Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

An Chỉ, nơi Đức Cha Lambert De La Motte thành lập dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong




An Chỉ, nơi Đức Cha Lambert De La Motte thành lập dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong





Nước cội nguồn vừa trong vừa mát. Tìm về nguồn cội là một tâm tình hướng về ngày kỷ niệm 400 năm giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618-2018). Bài viết nầy muốn nói lên tâm tình ấy.


I. CƯ DÂN VÀ ĐỊA LÝ AN CHỈ

Theo dòng lịch sử, có những địa danh đã bị mai một vì nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên cũng có những địa danh vẫn tồn tại theo năm tháng. An Chỉ là một trong những địa danh đã có từ lâu đời, nay vẫn được tồn tại.

Về mặt hành chánh, địa danh An Chỉ ngày nay là một vùng đất bao gồm hai thôn: Thôn An Chỉ Đông và thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Dưới triều Nguyễn, An Chỉ là địa danh của một xã thuộc tổng Nghĩa Thượng, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa.

Về mặt địa lý, vùng đất An Chỉ nằm sát bờ Bắc sông Vệ, một trong bốn  con sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi:

- Sông Trà Bồng có chiều dài 45 km, diện tích lưu vực 697 km² , chảy ra cửa Sa Cần thuộc xã Bình Thạnh và xã Bình Thuận huyện Bình Sơn.
- Sông Trà Khúc có chiều dài 135 km, diện tích lưu vực 3.240 km², chảy ra cửa Đại Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh và xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa.
- Sông Vệ có chiều dài 90 km, diện tích lưu vực 1.260 km², chảy ra cửa Lở, thuộc xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa và xã Đức Lợi huyện Mộ Đức. An Chỉ hiện là trạm đo thủy văn trên sông Vệ.
- Sông Trà Câu có chiều dài 32 km, diện tích lưu vực 442 km², chảy ra cửa Mỹ Á thuộc xã Phổ Quang và xã Phổ Vinh huyện Đức Phổ.

Bốn con sông này cùng với các phụ lưu phân bố khá đều trên vùng đất Quảng Ngãi. Nhờ sự phân bố khá đều nầy, khi giao thông đường thủy là phương tiện chính, Quảng Ngãi có được sự thuận lợi giao thương trên nguồn dưới biển. Ngoài việc giao thương bằng đò dọc, còn có những bến đò ngang giúp cư dân trong vùng giao lưu thuận lợi. An Chỉ là một trong những bến đò ngang trên dòng sông Vệ khi nước lớn. Cũng nhờ sự phân bố khá đều nầy, các dòng sông tạo nên màu mỡ cho vùng đất nó chảy qua, đặc biệt vùng châu thổ giữa sông Trà Khúc và sông Vệ.

Vì là vùng đất màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp nên dân Việt từ phía Bắc đã đến khai thác và định cư từ lâu đời. Theo các nhà sử học thì trên đà Nam tiến, phong trào di dân từ phía Bắc vào các vùng châu thổ của các dòng sông ở Quảng Ngãi bắt đầu từ nữa thế kỷ 15, khi Hồ Quý Ly ra lệnh cho dân có của mà không có ruộng ở xứ Nghệ phải vào Quảng Ngãi khai khẩn đất đai, lại chiêu mộ người có trâu đem nạp để lấy trâu cấp cho dân cày. Đời Lê Thánh Tông (1460-1497), sau khi thắng Chiêm Thành về (1472), vua ra chiếu chỉ chiêu mộ dân di cư vào Quảng Ngãi lập nghiệp. Ngoài những phần tử tình nguyện còn có hạng bị bắt buộc phải di cư vào đất Quảng. Đây là cuộc di dân lần thứ hai của người Việt đến vùng đất Quảng Ngãi. Cuộc di dân này rất quan trọng; đây là thời điểm bắt đầu hình thành nên những làng người Việt. Thời chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613), cư dân Việt ở Quảng Ngãi tương đối ổn định nhưng vẫn còn thưa thớt. Chúa Nguyễn tiếp tục khuyến khích dân Việt từ vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay vào đây khai khẩn, lập nghiệp. Hiện nay, tại chân núi Nứa bên dòng sông Vệ thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành có một ngôi làng cổ được Bảo tàng Quảng Ngãi thám sát, khai quật. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, những hiện vật được tìm thấy sau khi đào thám sát vào năm 2006, cho thấy cư dân Việt lập làng nầy khoảng thế kỷ 15. Sau sự kiện vua Chămpa tiến quân chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động, những cư dân gốc xứ Nghệ di dân giai đoạn đầu bị kẹt lại ở đây.

 




Như vậy, An Chỉ là một trong các làng thuần nông của cư dân Việt có gốc gác từ phía Bắc đến định cư trong giai đoạn di dân lần thứ hai (thời Lê Thánh Tông).

II. AN CHỈ TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO

Về mặt tổ chức của giáo hội Công giáo, địa danh An Chỉ ngày nay là một vùng đất của hai giáo họ: Giáo họ An Chỉ (An Chỉ Nam) và giáo họ Xóm Bàu (An Chỉ Bắc), thuộc giáo xứ Châu Me, giáo phận Qui Nhơn.

Địa danh An Chỉ đã hiện diện ngay từ thưở ban đầu trong dòng lịch sử truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn. Trong chuyến kinh lý đầu tiên của Đức cha Lambert de la Motte tại giáo phận Đàng Trong, tiền thân giáo phận Qui Nhơn, từ ngày 01.9.1671 đến ngày 29.3.1672,[1] Đức cha đã lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ. Sự kiện nầy được cha Vachet, một thừa sai tháp tùng với Đức cha trong chuyến kinh lý tường thuật: “Trong khi cha Guiart đi Hội An để chuẩn bị cho công nghị, chính tại An-si [An Chỉ], Đức cha Bérithe [hiệu tòa của Đức cha Lambert] đã thiết lập một hội dòng các thiếu nữ muốn giữ mình trinh khiết trọn đời, chung sống với nhau dưới một người bề trên, dù cách ăn mặc của họ thông thường như người dân xứ nầy, đầu không đội lúp, Ngài gọi họ là những chị em Mến Thánh Giá, Ngài trao cho họ bản luật rất giống bản luật mà thánh Phanxicô Salêsiô đã trao cho các nữ tu dòng Thăm Viếng. Lúc ban đầu họ chỉ có tám người, chị bề trên được ba mươi tuổi, em gái cha Giuse [Trang], linh mục Đàng Trong” [2].

Theo ký sự của cha Vachet, trong chuyến kinh lý nầy Đức cha Lambert đã viếng thăm nhiều nơi: Lâm Tuyền (Nha Trang), Nha Ru ( Ninh Hòa), Nước Mặn (Qui Nhơn), An Chỉ, Châu Me, Chợ Mới (Quảng Ngãi), Hội An, Thanh Chiêm (Quảng nam), có nơi Đức cha thăm đến hai lần như Nước Mặn. Tại sao Đức cha lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ mà không phải ở những nơi “bằng chị bằng em” như Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn, Lâm Tuyền ?

Việc Đức cha Lambert thành lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ cách nhanh gọn ngay trong chuyến thăm mục vụ đầu tiên của ngài trong địa phận là một quyết định không phải do ngẫu hứng hay tình cờ, mà là phải có những yếu tố, những điều kiện cần và đủ đã được chuẩn bị trước:

1. VAI TRÒ CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN 

Trước khi Đức cha Lambert đến An Chỉ, cánh đồng truyền giáo nầy do các thừa sai Dòng Tên ở Hội An, Thanh Chiêm hoặc Nước Mặn cày xới và gieo hạt giống Tin Mừng. Cư sở  các thừa sai Dòng Tên ở Hội An được thành lập năm 1615; Cư sở Nước Mặn được thành lập năm 1618; Cư sở Thanh Chiêm lập năm 1623. Tính từ đầu năm 1615 đến tháng 6 năm 1664, thời điểm Cha Chevreuil, thừa sai MEP đầu tiên được Đức cha Lambert đang ở Thái Lan phái đến Đàng Trong, đã có 38 thừa sai dòng Tên từ ba cư sở nầy thay nhau hoạt động truyền giáo từ Phú Yên đến Quảng Bình.

Vì có sự trục trặc giữa chúa Nguyễn và các thuyền buôn Bồ Đào Nha, năm 1639, chúa Nguyễn Phúc Lan trục xuất tất cả thừa sai ở Đàng Trong và những người nhờ thuyền buôn Bồ Đào Nha đến Đàng Trong. Giáo đoàn Đàng Trong không còn một bóng dáng thừa sai. Giáo dân tự giúp nhau sống đạo. Trước tình cảnh bi đát đó, cha Đắc Lộ, một người quốc tịch Pháp, hơn mười năm rồi không hề dính chút bụi đất Đàng Trong, đang ngồi ghế giáo sư ở Macao, được bề trên chọn và phát lệnh trở lại Đàng Trong, miền truyền giáo mà cha đã có kinh nghiệm sống với dân dã mộc mạc cũng như những bậc quan quyền từ những năm 1624 đến 1626.

Tận dụng “tinh thần trọng trưởng” và “tốt lễ dễ kêu” của con dân xứ Con Rồng Cháu Tiên, cha Đắc Lộ đã ra vào Đàng Trong được bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1640 đến ngày 3 tháng 7 năm 1645. Cứ mỗi lần rứt ruột đi ra khỏi Đàng Trong là một lần không chút hy vọng trở lại với giáo đoàn, đứa con yêu quý của mình. Cha Đắc Lộ biết sự hiện diện của mình với giáo đoàn rất bấp bênh. Trước tình cảnh ấy, cha Đắc Lộ tìm cách lo cho giáo đoàn được “ăn chắc mặc bền”, cha qui tụ và thành lập Tu hội thầy giảng. Ngày 31.7.1643, cha chủ tọa lễ “khấn Dòng” của mười thầy giữa cộng đoàn dân Chúa tại nhà thờ Cửa Hàn. Việc thành lập Tu hội thầy giảng là một sáng kiến đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho việc truyền giáo tại Việt Nam.

            Chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ nhất với bạn đồng hành là cha Pedro Alberto (tháng 2.1640 đến tháng 8.1640), cha Đắc Lộ còn dè dặt, thăm dò, chưa dám hoạt động rộng rãi. Trong chuyến trở lại Đàng Trong lần thứ hai với bạn đồng hành là cha Bento de Mattos  (tháng 12.1640 đến tháng 7 năm 1641), hai thừa sai đã phân chia vùng hoạt động : Cha Bento de Mattos đi Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; cha Đắc Lộ đi Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Trong chuyến đi nầy cha Đắc Lộ đã đến Chợ Mới, phía Bắc thành phố Quảng Ngãi khoảng 07 km, cha được giáo dân ở đây tiếp đón long trọng. Theo nhận xét của cha Đắc Lộ,  giáo dân ở đây sống đạo tốt là nhờ một ông cụ tên là Phaolô tập họp và hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện trong một nhà nguyện vào tất cả các ngày Chúa nhật.

            Nghe tin có linh mục đang ở Chợ Mới, các tín hữu ở Bàu Gốc và Vom cử  ba người ra Chợ Mới mời cha Đắc Lộ về.[3] Hơn hai tuần lễ ở Bàu Gốc và Vom, cha Đắc Lộ ban các bí tích, rửa tội được 300 người. Trong khi cha giải tội, ông Giêrônimô  và ông Giuong Ky dạy giáo lý cho các dự tòng. [4]  Cha Đắc Lộ ghi lại tâm tình của cha trong những ngày ở Bàu Gốc : “Trong tất cả các công việc tôi không thấy mệt mỏi, bệnh tật, và tôi được tràn đầy an ủi, đến nỗi tôi không biết mình đang ở dưới thế hay trên thiên đàng”.[5]

Như thế, các thừa sai dòng Tên, cách riêng cha Đắc Lộ, những sứ giả gieo Tin Mừng và sống Tin Mừng: Thương dân, sống với dân, chia đắng chia ngọt với dân, không tìm lợi ích cá nhân, không tìm lợi ích cho Dòng, cho nhóm quốc tịch…gương sống Tin Mừng ấy đã để lại “ấn tượng đẹp” trong lòng dân, làm cho người dân, cách riêng người dân vùng An Chỉ cảm mến Tin Mừng và chấp nhận Tin Mừng. Nếu phải kể công về việc các cộng đoàn tín hữu trong vùng nầy có đức tin vững mạnh và được tổ chức nề nếp thì công lao đầu tiên ấy phải dành cho các thừa sai dòng Tên.

            2. VAI TRÒ CHA ANTÔN HAINQUES và CHA PHÊRÔ BRINDEAU, THỪA SAI MEP.

        Căn cứ vào Sắc chỉ của Tòa Thánh thành lập hai giáo phận đầu tiên của giáo hội Việt Nam, kể từ ngày 09.9.1659, giáo phận Đàng Trong thuộc quyền cai quản của Đức cha Phêrô Lambert de la Motte. Đường xa cách trở và phương tiện hạn hẹp, từ Paris, Đức cha trải qua cuộc hành trình hai năm một tháng bốn ngày, ngày 22.8.1662 Đức cha mới tới được Thái Lan. Tuy nhiên tình hình chưa cho phép Đức cha đến được nhiệm sở của mình, mãi đến ngày 01.9.1671 Đức cha mới đặt chân đến giáo phận Đàng Trong.

     Trong khi không thể đến được Đàng Trong, Đức cha cử cha Louis Chevreuil, người già dặn nhất trong nhóm thừa sai lúc bấy giờ đang ở với Đức cha tại Thái Lan và là người có nhiều cảm tình với các giáo sĩ dòng Tên, thay ngài, đi Ðàng Trong. Cha Chevreuil đến Ðàng Trong ngày 26.7.1664, rồi bị trục xuất ngày 07.3.1665. Như vậy, cha ở Đàng Trong chưa đầy một năm. Trong thời gian nầy cha chỉ tạm lưu trú ở Hội An và Huế để dò dẫm tình hình.

Vừa bị trục xuất khỏi Đàng Trong, thì ngày 11/08/1665, cha Chevreuil đã cùng với cha Antôn Hainques đi Đàng Trong bằng chiếc tàu nhỏ do thuỷ thủ đoàn Việt Nam chèo lái. Vì sức yếu, cha Chevreuil không thể đến Đàng Trong mà phải tá túc tại Cam Bốt. Cha Hainques vào được Đàng Trong. Cha mang trong mình một bầu nhiệt huyết truyền giáo dưới những chỉ dẫn sát sườn của công đồng Aythia năm 1664 về những việc phải làm tại miền truyền giáo. [6] Trong lúc tình hình tương đối bình yên, cha đi thăm giáo dân dọc theo các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên. Cha mua một chiếc thuyền và dùng nó như một chủng viện. Trong các chuyến thăm mục vụ, cha đã chọn một số ứng viên và gởi sang Thái Lan cho Đức cha Lambert để Đức cha huấn luyện hầu được thụ phong linh mục. Ngày 31.3.1668, Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Giuse, người Đàng Trong, linh mục tiên khởi của giáo hội Việt Nam. Đầu năm 1669, sau khi thầy Luca Bền được Đức cha Lambert truyền chức linh mục, Đức cha Lambert  cho cha Phêrô Brindeau, cha Giuse và cha Luca vào Đàng Trong, tiếp sức với cha Hainques theo quyết định của cuộc hội nghị thừa sai tại cảng Pilpy, cách Ayuthia 50 dặm về phía Nam.[7]

Tiếp nối cách sống Tin Mừng của các thừa sai dòng Tên, các thừa sai MEP, cách riêng cha Antôn Hainques và cha Phêrô Brindeau, hai thừa sai sống với dân ở Quảng Ngãi không lâu nhưng dân rất thương mến. Cha Hainques qua đời tại Bình Sơn trong tháng 12 năm 1670. Sau cái chết của cha Hainques vài tuần lễ, cha Brindeau qua đời vào tháng 1 năm 1671 tại Bàu Tây.[8] Hai thừa sai đang rất cần cho đoàn tín hữu, vậy mà Chúa lấy đi. Không thể hiểu nỗi. Trước sự thể, chỉ có đắng lòng mà nghe Lời Chúa: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã  cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! Amen.” (Rm 11, 33-36). Rõ rồi. Điều con cái Chúa rất cần, rất tốt theo cái nhìn của con cái, nhưng Chúa muốn cất đi để con cái chỉ có một điều cần duy nhất, một điểm tựa duy nhất là chính Chúa. Chúa là chủ chăn. Chiên là của Chúa. Chúa chăn nuôi tôi, tôi mới chẳng thiếu thốn chi.

Trong chuyến kinh lý, Đức cha Lambert được giáo dân dẫn đến viếng mộ cha Hainques, họ cầu nguyện: “Ou thanh Anton Haincq cha yeu chung toi, cau cho chung toi” (Ông thánh An Tôn Haincq cha yêu chúng tôi, cầu cho chúng tôi). Đức cha rất cảm động và rất ngạc nhiên vì giáo dân đã phong thánh cho cha Hainques. Đức cha giải thích và không cho họ cầu nguyện công khai như thế nữa.[9] Phần Đức cha, Đức cha kể về vị thừa sai của mình khi sẵn sàng dấn thân vào miền truyền giáo Đàng Trong: “bận đồ như một người Nhật, đi chân trần, đeo bị,…không hầu cận, không biết gì về địa phương, hoàn toàn phó thác vào Chúa Quan Phòng,…”  Phong cách sống ấy là sự hội nhập để trở thành “người anh em” của mọi người, là dấu chứng của mầu nhiệm Nhập Thể, là bài giáo lý bao đồng không mang tính lý thuyết mà là “một dấu chỉ” của Tin Mừng, một Tin Mừng có sức giải thoát con người khỏi tham sân si.

            Đức cha Lambert đến thăm Quảng Ngãi vào cuối năm 1671, tức sau ba mươi năm, ngày cha Đắc Lộ đến thăm Quảng Ngãi và sau năm năm cha Hainques đến thăm giáo dân ở vùng nầy. Cha Vachet ghi lại sinh hoạt một số giáo điểm: “Tôi nói được rằng giáo đoàn Quảng Ngãi thu hút chúng tôi rất đặc biệt, điều mà chúng tôi không thể diễn tả ra hết được. Các tín hữu thuộc giáo đoàn này sống rải rác ở nhiều nơi. Vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ, họ sum họp lại tại ba giáo điểm khác nhau. Một là giáo điểm Đức Bà tại An Chỉ ; hai là giáo điểm Thánh Gia tại Bàu Tây ;[10] ba là nhà của một thầy giảng tại Châu Me. Thầy giảng này được giao phó ba giáo điểm trên khi vắng mặt các thừa sai”.[11] Đời sống đạo được cha Vachet tường thuật, cho thấy số tín hữu trên vùng đất được Đức cha Lambert thành lập dòng Mến Thánh Giá, đã có đời sống đức tin sống động và được tổ chức quy củ.

            Ngoài hai yếu tố nền vừa nêu trên, những yếu tố sau đây là những cái đinh được đóng vào quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ của Đức cha Lambert.

3. VAI TRÒ CHA GIUSE TRANG, NGƯỜI AN CHỈ, LINH MỤC TIÊN KHỞI CỦA HỘI THÁNH VIỆT NAM 

Trong thư Đức cha Lambert gởi cho Đức cha Pallu đề tháng 10 năm 1667, Đức cha Lambert viết: “Từ Đàng Trong, cha Hainques đã gởi cho tôi thầy giảng đầu tiên của ngài tên là Giuse, 28 tuổi, để được thụ phong linh mục. Thầy có tất cả những dấu chỉ một người đầy ân sủng”. Trong nhật ký của Đức cha Lambert viết năm 1668: “Hai chủng sinh được thụ phong linh mục vào đêm vọng Phục sinh, ngày cuối tháng Ba. Một người tên là Giuse, thầy giảng người Đàng Trong, độ từ 28 đến 29 tuổi, được cha Hainques gởi đến từ một năm qua. Thầy được vinh dự nhận nhiều roi đòn trong tù ngục ở Đàng Trong vì họ biết thầy là người động viên nhiều tín hữu bị bắt đã can đảm tuyên xưng đức tin cho tới chết”. [12]

Thầy Giuse người Đàng Trong nầy là ai ? Trong ký sự của cha Vachet về việc Đức cha Lambert lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ có chi tiết “Chị bề trên được ba mươi tuổi, em gái cha Giuse , linh mục Đàng Trong”. Như vậy thầy Giuse người Đàng Trong được Đức cha Lambert truyền chức linh mục vào ngày 31.3.1668, linh mục tiên khởi của giáo hội Việt Nam chính là cha Giuse Trang quê An Chỉ, Quảng Ngãi.[13]

Trên đường trở về Thái Lan sau khi kết thúc chuyến kinh lý, thời gian nghỉ  chân tại Nước Mặn, giáo dân Nước Mặn cố nài nĩ Đức cha, cho cha Giuse Trang được ở lại với họ. Đức cha đã xuôi lòng, trong khi nhiều nơi Đức cha ghé thăm trong chuyến kinh lý cũng cố tình nài nĩ nhưng Đức cha không bằng lòng. Cha Vachet nhận định: “Người thợ đáng kính này là người được vinh dự làm linh mục tiên khởi xứ Đàng Trong. Chắc hẳn, ngài nhận được những hoa quả đầu mùa trong sứ vụ linh mục. Ngài mang trong mình một lòng nhiệt thành cháy bỏng, một sự cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc dẻo dai. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng mọi khiếm khuyết của dân tộc ngài. Tính hiền hòa của ngài khiến cho mọi người dễ cảm mến ngài. Đức khiêm nhường của ngài làm cho ngài rất khổ cực khi phải chấp nhận chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng tuyệt đối các bề trên của ngài;  cho dù nhiều nơi đã tha thiết muốn được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, nhưng ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn Giám mục của ngài”.[14]

Như thế, bằng hành vi đức tin và đời sống nhân bản của mình, cha Giuse Trang, người An Chỉ, hoa quả linh mục đầu mùa của giáo hội Việt Nam đã “ghi điểm đẹp” trong lòng Đức cha Lambert, trong lòng các vị thừa sai và trong lòng giáo dân Việt Nam. Do đó, nói được rằng, cha Giuse Trang là một trong những chiếc cầu nối quan trọng trong việc Đức cha Lambert quyết định thành lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ.

4. DẤU CHỈ ĐỨC TIN CỦA NHÓM THIẾU NỮ AN CHỈ

Cho dù đức tin là ơn Chúa ban, tuy nhiên ngoài ơn thánh, gương đức tin của các thừa sai là một trạm thu lôi thu hút các tín hữu. Quả vậy, qua đức tin của các thừa sai, trong số tín hữu vùng An Chỉ, có một nhóm thiếu nữ đã khám phá ra niềm vui của Tin Mừng. Trước khi Đức cha Lambert đến An Chỉ, qua một bức thư nhờ cha Hainques chuyển cho Đức cha Lambert ở Thái Lan, nhóm thiếu nữ nầy đã trình bày ước nguyện của họ, họ muốn được tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất.[15]

Tại An Chỉ, Đức cha và đoàn tùy tùng đã chứng kiến hành vi đức tin của nhóm thiếu nữ nầy: “Đức cha Bérithe [Lambert] hỏi lý do nào đã đưa họ đến ước muốn cách sống này, đồng thời ngài đặt mọi câu hỏi mà ngài thấy cần thiết để đánh giá tấm lòng của họ và cũng để nhận biết thánh ý Chúa trên cuộc đời của họ. Họ trả lời tất cả mọi vấn đề với một tấm lòng thật thà và đơn sơ, đến nỗi tất cả những ai đang có mặt ở đó đều một phần thì cảm mến vì cử chỉ của họ, một phần thì phải chân nhận rằng tâm hồn họ đã được đong đầy sức mạnh của ân sủng. Lúc đó, chúng tôi ngập chìm trong một ấn tượng sâu sắc mà các thiếu nữ ấy tạo nên, đến độ tôi không biết đến bao giờ sẽ có sự gì khiến chúng tôi thiết tha với sự trọn lành của chúng tôi một cách da diết và nồng nhiệt hơn thế nữa”.[16]

5. SỰ QUẢNG ĐẠI CỦA BÀ LUXIA

            Nhân sự là thế, còn một yếu tố không thể thiếu, đó là cơ sở vật chất. Cha Vachet tường thuật việc Đức cha Lambert giải quyết vấn đề nầy: “Sau bài diễn giảng dài, Đức cha Bérithe đã thán phục nhìn nhận sự cao thượng cùng sự đồng tâm nhất ý của các trinh nữ đầu tiên này của xứ Đàng Trong. Cho dù thế nào đi nữa, Ngài dạy họ rằng nếu chỉ căn cứ vào sự khôn ngoan của con người, thì không thể thỏa mãn nguyện vọng thánh thiện của họ. Bởi thế, phải cậy nhờ những phương thế siêu nhiên, bằng cách tăng gấp đôi việc  cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích và xem lễ nhiều hơn nữa. Ngài truyền cho họ làm tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ và thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ và là bổn mạng của họ. Trước khi kết thúc tuần cửu nhật, Đức cha đã cảm thấy cách mạnh mẽ rằng phải đưa họ ra khỏi nhà cha mẹ của họ để cho họ sống chung với nhau. Điều khó khăn là tìm được một nơi an toàn để họ còn tránh khỏi việc hôn nhân, một điều ngược với tập quán xứ sở của họ mà không bị kẻ ngoại khám phá ra, cũng là nơi họ sống theo sự hướng dẫn của một phụ nữ công giáo khôn ngoan và đức hạnh, có uy tín che chở họ tránh mọi phiền hà có thể xảy đến cho họ sau này.

Vì bà Luxia[17] có mọi phẩm tính trên nên Đức cha Bérithe đã hỏi bà, liệu bà có sẳn lòng đón nhận nơi nhà bà dưới sự bao bọc của bà những thiếu nữ đã đến trình diện với ngài. Bà ta xin ngài cho bà hai ngày để suy nghĩ về điều ấy. Thời hạn đã qua, bà ta thưa với ngài rằng ngài có thể dùng tất cả những gì thuộc về bà, rằng bà vui lòng dâng cúng ngôi nhà của bà cùng vườn tược xung quanh để những nữ tỳ Chúa Giêsu Kitô trú ngụ và của cải của bà để nuôi dưỡng họ, rằng bà ước ao được sống chết với họ, miễn sao mọi sự được thực thi trong đức vâng lời”[18].

III. SOI GƯƠNG TIỀN NHÂN 

Kể từ ngày Đức cha Lambert thành lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ cho đến nay đã tròm trèm 433 năm, một thời gian khá dài nhưng địa danh An Chỉ “vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hôm nay, An Chỉ chỉ là một thôn xóm thuần nông bình lặng như bao nhiêu xóm thôn khác của tỉnh Quảng Ngãi. Hôm nay, An Chỉ chỉ là một giáo họ nhỏ bé, hẻo lánh, thuộc giáo phận Qui Nhơn. Đầu năm 2013, giáo họ An Chỉ có 85 giáo dân trong 18 gia đình. Nay, An Chỉ vẫn hẻo lánh, An Chỉ vẩn nhỏ nhoi, An Chỉ vẫn bình lặng, trong khi dòng Mến Thánh Giá đã nở rộ trên mọi miền của 16 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế và giáo tỉnh Sài Gòn, miền đất của giáo phận Đàng Trong ngày xưa. Như thế, phải chăng An Chỉ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình ?. Không. Dù gì đi nữa, An Chỉ vẫn còn đó. Từ An Chỉ, nơi phát tích dòng Mến Thánh Giá vẫn phát đi tín hiệu nhấp nháy liên tục từ “những con người làm nên lịch sử”. Tín hiệu ấy có khi tỏ khi mờ nhưng vẫn đủ để nhận ra và ghép thành thông điệp rất rõ cho các thế hệ con cháu. Chiếu tỏa niềm tin, đó là thông điệp của các thừa sai, cách riêng cha Đắc Lộ, cha Antôn Hainques; của đoàn tín hữu An Chỉ thưở ban đầu, cách riêng của cha Giuse Trang, của bà quả phụ Luxia Ký, của nhóm thiếu nữ chân yếu tay mềm nhưng niềm tin vững chãi và là những nữ tu giản dị toàn tòng “Đầu không đội lúp, ăn mặc thông thường như người dân bản xứ”. Thông điệp ấy chất chứa một tình yêu phát căn từ mầu nhiệm Nhập Thể và một đức tin được cấy ghép vào nền lễ giáo đông phương. Hai nguồn nhiên liệu ấy làm thành một hỗn hợp nhiên liệu siêu bền để những ai muốn thoát khỏi “những cơn cảm lạnh thường trú” trước nhu cầu cấp bách của Hội Thánh, nhất là nhu cầu loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, thì hãy đốt lên.

Quả vậy, khi suy nghĩ về mầu nhiệm Hội Thánh, cách riêng mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, chính là suy nghĩ trên những khái niệm chết, sống, mất, còn. Bởi vì Hội Thánh là dân Thiên Chúa, một dân bao gồm cả người sống lẫn kẻ chết, mà người sống chỉ là một nhóm ít ỏi trong một tập thể rất đông đảo đã chết từ bao thế kỷ. Chết rồi, nhưng tập thể ấy có bao giờ mất đâu. Họ không mất để cho người sống chúng ta được còn. Hạt lúa phải mục nát mới sinh được nhiều bông hạt. Trong lòng Hội Thánh, định luật ấy luôn được tiếp diễn từ thế hệ nầy đến thế hệ kia, muôn đời cho đến ngày xác loài người được sống lại.

Tháng các đẳng 2014
Lm. Gioan Võ Đình Đệ

[1] Đến Đàng Trong bằng một con thuyền do 4 người đàn ông Đàng Trong điều khiển. Cùng đi với ngài có hai thừa sai Pháp : Vachet và Mahot, và hai linh mục người Đàng Trong : Giuse Trang và Luca Bền. Thừa sai Guiart mới vừa ở Pháp đến Thái Lan cũng đi theo ngài.
[2] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques, Tome I, Paris, 2000, trang 97.
[3]  - Chợ Mới là một giáo điểm phía Bắc bờ sông Trà Khúc. Nay là giáo họ Thiên Lộc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Về hành chánh, nay thuộc thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.  - Bàu Gốc là một giáo điểm thuộc bờ Nam sông Vệ. Nay là giáo họ Bàu Gốc thuộc giáo xứ Bàu Gốc. Thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú, hyện Mộ Đức. – Vom là một giáo điểm sát bờ Nam sông vệ. Nay thuộc giáo xứ Bàu Gốc. Về hành chánh, ngày nay Vom là tên gọi của một chợ  thuộc thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức.
[4]  - Ông Giêrônimô là một giáo dân ở Hà Lam, Quảng Nam tháp tùng theo cha Đắc Lộ. Ông Giuong Ky là một giáo dân Bàu Gốc, nguyên là cựu quan ở kinh đô bị chúa Nguyễn Phước Lan bãi chức vì theo đạo.
[5]  ĐỖ QUANG CHÍNH SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng, 2006, trang 89.
[6]  Các đoàn thừa sai MEP đã đến được Thái Lan nhưng chưa thể vào được giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đoàn thừa sai lúc bấy giờ có sáu người gồm hai giám mục và bốn linh mục, trong đó có cha Antôn Hainques. Năm 1664, các ngài họp nhau tại Ayuthia, đưa ra những nguyên tắc và chương trình làm việc truyền giáo rất thiết thực. Cuộc họp nầy được gọi là Công đồng Ayuthia năm 1664. Kết quả là một tài liệu được soạn thảo, gọi tắt là « Chỉ dẫn các thừa sai ».
[7] ĐÀO QUANG TOẢN, Les Relations de Mgr Lambert de la Motte : 1660-1670, Lưu Hành Nội Bộ, Tp Hồ Chí Minh, 2006, trang 249-250. [Amep, vol. 121, p. 764].
[8] Cha Vachet ghi việc thăm mộ cha Hainques tại Bin-sung (Binh-son), nơi khác cha ghi Bizung và cha cũng xác định mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay) cách không xa Binsung. Trong tiểu sử của cha Hainques, nhà MEP ghi ngài qua đời vào tháng 12 năm 1670 tại Phô-moi, Quang - Ngai. Các địa danh trên được các nhà sử học Việt Nam xác định Binsung hay Bizung chính là Bình Sơn; Phô-moi chính là Chợ Mới hay là Phố Mới. Cha Vachet ghi mộ cha Hainques tại Bình Sơn là ghi theo địa danh huyện, phủ thời bấy giờ. Chẳng hạn, hiện nay có nhà thờ Vân Canh của giáo họ Vân Canh thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh, giáo phận Qui Nhơn. Về mặt hành chánh, Vân Canh là một huyện thuộc tỉnh Bình Định. Theo Địa Chí Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi, 2005,  mục thành phố Quảng Ngãi và các huyện:  Đời nhà Hồ đất Bình Sơn mang tên là huyện Trì Bình trong châu Tư, thuộc lộ Thăng Hoa. Đến đời nhà Lê, huyện Bình Sơn mang tên là huyện Bình Dương, sau đổi thành huyện Bình Sơn thuộc phủ Tư Nghĩa. Đến năm 1890, các làng, xã, ấp phía Nam Bình Sơn được tách ra, thành lập châu Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn đổi gọi là phủ Bình Sơn. Năm thứ 11 đời vua Thành Thái (1899), châu Sơn Tịnh được cải làm huyện Sơn Tịnh. Như vậy cách viết của nhà MEP (Phô-moi tức Chợ Mới) hay cách viết của cha Đắc Lộ (Chợ Mới) và cách ghi của cha Vachet (Binsung tức Bình Sơn) đều muốn chỉ một địa điểm là Chợ Mới, một giáo điểm phía Bắc bờ sông Trà Khúc. Nay là giáo họ Thiên Lộc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Về hành chánh, Chợ Mới thuộc thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh ngày nay. Xác định địa danh như thế là phù hợp với chi tiết cha Vachet định vị mộ cha Brindeau ở Bottay (Bau-tay, nay là giáo họ Xóm Bàu, An Chỉ Đông ) cách không xa Binsung .
[9] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 64.
[10]  Bàu Tây hiện nay là giáo họ Xóm Bàu, giáo xứ Châu Me, giáo phận Qui Nhơn. Về mặt hành chánh, Xóm Bàu thuộc thôn An Chỉ Đông,  xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
[11] A. LAUNAY, sđd , Tome I, Paris, 2000, trang 90.
[12] A. LAUNAY, sđd , Tome I, Paris, 2000, trang 62.
[13] ĐÀO QUANG TOẢN, Mến Thánh Giá thế kỷ 17 thành lập và tổ chức, 1998, chương 4: Tại Đàng Trong – Lập dòng nữ Mến Thánh Giá, chú thích 6: Lúc Đức cha lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, cha Giuse Trang được 33 tuổi. (Căn cứ theo Pierre Destombes : «Le Collège général de la Société des Missions Etrangères», (Hongkong 1934), trang 10. Cha qua đời tại  Phú Yên năm 1675 vì bị nước độc.
[14] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 113-114.
[15] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 95.
[16] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 95-96.
[17] Bà Luxia :
- Theo bài ký sự của cha Vachet, đầu tiên đoàn kinh lý đến ở tại một gia đình giáo dân ở Bàu Tây [nay là giáo họ Xóm Bàu, An Chỉ Đông]. Tuy nhiên vì có nhiều người đến, các bậc vị vọng lo sợ. Đức cha thấy họ lo sợ, Đức cha không muốn làm phiền họ. Đức cha và đoàn tùy tùng được đưa đến nhà bà Luxia, cách nhà tạm trú lúc đầu khoảng một dặm. Bà Luxia là một góa phụ, bà là cô ruột của chủ nhà mà Đức cha tạm trú trước đó.
- Theo ĐÀO QUẢNG TOẢN, Mến Thánh Giá thế kỷ 17 thành lập và tổ chức, 1998, chương 4, footnote 10 :  Trong những bài viết của các tác giả Việt Nam, chúng ta đọc thấy tên vị ân nhân này là «Bà Lucia Kỳ». Nhưng trong các bản viết tay của thừa sai De Courtaulin, vị ân nhân này mang tên là «Bà Lucia Ký» : AMEP. 734, 494 (Ba Kí) ; 735, 64 (Madame Lucie Kí) ; 734, 305 (Ba Khi). Bà Lucia Ký là một quả phụ giầu có, nhưng bà không có con. Thừa sai De Couraulin nói về bà bằng những lời sau : «Bà Lucia Ký (Madame Lucie Kí : từ «Madame» rất trang trọng) là người đàn bà đức hạnh nhất mà chúng tôi được biết trong vương quốc này. Bà đã cho xây lên một ngôi nhà thờ lớn mà bà đã dâng cho Đức Cha và các thừa sai của ngài. Và bà cung dưỡng tất cả những linh mục là những kẻ đi giúp các bổn đạo trong tỉnh hạt này.» (AMEP. 735, 64).
[18] A.LAUNAY, sđd, Tom I, trang 96.

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét