Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Diễn tiến và ảnh hưởng của Phong trào “cúp đầu” (1908) trong giáo phận Qui Nhơn




Những người tham gia phong trào kháng thuế ở miền Trung (1908) bị bắt

 
 
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Trong bài “Địa sở Hội Đức”, chúng tôi đã chú thích về phong trào “cúp đầu” như sau: “Là cuộc dân biến phản đối sưu cao thuế nặng và chống bọn tham quan bắt đầu ở Quảng Nam vào khoảng vào đầu tháng Ba 1908 và sau đó lan đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và đi ngược ra Bắc. Tên gọi chính xác phong trào này trong tài liệu của giáo phận Qui Nhơn là "cúp đầu". Trong Mémorial de Quinhon, số 26, tháng Tám 1923, tr. 194 có nói đến "les apostats des Cúp đầu", những người bỏ đạo khi phong trào này nổi lên vào năm 1908. Tại sao những cuộc biểu tình này được gọi là phong trào “cúp đầu” (Tondus)? Cúp đầu là hớt đi mái tóc dài của người Việt xưa mà để tóc ngắn như hiện nay. Cắt tóc ngắn, mặc âu phục là những cuộc vận động chống cổ hủ do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng với phong trào Duy Tân. “Nhất là tư tưởng dân quyền mà phong trào này đề cao, đã gây tác động không nhỏ vào cuộc đời của giới dân nghèo, làm bùng lên cuộc đấu tranh "chống đi phu, đòi giảm sưu thuế" rất quyết liệt của họ tại nhiều tỉnh miền Trung.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/ Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Và "trong vụ “xin xâu” năm 1908, (cắt tóc ngắn) là do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. … mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. (Trích “Lịch sử tóc ngắn”, Tự truyện của Phan Khôi, Ngày Nay, số 149, 15/2/1939). “Ở Phú Yên, nhân dân có cả phụ nữ kéo nhau lên đường cái quan cắt tóc thành đống, lấy lửa đốt, mùi khét đầy trời” (Nguyễn Văn Mại (1927), Lô Giang tiểu sử, Bản dịch Nguyễn Huy Xước, Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, tr.128). Ban đầu là những cuộc biểu tình chống thuế một cách ôn hòa nhưng dần trở nên bạo động.  “Đoàn người biểu tình không mang theo vũ khí, không dùng bạo lực, chỉ kiên trì đòi hỏi mục đích là giảm sưu giảm thuế. Nhưng dần về sau, phong trào biến thành một cuộc đối đầu giữa dân nghèo và nhà cầm quyền. Cuộc đối đầu này kịch liệt đến nỗi những người đề xướng phong trào không thể kìm hãm được. Bởi vậy càng về sau, phong trào gần như trở thành một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Do đó, đã xảy ra nhiều vụ đổ máu.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Điều khiến người Công giáo và các tân tòng lo sợ là tính bạo động không kiểm soát được của phong trào.  “Phải thêm vào đây sự tham lam của người ngoại giáo khi thấy đây là dịp tốt để dụ người công giáo giao tài sản của mình cho họ mà không cần viết biên nhận, và đồng thời là sự nhát đảm của người Công giáo bị cô lập ở các miền vùng núi, họ nhớ lại thảm họa năm 1885…. Tuy nhiên, những đe dọa hay tấn công xảy ra đâu đó cũng chỉ là do bị khích động đơn lẻ, không nằm trong chương trình của cuộc biểu tình, và các thủ lĩnh phong trào khi biết được những điều đó, đã ra lệnh nghiêm phải từ bỏ chúng ngay... Gán tên cho phong trào này là “cuộc bách hại” thì không thích đáng cho bằng “cuộc nổi loạn” (Báo cáo số 949 của Đức cha Grangeon về Đông Đàng Trong - Archives MEP). Tóm lại, đây là phong trào kháng thuế cự sưu chính đáng, vì thế sau này cũng đã được chính quyền đáp ứng.  Tuy nhiên, tính bạo động không kiểm soát được của phong trào ở một vài nơi, sự tham lam và lợi dụng biến động để trục lợi của một số kẻ xấu đã làm cho người Công giáo và tân tòng lo sợ khi nhớ lại thảm họa văn thân năm 1885 dù rằng đây không phải là phong trào bài Công giáo”
Như vậy, phong trào này xuất phát từ Quảng Nam, bắt đầu từ Huyện Đại Lộc, rồi lan dần vào Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, những phần đất của Đông Đàng Trong là tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn hiện nay. Lý do của cuộc dân biến này là chống sưu thuế nặng nề, nhưng sâu xa hơn là ước muốn đất nước được độc lập:

«Mất kiên nhẫn trước ách thống trị của ngoại bang, mong muốn Quốc gia dành độc lập, chờ đợi một sự giải phóng đến từ Nhật Bản, hoặc thậm chí từ Trung Quốc, niềm khát khao được độc lập đã có  những bước phát triển lớn. Đây đó có  những tiếng đồn không thôi về cuộc chiến tranh với ngoại bang hay nội chiến, nhất là từ khi lần thứ ba có vấn đề phế truất vị vua hiện tại để tuyên bố nước Nam là thuộc địa của Pháp»[1]

Trong tình hình đó, thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa bắt dân đi phu, đóng thuế nặng, cách thu phiền phức cộng thêm sự nhũng nhiểu của bọn tham quan, nên đã bùng lên cuộc biểu tình kháng thuế.

“Trong toàn miền Trung, phong trào “cúp đầu” là một biến cố lớn…. Xét vẻ bên ngoài, ta có thể nói rằng đây là phong trào biểu tình chống nâng giá thuế và cách thu thuế gây phiền nhiễu về thuế chợ, thuế muối và thuế đinh (hay còn gọi là thuế thân). Người ta đòi phải bỏ hai thứ thuế đầu tiên, thuế thứ ba giảm xuống còn 1 đồng 20….”[2]

Và vì là những đòi hỏi chính đáng, nên vào đầu năm 1909, chính quyền đã ra thông báo quy định về việc giảm thuế và các ngày xâu như sau:

“Việc xâu bơi trong nước Annam

Có chỉ nghị ngày 31 tháng 12 tây năm 1908, in trong nhựt trình Thông báo quốc sự: ngày 4 tháng Giêng, năm 1909, ưng nhậm và buộc phải cứ theo tờ thương nghị Hội Đồng “Nam triều phụ chánh, Conseil de Régence”.

Lời thương nghị này bắt chịu 10 ngày xâu: 5 ngày cho làng, 5 ngày cho xứ. Trong 5 ngày xâu cho xứ thì phải chuộc 2 ngày, mỗi ngày 2 mao[3], còn 3 ngày khi chuộc hay là không thì mặc ý Tỉnh, Sứ bổn hạt, và làng sở tại tính với nhau; mà có chuộc thì cứ mỗi ngày 2 mao.

Còn về kẻ đi làm xâu, có thể được thì hãy liệu cho nó đi làm xâu gần chỗ nó ở và nhằm lúc không hại gì đến việc mùa màng cày cấy.
Sổ tên thì làng phải nắm một bổn, cai tổng một bổn, huyện một bổn, cho dễ chiếu tính.”[4]

Diễn tiến

“Cuộc biểu tình bắt đầu ở Quảng Nam vào nửa đầu tháng Ba; 15 ngày sau ở Quảng Ngãi; và Bình Định vào Tuần Thánh, dưới sự khích động của nhiều nhóm đến từ phía bắc. 10 ngày trước lễ Phục Sinh cũng đã xảy ra biểu tình trước Phủ Thống Sứ ở Huế….”[5]

 “Cuộc biểu tình do làng tổ chức với sự khéo léo thật sự. Một số người ăn mặc như người ăn xin, cầm chiếu rách, một chiếc nồi đất, vài chén gạo trong ruột nghé, dựng lều quanh Phủ sứ tỉnh…. Sau 4 đến 8 ngày, một nhóm khác cũng trạng bị y như vậy, đến thay thế cho nhóm thứ nhất. Có một vài ngày, con số người biểu tình tập trung lên đến 5 hay 6.000 người.

Phải nói thêm rằng, như một dấu hiệu đoàn kết và hẳn nhiên là bằng chứng cho sự trung thành với nhau, mọi người đều cắt tóc theo kiểu trẻ con, chỉ giữ lại một chỏm tóc khá ngắn trên đỉnh đầu. Người già cũng cắt tóc như người trẻ, cắt miễn phí; nhiều khi người ta cắt với một chiếc “tông đơ” kiểu mới nhất.”[6]

Chúng ta có thể kết luận cùng với nhóm tác giả sách Đại cương lịch sử Việt Nam viết về phong trào này như sau:

“Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908) thực sự là một cuộc đấu tranh công khai, tự phát của người dân nghèo bị áp bức nhằm đòi hỏi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách dân chủ.... Nhưng vì thiếu sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ, phong trào đã bị đàn áp và cuối cùng tan rã.... Mặc dù vậy, từ đây chính quyền đã phải nới rộng tay trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể là sau vụ này, họ phải giảm thuế thân từ 2,40 xuống 2,20 đồng, giảm 4 ngày sưu xuống 3 ngày, và không tăng 5 % thuế điền. Đồng thời, họ cũng cho một vài trường học theo xu hướng Duy Tân được mở lại...”

Ảnh hưởng của phong trào trong giáo phận

«Trong hai tỉnh này (Quảng Nam và Quảng Ngãi), nhất là Quảng ngãi, phong trào cải cách này có một diện mạo đặc biệt. Các hội viên nhóm lại thành một hội khó xác định được mục đích mà người ta gán cho một tên gọi cụ thể nhưng cũng không kém phần mơ hồ, hội «cúp đầu». Thật vậy,  những người cách tân này cắt ngắn tóc và quần áo, ngược lại với kiểu truyền thống.  Họ coi thường nhiều tập tục cổ truyền khác. Họ cũng không coi trọng việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng tôn giáo người Việt, ít ra là vẻ bên ngoài. Vả lại, các thủ lĩnh có cảm tình với Công giáo. Họ tôn kính và có thiện cảm với các thừa sai, các linh mục bản xứ và  những người Công giáo có thế lực mà họ lui tới thường xuyên. Họ tuyên bố rằng không nên lẫn lộn những người này với «người tây».[7]

Biến động đã làm lung lay nhiều tân tòng, chận đứng phong trào trở lại, làm họ ngần ngại khi quyết định xin gia nhập một tôn giáo mà họ thấy bị bách hại luôn luôn. Còn về những người Công giáo, cha Guéno[8] viết : «Sống giữa  những người ngoại giáo chỉ chờ có dịp để làm hại mình, bị cha mẹ và bạn bè khuyên nhủ bỏ đạo, luôn bất an về tương lai,  chỉ có nhờ ơn Chúa thì những người Công giáo mới có thể đứng vững vàng trên con đường lành!”[9]

«Thật thuận lợi khi gieo bất an và mối lo sợ vào đám người cả tin và khiến họ quay lưng lại với một tôn giáo mà vì hoàn cảnh đã thường hay bị đồng hóa với ngoại bang. Kẻ thù của chúng ta không quên khai thác mối lo ngại này, để không chỉ ngăn chặn  những cuộc cải đạo nhưng còn làm hư hỏng các tân tòng của chúng ta. Họ loan tin rằng cuộc chiến tranh chống ngoại bang sẽ mở đầu bằng cuộc tận diệt  những người Công giáo, lập lại mọi điều khủng khiếp và tàn ác của cuộc thảm sát năm 1885.”[10]

“Những âm mưu quỷ quái này, ít nhiều tùy theo người và nơi, đã đưa đến sự rối loạn trong tỉnh Bình Định, nơi có rất đông tân tòng vẫn còn đang trong tâm trạng bất an.  Những bất ổn này đã không cho phép chúng ta kiểm kê chính xác số người Công giáo. E rằng nếu cơn khủng hoảng này kéo dài thì nó không chỉ giới hạn nơi việc thanh lọc  những người giả hình và  những tín hữu xấu, thật sự đây là điều tốt, mà nó còn làm chệch đường ngay nẻo chính nơi một số tâm hồn chân thành nhưng yếu đuối và nhát sợ, nó kéo họ về sự dữ dễ hơn là dẫn đưa họ về sự thiện.”[11]

Kết luận

Cuộc bách hại Văn Thân 1885 đã gây thiệt hại nặng nề cho Giáo phận, cụ thể là 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Di chứng của nó còn kéo dài và được dịp bùng phát qua các biến động năm 1906 (lời đồn thổi về chiến tranh, tái diễn thảm họa năm 1885) và năm 1908 (phong trào biểu tình “cúp đầu”) khiến dấy lên phong trào bỏ đạo nơi các tân tòng. Có lúc cả sở họ bỏ đạo như Chánh Trực thuộc Giáo xứ Nước Nhỉ. Hơn 60 năm sau, khoảng cuối thập niên 1960, tình hình mất an ninh ở các vùng quê đã khiến giáo dân di cư vào Qui Nhơn hay vào Nam lập nghiệp để yên ổn giữ đạo. Nhiều giáo xứ mất đi vì không còn giáo dân hay không thể có sự hiện diện của linh mục. Và cuối cùng, những đợt di dân sau năm 1975 đã khiến con số giáo dân trong giáo phận càng trở nên ít ỏi.

Riêng về phong trào “cúp đầu” năm 1908, chúng ta có thể tổng kết, nhận định và cầu nguyện như Đức Cha Grangeon Mẫn, Giám mục Giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) từ năm 1902-1928, trong báo cáo số 949 được trích và in lại trong Mémorial de Quinhon, số ngày 30 Avril 1908, tr. 34-37, dưới tựa đề “Les ‘Tondus’”:

“Nhờ sự bảo vệ thấy rõ của Đấng Quan Phòng mà chúng ta chỉ biết cám ơn Ngài: biến cố này không mang tính chất bài Công giáo. Ở Quảng Nam, các linh mục đều có thể làm việc bổn phận như thường lệ. Bản tính hiếu động, thái độ đôi khi hung hăng của người dân Quảng Ngãi đã khiến cho có những lo ngại nghiêm trọng nơi các vùng xa xôi. Ở Bình Định, bị xâm chiếm trong 24 tiếng đồng hồ, đồn lính rút lui vào thành, tình trạng báo động vì sự rối loạn tôn ti trật tự, đe dọa các hương lý và cường hào trong làng xã, sự tham lam của người ngoại giáo khi thấy đây là dịp tốt để dụ người công giáo giao tài sản của mình cho họ mà không cần viết biên nhận, và đồng thời là sự nhát đảm của người Công giáo bị cô lập ở các miền vùng núi, họ nhớ lại thảm họa năm 1885. Sự bình tĩnh đáng khâm phục của các Chủ chăn, chỉ dựa trên lòng tín thác vào Chúa, đã cầm chân những kẻ gây rối lại và trấn an các tín hữu. Hầu hết người tây đều tìm cách trốn xa khỏi nhiệm sở. Không có bất kỳ cuộc hỗn loạn đẫm máu nào xảy ra. Hơn nữa, những đe dọa hay tấn công xảy ra đâu đó cũng chỉ là do bị khích động đơn lẻ, không nằm trong chương trình của cuộc biểu tình, và các thủ lĩnh phong trào khi biết được những điều đó, đã ra lệnh nghiêm phải từ bỏ chúng ngay.

Trái lại, các thủ lĩnh và đám đông theo họ đã kính trọng các thừa sai và các linh mục bản xứ, dành cảm tình đối với các kitô hữu. Họ giữ khoảng cách, chào hỏi khi gặp một linh mục. Họ cho ngài biết về những kỳ vọng của họ, đôi khi xin ngài lời khuyên. Nhiều người ở Quảng Ngãi, sau khi phong trào bị giải tán, đã đến xin các thừa sai can thiệp.  Hàng trăm người biểu tình đau yếu, có người bị thương, đã xếp hàng mỗi ngày trước hiệu thuốc của cha Vallet[12] ở Bình Định. Tóm lại, gán tên cho phong trào này là “cuộc bách hại” (persécution) thì không thích đáng cho bằng “cuộc nổi loạn” (rebellion).

Thật sự, chỉ mình Chúa biết intentiones cordis (những ý tưởng của lòng dạ) và dự phóng của tương lai. Sự cảnh báo này dạy chúng ta rằng mình cần phải áp dụng hơn nữa nguyên tắc này: si vis pacem, para bellum (nếu muốn hòa bình, hãy sửa soạn chiến tranh). Hy vọng rằng sự tiếp xúc giữa người Công giáo và lương dân trên lãnh vực công ích  đã thúc đẩy một bước tiến lớn mà từ nay rất quan trọng đối với chúng ta, đó là sự tách biệt rạch ròi giữa vấn đề chính trị và tôn giáo.

Điều rõ ràng là những biến động như vậy, rất thường xuyên lập đi lập lại, sẽ không khiến được cho người ngoại giáo trở lại và bảo đảm sự kiên vững của các tân tòng! Da pacem, Domine! (Lạy Chúa, xin hãy ban sự bình an!)”

 
 

[1] Báo cáo số 917 của Đức Cha Grangeon về Đông Đàng Trong
[2] Báo cáo số 949 của Đức Cha Grangeon về Đông Đàng Trong
[3] Là 20 xu. 10 xu gọi là cắc sau gọi là hào hay chữ Hán là 毛 (mao).
[4] Bản tiếng Việt trong « Mémorial de Quinhon », số 50, 29 Février 1909, Tr. 22-23
[5] Báo cáo số 949
[6] Báo cáo số 949
[7] Báo cáo số 917
[8] Cha Jean Gueno (1866-1932), tên Việt Nam là Nghiêm, đến Đông Đàng Trong năm 1891. Ngài làm cha phó Đại An, Xóm Nam, rồi cha sở Phan Rí năm 1893. Năm 1894 ngài phụ trách Thác Đá và rồi Nước Nhỉ. Ngài ở Nước Nhỉ 14 năm và thiết lập 15 điểm truyền giáo mới ; năm 1909 đi Cù Và rồi An Sơn ; từ 1914-1924 cha sở Nhà Đá ; từ 1925-1932 cha sở Hà Dừa. Ngài qua đời tại Sàigòn ngày 21 tháng Tám 1932.
[9] Báo cáo số 949
[10] Báo cáo số 949
[11] Báo cáo số 949
[12] Cha Louis Vallet (1869-1945), tên Việt Nam là Ngân, đến Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) vào ngày 29 tháng Tám 1894. Sau khi học tiếng Việt, được gởi đến Thác Đá năm 1896 rồi làm quản lý giáo miền năm 1898. Năm 1908 ngài làm cha sở Kim Châu, sau đó làm việc ở Đà Nẵng và Nha Trang và mất tại Nha Trang ngày 30 tháng Mười 1945.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét