Nguyễn Nhược Pháp là một "ca" đặc biệt trong các thi nhân thành danh thời tiền chiến: Đoản thọ nhất (khi mất mới 24 tuổi, chưa lập gia đình), thơ in ít nhất (chỉ chừng mươi bài, tập trung ở tập "Ngày xưa"), và trong thơ thì không hề lưu giữ một chút bóng dáng cuộc đời thực của người làm thơ. Với độc giả đương thời, dù tác phẩm rất được chào đón song Nguyễn Nhược Pháp vẫn là một gương mặt xa xăm, huyền bí...
Có thể ai đó sẽ xem đây là một "thiệt thòi" của Nguyễn Nhược Pháp, nhưng ngẫm kỹ lại thấy, đó chính là chỗ Nguyễn Nhược Pháp "may mắn" hơn người. Bởi cùng với thời gian, trong khi nhiều gương mặt thơ đã trở nên nhàm tẻ thì Nguyễn Nhược Pháp vẫn giữ được một khoảng cách… thánh thiện với độc giả. Thơ ông vẫn trọn vẹn một thứ ánh sáng thuần khiết, không lấm bụi trần. Không hề quá lời khi ta cho rằng, thơ Nguyễn Nhược Pháp là một tiếng thơ vào hạng thanh tao bậc nhất của phong trào Thơ Mới 1932-1945.
Trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, hai bài được người đời nhắc đến nhiều hơn cả là "Sơn Tinh, Thủy Tinh" và "Chùa Hương".
Cả hai bài đều là thơ kể chuyện, và đều rất dài (bài "Sơn Tinh, Thủy Tinh" dài 124 câu; bài "Chùa Hương" dài 136 câu). Đây là thử thách không nhỏ đối với những tác giả không có trí tưởng tượng phong phú, không có bút pháp cao cường, nhất là khi câu chuyện được kể đã trở nên quá quen thuộc với độc giả như truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh".
Trong cuốn "Việt Nam sử lược" (được in lần thứ nhất năm 1921) của nhà sử học Trần Trọng Kim, tích truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" ngắn gọn như sau: "Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn Tinh đến trước lấy được Mỵ Nương đem về núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây). Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn Tinh lại dùng sấm sét đánh xuống. Thủy Tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ". Bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp cơ bản vẫn bám sát cốt truyện ấy, song ông đã đưa vào trong đó nhiều liên tưởng đẹp, từ tả cảnh, tả người đến tả tình, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động và duyên dáng lạ thường. Có thể nói, không ở đâu ta bắt gặp một nàng Mỵ Nương đáng yêu đến vậy. Đáng yêu từ vẻ đẹp ngoại hình:
Tóc xanh viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ
đến cách thể hiện cảm xúc (nghĩ vì mình mà xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh):
Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): "Ô! Vì ta!".
Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): "Ô! Vì ta!".
Nếu tinh ý, bạn đọc có thể nhận thấy từ hình thức tới cách thể hiện nội tâm, nàng Mỵ Nương của Nguyễn Nhược Pháp ít nhiều đã được "hiện đại hóa". Có lẽ vì vậy mà nàng trở nên hấp dẫn và đáng yêu hơn chăng?
Cũng vậy, thật khó tìm được ở đâu một vị Vua Hùng gần gũi với cuộc sống đương đại và đáng yêu hơn vị vua mà Nguyễn Nhược Pháp đã xây dựng nên trong "Sơn Tinh, Thủy Tinh":
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá
Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân
Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân
Làm vua mà chốc chốc lại ngắm nhìn con rồi chắp tay tạ ơn trời thì quả là vị vua quá đỗi đáng yêu. Càng đáng yêu hơn là cái nhìn âu yếm, nụ cười hóm hỉnh, đôn hậu của vua khi thấy bên cửa thành, hai thần Sơn Tinh, Thủy Tinh đang thực hiện "thi lễ":
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.
Nhưng có một nàng mà hai rể
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.
Bao nhiêu hóm hỉnh được ẩn giấu trong hai chữ "hơi nhiều" mang khẩu ngữ đời thường này, nó khiến tâm tình của vua càng thêm gần gũi với chúng ta nay. Việc tác giả để Hùng Vương nghĩ về chuyện nhân duyên của con gái "Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước" cũng khiến nhân vật càng trở nên gần gũi, “đời thường” hơn.
Cả hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng được Nguyễn Nhược Pháp miêu tả bằng những nét dí dỏm, dễ mến. Trước tiên là về ngoại hình của hai vị. Vì Sơn Tinh là thần đất, cần phải có cái nhìn bao quát rộng lớn mới chống được thủy quái nên Nguyễn Nhược Pháp cho Sơn Tinh "có một mắt ở trán". Còn Thủy Tinh là thần nước nên Nguyễn Nhược Pháp cho Thủy Tinh "râu ria quăn xanh rì". Tư thế của hai vị thần khi xuất đầu lộ diện trước Hùng Vương để xin cưới Mỵ Nương đều rất oai hùng: "Một thần phi bạch hổ trên cạn/ Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi".
Sau khi thất bại vì chậm chân hơn Sơn Tinh, Thủy Tinh đã quyết báo thù và từ đấy, hai bên cứ mịt mù những trận chiến trời long đất lở, khiến "Tôm cá xưa nay im thin thít" cũng phải "Mở quác mồm to kêu thất thanh". Tất nhiên, khởi sự bắt đầu là từ lửa hận của Thủy Tinh. Hành động ấy, nói như Trần Trọng Kim, đã khiến "dân gian thật là cực khổ". Nhưng đấy là cách nhìn của nhà sử học. Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ, ông có cách nhìn nhận sự việc theo kiểu nhà thơ. Với ông, câu chuyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" là câu chuyện của tình yêu, của lòng ghen nên đến kết bài, ông vẫn có cái nhìn hết sức ưu ái, đại lượng đối với Thủy Tinh:
Thủy Tinh năm năm dâng nước bể
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương
Trần gian đâu có người dai thế
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Chính cách nhìn âu yếm, pha chút bông đùa của tác giả đối với các nhân vật của mình đã khiến cho thơ của Nguyễn Nhược Pháp luôn có được sự ý nhị, hấp dẫn độc giả. Bài "Chùa Hương" với độ dài lên tới 136 câu là một dịp để tác giả thể hiện cái tài kể chuyện duyên dáng và dí dỏm...
Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, là thể thơ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng cũng lại dễ trở nên tầm thường, dung tục. Sự thực thì trong các nhà Thơ Mới, không mấy người sử dụng và sử dụng thành công thể thơ này. Trong cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, số thơ ngũ ngôn được chọn (so với các thể thơ khác) đã đành là rất ít, mà số bài hay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay (như các bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư; "Tình quê" của Hàn Mặc Tử; "Ông đồ" của Vũ Đình Liên). Cũng không bài nào trong số ấy dài quá 30 câu. Bởi vậy, có thể khẳng định, với bài thơ "Chùa Hương", Nguyễn Nhược Pháp đã lập một kỷ lục: Đó là bài thơ ngũ ngôn dài nhất trong số những bài ngũ ngôn được ghi nhận là hay của các nhà Thơ Mới. So với "Sơn Tinh, Thủy Tinh", bài thơ này cũng hoàn chỉnh hơn, câu chữ chắc chắn hơn (không câu nào non lép; không chữ nào gượng). Tất nhiên, để đạt được điều này, tác giả đã kết hợp được sự lịch lãm, sâu sắc trong nhìn nhận sự việc, sự tinh tế trong cách dẫn chuyện cũng như khả năng diễn đạt nhuần nhị, chân xác diễn biến tâm lý nhân vật…
Nhân vật chính của bài thơ là một cô gái có nhan sắc nhưng tuổi còn ít và tâm tình thì rất hồn nhiên:
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm.
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai.
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai.
Tuy hồn nhiên nhưng cô là người tinh ý, biết phát hiện ra đâu là người "tài trai" hợp với mong ước của bố mẹ và của chính mình. Cô đã gặp chàng trong chuyến đi Chùa Hương năm ấy. Đang lúc "Thuyền nan vừa nhẹ bước", cô thấy một văn nhân với vóc dáng, gương vẻ ngay lập tức khiến cô rung động: "Người đâu thanh lạ nhường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai người không thương?".
Cô gái trong bài thơ thể hiện rõ là con nhà gia giáo, thật thà mà ý tứ. Thoạt tiên, cô còn giấu tình cảm của mình, song bố mẹ cô lại không phải là người có quan niệm cổ hủ, phong kiến. Chính họ đã chủ động làm quen với chàng trai có dáng dấp văn nhân ấy: "Chàng ngồi bên me em/ Me hỏi chuyện làm quen/ Thưa thầy đi chùa ạ? Thuyền đông giời ôi chen!". Chàng trai lễ phép đáp lời. Rồi, không dừng ở đó, chàng cao hứng đọc thơ với phụ thân của cô gái, khiến ông cụ phải tấm tắc khen hay và cô gái "nghe rồi" cũng thấy "ngẩn ngơ". Từ đó, suốt cả chặng hành trình đi thăm chùa chiền, hang động, đôi bạn trẻ đã có cớ để luôn gần nhau. Cô gái, từ tâm lý ngại ngùng, giữ ý ban đầu: "Em đi, chàng theo sau/ Em không dám đi mau/ Ngại chàng chê hấp tấp/ Số gian nan không giàu", ở phần kết bài đã chuyển sang bạo dạn, công khai bộc lộ cảm xúc của mình: "Đường đây kia lên giời/ Ta bước tựa vai cười/ Yêu nhau, yêu nhau mãi/ Đi, ta đi, chàng ôi" và "Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ vàng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng". Chính sự chủ động trong việc tìm kiếm tình yêu cũng như sự quyết liệt trong việc bảo vệ tình yêu của cô gái đã khiến thi phẩm "Chùa Hương" bứt lên khỏi một bài thơ thù tạc, kể chuyện dông dài để trở thành một khúc tráng ca đặc sắc ca ngợi sức mạnh của tình yêu. Và, mặc dù bài thơ được tác giả sáng tác đến nay đã gần 80 năm (từ năm 1934), song ngôn ngữ của nhân vật đọc lên vẫn cứ tươi mới, sinh động, như không hề có dấu vết của thời gian vậy.
Nhân nói về thái độ của Nguyễn Nhược Pháp đối với các nhân vật của mình, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có một nhận xét: "Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm". Riêng tôi, mỗi lần đọc Nguyễn Nhược Pháp, tôi thường liên hệ tới nhà viết truyện cổ tích đại tài người Đan Mạch Andersen. Tương truyền, đó là người trong đời từng phải chạy trốn tình yêu để giữ cho tâm hồn mình sự trong trẻo, thuần phác, đặng từ đó thêu dệt nên những câu chuyện cổ tích kỳ thú thơ mộng dâng tặng bạn đọc khắp thế gian. Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ nào để viết chuyện "Ngày xưa", ông không phải hy sinh một phần hạnh phúc của đời thực?
(Nguồn: TTVHQN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét