CN
MV 1B. Ngày 30. 11. 2014
Is 63, 16b-17.19b; 64, 2b-7; 1Cr 1, 3-9; Mc
13, 33-37
TỈNH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN
Bài suy niệm
Bước vào chu kỳ phụng vụ mới năm B 2015, Giáo Hội liên
tục nhắc nhủ con cái mình tỉnh thức mong chờ Chúa đến. Đức Giê-su đã đến trong âm thầm và đang đến
trong vinh quang mà Giáo hội mong chờ, chúng ta ở giữ hai lần Chúa đến, như vậy
có hai lần Chúa đến và một lần con người đến với Chúa trong sự cố cá nhân đầy
đột xuất.
Ba Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ nói đến dụ
ngôn các trinh nữ khờ dại và khôn ngoan đốt đèn ra đón chàng rể đến bất thần trong
đêm khuya; dụ ngôn các nén bạc và cuối cùng là cuộc phán xét chung cuộc vào lễ
Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Vào đầu mùa Vọng
năm B, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ việc Ngài đến: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào
thời ấy đến… Anh em phải canh thức, vì
anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (x. Bài Tin Mừng. Mc 13, 33-37). Cũng cần phải nhắc lại rằng đức tin Kitô giáo
không phải là một ý thức hệ nhân loại, ý thức hệ là một lý thuyết do ai đó đề
xuất, là sản phẩn của trí tuệ con người, trái lại đức tin Kitô giáo là lịch sử,
lịch sử của Thiên Chúa can thiệp vào trần gian qua những biến cố thăng trầm của
dân tộc Do thái. Một biến cố xảy ra rất âm
thầm tưởng chừng như không hiện diện. Và
thật vậy có những ngày Thiên Chúa như xa vắng trần gian, Người để cho con người
tự do tung hòanh sống theo ý thích của mình, kể cả hạ sát Con Thiên Chúa. Thiên Chúa thinh lặng và vắng mặt, như ông
chủ đi xa nhà lâu ngày, nhưng rồi ông
trở về đòi tính sổ các đầy tớ (x. Bài Tin Mừng). Vì có con người nào không chấm dứt bài văn
cuộc đời mình bằng cái chết đâu. Cái
chết tất yếu phải xảy ra để hoàn tất cuộc đời con người. Vấn đề là khi nào thì chấm dứt cuộc đời. Bí mật !
Cần phải tỉnh thức.
Tiên tri Isaia diễn tả tâm tình xa vắng mà dân Do thái
cảm nghiệm được vào thời hồi hương từ Ba-ben trở về, Ítraen cảm thấy Thiên Chúa
như vắng mặt: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài
lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài?… Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan Ngài ... tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm
uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa và tội ác
chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi” (x. Bài Đọc 1. Is 63,
16b-17.19b;64,2b-7). Đó là lời than
trách của con người ở mọi thế hệ, và của thế hệ chúng ta hôm nay nữa. Chúng ta muốn chặn đứng tất cả các biến cố “nhiễm
uế” gây đau khổ cho cuộc sống chúng
ta: thiên tai, hỏa họan, bão lụt, tại nạn, bệnh Ebola, chiến tranh Syria, Iran,
thảm họa Hồi giáo IS … nhưng chúng vẫn xảy ra, chính trong các hoàn cảnh bi
thương đó chúng ta mong chờ Chúa đến, tuy chúng ta khó nhận ra Người.
Bài Tin Mừng bốn lần nói đến tỉnh thức vì chủ nhà đến
không hẹn trước, có thể lúc ban chiều, nửa đêm, gà gáy hay ban mai. Bốn thời điểm tương ứng với các sự kiện trong
Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: ban chiều, lúc Chúa hấp hối; nửa đêm lúc Chúa
bị phản bội và bị bắt; gày gáy lúc bị Phêrô chối; ban mai lúc bị kết án tại tòa
Philatô. Vào những thời điểm đó, các
tông đồ không đọc ra dấu chỉ thời triệu, họ cứ muốn ngủ, chạy trốn và khước
từ. Chúng ta được cảnh báo là phải tỉnh
thức, tỉnh thức trong thi hành bổn phận, sống quang minh chính đại như giữa ban
ngày.
Ngày nay có những cám dỗ làm con người mất cảnh giác:
cám dỗ của thuyết tương đối, tôn giáo nào cũng tốt, thần nào gia ân thì cúng vái, cám dỗ cân
bằng thiện ích đổi lấy luân lý, cám dỗ
muốn xếp luân lý Ki-tô giáo ngang với công ước xã hội, cái gì có lợi cái đó
tốt, cái gì khó khăn thì nhượng bộ gọi là hòa đồng, tự an ủi là bác ái mục vụ. Người Ki-tô hữu được gọi làm người lính tuần
canh phải luôn tỉnh thức, canh chừng và báo hiệu biến cố xảy ra. Người tín hữu báo hiệu niềm hy vọng Chúa đến,
đêm có dài thì hừng đông vẫn có lúc tỏ rạng. “Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” (x. Bài Đọc 2. 1Cr 1,
3-9). Kitô hữu là người sống niềm hy
vọng và mang niềm hy vọng ‘Chúa đến’ cho trần gian, họ cử hành
ngày Chúa Giáng sinh và nói cho trần gian Chúa sẽ đến một lần nữa.
Lạy Chúa
Giêsu, chúng con lại nóng lòng mong đợi Chúa đến thăm trần gian, xin cho con
biết luôn tỉnh thức, cầu nguyện, làm tròn bổn phận như người đầy tớ tốt luôn
sẵn sàng chờ đón chủ trở lại. Amen
Lm. Louis Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. PHƯƠNG HÒA – KONTUM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét