Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

BÌNH ĐỊNH GIỌNG NÓI (1)




  
Bài thuyết trình tại "Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt: Lịch Sử và Giảng Dạy", tháng 7/2007 tại Viện Việt Học, Westminster, California.
( Đào Đức Chương - Nguyên Giám Học Trường Đào Duy Từ Bình Định. )

Điểm đặc biệt của dân tộc ta là suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ xưa đến nay, người Kinh đều nói một thứ tiếng và tất cả các dân tộc thiểu số, ngoài tiếng nói riêng của dân tộc mình, họ cũng nói rành tiếng Việt. Hơn thế, trên toàn quốc, người Việt Nam đều dùng một thứ chữ viết.

Tuy nhiên, nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, điểm cực bắc thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang ở 23º 23' phút Bắc vĩ tuyến, điểm cực nam (không tính hải đảo) là mũi Cà Mau ở 8º 30' Bắc vĩ tuyến; nước ta lại có nhiều sông ngòi và núi non chắn ngang, nên địa hình và phong thổ mỗi nơi một khác làm ảnh hưởng đến giọng nói. Vì thế, trong cái chung về ngôn ngữ thì ở mỗi miền lại có thổ ngữ và giọng nói đặc trưng cho vùng đó. Tuy vậy, sự cách biệt không nhiều, nên bất cứ người ở khác vùng nói chuyện, vẫn hiểu.
Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (phía bắc) đến đèo Cù Mông (phía nam) đều có chung một giọng nói. Tuy nhiên nếu để ý, mà phải là người địa phương mới nhận biết được, giọng nói của người ở vùng Bắc Bình Định (từ Bồng Sơn trở ra) cứng hơn một tí vì hơi giống giọng Quảng Ngãi.
Bàn về giọng Bình định, thử xét qua các điểm về Thổ ngữ, Thổ âm, Lối nói Bình Định, Nguồn gốc giọng nói, Đặc điểm giọng nói và sau cùng là Tầm ảnh hưởng.
1. THỔ NGỮ
Ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông tân tiến và giao thông tiện lợi, việc tiếp xúc giữa dân cư các vùng không còn bị cách trở, cô lập. Bởi thế, một số tiếng địa phương (phương ngữ) không còn tính cách riêng tư của một vùng, một số khác bị đào thải vì không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, với yếu tố phong thổ của mỗi vùng, vẫn còn một số thổ ngữ và thổ âm đặc trưng cho địa phương đó, đủ sức vượt mọi hoàn cảnh để tồn tại với thời gian.
Cũng như các tỉnh khác, Bình Định có nhiều thổ ngữ, cấu tạo bởi hai yếu tố: biến thể từ một tiếng đã có sẵn nhưng vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa, hoặc từ ngữ không biến đổi nhưng hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa chữ ban đầu. Dưới đây, chưa thể gọi là liệt kê đầy đủ số thổ ngữ của Bình Định, nhưng có đủ mặt các loại thổ ngữ vừa nêu trên.
1.1 THỔ NGỮ TIÊU BIỂU
1.1.1  Ảnh mơi : còn gọi là Đảnh mơi hay Thảnh mơi tức là sáng ngày mai, sáng mai. Thổ ngữ này rất phổ biến trong vùng, ca dao Bình Định có câu:
Ai dìa ai ở mặc ai,
Áo già ở lại ảnh mơi mới dìa.
Mặc dù "ai" bắt vần với "mơi" không được chỉnh như "ai" và "mai", nhưng người Bình Định không quen gọi là "sáng mai".
1.1.2  Bãi tạt rảnh : dẹp đi cho rồi.
Thí dụ: Có chút việc mà làm không xong, bãi tạt rảnh
1.1.3  Báng họng : cổ họng
Thí dụ: Để cho tui nói cái đã, sao cứ chận ngang cái báng họng.
1.1.4  Beng : so sánh, bì. Bài chòi Bình Định có câu:
Con vợ tui tốt tợ tiên sa,
Coi trong thiên hạ ai mà dám beng.
1.1.5  Bườm : nói trại từ tiếng "buồm", là tấm vải dày hay cói đan, căng trên thuyền để hứng gió, nhờ sức gió đẩy thuyền chạy. Trong bàiVè Cát Lái (hát ra), lưu hành tại Bình Định, có thổ ngữ này:
Thuận bườm xuôi gió một phen,
Ghé vô cửa Giã trong miền Hòn Mai.
1.1.6  Cái : tất cả, thảy đều. Thổ ngữ xưa, nay không dùng. Trong văn bản Hát bả trạo, lưu hành tại Bình Định, ở phần mở đầu có dùng thổ ngữ này:
Tổng hậu (ra lệnh):
    Ớ bá trạo!
    Cái khai thuyền hầu trạo.
Con trạo (đồng thanh):
    Dạ!
1.1.7  Cành nanh hay cành hanh : đành hanh. Trẻ em hoặc phụ nữ trẻ có thái độ ngang bướng, đòi phải được lãnh phần hơn đồng lứa của nó một cách vô lý.
Thí dụ: Đứa bé đòi độc quyền nằm bên mẹ, không cho anh em của nó được cùng nằm chung. Người mẹ bèn mắng: "Con nhỏ cành nanh quá!"
1.1.8  Cầm đũa : khi ngồi vào bàn ăn, người Bình Định tiếp khách bằng câu nói "mời cầm đũa" tức là mời ăn.
1.1.9  Cha chả : cùng nghĩa với thán từ "chà", thường dùng trong những tuồng hát bội Bình Định, đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, bực tức, hay tán thưởng.
Thí dụ: Trong tuồng Trầm Hương Các của Đào Tấn, phần cuối: Bá Lộc đài xây xong, vua Trụ mở hội Diêu Trì thỉnh tiên phó yến, Đát Kỷ bèn mời đồng loại là đám yêu tinh giả làm quần tiên đến dự. Trong lúc quá chén, lũ yêu để lộ chân tướng, nên gấp rút cáo lui.
Mở đầu lớp 16, bầy yêu nói: "Cha chả là say thôi! Tốc tốc phản hồi động lý, Man man phi liễu tiên đài" (Chóng chóng trở về hang động, Mau mau rút khỏi đài tiên).
1.1.10  Chẹ : còn gọi là chớ ẹ, tương đương với tiếng "mà" đặt ở cuối câu để biểu thị ý cầu xin, năn nỉ, hay khẳng định, hoặc giải thích, với tính thuyết phục người đối thoại. Vậy "chẹ" là tiếng đệm tiếp sức cho lời thỉnh cầu mạnh lên.
Thí dụ: Đứa em nhỏng nhẻo nói: "Anh Hai cõng em đi chẹ!"
1.1.11  Chớp ảnh : còn gọi là chốp ảnhchộp ảnh, tức chụp ảnh. Theo nghĩa thông thường, trước kia người ta dùng chữ "chớp ảnh hay chớp bóng", nay dùng chữ "chiếu phim" đều chỉ chung cho việc chiếu ánh sáng qua phim đã ghi hình, để cho hình ảnh ấy hiện lên màn ảnh. Ở Bình Định chữ "chớp ảnh" lại có một nghĩa khác là dùng máy hình để chụp ảnh.
Thí dụ: Sau một tấm ảnh, thay vì ghi là: "Chụp ảnh tại...ngày.. tháng.. năm...", thì người Bình Định, nếu dùng thổ ngữ, lại đề là: "Chớp ảnhtại..."
1.1.12  Chộp rộp : dùng thay cho chữ "chộn rộn". Trước kia người Bình Định rất quen dùng nên thường thấy trong bài vè cổ, nay không còn thông dụng nữa:
Tao làm tội tao chịu cho,
Bay không chộp rộp sợ lo nỗi gì.
(Vè Chú Lía)
1.1.13  Chui cha : tiếng tán thán được đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, trầm trồ, than thở, giải bày...
Thí dụ: Chui cha mày quơi (ơi)! Tao mới giừa (vừa) đau một trận giữ (dữ) lắm.
1.1.14  Chưng hửng : theo nghĩa thông thường là sửng sốt, rất ngạc nhiên, tạo trạng thái ngẩn người vì sự việc xảy ra trái với dự đoán. Nhưng đối với người Bình Định, còn dùng từ ngữ "chưng hửng" với nghĩa là: nói năng vô duyên, lảng nhách, không ăn nhập vào đâu cả.
Thí dụ: Người em bày tỏ một ý kiến gì đó, người chị không vừa ý, bèn nói: "Chưng hửng quá!", hoặc nói: "Chưng hửng nà!"
1.1.15  Dẫy na : tương đương với tiếng "vậy hả"
Thí dụ: Người con khoe :
- Mẹ ơi! tháng này con học đứng nhất lớp.
Người mẹ vui mừng đáp :
Dẫy na.
Ngoài ra còn có các tiếng : Dẫy nghen : vậy nhé; Dẫy á : vậy đó.
1.1.16  Dẹ : gớm, ghê; tỏ ý chê bai, không đồng tình với ý người đối thoại.
Thí dụ: Thằng A nói với B: "Con C đẹp quá!"
Thằng B bĩu môi nói: " Dẹ!"
1.1.17  Dện : nện, tác động mạnh từ trên xuống.
Thí dụ: Tao dện cho nó một đạp.
1.1.18  Dến : đánh với tác động ngang.
Thí dụ: Mày dến cho nó một tát tai.
1.1.19  Dí, thá, dớn dọ, dọ : các thổ âm này là tiếng dùng làm âm hiệu để điều khiển trâu, bò trong việc cày bừa và chăn dắt. "Dí" là khẩu lệnh cho bò đi lệch về bên phải, "thá" bên trái, "dớn dọ" đi chậm chuẩn bị dừng, "dọ" đứng hẳn lại, không đi nữa.
1.1.20  Dìa : thay cho chữ (đi) "về". Văn bản bài Vè Cát Lái (hát vô) chép:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
nhưng người Bình Định quen hát:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai dìa Gia Định, Đồng Nai thì dìa.
1.1.21  Dọi : tiếng lóng của dân chài, chỉ hiện tượng dậy sóng ở biển khơi, khi có Ông (tức cá voi) xuất hiện:
Đến khi phụ mẫu rằng nghe,
Thấy tin lên dọi quay lui trở về.
(Hát bả trạo)
1.1.22  Dữ ngư : rắn mặt, lờn mặt. Tiếng để nói trẻ con không vâng lời, khó dạy bảo. Địa phương có câu khuyên: "Thương con phải kín đáo kẻo nó dữ ngư".
1.1.23  Đứng : đấng (danh từ), chỉ cho người được suy tôn vì có công lao, sự nghiệp hay phẩm cách cao quý đáng trọng.
Biết mặt lúc này mới biết,
Đứng (đấng) làm người có việc phải lo.
(Hát bả trạo)
1.1.24 Ẻ mà : dùng như chữ "nhưng mà", nay không còn thông dụng nữa.
Trong tuồng Hộ Sanh Đàn của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng, ở đoạn Dương Tú Hà giận chồng có tên là Tiết Nghĩa mà lại nhẫn tâm làm việc đại bất nghĩa, nên bà đã thắt cổ tự tử. Tiết Nghĩa hay tin, bèn nói với quân hầu:
"Ẻ mà đáng kiếp ! Quân bay,
Thi hài nọ sơn trung mai táng (đem chôn trong núi) đi cho rảnh".
1.1.25  Giã : tiếng chỉ cho làng đánh cá ở ven biển. Trong bài Vè Cát Lái (hát vô) có thổ ngữ này:
Cửa Giã có hòn án ngoài,
Các lái thường ngày hay gọi Lao Xanh.
"Cửa Giã" trong bài này là cửa đầm Thị Nại.
1.1.26  Hé : luôn luôn đứng sau câu để vừa hỏi vừa khẳng định: Mạnh giỏi ? hoặc để khen ngợi, trầm trồ: Đẹp quá !.
1.1.27  Hử : ngửi, hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi vị.
Thí dụ: Cá ương, hử nghe mùi hôi.
1.1.28  Hữ : biến thể của trạng từ "hả", thường đặt ở cuối câu hỏi nhằm xác định thêm điều mình đang nghi vấn.
Trong tuồng Hộ Sanh Đàn của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng, trước khi Tú Hà quyên sinh vì giận chồng thì đã có đoạn: Tiết An vào báo cho bà biết việc Tiết Nghĩa (chồng của bà) đã tham danh lợi, lừa bắt ân huynh là Tiết Cương giải nộp cho Võ Hậu. Khi Tiết An vừa mới nói: "Dạ, phu nhân hữu cấp sự" (Dạ bẩm phu nhân có việc gấp). Tú Hà đoán việc chẳng lành, vội hỏi ngay: "Hà sự hữ?" (Việc chi hả).
1.1.29  Í chui : tiếng tán thán thốt ra vì đau đớn không chịu đựng được, khi bị một lực tác động mạnh vào cơ thể.
Thí dụ: Í chui, (cây) gai đâm đau quá!
1.1.30  Lèo : dây cột buồm.
Nới lèo rán [1] lái mau mau
Châu Me, Lò Rượu sóng xao Hòn Nhàn.
(Vè Cát Lái – Hát vô)
1.1.31 Lừa : là động từ nói trại từ tiếng "lùa"
Thí dụ: Nông dân lừa trâu ra đồng ăn cỏ.
1.1.32  Lúa co : tên của một loại lúa có hạt gạo đỏ. Ca dao Bình Định có câu:
Đừng ham gạo trắng thơm tho,
Lúa trì cùng với lúa co chắc lòng.
1.1.33 - Na : tương đương với chữ "sao", biểu thị ý nhấn mạnh mức độ làm ngạc nhiên. Trong bài thơ Tạ Ơn Năm Đầu của Việt Thao có dùng thổ ngữ này:
Thân bèo năm tháng hẫng trôi,
Gió đem cái lạnh hay đời lạnh na?
1.1.34  Nại : Theo các từ điển [2], "nại" là ruộng muối, chỗ làm muối; nhưng với thổ ngữ Bình Định, tiếng "nại" chỉ dùng để gọi vùng đất chuyên làm muối nằm ven bờ Tây đầm Thị Nại, đoạn từ thôn Nhơn Ân (phía bắc), Bình Thới, Quảng Vân, An Định, Lương Nông đến thôn Bình Thạnh (phía nam). Thí dụ: chỗ nại, dân nại, ở nại, vùng nại, làng nại... Và người ta thường nói: "Lên nguồn xuống nại" để chỉ cho việc lên vùng núi cao ở phía Tây Bình Định và xuống vùng ruộng muối các thôn nói trên. Ở Bình Định, ngoài đầm Thị Nại, còn nhiều vùng làm muối khác, nhưng họ không gọi nơi đó là "nại". Có lẽ muối đầm Thị Nại đặc biệt được triều đình chọn dùng.
1.1.35  Nậu Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch , trang 191, đề cập đến việc Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ ở xứ Quảng Nam vào tháng tư năm Bính Ngọ (1726) có định rõ chức lệ cho các thuộc (tổng mới lập), sách đã dẫn: "Mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng)".
Trên đây, tiếng "nậu" chỉ dùng để gọi những người cùng làm ruộng, nhưng ở Bình Bịnh đại danh tự này được dùng rộng rãi, gọi những người cùng giới, cùng nghề nghiệp, cùng chỗ ở, cùng sinh hoạt, hay cùng hoàn cảnh. Vậy "nậu" luôn luôn ở ngôi thứ ba số nhiều và phải đi kèm với một danh tự theo sau nó mới đủ nghĩa, chẳng hạn như: "nậu nguồn" là tiếng gọi chung những người ở miền thượng du, "nậu hạ bạn" chỉ chung cho dân sống ở vùng cửa sông đổ ra biển, "nậu rổi" (phát âm sai thành "nậu rẩu") là những người đàn bà chuyên bán cá ở các chợ, "nậu hàng xén" là nhóm người bán hàng tạp hóa ở vỉa hè hay ở chợ, "nậu bạn hát" chỉ chung cho nam nữ diễn viên chuyên nghề hát bội. Ca dao Bình Định thường dùng đến tiếng "nậu":
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Hoặc
Đừng chê nậu rổi tanh hôi,
Có nhờ nậu rổi mới rồi bữa cơm.
1.1.36  Nẫu : là hiện tượng biến đổi thanh điệu nhưng vẫn giữ âm trầm, nghĩa là chỉ chuyển từ dấu nặng sang dấu ngã. Tiếng "nậu" chuyển hóa thành "nẫu" vẫn là đại danh tự nhưng ý nghĩa của nó rất rộng rải và không cần một danh tự đi kèm. "Nẫu" được dùng ở ngôi thứ ba, số ít, cả số nhiều, có nghĩa là họ, người ta, người ấy. Tiếng "nẫu" còn thấy ở ngôi thứ nhất (tôi) và ngôi thứ hai (mầy, anh, em) nhưng dùng hạn chế.
* Tiếng "nẫu" ở ngôi thứ ba số ít, trong ca dao Bình Định có nhiều, chẳng hạn như:
Thương chi cho uổng công trình,
Nẫu về xứ nẫunẫu bỏ mình bơ vơ.
* Tiếng "nẫu" được dùng ở ngôi thứ ba số nhiều, trong bài chòi Bình Định, câu thai Ngũ trợt có đoạn:
Ngó ra ngoài chợ,
Nẫu bán trạnh cày.
Roi mây lưỡi cuốc,
Nẫu bày nghinh ngang...
* Ở ngôi thứ hai số ít, tiếng nẫu được dùng với bạn thân, người yêu, có thể nói: "Nẫu đi đâu giậy (vậy)?" với giọng hạ thấp để biểu lộ sự thân mật, trìu mến. Trong ca dao Bình Định cũng có câu:
Nẫu về Bình Định chi lâu,
Bỏ tui ở lại hái dâu một mình.
* Đôi lúc còn thấy tiếng nẫu ở ngôi thứ nhất khi bày tỏ giọng điệu nũng nịu yêu đương. Thí dụ:
Chồng hỏi: "Nẫu đi ngủ chưa?" (ngôi thứ hai)
Vợ đáp: "Nẫu hổng đi ngủ!" (ngôi thứ nhứt)
* Cũng trong ngôi thứ nhất, có khi dùng "nẫu" để đáp lại với thái độ hờn lẩy, nhẹ nhàng: "Nẫu làm gì thây kệ nẫu, hỏi chi hé!"; nếu muốn xẳng hơn một chút, thì đáp gọn: "Kệ nẫu".
Nậu và nẫu là thổ ngữ đặc biệt nhất của xứ Bình Định, vì vậy người ở các tỉnh khác gọi đùa người Bình Định là "dân nẫu".
1.1.37  Nghe : tiếng đệm sau một câu, đồng nghĩa với trạng từ "nhé", có hai chức năng:
* Để tỏ ý thân mật. Thí dụ: Cháu đi mạnh giỏi nghe!
* Còn có ý nghĩa là ân cần dặn dò, như trong bản Hát bả trạo, văn liệu dẫn chứng ở đoạn Tổng khoang nhắc nhở bạn chèo qua câu nói lối:
"Truyền cho bả trạo nghe Tổng tiền (mà) hò cho tử tế chứ chẳng chơi, nghe!".
1.1.38  Ờ hé : tức là "vậy à", tiếng hỏi gằn lại để tô đậm việc vừa nghe qua.
Thí dụ: Vợ nhắc chồng: "Chiều nay anh nhớ về sớm, đi dự sinh nhật của cháu Vân". Chồng sực nhớ, bèn đáp: "Ờ hé! suýt nữa anh quên mất".
1.1.39  Óng : xa quá, vượt quá mục tiêu.
Thí dụ: Trên xe buýt, một hành khách kéo dây báo hiệu dừng ở trạm tới, nhưng tài xế vì lơ đãng chạy luột qua nơi muốn ngừng. Hành khách càu nhàu: "Chạy óng đâu tuốt quãy".
1.1.40  Quá : như.
Theo nghĩa thông thường: "quá" là vượt qua mức thường (trạng từ), vượt ngang (động từ), lỗi lầm (danh từ), tương đương với chữ "ngóa" (đại danh từ: Quá thì hốt thuốc, lứ bong vụ – Thơ Học Lạc). Nhưng với thổ ngữ Bình Định, tiếng "quá" đồng nghĩa với chữ "như", dùng trong các câu nói ví. Thí dụ: Trong bài Vè Dư Đành có câu:
Dư Đành sức mạnh quá trâu,
Vùng lên quấnh (đánh) ngã cả xâu triều đình.
1.1.41 Quã : biến thể từ tiếng "ủa", mang hai chức năng:
* Lúc đơn thuần tỏ sự ngạc nhiên. Thí dụ: Quã, anh qua Mỹ hồi nào?
* Khi dùng để biểu lộ sự bực mình, cũng do sự ngạc nhiên đem lại:
Thí dụ: Quãsao mầy quấnh (đánh) tao?
"Quã" và "hữ" là hai thổ ngữ thường dùng nhất trong khi nói chuyện với nhau.
1.1.42  Quải : tương đương với từ ngữ "cúng giỗ".
Trong bài Vè Chú Lía, văn liệu dẫn chứng ở câu 1242, gánh hát bội bầu Lễ bị Lía gọi lên sơn trại trình diễn. Bởi trước đó có nhiều ông bầu bị Lía chém đầu vì hát dở, bầu Lễ thế buộc phải ra đi trong lo sợ:
Nghĩ thôi lệ nhỏ dầm đàng,
Đi khắp xóm làng từ giã bà con.
Vợ con khóc lóc thở than,
Quải đơm tế sống đã an mọi bề.
1.1.43  Quãy : ngoài đó, ngoài ấy. Thí dụ: Dìa quãy, tức về ngoài đó.
1.1.44  Quấnh, quýnh : nói trại từ tiếng "đánh". Xem thí dụ thổ ngữ "quã", số 1.1.41.
1.1.45  Quớ : bớ. Tiếng đứng trước dùng để lấy trớn gọi lớn cho người ở xa nghe được. Thí dụ: Quớ mẹ quơi (ơi)! Quớ làng xóm quơi (ơi)!
1.1.46  Quợ quợ : chiếu lệ, lấy lệ.
Thí dụ: Anh chẳng làm được trò trống gì, chỉ theo quợ quợ thôi.
1.1.47  Rội : thêm vào, châm thêm.
Thí dụ: trong bữa cơm đãi khách, người chủ nhà thấy các thức ăn trong mâm đã cạn, vội gọi người hầu bàn: "Rội đồ ăn (thức ăn) lên bay!".
1.1.48  Soi : nương, bãi đất cao ven sông, chuyên trồng hoa màu như đậu, bắp, mè, hoặc trồng dâu nuôi tằm. Bài thơ Cho Quê Ngoại của Việt Thao, có dùng thổ ngữ này:
Hàng sung rũ bến đò ngang,
Mênh mông lúa trải, ngút ngàn bắp soi.
1.1.49  Sướng mạ : nghĩa thông dụng là chỗ đất để gieo mạ, ruộng gieo mạ, đám mạ. Ở Bình Định tiếng "suớng mạ" dùng với nghĩa hạn hẹp hơn, tương đương với luống mạ tức là dải đất có gieo mạ. Vì trong một đám mạ, thường chia ra làm nhiều luống dài và hẹp chừng 2 mét, giữa các luống có chừa lối đi nhỏ.
Thí dụ: Mày làm việc chậm rì, cả ngày mà nhổ không xong một sướng mạ.
1.1.50  Thàn : hiền khô, tức là bản chất rất hiền lành mà còn biểu lộ sự chân thật rõ trên nét mặt.
Thí dụ: Ông ấy thàn quá!
1.1.51  Thắt thể : tương đương với chữ "như thể".
Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869- 1934) lãnh tụ Phong trào Kháng Thuế ở Bình Định, qua bài thơ Trong Tù (dài 46 câu), Ông có dùng thổ ngữ này:
Bề gia thất con thơ lịu địu,
Vợ trông chồng thắt thể vọng phụ.
1.1.52  Thộn : ngây ngô, đần độn (tĩnh từ); nhưng với thổ ngữ Bình Định có nghĩa là ăn một cách ham hố quá mức (động tự).
Thí dụ: Thấy em đòi ăn quá, chị nói lẩy:
- Đấy, mầy thộn vô cho hết !
1.1.53  Thưng thưng : nhanh và êm ả.
Trong bài Vè Cát Lái (hát ra), đoạn tả cảnh vùng biển huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có dùng thổ ngữ này:
Vũng Cù sóng vỗ lao xao,
Nồm thổi ngọt ngào, ghe chạy thưng thưng.
1.1.54  Vời : biến thể từ tiếng "khơi" là vùng biển ở xa bờ. Vè Cát Lái (hát vô):
Hòn Sụp ta sẽ buông khơi,
Trọng vịnh, ngoài vời, núi đất mênh mang.
(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Ông giáo sư này bình dân hoá tiếng Bình Định rồi. Hơi quá lố. Chẳng hạn như tại sao ông không ghi rõ rằng người BĐ phát âm vần "NG", "U+nguyên âm" thành W. Như trong bài ông chép Ủa = Quã mà lý ra ông cứ ghi y nguyên là Ủa (sau khi đã ghi chú thích thì cần gì phải ghi là Quã). Nếu đọc đúng âm này thì tôi cam đoan ở BĐ không có âm nào là QUÃ cả. Tương tự, ông nên ghi là Ưãy hoặc Wãy thay cho Quãy (tứ là biến âm của NGOÃI (ngoài ấy). Thổ âm miền Trung, Nam không có từ nào là Quãy cả, nếu đọc đúng nó.

    Trả lờiXóa