Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Nhân ngày khai trường nghĩ về sự nghiệp trồng người



GS Tương Lai

Văn hiến nằm trong chiều sâu nhân bản và nền tảng nhân văn Việt Nam, đó chính là "cái gốc văn hóa của đời người". Vì thế, sự nghiệp trồng người phải khởi đầu từ việc vun đắp cái gốc văn hóa này.

Sau ngày Quốc khánh 2.9 là ngày khai trường trên cả nước. Nói đến "biện chứng", nhất là "biện chứng lịch sử" thì có lẽ chính với sự kiện đặc biệt này, "biện chứng" về "cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện" mới thật sự sống động và giàu sức thuyết phục vì điều này gợi rất nhiều suy tư về "nguyên khí quốc gia" của một dân tôc "ngàn năm văn hiến". Giải thích vê khái niệm này của Nguyễn Trãi, tác giả của "Văn hóa và Đổi mới" viết : "Điều đó có nghĩa là trọng học vấn và trọng người có học . Trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá" [tr.26]. Ngày khai trường, vì vậy, là một sự kiện trọng đại đối với một dân tộc "vốn xưng văn hiến đã lâu ".Ngày khai trường mở đầu một năm học vào tháng 9 trùng hợp với ngày 4.9 hằng năm là một "ngẫu nhiên". Nhưng nếu ngẫm sâu vào triết lý của nó thì đây lại là một "tất nhiên".
Bởi lẽ, sự hy sinh của những bậc cha anh chỉ có ý nghĩa khi đó là những ngọn lá rụng xuống để vun bón cho cây đời của tổ quốc xanh tươi như lời một chiến sĩ yêu nước Pháp nhắn gửi đồng đội của mình trước lúc nhắm mắt! Bao nhiêu núi xương sông máu trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ Việt Nam để làm gì, nếu không phải để cho con em ta được sống một cuộc đời đáng sống, như cái cây được mọc thẳng, đơm hoa kết trái trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu của ông cha.
Trên mọi nẻo đường của tổ quốc, có lẽ không có  hình ảnh nào sáng đẹp và xao động lòng người bằng hình ảnh các trẻ nhỏ tung tăng đến  trường, biểu tượng sống động của sức sống dân tộc. Chính vì thế mà càng thấm thía với khuyến cáo trĩu nặng tâm tư của một nhà văn hóa "Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ"*.  "Đời người lớn" ư? Thì các cụ ta đã từng giảng rằng đại học là cái học để làm người lớn [đại học giả đại nhân chi học dã]. Ấy thế mà không có một "đời người lớn" theo nghĩa cần phải có của nó, nếu không có một cuộc sống xứng đáng cho trẻ con. Nói không có hình ảnh nào xúc động lòng người bằng hình ảnh trẻ em tung tăng đến trường là vì cái lẽ ấy. Càng thấy hình ảnh đó là cao cả khi hiểu rằng "Thời tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người. Từ 0 đến 11/12 tuổi, em có chất văn hóa gì thì sau này văn hóa cá nhân em đặc trưng bởi tính chất ấy"**.
Chẳng thế sao? Trong gốc gác của khái niệm "văn hóa" đã có ý nghĩa vun trồng. Từ ngữ "cultus", trong gốc Latinh có nghĩa là gieo trồng, bởi thế mà nhà triết học phương Tây Thomas Hobbes thế kỷ XVII chỉ rõ "Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng, và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần". Trước đó hai nghìn năm, ở phương Đông, Quản Trọng [725 TCN - 645 TCN]đã từng khuyến cáo : "Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế mười năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người". ["Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc.Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.Chung thân chi kế mạc như thụ nhân]. Còn ở ta, Nguyễn Văn Siêu đòi hỏi việc đào luyện nhân tài cho đất nước thì "cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó".Danh sĩ triều Nguyễn thế kỷ XVIII ấy giải thich thêm : "tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi....Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn"
Gần gũi dung dị hơn, song lại thăm thẳm chiều sâu triết lý thì lại ẩn kín trong câu tục ngữ quen thuộc "người ta là hoa của đất"! Có sự ví von giàu chất nhân bản nào đọ sức nổi với hình tượng thấm đẫm chất thơ này không? Chính đây là điểm tựa để Nguyễn Trãi khẳng định "nước ta vốn xưng văn hiến đã lâu" vừa dẫn ở trên! Văn hiến nằm trong chiều sâu nhân bản và nền tảng nhân văn Việt Nam, đó chính là "cái gốc văn hóa của đời người". Vì thế, sự nghiệp trồng người phải khởi đầu từ việc vun đắp cái gốc văn hóa này. Đây là nhân tố quyết định thành bại của mọi đường lối, cũng là nhân tố quyết định sự tồn vong của đất nước, sự thịnh suy của một triều đại hay một thể chế, sự phát triển hay suy thoái của một dân tộc.
Khung cảnh một buổi lễ khai trường. Ảnh: http://ischoolnet.qti.vn
Không chăm lo cái gốc đó mà chỉ tỉa tót cái ngọn để có ngay bóng mát, chắp vá những giải pháp vụn vặt trong việc gặt hái để có hoa, có quả mà nhìn ngắm và dâng hiến, thì khó để cho sự nghiệp trồng người đem lại hiền tài cho đất nước, bồi đắp "nguyên khí" cho quốc gia. Khi truy tìm sự xuống cấp của đạo lý xã hội, khi bận rộn với những chủ trương chỉnh đốn Đảng với phê và tự phê, khi phân tích nguyên nhân để tìm ra những giải pháp vực dậy hệ thống giáo dục và đào tạo đang là nỗi lo lắng của cả xã hội thì cần hiểu rằng, điểm tựa của mọi quyết sách nhằm xoay chuyển tình thế không gì khác là cái gốc văn hóa.
Để nói thật gọn vấn đề vốn cần phải diễn giải dài dòng, xin nhắc lại một luận điểm đã từng đưa ra trên diễn đàn "Tuần Tin tức"này, luận điểm của văn hào Nga một thời là tên tuổi số một trong các giáo trình lý luận văn học bậc đại học ở ta: "Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. ... Vì vậy mà : "Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa, tinh thần nô lệ đã hằn sâu trong nó phải bị tẩy sạch đi ". Cho nên, văn hào Nga đã quyết liệt mà rằng : "Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi "Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!"***Có lẽ đây không là sự cảnh báo riêng cho người Nga! Cảnh báo được đưa ra ngay sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
E rằng cái chuyện đưa "chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng"cũng không chỉ xảy ra ở nước Nga Xô Viết. Sự cảnh báo được lặp đi lặp lại về tội phạm tuổi vị thành niên ngày càng cao, những hành vi phạm pháp ngày càng hung hãn, tàn bạo lại đang được "trẻ hóa", tham nhũng tăng mà phát hiện tội tham nhũng lại giảm, các loại "tặc" như "lâm tặc", "hải tặc", rồi "đinh tặc"...đang lộng hành, "chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng", "các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc..", "tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định chính trị-xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia"...đâu còn là chứng bệnh ngoài da, là "mặt trái của kinh tế thị trường" mà địch thị là những chứng bệnh đang ở "bên trong nội tạng"!
Bệnh nằm bên trong đương nhiên là khó chẩn đoán và chữa trị, ở đây xin chỉ nói một biểu hiện của "bệnh ngoài da" lồ lộ mấy thập kỷ nay vậy mà các nhà tư tưởng, các nhà giáo dục vẫn không thấy ngứa ngáy gì thì quả là khó mà giải thích : đó là cái khẩu hiệu to tướng treo ở nơi trang trọng nhất của nhiều trường học "Tiên học Lễ, hậu học Văn"!
Chao ôi, " để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó" mà đập vào mắt trẻ, nhồi vào đầu trẻ cái chữ Lễ khô héo và lạc điệu mà ngay đến thầy cô dạy chúng nó cũng không cắt nghĩa được ngọn ngành thì nguy hại đến thế nào đến đầu óc khi trẻ thành "người lớn". Để khỏi phải giải thích dài dòng, xin trích lời của học giả Quang Đạm trong tác phẩm "Nho giáo, Xưa và Nay" do NXB Văn hóa ấn hành năm 1994, tr. 148 : "Một chữ "lễ", bao nhiêu xiềng xích kìm hãm sức vươn  lên của con người"! Tác giả giải thích rõ : "sức sống dai dẳng của Nho giáo chủ yếu là ở chữ lễ...Triết lý của thiên "lễ vận" còn tức là Nho giáo còn. Trật tự tôn ti với tư tưởng "trên sai khiến" dưới "phụng sự" còn tức là Nho giáo còn...Lễ là cái lưới bủa ra rất rộng và xiết lại rất chặt" của đạo Khổng!". Ông lưu ý thêm : "từ lễ giáo, lễ nghi .v.vv.. người ta đi đến "lễ vật". Dân đối với quan, quan nhỏ đối với quan to, học trò đối với thầy, người đi thi đối với người chấm thi,, người đi xin chức việc đối với người bổ dụng v.v...đều phải đi đúng theo hướng một chiều từ bên dưới hướng lên bên trên!". Trong một bài đăng trên "Lao Động cuối tuần" vừa rồi một ngòi bút hài hước đã tinh quái trích định nghĩa từ "lễ" trên Từ điển Việt-Anh [Lạc việt trên mạng] : lễ có 4 ngĩa chính : "kownow ,-quỳ lạy, khúm núm; to give money - cúng tiền, tặng quà; rite-lễ nghi, nghi thức và festival, holiday-ngày hội, ngày nghỉ. "Cười ra nước mắt, tác giả mượn lời vị khách nước ngoài để giải thích rằng : "sứ mạng đầu tiên của giáo dục là day học trò khúm núm, hối lộ, tập nghi thức và dự lễ hội"!
Thảo nào mà ai đó "khoái" cái chữ "Lễ" này nên đem treo nghễu nghện gần hai chục năm nay từ bắc chí nam để mà đập vào mắt, nhồi vào đầu trẻ con một cách thân thiện và nhẹ nhàng một cách tai ác! Nhân ngày khai trường, xin trân trọng đề nghị ông Bộ trưởng GD&ĐT cho hạ ngay cái khẩu hiệu này xuống và nếu thấy cần thì đưa vào viện bảo tàng đặng rút kinh nghiệm về những sai lầm đáng xấu hổ để đững dẫm lên vết xe đổ.
Quả đúng là "tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi....Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn" như cảnh báo của danh sĩ triều Nguyễn vừa dẫn. Cái gốc văn hóa để từ đó con người " sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ"  phải do toàn xã hội chăm lo chứ không thể phó mặc cho hệ thống giáo dục và đào tạo mặc dù hệ thống này không thể thoái thác trách nhiệm chính vì rằng " cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn".
Hệ thống giáo dục và đào tạo chỉ là cái vòng tròn nhỏ nằm bên trong một cái vòng tròn lớn là toàn xã hội. Mà nói đến xã hội thì cần hiểu rằng, để ổn định xã hội thì tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đưa đất nước thoát hiểm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái là công việc cấp bách và cực kỳ khó khăn cần phải có sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, "tái cấu trúc lại các giá trị văn hóa đang bị đảo lộn" nhằm vức dậy một nền văn hóa đang suy thoái lại còn cấp bách và khó khăn gấp bội. Đây lại là một sự nghiệp lâu dài chứ không thể "quy hoạch" theo thời đoạn. Mà chính vì lâu dài nên phải bắt đầu ngay từ bây giờ, cho dù đã quá muộn, nhưng vì "quá muộn" nên phải nghiêm cẩn ngay từ những bước khởi đầu với nhận thức rằng : Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội". Đúng vậy, suy đến cùng, văn hóa vẫn là nhân tố quyết định nhất.
Nhân ngày khai trường, xin nhắc lại khuyến cáo của văn hào Nga M.Gorki :"Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy"Chính vì vậy, "Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn"***!
______________________
*   Nguyễn Khắc Viện.
** Hồ Ngọc Đại.
*** Maxim Gorky Những ý tưởng không hợp thời đăng trên nhật báoNovaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. NXB Surkamp taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét