Nguyễn Khanh
Trong nhiều năm trời sống với nghề báo, tôi may
mắn được đi nhiều quốc gia ở những châu lục khác nhau. Mỗi chuyến đi như thế
bao giờ cũng có được những kỷ niệm khó quên, khi trở về đem ra kể dưới hình thức
những câu chuyện làm quà cho bạn bè nghe.
Một trong những chuyện tôi thường kể là chuyện
nhìn thấy các kiều nữ đi chung với các anh cầu thủ, lực sĩ nổi tiếng của thế giới.
Hình ảnh đó luôn luôn xảy ra trong và ngoài sân cỏ của các giải thể thao, như ở
Đức cách đây 6 năm, ở Thụy Sĩ và Áo 2 năm sau đó, ở Nam Phi hồi 2010 và ngay tại
EURO 2012 đang diễn ra tại Ukraine và Ba Lan.
Đại để, cô nào cũng xinh như mộng, đẹp như mơ,
đi đứng bên cạnh người tình là một cậu thanh niên mọi người ai cũng biết tên.
Tôi có cảm tưởng trong thành phần khán giả thể thao, một số không ít biết rất
nhiều tin tức liên quan đến những cặp uyên ương cầu thủ-chân dài: điển hình là
họ có thể kể cho nghe anh cầu thủ, lực sĩ đó sinh năm nào, đang đá cho câu lạc
bộ nào, mỗi năm lương lãnh bao nhiêu, còn bà chị thì tên gì, đã từng có chồng
chưa, nếu có thì từng có mấy đời chồng, có mấy đứa con, và đôi uyên ương cầu thủ-chân
dài này gặp nhau lúc nào, ở đâu, có định làm đám cưới hay không, vv… và vv…
Chuyện nghe có vẻ “lá cải” này lại là một đề
tài thu hút rất nhiều người, trong đó có cả những anh chị nhà báo được cử sang
Đông Âu đưa tin bóng đá EURO 2012 như tôi. Bao giờ cũng có một nhóm nhà báo
-nói cho đúng thì phần lớn là những nhà báo ảnh- đứng chờ sẵn, hy vọng sẽ bấm được
một tấm hình ghi lại cảnh anh chị nắm tay nhau theo kiểu “tay ấm tay và chân ấm
mặt đường”, hay may mắn hơn nữa là tấm ảnh anh chị vội vã trao cho nhau nụ hôn
giã từ trước khi anh nhảy lên xe buýt cùng các bạn đồng đội đến sân tập dượt.
Những tấm ảnh này sau đó được các báo đăng tải, xem là sự kiện bên lề không thể
bỏ sót.
Giả sử tôi là một nhà báo ảnh, liệu tôi có đứng
chung với các bạn đồng nghiệp để săn một tấm ảnh như thế hay không? Xin trả lời:
không bao giờ tôi lại làm thế. Lý do tại sao? Xin thưa ngay: người đẹp chân dài
ở Ba Lan quá nhiều, nhiều đến mức độ không thể nào đếm cho xuể, có chụp cả triệu
bức ảnh vẫn không đủ.
“Không phải các bạn là những người đầu tiên có
ý nghĩ đó đâu”, nhà báo Karolina Nowak của tờ Krakow Post trả lời e-mail thắc mắc
của một ký giả nước ngoài, đính kèm theo đường link dẫn đến một bài báo được viết
khoảng một tuần trước khi EURO 2012 khai mạc để giúp mọi người biết rõ hơn về quốc
gia Ba Lan. Bài báo mở đầu bằng dòng chữ như sau: “tìm một người đẹp ở Ba Lan dễ
hơn tìm băng tuyết ở Bắc Cực”.
Điều đó hoàn toàn đúng. Chỗ nào cũng thấy họ, từ
Fan Zone cho tới trên xe điện hay xe buýt, họ đẹp đến mức những nhà báo may mắn
đi nhiều nơi như tôi cũng phải giật mình, bảo với nhau “nếu chọn một quốc gia
có nhiều người đẹp thì quốc gia ấy chắc chắn phải là Ba Lan”. Chính người đẹp
báo chí Maria Jena của Bồ Đào Nha cũng bảo trước đây cứ nghĩ phải nói đến phụ nữ
xứ Bồ hay Tây Ban Nha, chẳng ngờ “sao Ba Lan lại có nhiều người đẹp đến thế!”.
Cô nhà báo có cặp mắt xanh biếc này còn bảo tối về khách sạn, “xem truyền hình
Ba Lan, thấy các nữ xướng ngôn viên đẹp chẳng khác gì những cô thiếu nữ đi thi
hoa hậu”.
Xinh đẹp, ăn mặc chẳng khác gì những chân dài được
tuyển làm việc cho các công ty chuyên buôn bán mỹ phẩm, mặc quần áo thì đúng “mốt”,
-bắt buộc đôi giày đi dưới chân và màu móng tay phải phù hợp với mầu áo-, đi dạo
phố hay xem bóng đá mà cứ y như đang sửa soạn đi trên sàn catwalk, nhưng các cô
gái Ba Lan xinh đẹp lại rất nhã nhặn -bảo đảm trăm người như một-.
Lúc chờ một nhà báo khác nháy cho bước hình chụp
chung với 2 cô sinh viên trong lúc trên đường đi vào sân vận động, tôi buột miệng
khen 2 cô xinh quá, cả hai cô vừa cười vừa nhìn nhau bảo “tụi em chỉ hy vọng đứng
hạng trung bình ở Ba Lan thôi”. Cũng trên đường dẫn về sân vận động quốc gia Warsaw , tôi xin được chụp
hình với một nhóm người mẫu làm việc cho một công ty chuyên bán giầy dép phụ nữ.
Tôi hỏi các cô “những người đẹp như các cô ở Ba Lan có nhiều không”, một cô
trong nhóm trả lời “chắc cũng cả triệu người chứ chẳng ít đâu”.
Xinh đẹp, hiền lành, vui tính, là đặc điểm của
phụ nữ Ba Lan. Nhưng những người dân địa phương cho biết đại đa số phụ nữ nước
này thuộc diện “dễ thương nhưng thương không dễ”. Nên nhớ Ba Lan là một quốc
gia vẫn còn giữ tinh thần và nề nếp Công Giáo khá bảo thủ, nên chuyện đùa cợt,
ve vãn ngoài đường phố là điều các cô không chấp nhận.
Một điểm cũng phải nói trước cho các bạn độc
thân ở xa biết: ngoài những điều kiện như tính tình, vóc dáng, trình độ học vấn,
việc làm, bạn nào muốn làm rể Ba Lan thì nhớ phải có thêm 2 điều kiện khác nữa:
phải biết đọc kinh và phải siêng năng đi nhà thờ.
Tường thuật từ
Warsaw
(Nguồn: BTTVHQN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét