Nói về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta dễ dàng ghi nhận những thành tích của giáo dân, đặc biệt của các nhân sĩ trí thức.
Nhưng đề cập đến những đóng góp của Công giáo về mặt văn hóa, chúng ta không khỏi có sự phân vân khi phải tách bạch cho rõ ràng đâu là những yếu tố tích cực, là hiệu quả khách quan và đâu là những hạn chế, tiêu cực, nhất là khi xét động cơ của những nhóm người, những cá nhân có liên quan đến những đóng góp văn hóa đó. Chúng tôi xin mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ như sau:
1. Chữ quốc ngữ- từ điển sách báo in bằng mẫu tự la tinh.
Xưa kia, Việt ngữ vốn là viết bằng chữ Nôm, một thứ chữ được hình thành trên cơ sở chữ Hán khối vuông của Trung Quốc. Nhưng bắt đầu thời cận đại, thứ chữ này dần dần được thay thế bằng chữ Quốc ngữ ghép vần theo mẫu tự La tinh. Thứ chữ này do các nhà truyền giáo phương Tây đưa vào nước ta từ thế kỷ XVI, XVII. Họ đã lấy những chữ trong vần chữ cái của nước họ mà đặt ra thứ chữ mới để ghi và dịch tiếng bản xứ, tiện cho việc giảng dạy các tín đồ. Sáng tạo ra thứ chữ này, trước hết là các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, rồi sau đến Linh mục A. de Rhodes hoàn thiện thêm và trở thành một thứ chữ thông dụng chung trong việc truyền giáo, trong việc dịch in các kinh bổn của đạo Kitô.
Linh mục A. de Rhodes đem thứ chữ ấy để biên soạn bộ “Từ điển Việt- Bồ- La” (Dictionnaire Annamite- Portugais- Latin), cuốn sách giáo lý vấn đáp Cathéchisme Annamite et Latin. Sau đó gần 200 năm, Giám mục d' Adran soạn tiếp bộ Tự điển Việt- Latin, nhưng chưa xong thì ông mất. Rồi Giám mục Taberd tiếp tục soạn lại thành bộ Dictionnaire Annamitico- Latinum. Xem chữ quốc ngữ ở bộ tự điển ấy, ta thấy chẳng khác gì nhiều lắm so với chữ Quốc ngữ ngày nay. Cho nên, có thể nói rằng: chữ Quốc ngữ hiện đại đã được định hình một cách cơ bản từ thời hai Giám mục d' Adran và Taberd.
Lúc đầu chữ Quốc ngữ chỉ dùng để dịch, soạn các kinh bổn giáo lý. Nhưng từ sau khi thực dân Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ (1867), thì thứ chữ này được chính thức dạy ở các trường “tân học” trong xứ Nam Kỳ thuộc địa. Rồi các trí thức Công giáo đầu tiên như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ để viết sách, viết báo và cho xuất bản phổ biến các ấn phẩm bằng chữ Quốc ngữ. Đến thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ dần dần trở nên thông dụng khắp các ba kỳ của nước Việt Nam, thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. Mọi người đều công nhận dùng chữ Quốc ngữ để ghi chép và phổ biến mọi kiến thức là rất tiện lợi. Đến như các nhà Nho bảo thủ từng chê bai thứ chữ “ngoằn ngoèo như con giun”, là thứ chữ có nguồn gốc từ xứ sở của kẻ thù dân tộc, thì cuối cùng cũng không có ký do gì để tẩy chay, để cự tuyệt nó. Còn như các nhà Nho cách tân yêu nước thì đã ra sức cổ động cho việc học chữ Quốc ngữ:
Nước ta học vấn thế nào?
Chẳng lo bỏ dại, lẽ nào đặng khôn.
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta.
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na,
Chữ kia, chữ nọ dịch ra cho tường.
Chắc rằng các nhà truyền giáo phương Tây ở thế kỷ XVII, XVIII cũng chưa hình dung được tác dụng và mức độ phổ quát của chữ Quốc ngữ ở đất nước “An Nam nhược tiểu”. Và cả những tên thực dân xâm lược chính hiệu khi bắt ép nhân dân bản địa loại bỏ chữ Hán- Nôm để dùng thứ chữ theo mẫu tự La tinh này, cũng đã không lường trước được cái “hiệu quả khách quan” to lớn của nó, một khi nó đủ khả năng thay thế cả chữ Pháp (là thứ chữ của "mẫu quốc" bắt buộc phải học ở các bậc học) ở dưới thời nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất như hiện nay?
2. Lớp người học tập kiến thức phương Tây đầu tiên.
Cùng với việc sử dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ, phải chăng Công giáo Việt Nam đã có những giáo sĩ, linh mục, tín hữu... là lớp người đầu tiên tiếp xúc với văn minh phương Tây? Họ đã sớm có điều kiện học hỏi những kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật của phương Tây cận đại. Từ đó, họ cũng đã đưa về cho đất nước những kiến văn mới mẻ, những tư tưởng tiến bộ so với nền văn hóa, văn minh phương Đông già cỗi lạc hậu ở vào thời điểm thế kỷ XVIII, XIX?
Phải chăng những người công giáo có kiến thức phương Tây này vừa là những “sứ giả” đầu tiên trong cuộc tiếp xúc Đông- Tây ở trên đất nước Việt Nam, vừa là “chứng nhân” của lịch sử trước sự đụng độ giữa hai nền văn hóa Đông- Tây diễn ra ở nước ta hồi thế kỷ XIX? Và như vậy, vô hình trung họ đã có một vai trò nhất định trong sự tiếp xúc ban đầu đó?
Sự hiện diện của đạo Thiên Chúa (Công giáo), của các linh mục, tu sĩ và của một số giáo dân trí thức đã tự giác hoặc không tự giác, có góp phần đáng kể trong việc truyền bá văn hóa- tư tưởng phương Tây. Bấy giờ, như chúng ta đã biết,ở nửa đầu thế kỷ XIX, triều đình Huế đã bắt một số giáo sĩ người phương Tây và người nước ta câu lưu tại kinh đô Thuận Hóa để phiên dịch một số không ít sách vở, tài liệu đủ các chủng loại của phương Tây để cho các vua quan trong triều đình đọc, tìm hiểu những điều mới lạ từ phương Tây. Chúng ta chưa rõ được tác dụng cụ thể của những sách vở đó đối với vua quan triều Nguyễn đến mức nào. Nhưng ít ra, cũng giúp họ mở rộng nhãn quan, bắt buộc họ phải biết đến có một nền văn minh- văn hóa khác với kiến thức truyền thống mà họ học được, rằng chỉ có Đương Ngu, Tam đại, chỉ có Hoa Hạ và Di Địch như họ vẫn hằng tưởng. Cho nên, trong các kỳ thi Hội thi Đình lúc bấy giờ, cũng đã có những đề thi “văn sách” nói đến những vấn đề về khoa học kỹ thuật phương Tây. Vua Tự Đức trong một số kỳ “Đình đối” đã trực tiếp hỏi các “thí sĩ” về thuyết “địa cầu chu chuyển”, về máy “ngọc hạp toàn cơ” của phương Tây... và về sau (năm 1866), chính nhà vua “hay chữ” này cũng từng bị nhà cải cách người Công giáo là Nguyễn Trường Tộ thuyết phục và vua đã cử ông sang Pháp mời các chuyên gia khoa học kỹ thuật về mở trường đào tạo nhân tài mới v.v...
Dĩ nhiên, khi một nền văn hóa mới du nhập thì có sự đấu tranh và nhiều lúc không kém phần gay gắt. Trong kiến trúc thượng tầng của xã hội, ý thức tư tưởng của giới cầm quyền lúc bấy giờ cũng đã xảy ra cuộc đấu tranh chống tư tưởng Thiên Chúa giáo. Nho sĩ cao cấp và các đình thần dưới thời Tự Đức đã cãi vã nhau về thuyết “thiên đường, địa ngục”, về “Dị giáo và tả đạo”, về “Thiên Chúa và Thượng đế”. Cuối cùng, kiến thức Nho học đã hoàn toàn bất lực, không thể vạch ra được bản chất của Thiên Chúa giáo. Các nhà cự nho lúc đó, chẳng những đã không bác bỏ được Thiên Chúa giáo về mặt lý luận, mà cũng không thể vạch ra được một chính sách đúng đắn đối với nó và đối với đồng bào theo đạo. Trong lịch sử, đây là lần đầu tiên dân tộc ta phải đương đầu với một tôn giáo thế giới có nguồn gốc phương Tây. Lịch sử tư tưởng Việt Nam thời cận đại hẳn không quên rằng các nhà nho ta đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để mà “biện di”, “biện hoặc” và “biện đạo” hồi giữa thế kỷ XIX. (Hiện nay trong Tự Đức ngự chế thi văn tập vẫn còn lưu giữ khá đầy đủ những bài “luận văn” này. CT)
3.Truyền bá văn hóa tư tưởng phương Tây, góp phần làm phong phú nền văn hóa bản địa.
Truyền bá và vận dụng kiến thức khoa học phương Tây, một số trí thức công giáo như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Tuấn, Đinh Văn Điền đã thể hiện ra bằng những bản điều trần cải cách duy tân đất nước như chúng ta đã biết. Nội dung tư tưởng tiến bộ của cả một hệ thống các vấn đề cần cải cách duy tân đất nước đó, chính là một đóng góp mới vào đời sống văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ XIX.
Việc góp phần của Công giáo vào văn hóa (văn học Quốc ngữ) cũng nên kể đến những “cơ sở xuất bản” các ấn phẩm Quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam như Tân Định ở Sài Gòn (Nam Kỳ), Kẻ Sở, Ninh Phú Đường ở miền Bắc. Các nhà in Công giáo này ngoài việc in, phát hành các sách báo về Công giáo, còn in và phổ biến nhiều cuốn sách về khoa học thường thức theo mô thức giáo dục phương Tây cận đại. Chẳng hạn như các cuốn sách: Phép Địa dư (Tóm tắt những điều cần cho kẻ mới học), in tại Ninh Phú Đường, năm 1881, cuốn Nam quốc địa dư, in tại Kẻ Sở năm 1910. Cách biên soạn loại sách “giáo khoa” này đã có tính chất “hiện đại”, như chia thành:
- Địa lý bách vật tức là Địa lý tự nhiên (Géographie physique)
- Địa lý bang giao tức Địa lý chính trị (Géographie politique)
- Địa lý tài vật tức Địa lý kinh tế (Géographie économique)
v.v...
Những kiến thức về văn hóa, xã hội, chính trị được phân loại “kiểu mới” như thế cũng góp phần hướng đất nước ta về văn minh phương Tây và hòa nhập vào văn minh chung của thế giới.
Mặt khác, về tôn giáo tín ngưỡng mà nói thì trong truyền thống Việt Nam vốn chưa có tôn giáo thờ Đức Chúa Trời. Nhưng từ thế kỷ XVII trở về sau, ở Việt Nam đã du nhập thêm tôn giáo này với tất cả tín điều, lễ tiết, giáo luật của nó.. Đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam, từ đây có thêm một tín ngưỡng tôn giáo mới và ngày càng phát triển. Số lượng giáo dân ngày càng đông.
Người Việt Nam Công giáo, ngoài chức phận là công dân, họ còn là người tín hữu và có một sinh hoạt tôn giáo riêng. Đạo Công giáo với những đức tin của nó, với những nét đặc thù của nó, dần dần trở thành có một “tập quán” phong tục riêng của công chúng giáo dân trong xã hội Việt Nam. Tất nhiên, trong các tập tục đó, có cái là mới, là hay, là tích cực, nhưng cũng có cái không hay, cái tiêu cực đối với đời sống xã hội con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử của nó. Những tính chất đa dạng và phong phú đó, một cách tất yếu, từ đây được hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của dân tộc ta. Đó là một thực tế tồn tại khách quan không thể nào phủ nhận được. Những yếu tố văn hóa Công giáo này được hội nhập vào nền văn hóa truyền thống khác, và đó cũng chính là qui luật chung trong đời sống văn hóa của toàn nhân loại.
Cuối cùng, phải chăng là có một dòng văn học Công giáo? Vấn đề này, cũng xin đặt ra để chúng ta cùng suy nghĩ. Có ý kiến cho rằng, trong cả mấy thế kỷ, tư tưởng Thiên Chúa giáo đã không thấm được vào văn học, nghệ thuật, học thuật của nước ta. Cũng không nổ ra cuộc tranh luận ồn ào, gay gắt về lý thuyết giữa các tôn giáo Nho, Phật, Lão với tôn giáo này. Nhưng gần đây, qua một số “phát hiện mới” (thực ra là một sự nhận thức lại) đối với một số tác phẩm văn thơ của các tác giả người Công giáo dưới thời cận đại, nhất là từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ này, như truyện Thầy Zaro Phiền của Nguyễn Văn Quán, một số truyện thơ viết theo thể lục bát và song thất lục bát (của nhà in Tân Định, Kẻ Sở...) và nhất là các bài thơ “đạo” trong các tập thơ Xuân Như ý, Thượng thanh khí của Hàn Mặc Tử, trong đó có khá đậm nét “tư duy đạo”. Chẳng hạn khi đọc những vần thơ như:
Ave Maria
...
Maria, linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến,
Lạy Bà là đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi...
Hoặc ở bài Vầng trăng.
....
Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm,
Xin ban ơn bằng ánh sáng thêm lên.
Ánh thêm kiên cho không gian thêm đẫm,
Linh hồn thơ mát rợi với hương nguyền.
...
Nói là dòng văn học Công giáo, chúng tôi không tính đến những thơ ca tuyên truyền yêu nước, cách mạnh (như của Mai Lão Bạng, Đậu Quang Lĩnh...) văn điều trần (của Nguyễn Trường Tộ)... vì đó cũng là văn học chung.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, từng có một dòng văn học Thiền (Phật giáo) ở thời Lý Trần, thế thì ở thời cận đại có thể có một dòng văn học Thiên Chúa giáo (Công giáo) không? Mong các nhà nghiên cứu cho biết thêm ý kiến.
(Nguồn: TTVHQN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét