Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

SẤM TRUYỀN CA 1670 - THƠ LỤC BÁT 100 NĂM TRƯỚC THI HÀO NGUYỄN DU


HỔ PHỤ SINH HỔ TỬ.
LINH MỤC LỮ Y ĐOAN ,
CON TRAI CỤ ANRÊ DINH TRẤN THANH CHIÊM
VÀ SẤM TRUYỀN CA 1670.
THƠ LỤC BÁT, 100 NĂM TRƯỚC THI HÀO NGUYỄN DU.
Những ai tìm hiểu lịch sử đạo công giáo tại Việt Nam đều biết về ông Anrê senior, (già), 73 tuổi bị bắt cùng ngày 25 tháng 6 năm 1644 với thầy giảng Anrê trẻ (junior), tại Dinh trấn Thanh Chiêm do ông Nghè Bộ. Ông được tha chết nhưng sách vỡ chép tay tại nhà ông thì quan quyết tâm đốt sạch.
Trong sách Hàng trình và Truyền giáo linh mục Alexandre de Rhodes viết “ Ông (tức Anrê già) có vợ tên là Inhaxiô ( Ignace) và hai con trai là Emmanuel và Louis ( Lữ Y ). Những bản sao chính cống về nhân đức của ông: nhà ông là nơi trú ẩn lớn cho mọi Ki tô hữu khi bình an và trong bão tố..” (Alexandre de Rhodes. Hành Trình và Truyền giáo . Nhà xuất bản TF HCM, 1994, trang 150).
Năm Đinh Mùi, 1666, do lời yêu cầu của linh mục Antoine Hainques, Thừa sai Paris, Mep, thầy giảng Lữ Y Đoan đã viết lời chứng về cái chết của thầy Anrê Phú Yên, văn bản tiếng La Tinh như sau (bản thư 2)

“In provincia thánh hoa, in vico tlang an phương, cum esse, ego Ludovicus Đướn haec declaravi.
ab eo die, quo captus est Dnũs Andreas ex vico phú ang infra uicum hoe nong, tunc domi Domini Hieronimi non aderam; cum praetorium subire facere coergerunt, vidi illum uintum una cum cum patre meum deduxerunt, coepi illum uidere uinctum cum Patre meo. Audiui etiam illum adhortantem nos….
“Trong tỉnh thánh hóa (Thăng Hoa. Quảng Nam) tại làng Tlang an (Tràng an) phường, nơi tôi hiện diện, tôi là Ludovicus Đướn khai báo những việc sau.
Từ ngày thầy Anrê thuộc làng phu ang ( Phú an) dưới làng hoe nong (Hoa Nông), khi ấy tôi không đến nhà Cha Hieronimo (nhầm tên cha Alexandre de Rhodes), khi ( mọi người ) bắt buộc phải đến công đường thì tôi thấy thầy bị trói làm một cùng với thân phụ tôi, tôi bắt đầu nghe giọng thầy khuyên nhủ chúng tôi, giáo hữu và những người khác như sau….”
Mấy chữ “Tràng An phường” tức là Dinh trấn Thanh Chiêm…” bị trói làm một cùng với thân phụ tôi” đủ xác nhận Lữ Y Đoan là con ai.
Trong lá thư giáo hữu Đàng Trong gửi Tòa Thánh vào khoảng năm 1672, có tên thầy giảng Lữ Y Đoan. Do thiếu mục tử, năm 1676, Đức Giám mục Pierre Lambert de la Motte phong chức linh mục cho ngài. Lễ vinh qui được tổ chức linh đình tại nhà ông anh Emmanuel ở Dinh Trấn Thanh Chiêm với 500 thực khách đạo đời. Hai năm sau, theo linh mục M. de Courtaulin cho biết : “cha Louis (Lữ Y) , người xứ Đàng Trong chết vì đau bụng tháng 6 (1678) ( Adrien Launay MEP, Documents historiques tome I, Paris 1923, trang 237).
Lý lịch của Lữ Y Đoan đã rõ.
Nhưng tưởng chỉ có thế, không ngờ những phát hiện gần đây cho thấy ngài là một nhân vật kiệt xuất, góp phần vào văn hóa Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, thân phụ ngài là Anrê già và gia đình gia nhập giáo hội khá sớm nhưng vào tuổi khá muộn, có thể vào thời linh mục Francisco Pina, 1621.Lúc đó ông Anrê đã trên 50 và hai con trai dưới 30. Một gia đình nho phong, trí thức, ông Anrê già là cột trụ đức tin cho cả cộng đồng Thanh Chiêm, ông chịu khá nhiều gian nan vì đạo Chúa như đã thấy qua nhiều tài liệu, Ngày 26 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ quyết đốt sạch các sách viết tay thu tại nhà ông. Phải chắng trong đó có bên cạnh sách giáo lý, kinh nguyện còn có những văn thơ của ông và gia đình. Sau này, người ta truyền tay nhau nhưng văn bản thơ phú Sấm truyền ca của người con là Lữ Y.
Vào thời chúa Nguyễn phúc Chu (1691-1725), cấm đạo công giáo rất ngặt năm 1701, giáo dân miền Trung trốn vào vùng Đồng Nai. Kế tiếp là những biến động Tây Sơn và những sắc lệnh cấm đạo kế tiếp của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…các họ đạo tan tác. Sách đạo và văn chương công giáo buổi sơ khai bị hủy hoại. Năm 1870, vô tình người ta đào được một cái chum chứa nhiều sách vở tại Cái Mơn, Chợ Lách. Tuy nước thấm làm hư hại nhiều nhưng vẵn còn đó một tác phẫm quan trọng của Lữ Y Đoan.
Trần Hớn Xuyên (1854-1940) là người đã sưu tầm tập Sấm Truyền Ca kể lại trường hợp ông khám phá ra bản hiện nay vào năm 1910:
"Trải qua cơn bắt đạo dữ dằn đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðừc, việc giữ đạo ở miền Nam phải âm thầm, sách vở ảnh tượng đều được chôn giấu. Ðến năm 1870 có người đào được tại Cái Nhum (Chợ Lách, Vĩnh Long) một hầm vô chủ, có nhiều sách vở về đạo thánh, trong đó có Sấm Truyền Ca, giấy đã mục nhiều (...) Các linh mục Pháp thời đó không nhìn nhận là đúng với Kinh Thánh của bổn đạo, nên cấm bổn đạo vì sách dị đoan. Vì đó Sấm Truyền Ca bị mai một (...) Sấm Truyền Ca là sự dung hòa giữa nền văn hóa Ðông phương và Tây phương. Tôi không nhận xét về mặt hợp hay không hợp Kinh Thánh, tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An Nam hồi đó, đã lột được ý nghĩa của Kinh Thánh cho người An Nam dùng cách dễ dàng. Vì thế tôi đã xin chép lại để làm tài liệu quý giá, dành cho con cháu ngày sau được biết ông bà xưa cũng đóng góp rất nhiều vào kho tàng quốc văn của dân tộc "
“Truyền rằng sách Sấm Truyền Ca là của Thầy Cả Lữ Y Ðoan đặt ra năm 1670, viết bằng chữ Nôm. Thầy cả này đã trở lại đạo hồi nhỏ và đã làm thầy giảng giáp địa phận Ðàng Trong, thầy rất tinh thông chữ nho, thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thầy làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giê-su. (...) Sách này của thầy bị nhiều thầy cả Tây dang hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo rất ưa và chép lại để đọc (...)."
Nghiên cứu tác phẩm này, nhiều người đánh giá cao. Tác giả Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nhận xét:
“Sấm Truyền Ca thật kỳ thú, thật mạnh bạo, một ý thức Việt hóa tuyệt vời Thánh Kinh, một công trình văn chương rất Việt Nam ở thế kỷ XVII, gây kinh ngạc và xúc động cho người đọc.
“Sấm Truyền Ca” thể hiện rõ nét tư tưởng hòa đồng của dân tộc, trong đó đan xen những ngôn từ nhà Phật như: “vô thường, hỉ xả, tiền định, chống sát sinh”... và ngôn từ nhà nho như: “âm dương, ngũ hành, hiếu trung, thiên thời, địa lợi, nhân tâm (hồn)” hoặc “dịch tượng quẻ kiền, cửu hào, thái ất...”
“Sấm Truyền Ca” còn là dấu tích, tác phẩm văn nôm lớn vào loại xưa nhất của nước ta.
Với những đặc điểm như thế, chắc chắn thừa sai, đương nhiên chẳng bao giờ chịu đứng dưới góc độ dân tộc, tất phải phê phán, dè dặt với “Sấm Truyền Ca”.
Tiếc rằng trong hoàn cảnh ngặt nghèo của lịch sử Việt Nam, một tác phẩm văn nôm quý giá như vậy đã bị lãng quên, không được quy trọng đúng mức, không được bảo lưu trọn vẹn”.
Tác giả Trần Thanh Đạm cũng viết:
“ Không những tóm tắt gọn gàng, truyền đạt sinh động mà tác giả còn thêm vào tác phẩm rất nhiều tình ý sáng tạo, xuất phát từ thực tế cuộc sống đất nước, từ truyền thống văn hóa của dân tộc và của phương Đông. Có thể nói tác giả đã làm công việc “Việt Nam hóa”, “Đông phương hóa” Kinh Thánh, nhiều chỗ rất mạnh dạn, táo bạo và sáng tạo. Có lẽ chính vì vậy mà tác phẩm này bị các thừa sai Âu châu cho là đã đi lệch hay phản lại tinh thần cơ bản của Kinh Thánh theo cách hiểu chính thống của Giáo Hội và các nhà Thần học thời bấy giờ. Điều này chứng tỏ rằng trên bình diện văn hóa, vị linh mục Thiên Chúa giáo Việt Nam Lữ Y Đoan lúc bấy giờ đã có tầm nghĩ, tầm nhìn và tầm trí tuệ cao hơn các vị bề trên ngoại quốc của ông, bởi vì ông đã khp trong bản thân minh sự hòa hợp của hai nền văn hóa trên một tinh thần giao lưu bình đẳng và sáng tạo, ít thiên kiến và thiên vị.”
Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng thơ lục bát vào khoản cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Sấm Truyền ca cũng viết bằng loại thơ trên 100 năm trước đó.
Do thế hệ khá “cứng rắn” của các giáo sĩ Âu Châu sau Công Đồng Trentô, nên lối chuyển thể Kinh thánh mà lại dùng nhiều từ các tôn giáo Phật, Nho, Lão; Việt hóa tên địa dư và nhân vật Kinh Thánh ( ví dụ Pharaon = Phan Trào, Maisen =Mao Tôn…) bị coi là bất kính, pha tạp “dị đoan mê tín”, dù thơ được các nhà trí thức không công giáo và giáo dân bản địa quý mến.
Một số sách đã mất nhưng Tạo Đọan Kinh (Genesis, Sáng Thế ký) và Lập Quốc Kinh (Exodus, Xuất Hành) của linh mục Lữ Y vẫn còn đó. Ông Simong Phan Văn Cậy đã chuyển sang chữ quốc ngữ, được 5135 câu lục bát, nhưng nay không biết còn bao nhiêu. (Ước mong Ủy ban Văn Hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam lưu ý việc bảo tồn tác phẩm này).
Xin mời thưởng thức vài đoạn thơ lục bát mở đầu Tạo Đọan Kinh, thế kỷ 17 của thầy cả Lữ Y Đoan,
"Ngày ngày trước mắt chúng sinh
Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường
Xưa nay trong kiếp vô thường
Thấy điều vân cẩu mà thương nhơn phàm
Loài người từ thuở A-đam
Đua nhau xây dựng mộng ham làm trời
Một pho Kinh Thánh ra đời:
Chứng minh vạn đại những lời do Thiên ...".
Rồi câu chuyện tháp Babel, con người xây tháp tận trời thách thức lụt lội Hồng thủy, không sợ Thượng đế nữa, nhưng kế hoạch bất thành do tiếng nói lộn xộn. Linh mục Lữ Y Đoan dịch Babel , tiếng nói lộn xộn, thành Hỗn Lầu;
Vả chăng ngôn ngữ cổ thời
Những điều cảm nghĩ, nói lời như nhau
Phía Đông nhiều tộc vùng cao,
Dân đông, đất chật, hoa màu cũng vơi
Định cư đất mới kịp thời
Bàn nhau xây tháp để đời hậu lai
Góp nhau vật liệu đủ đầy
Công trình kiến tạo mỗi ngày rộng cao
Quyết xây tháp đụng Thiên Tào,
Nêu cao nhân lực, Trời nào dám đương
Nhân gian ngạo nghễ thiên đường
Trời rằng: “Hiệp nhất vi cường, đại công...
Phải cho ngôn ngữ bất đồng
Mỗi chi một ngả là xong ý đồ!
Thế là: Nhất hữu cửu vô
Thế nhân bỏ cuộc, trở cờ giống nhau
Hỗn Lầu danh gọi về sau
Kể từ việc ấy, ngũ châu người tràn...
Mở đầu sách Lập quốc kinh ( Exodus, Xuất hành), ngài viết:
“Xưa nay diễn biến trò đời
Đồ vương tranh bá bao người máu xương
Một dân dựng nước khác thường
Bàn tay Thượng đế đo lường trước sau
Giếp Tô quyền lực Phan trào
Muôn binh hùng dũng, đất giàu dân đông
Yết Linh đứng dậy tay không
Phá xiềng nô lệ về vùng Trà Nam...
Trên một trăm năm trước truyện Kiều, giáo hội công giáo Việt Nam đã xử dụng thơ lục bát trong kinh sách. Ngày nay nhiều người chê, cho là “văn nhà đạo” nhưng những ai hiểu biết ngôn ngữ học, “văn nhà đạo” thường dùng từ thuần Việt, khác với mấy nhà Nho, kể cả các trí thức ngày nay sính dùng từ Hán Việt. Xem Từ điển Việt-Bồ-La, Sách Giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes hay các sách của Majorica thì biết.
Nhân dịp Hội thảo về Chữ quốc ngữ sắp diễn ra tại huyện Điện Bàn, trong vòng 10 ngày nữa, xin giới thiệu thêm về một nhân vật sáng giá nữa của Dinh trấn Thanh Chiêm thế kỷ 17, thầy giảng và linh mục Lữ Y Đoan ( Đang, Đương?) (1613- 1678) , người đã chuyển thể Kinh thánh Cựu ước qua hàng ngàn câu thơ lục bát, hồn dân tộc.
Rất tiếc công việc “hội nhập văn hóa” , đem Kinh Thánh vào ngôn ngữ, vào tâm hồn Việt Nam của ngài sớm hơn mấy thế kỷ, đã không được các giáo sĩ ngoại quốc đương thời coi trọng, mà thiện chí còn bi chôn vùi, hất hủi, bạc đải! Buồn thay!

AN NGÃI, NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2016
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng
Nguồn bài viết: facebook Nguyễn Trường Thăng

1 nhận xét:

  1. Rất ý nghĩa khi những tư liệu quý thời truyền giáo tại Việt Nam được lưu truyền đến ngày nay. Nguyện xin Chúa ban nhiều phước lành trên dân tộc Vn chúng con để chúng con nhận biết Ngài.

    Trả lờiXóa