MỪNG LỄ NOEL THEO ĐỊNH HƯỚNG TÂN PHÚC ÂM HÓA
1- Lại một Noel nữa.
Mùa Giáng sinh sắp về, mọi người nhất là các Kitô hữu bắt đầu rộn ràng mừng Chúa Giáng Sinh. Hàng năm giáo hội dành cả Mùa Vọng để giúp Kitô hữu dọn mình mừng Chúa Giáng sinh. Ngày nay, nói đến Noel là cả người giáo lẫn lương đều nghĩ ngay tới hang đá, máng cỏ, đèn sao, nghĩ tới các nhân vật trong hang đá là Chúa Hài đồng Giêsu, thánh Giuse, đức Maria, các Thiên thần, các mục đồng và chiên bò lừa…Nhất là từ ngày đất nước mở cửa cho thế giới, việc mừng lễ Noel được tự do, khắp nơi đã sáng kiến nhiều cách tổ chức mừng lễ: văn nghệ giáng sinh, hoạt cảnh giáng sinh, canh thức giáng sinh, diễn nguyện giáng sinh…phụ họa theo còn có ca múa tân nhạc giáng sinh, ca cải lương giáng sinh… Gần đây còn đổi mới hang đá ở nhà thờ vừa hoành tráng vừa sáng sủa với các thứ đèn điện tử nhấp nháy. Có xứ nhà giáo dân nào cũng đua nhau làm hang đá máng cỏ đủ kiểu gọi là để truyền bá lễ giáng sinh cho những người chưa biết Chúa… Thật là trăm hoa đua nở. Song song với những tổ chức long trọng bề ngoài, cũng có những tổ chức sửa soạn tâm hồn, giúp hiểu biết ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel mỗi ngày sâu sắc hơn; còn có những tổ chức lạc quyên quần áo, chuẩn bị các phần quà giáng sinh để chia sẻ cho trẻ em và người nghèo bệnh tật, già yếu, cô đơn…
Đặc biệt vào cuối năm 2013, Thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam đã kêu gọi: “Công cuộc Tân Phúc âm hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ” (số 4). Và đức tổng giám mục Phaolô Bùi văn Đọc, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, trong một bài nói chuyện ngày 07-11-2013 có “đề ra vài dấu nhấn khái quát” và rất thiết thực về điều mà từ lâu đã được nói đến, là “giáo hội Việt Nam phải là giáo hội của người nghèo, cho người nghèo; là giáo hội của mọi người và cho mọi người; là giáo hội dấn thân Tân Phúc Âm Hóa”.
Noel năm nay 2014, là cơ hội thuận tiện để mọi Kitô hữu Việt Nam “duyệt lại xem” mình đã tổ chức mừng Chúa Giáng Sinh có đúng với ý nghĩa và chủ đích của Chúa và Giáo Hội không, có đúng với định hướng Tân Phúc Âm Hóa không.
2- Ý nghĩa và chủ đích của việc mừng Chúa Giáng Sinh.
Công cụ tìm kiếm thông tin Google đặt câu hỏi: “có phải mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa của hang đá Belem, của đèn sao, và những tượng đặt trong đó không?” Rồi Google tóm tắt nguồn gốc và ý nghĩa lễ Noel:
– Về ý nghĩa: lễ Noel là lễ mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng chỉ mừng từ năm 354, sau công nguyên, khi đức giáo hoàng Libêriô công bố chọn ngày 25 – 12 là ngày chính thức giáo hội mừng Chúa Giáng Sinh – chữ Noel là chữ thu gọn từ chữ Emmanuel, có nghĩa là “Chúa ở cùng chúng ta”. Trong lễ Noel mọi người đều hướng về Chúa nhân từ, cầu nguyện Chúa cứu rỗi cho nhân loại khỏi chiến tranh, nghèo đói, bất hạnh.
- Về hang đá Belem: năm 1223 khi thánh Phanxicô từ Rôma về Atxidi quê ngài, để mừng lễ Noel, ngài gặp một thầy tập tu và nói với thầy: “để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài đồng năm xưa nhé!” Từ đó mừng lễ Noel là có hang đá, máng cỏ, bò lừa.
… Google chỉ tóm lược có thế.
Tuy nhiên, sau hơn 2000 năm, nhiều người đã dựa vào các Phúc Âm và truyền thống của giáo hội để tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel. Có người cho rằng biến cố Noel là một biến cố lịch sử, mà nói đến lịch sử là nói đến quá khứ. Noel là một cú sốc rất lớn trong lịch sử đã bất thần xảy ra cách đây hơn 20 thế kỷ một cách khiêm tốn. Nó như một cuộc cách mạng lớn trong một thinh lặng lớn. Lý do thật là đơn giản: Noel nói lên tất cả tình yêu của một Thiên Chúa yêu say mê con người, đã sáng tạo con người; nhưng con người không vâng phục Thiên Chúa, họ đã chọn sống tự do theo bản năng của mình, theo luật rừng… Thiên Chúa vẫn duy trì tình yêu đó đối với con người, là tôn trọng tự do của con người, và Thiên Chúa tự xóa mình trước sự kiêu căng của con người, để xuống thế làm người cứu rỗi con người. Nhưng Noel không phải chỉ là biến cố thuộc quá khứ, Noel là biến cố của hiện tại, hay nói đúng hơn Noel thuộc quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế ta có thể nói Chúa đã giáng sinh, Chúa đang giáng sinh và Chúa sẽ giáng sinh. Bởi lẽ Chúa giáng sinh là giáng sinh trong tâm hồn những con người sẵn sàng đón tiếp Chúa, nó luôn gắn liền với lịch sử mỗi con người, nó kéo dài và hoàn thành trong lịch sử mỗi người. Cú sốc đã xẩy ra trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, cũng là cú sốc đang xẩy ra cho mỗi người trong hiện tại hôm nay và cũng sẽ là cú sốc cho mọi người thuộc các thế hệ tương lai.
Đi sâu hơn nữa có người hỏi cú sốc Noel là gì? Nó cốt tại cái gì? Có người coi nó là một cuộc kết hôn: cuộc kết hôn giữa Thiên Chúa sáng tạo và con người là thụ tạo. Chúa Kitô là Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, có trái tim để yêu thương, và Người dùng trái tim yêu thương vừa để mặc khải cho con người rằng Thiên Chúa là tình yêu, vừa để thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người. Đây là cuộc kết hôn vượt trên sức tưởng tượng của con người, bởi nó là cuộc kết hôn không tương xứng, không “môn đăng hộ đối” giữa đôi bên. Hơn thế, Thiên Chúa còn thực hiện cuộc hôn nhân này trong tôn trong tự do của con người.
Trước hết đối với Đức Maria, Thiên Chúa sai sứ thần ngỏ lời “hỏi” đức Maria, và chờ lời ưng thuận “xin vâng” của đức Maria rồi mới tiến hành cuộc nhập thể làm người trong lòng đức Trinh nữ. Sau là đối với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của chúng ta như vậy. Chúa Thánh Thần sẽ đến gõ cửa mỗi người để hỏi: “Bạn có thể cho Con Thiên Chúa đến ở cùng với bạn không?” (Emmnuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Và mỗi người chúng ta có thể trả lời có hoặc không, ngoài ra không còn cách nào khác.
Trả lời có là mở cửa mời Chúa đến ở cùng, Chúa sẽ biến đổi bạn thành con Thiên Chúa, và bạn sẽ cùng với mọi người con Thiên Chúa trở thành anh chị em với nhau con một Cha trên trời, cùng chung hưởng hạnh phúc với nhau trong yêu mến, cảm thương nhau.
Trả lời không là từ chối, không muốn có Chúa ở cùng, vì nhà bạn đã chứa đầy thần tượng, bạn sợ mất tự do phóng túng, mất chỗ làm sang làm giàu, bạn sẽ không có được niềm vui giáng sinh như các mục đồng, bạn có thể còn muốn diệt Chúa đi như có người đã giết chết các hài nhi ở Belem, dịp Chúa giáng sinh.
Như vậy ta hiểu được cốt lõi của ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel. Noel là một cú sốc, một biến cố xảy ra trong lịch sử loài người, Noel như là cuộc kết hôn giữa Thiên Chúa với con người. Cuộc kết hôn khởi sự với con người đầu tiên là Đức Maria, rồi với mỗi người chúng ta. Noel gắn liền với lịch sử mỗi người, nó kéo dài và hoàn tất trong cuộc đời mỗi người. Thiên Chúa “muốn ở cùng con người”, muốn ở trong trái tim, trong cuộc đời mỗi người. Thật là một cuộc kết hôn tuyệt vời. Cảm nghiệm được sự tuyệt vời đó, linh mục Giuse Maria Nguyễn văn Thích đã sáng tác bài hát: “Trời cao đất thấp gặp nhau”, trong đó có câu ca tụng Thiên Chúa :
Khiêm nhường đến thế thì thôi
Hạ mình đến thế tuyệt vời thẳm sâu.
(Cuộc hôn nhân được thực hiện trong bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể).
3- Mừng Chúa Giáng Sinh theo định hướng Tân Phúc Âm Hóa.
Phần đầu đã nói: Noel là cơ hội thuận tiện để mọi Kitô hữu Việt Nam “duyệt xét lại xem” mình đã tổ chức mừng Chúa giáng sinh theo định hướng của Tân Phúc âm hóa chưa, nghĩa là tổ chức mừng Chúa giáng sinh để Phúc âm hóa chính mình và Phúc âm hóa những người sống chung quanh mình, với một nhiệt tình mới, với một phương cách mới chưa?. Mới ở đây là tổ chức mừng lễ theo đúng ý nghĩa và chủ đích mà Chúa muốn. Điều Chúa muốn là Noel phải là lễ Chúa giáng sinh để “ở cùng con người” (Emmanuel), để đến trong trái tim, trong cuộc đời mỗi người. Mỗi dịp lễ Noel là cơ hội đặc biệt Chúa gõ cửa hỏi mỗi người: “Con có chỗ cho Chúa ở cùng con không? Con có dọn chỗ cho Chúa ở cùng những người thân cận chung quanh con, những người chưa biết Chúa, những trẻ em bị bỏ rơi, những người già yếu, bệnh tật cô đơn không?
Ở Á đông chúng ta có một kinh nghiệm rất quí giá là: “dĩ lễ tồn tâm”, nghĩa là dùng lấy lễ nghĩa bên ngoài để bảo tồn tâm tình bên trong: lấy lễ nghĩa thờ trời, thờ ông bà tổ tiên… để bảo tồn lòng hiếu trung với trời hiếu thảo với tổ tiên. Để mừng lễ Noel chúng ta đã có nhiều truyền thống lễ nghĩa bên ngoài như hang đá máng cỏ, đèn sao, như văn nghệ ca múa, như hoạt cảnh, canh thức, diễn nguyện, kiệu Chúa giáng sinh; chúng ta còn tổ chức lạc quyên tiền bạc, quần áo, gói các phần quà giáng sinh để chia sẻ cho mọi người… Theo ý muốn của Hội đồng Giám mục, chúng ta cần duyệt xét để chọn lựa những gì thực sự bảo tồn được điều cốt lõi của lễ Noel là đón tiếp, là kết hôn, là hiệp thông với Chúa ở trong trái tim, trong tâm hồn mình;đồng thời cùng giúp cho mọi người chung quanh hiểu đúng ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel để họ có thể đón tiếp Chúa vào trong trái tim và cuộc đời họ.
Nhiều xứ đạo có thói quen trước lễ mọi người cùng đi kiệu rước tượng Chúa Hài đồng rất xinh đẹp bằng thạch cao hoặc bằng nhựa tổng hợp, đem vào đặt trong hang đá máng cỏ, được trang trí lộng lẫy… Nếu cuộc rước kiệu đó không mang ý nghĩa là bày tỏ tâm tình chúng ta chân thành rước Chúa vào trái tim, vào cuộc sống chúng ta hằng ngày, thì cuộc kiệu ấy mang ý nghĩa gì? Tôi cũng nhớ đến một câu chuyện về giấc mơ của một cha xứ. Sau khi cha tổ chức và cử hành lễ Noel trang trọng cũng như ăn tiệc giáng sinh vui vẻ, cha xứ về ngủ thiếp đi và mơ thấy Chúa Hài đồng hiện ra. Cha nói với Chúa Hài đồng: “Con đã đem hết khả năng để tổ chức mừng lễ Noel thật hoành tráng, Chúa có thích không?” Chúa Hài đồng mắt đẫm lệ trả lời cha xứ rằng: “người ta đâu có rước Ta vào tâm hồn và vào cuộc đời họ…”
Ngày nay mừng lễ Noel, chúng ta cần lưu ý đề phòng khuynh hướng của nhiều người muốn tục hóa lễ Noel, lợi dụng lễ nghĩa mừng Noel, để ganh đua sẵn sàng chi phí cho việc đổi mới hang đá hoành tráng hơn, đèn sao tối tân hơn, đổi mới cách vui chơi, ăn uống, du lịch giáng sinh cho thỏa thích hơn…Họ không quan tâm đến ý nghĩa và chủ đích của lễ Noel là Chúa muốn đến ở với mọi người, Chúa mong vào trong trái tim, vào trong cuộc đời của mỗi người; họ như vô cảm với những khu nhà ổ chuột, trong đó có những trẻ em bị bỏ rơi, những người già yếu bệnh tật cô đơn, những địa chỉ nhân đạo đang cần có người mang Chúa đến để ở cùng họ, yêu thương và cảm thương, an ủi họ…
“Chúa yêu ta đến thế. Ai mà không yêu lại!”
“Anh em thân mến,
nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau”.
nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau”.
(1 Ga 4, 11)
Linh mục Antôn Nguyễn mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng linh mục Cần Thơ
Tháng 10 năm 2014
(Nguồn: xuanbichvietnam.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét