Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

TÍNH SỢ VỢ CỦA NHÂN LOẠI DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ

Theo các nghiên cứu mới nhất, sợ vợ là một truyền thống, một thói quen, một khoa học, và trên hết, một đặc trưng văn hoá mang tính phổ quát toàn nhân loại.

Tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới hiện nay đều bắt đầu đưa vào chương trình đào tạo môn "Sợ vợ học", do những giáo sư danh tiếng giảng dạỵ

Nhiều công trình nghiên cứu của họ đang được hội đồng xét giải Nô-ben chú ý. Chẳng hạn như viện sĩ A. Tylor người Anh với tập sách "Ảnh hưởng của tính sợ vợ trong phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ đại", giáo sư H. Barbus người Pháp với luận án "Hội hoạ ấn tượng - một trường phái sợ vợ tiêu biểu", hoặc tiến sĩ V.V. Lu-ca-nốp người Nga với khảo cứu mang tựa đề "Sợ vợ và những ứng dụng của nó trong công nghệ sản xuất rượu vốt-ca".

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng có sự liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ người sợ vợ và nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của nhiều ngành khoa học mũi nhọn đang phụ thuộc vào những hiện tượng liên quan đến việc sợ vợ tới mức khó hiểu. Chẳng hạn, công nghệ biến đổi di truyền chỉ mạnh ở những nước nào có nhiều người đàn ông sợ vợ trên 50 tuổi. Hoặc những thử nghiệm về tàu ngầm mang năng lượng hạt nhân đều thất bại khi thuyền trưởng chỉ sợ vợ vào ban ngày chứ không sợ vào ban đêm.

Vai trò của sợ vợ, vì thế, hiện nay là không thể bàn cãi. Các nhà sử học đang thảo luận về đề án phân chia lại lịch sử nhân loại thành bốn thời kỳ: thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, thời kỳ đồ sắt, và thời kỳ sợ vợ.

Các nhạc sĩ lại đòi chia âm nhạc thành hai thể loại: loại cổ điển và loại cao cấp dành cho đàn ông sợ vợ. Còn các nhà xã hội học thì định chia xã hội ra thành ba loại: xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, và xã hội sợ vợ.

Khi áp dụng phương pháp hệ thống - loại hình vào nghiên cứu thì người ta thấy rất rõ sự khác biệt mang tính loại hình trong cách nhận thức, cách tổ chức và cách ứng xử về việc sợ vợ trong các truyền thống văn hoá khác nhau.
 

Để thống kê đầy đủ và phân tích cặn kẽ các hành vi này, hàng ngàn nhà văn hoá học với sự hợp tác của các nhà khoa học chuyên ngành khác, đang miệt mài thực hiện ngày đêm hàng trăm đề tài khoa học trọng điểm các cấp.
 

Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học nhất trí tập trung nghiên cứu văn hoá sợ vợ ở các dân tộc Châu Âu. Ở phương Đông thì tạm thời mới chỉ xét trường hợp Việt
Nam là dân tộc có truyền thống văn hoá sợ vợ tiêu biểu.

Sau đây là những kết quả nghiên cứu sơ bộ được tổng kết và công bố trong Hội thảo quốc tế về sợ vợ học:
 

Đàn ông Pháp khi sợ vợ thường chui vào hầm rượu vang, uống cho thật say và nằm im. Đến khi tỉnh lại, họ kiếm một chai sâm-banh mang về tạ lỗi.
Đàn ông Anh khi sợ vợ thường kiếm một đám sương mù thật dày đặc để chui vào. Trong đám sương đó, họ lén lút viết đơn xin ly dị và để rồi lén lút đốt đi khi sương tan.

Đàn ông Tây Ban Nha mỗi khi sợ vợ là chán đời đi đánh nhau với bò tót. Sợ càng nhiều, họ đánh lại càng hăng. Kết quả là các nhà vô địch sợ vợ đều ít khi trở về nhà sau mỗi trận đấu, hoặc nếu có trở về thì cũng khiến cho vợ thất vọng tràn trề vì “gia tài còn lại một vòi nước trong”.

Đàn ông Ý khi sợ vợ thường chui vào bếp nấu món mỳ ống. Nấu nướng xong, họ bưng lên, rắc cà chua và phó-mát vào, rồi ngồi chờ vợ cho phép mới dám ăn.

Đàn ông Ái Nhĩ Lan khi sợ vợ thường mang tấm khăn trải giường ra làm váy. Khi được vợ tha thứ, họ bèn mang tất cả váy ra làm khăn trải giường. Kết quả là váy của họ cứ nát ra thành từng miếng, gọi là váy ca-rô.

Đàn ông Đức mỗi khi bị vợ mắng là ra xe hơi nằm. Chính những lúc tâm hồn u uất, nằm suy nghĩ về những mối tương quan vật chất và tinh thần giữa vợ và xe ấy mà họ làm ra được những chiếc xe hơi nổi tiếng nhất thế giới về độ bền và độ an toàn.

Đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ khi sợ vợ đều nắm lấy một bộ phận gì đó trên thân thể mình mà vặn, xoáy. Đấy chính là nguyên nhân khiến ngày nay đàn ông ở đây đều có mũi bị sưng to và râu bị vểnh lên.

Đàn ông Bỉ hễ trông thấy vợ nổi giận là cảm thấy tương lai, hiện tại và quá khứ đều tối sầm. Cho nên nước Bỉ nổi tiếng vì có những sản phẩm bằng Sô-cô-la cực ngon, do màu Sô-cô-la là màu đen tối.

Đàn ông Đan Mạch khi bị vợ mắng thường chạy sang Thuỵ Điển, còn đàn ông Thuỵ Điển lại chạy sang Đan Mạch. Do đó, hai nước này có những chiếc phà cực lớn hoạt động suốt ngày đêm.

Đàn ông Việt Nam ngày xưa mỗi khi sợ vợ mà đất nước đang có chiến tranh thì trút giận vào kẻ thù, đất nước đang hoà bình thì rút lui vào một góc để làm thơ. Ngày nay mỗi khi bị vợ mắng thì nhăn răng ra cười làm lành, cười làm lành mà vợ vẫn không tha cho thì mắt trước mắt sau trốn đi nhậu nhẹt với đám bạn. Bởi vậy, các nhà khoa học thế giới tham gia hội thảo đều nhất trí nhận định rằng Việt Nam là đất nước của CHIẾN TRANH, đất nước của THƠ CA, đất nước của những NỤ CƯỜI, và đất nước của những cuộc “DZÔ TRĂM PHẦN TRĂM” bất tận!


(Nguồn: TTVHQN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét