Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN KONTUM

  
 Nhà thờ Chánh tòa Giáo phận Kontum
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Công cuộc loan báo Tin Mừng cho vùng Truyền giáo Tây Nguyên đã bắt đầu dưới thời Đức Giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Đức Giám mục đã trực tiếp chỉ đạo công việc từ hầm trú suốt 26 năm trời (1835-1861). Khởi đầu, ngài đã sai những giáo dân như Ông Cả Ninh, Ông Cả Quới (năm 1939 và năm 1842), Ông Cả Ân (năm 1848) dẫn đầu các đoàn truyền giáo đi tiên phong.
Sau nhiều thất bại, năm 1848, vào lúc miền xuôi đang trải qua những tháng năm cấm cách, Đức cha lại sai thầy sáu Do tiếp tục tìm đường mở lối. Thầy đã đưa các vị thừa sai vào được miền Tây Nguyên hai năm sau đó (1850). Mặc dù khó khăn chồng chất, gian nan ngập tràn, nhưng nhờ sự hướng dẫn hy sinh, gan dạ và khôn ngoan của thầy sáu Do, các vị truyền giáo – gồm giáo dân, thầy giảng, chủng sinh, linh mục đã vượt qua thử thách và kiên trì đem Ánh sáng Tin Mừng lên miền Trường Sơn cách trở. Năm 1851, nhờ ơn Chúa quan phòng đã thiết lập được các trung tâm truyền giáo đầu tiên cho người bản xứ Bahnar, Jơlơng, Rơngao, Xêđang, Jarai, mà thời đó gọi chung là Miền Truyền Giáo Bahnar.
Tất cả mọi việc điều hành đều phụ thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Tuy nhiên, vì có địa thế hiểm trở, tách biệt với miền Đồng Bằng do rừng núi trùng điệp bao quanh, giao thông trắc trở và và các thổ âm khác biệt, phong tục tập quán xa lạ, nên Miền truyền giáo Tây Nguyên cần có những vị Bề trên tại chỗ Đại diện Đức Giám mục Đông Đàng Trong để giải quyết kịp thời và đúng mực những nhu cầu địa phương.
Sau đây là các Bề trên miền Truyền giáo Kontum: Cha Bề trên Gioan Phêrô Combes Bê (1851-1857); Cha Bề trên Phêrô Dourisboure Ân (1857-1885, qua đời 1890); Cha Bề trên Jules Vialleton Truyền (1885-1909); Cha Bề trên Jean Baptiste Guerlach Cảnh (1910-1912); Cha Bề trên Emile Kemlin Văn (1912-1924); Cha Bề trên Martial Jannin Phước (1924-1932).
Sau 82 năm (1850-1932), Miền Truyền giáo Kontum phát triển về mọi phương diện, được công nhận là xứng đáng và hội đủ điều kiện để được nâng lên thành một Giáo phận Tông Tòa. Ngày 14.01.1932, Tòa Thánh loan báo quyết định của Đức Thánh Cha Piô XI tách Miền Truyền giáo Tây Nguyên khỏi Giáo phận Tông tòa Qui Nhơn để thành lập Giáo phận Tông tòa Kontum. Giáo phận Tông tòa Kontum chính thức thành lập ngày 18.01.1932.
Ngày 15.01.1933 Tòa Thánh ban sắc chỉ bổ nhiệm Cha Bề trên Jannin (Phước) làm Giám mục Tông tòa tiên khởi, và ngày 23.06.1933, buổi lễ tấn phong được cử hành long trọng tại nhà thờ Chính tòa Kontum.
Ngày 24.11.1960, Tòa Thánh đã ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Giáo phận Tông tòa Kontum trở thành Giáo phận Chính tòa và Đức giám mục Phaolô Seitz (Kim) trở thành Giám mục Chính tòa Giáo phận Kontum.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
  1. Địa lý và dân số thời kỳ truyền giáo
Vùng Truyền giáo Kontum lúc khởi đầu chiếm một phần lớn dãy núi cao nguyên phía tây tây nam của Giáo phận Đàng Trong, bao gồm 3 tỉnh người dân tộc thiểu số là  Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột của Việt Nam, và tỉnh Attopeu thuộc nước Lào, diện tích khoảng 70.000 km2, với chiều rộng (Đông-Tây) khoảng 200-250 km; chiều dài (Bắc-Nam) khoảng 450-500 km. Phía Đông giáp Gp. Qui Nhơn, dài hơn 500 km và bị dãy Trường Sơn chia cắt; phía Bắc giáp Gp. Huế; phía Tây giáp Lào và Campuchia; phía Nam giáp Gp. Sài gòn. Phần lớn diện tích Giáo phận nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, có địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Khí hậu thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; độ ẩm cao và lượng mưa tương đối lớn. 
Dân số toàn vùng: 750.000 người, đa số đồng bào Thượng 700.000 người; đồng bào Kinh: 30.000 người và đồng bào Lào: 20.000 người. Giáo dân Công giáo: 23.652 người, trong đó Giáo dân Thượng: 18.119 người; Giáo dân Kinh: 5.533 người. Số linh mục: 27 Lm, gồm 13 Thừa sai Pháp, 11 Lm Việt Nam và 3 Lm Bahnar; Tiểu chủng sinh: 15; Đại chủng sinh: 04; Nữ  tu các dòng: 34; Yao phu: 225; Thầy giảng: 19; Giáo lý viên: 160.  
Đến năm 1944, tỉnh Attopeu (diện tích 4.609,35 km2) tách khỏi giáo phận Kontum, nhập về Lào. Năm 1960, Tòa Thánh thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam. Giáo phận chính tòa Kontum: Số giáo dân 73.966 giáo dân (Kinh: 46.611 + Thượng: 27.355); Số Linh mục: 105 Lm (MEP 39+Việt, Bahnar:66); Đại chủng sinh: 37 thầy; Tiểu chủng sinh: 180 chú; Dự tòng: 18.802 người; Xứ họ: 271 xứ họ.
Ngày 22.06.1967, Tòa Thánh tách tỉnh Daklak khỏi Kontum lập giáo phận mới Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh: Daklak, Quảng Đức và Phước Long. Giáo phận Kontum còn lại 3 tỉnh: Kontum, Pleiku và Phú Bổn, diện tích: 25.573 km2; Linh mục: 84 Lm (32 Lm MEP, 50 Lm Việt và 1Lm Bahnar); Giáo dân79.945 người (47.000 Kinh+32.945 Thượng); 44 địa sở; 205 giáo họ. 
  1. Địa lý và dân số hiện nay 
   Giáo phận Kontum hiện nay (2016), gồm 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai:
     –  Diện tích: 25.225 km2.   Dân số: 1.775.200 người.         
     –  Tổng số giáo dân (2016): 330.394 (Người Kinh: 101.595 ;  Người Thượng: 226.789)
     –  Giáo hạt và giáo xứ: 10 giáo hạt (Miền Kontum 3 giáo hạt, Miền Pleiku 7 giáo hạt)
     –  Dòng tu: 33 Dòng, Tu Hội (22 Dòng Nữ, 11 Dòng Nam)
     – Số nam nữ tu sĩ: 612 (506 nữ tu sĩ, 106 nam tu sĩ);  – Số Cộng đoàn: 128.
    –  Nhà Mồ côi: 7 nhà, 757 em (Kontum 6 nhà, 718 em; Gia Lai 1 nhà, 39 em).
    –  Nhà Mẫu Giáo: 20 nhà, 3016 em (Kontum 7 nhà, 563 em; Gia Lai 13 nhà, 2453 em) .
    –  Nhà Trẻ Làng: 20 nhà, 1038 em (Kontum 4 nhà, 290 em; Gia Lai 16 nhà, 748 em).
    –  Nhà Nội Trú: 68 nhà, 3147 em (Kontum 30 nhà, 1287 em; Gia Lai 38 nhà 1860 em).

III. NHÂN SỰ
  1. Giám mục đương nhiệm: Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
  1. Các Giám mục tiền nhiệm:
   1/ Đức Cha Martial Jannin Phước (1933-1940)
   2/  Đức Cha Gioan Liévin Sion Khâm (1942-1951) 
   3/ Đức Cha Phaolô Leo Seitz Kim (1952-1960 Tông Tòa) (1960-1975 Chính Tòa)
   4/ Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc (1975-1995)
   5/ Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung (1981-2003)
   6/ Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh (2003-2015)
  1. Linh mục: Tổng số 152 linh mục (Lm. Dòng: 62;  Lm. Triều: 90)
       Số Cha quản hạt: 10; Số Cha sở: 86; Số Cha phó: 46; Số Cha hưu: 5; Số Cha mục vụ khác: 17.
  1. Chủng sinh:
    –  Đại Chủng viện Huế : 78 thầy (4 lớp thần học, 2 lớp triết học và một lớp tu đức).
    –  Ứng sinh Nhà Bok Do (Pleiku): 29 em (24 em ứng sinh chuẩn bị gia nhập ĐCV, 5 em đang theo học Cao đẳng).
    –  Ứng sinh Nhà Bok Kiơm (Sài gòn): 31 em (5 em học luyện thi đại học tại nhà, số còn lại theo học tại các trường Cao đẳng và Đại học tại Sài gòn).
    –  Lớp thực tập: 10 thầy ;    -Lớp mãn khóa ĐCV: 4 thầy.
  1. Tu sĩ: Tổng số tu sĩ nam nữ: 612 (Số tu sĩ nam: 106; Số tu sĩ nữ: 506).
            Tổng số dòng tu: 33 (11 dòng nam, 22 dòng nữ).

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN
   1/ Giám mục 
      Giám mục đương nhiệm: Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
      Giám mục hưu: Micae Hoàng Đức Oanh 
      Giám mục hưu: Phêrô Trần Thanh Chung
   2/ Tổng Đại Diện: Lm. Phêrô Nguyễn Vân Đông
   3/ Các Linh Mục Đặc Trách:
     – Thư ký Toà Giám Mục: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa
     – Quản lý Giáo Phận:  Lm. Giuse Trần Văn Bảy
     – Hạt Trưởng và các Ban Mục vụ (xem phần phụ lục)
      
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
  1. Nhà thờ Chính tòa (13 Nguyễn Huệ, Kontum): 
Nhà thờ Chính tòa được làm hoàn toàn bằng các danh mộc: cà chít, sao, vách trét đất trộn rơm… Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1913, khánh thành vào lễ Hiển Linh năm 1918 với nét mỹ thuật gô-tích đẹp đẽ và uy nghi mang thánh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ Chính tòa Kontum còn được biết nhiều dưới tên gọi mộc mạc “Nhà thờ Gỗ”.
  1. Chủng viện Thừa sai Kontum(146 Trần Hưng Đạo, Kontum)
Chủng viện được khởi công xây dựng năm 1934, do Đức Cha Martial Jannin Phước, hoàn thành nửa cánh phải (Probatorium=Trường thử) và khai giảng khóa đầu tiên vào đầu năm 1935. Chủng viện được xây dựng hoàn thành hoàn toàn vào năm 1938. Tòa nhà toàn bằng gỗ quí: cà chít, sao…, có 2 tầng lầu và một tầng trệt, dài 100m, các cột nhà được đặt trên bệ xây xi-măng cao 2m. Nơi đây, chủng sinh được đào tạo liên tục từ sau năm 1935. Đến năm 1975, việc đào tạo phải tạm dừng vì thời cuộc.
Hiện nay (2016), Giáo phận đang đào tạo các ứng sinh chủng viện tại hai cơ sở: 
   –  Nhà Bok Do, trong khuôn viên giáo xứ Đức An, đường Wừu, Tp. Pleiku
   –  Nhà Bok Kiơm tại Sài gòn: các ứng sinh trú ngụ tạm thời tại 2 địa điểm thuộc giáo xứ An Lạc và giáo xứ Chí Hòa.
  1. Tòa giám mục(146 Trần Hưng Đạo, Kontum)
TGM tọa lạc cạnh khu đất phía sau Chủng viện về hướng tây nam, được hoàn thành và sử dụng vào năm 1966, thời Đức Cha Phaolô Seitz Kim.
  1. Trung tâm mục vụ 
Hiện tại, Giáo phận sử dụng tòa nhà Chủng viện Thừa sai Kontum làm Trung tâm Mục vụ, bên trong gồm: 
   –  Phòng Truyền Thống của Giáo phận thiết lập năm 1998 dịp 150 Truyền giáo Tây Nguyên (1848-1998)
   –  Văn phòng Ban Mục vụ Truyền thông, Văn phòng Ban Mục vụ Giáo lý… nơi ở và làm việc của linh mục Tổng đại diện và một số linh mục.v.v.
  1. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen (Xã Đăk Long, Huyện Kon Plông, Kontum)
Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được gọi là Tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ Cụt Tay) là một di tích, điểm hành hương Công giáo của Giáo phận Kontum. Ngày 28.12.2006, ĐGM giáo phận dẫn đầu phái đoàn đã đến viếng Tượng Đức Mẹ lần đầu tiên. Từ năm 2007, rất nhiều người lương giáo đã đến cầu nguyện tại đây, hình thành điểm hành hương tôn giáo. Ngày 21.10.2017, Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đền Thánh Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen do Đức giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị chủ tế cùng linh mục đoàn, đông đảo tu sĩ và giáo dân.

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI
  1. Đào tạo nhân sự
Việc đào tạo linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân được xem như mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong Giáo phận. Cụ thể như sau: 
   – Xây dựng, củng cố Ban chức việc như: các Câu, Biện (những giáo dân tốt trong xứ đạo, luôn đi đầu trong phục vụ theo tinh thần Chúa Kitô). Người chức việc cùng với linh mục phụ trách điều hành xứ đạo.
   – Đào tạo Giáo phu: tiếp nối và canh tân Hội Giáo phu.
   – Cổ võ việc học văn hóa như chìa khóa nâng cao phẩm giá con người. Bằng nhiều cách thế, Giáo phận giúp con em học sinh nghèo, không phân biệt dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số.
    – Đào tạo giáo lý viên: giúp giới trẻ có tinh thần phục vụ, dấn thân, hy sinh biết đem Tin Mừng đến người khác.
   – Kiện toàn và định hướng rõ nét linh đạo của hội đoàn Công giáo tiến hành để phát uy sức sống của người tông đồ giáo dân: như Lego Maria, Thiếu Nhi Thánh Thể…
  1. Nâng cao đời sống người dân
    – Vấn đề luôn ưu tư, luôn lo lắng băn khoăn trăn trở, là làm thế nào tìm ra những giải pháp tốt để “tháo gỡ” cho người dân tộc thoát khỏi phần nào đó đời sống nghèo khó, bệnh tật, và làm sao cho con cái của họ không phải chịu sự thiệt thòi.
    – Phục vụ người nghèo, người lầm lỡ, người bệnh tật…giúp họ có được phẩm giá xứng hợp.
  1. Xây dựng cơ sở tôn giáo
Không hình thức, phô trương nhưng quan tâm đến nhu cầu tối thiểu và cần thiết. Trong giáo phận, số họ đạo người Kinh hiện chưa có nhà thờ, nhà nguyện là 57 họ đạo (tương ứng với số giáo dân 13.318 người); Số Làng người Thượng chưa có nhà thờ, nhà nguyện là 405 Làng (tương ứng với số giáo dân 83.160 người).
TTHH Đức Mẹ Măng Đen đã khởi công xây dựng, rất cần chung tay góp sức để sớm hoàn thành đáp ứng nhu cầu tâm linh và tôn giáo của đồng bào có đạo và không có đạo.

VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
     –  Tòa Giám mục Giáo phận Kontum
            Địa chỉ: 146 Trần Hưng Đạo, Kontum
            Số điện thoại văn phòng: (260) 3862.372
            E-mail: tgmktum@gmail.com
     –  Cha Thư ký: 0914.434.362; E-mail: quanghoaluy@gmail.com 
     –  Website của giáo phận http://giaophankontum.com
                          
 PHỤ LỤC (tháng 12.2017)
1. Hạt Trưởng các Hạt 
        Kontum:  Lm. Giuse Đỗ Hiệu
        Đăk Hà:  Lm. Phaolô Nguyễn Đức Hữu
        Đăk Mót:  Lm. Phanxicô Xaviê Lê Tiên
        Pleiku:  Lm. Đaminh Đinh Quang Vinh
        Ayunpa:  Lm. Gioan Nguyễn Đức Trường
        An Khê:  Lm. GB. Trần Quang Truyền
        Chư Păh:  Lm. Phanxicô Assisi Phạm Ngọc Quang
        Chư Prông:  Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Hùng
        Chư Sê:  Lm. Antôn Hoàng Văn Lợi
        Mang Yang: Lm. Tôma Aquinô Trần Duy Linh
  1.  Ban Mục Vụ
       Phụng tự: Lm. Phêrô Nguyễn Đình Lộc 
       Dịch thuật Kinh Thánh và Phụng vụ: Lm. Giuse Trần Sĩ Tín (CSsR) và Phêrô A Đên
       Thánh Nhạc: Lm. Vinhsơn Nguyễn Thành Trung (OFM)
       Tòa Án Hôn Phối: Lm. Giuse Trần Ngọc Tín
 
  1. Ban Giáo Lý và Giáo Dục
       Chủng Sinh: Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng 
       Gia Đình Ơn Gọi và Gia Đình Phanxicô Xaviê: Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng
       Giáo Dục: Lm. Đaminh Trần Văn Vũ.
       Giáo Lý và Thiếu Nhi Thánh Thể: Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn 
        
  1. Ban Giáo Sĩ và Tu Sĩ
       Thường Huấn linh mục: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
       Thường Huấn linh mục trẻ: Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng
       Đại diện GM về Tu sĩ: Lm. Giuse Hoàng Hữu Chi (OFM) 
       Dòng Ảnh Phép Lạ: Lm. Phêrô Nguyễn Đình Lộc
 
  1.  Ban Truyền Giáo, Văn Hóa và Truyền Thông
      Loan Báo Tin Mừng : Lm. Antôn Zac. Phan Tự Cường (OP); Đaminh Đinh Quang Vinh
      Truyền Thông: Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
      Văn Hóa: Lm. Gioakim Lương Đông Vỹ
      BAXH – Caritas: Lm. Giacôbê Trần Tấn Việt
  
  1. Các Đoàn Thể Công Giáo Tiến Hành
      Chức Việc: Lm. Phaolô Tống Phước Hảo (CM) và Phêrô Hoàng Văn Số (SDB)
      Gia Đình: Lm. Bênêđictô Nguyễn Văn Bình và Đaminh Nguyễn Xuân Hùng
      Giáo Dân : Lm. GB Nguyễn Minh Hoàng
      Hiền Mẫu: Lm. Bênêđictô Nguyễn Văn Bình và Đaminh Trương Bảo Tâm
      Hiền Phụ: Lm. GB Nguyễn Minh Hoàng
      Legio Mariae: Lm. Phaolô Nguyễn Đức Hữu và Đaminh Trương Bảo Tâm
      Lòng Thương Xót: Lm. Giuse Đỗ Hiệu và Phêrô Nguyễn Tương Lai (SVD)
      Yao Phu – Kŏ Khul: Lm. Phaolô Nguyễn Đức Hữu
 
  1. Ban Phát Triển và Xây Dựng
      Phát Triển: Lm. Giuse Đỗ Hiệu
      Xây dựng: Lm. Phaolô Nguyễn Đức Hữu
NGUỒN: Văn Phòng Tòa Giám Mục Kontum
Cập nhật 15/12/2017
GPKONTUM (15/12/2017) KONTUM
web: giaophankontum.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét