng tôi có mặt đây, chúng tôi đang hạ sinh cho trái đất những đứa con và niềm hy vọng. Tiếng thét ấy, quyền cá thể hiện hữu ấy được Giotto dùng tranh nói lên. Sau ông, một đoàn lớp danh họa thời Quatrocento tiếp tục thét lớn cho đến ngày người phụ nữ được bình quyền. 
Bức tranh Lê Phổ mang cùng thể tài rước Chúa xuống cây thánh giá. Nhưng phong cách Đông phương lóe lên trong cái nhìn. Bao nhiêu thế kỷ, cá thể con người phương Đông không bị bức bách như ở Tây phương. Người Đông phương hòa đồng cùng nòi giống, thiên nhiên, vũ trụ hay với thần linh. Từ khởi thủy, con người phương Đông là thế đứng nhân quyền giữa trời và đất. Vì vậy Đông phương không có tuyên ngôn nhân quyền. Mặt Chúa Ky Tô trong tranh Giotto chấp nhận cái chết, chấp nhận trăm năm một đời người. Mặt Chúa Ky Tô trên tranh Lê Phổ biểu thị sự cưu mang khổ lụy dù phải bước tới vô biên. Như cái rước thân của Bồ Tát. Trũng mắt trong tranh Giotto khép đậy đời người, chờ ngày phán xét. Trũng mắt nơi tranh Lê Phổ dồn đọng khổ đau chốn Sa bà, ta cảm nhận sức hút hai quả mắt lún kéo vào lòng đất. Người Mẹ trong tranh Lê Phổ không nâng đầu Chúa như nâng cánh hoa của Niềm Tin, mà bà xốc nách, siết vào lòng mình bằng chiếc ôm bảo bọc, cưu mang. Bà không nhìn con, vì con đã ở lòng bà. Bà nhìn xuống thế gian đau khổ, nhìn xuống thế phận kiếp người. Cái nhìn lắng nghe quán thế  – cái nhìn Từ bi. Cái nhìn không tố cáo, điểm chỉ, không căm thù. Đó là cái nhìn cứu khổ. Ôm siết Chúa Ky Tô cũng là ôm siết đời để giải cứu, để thánh hóa cái sống.
RẤT TIẾC KHÔNG TÌM ĐƯỢC ẢNH MÀU TRANH CỦA LÊ PHỔ.
Xuống Cây Thánh giá, Lê Phổ 1941. Xuống Cây Thánh giá, Giotto, thế kỷ XV
Trên tranh Giotto, thần học Tây phương chiêm ngưỡng và tụng ca khổ đau, chờ ngày phán xét. Một đợi chờ thủ phận  – Que ta volonté soit faite -  nay hóa sinh trên tranh Lê Phổ Đông phương thành cưu mang đáo bỉ ngạn  – Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi svāha. Mẹ và Con không là hai cá thể quyến vào nhau tìm phương bảo vệ. Vì Mẹ và Con là thực thể tâm linh làm đê chắn những gợn sóng bạo hành, tàn ngược như những kiếp phù sinh. Trong tranh Lê Phổ, Mẹ và Con đưa một cái nhìn xuống và một cái nhìn lên không gặp gỡ. Lạ thay, cùng chạm tới bờ mút của cái NHÌN THẤY đời, người và trời đất. Cái nhìn của sự tựu thành. Mắt Chúa Ky Tô qua tranh Lê Phổ chưa là dấu chấm một giai kỳ, vì mang hạnh nguyện chuyên chở giải thoát, mài khổ đau cho nhẵn. Như kẻ mài đá kiếm ngọc. 
Cùng một thể tài nhưng hai phong cách. Giotto và Lê Phổ hợp nhất tài tình suy tư và tình cảm. Họ là những kẻ phác họa Chân như. Vô tình và bất ngờ cuộc đối thoại tư tưởng và nghệ thuật Đông Tây thể hiện trên hai bức tranh cách nhau năm thế kỷ. Dường như đạo Thiên Chúa được Việt hóa qua tranh Lê Phổ”.
Nhớ một ngày xuân 
Họa  sư Lê Phổ đến thăm
Thi Vũ
http://caonienbachhac.blogspot.com/2010/08/hoa-su-le-pho.html
Trong cuộc  giá mới đây, tác phẩm Chúa Giáng sinh, mực và bột màu trên lụa, kích cỡ 58 x 44cm, 1941, của danh hoạ Lê Phổ (1907-2001) được giới mua bán dự đoán tranh sẽ đạt giá trên 1 triệu Đô la  Hồng Kông. Ở  đây không bàn đến chuyện tiền bạc mà cái giá trị tâm linh không cân đo, đong đếm được như nhà đấu giá danh tiếng Christie’s nhận xét: “Lê Phổ vừa giữ phong cách mẫu mực của Pháp, vừa khai thác được hình tượng mỏng manh, trong suốt, mờ bảng màu, với đường nét tinh tế. Bằng cách tái hiện lại hình tượng thánh Madonna ( Mẹ Maria)  là một nàng thơ Việt Nam cổ điển, ông đã giới thiệu một khái niệm hoàn toàn khác về chủ đề này, cũng như tạo ra một điển phạm mới cho lịch sử nghệ thuật Việt Nam”..
http://tin180.com/nghethuat/my-thuat/20110502/chiem-nguong-lai-giang-sinh-cua-le-pho.html
 Bắt đầu từ  năm 1940 đã có một phong trào sáng tác tranh công giáo theo cung cách dân tộc Việt, đặc biệt là  đề tài Giáng sinh trong giới mỹ thuật Hà Nội. Trước hết phải kể hai bức Giáng Sinh trên nền sơn mài cổ truyền của Nguyễn Gia Trí và  của Nguyễn Tiến Chung,  Hoàng Tích Chù. Hai bức tranh sơn mài nầy hiện nay được lưu giữ tại Sài Gòn và Huế.  Đây là những di sản quý báu của các linh mục Đa Minh và Xuân Bích. Phần họa sĩ Lê Phổ, ông sáng tác trên nền tranh lụa.
Họa sĩ Lê Phổ đã sáng tác bao nhiêu bức tranh với chủ đề Ki tô giáo? Thật khó biết. Nhưng những bức tranh mà ta biết được qua mạng cũng đủ tạo một dấu ấn không thể phai mờ của nhà danh họa nầy trong nền mỹ thuật  công giáo dù rằng ông chưa bao giờ là tín đồ ghi danh trong sổ Rửa tội. Qua các bức tranh về Mẹ Maria, ông lột tả hết tình mẫu tử với tất cả nét thanh khiết, dịu hiền theo phong cách Việt Nam. Nhiều bức tranh khác vẽ về mẹ, con  trần thế nhưng xem ra cũng dễ dàng hóa thân thành Mẹ Maria.
Thật đáng buồn khi nhiều họa sĩ công giáo có thể nói “ phung phí tài năng” vào những đề tài tầm thường, thời thượng mau qua mà không cố gắng góp phần mình vào  điều mà tác giả Thi Vũ đã cảm nghiệm chính xác “Dường như đạo Thiên Chúa được Việt hóa qua tranh Lê Phổ”.
Việc nầy lẻ ra chính các nghệ sĩ công giáo Việt Nam phải thực hiện… Bảy mươi năm qua rồi mà các họa sĩ công giáo Việt Nam chưa có tác phẩm nào về đề tài tôn giáo mình vượt qua được các tác phẩm Giáng Sinh của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung, Lê Phổ… những người không tuyên tín về đạo nhưng tâm tình tôn giáo lại quá đậm đà trong từng nét vẽ.
Ước mong trong tương lai gần, tranh về đề tài Ki tô giáo của Lê Phổ cũng sẽ gợi hứng cho các họa sĩ trong và ngoài Giáo hội  sáng tạo nhiều tác phẩm về đạo làm phong phú thêm nền hội họa Việt Nam thế kỷ 21.
HỘI AN, NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2011.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
(Nguồn: antonnguyentruongthang.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét