Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

NÊN "PHANH" CÁI ĐÀ DÙNG TỪ MỸ KHI NÓI VÀ VIẾT TIẾNG VIỆT

  QUẢNG THANH

Hiện tượng sính ngoại trong văn nói và văn viết ngày nay đã trở nên phổ biến, làm méo mó và dị dạng ngôn ngữ Việt. Sự lai căng trong văn hóa này là một thực trạng đáng báo động và cần được các cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời.
 Ngày nay nhiều phóng viên, ban biên tập báo, đài truyền hình nước ta dùng khá nhiều từ Mỹ trong khi nói và viết như: tuổi teen, hot girl, hot boy, rất hot, idol, catwalk, forum, VTV Awards 2011, gallery, beauty care, game, fair play, crazy fan, live show, topic, “street-style mùa đông”, “Update xì-tai shorts cho mùa đông”, “4 xì-tai mix đồ siêu cute với ankle boots”, “gây shock”, “Mini-skirts sắc màu”, “theo xu hướng bodysuit”, “công ty thực hiện concert của JYJ tại Seoul xin lỗi fan”, “ừ ok”, “bye nhé”, “hi, tới lâu chưa?”, “cực chất cho teenboy”, “thời trang nude”...
Những từ đã Việt hóa từ lâu như “cà phê” từ tiếng Pháp “café” cũng viết lại theo tiếng Mỹ “coffee”... Tên nhiều cửa hàng viết toàn chữ Mỹ kể cả ở những nơi chỉ toàn dân lao động tới mua sắm. Tên sản phẩm như áo thun sản xuất ngay trong nước và cũng khó xuất khẩu mà phần lớn đưa đến các miền xa, miền núi, miền dân tộc thiểu số mà cũng in những nhãn hiệu rất oai kiểu James Bond, Western Cowboys của Mỹ...
Đó là chuyện của người lớn mà trong số họ có rất nhiều người gây ảnh hưởng rất lớn đến thanh thiếu niên vì họ xuất hiện thường xuyên đầy oai phong, duyên dáng, hấp dẫn trên ti vi, trên báo, đài... Cho nên không lạ gì, một học sinh lớp 12 đã “sành điệu” hỏi các thầy trong ban tư vấn: “Các ngành nghề mà các thầy cho là “hot” hôm nay, liệu khi bọn em ra trường có còn “hot” hay không?”.
Còn lớp trẻ, đang học cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học thì “sành điệu” với ngôn ngữ “chat” như: “ pan lam gj thja?” (bạn làm gì thế), “nhiu” (nhiều), “iu” (yêu), “bit, pjt, pit” (biết), “thui rùi” (thôi rồi), “wá” (quá), “Wey! Hum wa kỉm tra Dzăn làm được hok?” (Này! Hôm qua kiểm tra Văn làm được không?), “Seo dzạ? (^o^) Chiện là dư thế lào?” (Sao vậy, chuyện là như thế nào?)(1). “Hum ni là sn of e và là ngày kỷ niệm 4 ty of chúng mình” (Hôm nay là sinh nhật của em và là ngày kỷ niệm cho tình yêu của chúng mình), “Tua^n` naizz` hum~ koa’ gi` dang’ ke^~... hum~ lum` dc gi` hit” (Tuần này hổng có gì đáng kể... hổng làm được gì hết)(2).
Đã có những người lên tiếng báo động sự nguy hại của lối dùng từ Anh Mỹ thiếu trách nhiệm và lòng tự trọng dân tộc này(3). Gần đây, nhân Ban biên tập của Oxford English Dictionary vừa thông báo đã bổ sung vào quyển từ điển một số từ của “ngôn ngữ chat”, thì một số người nước ta cũng đề nghị đưa ngôn ngữ “chat” vào từ điển tiếng Việt. Điều này bị khá nhiều người phản đối trên báo in và báo mạng(4).
Người viết bài này chỉ nêu lên một chi tiết rất nhỏ thôi: “ngôn ngữ chat” trong tiếng Anh, dù người sành tiếng Anh có thể không hiểu nghĩa nếu không được giải thích, nhưng diện mạo của các từ ấy là diện mạo của những từ tiếng Anh, cho nên chúng có nằm trong câu tiếng Anh, hay trong Oxford English Dictionary thì cũng không có gì trái lắm, trong khi diện mạo các từ của giới chat Việt thì không phải diện mạo của một từ Việt, chẳng hạn: sn of e (sinh nhật của em), 4 ty of us (cho tình yêu của chúng ta), Wey! Hum wa (Này! Hôm qua)... thì không có diện mạo của từ Việt chút nào hết, vậy không có lý do gì nằm trong câu văn hay từ điển tiếng Việt cả.
Những hiện tượng học đòi, bắt chước trên đây của một số người hiện nay khác hẳn với tư cách của các nhà trí thức thuộc thế hệ cha ông chúng ta. Chẳng hạn, dưới thời Pháp thuộc, những nhà văn, nhà báo trong “Tự Lực văn đoàn”, dù họ học mọi thứ bằng tiếng Pháp từ lớp mẫu giáo cho đến các chuyên ngành ở đại học, văn bản giao dịch với chính quyền thực dân hoàn toàn bằng tiếng Pháp; họ giỏi tiếng Pháp, thấu hiểu văn hóa Pháp hơn rất nhiều so với lớp trẻ ngày nay giỏi tiếng Anh, thấu hiểu văn hóa Mỹ, nhưng vì họ có lòng tự trọng dân tộc Việt, ý thức được trách nhiệm của người trí thức đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt khiến họ viết văn, viết báo tiếng Việt không lai căng tiếng Pháp, văn hóa Pháp như lớp trẻ ngày nay lai căng tiếng Mỹ, văn hóa Mỹ.
Nếu một từ tiếng Pháp mà chưa có từ tương đương trong tiếng Việt thì họ phiên âm ra tiếng Việt, chẳng hạn từ café của Pháp, họ phiên âm để viết qua tiếng Việt là cà phê, từ tournevis thành tuốc nơ vít , từ album thành an bum... chứ đâu có “loạn xà ngầu sành điệu” như các trí thức trẻ ngày nay: viết nguyên tiếng Mỹ: coffee, album, fan, hot, bodysuit, Mini-skirts, “4xì-tai mix đồ siêu cute với ankle boots”, “Phong cách cực chất cho teenboy”...
Còn nếu so sánh với đại đa số dân các nước và vùng lãnh thổ quanh ta như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì ta càng thấy chúng ta hiện nay thua họ rất xa trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Mặc dầu dân các nơi ấy tiếp xúc với văn hóa Mỹ sớm hơn Việt Nam ta khá lâu, tổng số người của họ đi học ở Mỹ cũng vượt xa chúng ta, kim ngạch giao thương giữa họ với Mỹ cũng nhiều hơn ta, họ cũng đã học tập khoa học kỹ thuật của Mỹ để hiện đại hóa đất nước họ hơn ta rất nhiều, sản phẩm mang hàm lượng chất xám của họ xâm nhập vào thị trường thế giới, đến Mỹ hơn ta rất nhiều, nhưng họ vẫn giữ lòng tự trọng dân tộc, giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ ít lai căng hơn ta khá nhiều. Chẳng hạn, kỳ thi Robocon quốc tế do Thái Lan tổ chức vào tháng 5/2011(5) sẽ có nhiều đoàn nước ngoài tham dự, kể cả đoàn của Việt Nam ta, mà họ chọn cái tiêu đề cuộc thi hoàn toàn bằng tiếng Thái là “Loy Krathong”.
Không phải vì họ không biết tiếng Anh, tiếng Mỹ nhưng họ ý thức rõ là nhân cơ hội cuộc thi Robot này, người Thái muốn quảng bá với bạn bè quốc tế Lễ hội Loy Krathong, một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc họ mà họ luôn trân trọng bảo tồn. Trong lễ hội này họ cử hành các nghi thức để tôn vinh Nữ thần sông nước, cầu xin Nữ thần tha thứ việc họ làm ô nhiễm sông nước, ban hạnh phúc, an vui và thịnh vượng cho họ. Lễ hội Loy Krathong cũng là một biểu tượng cho sự loại bỏ cái ác tâm, sân hận, sự làm ô uế của con người để có thể bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp hơn(7).
Trong khi ở ta thì sao? Giải Ca nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2011 chỉ gồm toàn ca sĩ Việt Nam tham dự mà báo, đài, ti vi cũng loan rầm rộ cái tên Mỹ: VTV Awards 2011; Hội Thơ xuân tại Văn Miếu năm 2011 cũng kèm theo một chút Mỹ: Blog Xuân 2011; một cuộc thi ở Đại học Kinh tế cho sinh viên cũng mang tên Mỹ Dynamic; đợt đưa thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh về miền biển trước Tết Tân Mão (năm 2011) để các em hiểu giá trị sự gắn bó trong cuộc sống gia đình người dân quê cũng đặt tên Mỹ “Hi! Teacher”...
Một thí dụ khác là hãng Hàng không Hàn Quốc đã từ lâu mở các chuyến bay của họ tới nhiều sân bay trên đất Mỹ, thế nhưng trên các chuyến bay của họ, nếu du khách muốn uống bia, họ sẽ mời lon bia do họ sản xuất mà ngoài cái tên Hike và một dòng chữ rất nhỏ bằng tiếng Anh cảnh báo phụ nữ mang thai không nên uống bia, còn lại mọi thông tin trên vỏ lon bia hoàn toàn bằng chữ Hàn; bạn muốn uống một ly trà xanh, họ mời bạn một chén trà với gói trà xanh in toàn bằng chữ Hàn, không một từ tiếng Anh kiểu “green tea” như ta. Họ cố ý như thế để tự hào sản phẩm do họ sản xuất là có chất lượng cao, là thương hiệu của chính dân tộc họ.
Sự học đòi sử dụng từ Mỹ đến mức nhiều từ tiếng Việt bị “tuyệt tích giang hồ” trong mấy năm trở lại đây. Chẳng hạn, danh từ “người dẫn chương trình” hay “người điều khiển chương trình” thì tuyệt tích trên báo, trên đài phát thanh, đài truyền hình vì giới sành điệu chỉ biết dùng từ Mỹ là MC (Master of Ceremonies) mà phải đọc cho đúng giọng Mỹ là “Em Xi” mới là sành điệu! Và chính những MC này dù rất giỏi tiếng Việt, ăn nói bay bướm và lưu loát tiếng Việt hơn người mà cũng đã “quen bén” nhiều từ tiếng Việt. Chẳng hạn, khi tỏ thái độ ngạc nhiên, hay reo mừng cái gì đó thì họ đã quên béng các từ Việt như “Chà! Ôi chà! Ô! Tuyệt quá...” mà bắt chước y hệt người Mỹ hét lên “Wow! Wow! Wow!”. Có thế mới là MC “sang”, mới là MC “sành điệu”.
Theo cái đà này, có thể chẳng bao lâu nữa, học sinh con nhà khá giả ở các thành phố lớn như Thành phố Sàigòn, Hà Nội khi gặp thầy, cô giáo thì sẽ không còn chào một cách thuần Việt nữa, như “Kính chào thầy”, “Kính chào cô”, mà đưa một tay lên và nói “Hi! Teacher”. Rồi cũng có thể, chẳng bao lâu nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo và giám khảo các kỳ thi như tú tài, đại học… sẽ phải điên đầu, không biết phải nên cho điểm như thế nào khi mà trong bài thi của thí sinh đầy rẫy “ngôn ngữ chat” và tiếng Mỹ!
Không những trong ngôn ngữ, mà từ khi đổi mới năm 1986 đến nay, một bộ phận người Việt được cơ hội bung ra học tập thoải mái mọi thứ của người ngoài một cách không chọn lọc khiến cho nhiều hiện tượng quái đản đang xảy ra khắp nơi trong nước ta. Chẳng hạn, mê tín dị đoan và sính ngoại. Kéo nhau tới xin “nước thánh”, mua “thuốc thánh” để chữa bệnh… Chen lấn dẫm đạp lên nhau để giành lấy ấn đền Trần.... Đốt nhà lầu nhiều tầng, xe hơi đời mới, điện thoại di động, máy tính... bằng giấy cho người quá cố. Rải giấy in giả tiền đô la Mỹ đầy đường sau xe tang...
Quái thật, khi còn sống là dân Việt, hằng ngày dùng tiền Việt mà khi chết chưa kịp chôn lại được diêm vương đổi ngay quốc tịch thành ma Mỹ, nên chê tiền Việt, chỉ xài toàn đô la Mỹ! Cũng vì học đòi thói sính ngoại từ âm phủ đến dương gian mà ngay trong việc lì xì cho con nít trong mấy cái Tết gần đây, nhiều người cũng chê tiền Việt, đòi đổi cho được tờ 2 đô la Mỹ để bỏ vào bao lì xì, khiến cho các ngân hàng tại Sàigòn phải một phen lao đao vì không đủ tờ bạc 2 đô la Mỹ để bán ra cho vô số người cần!
Tương tự, các dân tộc chung quanh ta vẫn giữ cái cung cách chào khách rất khiêm cung với đôi tay chắp lại, cúi đầu khá thấp, chào rất kính cẩn. Đó là một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà cha ông họ đã chắt lọc và họ luôn trân trọng giữ gìn. Còn Việt Nam ta thì sao? Phải chăng trên con đường phát triển của đất nước, chúng ta hay có thái độ quá khích, đạp đổ mọi cái mà do hoặc nóng vội, hoặc do thiếu tầm văn hóa, chúng ta đã hồ đồ cho là phong kiến, hủ lậu cản trở sự phát triển xã hội.
Rồi từ năm 1945 đến 1985 vì cần phải chống ngoại xâm, xây dựng đất nước trong hệ tư tưởng xã hội mới nên cần phải thủ tiêu mọi cái được cho là tàn dư của phong kiến, thực dân, khiến nhiều giá trị đích thực trong văn hóa truyền thống của cha ông bị loại bỏ luôn. Người viết đã từng đọc một đoạn viết của một nhà trí thức lớn, đại ý nói “tôi thà thấy trẻ con của ta giương mắt ốc ra mà nhìn khách hơn là thấy chúng vòng tay cúi đầu chào khách”(!). Chính vì vậy, ngày nay, trẻ em, học sinh và cả người lớn Việt Nam ta không có cách chào khách chuẩn mực nào cả, cứ tùy cơ ứng biến một cách lúng túng.
Người lớn, trong những giao tiếp chính thức thì theo phong cách bắt tay của phương Tây, nhưng nhiều khi thấy không tự nhiên như người phương Tây. Đã từng có một số hình ảnh cho thấy trong khi một số nhà ngoại giao hay quan chức Nhật, hay Hàn chắp hai tay cúi thấp đầu khiêm cung chào một quan chức Việt Nam thì người quan chức của ta đang ngồi hay đang đứng không biết cách đáp lễ lại như thế nào, mà chỉ ngẩng cao đầu, đưa một tay ra bắt thôi!
Thật ra, cái việc chào khách bằng vòng tay cúi đầu, tự bản thân nó không là biểu hiện phong cách phong kiến, phong cách nô lệ, nó không cản trở cho việc văn minh tiến bộ của xã hội, mà trái lại đó phong cách khiêm cung. Người Nhật hay Hàn hiện nay chào khách còn gập người, cúi đầu thấp hơn cách của cha ông ta rất nhiều, mà ai dám bảo họ không tiến bộ, văn minh? Với cung cách chào khiêm cung ấy mà người Nhật đã đi học khoa học kỹ thuật của phương Tây để duy tân đất nước dưới thời vua Minh Trị Thiên Hoàng.
Hiện tượng quá đà trong cách dùng từ Mỹ này trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng nước ta phải chăng là biểu hiện rằng con cháu đã chê tiếng nói, chữ viết của cha ông ngay chính trên quê hương mình? Liệu đó có phải là biểu hiện của “sự tự nguyện làm nô lệ cho người”? Vậy nên chăng đã đến lúc các giới chức có thẩm quyền như Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tìm cách “phanh” lại cái đà tự nguyện này trước khi quá trễ!

--------------------------------------------------------------------------------
(1), (3)  Hồng Ngọc: Đấu tranh bảo vệ bản ngữ là góp phần bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc  
(2), (4)  An Chi: Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển, chẳng lợi lộc gì! (Tuổi Trẻ Online, 23/04/2011).
 (5)  ABU Asia-Pacific Robot Contest 2011 Bangkok (Alias: ABU ROBOCON 2011 Bangkok) (http://www.aburobocon2011.com/).
 (6)  Loy Krathong Festival, http://www.at-bangkok.com/articles_loikrathong.php.
 (7) History of Loykrathong, http://www.aburobocon2011.com/index.php?option=com_content&view=article&id=46&Itemid=53&lang=en.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét