CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ
22/9/1912-2012
22/9/1912-2012
ĐÃ PHÁT HÀNH
CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO
DO LM TRĂNG THẬP TỰ CHỦ BIÊN
NXB PHƯƠNG ĐÔNG 2012
4 tập, 2000 trang, trợ giá: 80.000 VND
DO LM TRĂNG THẬP TỰ CHỦ BIÊN
NXB PHƯƠNG ĐÔNG 2012
4 tập, 2000 trang, trợ giá: 80.000 VND
* TẠI SÀI GÒN, CÓ THỂ MUA TẠI CÁC NHÀ SÁCH CÔNG GIÁO
* TẠI CÁC THÀNH PHỐ KHÁC VÀ CÁC TỈNH,
XIN ĐĂNG KÝ QUA VĂN PHÒNG TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
* ĐỘC GIẢ Ở NƯỚC NGOÀI CÓ THỂ MUA QUA DỊCH VỤ FATIMACOMPANY.COM
* TẠI CÁC THÀNH PHỐ KHÁC VÀ CÁC TỈNH,
XIN ĐĂNG KÝ QUA VĂN PHÒNG TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
* ĐỘC GIẢ Ở NƯỚC NGOÀI CÓ THỂ MUA QUA DỊCH VỤ FATIMACOMPANY.COM
__________________________________
CÓ NHỮNG GẶP GỠ TÌNH CỜ MÀ CỨ NHƯ ĐÃ HẸN TRƯỚC
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hai cuộc thi xướng họa trên mạng năm 2009-2010 (Đức khiết tịnh) và 2010-2011 (Nhánh huệ Nước Trời) đã góp phần chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử, tạo điều kiện cho sự gặp gỡ của đông đảo tác giả trong cùng một bộ sách.
Năm 2009, nhà thơ Lê Đình Bảng đã giới thiệu 77 tác giả thơ và nhạc Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, những vị đã sáng tác từ nhiều vị trí khác nhau trên hành trình đức tin, nhưng đều có chung một cảm hứng linh thiêng để hội tụ khởi đầu cho một dòng chảy thanh thoát mà hiện thực, nhẹ nhàng mà không kém phần sắc nét.
Tiếp nối và gợi hứng từ dòng chảy ấy, năm nay, 2012, nhà thơ Trăng Thập Tự và một số bạn hữu có sáng kiến thực hiện một sưu tập mới mang tên Có một vườn thơ đạo, bao gồm 140 tác giả từ cột mốc năm sinh Hàn Mạc Tử, 1912, trong đó có hơn 120 tác giả mới, hầu hết hiện đang sống, vị cao niên nhất đã 92 và người trẻ nhất là 22. Dù nhẹ nhàng và thường khi lặng lẽ, vẫn đang có một dòng thơ Công giáo Việt ngữ.
Với cột mốc 1912, Có một vườn thơ đạo không chỉ đánh dấu 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, mà còn cho thấy dòng thơ Công giáo Việt ngữ đã có một định hướng và được thêm sức sống kể từ sự xuất hiện của nhà thơ trẻ đạo hạnh Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, Hàn Mạc Tử.
Trong ý nghĩa đó, tôi trân trọng giới thiệu bộ sưu tập với quý độc giả, cách riêng là các bạn trẻ, trong và ngoài cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Phan Thiết ngày 13-5-2012
Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
CT. UBVH/HĐGMVN
Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
CT. UBVH/HĐGMVN
MỘT MẠCH SỐNG CỦA DÂN CHÚA
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN SOẠN
CHO ẤN BẢN KINH TRONG SƯƠNG
CHO ẤN BẢN KINH TRONG SƯƠNG
Tiền thân bộ sưu tập này là chương trình đã được khởi đầu với tập Kinh Trong Sương 4 (Nxb Phương Đông 2007). Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, giám mục giáo phận Quy Nhơn đã có lời giới thiệu sau đây cho chương trình này.
Ở một số dân tộc, người ta sinh ra và lớn lên trong dân vũ. Tại Việt Nam, chúng ta sinh ra và lớn lên trong thơ ca. Người mẹ miền Bắc ru con trong tiếng à ơi, ạ ời. Người mẹ miền Nam ru con trong tiếng ầu ơ. Thôi nghe tiếng ru, em bé học vỡ lòng đạo lý làm người bằng ca dao tục ngữ cho đến ngày khôn lớn. Đến tuổi thành nhân, người ta tìm kiếm bạn đời bằng hát ghẹo, hát ví, hát dặm… Lại cũng là thơ…
Du nhập vào Việt Nam, Kitô giáo không phát triển ngoài nhịp sống ấy của dân tộc. Các tín hữu Kitô đã sớm có những ca dao, hò, vè, câu đố mang nội dung đức tin và luân lý Kitô Giáo. Cao cấp hơn là kinh bổn và nhiều tác phẩm văn chương bằng lục bát và các thể loại văn vần khác. Rồi từ ngày có trào lưu thơ mới, nhiều tín hữu đã dùng nó để diễn tả lòng tin Kitô….
Không ở đâu mà trong Dân Chúa thiếu người làm thơ… Để riêng rẽ, thơ ca của họ dường như là chuyện cá nhân. Giờ đây, sưu tập lại, gom thành một vườn hoa, ta mới thấy rằng thơ ca là một mạch sống của Dân Chúa tại Việt Nam.
Hiểu như thế, bộ Sưu Tập Thơ Công Giáo quả là công trình cần thiết và đáng quý. Tôi xin trân trọng giới thiệu với mọi người, cả trong cũng như ngoài cộng đồng Công Giáo.
Quy Nhơn, ngày 20-9-2007
† Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn
† Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn
TỪ VƯỜN THƠ ĐẾN VƯỜN VĂN
LỜI TỰA CỦA ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH
Xem qua bản thảo bộ sưu tập CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, tôi rất vui mừng vì cảm thấy mình đang được tiếp cận với cả vườn thơ. Một vườn thơ, một vườn thơ đạo, với hàng ngàn bài thơ và hàng trăm tác giả. Vườn chứ không phải bụi, khóm hay cây. Không còn riêng tư, lẻ tẻ, nhưng được tập hợp, liên kết và sắp xếp lớp lang.
1. Vườn thơ
Một sưu tập toàn thơ, lối diễn tả bằng lời và tiếng nhưng lại nhịp nhàng như nhạc, lại sống động như tranh, như mộng, dẫn đến hài hòa cả màu sắc, lẫn âm điệu và tiết tấu. Trong sách Sáng Thế, sách Isaia và sách Diễm Ca, vườn nho Chúa đã là một vườn thơ. Ở chính giữa vườn có chủ nhân là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thơ và Nguồn Thơ, để trở thành một vườn thơ đạo. Thông điệp của vườn thơ đạo phải êm đềm tha thướt mới lọt tai, mới thấm lòng.
Tôi lại chú ý đến cả hai chữ “có một” mở đầu cho tựa đề. Tôi hỏi linh mục chủ biên, tại sao lại “một” và “có”? Một, là muốn nói đến cái vườn thơ đạo cụ thể, của Việt Nam và ở Việt Nam mình chứ không phải của ai khác hay ở đâu khác, với những cái hay và cái dở rất riêng của nó. Còn “có” ở đây gợi nhắc một quá khứ, quá khứ trăm năm. Ban Biên tập đã giới thiệu các tác giả theo thứ tự năm sinh là vì thế. Quyển II, những tác giả sinh từ 1912 đến 1940. Quyển III, 1941-1955 và quyển IV, 1956-1990. Thứ tự nói lên một lịch sử, với những đổi thay trồi sụt, lên xuống, từ cách viết, cách cảm nhận đến nội dung tư tưởng. Theo danh sách liệt kê ở chương 10 quyển I, ta thấy những tác giả dưới 30 còn quá ít. Mong rằng trong đợt sau sẽ có nhiều hơn.
Tại sao Cha Trăng Thập Tự không nhờ những vị ở các thủ đô văn hóa mà lại nhờ một giám mục Tây Nguyên đề tựa? Đơn giản thôi vì chút tình văn nghệ giữa chúng tôi từ thời theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt xưa vào thập niên 1960-1970! Lúc đó, ở các đại chủng viện Việt Nam, xuất hiện những nhóm phiên dịch hoặc biên soạn sách đạo. Riêng tại Đà Lạt, đã có các nhóm như: Hương Quê, Thăng Tiến, Tin Yêu, Niềm Vui, … Nhà thơ Trăng Thập Tự và mấy anh em trẻ khác còn mở ra một nhóm chuyên sáng tác. Tất cả đều nhập vào Tổ hợp xuất bản Vào Đời do tôi xướng xuất. Từ ấy tới nay đã 50 năm… Rất mong sớm rộ lên những nhóm mới, dịch thuật và sáng tác, làm giàu thêm kho tàng văn chương chữ nghĩa nhà đạo hầu đáp ứng sứ mạng loan báo Tin Mừng cũng như nuôi dưỡng đời sống đạo của người tín hữu.
2. Vườn Văn
Đàng sau thơ hay là văn hay. Nơi phần trích tuyển tác phẩm Hàn Mạc Tử, ta thấy những bài văn xuất thần, đáng kinh ngạc. Từ bộ sưu tập thơ ta cần nghĩ đến văn. Tình trạng viết văn tiếng Việt của các bạn trẻ ngày nay thật đáng suy nghĩ! Mấy chục năm thời chiến, vừa học vừa nấp bom tránh đạn, thì thước đo trí thức lấy cộng trừ nhân chia làm chính. Hòa bình lập lại, cả thầy lẫn trò bị hút vào vi tính và ngoại ngữ, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ bị bỏ quên, chẳng còn mấy ai chuyên chăm luyện văn, tập viết. Tiếng Việt là gia tài cha ông để lại cho con cháu luyện tập để chuyển tải Tin Mừng cứu độ cho thiên hạ lại “bị bỏ quên hoặc coi thường”, trong khi thiên hạ biết tôi luyện và tận dụng tiếng Việt để chuyển đạt các tư tưởng chống Chúa, chống Giáo hội. Thảm thương thay! Đắc tội với cha ông và lỗi đạo với hậu thế! Trên thương trường và các mặt khác của xã hội, tình trạng yếu kém tiếng Việt chẳng trở ngại gì lắm, nhưng trên cánh đồng của Chúa mà cứ thế, thì người của Chúa lấy đâu văn chương chữ nghĩa mà rao giảng Tin Mừng? Thế nên, cầm quyển vườn thơ trên tay tôi lại cứ nghĩ đến vườn văn… Nhìn lại 50 năm qua và, hơn nữa, hơn 400 năm qua, cộng đồng Công giáo Việt Nam đã để lại được mấy tập truyện ngắn, mấy quyển tiểu thuyết có sức đi vào lòng người bằng những ngôn ngữ “chất chứa cái hồn Kitô giáo”? Độc giả thử đếm xem. Đếm tác phẩm? Đếm tác giả? Muốn đếm thì phải có ít là một vài mới có thể bắt đầu đếm được… Nhưng một vài ấy tìm ở đâu?… Thiếu truyện và tiểu thuyết, sẽ thiếu kịch bản, thiếu phim, ta sẽ vắng mặt trên mặt trận truyền thông … chữ và nghĩa! Phải chăng chúng ta đầu tư quá nhiều cho những lãnh vực khác, trong khi lại chểnh mảng lãnh vực truyền thông văn hoá này? Đã bao năm tháng rồi!
Viết lời tựa cho vườn thơ, mà lại nói đến vườn văn, không phải là bàn lui hay bàn ra nhưng là đang bàn tới, để mong sao các anh em của tôi thuộc mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng các vị giám đốc chủng viện, các vị đặc trách các tập viện, những vị phụ trách ơn gọi, những người tận hiến trẻ, những phụ huynh đang khao khát dâng con mình cho Chúa, cùng suy nghĩ, đầu tư và hành động. Đầu tư và hành động cách thiết thực và cụ thể! Cụ thể và hữu hiệu! Ngay hôm nay chứ không chờ đến ngày mai! Mong thay.
Kontum ngày 04 tháng 04 năm 2012
Thứ Tư Tuần Thánh
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum
Thứ Tư Tuần Thánh
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum
Cuối đời, nhà thơ Hàn Mạc Tử đã tự tuyển tác phẩm mình thành hai tập mỏng: THƠ ĐỜI vàTHƠ ĐẠO. Tuyển tập Thơ Đời sớm bị tan tác dập vùi nhưng có lẽ phần lớn nội dung vẫn sống sót nơi những gì về sau người ta còn nhặt nhạnh được. Tuyển tập Thơ Đạo đề tặng Nguyễn Văn Xê được nâng niu như một khóm cây giống để sớm trở thành một VƯỜN THƠ ĐẠO với muôn màu muôn vẻ.
Khi nói về Hàn Mạc Tử, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan dự đoán: “Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong Đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới”. Lời tiên tri nay đã thành hiện thực.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ (22-9-1912 – 22-9-2012), xin được giới thiệu một góc của cánh vườn. Chúng tôi đã nhận được sáng tác thơ đạo của gần 200 tác giả, với trên 150 tác giả có những bài đáng giá. Chúng tôi không làm việc bình thơ nhưng đã xin mỗi tác giả tự viết một bài chia sẻ về đức tin của mình kèm với đôi dòng tiểu sử và một ảnh chân dung. Do thời gian vội vã và hoàn cảnh làm việc hạn hẹp, chúng tôi chỉ mới nhận được hồi đáp của hơn 100 tác giả. Chúng tôi sắp xếp thành bốn tập để ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Phần còn lại hy vọng sẽ có thể hoàn tất vào dịp giỗ lần thứ 75 của ông, 11-11-2015.
Tập đầu mang tên “Thi sĩ của thánh giá”, lấy ý từ một câu thơ của bài Nguồn thơm, giới thiệu con người, cuộc đời và thơ đạo của Hàn Mạc Tử, kèm với bài viết của một số người về thơ đạo của ông. Các tập sau được đặt tên theo những hình ảnh trong bài thơ AVE MARIA bất hủ của Hàn Mạc Tử, giới thiệu thơ đạo của những tác giả theo chân Hàn Mạc Tử.
Về nhà thơ Hàn Mạc Tử, hơn 70 năm qua, cùng với biết bao bài viết và sách vở trên diễn đàn văn học trong và ngoài nước, vẫn có những đóng góp của giới Công giáo. Những đóng góp này thoạt đầu có vẻ rời rạc và ít có điều kiện để được biết đến rộng rãi. Thế nhưng khi những nhận định trên diễn đàn chung có vẻ bão hòa, những hình như cái nhìn của các tác giả Công giáo lại bắt đầu khởi sắc và tiến dần, cách riêng là với Phạm Xuân Tuyển, Trần Quý Thiện, Nguyễn Thị Tuyệt, Lê Văn Lân, Võ Long Tê, Đặng Tiến, Phạm Đán Bình, Phạm Đình Khiêm rồi linh mục Trần Cao Tường, và đến lượt chúng tôi, thêm một đóng góp nhỏ từ góc nhìn huyền học Cát Minh.
Theo hướng ấy, tập đầu của bộ sách, dành riêng để tưởng niệm nhà thơ, sẽ lần lượt giới thiệu 10 nội dung sau đây:
1. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VỀ NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ
2. TRÍCH TUYỂN TÁC PHẨM HÀN MẠC TỬ
3. ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO SƯ PHAN CỰ ĐỆ
4. TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
5. LĂNG KÍNH RIÊNG CỦA NHÀ THƠ QUÁCH TẤN
6. TRONG MẮT CÁC NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
7. TRONG MỐI ĐỒNG CẢM CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐẠO
8. ĐÓNG GÓP CỦA LM TRẦN CAO TƯỜNG
9. TỪ GÓC NHÌN HUYỀN HỌC CÁT MINH
10. VƯỜN THƠ ĐẠO NỞ HOA
2. TRÍCH TUYỂN TÁC PHẨM HÀN MẠC TỬ
3. ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO SƯ PHAN CỰ ĐỆ
4. TRONG KÝ ỨC BẠN BÈ
5. LĂNG KÍNH RIÊNG CỦA NHÀ THƠ QUÁCH TẤN
6. TRONG MẮT CÁC NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
7. TRONG MỐI ĐỒNG CẢM CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐẠO
8. ĐÓNG GÓP CỦA LM TRẦN CAO TƯỜNG
9. TỪ GÓC NHÌN HUYỀN HỌC CÁT MINH
10. VƯỜN THƠ ĐẠO NỞ HOA
Mở đầu, xin được thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước anh hồn giáo sư viện sĩ Phan Cự Đệ. Ông để lại cho đời hai quyển sách sáng giá về Hàn Mạc Tử: “Hàn Mạc Tử – Tác Phẩm, Phê Bình Và Tưởng Niệm, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2002” (trong tập này sẽ viết tắt là PCĐ-1) và quyển hai, soạn chung với ông Nguyễn Toàn Thắng: “Hàn Mạc Tử – Về Tác Gia Và Tác Phẩm, Nxb Giáo Dục, 2002” (sẽ viết tắt là PCĐ-2). Hậu thế phải biết ơn ông. Không những ông nghiên cứu và nêu lên những nhận định xác đáng về nhà thơ, mà còn có công gom góp tất cả những gì còn vớt vát được của Hàn Mạc Tử và những bài viết đáng quý về nhà thơ vào một chỗ. Hẳn đó sẽ là cơ sở để về sau người ta có thể thực hiện một ấn bản các tác phẩm Hàn Mạc Tử có hiệu đính và được bổ sung thêm.
Chúng tôi cũng còn phải cám ơn nhà nghiên cứu lão thành Võ Long Tê, tác giả bộ sách Lịch Sử Văn Học Công Giáo Việt Nam, hơn hai chục năm trước đây đã chia sẻ cho chúng tôi những cái nhìn chính xác trên đường tìm hiểu về nhà thơ tiền phong của cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Xin chân thành cám ơn gia đình quý tác giả quá cố: Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bá Tín, Quách Tấn, Phan Cự Đệ, Trần Cao Tường, Phạm Đán Bình; và chân thành cám ơn quý tác giả Võ Long Tê, Đặng Tiến, Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Thị Tuyệt và Lê Văn Lân đã dành cho chúng tôi những tình cảm nồng hậu và giúp đỡ chúng tôi trong việc trích đăng những bài viết giá trị.
Với quý tác giả khác có bài trích trong tập này mà chúng tôi chưa liên lạc được, vì mối chân tình chung đối với nhà thơ Hàn Mạc Tử, xin rộng lượng thông cảm cho chúng tôi.
Về bút hiệu Hàn Mạc Tử, chúng tôi in lại nguyên văn bài nghiên cứu và ý kiến của Giáo sư Viện sĩ Phan Cự Đệ. Đồng thời xin phép được chuyển thống nhất thành Hàn Mạc Tử trong toàn bộ tập sách.
Ước mong tập này sẽ giúp độc giả có thêm một cái nhìn về Hàn Mạc Tử đồng thời được gợi hứng để nghiên cứu đào sâu thêm nữa về nhà thơ.
Lm TRĂNG THẬP TỰ
(Nguồn: lamhong.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét