Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

TƯỞNG NHỚ CHA CỐ GIACÔBÊ NGUYỄN TẤN ĐƯỜNG NHÂN LỄ GIỖ MÃN TANG 9/8/2013-9/8/2016.


      Hôm nay ngày 9/8/2016, lễ Giỗ giáp 3 năm (Giỗ mãn tang) cha cố Giacôbê Nguyễn Tấn Đường. Ngài đã lên đường về nhà Cha vào lúc 13 giờ 30 ngày 09/08/2013.
      Nhân dịp này, chúng tôi xin ghi lại đôi nét tiểu sử của ngài. Một cuộc đời mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi, từ khi là một cậu bé xứ Quảng 12, 13 tuổi hăng hái lên Miền truyền giáo Kon Tum xa xôi; rồi suốt hành trình khá lâu dài (97 năm tuổi đời, 60 năm linh mục) tận tụy phục vụ trong ơn gọi Linh mục, cho đến lúc yếu bệnh vẫn vui tươi đón nhận thánh ý Chúa đến hơi thở cuối cùng. 
      Xin góp một lời cầu cho cha cố Giacôbê được Chúa thương cho hưởng tôn nhan Chúa.



ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ CỐ LINH MỤC 
GIACÔBÊ NGUYỄN TẤN ĐƯỜNG


Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường sinh ngày 01/09/1919, theo Sổ Rửa tội (theo Chứng minh thư là ngày 10/09/1922), tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nguyên quán: Giáo họ Trung Chánh, Giáo xứ Trung Tín, Giáo phận Qui Nhơn. Ông bà Cố thân sinh của ngài là ông Giacôbê Nguyễn Tỉnh và bà Isave Lê Thị Quyên. Gia đình có 5 anh chị em, 4 nam 1 nữ, ngài là anh cả, với tên gọi lần lượt theo thứ tự: ĐƯỜNG, THIỆT, NGỌT (nữ), NHỨT, ĐỜI. Hiện chỉ còn người em út còn sống là cụ Đời (83 tuổi, năm 2016) cư trú tại giáo xứ Trung Nghĩa, xã Hòa Bình, Tp Kontum.
Đầu năm 1935, theo tiếng Chúa gọi, cậu bé Giacôbê Đường đã từ giã quê hương và gia đình hăng hái lên miền Tây Nguyên xin nhập học Tiểu Chủng Viện Thừa Sai Kontum, do Đức cha Martial Jannin (Phước) vừa thiết lập. Tiểu chủng viện chuẩn bị khai giảng khóa đầu tiên, với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Miền Kontum thời đó còn khá hoang sơ, được biết đến là xứ đầy chướng khí…thật bỡ ngỡ đối với một thiếu niên 13-14 tuổi!

Chúng ta cùng sống lại cái không khí hồ hởi lên đường theo tiếng Chúa gọi của các chủng sinh đầu tiên, trong đó có cậu thiếu niên xứ Quảng Giacôbê Nguyễn Tấn Đường, được ghi lại trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín” của địa phận Kontum thời đó:
“…Những công việc to tát còn chinh rinh lở dở, mà bề trên đã gởi chương trình tuyển chọn khắp nơi, cho được những học sinh đủ tài đủ đức, cùng ấn hành ngày tựu. Mà lạ thật, ngày hai mươi ba tháng giêng ta [1], thợ vừa bỏ đục bước ra, thì cũng ngày ấy học sinh tựu trường. Kể sao cho hết những giọt lệ rơi ở giải đất Trung Châu, từ bắc vô nam vẳng nghe những tiếng phân trần từ biệt : “Con đi bình yên, nhớ cha nhớ mẹ, anh em chú bác con cũng đừng quên, nguyện cùng Chúa trên an bề hồn xác, phần con ra sức tấn đức học hành, ngõ sau công thành cho sáng danh Chúa”. “Xin mẹ ở lại xin cha an lòng, con hằng khẩn mong chẳng hề khi ngớt, ngày sau có phước sẽ đặng gặp nhau”. Kìa bị giếch nọ va-li, kẻ trên xe người dưới đất, dặn dò giã biệt, hai mắt chăm nhau mà lòng ngậm ngùi thương nhớ.
Sục sục, ù…Chú lái vô tình đã dứt đoạn câu từ biệt, chiếc xe phóng tới, tay khoát đầu chào, hai bên nhìn nhau mà chỉ thấy đám bụi nổi lên mốc phếu. Chiếc xe từ từ thẳng lối, cứ lèo tây theo con đường quan lộ. Khỏi hai ba tiếng đồng hồ, thì không còn dấu gì là đất tổ quê cha, lên ải xuống đèo, càng thấy bao la những rừng cùng núi. Trong xe một lũ trẻ thơ, đơn sơ thanh tịnh, đương có nói nói cười cười, lòng vui phới phở : “Ta đi đâu? Lên Kontum là nơi rừng núi, ắt sẽ thấy những cây mục lá khô; ta lên xứ Mọi, ắt sẽ gặp những đao cùng tác” [2]...
Đến Kontum vào tháng 01/1935, cậu Giacôbê Đường cùng với các ứng sinh khác nhập học tại Probatorium Kontum (nhà tập). Đến đầu năm 1939, các chủng sinh được chuyển lên Tiểu chủng viện tiếp tục tu học cho đến năm 1945. Năm 1946, thầy Giacôbê Đường đi thực tập truyền giáo ở Kontum, thầy đến  vùng Plei Jơdrập để giảng dạy giáo lý. Thời đó, thầy đi đến các làng bằng ngựa, và sắm sẵn một chiếc sõng để có thể qua sông. Hình ảnh sống động thân thương này vẫn còn in sâu trong ký ức của những người dân làng lớn tuổi cho đến tận hôm nay [3].
Cuộc kháng chiến 9 năm bùng nổ, giáo phận không thể gởi chủng sinh của mình đến các Chủng viện nơi khác để học thần học, thầy Giacôbê Đường phải ở lại Chủng viện Thừa Sai Kontum, tiếp tục học 2 năm triết và 2 năm thần học tại Kontum. Sau đó, khi tình hình tạm ổn, thầy tiếp tục hoàn thành 2 năm thần học 3-4 tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Mãn Đại chủng viện, thầy nhậm chức cắt tóc tại Kontum do Đức cha Gioan Sion Khâm; 4 chức nhỏ tại Đại chủng viện Sài Gòn; đến ngày 26/03/1953, thầy Giacôbê Đường lãnh nhận chức Phụ phó tế và Phó tế tại nhà thờ Chính tòa Kontum, do Đức cha Phaolô Seitz Kim. Và vào ngày 28/03/1953, cũng tại tại nhà thờ Chính tòa Kontum, chính Đức cha Phaolô Seitz Kim đã truyền chức linh mục cho thầy.
Trước hết, cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường được ĐGM bổ nhiệm làm phó xứ Ban Mê Thuột (từ 04/1953-31/08/1954). Giáo xứ Ban Mê Thuột lúc đó do thừa sai Romeuf (Phương) phụ trách, đang xây dựng dự án thiết lập những nông trại cà phê rộng lớn. Sang năm 1955, ngài được gọi trở về Kontum, thay cha Giuse Hoàng Ngọc Minh coi sóc giáo xứ Kon Dũ (5 tháng), trong vùng thường xuyên mất an ninh. Năm 1956, ngài được bổ nhiệm làm chính xứ Tân Hương, hạt Kontum, tỉnh Kontum, bao gồm họ đạo Kon H’rachôt (Bahnar) kề cận. Tại đây, cha Giacôbê chăm lo củng cố đời sống đức tin của cộng đoàn, gần gũi hòa đồng với giáo dân Kinh-Thượng. Cha đã nới rộng 2 bên cung thánh nhà thờ Tân Hương, đóng thêm ghế và bàn quỳ đáp ứng nhu cầu của giáo xứ. Năm 1960, nhận thấy nhà xứ quá cũ kỹ, hư dột, nên cha cho dỡ nhà này và xây nhà xứ mới bằng xi-măng còn tồn tại đến ngày nay (chiều dài: 18m, chiều rộng: 9m). Đối diện với nhà thờ, bên kia đường Nguyễn Huệ, cha cùng giáo dân xây một Đài Đức Mẹ Ban Bình An, tượng cao 3m, đế tượng 3m (tồn tại đến tháng 05/1974), tiền thân Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức hiện nay.
Ngày 01/09/1963, cha Giacôbê được thuyên chuyển phụ trách giáo xứ Plei Jơdrập, gồm một họ chính (thuộc thôn Plei Jơdrập), và bốn họ nhánh: 3 họ đạo Dân tộc (Plei Rơwăk, Klâu Klah và Klâu Rơngol) và một họ đạo người Kinh (Ngô Thạnh). Do nhiều cản trở, trong suốt 44 năm coi sóc giáo xứ (từ 01/09/1963-14/10/2007), cha đã không thể đến ở tại chỗ cùng với đoàn chiên, mà phải ở Tòa giám mục. Hoàn cảnh này làm đau lòng người mục tử. Tuy vậy, bước chân của cha đã mau mắn đến với cộng đoàn, giảng dạy giáo lý, trao ban bí tích…Những tháng năm tuổi cao sức yếu, việc đi lại khó khăn, đoàn con như thấu hiểu lòng cha, vẫn lũ lượt tìm về TGM để được cha vỗ về, khuyên dạy và chăm sóc mục vụ, ban bí tích…Với bao nhiêu khó khăn, cách trở, nhất là thời kỳ sau 1975, cha Giacôbê đã kiên trì, khôn ngoan và vững tay lái đưa con thuyền giáo xứ - một giáo xứ có nguồn gốc đa sắc tộc, đa văn hóa (Kinh-Rơngao-Jrai-Halâng) kỳ cựu, vượt qua nhiều biến động suốt 44 năm, để giáo xứ vững bước đi lên cho tới hôm nay. Ngoài ra, một thời gian dài sau 1975, cha còn tiếp tục giúp họ đạo Kon H’ra chốt, đến nhà thờ Tân Hương dâng thánh lễ mỗi Chúa nhật cho bà con.
Đến 2007, nhận thấy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút không cho phép đi lại nhiều như trước, ngài vâng lời ĐGM nghỉ hưu. Với tính tình đơn sơ, “dễ thương”, mọi người từ linh mục, nữ tu đến giáo dân đều gọi ngài cách gần gũi trìu mến là “Ông Ngoại”. Ông Ngoại hàng ngày vẫn giữ đều kinh nguyện, dâng thánh lễ không sót bữa nào; rất nhiều khi ta bắt gặp Ông Ngoại đang quét rác, nhặt lá khô, chăm sóc mấy gốc hồ tiêu…chung quanh sân TGM. Trông bề ngoài Ông Ngoại vẫn nhanh nhẹn, có vẻ như không có bệnh tật gì đáng kể, miệng vẫn thường phì phèo điếu thuốc Bastos Luxe khuây khỏa tuổi già…
Nhưng đến giữa năm 2013, sức khỏe của Ông Ngoại xuống dốc một cách nhanh chóng. Đức cha và các cha vội vàng đưa Ông Ngoại đến các bệnh viện ở Gialai và Kontum để chạy chữa. Trong thời gian trên giường bệnh, Ông Ngoại vẫn vui tươi, lặng lẽ chịu đựng cơn đau, không một chút nhăn nhó hay phàn nàn những người giúp mình. Như ngọn nến đã tiêu hao đến giọt sau cùng, ngài đã trút hơi thở vào lúc 13 giờ 30 ngày 09/08/2013, trong niềm thương tiếc, yêu mến của quý Đức cha, của linh mục đoàn và cộng đoàn dân Chúa giáo phận Kontum.
Sau nghi thức tẩm liệm tại TGM, quan tài của cha cố Giacôbê được di chuyển đến quàn tại giáo xứ Tân Hương (Nhà Sinh Hoạt), giáo xứ trước đây ngài từng là cha sở, để giáo dân thuận tiện kính viếng, cầu nguyện. Và lúc 8 giờ sáng ngày 12/08/2013, thánh lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Tân Hương, do Đức cha Micae chủ tế cùng với 82 linh mục trong và ngoài giáo phận. Đông đảo tu sĩ nam nữ, gia đình thân tộc của cha cố và giáo dân Thượng - Kinh đã đến chật kín nhà thờ và đứng bên ngoài. Cuối thánh lễ, cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Vân Đông đã đọc lời tiễn biệt “Ông Ngoại” Nguyễn Tấn Đường, và Đức cha Micae chủ sự nghi thức tiễn biệt trước linh cửu cha cố. Sau đó, cha cố được đưa về an táng tại nghĩa trang Giáo xứ Trung Nghĩa, Kontum – giáo xứ nơi có gia đình em, cháu của cha cố đang sinh sống, chờ ngày phục sinh trong Đức Kitô.
_______________
[1] Ngày 26.02.1935 dương lịch - chú thích của người soạn.
[2] x. “CHỨC DỊCH THƠ TÍN” - Địa phận Kontum, số tháng 04.1935, tr.281-284).

[3] Theo lời kể của một Yao Phu làng Plei Jơdrâp, trong thánh lễ cầu cho cha cố Giacôbê, do cha Tôma Nguyễn Văn Thượng chủ tế lúc 21 giờ ngày 11/08/2013, tại nhà thờ Tân Hương.

LÊ MINH SƠN 2016
(Trích "TIỂU SỬ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC GIÁO PHẬN KON TUM ĐÃ QUA ĐỜI 1848-2015", trang 559-564, Lê Minh Sơn 24/11/2015).
____________________________________

MỘT VÀI HÌNH ẢNH
















Mộ cha cố Giacôbê tại Nghĩa trang gx Trung Nghĩa, Kon Tum




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét