Lê Thái Dũng
Dưới đây là những câu chuyện lý thú về các vị vua Việt Nam .
An Dương Vương chọn đất đóng đô ở nơi… chó đẻ
Theo Ngọc phả Đền Hùng: “…Thục An Dương Vương được nước, cảm thấy sự nhường ngôi của (Hùng) Duệ Vương công đức như trời đất, bèn dóng xe về núi Nghĩa Lĩnh, dựng giao đàn để quốc gia phụng tự, dựng hai cột đá ở giữa núi, chỉ lên trời mà khấn rằng: Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom miếu vũ họ Hùng, sai lời thề sẽ bị trăng vùi gió dập…”.
Sau đó An Dương Vương đã rời đô về đất Cổ Loa, xây dựng tòa thành 9 vòng theo hình xoáy ốc mà lịch sử, huyền tích thường gọi là thành Ốc (Loa thành), Cổ Loa thành hoặc bằng nhiều tên khác như Khả Lũ, Côn Lôn thành, Khả Lưu thành, Qủy Long thành, Tư Long thành, Trung Quy thành…
Dã sử và truyền tụng ở địa phương cho biết, ban đầu An Dương Vương chọn đất Uy Nỗ (Tó) làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua cứ kéo nhau sang đất Cổ Loa, trong đó có con chó quý tìm đến một khu gò đất lót ổ đẻ con, vì thế vua cho dời đô sang Cổ Loa, dựng cung điện ngay trên gò đất nơi chó đẻ. Với quan niệm “đất chó đẻ là đất quý” nên người dân Cổ Loa trước đây có tục làm nhà trên khu đất chó đẻ con.
Đời Lý Thái Tổ dựng cung điện trên núi Nùng ở Thăng Long hay chuyện Trần Hưng Đạo chọn nơi dựng thái ấp ở Kiếp Bạc cũng đều gắn với việc chó tìm đất để lót ổ sinh con…
Lý Anh Tông cho…10 vạn quân đi dẹp trộm cướp
Lý Anh Tông là vị vua cho huy động một lực lượng đông nhất trong lịch sử để trấn áp tội phạm. Dưới triều ông trị vì, ngoài một số cuộc khởi nghĩa, nổi loạn còn xuất hiện tình trạng binh lính đào ngũ đi làm cướp, vì thế vào tháng 8 năm Qúy Mùi (1163) vua sai Phí Công Tín đem 10 vạn quân đi đánh dẹp các đảng cướp.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Bọn lính bỏ trốn, rủ nhau tụ họp thành bầy cướp bóc nhân dân trên đường bộ. Vua sai Phí Công Tín đem quân 10 vạn quân đi đánh dẹp yên được”.
Huy động cả một lực lượng khổng lồ để trấn áp chứng tỏ tình trạng cướp bóc lúc bấy giờ rất nghiêm trọng nhưng may mắn là triều đình đã khắc phục được. Điều thú vị là người có công lớn trong việc trấn áp tội phạm không phải là một võ tướng mà ông xuất thân từ quan văn, về sau mới chuyển sang ban võ nắm binh quyền. Phí Công Tín làm quan dần dần từ chức Nội thường thị lên đến chức Tả ty, rồi Chư vệ, Binh bộ thượng thư, hàm Thái bảo và được Lý Anh Tông ban quốc tính (họ Lý).
Trần Nhân Tông xem bói quốc gia đại sự
Trong lịch sử có những vị vua rất không ưa chuyện bói toán, thuật số nhưng ngược lại có người thậm chí còn thưởng cả chức quan, tước vị cho người đã gieo quẻ, bói trúng, đó là trường hợp đặc biệt liên quan đến vua Trần Nhân Tông.
Tháng 5 năm Kỷ Sửu (1289), sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông đã phong cho Phùng Sĩ Chu chức Hành Khiển, lý do là “khi người Nguyên sang, vua sai Sĩ Chu bói. Sĩ Chu đoán rằng: Thế nào cũng đại thắng! Vua mừng bảo: Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng. Giặc yên, vua nói: Thiên tử không có nói đùa. Do đấy, có lệnh này” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đến năm Nhâm Thìn (1292) vua lại phong cho một viên quan là Trần Thì Kiến giữ chức An phủ lộ Yên Khang (nay là đất Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cũng vì ông đã bói trúng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: “Trước đây, quân Nguyên vào cướp, vua sai Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán. Mùa thu năm Trùng Hưng thứ 2 (1285), quân Nguyên lại vào cướp, vua lại sai bói, được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán, Thì Kiến đoán: "Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan". Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen tài của Kiến, cho nên có lệnh này”.
Vua Lê Thánh Tông cấm phá thai
Trong bộ luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông ban hành có nhiều quy định liên quan đến nghề y như trừng phạt thầy thuốc kém đức, vấn đề về pháp y... Đặc biệt, vị hoàng đế này còn ra lệnh cấm phá thai và ít nhất hai lần đã đề cập đến vấn đề này.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 3 năm Giáp Thìn (1484): “Ngày 12, nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường, cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp.
Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp”.
Vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm thuốc phiện đầu tiên
Khó có thể biết được thuốc phiện được sản xuất, sử dụng ở nước ta từ bao giờ nhưng dần dần đến những thập niên đầu thế kỷ 19, hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc phiện đã gây ra những tiêu cực, nhất là khi người nước ngoài mang thứ hàng này vào bán kiếm lời ở nước ta. Trước tình hình đó vua Minh Mạng đã ban lệnh cấm đầu tiên nhằm ngăn cấm việc buôn bán, sử dụng thứ “thuốc độc” này.
Sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết vào tháng 7 năm Canh Thìn (1820) vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ ngoại quốc đem lại, những phường du côn lêu lổng mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Vì nó, quan bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy yếu sinh bệnh tổn tạng, thương sinh. Vậy nên bài để nghiêm cấm đi”.
“Lúc ấy, đình thần bàn tâu: Bất luận quan hay dân, ai nghiện hút, chứa, nấu hoặc bán thuốc phiện đều bị xử tội đồ; ai bắt được thì thưởng 20 lạng bạc; cha anh không ngăn cấm con em, xóng giềng biết mà không tố đều bị xử trượng…” (Đại Nam thực lục chính biên).
Lời tấu nghị tâu lên, vua Minh Mạng sửa là quan chức có phạm tội này thì bị cách chức, còn các điều khác thì theo lời bàn của đại thần mà cho thi hành. Tiếp đó, vào các năm Giáp Thân (1824), Nhâm Thìn (1832), Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng lại ban hành thêm quy định mới với hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội trạng liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc phiện, như người hút thuốc phiện bị phạt theo mức từ “đánh 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm” đến “tịch thu toàn bộ gia sản”; người nấu, tàng trữ thuốc phiện, bị phạt theo mức từ “sung quân đi biên viễn” đến “xử giảo và tịch thu gia sản”...
Đồng Khánh - vị vua đầu tiên được chụp ảnh
Khi xem những bức ảnh do đoàn sứ bộ nước Đại Nam mang về từ Pháp, vua Tự Đức cho đây là một điều đáng để học hỏi bèn truyền lệnh chọn người xuất ngoại đi Tây học cách chụp ảnh, người đó là ông Trương Văn Sán. Đến tháng 8 năm Mậu Dần (1878) ông Sán từ Pháp về nước trình bày “tiểu phép chụp ảnh”, vua Tự Đức sai bộ Công dựng cho ông một ngôi nhà ở kinh đô để chụp ảnh.
Mặc dù chủ trương cho học tập nghề chụp ảnh và ưu ái nghề này nhưng vua Tự Đức có lẽ do những quan niệm lạc hậu về hồn vía nên ông đã không chụp bức ảnh nào.
Chỉ đến đời vua Đồng Khánh, khi đã bớt nặng nề về quan niệm, lại được Pháp đề nghị chụp ảnh để gửi về Pháp “cho biết mặt, tỏ rõ tình giao hiếu”, nên vua Đồng Khánh đã cho phép thợ ảnh chụp mình vào tháng Chạp năm Ất Dậu (tháng 1-1886). Bức ảnh vua Đồng Khánh sau đó được rửa làm 2 bản, một gửi về Pháp, một nhà vua giữ lại.
Sách Đại Nam thực lục chính biên chép rằng: “Niên hiệu Đồng Khánh, Ất Dậu, tháng 12. Bấy giờ Phó đô thống Pháp bàn với đô thống đại thần ủy phái quan họa đồ ấn ảnh Đại Pháp đến điện đình in chân dung của vua, gửi về nước Pháp để tỏ tình giao hiếu với nhau. Viện thần nói: Quốc tục phương Tây, lấy việc ấy làm trọng xin nên y theo. Mới chọn ngày quang tạnh, vua mặc mũ, áo đại triều, ngồi ở điện Văn Minh cho quan Pháp chụp ảnh. Rồi chuẩn cho in thành hai tấm ảnh, 1 tấm để lại dâng lên, 1 tấm gửi về Pháp”.
Theo dữ liệu nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tấm ảnh này chụp vào mùa đông xứ Huế, trong điện Văn Minh không đủ ánh sáng nên tấm ảnh lịch sử của vua Đồng Khánh gửi cho chính phủ Pháp không rõ lắm. Vì thế về sau vua Đồng Khánh cho chụp lại, nhà vua mặc đại triều nhưng đầu lại quấn khăn chứ không đội mũ. Tấm ảnh thứ hai này rõ hơn và được phổ biến rộng trên sách báo từ đó đến nay.
Qua ghi chép của sử sách có thể coi vua Đồng Khánh (1885-1888) là vị vua đầu tiên cho phép thợ ảnh chụp ảnh mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét